Những thay đổi trong đời sống thời Covid-19

Thời đại Covid-19 là một giai đoạn biến động lớn mà không một quốc gia, một xã hội hay một cá nhân nào được chuẩn bị trước để ứng phó. Đại dịch có quy mô toàn cầu này đang đặt ra những thách thức chưa từng có tiền lệ và những khó khăn vô cùng lớn lên mọi mặt đời sống. Đặc biệt, sự xuất hiện của chủng Delta trong mấy tháng gần đây với tốc độ lây nhiễm cực nhanh mà không có biểu hiện bên ngoài rõ ràng là một biến cố rất đáng lo ngại. Covid-19 có lẽ sẽ không kéo dài mãi; tuy nhiên đại dịch này đang định hình lại đời sống của chúng ta theo cách chưa từng thấy và những thay đổi hôm nay rất có thể sẽ ở lại ngay cả khi đại dịch kết thúc.

Trạng thái “thiết quân luật” giữa thời bình

Thay đổi đầu tiên, dễ dàng nhận thấy nhất là cách thức nhà nước quản lý xã hội trong tình trạng khẩn cấp như hiện nay. Trạng thái chống cự dịch bệnh đang được ví như cuộc kháng chiến trường kỳ mới, buộc nhà nước phải đưa ra những biện pháp “thiết quân luật” để bảo vệ mạng sống cộng đồng, đóng cửa với quốc tế, giãn cách xã hội và tạm dừng nhiều hoạt động dân sự và thương mại không cần thiết.

Từ khi dịch bệnh bùng phát lần thứ 4 trở lại cho đến nay, các cuộc họp bất thường của các cấp lãnh đạo từ Chính phủ đến UBND các cấp thường xuyên diễn ra để bắt kịp với diễn biến khó lường của dịch bệnh. Biện pháp đang được chính quyền sử dụng là giãn cách xã hội quy mô toàn thành phố, từ lúc ban hành chỉ thị đến khi áp dụng có thể chỉ cách nhau vài giờ đồng hồ. Chưa bao giờ lực lượng Quân đội, Công an và dân phòng được huy động ở mức độ cao như hiện nay. Các chốt phong tỏa có thể được dựng ngay trong đêm nếu xuất hiện ca F0 trong cộng đồng. Ngoài các chốt phong tỏa, chốt kiểm dịch, chốt kiểm soát giao thông cũng được thành lập để quản lý di chuyển của người dân. Phương thức kiểm soát cũng gần như thời chiến, với các yêu cầu về “giấy thông hành”, “giấy xét nghiệm Covid”, “giấy xác nhận của đơn vị sử dụng lao động”… Trước thực tế hàng loạt lao động ngoại tỉnh rời địa bàn thành phố về quê do cạn kiệt kế sinh nhai, TP Hồ Chí Minh đã đưa ra yêu cầu người ngoại tỉnh có nguyện vọng trở về quê phải đăng ký với chính quyền địa phương để tổ chức xe đưa, không được tự do rời thành phố. Thực hiện nguyên tắc cách ly “gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện…” các rào chắn ngăn cách các khu dân cư cũng được dựng lên, người dân được yêu cầu không ra khỏi nhà và được phát phiếu để đi chợ ba lần một tuần…

Có thể nói trạng thái “chiến đấu” của xã hội đang biểu hiện rất rõ ràng trong từng ngày. Các thuật ngữ “vùng đỏ”, “vùng xanh” được ra đời để phân loại tình hình dịch bệnh tại các địa phương, xác định đâu là “mặt trận”, đâu là “hậu phương” trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Chủ trương “chống dịch như chống giặc”, “vừa chống dịch vừa sản xuất” được thực hiện sâu sát, người lao động các khu công nghiệp được sắp xếp ăn ở tại nơi làm việc để đảm bảo hoạt động sản xuất. Xe của Binh chủng Hóa học xuất hiện ngay giữa nội đô để làm nhiệm vụ khử khuẩn quy mô lớn toàn thành phố. Ký túc xá các trường đại học, các khu nhà tái định cư được trưng dụng làm khu cách ly, bệnh viện dã chiến. Lực lượng y tế trở thành “đội quân áo trắng” được điều động đến các tuyến đầu chống dịch và các vùng bệnh nặng. Sinh viên y khoa của các trường đại học cũng trở thành “thanh niên xung phong” thời Covid. Các tỉnh tổ chức chuyến xe “tiếp tế” thực phẩm cho tâm dịch TP Hồ Chí Minh, người dân các địa phương cũng chủ động tiếp tế cho các khu phong tỏa tại khu vực mình sinh sống.

Tiếp tế lương thực cho người dân trong khu cách ly ngõ 165 Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: VnExpress

Xác định mục tiêu cao nhất là đảm bảo tính mạng cộng đồng, cho tới nay, các chỉ thị mà nhà nước đang áp dụng để ngăn chặn lây nhiễm đã đạt được những hiệu quả nhất định. Các chỉ thị này không phải là luật, mà là các biện pháp đối phó với tình thế nguy cấp hiện tại nên ít nhiều sẽ nhận được ý kiến trái chiều, cho rằng việc nhà nước hạn chế và kiểm soát hoạt động dân sự như vậy là vi phạm quyền tự do, nhân quyền cơ bản, mâu thuẫn với các quyền cơ bản của người dân như tự do đi lại, tự do hoạt động kinh tế và thương mại… Nhưng yêu cầu bảo vệ tính mạng người dân là yêu cầu cao nhất trong lúc này, nguy cơ đe dọa về nhân mạng buộc lãnh đạo nhà nước và chính phủ phải đề ra các biện pháp khẩn cấp.

Tuy nhiên phải nhìn nhận rằng các biện pháp giãn cách như hiện nay chỉ có thể áp dụng tạm thời, trong khi diễn biến dịch ngày càng nhanh chóng và khó lường. Nhà nước nên tính trước đến trường hợp dịch bệnh kéo dài hơn nữa để duy trì đời sống cho nhân dân Francis Fukuyama, học giả Kinh tế Chính trị nổi tiếng trên thế giới, đã nhận định: “Các yếu tố chịu trách nhiệm cho các ứng phó đại dịch là năng lực của nhà nước, lòng tin của xã hội và khả năng lãnh đạo. Quốc gia nào có cả ba yếu tố – một bộ máy nhà nước có thẩm quyền, một chính phủ mà nhân dân tin tưởng và lắng nghe, và các nhà lãnh đạo hiệu quả, sẽ thành công một cách ấn tượng, hạn chế được thiệt hại – và ngược lại”. Trong ba yếu tố mà Fukuyama đưa ra, sự đồng thuận, lòng tin của xã hội là yếu tố quan trọng nhất, vì nó vừa là động lực chính đưa quốc gia vượt qua khủng hoảng, vừa chính là thước đo về năng lực lãnh đạo và vận hành hiệu quả của nhà nước. Như vậy, tuy tình huống hiểm nghèo đòi hỏi biện pháp quyết liệt, việc cân nhắc phản ứng xã hội vẫn vô cùng quan trọng. Hay như chính lời dạy của Bác Hồ: “Được lòng dân, thì việc gì cũng làm được, trái ý dân, thì chạy ngược chạy xuôi”.

1. Một xã hội tạm ngừng chuyển động

Trong bối cảnh nhà nước phải áp dụng các biện pháp giãn cách, truy vết và xét nghiệm trên diện rộng, các hoạt động dân sự buộc phải ngừng lại. Giãn cách xã hội đồng nghĩa với việc chuyển trạng thái xã hội từ “động” sang “tĩnh”.

Điều này được nhận thấy trước hết ở các hoạt động kinh tế. Cho dù nhiều nhà máy đã bắt đầu tổ chức cho công nhân ăn ở tại nơi làm việc để không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, những đợt tấn công với tốc độ nhanh và mức độ lây nhiễm cao của dịch bệnh vào các khu công nghiệp đã gây tổn hại không nhỏ cho hoạt động kinh tế của đất nước. Kể cả khi hoạt động sản xuất được duy trì trong khả năng có thể thì các nhà máy cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguyên liệu sản xuất đầu vào, phân phối hàng hóa đầu ra, do chuỗi vận chuyển gặp nhiều trở ngại. Nguyên nhân là do mật độ các chốt kiểm dịch tương đối cao và các yêu cầu y tế khắt khe cho nhân viên vận tải. Các yêu cầu của nhà nước nhằm đảm bảo an toàn dịch tễ trong lưu thông hàng hóa nhận được sự đồng thuận cao, các đơn vị vận tải cũng chuẩn bị các phương án vận chuyển hàng hóa theo quy định và gửi tới Sở Giao thông Vận tải, nhưng tốc độ lưu thông hàng hóa hiện tại vẫn còn chậm, nguồn tiếp ứng hàng hóa thiết yếu vào vùng dịch còn nhỏ giọt. Trong bối cảnh cánh cửa xuất khẩu bị thu hẹp, kinh tế gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường nội địa thì chuỗi vận tải hàng hóa là mắt xích cốt yếu không được phép đứt đoạn, cần được tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để lưu thông cung ứng hàng hóa được thông suốt.

Mặt khác, tình hình dịch bệnh lâu ngày đang tác động trực tiếp đến thu nhập của người dân, mà thu nhập bị ảnh hưởng cũng có nghĩa là sức mua giảm sút. Người dân bắt đầu thói quen chi tiêu dè sẻn, chỉ tiêu dùng vào các nhu yếu phẩm cần thiết nhất để duy trì cuộc sống. Xu hướng “tự cung tự cấp” cũng tăng cao. Mô hình “vườn trong phố” xuất hiện từ trước khi có Covid nhưng đến giai đoạn đại dịch mới thật sự lan rộng, khi mọi nhà đều cố gắng để dành khu vực ban công hoặc sân thượng, hoặc chỉ là một hộp xốp, dành để trồng rau. Như thế vừa cải tạo cảnh quan trong gia đình, vừa là biện pháp tiết kiệm và phòng xa nếu xảy ra tình huống thiếu thực phẩm. Số lượng lao động bị mất việc làm tăng cao, sinh viên vừa ra trường đã đối mặt với nguy cơ không có việc làm, còn đối tượng lao động nghèo, lao động công nhật gần như không còn kế sinh nhai. Công sở tại các thành thị nơi thì hoạt động cầm chừng, nơi thì đóng cửa hẳn. Các đơn vị kinh doanh trả mặt bằng, các cửa hàng treo biển thanh lý hàng hóa do không thu được lãi, không kham nổi chi phí thuê địa điểm. Ngay cả khi chưa có chỉ thị giãn cách, những con phố nổi tiếng sầm uất, mua bán tấp nập ở Hà Nội cũng đã vắng vẻ, đìu hiu.

Rõ ràng, dịch bệnh kéo dài kết hợp với tỉ lệ mất việc làm tăng cao, suy thoái kinh tế trầm trọng và gánh nặng nợ nần sẽ tạo ra căng thẳng trong xã hội. Nhóm người yếu thế, những người có tích lũy ít hoặc không có tích lũy sẽ là nhóm chịu nhiều tổn thương nhất, và cũng chính vì vậy sẽ là nhóm có nguy cơ bất ổn cao nhất. Biện pháp giãn cách chỉ đạt được hiệu quả cao nhất nếu toàn bộ xã hội đồng thuận “ai ở đâu ở yên đấy”. Nhưng chỉ những người có mức tích lũy cao mới đủ sức chống chọi với thời gian “không làm gì” dài hạn như vậy, còn với những người lao động nghèo, lao động công nhật vốn đã “ăn bữa nay lo bữa mai” sẽ phải đối phó như thế nào? Đưa người lao động ngoại tỉnh rời thành phố trở lại quê hương như chủ trương của TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là phương cách tốt nhất hiện nay, vừa giảm gánh nặng cho thành phố, vừa đỡ nỗi lo cho người lao động nghèo, tránh nguy cơ “bần cùng sinh đạo tặc”, và cần được tổ chức thực hiện nhanh nhất có thể.

“Vườn trong phố” đang là xu hướng được các gia đình quan tâm do ảnh hưởng của dịch bệnh

Không chỉ các hoạt động kinh tế, thương mại bị ngừng trệ, các không gian sinh hoạt cộng đồng cũng không còn sôi nổi như trước. Người lớn tuổi không thể đến các nhà văn hóa, các câu lạc bộ người cao tuổi hay tham gia các hoạt động thể dục, thể thao cộng đồng. Trẻ em không thể đến trường học, không có trải nghiệm học đường, không được kết nối trực tiếp với thầy cô và bè bạn. Nhiều em nhỏ mới vào lớp Một, chưa biết chữ đã phải làm quen với cách học online. Muốn có tương tác xã hội thì phải có không gian để tương tác, nhưng dịch bệnh đang khiến cho kết nối xã hội dần bị đứt gãy. Làm sao có thể tương tác với nhau khi mọi người phải đứng cách xa nhau 2m? Làm sao có thể giao lưu với nhau khi không ai dám “tay bắt mặt mừng” vì sợ lây nhiễm? Làm sao có thể ngắm nhìn nhau khi ai cũng phải đeo khẩu trang che mặt khi tiếp xúc? Các nhà khoa học đã chỉ ra mối liên hệ giữa các tương tác vật lý tới sự đồng cảm xã hội và chỉ số hạnh phúc của con người. Từ đó suy ra nếu tương tác xã hội trực tiếp mất đi thì sự kết nối giữa người với người cũng dần dần biến mất.

2. Sự lên ngôi của giao tiếp kỹ thuật số và không gian mạng

Trong bối cảnh cách ly hiện tại, giao tiếp kỹ thuật số đang chứng tỏ ưu thế của mình, là công cụ trung gian hữu hiệu để duy trì các hoạt động xã hội. Không được ra khỏi nhà, dường như giải pháp duy nhất là chiếc điện thoại, máy tính. Ta thăm hỏi, nói chuyện với gia đình, bè bạn bằng ứng dụng gọi điện và nhắn tin trên điện thoại. Ta làm việc, học tập thông qua hỗ trợ họp trực tuyến. Ta vui chơi, giải trí cũng bằng điện thoại. Thời gian chúng ta phải cách ly trong nhà càng nhiều thì thời gian ta dành cho điện thoại cũng càng tăng lên. Chúng ta hoạt động trên không gian mạng nhiều hơn bởi nếu không ta không thể nắm bắt được những điều đang xảy ra bên ngoài; từ chỉ thị mới của nhà nước là gì, đến diễn biến dịch bệnh ra sao và mọi người ở nơi khác đang thích ứng với nó như thế nào. Xu hướng mua sắm trên các sàn thương mại điện tử ngày càng tăng bởi tâm lý tiếp xúc với người vận chuyển (shipper) còn hơn là chen chúc trong siêu thị hoặc chợ dân sinh, những không gian kín có quá đông người. Tức là cả phía khách hàng và phía các cơ sở kinh doanh đều nhờ cậy vào các ứng dụng mua sắm trực tuyến và đội ngũ shipper trung gian để lưu thông hàng hóa thay vì hoạt động mua bán trực tiếp.

Không chỉ chiếm vai trò quan trọng trong đời sống cá nhân, giao tiếp kỹ thuật số và không gian mạng đang dần thay thế cho các không gian công cộng khác. Không thể tụ tập đông người nghĩa là người lao động không thể đến công sở làm việc, trường học không thể tổ chức giảng dạy trực tiếp, các buổi biểu diễn văn hóa nghệ thuật cũng không được phép đón khán giả. Vì thế tất cả các hoạt động xã hội đang dần được đưa từ không gian vật lý lên không gian mạng. Thay vì đến cơ quan làm việc, các công ty mở “phòng họp” ngay tại nhà, thông qua ứng dụng họp mặt trực tuyến trên máy tính. Trường học cũng áp dụng cách làm tương tự để đảm bảo công tác giáo dục. Các buổi hòa nhạc được tổ chức dưới hình thức online, và phim ảnh thay vì được đem chiếu rạp cũng chuyển sang phát hành trên các nền tảng trực tuyến. Các cửa hàng cũng đưa hàng hóa sản phẩm của mình lên trưng bày và kinh doanh trên mạng xã hội hoặc các trang thương mại điện tử. Để giải tỏa “cơn khát” du lịch, các địa điểm nổi tiếng trên thế giới cũng được tái tạo lại với một phiên bản ảo trên internet, cho phép mọi người ở khắp nơi có thể khám phá các di tích, các thắng cảnh trên thế giới thông qua công nghệ kỹ thuật số. Thậm chí các hoạt động ngoại giao, quan hệ quốc tế cũng được thực hiện thông qua nền tảng công nghệ.

Tóm lại, internet đang trở thành công cụ chính của chúng ta để giao tiếp, làm việc và kết nối với nhau. Không gian mạng cũng trở thành không gian cộng đồng mới của con người, nơi tổ chức các hoạt động công sở, quan hệ quốc tế, các hoạt động dân sự, thương mại, giải trí khác nhau thay thế cho các không gian vật lý.

3. Thời điểm của các mối quan hệ “hướng nội”

Sự đứt gãy trong kết nối truyền thống khiến chúng ta phải điều tiết lại mối quan hệ cá nhân. Một mặt, tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường gây nên tâm lý e ngại lo lắng kéo dài. Quanh quẩn trong không gian bó hẹp lâu ngày cũng ít nhiều gây nên những mâu thuẫn trong gia đình. Nhưng nhìn chung, mọi người đều coi giai đoạn giãn cách dài ngày là cơ hội để giảm bớt sự chú ý cho các mối quan hệ bên ngoài mà dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và cũng là cơ hội tổ chức lại cuộc sống. Nếu như trước thời kỳ Covid, công việc làm kinh tế bận rộn kéo các thành viên một gia đình ra xa nhau hơn, thì cũng có thể nói Covid đang cho ta cơ hội xích gần nhau lại. Vợ chồng có thời gian nói chuyện tâm sự với nhau, bố mẹ có thời gian chăm lo đến con cái. Trước khi có Covid, có người chủ yếu dành thời gian ở cơ quan, coi nhà chỉ là nơi để về ngủ, ăn qua bữa “cơm đường cháo chợ” cũng không sao. Nhưng từ khi bắt buộc phải ở nhà, phong trào “yêu nhà”, “luyện bếp” cũng nổi lên. Mọi người chia sẻ cho nhau công thức những món ăn ngon để thử sức, hoặc các mẹo hay để tân trang lại nhà cửa. Rất nhiều món ăn độc đáo cũng được “phát minh” trong thời gian ở nhà, như café đánh bông dalgona, bánh cuốn làm từ bánh tráng đa nem, bánh mì bơ tỏi… Thay vì đi ăn ngoài, các gia đình cũng tranh thủ “tết Covid” để quây quần bên gia đình. Không chỉ những người đã có gia đình mà những người trẻ đang sống độc thân cũng dành thời gian tự chăm sóc bản thân mình, học thêm kĩ năng mới, quay lại với những sở thích cá nhân mà trước đây do công việc không có thời gian theo đuổi, coi đây như một kì nghỉ dài sau những ngày làm việc triền miên.

Có thể nói thời gian giãn cách do Covid đã chuyển trọng tâm quan hệ xã hội từ “hướng ngoại” sang “hướng nội”. Nếu trước đây chúng ta có xu hướng nghiêng về các mối quan hệ xã giao, các mối quan hệ công việc, và guồng quay “cơm áo gạo tiền” khiến các thành viên trong một nhà dần xa cách nhau thì chính thời thế khó khăn như hiện nay lại là chất xúc tác đưa xã hội tìm lại những giá trị gắn kết của gia đình.

Covid-19 cũng đang dần dần thay đổi thói quen làm việc và sinh hoạt của mỗi người. Làm việc tại nhà nghĩa là không còn thời gian biểu đều đặn 7h sáng đi làm, 5h chiều về nhà nữa. Kẹt xe gần như biến mất ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nhờ hỗ trợ họp trực tuyến mà mô hình “văn phòng tại gia” đang được quan tâm nhiều hơn. Sự thay đổi này cũng có hai mặt đáng cân nhắc. Một mặt làm việc tại nhà khiến chúng ta mất đi cảm giác về thời gian, về điểm bắt đầu và kết thúc của một ngày. Chúng ta mất dần các điểm neo thời gian  –  công việc, trường học, hẹn hò – những thói quen giúp chúng ta nhớ được giờ giấc, ngày tháng. Mọi hoạt động đều diễn ra trong nhà khiến ta dễ nhập nhằng giữa giờ làm với giờ nghỉ, quen mất hôm nay là thứ mấy, thời gian trôi ra sao, sáng hay chiều. Nói cách khác, toàn bộ thời gian biểu sinh học của ta cũng bị đảo lộn, mất nếp sinh hoạt thường ngày, và nếu kéo dài có thể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Mặt khác, mô hình làm việc tại nhà lại rất được lòng giới trẻ. Người trẻ có thể linh hoạt, chủ động lựa chọn khung giờ làm việc hiệu quả nhất đối với cá nhân mình và không lo lắng bị cấp trên giám sát. Giới trẻ vốn nhanh nhạy với công nghệ và có xu hướng cá nhân hóa công việc thay vì tuân theo nhịp làm việc tập thể, vậy nên các công ty sử dụng nhân lực trẻ bắt đầu chuyển sang quản lí công việc theo kiểu “khoán năng suất”, đánh vào tự giác thay vì giám sát về thời gian theo kiểu truyền thống.

Đã hơn một năm toàn thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Không chỉ chống cự lại dịch bệnh, con người đang phải học cách thích nghi, ứng phó với biến động có quy mô lớn chưa từng thấy này. Khó có thể nói trước khi nào đại dịch sẽ kết thúc, nhưng Đảng và Chính phủ đang đưa ra các giải pháp để vừa duy trì kỷ cương, định chế nhà nước, vừa có chính sách phù hợp để giải quyết sớm dịch bệnh. Trước những biến động lớn, sẽ có nước vượt qua và vươn lên dẫn trước, cũng có nước sẽ gục ngã và cần nhiều thời gian để phục hồi. Chính trong những cơn khủng hoảng như thế này, vai trò, tầm nhìn và năng lực của người lãnh đạo được thể hiện rõ nhất. Trong ba tai ương lớn nhất của lịch sử nhân loại là chiến tranh, thiên tai và dịch bệnh, nước ta đã có kinh nghiệm đối phó và chiến thắng hai thảm họa đầu tiên. Vậy nên hoàn toàn có cơ sở để tin rằng, nếu toàn dân đoàn kết đồng lòng thực hiện đúng chủ trương duy trì mục tiêu kép, “vừa chống dịch vừa sản xuất”, rất có thể những xáo trộn ngày hôm nay không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội cho một kỷ nguyên phát triển bền vững hơn, mạnh mẽ hơn.■

Nguyễn Duệ

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN