Tết cổ truyền Việt Nam: Những giá trị không thể thay thế

Tết cổ truyền, hay còn được gọi bằng nhiều cái tên như Tết Nguyên đán, Tết Âm lịch, Tết Ta… là một trong những dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa Việt Nam. Hằng năm, cứ vào độ tháng Chạp, tháng Giêng Âm lịch, người Việt khắp nơi lại nô nức trở về quê hương để quây quần bên gia đình, sắm sửa, chuẩn bị cho dịp lễ lớn này, với hi vọng về một năm mới ấm no, hạnh phúc, một vận hội mới sẽ mở ra cho mỗi cá nhân, gia đình và toàn thể dân tộc. Mỗi dịp Tết thường kéo dài đến hơn một tuần, chưa kể các lễ hội đầu năm có thể được tổ chức đến tận rằm tháng Giêng vẫn chưa tàn cuộc vui. Giữa không khí ấm áp của mùa xuân, trên phố tưng bừng sắc đào, mai khoe thắm, trẻ em xúng xính áo quần, háo hức nhận những phong bao lì xì đỏ, còn người lớn lại tất bật dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị mâm cơm tất niên để cả nhà quây quần đón Giao thừa, rồi đi thăm hỏi, chúc nhau những điều tốt lành vào dịp đầu xuân năm mới… Bên cạnh đó, một số phong tục như khai bút, xin chữ đầu xuân hay đi chùa cầu an, xin lộc… cũng đều là những nét văn hóa đặc trưng của ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Tất cả các hoạt động này đã phản ánh rõ toàn bộ đời sống tâm lý, tinh thần với những mong muốn, hi vọng rất đẹp đẽ và thiết thực của mỗi người dân đất Việt. Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của làn sóng hội nhập với sự giao lưu, tiếp nhận văn hóa phương Tây một cách mạnh mẽ, nhiều người, đặc biệt là người trẻ, lại có xu hướng hưởng ứng ngày Tết Tây theo Dương lịch. Thậm chí, một bộ phận người dân còn đề xuất bỏ Tết Nguyên Đán, đón tết Dương lịch giống như nước Nhật để hội nhập sâu rộng cùng thế giới. Tuy nhiên, hòa nhập nhưng không thể “hòa tan”. Tết cổ truyền vẫn luôn là một biểu tượng sống động của cả văn hóa vật chất lẫn tinh thần Việt, một phần máu thịt không thể thay thế, loại bỏ, góp phần làm nên bản sắc dân tộc ngàn năm.

Có rất nhiều nguyên do khiến chúng ta không nên “sát nhập” hay thay thế hoàn toàn Tết cổ truyền Việt Nam bằng Tết Dương lịch của phương Tây. Thứ nhất, Tết Âm lịch là một dịp lễ quan trọng đã được tổ chức ở nước ta từ xa xưa, có thể được xem như một trong những lễ hội lâu đời nhất của người Việt. Đặc biệt, đây không phải là một dịp lễ được du nhập vào Việt Nam như nhiều người vẫn hiểu sai, mà là lễ Tết mang màu sắc bản địa, gắn liền với nền văn minh nông nghiệp của người Việt cổ. Mặc dù trên thế giới, ngoài Việt Nam còn có một số nước thuộc khu vực Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc (trước đó có cả Nhật Bản), cũng xem Tết Nguyên Đán là một dịp lễ chính thức ở quy mô quốc gia; song chính Việt Nam với nền văn minh lúa nước lâu đời mới là nơi phát tích của ngày lễ Nông lịch này.

Người phụ nữ lớn tuổi bán những cuốn lịch với màu đỏ may mắn. Ảnh trong “Vietnam Journey of Body, Mind and Spirit”, 2003.

Trên thực tế, Tết Nguyên Đán xuất phát từ phương thức canh tác nông nghiệp và kinh nghiệm trồng trọt của cư dân đồng bằng châu thổ, mà Việt Nam là khu vực đã biết đến nghề nông từ trước các dân tộc vùng Đông Bắc Á. Căn cứ vào quy luật trồng trọt, người Việt cổ đã phân chia thời gian trong mỗi năm thành 24 tiết khí khác nhau mà ứng với mỗi tiết đó là một thời khắc “giao thừa”. Trong 24 tiết này, tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác (gọi là Tiết Nguyên Đán, sau đọc chệch thành “Tết”) bao giờ cũng đóng vai trò quan trọng nhất. Theo phiên âm Hán Việt, “nguyên” có nghĩa là khởi đầu, “đán” là buổi sớm mai. Tết Nguyên Đán chính là dịp lễ ăn mừng sự khởi đầu của một mùa vụ. Điều này có sự tương đồng với mục đích đón Tết ở Việt Nam hơn là quan niệm về nguồn gốc Tết Nguyên Đán ở Trung Quốc dựa trên một truyền thuyết dân gian. Truyền thuyết này kể rằng, cứ vào dịp cuối năm, có một loài thú tên là Tịch chuyên đi quấy phá trẻ em và người dân trong vùng. Loài thú này rất sợ màu đỏ và tiếng pháo nên cứ đến Tết là người người, nhà nhà phải trưng màu đỏ, đốt pháo hoa để đuổi nó đi xa. Do đó, đêm Giao thừa trong tiếng Trung gọi là đêm “trừ tịch” thay vì nhấn mạnh vào sự chuyển giao của trời đất sang tiết khí mới, mùa vụ mới như từ “Giao thừa” mà người Việt sử dụng. Trong văn hóa Việt cổ, Tết Nguyên Đán chỉ đơn thuần là ngày hội nông nhàn lớn, đánh dấu một vụ mùa dài đã kết thúc, người nông dân được nghỉ ngơi, vui chơi, tụ họp bên gia đình trước khi bước vào chuỗi canh tác mới. Chính sự khác biệt trong quan niệm và mục đích tổ chức Tết Nguyên Đán đã cho thấy rằng, dịp lễ này bắt nguồn từ một nền văn minh lúa nước như Việt Nam vẫn là một giả thiết thuyết phục hơn.

Sử Trung Quốc cho rằng, Tết Nguyên Đán có từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế (2852 TCN – 2205 TCN), khiến nhiều người xưa nay vẫn phỏng đoán rằng dịp lễ này được du nhập vào Việt Nam trong thời kỳ 1000 năm Bắc thuộc. Tuy nhiên, trong một số sử sách Việt Nam còn sót lại ở thời kì này vẫn tìm thấy những dấu tích ghi chép rằng “Họ Hồng Bàng dựng nước Văn Lang từ năm Nhâm Tuất 2879 TCN, trị vì cả 2622 năm”, và từ thời đó người Việt ta đã bắt đầu ăn Tết. Những phong tục ngày Tết đã đi vào rất nhiều truyền thuyết, truyện dân gian về Nhà nước Văn Lang mà tiêu biểu là sự tích Bánh chưng, bánh dày (tương truyền do Lang Liêu, người con thứ 18 của Vua Hùng Vương thứ VI tạo ra) với quan niệm “trời tròn, đất vuông” – tư duy điển hình của văn minh nông nghiệp. Điều đó chứng tỏ dân tộc Việt rất có thể đã biết tới Tết Nguyên Đán trước cả thời Tam Hoàng Ngữ Đế tại Trung Quốc và sớm hơn mọi dân tộc Á Đông khác. Ngay đến Khổng Tử – một nhà tư tưởng lỗi lạc đại diện cho văn minh Trung Hoa, cũng đã khẳng định trong Kinh Lễ: “Ta không biết Tết là gì, nghe đâu đó là tên của một ngày lễ hội lớn của bọn người Man, họ nhảy múa như điên, uống rượu và ăn chơi vào những ngày đó”. “Bọn người Man” lúc bấy giờ là tên gọi chỉ người Việt – một dân tộc nhỏ bé ngay “sát vách” Trung Hoa, song đã sớm tổ chức được một lễ hội đầu năm của riêng mình mà sau này còn lan tỏa tầm ảnh hưởng sang các nước lớn ở khu vực. Sách Giao Chỉ chí của Trung Hoa cũng chép lại rằng: “Bọn người Giao Quận thường tập trung lại từng phường hội nhảy múa hát ca, ăn uống chơi bời trong nhiều ngày để vui mừng một mùa cấy trồng mới, không những chỉ có dân làm nông mà tất cả người nhà của Quan lang, Chúa động cũng đều tham gia lễ hội này”. Đây là một minh chứng rõ ràng cho thấy Tết Nguyên Đán có nguồn gốc từ Việt Nam, sau đó mới được truyền bá đến Trung Quốc và vùng Đông Bắc Á.

Không những hầu hết bằng chứng trong sử sách đều cho thấy Tết Nguyên Đán bắt nguồn từ Việt Nam, ngày Tết của chúng ta cũng có những đặc trưng về vật chất, tinh thần với những phong tục, nghi thức riêng. Trong khi Tết Nguyên đán của Trung Quốc bắt đầu từ ngày 8 tháng Chạp cho đến hết ngày 15 tháng Giêng Âm lịch, Tết của Hàn Quốc chỉ vỏn vẹn có ba ngày 30 tháng Chạp, mùng 1 và mùng 2 tháng Giêng Âm lịch thì Tết của người Việt Nam chính thức kéo dài từ 7 – 8 ngày cuối năm cũ cho đến 7 ngày đầu năm mới (tính từ ngày 23 tháng Chạp tiễn ông Táo về chầu Trời đến hết ngày 7 tháng Giêng Âm lịch). Đây là thời điểm hoàn toàn trùng khớp với Nông lịch khi một chuỗi canh tác đã được hoàn tất để bước vào tiết nông nhàn trước khi bắt đầu gieo vụ tiếp theo.

Về mặt tinh thần, Tết Nguyên Đán được người Việt xem như là sự kết thúc, khép lại những ngày tận cùng của một năm lao động vất vả, con người được nghỉ ngơi, vui chơi, ca hát trong không khí tưng bừng, náo nhiệt của các lễ hội và dịp này chỉ diễn ra đúng vào mùa xuân – mùa của sự khởi đầu, mở ra biết bao điều tốt lành, mới mẻ. Đây là khoảng thời gian đặc biệt, không thể trộn lẫn và chỉ diễn ra một lần duy nhất trong năm. Đối với người Việt, Tết là sự hội tụ những nét nổi bật về văn hóa, là mạch suối nguồn văn chương dào dạt, tạo cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật và cũng là nơi hội tụ những giá trị tâm linh, sự đoàn kết, hòa thuận giữa con người với con người, trong mỗi gia đình và toàn thể dân tộc.

Ngày Tết luôn mang một ý nghĩa sâu sắc, phản ánh tinh thần, tâm lý người Việt qua nhiều thế hệ. Trong tâm thức dân tộc, Tết là biểu trưng cho sự khởi đầu, là bước ngoặt to lớn đánh dấu sự chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Người Việt mong đến Tết cũng là hi vọng về một vận hội mới, một cơ may hay điều kì tích nào đó sẽ mở ra cho mình trong tương lai. Ai cũng mong chờ Tết như mong chờ một một cơ hội để làm lại và hoàn thiện những công việc còn dang dở, phấn đấu đạt được những gì chưa có trong năm cũ. Tết giống như nguồn nước mát lành gột rửa biết bao muộn phiền của một năm đã qua, trao cho người ta quyền được hi vọng, quyền được mơ ước, quyền được tin tưởng rằng cuộc sống có thể khác đi, tốt đẹp hơn và nhiều khởi sắc hơn. Đối với toàn thể dân tộc, một vận hội mới cũng sẽ mở ra với đầy hứa hẹn và triển vọng, nhất là khi chúng ta vừa phải trải qua một năm khó khăn, biến động như 2021.

Mâm cơm cúng Tết trên bàn thờ tổ tiên, Tết Ất Mùi 1955 Hà Nội. Ảnh: Flickr/manhhai

Không giống với Tết Dương lịch, Tết cổ truyền được tổ chức theo mùa trăng, tính bằng Âm lịch khiến cho ý nghĩa tâm linh cũng tăng lên đáng kể. Điều này thể hiện rõ nhất ở khoảnh khắc thiêng liêng đêm Giao thừa, bên mâm cơm cúng thần linh, gia tiên và mong cầu những điều tốt đẹp nhất cho một năm sắp tới. Cuối năm cũ, các gia đình Việt Nam thường đi tảo mộ, mời tổ tiên về ăn Tết và ngày mùng 3 tháng Giêng Âm lịch thì tổ chức lễ “hóa vàng” đễ tiễn “các cụ” về Trời. Có thể nói, Tết chính là dịp kết nối với tổ tiên, âm dương, là khoảng thời gian đoàn tụ giữa người sống với thân nhân đã khuất, thể hiện sự tri ân của con cháu với công đức cha ông. Ai cũng tin rằng mọi điều được thực hiện trong dịp Tết chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến vận mệnh của mình trong toàn bộ năm đó nên phải kiêng kị để tránh “dông cả năm”. Bởi vậy, ngay cả những gia đình có hoàn cảnh khó khăn cũng cố sắm sửa để đón dịp lễ quan trọng này, với hi vọng đây sẽ là cơ hội thiêng liêng giúp họ xua đuổi sự nghèo túng, vận rủi của năm cũ để gặp may và trở nên khấm khá, sung túc hơn trong năm tiếp theo.

Hơn tất cả, Tết còn là dịp quây quần, tụ họp, đoàn viên. Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, người Việt ở bất cứ đâu trên khắp địa cầu cũng náo nức mong ngóng, đếm từng ngày, từng giờ để được trở về quê hương, gặp lại gia đình, bạn bè sau những ngày tháng vất vả mưu sinh nơi đất khách quê người. Những người không thể trở về Việt Nam cũng cùng nhau tụ họp, tổ chức một cái tết của riêng mình mà xua tan cái lạnh của mùa đông nơi xứ người. Có lẽ, chỉ đi đã đi xa, đã thấm thía biết bao nỗi vất vả, nhọc nhằn của cuộc mưu sinh ở chốn xa lạ, người ta mới càng thêm hiểu và trân trọng những giá trị của tình thân cùng niềm tự hào và ý thức dân tộc.

Về mặt vật chất, Người Việt Nam từ Bắc chí Nam, từ dân tộc Kinh đến các dân tộc thiểu số đều có vô vàn những phong tục, sự kiêng kị nhất định để cầu sự bình an, sung túc, no đủ và may mắn, tránh vận xui cho cả năm. Hầu hết các vùng miền trên cả nước đều tổ chức những hoạt động phổ biến như đi chùa, hái lộc, khai bút, xin chữ đầu năm… Người miền Bắc thường tắm nước cây mùi già nhằm gột rửa những điều xấu trong năm cũ vào ngày 30 Tết, không quét nhà vào ngày mùng 1 Tết vì cho rằng sẽ quét đi tài lộc. Hai miền đều có tục chọn người hợp mệnh tử vi, hợp con giáp với gia chủ để “xông đất” sau đêm Giao thừa, mong đem lại những điều tốt lành cho cả năm… Dân tộc Giẻ Triêng (sống chủ yếu ở tỉnh Quảng Nam, Kon Tum) gọi Tết cổ truyền là “Cha Chả”, nghĩa là “ăn than” bởi trong dịp này, họ thường đốt củi thành những đống than lớn hay nấu xôi, vuốt lên cây giẻ khô rồi đốt thành tro, hất tung lên cao xem ai dính được nhiều tro nhất sẽ là người may mắn, mùa màng bội thu nhất. Trong khi người Kinh đi thăm hỏi, chúc tết và tặng phong bao lì xì cho trẻ em để “mừng tuổi”, thì người dân tộc La Hủ lại có tục tặng quà, phát bánh chưng đã chín cho trẻ em cầm đi chơi tết, với hi vọng “phân phát” sự no đủ khắp muôn nơi.

Mâm cơm Tết cũng có sự khác biệt tương đối giữa các vùng miền, dân tộc.  Bánh chưng xanh vuông vắn ở miền Bắc, bánh tét theo đòn dài ở miền Nam, trong khi đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc lại dùng những loại đặc biệt để tạo nên món bánh chưng tím, bánh chưng đen… Bên cạnh giò chả, hành muối, mứt kẹo… là những món quen thuộc trên cả nước, mỗi miền có thêm những món Tết đa dạng, phong phú khác nhau. Người miền Nam ưa thích củ kiệu tôm khô, thịt kho hột vịt, bánh tráng cuốn, canh khổ qua (mướp đắng)… Trong khi mâm cơm của người miền Bắc ngày Tết lại không thể thiếu thịt đông, nem rán, canh măng khô, các món xào thập cẩm… Bà con người dân tộc thiểu số cũng có những món Tết riêng của địa phương. Người Giáy làm rất nhiều món ăn đặc trưng như bánh gù, bánh gai, xôi tím, khâu nhục… người Mông có bánh láo khoải; người Thái ưa chuộng thịt trâu gác bếp và một loại cá gập nướng gọi là pa pỉnh tộp; người Tày, Nùng nổi tiếng với bánh cooc mò, xôi ngũ sắc… Ngoài ra, giữa các vùng miền, địa phương và các dân tộc cũng có sự khác biệt trong cách chơi cây cảnh ngày Tết, chủ yếu do thổ nhưỡng, khí hậu, quan niệm… của từng nơi. Nếu người Kinh ở miền Bắc thường chơi đào, quất và miền Nam nắng gió trưng cây mai vàng trong nhà thì các dân tộc thiểu số vùng thượng du Bắc bộ hay Tây Nguyên lại trồng cây nêu trước sân để trừ tà ma, bảo vệ mùa màng no đủ.

Với tất cả những giá trị vật chất và tinh thần sâu sắc này, Tết Âm lịch đã trở thành một phần quan trọng và không thể thay thế được của đời sống văn hóa Việt Nam. Tết đánh dấu mốc thời gian của lịch sử Việt Nam đã có từ ngàn đời, kiến tạo nên bản sắc dân tộc, từ người Kinh cho đến các dân tộc thiểu số. Do đó, chúng ta không thể bỏ Tết Âm lịch, đánh mất đi dịp lễ trọng đại của đất nước, mà cần duy trì, giữ gìn và làm phong phú thêm cho Tết cổ truyền nói riêng và bản sắc Việt Nam nói chung. Không những thế, mỗi người Việt cần ra sức quảng bá Tết Nguyên đán với bạn bè Quốc tế, nâng cao tinh thần tự hào, yêu mến những giá trị văn hóa dân tộc – cội nguồn làm nên sức mạnh của con người Việt Nam. Tết hội tụ tất cả những tinh hoa không thể thay thế, thiếu Tết là mất đi một động lực phát triển to lớn của quốc gia cả về vật chất lẫn tinh thần.■

Đinh Thảo

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN