Câu chuyện giáo dục: “Một chương trình, nhiều bộ Sách giáo khoa”

Gần đây, việc cho phép xuất bản và sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa trong nhà trường phổ thông đã và đang trở thành vấn đề được dư luận cả nước quan tâm, đặc biệt là các bậc phụ huynh, các em học sinh và những người công tác trong lĩnh vực giáo dục. Trên thực tế, chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa (SGK)” đã được Quốc hội thảo luận và thống nhất trong Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Dù thời gian thực hiện đã được lùi lại tới năm 2017 trong Nghị quyết số 51/2017/QH14 song chủ trương cải cách giáo dục theo hướng đa dạng hoá, với tinh thần “một chương trình, nhiều bộ SGK” vẫn là nội dung then chốt được giữ nguyên và kiên trì xây dựng cho đến tận ngày hôm nay. Tại nhiều phiên họp sau đó của Quốc hội, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đặc biệt nhấn mạnh lộ trình thực hiện “một chương trình, nhiều bộ SGK” như là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong cải cách giáo dục, khi tiềm lực kinh tế của đất nước ngày càng trở nên vững mạnh hơn. Đây cũng là một trong những động lực phát triển quốc gia trong bối cảnh giao lưu, hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới giữa thời đại công nghệ ngày càng bùng nổ và phát triển mạnh mẽ; song cũng đặt ra nhiều thách thức, khó khăn và bất cập cho ngành giáo dục nói riêng và toàn thể xã hội nói chung.

Trước hết, trở lại lịch sử chương trình giáo dục – khoa cử ở nước ta bắt đầu từ thời phong kiến cho đến thời Pháp thuộc. Bên cạnh các sách vở kinh điển Nho giáo, chúng ta đã được tiếp xúc với khoa học phương Tây, bồi đắp và mở mang thêm các kiến thức mới về khoa học tự nhiên. Đây là tiền đề để xây dựng các ngành kĩ thuật – công nghệ sau này. Cách mạng Tháng Tám  thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập, đội ngũ các nhà giáo ưu tú, các học giả đầu ngành trên mọi lĩnh vực đã biên soạn ra một bộ SGK chung cho học sinh theo từng cấp, dưới định hướng giáo dục theo mô hình Xã hội chủ nghĩa, chịu ảnh hưởng từ Liên Xô – Đông Âu. Trong thời kì kháng chiến chống Mỹ, khu vực miền Nam có tiếp nhận và xây dựng hệ thống giáo dục theo mô hình phương Tây. Sau năm 1975, nước nhà thống nhất, một nền giáo dục Việt Nam tổng hợp tất cả các yếu tố Đông – Tây, kim cổ với những giá trị độc lập của nước ta đã được kiến tạo và phổ cập trên phạm vi cả nước. Nền giáo dục đậm đà bản sắc dân tộc với tính quy phạm và một bộ SGK phổ quát đã đem lại cho đất nước ta những thành tựu không nhỏ trong quá trình phát triển để vươn ra thế giới.

Với mô hình một bộ SGK cũ, đất nước ta đã đào tạo ra đội ngũ cán bộ, các nhà khoa học, trí thức, doanh nhân… xây dựng nên một tầng lớp tinh hoa có những đóng góp lớn trên mọi lĩnh vực. Nhiều trường đại học, viện nghiên cứu lớn đã được thành lập, công tác liên kết quốc tế cũng được triển khai, mở rộng một cách hiệu quả và thu lại nhiều kết quả tốt, đào tạo ra đội ngũ nhân lực chất lượng cao, nhiều cá nhân, tập thể có những thành tích xuất sắc, được thế giới ghi nhận.

Giáo viên dự giờ tiết học minh họa theo chương trình sách giáo khoa lớp 1 mới tại Trường Tiểu học Đông Thái, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Ảnh:  Đỗ Tâm

Để đất nước phát triển được như ngày hôm nay, công lao của ngành giáo dục nói chung và chương trình giáo dục cũ với một bộ SGK nói riêng, là không thể phủ nhận. Việc thống nhất sử dụng một bộ SGK trên phạm vi cả nước trong suốt hơn 70 năm vừa qua đã giúp bao thế hệ học sinh được trang bị nền tảng các kiến thức, kĩ năng cơ bản, của lĩnh vực chuyên môn một cách đầy đủ, đồng bộ và liên tục được cập nhật, đổi mới qua từng đợt cải cách. Các nhà quản lý, đội ngũ giáo viên cũng dễ dàng dựa vào tiêu chuẩn của bộ SGK chung để thực hiện nhanh gọn, hiệu quả từ khâu xây dựng, phân phối chương trình, lên kế hoạch năm học, đề xuất định hướng, mục tiêu phát triển của Nhà trường cho đến việc thiết kế các hoạt động dạy và học, kiểm tra đánh giá chất lượng học tập của học sinh ở từng môn học, về cả nội dung lẫn hình thức. Các bậc phụ huynh và các em học sinh cũng có thể dựa vào SGK để theo dõi, đánh giá và tự đánh giá hiệu quả học tập theo từng giai đoạn.

Tuy nhiên, để bắt kịp những tiến bộ không ngừng của công nghệ và thời đại hội nhập sâu rộng, Nhà nước ta vẫn chủ trương bổ sung, cải cách giáo dục, từng bước chuyển mình cùng thế giới. Trong đó, Nghị quyết 88/2014/QH13 đã nêu rõ, việc chuyển đổi từ một sang nhiều bộ sách được thực hiện dựa trên mục tiêu “kế thừa và phát triển những ưu điểm của chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông hiện hành, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của nền văn hóa Việt Nam và phù hợp với xu thế quốc tế, đồng thời đổi mới toàn diện mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; khắc phục tình trạng quá tải; tăng cường thực hành và gắn với thực tiễn cuộc sống”.

Nghị quyết đã đi đến thống nhất một chương trình giảng dạy chung trong nhà trường phổ thông trên phạm vi cả nước, thống nhất các mục tiêu cụ thể về kiến thức, kĩ năng, thái độ, hành vi ứng xử, kinh nghiệm… cần đạt được của người học ở từng cấp học cụ thể. Do đó, việc cho phép nhiều bộ SGK ra đời trên nền tảng một chương trình học thống nhất không những không tách rời hay làm thay đổi tiêu chuẩn, tính chất căn bản của hệ thống giáo dục mà còn góp phần làm phong phú thêm nội dung chương trình. Không những thế, đây còn minh chứng thuyết phục cho việc thay đổi tư duy giáo dục Việt Nam theo hướng hiện đại nhằm bắt kịp xu thế của các nền giáo dục lớn trên thế giới, khi chuyển trọng tâm từ kiến thức đơn thuần tới việc hình thành tư duy độc lập và năng lực hoạt động thực tiễn cho người học, nhấn mạnh vào tính thực hành, sự chủ động trong cách thức xử lý, giải quyết vấn đề, ứng dụng linh hoạt những gì đã học vào trong thực tế đời sống. Thông qua việc đa dạng hoá nội dung SGK với hệ thống bài tập phong phú, cách thức học tập, trải nghiệm mới mẻ… nền giáo dục Việt Nam đã và đang có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ lối học thuộc, “học tủ” sang việc đào tạo ra các cá nhân có khả năng làm việc nhạy bén, sáng tạo, tư duy độc lập thay vì tiếp thu tri thức một cách máy móc. Nhờ có sự thay đổi trong số lượng các bộ SGK mà cách ra đề thi, kiểm tra, đánh giá… cũng phải chuyển mình theo hướng tích cực, năng động hơn. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra quyết định phê duyệt 3 bộ sách thuộc Danh mục sách giáo khoa (SGK) sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông. Đó là bộ sách “Cánh diều”, “Kết nối tri thức với cuộc sống” và “Chân trời sáng tạo”. Đây là những lựa chọn hứa hẹn sẽ mở ra hướng đi mới cho nền giáo dục Việt Nam trong thời gian sắp tới.

Tuy nhiên, việc cho phép biên soạn và sử dụng nhiều bộ SGK khác nhau trong nhà trường phổ thông cũng đã và đang tạo ra những xáo trộn không nhỏ trong nền nếp giáo dục truyền thống, khiến những người vốn đã quen với cơ chế một bộ SGK cũ tỏ ra hết sức lo lắng, băn khoăn. Đã thành một quy luật, việc ứng dụng cái mới ở thời điểm ban đầu bao giờ cũng nảy sinh nhiều khó khăn, bất cập, đòi hỏi đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở, giáo viên, phụ huynh và học sinh sẽ phải có những thay đổi từ tư duy, nhận thức cho đến cung cách làm việc, tiến hành hoạt động dạy và học trong Nhà trường phổ thông.

Trước hết, các giáo viên đang quen với cách dạy học theo một bộ SGK cũ chắc chắn sẽ gặp phải những khó khăn ban đầu trong việc chuyển đổi phương thức dạy học, cập nhật kiến thức, thiết kế lại bài giảng, xây dựng hệ thống kiểm tra – đánh giá… sao cho phù hợp với chương trình mới. Các nhà quản lý, Nhà trường cũng phải cân nhắc, kết hợp các tiêu chí, lắng nghe ý kiến đánh giá từ các bên để lựa chọn được bộ SGK phù hợp với trường học của mình. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng phải tham khảo, xem xét, thậm chí tìm hiểu về các bộ SGK để biểu quyết lựa chọn bộ sách hợp lý cho con em mình. Với các em học sinh, các em cần phải chuẩn bị cả kiến thức, kĩ năng, phương pháp lẫn tâm thế học tập mới để làm quen với việc học tập, tiếp thu bộ SGK theo chương trình mới.

Tâm lý băn khoăn, lo ngại không chỉ thuộc về những người trực tiếp thực hiện “một chương trình, nhiều bộ SGK”, mà dư luận cả nước nói chung cũng nhận thấy những khó khăn, bất cập ban đầu khi áp dụng chủ trương này. Những vấn đề chính được nhiều người quan tâm nhất bao gồm: chất lượng giảng dạy trong nhà trường có đảm bảo được như trước hay không; quy trình thẩm định, phạm vi, cách thức lựa chọn SGK có được tuân thủ đầy đủ theo quy định của Bộ Giáo dục hay còn tồn tại nhiều lỗ hổng khiến các nhóm lợi ích dễ dàng hình thành, mức độ minh bạch của việc thẩm định, phê duyệt, lựa chọn áp dụng SGK mới ra sao…

Trong đó, chất lượng dạy và học là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Khi SGK trở thành một “thị trường mở” mà từ đội ngũ viết sách cho đến những người trực tiếp giảng dạy vẫn còn chủ yếu dựa trên kinh nghiệm giảng dạy sẵn có từ chương trình cũ, chưa có nhiều nghiên cứu và thực hành chuyên sâu với nhiều bộ SGK khác nhau. Ngoài ra, quy chế thẩm định và lựa chọn SGK ở nhà trường phổ thông cũng một lĩnh vực mà nền giáo dục nước ta vốn chưa có nhiều kinh nghiệm triển khai, thực hiện. Các văn bản, thông tư, chính sách cụ thể về tiêu chí thẩm định, lựa chọn SGK phù hợp với từng đối tượng người học; nhu cầu, kinh phí, điều kiện cụ thể của từng Nhà trường, địa phương… đã dần được định hình song nhìn chung vẫn không tránh khỏi tình trạng còn mơ hồ, thiên về lý thuyết, chưa giải quyết được những đòi hỏi phức tạp, cấp bách và đầy biến động của tình hình thực tế. Điều này dễ tạo ra “kẽ hở” cho các nhóm lợi ích hoạt động; đi kèm với tình trạng thiếu minh bạch trong khâu kiểm định, đua nhau “sản xuất” để lấy số lượng mà không tập trung vào chất lượng hay cạnh tranh không công bằng giữa các nhóm tác giả viết sách, các nhà xuất bản, các đơn vị giáo dục… Đây chính là những tiêu cực có thể phát sinh và để lại những hậu quả khôn lường cho nền giáo dục nước nhà nếu không sớm giải quyết triệt để.

Ngày khai giảng đang đến rất gần. Dẫu dư luận luôn ủng hộ sự đổi mới và đồng tình với những cải cách trong giáo dục, song để hạn chế tối đa tình trạng nêu trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chú trọng tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn, giới thiệu về các bộ SGK mới bằng văn bản, thông qua các kênh truyền thông, dưới các hình thức đa dạng… để phụ huynh, học sinh và xã hội tin tưởng, tránh hoang mang, lo lắng; khẩn trương triển khai công tác tập huấn cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trong các Nhà trường, trang bị cho những người làm công tác giáo dục nhận thức đầy đủ và thực hành sâu sát phương thức giảng dạy các bộ SGK theo chương trình mới, cùng những kiến thức, kĩ năng, năng lực cần hình thành cho học sinh. Bên cạnh đó, cơ chế thẩm định, lựa chọn SGK cũng phải được thống nhất, cụ thể hoá, công khai, minh bạch, tránh tạo ra sự chênh lệch về hình thức, nội dung lẫn giá cả. Đồng thời, những bộ SGK này cần được bảo quản, cất giữ, giúp các học sinh ở các cấp học sau có thể tái sử dụng. Ngoài ra, việc xây dựng một đội ngũ giám sát quá trình lựa chọn, mua bán SGK giữa các cơ sở kinh doanh và Nhà trường cũng cần được thực thi nhằm tránh sự hình thành của các nhóm lợi ích trong giáo dục.

Có thể nói, sau hơn 70 năm thực hiện một bộ SGK làm “pháp lệnh” duy nhất, nền giáo dục nước ta đã có những thay đổi đáng kể khi tiến hành chủ trương “một chương trình, nhiều bộ SGK”. Đây chính là khởi đầu cho một tư duy mới, cởi mở, tiến bộ và phù hợp với tình hình thực tế của xã hội hiện đại; đồng thời có cơ sở pháp lý trong quản lý hệ thống giáo dục quốc gia. Tuy nhiên, “vạn sự khởi đầu nan”, những khó khăn, bất cập ở thời điểm mới triển khai chủ trương cũng đã xuất hiện và gây ra nhiều quan ngại trong dư luận suốt thời gian vừa qua. Để khắc phục tình trạng này, ngoài công tác tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh, học sinh; tập huấn cho giáo viên, cán bộ quản lý… Các cơ quan chức năng của Nhà nước phải vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao để đưa các bộ SGK đi vào cuộc sống một cách thuận tiện và hiệu quả nhất.■

Đinh Thảo

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN