Bức thư của một học sinh lớp 12 kêu gọi bảo vệ môi trường

Hà Nội, ngày 5 tháng 9 năm 2021

Kính gửi các thầy cô giáo kính mến và các bạn học sinh thân mến,

Em tên là Nguyễn Nhật Minh, hiện đang là học sinh lớp 12 tại trường Quốc tế Liên Hợp Quốc Hà Nội (UNIS Hanoi). Nhân dịp ngày tựu trường ở Việt Nam, em chúc các thầy cô luôn mạnh khỏe, hạnh phúc để tiếp tục cống hiến cho nền giáo dục nước nhà. Và nhân đây, em xin được viết lá thư này với mục đích góp tiếng nói vào chương trình dạy học để nâng cao nhận thức của các lớp học sinh và công dân trong việc đối phó với biến đổi khí hậu. Gần đây, vấn đề biến đổi khí hậu đã trở thành vấn đề lớn của toàn cầu, là chương trình trọng tâm của Liên Hợp Quốc.

Vậy trước tiên, biến đổi khí hậu là gì? Biến đổi khí hậu được cho là một thảm hoạ của trái đất, đó là sự thay đổi của các hệ thống khí hậu gồm khí quyển, thuỷ quyển, sinh quyển,… Và chính CHÚNG TA là nguyên nhân lớn nhất dẫn tới điều này, chính con người đang tự phá huỷ ngôi nhà của mình. Điển hình là trong mùa hè năm nay, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều hiện tượng kỳ lạ xảy ra. Mặt đất ở thành phố Erftstadt, Đức, bị lũ quét qua không thương tiếc, làng Lytton ở Canada cháy rụi không còn gì; ở Trịnh Châu, Trung Quốc, ô tô nổi lềnh bềnh như những con cá chết và còn rất nhiều những hiện tượng cực đoan khác đã xảy ra.

Sự thay đổi chóng mặt của trái đất đã làm dấy lên một câu hỏi là chúng ta sẽ phải làm gì để cứu vãn lại sự sống cho trái đất. Khi những tác động nêu trên mới chỉ ở mức tăng 1,2 độ C, liệu khi trái đất tăng lên 1,5 độ C trong một thời gian ngắn tới dựa trên báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) thì những tác động sẽ khủng khiếp đến nhường nào? Trên thực tế, đây là gánh nặng mà mỗi một công dân toàn cầu phải gánh chịu, dù có muốn hay không. Tất cả cần được xuất phát từ những nhận thức về biển đổi khí hậu rồi chuyển hướng tới chấp nhận và hành động.

Vai trò của các chính phủ trong việc nhận thức cũng như hành động là không thể chối cãi. Các tổ chức liên chính phủ đã cho thấy nhận thức và cam kết của mình đối với biến đổi khí hậu. Đặc biệt là Liên Hợp Quốc, các nước thành viên đã đồng ý thành lập một chương trình phát triển bền vững nhằm mục đích kìm hãm sự gia tăng của nhiệt độ trái dất và khí thải ra môi trường. Hơn nữa, đã có rất nhiều cuộc thảo luận hay những Hiệp định được ký nhằm có những cam kết về biện pháp và chính sách để ứng phó với biến đổi khí hậu, như Nghị định thư Kyoto và Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu ở Copenhaghen, New York hay Paris.

Nhận thấy các cam kết của mình là chưa đủ, ở quy mô khu vực, liên minh các quốc gia như EU hay ASEAN đã có những hành động liên quốc gia với nhau. Các liên minh đã đồng ý với phương án chuyển đổi nền kinh tế sang kinh tế xanh. Đây là một mô hình kinh tế nhằm cải thiện đời sống con người và tài sản xã hội đồng thời chú trọng giảm thiểu những hiểm họa môi trường và sự khan hiếm tài nguyên. Để đối phó với biến đổi khí hậu, một điều tất yếu là chúng ta phải duy trì tăng trưởng xanh và kinh tế xanh.

Ô tô bị nước cuốn trôi sau trận lũ lịch sử ở thành phố Trịnh Châu, Trung Quốc vào tháng 7/2021 (Ảnh: STR/AFP)

Tuy nhiên, trên thế giới của chúng ta, không phải quốc gia nào dù có nhận thức về những vấn đề nêu trên cũng đã chấp nhận chúng. Điển hình là nước Mỹ dưới thời của Tổng thống Donald Trump. Khi các nước ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào năm 2015 để phát triển mô hình kinh tế xanh và môi trường sạch thì Mỹ đã rút khỏi hiệp định đó. Các quốc gia cam kết và cố gắng cải thiện, quản lý và phát triển để thích ứng với môi trường mới thì Mỹ lại chọn cách tập trung vào kinh tế. Ở đây, chúng ta đã thấy rằng xung đột lợt ích là một rào cản to lớn giữa con người với việc cứu lấy thế giới. Mỹ không chấp nhận điều này vì họ cho rằng họ sẽ bị mất rất nhiều quyền lợi nếu họ tham gia vào bảo vệ môi trường. Một số nước công nghiệp phát triển khác cũng có những suy nghĩ như Hoa Kỳ. Do đó, đây sẽ là một bước đi rất phức tạp.

Đối với Việt Nam, chúng ta là một trong những quốc gia quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Em xin chỉ được tính riêng về mặt xã hội, những tác hại của sự thay đổi của khí hậu đã len lỏi trong nhịp sống của mỗi người, mỗi gia đình Việt. Các loại thiên tai như: bão, lũ, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn,.. đã gây thiệt hại đáng kể, trung bình mỗi năm ước tính có 9.500 người tử vong và bị mất tích. Hơn nữa, theo các chuyên gia về biến đổi khí hậu, nếu nước biển dâng thêm một mét nữa thì 39% diện tích của Đồng bằng Sông Cửu Long và trên 10% diện tích của Đồng bằng sông Hồng sẽ có nguy cơ bị ngập. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có 17,1 triệu người mất đi nơi sinh sống của mình. Sự cộng hưởng của lũ lụt và hạn hán là một môi trường sống lí tưởng cho các loài sinh vật mang bệnh phát triển mạnh, trở thành một mối đe dọa tới sức khoẻ của người dân Việt Nam. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua dịch Covid-19 – dẫn tới sự suy giảm về mặt an ninh – xã hội và phá vỡ trật tự vốn có của xã hội Việt Nam. Những tác động khủng khiếp của biến đổi khí hậu còn cướp đi 12% diện tích đất nông nghiệp, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp, là nguy cơ hiện hữu đối với việc thực hiện mục tiêu xoá đói, giảm nghèo.

Gần đây, Việt Nam đã có những tham gia tích cực vào cuộc chiến đối với biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đối khí hậu trực tuyến, Việt Nam đã thể hiện quyết tâm và khao khát của mình khi cam kết mạnh mẽ giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính và con số này có thể tăng lên tới 27% nếu có sự hỗ trợ quốc tế song phưong và đa phương. Để làm được điều này, Việt Nam đã có những quy định ngặt nghèo và chế tài xử phạt nghiêm trong việc hạn chế khí thải môi trường. Chúng ta khống chế bằng cách giảm dần đốt than, khí lỏng mà thay vào đó là tăng nhanh tỷ lệ sử dụng điện tái tạo bao gồm năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời và thuỷ điện. Có thể nói, đây là những biện pháp quyết liệt, góp phần vào cuộc chiến với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tuy nhiên, là một công dân Việt Nam, em nhận thấy để đối phó với biến đổi khí hậu, không có gì hiệu quả bằng việc khơi dậy nhận thức và ý thức của mỗi con người chúng ta. Và vì lẽ này, em viết bức thư này gửi tới các thầy cô giáo và các bạn học sinh vào đầu năm học mới 2021 – với nguyện vọng được đưa biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường trở thành môn học chính, bắt buộc trong hệ thống giáo dục đào tạo ở nước ta.

Hãy bắt đầu từ những bạn trẻ, chúng ta hãy giáo dục các bạn học sinh, mang lại những nhận thức về hậu quả to lớn của biến đối khí hậu. Khi các bạn còn ở trường lớp, chúng ta nên xây dựng và phát triển cho các bạn một văn hoá về sự nhận thức đối với biến đổi khí hậu. Hơn nữa, việc giáo dục các bạn học sinh cũng cần phải đi đôi với thực tiễn. Chúng ta hãy động viên và khuyến khích các bạn học sinh tham gia vào các chương tình tình nguyện của chính phủ như “Trái Đất Xanh”, “Tắt Đèn – Giờ Trái Đất” hay các hoạt động cải thiện môi trường khác, như tái chế và nhặt rác. Em tin rằng, chính các bạn học sinh lại có những khát vọng cháy bỏng để được thể hiện mình, có những cái nhìn mới mẻ về những cách làm để có thể phát triển Việt Nam một cách bền vững và tốt đẹp hơn. Chúng ta hãy nhìn vào Greta Thunberg như một ví dụ về sự nhận thức về biến đối khí hậu của một người trẻ tuổi. Greta là một nhà hoạt đông môi trường với lối phát biểu thẳng thắn, cả trong công chúng và tới những nhà lãnh đạo chính trị và những cuộc họp, trong đó cô thúc giục hành động ngay lập tức để giải quyết vấn đề mà cô miêu tả như là khủng hoảng khí hậu. Chúng ta có thể thấy tuy bạn này mới chỉ 18 tuổi nhưng đã nhận thực được rất rõ những tác hại mà biến đổi khí hậu gây ra và đang kêu gọi hành động ngay lập tức. Em tin rằng đối với những bạn học sinh Việt Nam, khi đã có những nhận biết đầy đủ của riêng mình về biến đổi khí hậu, các bạn sẽ có những hành động đúng đắn hơn, thay vì chạy theo những lời kêu gọi hành động của chính phủ nhưng không có nhận thức của riêng mình.

Tóm lại, thách thức về biến đổi khí hậu toàn cầu đòi hỏi phải có nỗ lực lớn hơn. Thực tế đã cho chúng ta thấy vì quyền lợi khác nhau và nhận thức khác nhau giữa các quốc gia, quá trình này sẽ dẫn tới phải đấu tranh, phải có nhiều cuộc họp để giải quyết những mâu thuẫn và quyền lợi đó. Còn đối với những người trẻ như chúng ta ở Việt Nam, các bạn học sinh cần nhanh chóng xây dựng một văn hoá về sự am hiểu về biến đổi khí hậu cũng như trở thành một nòng cốt vững chắc để đi đôi với những lời kêu gọi của chính phủ. Chính phủ sẽ có vai trò dẫn dắt, còn chúng ta là những người thực hiện. Đây sẽ là một quá trình thay đổi tốn nhiều thời gian, chúng ta phải kiên trì qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải hành động nhanh chóng trước khi mọi thứ trở nên quá muộn và con cháu chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả tàn khốc do biến đổi khí hậu gây ra.

Thân ái,

Nguyễn Nhật Minh

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN