Viện Phương Đông - 20 mùa xuân

Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông, đơn vị nghiên cứu khoa học trực thuộc Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) ra đời và hoạt động đến nay vừa đúng 20 mùa xuân.

Tuổi 20 là tuổi thanh xuân đầy năng lượng với một con người. Với Viện Phương Đông trải qua 20 năm hoạt động để bước vào tuổi 20 là một giai đoạn phấn đấu rất bền bỉ và rất nhiều tâm huyết của hai thế hệ: Những nhà khoa học cao tuổi và lớp trí thức trẻ, hai thế hệ bổ sung nhau, cùng nhau vượt qua khó khăn, nhất là thời kỳ khủng hoảng kinh tế, để cùng nhau nghiên cứu, cùng nhau làm việc và đã có nhiều gặt hái tốt đẹp.

Ngay sau khi mới ra đời, Viện đã tổ chức nghiên cứu và tổ chức hội thảo quốc tế những đề tài lớn như “Kinh tế trí thức ở Việt Nam”, “Giải pháp đột phá để phát triển doanh nghiệp ngoài quốc doanh”, “Xã hội hóa giáo dục”. Các nhà khoa học trong và ngoài nước đã tham dự. Những sự kiện này đã sớm tạo thế đứng cho Phương Đông khi mới chỉ 3 – 4 tuổi. Các nhà khoa học Vũ Tuyên Hoàng, Đỗ Trung Tá, Nguyễn Mạnh Kiểm, Nghiêm Đình Vỳ, Trần Ngọc Hiên, Nguyễn Đình Hương, Trần Hồng Quân, Nguyễn Đình Đầu… đã góp nhiều luận đề khoa học, tạo tiếng vang cho Viện Phương Đông.

Trong những ngày đó, Viện trưởng Viện Phương Đông, Giáo sư Trình Quang Phú đồng thời là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam phụ trách phía Nam. Ngày đó các tỉnh phía Nam còn đến 12 tỉnh chưa thành lập được Liên hiệp khoa học kỹ thuật cấp tỉnh. Viện trưởng đã dùng bộ máy, con người và vật chất của Viện để hoạt động cho Liên hiệp Hội Việt Nam. Cả Viện vừa làm công tác khoa học, vừa cùng Viện trưởng xây dựng phong trào.

Sau 5 năm hoạt động, Viện Phương Đông đã hỗ trợ Ban công tác phía Nam (do Viện trưởng làm Trưởng ban) đã đạt thành tựu đáng kể. Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam đã có đánh giá về Ban công tác phía Nam, và đây cũng là đánh giá đối với Viện, vì hầu hết con người làm việc cho Ban là của Viện, Văn phòng Viện làm việc cho Văn phòng Ban: “ Ban công tác phía Nam đã tạo được quan hệ tốt với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phía Nam để nắm tình hình các Liên hiệp Hội, tích cực và kiên trì giải thích các quan điểm của Bộ Chính trị về xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam nói chung và xây dựng Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Trong điều kiện khó khăn về kinh phí, nhân sự, toàn bộ cán bộ Ban là của Viện Phương Đông kiêm nhiệm, nhưng đã hoạt động rất tích cực, sôi nổi, đi sát các địa phương, làm việc trực tiếp với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, giúp các tỉnh tháo gỡ các vướng mắc cụ thể về cơ chế, chính sách, về nhân sự, kinh phí, phương tiện hoạt động nên đã thúc đẩy hoạt động của các Liên hiệp Hội địa phương lên một bước quan trọng. Nổi bật là Ban đã hoàn thành việc xóa trắng các tỉnh chưa có Liên hiệp Hội địa phương ở Nam Bộ. Đây là một thành tích rất đáng ghi nhận của Ban.

Đạt được thành tựu trên là nhờ sự đoàn kết phấn đấu không ngừng của tập thể thành viên Ban. Đặc biệt trong đó nổi bật là sự tâm huyết và nỗ lực hết mình của đồng chí Trình Quang Phú, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Ban công tác phía Nam, người đã quyết liệt, sâu sát chỉ đạo đôn đốc anh em trong Ban bám sát cơ sở, bản thân đồng chí trực tiếp đến trên 26 tỉnh, thành nhiều lần, kiên trì tháo gỡ các khó khăn của địa phương, có thể thấy nhiều sáng tạo về cách làm rất hiệu quả của Ban và của đồng chí Trưởng ban nên đã góp phần đưa phong trào của Liên hiệp Hội các tỉnh phía Nam chuyển biến tích cực”.

Hội thảo quốc tế Kinh tế tri thức và phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam (năm 2002)

Trong lễ tổng kết 15 năm của Viện, khi trao cờ “Đoàn kết – Trí tuệ – Sáng tạo” của Liên hiệp Hội cho Viện, Giáo sư Viện sĩ Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch đã đánh giá cao các hoạt động của Viện, đã nhấn mạnh việc Viện phối hợp hỗ trợ tích cực với Liên hiệp Hội để xây dựng phong trào. Giáo sư Viện sĩ Đặng Vũ Minh nói: “Thành tích đó có được là do tính cách mạng, là trách nhiệm cao cả của tập thể Viện Phương Đông, mà đứng đầu gương mẫu là đồng chí Viện trưởng”.

20 năm qua Viện đã tổ chức nghiên cứu nhiều đề tài khoa học, đặc biệt là 12 cuộc hội thảo phối hợp với Ban tuyên giáo Trung ương tổ chức từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh về đề tài “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo Việt Nam”. Tài liệu nghiên cứu đã được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật in thành sách và trong 3 năm đã 2 lần tái bản. Tài liệu đã được gởi đến Hội nghị Ban chấp hành Trung ương góp phần tạo việc xây dựng Nghị quyết của Trung ương về “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục – đào tạo Việt Nam”.

“Văn hóa Tây nguyên” cũng là đề tài Viện đã nghiên cứu thành công với 4 cuộc hội thảo ở Kon Tum, Buôn Ma Thuộc và Phú Yên phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nguyên. Tài liệu cũng được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật phát hành thành sách nghiên cứu.

Đề tài “Năng lượng vũ trụ với sức khỏe con người” cũng được trong và ngoài nước quan tâm.

20 năm với gần 50 cuộc hội thảo, với 20 đề tài khoa học Viện còn tổ chức nhiều sự kiện giao lưu hữu nghị có ý nghĩa sâu sắc với sự tham gia của nhiều Giáo sư, Tiến sĩ của gần 30 nước. Sự tham gia của Đại sứ 25 nước… góp phần tăng cường tình hữu nghị các dân tộc. Đã hợp tác, trao đổi với hàng trăm nhà khoa học nước ngoài hợp tác với nhiều Viện nghiên cứu, trường Đại học lớn ở Nga, Hoa Kỳ, Pháp, Singapore, Korea, Malaysia, Thái Lan, Campuchia… Viện làm tư vấn đưa nhiều dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký trên 2 tỷ đô la Mỹ, Viện đang tư vấn cho dự án khu Đô thị sinh thái nông nghiệp công nghệ cao ở Củ Chi TPHCM do Tập đoàn CJ và Quỹ CMIA Singapore đầu tư với vốn trên 1 tỷ đô la Mỹ. Viện luôn vận động tài trợ và dành phần kinh phí giúp cho sinh viên nghèo, giúp người nghèo.

Tọa đàm khoa học “Giải pháp để phát triển tự chủ Đại học”, tháng 01/2022

Có thể nói 20 mùa xuân đã tạo cho Phương Đông có thế đứng vững chắc, có uy tín và nhiều nghĩa tình trong đội ngũ các đơn vị nghiên cứu khoa học kỹ thuật. 20 năm Viện có 3 đồng chí lãnh đạo Viện được nhận Huân chương lao động hạng nhất, hạng hai và hạng ba, 5 đồng chí được bằng khen của Thủ tướng, nhiều đồng chí được Bằng khen của Liên hiệp Hội Việt Nam. Tập thể Viện được nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba, hạng nhì, được nhận cờ thi đua đơn vị xuất sắc của Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.

Bước vào tuổi 18, Viện Phương Đông phát triển mạnh hơn khi thành lập Chi nhánh Hà Nội với Trung tâm tư liệu, gồm nhiều, rất nhiều tư liệu lịch sử, địa lý và cách mạng quí hiếm của thế giới và của đất nước. Mở đầu mùa xuân thứ 18, Tạp chí Phương Đông, diễn đàn khoa học của Viện được ra đời, đã đưa Phương Đông tham gia vào hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam. Tạp chí đã sớm được độc giả chấp nhận và lưu giữ bởi có nhiều tư liệu quí về lịch sử, cách mạng, quan hệ quốc tế và về văn hóa Phương Đông.

Viện đã tập họp và thành lập Ban nghiên cứu gồm các chuyên gia có tên tuổi như Giáo sư Trần Hồng Quân, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, Giáo sư Võ Tòng Xuân, PGSTS. Trần Đình Thiên, Tiến sĩ Trần Du Lịch, TSKH. Nguyễn Quốc Hưng… Nhóm chuyên gia đã có những nghiên cứu đóng góp với Bến Tre, Đắc Nông, với thành phố Hồ Chí Minh. Các Ban nghiên cứu đã trở thành nhóm chuyên gia thường xuyên đóng góp với lãnh đạo thành phố trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Nhóm cũng đã trực tiếp làm việc với Ban Thường vụ thành phố Thủ Đức và huyện Cần Giờ…

Mùa xuân thứ 20 đến với nhiều năng lượng mới, khởi sắc, hy vọng Viện nghiên cứu Phát triển Phương Đông sẽ vươn lên và đi xa hơn nữa.■

Quang An

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN