Tổng thống Mỹ Richard Nixon với chiến dịch “Bờ biển Ngà”

Vụ đột kích Sơn Tây (quân đội Mỹ đặt mật danh là chiến dịch Bờ Biển Ngà – Operation Ivory Coast) là cuộc tập kích của quân đội Mỹ bằng máy bay trực thăng vào một trại giam ở ngoại ô phía tây thị xã Sơn Tây. Vụ tập kích diễn ra vào ngày 21/11/1970 nhằm giải thoát số phi công Mỹ đã bị quân đội và người dân miền Bắc Việt Nam bắt làm tù binh trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc do Mỹ phát động và thực hiện. Vụ tập kích không đạt được mục tiêu do toàn bộ tù binh Mỹ đã được đưa đến một trại giam khác trước đó. Tạp chí Phương Đông giới thiệu với bạn đọc một trích đoạn (trang 447-453) về vụ Tập kích Sơn Tây trong cuốn sách “Chiến tranh bí mật của các Tổng thống Mỹ” của tác giả John Prados, NXB Công an Nhân dân và Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông – Chi nhánh Hà Nội, liên kết xuất bản năm 2022.

Kể từ năm 1966, quân đội Mỹ đã có những nỗ lực giải cứu tù nhân ở Nam Việt Nam, Campuchia và Lào. Cuộc đột kích vào trại giam Sơn Tây, một trại giam chỉ cách trung tâm thành phố Hà Nội có 32 km, là phi vụ giải cứu lần thứ 91, nhưng lại là một trong những phi vụ tham vọng nhất và lần đầu được thực hiện ở Bắc Việt Nam. Trong tất cả các phi vụ giải cứu tù nhân, chỉ có 20 phi vụ thành công, giải cứu được 318 lính ngụy và 60 thân nhân của họ. Trong đó chỉ có một binh sĩ người Mỹ được giải cứu nhưng lại chết vào giây phút cuối cùng. Tuy vậy, Lầu Năm Góc vẫn bắt đầu tính đến phi vụ giải cứu ở Sơn Tây ngay khi phát hiện trại giam tại đó.

Trại tù binh Mỹ ở Sơn Tây năm 1970. Ảnh: sontayraider.com

Cuộc tập kích Sơn Tây là sáng kiến của Chuẩn tướng Donald D. Blackburn, một trong những người ủng hộ nhiệt tình chiến tranh đặc biệt của Lục quân. Ông đã từng phụ trách Văn phòng trợ lý đặc biệt phụ trách chống nổi dậy và các hoạt động đặc biệt (SACSA) của Laird năm 1970. Blackburn từng là một lính nhảy dù chiến đấu với quân Nhật trong Chiến tranh Thế giới thứ hai và sau chiến tranh, ông được phong quân hàm đại tá khi mới 29 tuổi. Ông tham gia giảng dạy ở West Point, làm cố vấn ở Việt Nam, và chỉ huy một nhóm Lực lượng Đặc nhiệm tại Fort Bragg. Năm 1960, chính Blackburn là người được giao nhiệm vụ thành lập Ngôi sao trắng ở Lào. Sau khi làm việc với SACSA, năm 1965 ông quay lại Việt Nam với tư cách chỉ huy MACV-SOG (Millitary Assistance Command, Vietnam – Studies and Observation Group – Nhóm Nghiên cứu và Quan sát thuộc Bộ Chỉ huy Viện trợ Quân sự Mỹ tại Việt Nam). Trước đó Blackburn đã làm việc về vấn đề Bắc Việt Nam với SOG. SOG có căn cứ Gấu mèo (Bearcat) chuyên huấn luyện nhóm đặc vụ xâm nhập, và ông dự cảm thấy cuộc tập kích Sơn Tây có thể thành công.

Sau khi nhận được thông tin tình báo về trại giam, SACSA và DIA (Defense Intelligence Agency – Cục Tình báo Quốc phòng) bắt đầu nghiên cứu tính khả thi của phi vụ giải cứu. Một kế hoạch dự kiến đã được Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ chấp nhận vào ngày 10/7/1970 và Chủ tịch Hội đồng, Đô đốc Thomas Moorer, đã bật đèn xanh cho Blackburn lên kế hoạch và chuẩn bị thực hiện. Vào ngày 8/8, một đơn vị đặc nhiệm khẩn cấp hỗn hợp được thành lập dưới quyền chỉ huy của Thiếu tướng Không quân Leroy J. Manor để thực hiện cuộc đột kích. Về người đứng đầu đơn vị mặt đất, Blackburn đã chọn Đại tá Lực lượng Đặc nhiệm Arthur D. “Bull” Simons từng điều hành chiến dịch Ngôi sao trắng cách đó 10 năm. Giống như Blackburn, Bull Simons là một nhân vật huyền thoại, với hai lần luân chuyển phụ trách chiến dịch Ngôi sao trắng, một lần làm việc với SOG, giúp MACV phát triển các kế hoạch khẩn cấp cho cuộc xâm lược Lào và chỉ huy đơn vị đặc biệt hướng đến khu vực Mỹ La-tinh. Điều Blackburn lo ngại là căn bệnh tim mà Bull mới mắc phải khi ở Hàn Quốc, nhưng Bull trấn an nói rằng ông ta đã chống đẩy được 250 lần một ngày.

Kế hoạch đã phát triển đến giai đoạn cao vào cuối mùa hè. Các bài tập thực hành tác chiến đã bắt đầu ngay khi Laird trình ý tưởng cơ bản cho Tổng thống Richard Nixon và đã được chấp thuận ngay. Cuộc tập kích Sơn Tây được đặt tên là chiến dịch “Bờ Biển Ngà”.

Nhiệm vụ giải cứu tù nhân ly kỳ này được lên kế hoạch đến từng chi tiết, bao gồm các cuộc tập trận với một ngôi làng mô phỏng được dựng lên tại căn cứ không quân Eglin ở bang Florida. Tính bí mật của các cuộc tập trận này cao đến mức mà ngôi làng mô phỏng này được dỡ bỏ và di dời mỗi khi vệ tinh do thám của Liên Xô được cho là đang bay trinh sát. Đã có hơn 100 cuộc tập trận trong khi các máy bay trực thăng HH-53, với nhiệm vụ bay thẳng vào khu vực tập kích và và giải cứu các tù nhân, đã tiến hành khoảng 368 chuyến bay thực hành, với tổng số 1.107 giờ bay. Tướng Manor đã tổ chức tổng duyệt toàn diện vào đêm 7/10.

Ngày hôm sau, Blackburn, Manor, Simons và Tham mưu Trưởng Liên quân là Tướng Không quân John Vogt đã trình bày báo cáo chi tiết với Kissinger tại Nhà Trắng, khuyến nghị thực hiện Chiến dịch Bờ Biển Ngà vào cuối tháng. Hội đồng Tham mưu Trưởng Liên quân Mỹ, Laird và Giám đốc Tình báo Trung ương Richard Helms được thông báo về tiến trình này. Tuy nhiên, vì những lý do dường như có liên quan đến đàm phán về hòa bình Việt Nam, cuộc đột kích đã bị hoãn lại một tháng.

Đô đốc Thomas Moorer là người trình bày báo cáo vào ngày 18 tháng 11, khi  Chiến dịch Bờ Biển Ngà một lần nữa lại được báo cáo tại Nhà Trắng, trực tiếp trước Tổng thống Nixon, Laird, Kissinger, Helms và Bộ trưởng Ngoại giao William P. Rogers. Tổng thống được thông báo rằng, ông phải đưa ra quyết định trong vòng hai mươi bốn giờ, hoặc hoãn cuộc đột kích ít nhất cho đến mùa xuân năm 1971. Nixon lưu giữ tài liệu báo cáo để xem xét và đã chấp thuận kịp thời. Chiến dịch Bờ Biển Ngà cuối cùng cũng được thực hiện.

Bức điện phát lệnh thực hiện chiến dịch được chuyển đến “Cối xay hạt tiêu”, căn cứ “gián điệp” ở Takhli, Thái Lan. Ở đó, Bull Simons cùng đội đặc nhiệm gồm 58 người và máy bay trực thăng đang trong trạng thái sẵn sàng. Từ căn cứ này, lực lượng di chuyển lên đến Udon. Chiến dịch Bờ Biển Ngà được thực hiện vào đêm 21, rạng sáng 22/11. Các hoạt động tiến công đường không, tìm kiếm và thu hồi bằng trực thăng HH-53 chỉ mất 27 phút. Không một lính mũ nồi xanh nào thiệt mạng; thương vong tồi tệ nhất chỉ là chân bị bong gân. Ngay cả phi hành đoàn của Không quân trên một trực thăng khác, cố tình đâm vào bên trong khu nhà để thực hiện nhiệm vụ đánh lạc hướng, cũng đã thoát được ra ngoài. Chỉ có hai điều làm hỏng chiến dịch hoàn hảo này.

Sự cố thứ nhất là thất bại về mặt tình báo ở một mức độ nào đó trong chiến dịch này, đó là không có tù nhân nào ở Sơn Tây! Thực tế là, trại giam này vẫn hoạt động lúc nhiệm vụ giải cứu còn đang được thai nghén, nhưng đã bị nước lũ mùa hè từ sông Hồng gần đó đe dọa và đã được sơ tán. Bằng chứng Washington có là những bức ảnh không thám chụp từ một máy bay trinh sát tầm cao SR-71 bao quát toàn cảnh trại vào ngày 03/10. Nhưng các bức ảnh không thám khác, do máy bay SR-71 chụp vào đầu tháng 11, lại cho thấy trại đã hoạt động trở lại. Hoa màu đã được khôi phục trong khu trại giam. Các chuyến bay do thám SR-71 trong tuần trước cuộc đột kích và ngay sau những ngày đột kích đã khẳng định trại giam Sơn Tây đã khôi phục hoạt động. Các chuyến bay do thám của máy bay không người lái, vốn dự kiến khởi hành một ngày trước khi cuộc đột kích được thực hiện, đã bị hủy vì thời tiết xấu.

Nhóm lính Mỹ tham gia vụ Tập kích Sơn Tây. Ảnh: sontayraider.com

Mặc dù trại giam Sơn Tây đã hoạt động lại, nhưng đó không còn là trại giam giữ tù nhân nữa. Cái tên trại Sơn Tây không xuất hiện trong danh sách tù nhân và trại giam do một điệp viên ở Hà Nội chuyển cho người Mỹ khoảng một tuần trước cuộc đột kích. Một trại giam mới đã được đưa vào danh sách, nằm gần thành phố Đồng Hới. Cơ quan Tình báo Quân đội đã biết thông tin này và Giám đốc DIA lúc đó đang ở Washington cũng đã báo cáo Đô đốc Moorer và Tướng Blackburn. SACSA muốn xác nhận tính chính xác của thông tin này trong buổi họp tối muộn tại DIA. Ông nghĩ rằng báo cáo của điệp viên là không rõ ràng, trong khi ba chuyến bay SR-71 gần đó nhất chỉ thu được ảnh không hoàn hảo hoặc không có bức ảnh nào cả.

Một sĩ quan khác có mặt trong cuộc họp đó nhớ lại: “Tướng Blackburn điên khùng đang định tấn công miền Bắc Việt Nam để Bull Simons có thể đáp xuống một trại giam trống rỗng”.

Vào một buổi họp diễn ra lúc 6 giờ sáng, Blackburn quả thật đã đề xuất với Đô đốc Moorer cho tiến hành cuộc tập kích. Moorer đã thông báo đề xuất này cho Melvin Laird. Melvin không ngăn lệnh đã phát ra. Simons và Tướng Manor phải tự mình xác định xem tù nhân Mỹ còn đang ở Sơn Tây hay không.

Lính đột kích của Simons đã không tìm thấy tù nhân, nhưng họ đã gặp một đám người khác. Đây chính là sự cố thứ hai ở Sơn Tây. Một chiếc trực thăng tấn công HH-53 đã hạ cánh nhầm xuống một trường trung học cách mục tiêu khoảng 600 mét. Ngôi trường này đã được chuyển thành một doanh trại và tại đây đã diễn ra một cuộc giao tranh ngắn và căng thẳng; lính mũ nồi xanh đã tiêu diệt được từ 100 đến 200 người. Tuy nhiên, họ quá cao so với tầm vóc người Việt Nam, vì thế bị cho là người Trung Quốc hoặc người Nga. Chiến dịch Bờ Biển Ngà có thể đã trở thành một sự cố quốc tế lớn. Chính quyền Nixon đã không chuẩn bị để đối phó với tình huống này. May mắn thay, phía bên kia không có phản ứng rõ rệt nào.

Phần cuối của câu chuyện Sơn Tây là sự lừa dối Quốc hội và công chúng Mỹ, mà chính Tổng thống Nixon đã vô tình tiết lộ. Các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu ở Bắc Việt Nam trong đêm hôm đó đã đánh lạc hướng mọi chú ý khỏi Chiến dịch Bờ Biển Ngà. Điều này đã dần bị tiết lộ, nhưng Laird lúc đầu đã phủ nhận vụ đánh bom, sau đó lại tuyên bố các cuộc không kích đó là “phản ứng phòng vệ” trước việc một máy bay trinh sát bị bắn hạ trước đó hai tuần.

Về phần mình, Tổng thống Richard Nixon lên kế hoạch tổ chức bữa tối nhân Lễ tạ ơn cho các cựu chiến binh bị thương, ở các bệnh viện quân y quanh khu vực Washington. Nixon cũng đã lên kế hoạch gặp các tù nhân được giải thoát trong bữa tối tại Nhà Trắng này, song không có bữa ăn tối đó. Lễ Tạ ơn đến và Tổng thống ngồi ăn với một nhóm vài quân nhân. Sau khi bận rộn ký tên lên những bao diêm của Nhà Trắng, Nixon bắt đầu nói về vụ tập kích Sơn Tây, gồm cả các cuộc không kích nhằm vào các vị trí phòng thủ của Bắc Việt Nam. Câu chuyện này đã đến tai của một phóng viên mới vào nghề chuyên về vấn đề đô thị của tờ Bưu điện Washington, trong dịp lễ Tạ ơn đó.

Thái độ hoang mang của Bộ trưởng Quốc phòng Laird cũng đã được thủ trưởng của mình xóa tan. Henry Kissinger, cựu cố vấn của Hội đồng An ninh Quốc gia (National Security Council – NSC) khẳng định rằng ông đã nhận được thông tin tình báo cho biết trại giam Sơn Tây đã bị đóng cửa, nhưng là sau khi cuộc tập kích thất bại.

Mỹ còn tiến hành thêm 28 phi vụ giải cứu cho đến trước khi chiến tranh kết thúc. Trong tổng số 119 nhiệm vụ được thực hiện từ năm 1966 đến năm 1973, có 98 phi vụ tập kích. Chỉ có một tù nhân người Mỹ được giải cứu. Các cuộc tập kích có thể rất ngoạn mục, nhưng chúng không quyết định kết quả của chiến tranh ở Việt Nam. Điều này chỉ có thể đạt được trên mặt đất ở Nam Việt Nam.■

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN