Dạy và học trực tuyến: Câu chuyện ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục ở nhà trường thời Covid-19

Đã thành thông lệ, cứ đến tháng mười một hàng năm, cả nước lại tưng bừng chào đón Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) – dịp lễ tri ân cống hiến to lớn của những người làm công tác giáo dục, đào tạo, ươm mầm và dìu dắt thế hệ trẻ – những chủ nhân tương lai của đất nước. Đây cũng là một dịp đặc biệt để chúng ta cùng nhìn nhận lại những gì mà nền giáo dục nước nhà đã trải qua trong suốt một năm 2021 đầy biến động, khó khăn và thách thức. Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, đây là lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh, đất nước ta phải đối mặt với một tình trạng chưa từng có trong lịch sử, khi các thành phố lớn trở thành tâm điểm dịch bệnh Covid-19 – một dịch bệnh với tốc độ lây lan khủng khiếp, gieo rắc một nỗi ám ảnh lớn trên phạm vi toàn thế giới. Tại Việt Nam, để ngăn chặn sự bùng phát của Covid-19, Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước đã phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các địa điểm công cộng, tập trung đông người, trong đó có trường học phải đóng cửa hoàn toàn, toàn bộ hoạt động dạy và học được tiến hành trực tuyến (online). Trên thực tế, mô hình này không còn quá xa lạ đối với một nền giáo dục có tốc độ phát triển tương đối nhanh như nước ta. Tuy nhiên, đây vẫn được xem là một thách thức lớn cho cả giáo viên, học sinh, gia đình và nhà trường khi phải thay đổi phương thức giảng dạy, học tập một cách đột ngột, không có sự chuẩn bị lâu dài, đồng bộ nên khó tránh khỏi những khó khăn, bỡ ngỡ. Do đó, việc triển khai giải pháp dạy và học trực tuyến trong mùa dịch mặc dù đã ghi nhận những thành tựu đáng kể song cũng phát sinh nhiều hệ lụy, cần phải được xem xét để giải quyết, khắc phục, tạo tiền đề phát triển lâu dài, bền vững về sau.

Dễ nhận thấy, trong thời đại khoa học kỹ thuật – công nghệ thông tin phát triển, giáo dục trực tuyến đã trở nên phổ biến ở rất nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Mô hình dạy và học thông qua các ứng dụng công nghệ đã và đang được khuyến khích phổ cập mạnh mẽ, mở ra các loại hình đào tạo đa dạng, cho phép nhiều đối tượng khác nhau có điều kiện tiếp cận tri thức ở mọi lúc, mọi nơi, trao cho người học cơ hội học tập trọn đời. Trong bối cảnh dịch bệnh, những đợt giãn cách xã hội một mặt tạo ra những khó khăn nhất định về mọi mặt đời sống, kinh tế, giáo dục; song cũng chính là thời điểm vàng để người dân ở nhà học thêm những điều mới mẻ, mở mang kiến thức và phông văn hóa của bản thân. Thực tế cho thấy, mạng Internet cùng các công cụ, phần mềm đã tạo ra những kết nối hữu ích giúp con người chia sẻ kiến thức một cách dễ dàng, nhanh chóng. Đặc biệt, ở nhà trường phổ thông, các bài giảng, tiết học vẫn diễn ra theo tiến độ thông thường và việc cập nhật, trao đổi bài vở, kiến thức cũng trở nên thuận tiện, liền mạch, không bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh. Đây chính là một trong những lợi ích to lớn của ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học nói riêng và giáo dục nói chung, nhất là khi cả nước phải gồng mình chống chọi với những khó khăn, thách thức mà Covid-19 mang đến.

Các công cụ phần mềm đã giúp giáo viên giảm thiểu được tối đa khối lượng công việc bao gồm giảng dạy và quản lý lớp học (Ảnh minh họa)

Về phía giáo viên, những phần mềm thiết kế bài giảng, giao bài tập, dạy học trực tuyến kết hợp với quản lý lớp học tương đối chuyên nghiệp và bài bản như Powperpoint, Word, Excel, Team, Room… đã giúp giảm thiểu được tối đa các thủ tục hành chính, cắt giảm khối lượng công việc trong quá trình điều phối, giảng dạy khi không có điều kiện làm việc tập trung tại trường học. Bên cạnh đó, với các công cụ này, giáo viên được thỏa sức sáng tạo trong quá trình thiết kế bài giảng, khiến tiết học trở nên phong phú, sinh động hơn. Các giáo viên cùng tổ bộ môn cũng có thể dễ dàng tham gia dự giờ, góp ý và chia sẻ kinh nghiệm dạy học, cùng nhau trau dồi, nâng cao trình độ, nghiệp vụ sư phạm; góp phần cải thiện hứng thú lên lớp cho giáo viên, tạo động lực khiến họ tự làm mới phong cách giảng dạy, quản lý, thay đổi phương pháp sư phạm, đào sâu chuyên môn để cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp trồng người mỗi ngày.

Đối với học sinh, ngoài việc an tâm ở nhà trong mùa dịch mà vẫn tiếp thu được kiến thức trên lớp; phương thức học trực tuyến qua các công cụ và hình ảnh sinh động cũng góp phần khơi dậy cảm hứng học tập, tạo động lực cho các em tích cực tham gia vào bài học. Không những thế, các công cụ này còn cho thấy vai trò hiệu quả của nó đối với việc nắm bắt và xử lý khối lượng kiến thức lớn từ các môn học khác nhau trên lớp; đồng thời đôn đốc, nhắc nhở học sinh hoàn thành các nhiệm vụ học tập, khiến các em dễ dàng theo dõi được quá trình học tập của bản thân, xây dựng kế hoạch học tập. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ở nhà trường phổ thông còn tôi rèn ở các em tinh thần chủ động học tập, mở rộng kiến thức của mình thông qua các công cụ tìm kiếm, cùng hệ thống bài tập, đề thi phong phú trên mạng Internet, dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo và định hướng từ giáo viên.

Đảng và Nhà nước ta từ lâu đã xác định rõ mục tiêu xây dựng nền kinh tế tri thức trong thời đại 4.0. Bởi vậy, việc đưa công nghệ thông tin vào lớp học sẽ mang lại hiệu quả lớn trong việc trang bị cho học sinh những kiến thức, kĩ năng cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường. Bên cạnh đó, “mùa dịch” cũng chính là thời điểm mà đội ngũ giáo viên phải làm việc trực tuyến hoàn toàn, nhờ đó mà trình độ công nghệ thông tin sẽ tăng lên đáng kể, góp phần đáp ứng những mục tiêu giáo dục mới trong thời đại chuyển đổi số. Mỗi giáo viên sẽ phải nỗ lực học tập, rèn luyện và trau dồi các kiến thức, kĩ năng tin học nhằm phục vụ, hỗ trợ cho công tác giảng dạy, quản lý lớp học. Theo đà phát triển đó, mặt bằng phổ cập công nghệ thông tin trên phạm vi cả nước sẽ được mở rộng; đội ngũ lao động, nguồn nhân lực trình độ cao tham gia xây dựng đất nước cũng sẽ gia tăng không ngừng cả về chất và lượng.

Tuy nhiên, dạy học trực tuyến về căn bản chỉ là giải pháp khắc phục tạm thời trong mùa dịch, chưa được các cấp có thẩm quyền lên kế hoạch chuẩn bị, đầu tư lâu dài nên vẫn còn cho thấy rất nhiều bất cập, hạn chế suốt thời gian vừa qua. Trước hết, mặc dù việc phổ cập công nghệ thông tin ở các thành phố lớn đã được triển khai từ lâu, song sự chênh lệch khá cao về mức thu nhập giữa các đối tượng lao động đã khiến cho công tác này không thể diễn ra một cách đồng bộ trên diện rộng, thậm chí còn làm phát sinh một số hệ lụy tiêu cực. Dễ nhận thấy, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục luôn luôn đòi hỏi người dùng phải sử dụng các trang thiết bị điện tử có kết nối Internet, mạng wifi…. Tuy nhiên, những công cụ này thường có giá thành cao so với thu nhập của nhiều hộ gia đình, đặc biệt là những người lao động nghèo từ nông thôn lên thành phố mưu sinh. Do đó, những đối tượng như vậy không thể cho con em mình tiếp cận được những sản phẩm công nghệ phục vụ cho việc học trực tuyến. Mặc dù Bộ Giáo dục – Đào tạo và một số công ty kinh doanh thiết bị điện tử đã có những hỗ trợ ban đầu, song vẫn còn rất nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã phải nghỉ học do không chuẩn bị được học cụ cần thiết. Thực tế đau lòng này không những đã đi ngược lại tôn chỉ và mục tiêu phấn đấu của ngành giáo dục trong suốt những năm vừa qua về phổ cập giáo dục, tạo ra môi trường sư phạm bình đẳng, đảm bảo tất cả học sinh đều được đi học; mà còn làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo, gây ra nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.

Bên cạnh đó, trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều học sinh được phụ huynh gửi về quê trong dịp nghỉ hè bắt đầu từ trước khi thành phố “đóng cửa”, hay vì nhiều lý do khác không thể có mặt tại những vùng được phủ sóng Internet đủ mạnh và có khả năng cung cấp công cụ học tập theo yêu cầu, cũng bị tước đi cơ hội tham gia vào lớp học trực tuyến của nhà trường phổ thông. Đặc biệt, bản thân việc học online – gắn liền với những đặc thù riêng đòi hỏi người dùng phải đạt tới một trình độ nhận thức, khả năng tự học và kĩ năng công nghệ thông tin nhất định – chỉ phù hợp với một số đối tượng học sinh trong độ tuổi từ cấp THCS trở lên. Lứa tuổi mầm non, tiểu học – vốn còn được phụ huynh và giáo viên giúp đỡ trong một số khâu sinh hoạt – rõ ràng không thể tham gia học trực tuyến mà không có sự quản lý, giám sát của người lớn. Trong khi đó, nhiều bậc phụ huynh cũng phải thực hiện chế độ làm việc tại nhà, nên vừa quản lý, giúp đỡ con em mình học online, lại vừa thực hiện các công việc như ở cơ quan khiến cho năng suất lao động giảm đi đáng kể, gây ra nhiều gián đoạn, làm chậm lộ trình phát triển của các công ty, doanh nghiệp vốn đã rất khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh, tạo ra những tác động xấu tới sự phục hồi của nền kinh tế quốc gia. Không những thế, với các học sinh nhỏ tuổi, việc học tập trực tuyến dưới sự giám sát có phần lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh cũng đã chứng kiến nhiều hệ lụy khôn lường. Thời gian vừa qua, dư luận xã hội không khỏi bàng hoàng, đau đớn, xót xa khi một em học sinh 10 tuổi trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội đã tử vong trong do bị điện giật khi học online mà không có sự quản lý trực tiếp từ phụ huynh. Đây chính là một trong những minh chứng điển hình về những bất cập của dạy và học trực tuyến ở nhà trường phổ thông giữa mùa dịch.

Đối với những học sinh trong lứa tuổi lớn hơn, mặc dù việc sử dụng công nghệ thông tin để đáp ứng các yêu cầu học tập thông qua mạng Internet diễn ra một cách dễ dàng, nhanh chóng, thuận lợi mà không đòi hỏi nhiều sự trợ giúp từ gia đình, song không phải không có những khó khăn và hệ lụy nhất định. Bên cạnh những tính năng ưu việt của các công cụ dạy học trực tuyến, bản thân việc trao đổi, giao tiếp, tương tác thông qua một màn hình máy tính vẫn hạn chế hơn rất nhiều so với việc dạy học tập trung ở nhà trường. Sự không ổn định của các kết nối Internet do những yếu tố khách quan như thời tiết, đường truyền nhà mạng… có thể làm gián đoạn quá trình giảng dạy của giáo viên, ảnh hưởng lớn tới việc tiếp thu của học sinh, gây mất thì giờ và vắt kiệt hứng thú trong hoạt động dạy và học. Không những thế, các đặc thù về tầm nhìn và tương tác không toàn diện thông qua các thiết bị điện tử cũng khiến cho hiệu quả quản lý lớp học giảm đi đáng kể, dễ dẫn tới những hiện tượng xấu như học sinh học tập đối phó, gian lận trong thi cử, giáo viên cũng không có điều kiện quan tâm trực tiếp, sát sao tới từng đối tượng người học để kịp thời phát hiện, đôn đốc, nhắc nhở và giúp đỡ khắc phục những vấn đề còn tồn đọng ở mỗi cá nhân hay tập thể lớp học.

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học trực tuyến một mặt hình thành nên “sân chơi” cho các giáo viên trẻ thử sức, đầu tư sáng tạo những sản phẩm giáo dục mới mẻ, hấp dẫn; song mặt khác lại đặt ra những thách thức lớn đối với một bộ phận giáo viên có tuổi đời – tuổi nghề tương đối cao, vốn đã quen với các phương pháp dạy học truyền thống. Đặc biệt, khi công tác phổ cập, tập huấn công nghệ thông tin cho thế hệ giáo viên này vẫn chưa tạo được hiệu ứng sâu rộng từ trước đại dịch, nhiều thầy cô đầu đã hai thứ tóc vẫn phải nhọc nhằn, loay hoay tìm cách thích nghi với những thiết bị, công cụ dạy học tương đối phức tạp, mới mẻ mà đa số đều chưa có trong nội dung chương trình tập huấn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điều này không những làm giảm hiệu quả dạy và học mà còn gây ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất, tinh thần của giáo viên khi họ phải làm việc với một cường độ cao hơn bình thường. Dành hàng giờ liền bên máy tính, điện thoại trong một khoảng thời gian kéo dài cũng dễ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng về mắt, xương khớp, tim mạch, thần kinh… cho cả giáo viên và học sinh. Do đó, hoạt động dạy và học trực tuyến về căn bản vẫn không thể thay thế hoàn toàn được cho mô hình dạy học tập trung truyền thống – vốn đề cao sự tương tác và cung cấp những vận động thể chất đa dạng giúp con người phát triển một cách toàn diện, lành mạnh.

Đặc biệt, giữa một thế giới “ảo” sống động song cũng lắm những rủi ro, cạm bẫy, việc các em học sinh ở độ tuổi vị thành niên sử dụng mạng xã hội nói riêng và các phương tiện công nghệ có kết nối Internet nói chung cũng tiềm ẩn rất nhiều mối nguy hiểm. Hiện tượng tin tặc tấn công, phá rối lớp học online bằng các quảng cáo hay hình ảnh phản cảm, clip nhạy cảm, không phù hợp với lứa tuổi học sinh đã trở thành một bức xúc gây nhức nhối dư luận xã hội trong suốt thời gian vừa qua. Việc học tập ở môi trường riêng tư, lại thiếu sự giám sát, quản lý chặt chẽ từ phía phụ huynh giữa bối cảnh các hành vi tội phạm trên không gian mạng diễn ra một cách công khai, tràn lan với nhiều thủ đoạn tinh vi và ngày càng gia tăng trong thời điểm dịch bệnh chắn chắn sẽ để lại những hệ quả khôn lường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhận thức, nhân cách, lối sống, thậm chí đe dọa tới sức khỏe, tính mạng của các em. Do đặc thù tương tác không trực tiếp trên mạng Internet, nhiều học sinh và thậm chí cả phụ huynh có con em đang trong giai đoạn ôn tập, chuẩn bị cho các kì thi lớn như thi chuyển cấp, tốt nghiệp THPT quốc gia… đã trở thành “miếng mồi béo bở” cho những kẻ lừa đảo nhân danh những mục đích tốt đẹp của giáo dục. Tháng Tám vừa qua, nhiều học sinh đã lên tiếng tố cáo hiện tượng những người không có bằng cấp sư phạm, hoàn toàn rỗng về kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn, thậm chí có những phát ngôn và hành xử vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức nhà giáo song vẫn tự xưng là “giáo viên”, ngang nhiên quảng cáo, mở các lớp luyện thi online, thu tiền của phụ huynh và học sinh. Đáng sợ hơn, “giáo viên” nói trên còn xúi giục các em học sinh tham gia vào các hoạt động có dấu hiệu phạm pháp như chơi bài, cá độ online, kinh doanh đa cấp “trá hình”… Có những gia đình đã mất tới hàng triệu đồng cho những mánh khóe, chiêu trò lừa đảo của các đối tượng này. Do đó, hoạt động dạy và học trực tuyến trên không gian mạng Internet rất cần phải được các cơ quan có thẩm quyền đẩy mạnh, siết chặt quản lý, tránh để xảy ra những tình trạng đáng buồn tương tự.

Có thể nói, việc học online là giải pháp tình thế cấp bách, diễn ra tạm thời khi trường học không được mở cửa; nên câu hỏi về chất lượng vẫn luôn luôn được đặt ra trong và sau các đợt giãn cách. Bởi lẽ, nếu tình hình dịch bệnh còn có những diễn biến căng thẳng và kéo dài, Bộ Giáo dục Đào tạo, các cấp có thẩm quyền cùng đội ngũ chuyên gia đầu ngành nhất định phải tham gia nghiên cứu, định hướng, tính toán, lên kế hoạch cho những chiến lược dài hạn hơn. Cần thiết phải xây dựng một lộ trình phát triển hợp lý, tập huấn cho giáo viên những kiến thức, kĩ năng căn bản về dạy học online, biên soạn được chương trình giảng dạy cũng như công cụ đánh giá, đo lường chất lượng phù hợp nhằm kiểm soát chặt chẽ đầu ra của các sản phẩm giáo dục ứng dụng công nghệ thông tin. Không những thế, Nhà nước cũng cần nhanh chóng đề xuất, thúc đẩy các chính sách hỗ trợ, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, giúp các học sinh nghèo được tham gia học tập trực tuyến đầy đủ; đảm bảo 100% học sinh và giáo viên lên lớp online. Các cơ sở truyền thông cần phải có những chiến dịch tuyên truyền, vận động người dân tham gia đóng góp, ủng hộ tích cực cho công cuộc dạy và học trực tuyến. Sự đầu tư kĩ lưỡng, trang bị bài bản về mọi mặt một cách đồng bộ, bền vững, tương xứng với tiềm lực, điều kiện quốc gia cộng với sự chung tay, góp sức, vào cuộc mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân chắc chắn sẽ trở thành động lực to lớn giúp các thầy cô giáo và các em học sinh vượt qua giai đoạn khó khăn trong và sau đại dịch.

Cuối cùng, một lần nữa xin gửi lời tri ân to lớn tới những người thầy, người cô đã và đang ngày đêm miệt mài, nỗ lực không ngừng trong suốt mùa dịch để truyền ngọn lửa tri thức đến với các em học sinh thân thương. Cống hiến thầm lặng của các thầy cô chắc chắn sẽ trở thành hành trang cho những thế hệ tương lai viết tiếp giấc mơ Việt Nam trên bản đồ thế giới.■

Đinh Thảo

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN