Văn hóa Việt Nam thời hội nhập: Tiên phong trong kiến tạo hệ giá trị chân - thiện - mĩ

Xuyên suốt hành trình phát triển của lịch sử nhân loại, văn hóa Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đã không ngừng giao lưu, kiến tạo nên nhiều giá trị đặc sắc, đa dạng. Thông thường, cấu trúc của một nền văn hóa quốc gia, dân tộc thường bao gồm hai nhân tố chính: Văn hóa bản địa nội sinh và văn hóa ngoại lai du nhập. Văn hóa Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ. Nền văn hóa nước ta trước hết được cấu thành từ những yếu tố bản địa, tự nhào nặn, kiến tạo nên những giá trị vật chất, tinh thần riêng mà điển hình là văn hóa làng xã. Bên cạnh đó, trong quá trình giao lưu, hội nhập với thế giới, văn hóa Việt Nam cũng có sự chọn lọc, tiếp thu, học hỏi những yếu tố văn hóa có nguồn gốc ngoại lai, từ bên ngoài mang lại. Thời phong kiến, nền văn hóa dân tộc chủ yếu tiếp thu hệ giá trị Đông phương từ tôn giáo cho đến chính trị, kế thừa tinh thần Nho – Phật – Đạo và hệ thống hành chính kiểu Trung Hoa. Sang đến thời hiện đại, Thiên Chúa giáo và văn hóa Âu – Mỹ liên tục được du nhập vào nước ta theo gót giày xâm lược của các quốc gia phương Tây. Nền văn hóa bản địa Việt Nam cho đến nay đã liên tục có sự chồng lấn, đan xen bởi tầng tầng lớp lớp các yếu tố văn hóa ngoại lai. Có thể nói, văn hóa Việt Nam là một nền văn hóa mở, dễ dàng và linh hoạt tiếp thu văn hóa nước ngoài để làm đa dạng, phong phú thêm cho các truyền thống nội sinh sẵn có.

Tuy nhiên, trải qua một quá trình lâu dài liên tục học hỏi, tiếp thu song song với tự kiến tạo, dựng xây nền văn hóa riêng của mình, văn hóa Việt Nam đang dừng lại ở nấc thang nào của sự phát triển? Nếu lấy chân – thiện – mỹ làm thước đo cho một nền văn hóa tiên tiến, liệu văn hóa nước nhà đã chứa đựng đủ ba yếu tố này hay chưa? Dễ nhận thấy, bạn bè quốc tế khi đến nước ta đều bị ấn tượng bởi sự thân thiện, hiếu khách của con người Việt Nam. Cái “thiện” thể hiện sự ôn nhu, tinh thần hòa hợp, linh hoạt trong giao tế, ứng xử đã trở thành bản sắc của dân tộc ta. Cái “mỹ” phần nào thể hiện thông qua việc bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa – nghệ thuật vật thể và phi vật thể; song ở cấp độ cao hơn còn là quan niệm riêng về cái đẹp, về các giá trị nhân bản, nhân văn, môi sinh, cách tương tác giữa con người với nhau và với giới tự nhiên… Nền văn hóa Việt Nam dường như vẫn chưa chạm đến đỉnh cao của cấp độ này. Và trên tất cả, “chân” là cái đích thực, là nền tảng căn bản, cốt lõi, định hướng phát triển vững chắc, lâu dài của một nền văn hóa – điều mà văn hóa nước nhà vẫn đang tìm kiếm bấy lâu nay.

Chính bởi thiếu vắng cái chân, cái mỹ ấy mà văn hóa Việt Nam hiện giờ vẫn đang loay hoay giữa việc học hỏi, tiếp thu văn hóa ngoại lai và xây dựng, phát triển nền văn hóa bản địa của riêng mình. Hệ quả khôn lường nhất chính là sự tiếp thu văn hóa nước ngoài một cách thụ động và ngày càng sâu rộng, song lại chưa biết cách chủ động thay đổi cái đã có để kiến tạo những giá trị nội sinh mới mẻ, độc lập. Thực trạng này ngày càng trở nên nguy hiểm hơn giữa một “thế giới phẳng” với tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ, Internet; khi các nền văn minh, văn hóa khác dễ dàng tràn vào nước ta thông qua mọi con đường và bằng vô số các phương tiện hiện đại. Nếu trước đây, sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai là hoàn toàn có chủ đích, ông cha ta tự nguyện đón nhận và chọn lọc, đem những kinh nghiệm ấy truyền lại cho con cháu; thì giờ văn hóa nước ngoài đã trở thành một làn sóng tự nhiên ồ ạt “tấn công” vào nước ta, len lỏi tới từng ngõ ngách và thậm chí hiện hữu, tồn tại trong cuộc sống của mỗi người Việt Nam như một điều hiển nhiên. Đặc biệt, lối sống phương Tây cởi mở, phóng túng, tôn thờ tự do cá nhân… dẫu có nhiều ưu điểm song cũng đầy rẫy những bất cập, tạo ra không ít những ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ Việt, nhất là khi không được truyền bá và định hướng một cách hợp lí, đúng đắn.

Dẫu biết rằng, giữa thời đại ngày nay, việc hấp thụ văn minh nhân loại là tất yếu và mang lại những giá trị không thể phủ nhận, song cũng cần hết sức cảnh giác với tâm lý sùng ngoại, “thần thánh hóa” các nền văn hóa nước ngoài. Bởi lẽ, mọi nền văn hóa đều có những nét độc đáo riêng, không có một thước đo hay chuẩn mực cụ thể nào quy định được mức độ vượt trội hay xuống cấp của văn hóa từng quốc gia, dân tộc. Mỗi đất nước đều trải qua những thăng trầm lịch sử không giống nhau, khác biệt từ vị trí địa lý, thổ nhưỡng cho tới các tộc người với những phong tục, tập quán, nếp sinh hoạt… Chính sự khác biệt này tạo nên vẻ đa dạng của văn hóa thế giới mà Việt Nam là một phần không thể thiếu trong bức tranh muôn màu ấy.

Mọi nền văn hóa đều có những nét độc đáo riêng, tạo nên vẻ đa dạng của văn hóa thế giới mà Việt Nam là một phần không thể thiếu trong bức tranh muôn màu ấy… (Ảnh minh họa)

Bản thân văn hóa Việt Nam đương đại, dẫu chứng kiến sự đan xen giữa các yếu tố cổ – kim, Đông – Tây, song cái mới nảy sinh không phải là cái cần bị loại bỏ mà phải được kiểm nghiệm để điều chỉnh theo thời gian. Những đổi thay trong văn hóa không diễn ra đột ngột mà từng bước chuyển mình theo nhịp sống xã hội đương thời. Đã thành quy luật, những nhược điểm sẽ được bổ khuyết, tu chỉnh sao cho phù hợp với nhu cầu của xã hội, cái tốt sẽ được phát huy trong khi cái xấu, gây hại cho quần chúng sẽ dần dần mất chỗ đứng và bị thải loại. Do đó, hãy khoan kết luận, đánh giá quá sớm về một nền văn hóa, bởi thời gian sẽ là câu trả lời đúng đắn nhất cho tất cả các vấn đề liên quan. Sự phát triển của nền văn hóa bản địa Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật này. Trên thực tế, văn hóa kiến tạo nội sinh đã có từ hàng ngàn năm nay, do bản thân xã hội và con người Việt Nam điều tiết để phù hợp với thời đại chứ không phải chỉ là sự du nhập đơn thuần những giá trị ngoại lai. Không giống như những thứ văn hóa “nhập khẩu” từ nước ngoài, khi sự hấp thụ hoàn toàn rất có thể gây biến dạng, làm méo mó căn tính dân tộc; các thay đổi theo hướng điều chỉnh, tái sáng tạo cho phù hợp với văn hóa nước nhà lại là điều được nhân dân ta ý thức rất rõ và thực hiện riết ráo trong suốt nhiều thế kỷ qua, bất chấp những âm mưu “đồng hóa”  từ nhiều phía. Do đó, việc tiếp thu văn hóa khu vực, thế giới để bổ sung cho văn hóa của dân tộc, quốc gia cũng cần được nhìn nhận theo quan điểm phát triển, ở góc độ tích cực, lạc quan hơn.

Tuy nhiên, quá trình chọn lọc, tiếp thu văn hóa nước ngoài cũng tồn tại những nhược điểm riêng. Trước hết, văn hóa Việt Nam vẫn được xếp vào các nền văn hóa thiểu số – văn hóa của nước nhỏ nên chưa thể hòa nhập sâu rộng, tiến xa và gây ảnh hưởng được trên thế giới. Nói cách khác, các dòng chảy văn hóa nước ngoài ồ ạt tràn vào Việt Nam song ở chiều ngược lại, văn hóa nước ta chưa thể hòa mình, gây tác động trực tiếp đến văn hóa nhân loại. Bạn bè quốc tế hầu hết chỉ thấy một Việt Nam thân thiện, mến khách, hiền hòa và ân cần chứ chưa hề sửng sốt vì một Việt Nam độc đáo, ấn tượng, đạt đến tầm ảnh hưởng tại khu vực và trên phạm vi toàn cầu. Đây là một khiếm khuyết rất lớn khiến văn hóa nước nhà rất khó tiến xa nếu không thay đổi tư duy và tầm nhìn mới cho tương lai. Bởi vậy, chúng ta cần phải nhìn nhận vào thực tế mà đặt xuống thái độ tự mãn, thói hài lòng, thỏa hiệp; từ đó dốc lòng gây dựng bản sắc đích thực của dân tộc, kiến tạo những giá trị nổi bật với nguồn sức mạnh mềm to lớn để vươn ra năm châu. Không những thế, tâm lý tự ti, ỷ lại, an phận, không chí thú làm ăn, không thích cạnh tranh, trình độ dân trí thấp… cũng là những yếu tố cản trở quá trình hội nhập văn hóa, đưa Việt Nam thành tâm điểm của văn minh nhân loại. Đồng thời, việc xã hội mở cửa, hội nhập quá nhanh, mạnh song chưa có sự chuẩn bị đầy đủ về chính sách, luật pháp, giáo dục tư tưởng… cũng dễ dẫn đến việc hấp thụ văn hóa nước ngoài một cách dễ dãi, tràn lan, thiếu sự kiểm soát và quản lý chặt chẽ của nhà nước.

Vậy chúng ta phải hành động như thế nào để thay đổi thực trạng này? Thực tế cho thấy, kiến tạo văn hóa là một hoạt động rất khó tiến hành trong thời đại này, khi chúng ta không thể sống đơn độc mà luôn phải hòa mình vào dòng chảy chung của văn hóa thế giới. Đặc biệt, giữa bối cảnh toàn cầu hỗn loạn, cuộc chiến tranh giành quyền lực và sức ảnh hưởng của các nước lớn ngày càng trở nên khốc liệt, môi sinh bị tàn phá nặng nề, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi phát triển mạnh theo hướng cực đoan, sự chia rẽ giữa các sắc tộc và phân hóa giàu nghèo diễn ra trên mọi cấp độ cùng với nguy cơ chiến tranh, nguy cơ nạn đói, dịch bệnh và thiên tai càng gia tăng… khiến nhân loại lao đao trước những mối đe dọa lớn có tính chất hủy diệt. Do đó, xây dựng văn hóa dân tộc ở thời điểm này là không hề đơn giản đối với mọi người dân Việt Nam. Rõ ràng, yếu tố văn hóa bản địa của chúng ta vẫn chưa đủ mạnh mà chủ yếu vẫn thiên về học tập, vay mượn nhiều hơn là sáng tạo, kiến tạo. Giữ được văn hóa truyền thống đã là rất khó khăn giữa vòng xoáy thao túng của các nước lớn, xây dựng và phát triển nền văn hóa ấy lại càng trở thành một thách thức không nhỏ. Ngay từ bước đầu tiên của quá trình kiến tạo văn hóa, chúng ta đã phải xác định được văn hóa là một trong ba trụ cột phát triển cốt lõi, một con đường hiện đại hóa không thể thay thế của dân tộc Việt Nam. Sau khi đã quán triệt được quan điểm này, cần hoạch định rõ một lộ trình phát triển cụ thể dựa trên những tiền đề sau:

1. Cần chuẩn bị tinh thần, xây dựng ý chí, khát vọng cho toàn thể dân tộc, nhân dân. Phải gieo vào tâm hồn và ý thức mỗi con người Việt Nam những trăn trở và tâm niệm làm sao đưa đất nước tiến lên con đường văn minh, trở thành một “cường quốc văn hóa”, một đất nước có thể tạo ra sức mạnh mềm đích thực, nổi bật trong khu vực và thế giới như một trung tâm văn minh, một nền văn hóa có đủ khả năng dẫn dắt, định hướng và có tầm ảnh hưởng nhất định đối với các nền văn hóa khác.

2. Nhân dân Việt Nam phải được nâng cao dân trí, cả nước phải được chuẩn bị tốt về nền tảng học vấn, tri thức, phải xây dựng được kho kiến thức, hiểu biết chung của cả dân tộc. Mỗi con người Việt Nam phải phấn đấu phát triển để trở thành một cá nhân toàn diện, được trang bị những tri thức căn bản, bao quát về xã hội cùng những kĩ năng, năng lực… cụ thể của con người trong môi trường làm việc văn minh. Hơn tất cả, người Việt Nam phải hiểu được các nguyên lý phát triển của thế giới, học được những nguyên tắc nền tảng của văn hóa nhân loại và công cuộc lao động, kiến tạo giá trị trong xã hội hiện đại. Để đạt được điều đó, chúng ta cần ra sức cải tổ nền giáo dục, nâng cao dân trí, hướng mỗi con người đến việc trau dồi, tìm tòi nhằm thấu triệt được toàn bộ cách vận hành của xã hội và đất nước trong thời đại mới.

3. Để đạt đến sự phồn thịnh về văn hóa, tư tưởng, quốc gia nào cũng cần có đội ngũ tinh hoa dẫn dắt, lãnh đạo đất nước. Do đó, nước ta cũng phải xây dựng được một đội ngũ lãnh đạo bao gồm những cá nhân ưu tú, tinh anh, những người có đủ tâm – tầm – tài để lãnh đạo dân tộc, từ đó xây dựng, định hướng và dẫn dắt được những lí tưởng, mục tiêu chung của quốc gia.

4. Chúng ta cần tạo ra một mô hình quản trị tối ưu để vận hành, phát triển đất nước, làm sao trở thành một dân tộc sáng tạo, tự tìm ra hướng đi riêng cho chính mình. Người dân Việt Nam phải biết tự thân vận động và kiến tạo những thành tựu riêng trên cơ sở học tập, tiếp thu tinh hoa, văn hóa nhân loại, đồng thời loại bỏ những điều lạc hậu, không phù hợp để xây dựng và nâng tầm những giá trị đích thực cho xã hội.

5. Phải chuẩn bị một tâm thế mới cùng hệ giá trị đạo đức, phẩm chất với những tiêu chuẩn riêng, phù hợp với dân tộc mình. Đây là những yếu tố cốt lõi để phát triển con người, từ đó xây dựng nền văn hóa lớn mạnh, có nền tảng vững chắc để đứng vững trên thế giới. Nếu xem văn hóa như một tế bào thì tế bào đó phải liên tục được nuôi dưỡng dựa trên hệ giá trị căn bản, từ đó kích thích sản sinh, nảy nở, không ngừng phát triển và chống lại căn bệnh lạc hậu, lỗi thời, tha hóa.

Với những định hướng cốt lõi này, giữa thời đại đầy biến động và  thách thức, Việt Nam có cơ hội nổi lên như một nền văn hóa độc lập, khác biệt, giàu bản sắc và có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới. Tất cả những chân giá trị, chữ “chân” trong chân – thiện – mỹ cuối cùng mới được thực hiện, nâng tầm vị thế văn hóa quốc gia trên bản đồ văn hóa nhân loại. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Có văn hóa dẫn đầu, làm điểm tựa vững chắc, Việt Nam nhất định sẽ trở thành một cường quốc văn minh trong tương lai không xa.■

Tuệ Minh

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN