Do vị trí địa chiến lược quan trọng, Đông Bắc Á được coi là khu vực sẽ góp phần định hình thế giới trong thế kỷ XXI. Trong lịch sử, Đông Bắc Á vốn đã là khu vực địa lý bị chi phối và ảnh hưởng mạnh mẽ bởi chính sách địa chiến lược của các cường quốc lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga. Sự cạnh tranh chiến lược của hai cường quốc Mỹ – Trung và cuộc chiến do Nga tiến hành tại Ukraine đang tác động tiêu cực và gây ra căng thẳng không nhỏ tại đây.
I. Chính sách châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ
Trong chiến lược châu Á – Thái Bình Dương, Đông Bắc Á luôn là tiêu điểm trong các tính toán về quyền lợi và lợi ích của quốc gia của Mỹ. Tuy nhiên kể từ sau cuộc chiến tranh Việt Nam năm 1975 do chưa có một chiến lược châu Á rõ ràng nên quan hệ giữa Mỹ và khu vực có những thời gian bị gián đoạn. Chính điều này làm cho vai trò của Mỹ bị giảm sút nghiêm trọng so với Trung Quốc.
Quan hệ hai bên chỉ có sự thay đổi và khởi sắc rõ rệt kể từ năm 2011 khi Tổng thống Obama công bố Chiến lược xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương, đánh dấu bước chuyển hướng chiến lược quan trọng nhất của Mỹ để “quay trở lại châu Á”.
Mục tiêu cao nhất của chiến lược này là ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc, duy trì vị thế lãnh đạo của Mỹ, củng cố quan hệ với các nước đồng minh tại khu vực, thiết lập một trật tự tại đây theo đúng ý đồ của Mỹ cũng như bảo đảm lợi ích của Mỹ trên tất cả các lĩnh vực. Các chính quyền Mỹ đặc biệt quan tâm đến các hoạt động của Trung Quốc, các tranh chấp và quyền tự do hàng hải tại Biển Đông bởi đây là tuyến hàng hải quan trọng nhất trong chiến lược kiểm soát đại dương của Mỹ.
Ngay từ thời chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã thiết lập và củng cố tuyến phòng thủ ở cực Tây của Mỹ, bao gồm Nhật Bản, Nam Triều Tiên (Hàn Quốc), đảo Okinawa của Nhật Bản. Trong đó Okinawa có vai trò quan trọng hàng đầu vì được coi là tuyến phòng thủ hạt nhân của Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương.
Đài Loan cũng có vị trí quan trọng bởi được coi nằm trong tuyến phòng thủ này. Mỹ có thể sử dụng lực lượng của Đài Loan khi cần thiết. Bên cạnh việc nắm chắc Đài Loan Mỹ tiếp tục duy trì các căn cứ quân sự tại Philippines và có mối quan hệ đặc biệt với Thái Lan.
Tuy mỗi đời Tổng thống Mỹ đều có cách thức triển khai chính sách châu Á – Thái Bình Dương một cách khác nhau nhưng không có thay đổi về bản chất so với chiến lược xoay trục dưới thời kỳ Tổng thống Obama mà ở đó Đông Bắc Á luôn luôn được coi là trụ cột. Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan luôn được xếp là đồng minh và Mỹ có trách nhiệm bảo vệ.
Kể từ khi lên nắm quyền đầu năm 2021, Tổng thống Biden đã hết sức nỗ lực để làm sâu sắc thêm mối quan hệ đồng minh tại Đông Bắc Á, đặc biệt từ khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra. Chính quyền của ông Biden đặc biệt chú trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng, quân sự, tiến hành nhiều cuộc tập trận song phương và đa phương với các đồng minh, đặc biệt tại khu vực Biển Đông.
Nhiều thỏa thuận Hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và đồng minh Đông Bắc Á đã được ký kết nhằm nâng cao năng lực chiến đấu và đối phó với Trung Quốc đặc biệt từ sau khi Trung Quốc thu hồi Hồng Kong và tiến hành các hoạt động uy hiếp Đài Loan.
Trung Quốc càng mạnh lên thì Mỹ càng thúc đẩy việc củng cố và mở rộng các hình thức liên minh để phục vụ lợi ích cốt lõi và mục tiêu chiến lược. Bên cạnh việc củng cố và làm sống lại Bộ Tứ Kim Cương (QUAD: Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia), thời gian qua Mỹ đã thiết lập Quan hệ đối tác an ninh ba bên Úc-Anh- Mỹ (AUKUS).
II. Leo thang căng thẳng
1. Trước hết đó là những diễn biến xung quanh eo biển Đài Loan. Đây là khu vực chứng kiến sự căng thảng tốt độ tiếp sau chuyến thăm của cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tháng 8/2022.
Kể khi xảy ra cuộc khủng hoảng xuyên eo biển Đài Loan cách đây 27 năm (1995 -1996), lần đầu tiên Trung Quốc tổ chức tiến hành các cuộc diễn tập chưa từng có tiền lệ xung quanh vùng biển Đài Loan. Các hoạt động quân sự được đẩy lên một cấp độ, quy mô mới, cao hơn rất nhiều lần cả về tần suất và phạm vi để biểu dương sức mạnh, uy hiếp Đài Loan và cảnh cáo Mỹ cũng như các nước ủng hộ Đài Loan đòi độc lập. Những hoạt động quân sự ngày càng trở nên thường xuyên, diễn ra ở phía Đông đường trung tuyến của eo biển Đài Loan.
Lần đầu tiên, máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã nhiều lần bay qua đường trung tuyến của eo biển Đài Loan (vùng biển ngăn cách Đài Loan và Trung Quốc) và tiến vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ). Bên cạnh đó là các cuộc tập trận bắn đạn thật, tấn công trên bộ, tấn công phòng thủ tổng hợp và chống tàu ngầm tàu liên tục được diễn ra.
Trung Quốc và Nga hợp tác chặt chẽ để tiến hành các cuộc tập trận rầm rộ với sự tham gia của những soái hạm hiện đại, lớn nhất của Nga cùng các tàu ngầm, khu trục của Hạm Đội Thái Bình Dương Nga. Mục tiêu để phô trương sức mạnh hải quân trên Biển Đông, cách bờ biển Đài Loan chỉ hơn 300 km.
Bên cạnh đó, lực lượng hải cảnh Trung Quốc “tuần tra” gần như hàng ngày quanh các thực thể quan trọng ở Biển Đông, nơi có tranh chấp với nhiều nước trong vùng.Tất cả làm dấy lên nỗi lo ngại sâu sắc.
2. Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang nhanh chóng. Trong suốt năm 2022 và ngay những ngày đầu của năm 2023 tình hình tại đây đã nóng lên rõ rệt. Triều Tiên liên tục thử nghiệm hàng loạt vũ khí mới, trong đó có cả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tăng tần suất các vụ phóng thử tên lửa và bắn đạn pháo, trong khi Mỹ – Hàn Quốc và liên minh Mỹ – Nhật – Hàn Quốc tiến hành các cuộc tập trận với quy mô lớn chưa từng có.
Lần đầu tiên kể từ năm 2017, Triều Tiên đã cho phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung, bay ở độ cao 1.000 km, đến Thái Bình Dương, rơi xuống biển phía Đông Nhật Bản, cách xa nơi phóng hơn 3.000 km mà không xảy ra sự cố nào. Trước đó các tên lửa của Triều Tiên thường được bắn theo quỹ đạo tránh bay qua các nước láng giềng.
Các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên vừa qua có điểm nổi bật là mức độ hiện đại hơn, quy mô rộng lớn hơn và vị trí rơi của tên lửa chính xác và nguy hiểm, đe dọa các mục tiêu quan trọng tại Hàn Quốc. Lãnh đạo Triều Tiên khẳng định mục tiêu cuối cùng của họ là sở hữu lực lượng hạt nhân mạnh nhất thế giới, tăng cường khả năng răn đe hạt nhân với tốc độ cực nhanh và đáp trả các mối đe dọa hạt nhân của Mỹ bằng vũ khí hạt nhân và lực lượng hạt nhân áp đảo nhất.
3. Để đối phó hiệu quả với “các mối đe dọa” hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, Hàn Quốc chủ trương củng cố khả năng răn đe, xây dựng năng lực phản ứng mang tính “áp đảo”, củng cố hệ thống tình báo,giám sát và do thám. Lần đầu tiên Hàn Quốc đã cho máy bay không người lái (UAV) bay tới không phận của Triều Tiên, phóng 3 tên lửa không đối đất vào vùng biển ngoài khơi đường giới hạn phía Bắc.
Hàn Quốc đang xem xét khả năng dừng thực thi Thỏa thuận quân sự liên Triều ký năm 2018. Nếu quyết định này xảy ra thì sẽ làm sụp đổ toàn bộ những cố gắng của các đời Tổng thống trước đó vì thực chất đây là thỏa thuận nhằm giải tỏa căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, giảm căng thẳng quân sự và ngăn chặn các cuộc xung đột, thù địch lẫn nhau. Bên cạnh đó Seoul cũng ra quyết định thành lập Bộ Tư Lệnh chiến lược để cùng phối hợp với Mỹ thực thi Tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương –Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Lần đầu tiên Hàn Quốc cử phái đoàn quân sự tới NATO trong nỗ lực thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác quân sự với Mỹ, NATO và Nhật Bản, tăng cường liên minh chiến lược toàn cầu.
Bên cạnh đó quốc gia này cũng đang xem xét điều chỉnh chính sách hạt nhân. Theo các thông tin từ phía Hàn Quốc, họ đang mong muốn thảo luận với Mỹ để tham gia vào các hoạt động chung với các lực lượng hạt nhân của Mỹ để được chia sẻ thông tin, thao dượt và huấn luyện về năng lực hạt nhân. Các nhà quan sát cho rằng đây là một bước tiến khá xa so với khái niệm răn đe mở rộng trước đây.
Ngay những ngày đầu của tháng giêng năm 2023 liên quân Mỹ – Hàn Quốc đã tập trận không quân tại khu vực biển Hoàng Hải, vùng biển nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc. Mục tiêu là để chứng minh năng lực và quyết tâm của Mỹ bảo vệ Hàn Quốc cũng như nâng cao khả năng răn đe, đối phó với mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Triều Tiên đã phản ứng mạnh mẽ hành động này và cũng đã có những hành động đe dọa trả đũa. Căng thẳng lại tiếp nối căng thẳng như một vòng luẩn quẩn trên bán đảo Triều Tiên.
Một trong những sự kiện được quan tâm đặc biệt trong thời gian qua chính là bước chuyển chính sách an ninh quốc phòng lớn nhất trong khu vực đến từ Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản sẽ sửa đổi chinh sách an ninh được xây dựng từ năm 2013, theo đó Nhật Bản sẽ có quyền “phản công” để đối phó với những cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Trung Quốc và Triều Tiên. Nhật Bản quyết định sẽ tăng gấp gần đôi ngân sách quốc phòng, dành 320 tỉ đô la, tương đương với gần 2% GDP, để tăng cường tiềm lực quốc phòng đến năm 2027. Nhật Bản tự nhận trách nhiệm bảo vệ Đài Loan độc lập nếu bị Trung Quốc tấn công.
Đây chính là bước ngoặt lớn nhất trong chính sách an ninh của Nhật Bản trước tình hình bất ổn tại Đông Bắc Á. Như vậy Nhật Bản sẽ trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Trung Quốc chủ trương dành 2% GDP cho quân sự.
Nhật bản cũng không ngần ngại mà công khai nêu rõ những hành động quân sự của Trung Quốc là “Thách thức chiến lược lớn nhất”với Nhật Bản và cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó Nhật cũng khẳng định Nga và Triều Tiên là những thách thức về an ninh. Trong nỗ lực nâng cấp và thu hẹp khoảng cách chênh lệch về vũ khí với các nước láng giêng, chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc khả năng mở rộng tầm bắn tên lửa từ 100 km lên thành khoảng 1.000 km đến tận bờ biển Trung Quốc. Theo báo chí Nhật Bản ngày 21/8/2022, Tokyo đang xem xét việc triển khai hơn 1.000 tên lửa hành trình tầm xa để cải thiện năng lực đối phó với các mối đe dọa ngày càng tăng trong khu vực đến từ Trung Quốc.
Dư luận trong khu vực cũng hết sức lo ngại khi chứng kiến những hoạt động quân sự làm căng thẳng leo thang trong thời gian qua tại khu vực Đông Bắc Á. Đó chính là sự gia tăng mạnh mẽ cả về số lượng và quy mô cao của các cuộc diễn tập quân sự song phương giữa Mỹ với Nhật Bản, giữa Mỹ với Hàn Quốc và đặc biệt là các cuộc diễn tập ba bên Mỹ Nhật Hàn với quy mô mô phỏng một cuộc chiến tranh thực tế xảy ra, lớn chưa từng có. Các cuộc tập trận tập trung vào mục tiêu chống tên lửa, bắn đạn thật, tập trận hải quân và không quân. Các cuộc tập trân thường được tiến hành sau mỗi lần Triều Tiên tiến hành các vụ phóng tên lửa đạn đạo.
Các cuộc tập trận trên nằm trong khuôn khổ thúc đẩy chiến lược “một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Đây được coi như những cuộc huấn luyện thực địa trên quy mô lớn, giúp Mỹ đánh giá năng lực thực sự toàn diện của các lực lượng vũ trang Nhật Hàn, tiến tới chuyển giao quyền chỉ huy tác chiến trong trường hợp khẩn cấp. Mặt khác để chứng minh tình trạng sẵn sàng chiến đấu trong bất kỳ tình huống nào của các lực lượng quân sự Nhật Bản và Hàn Quốc, rèn luyện khả năng tiêu diệt mục tiêu ở xa hàng nghìn ki lô mét.
Tóm lại, năm 2022 thực sự là một năm đầy bất ổn ở Đông Bắc Á khi các hoạt động quân sự với quy mô và tần suất chưa từng có đã liên tục xảy ra. Cuộc chiến của Nga tại Ukraine cùng sự cạnh tranh địa chiến lược mãnh liệt giữa các cường quốc Mỹ – Trung – Nga và sự xoay trục trong chính sách an ninh của các chủ thể khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc,Triều Tiên và Đài Loan đã tác động sâu sắc đến tình hình an ninh, chính trị và quân sự tại đây.
Chưa khi nào khu vực Đông Bắc Á bị kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang mạnh mẽ với sự lo sợ về khả năng chiến tranh hạt nhân luôn rình rập. Cũng chưa khi nào khu vực Biển Đông lại bị quân sự hóa mạnh mẽ đến như vậy.
Đông Bắc Á đang có nguy cơ hiện hữu trở thành một điểm nóng mới bên cạnh điểm nóng Ukraine, đe dọa hòa bình và ổn định, kìm hãm sự phát triển và phục hồi kinh tế của khu vực và thế giới sau đại dịch nếu các cường quốc liên quan và các chủ thể khu vực không điều chỉnh chính sách. Đây thực sự là những thách thức an ninh nghiêm trọng trong năm 2023 buộc chúng ta phải cảnh giác, không thể coi thường.
Trong bối cảnh căng thẳng hiện nay tại Đông Bắc Á, nhiều câu hỏi đang được đặt ra: Liệu Trung Quốc có tiến hành các hoạt động xung đột vũ trang để giành lại Đài Loan hay không? Triều Tiên có tiến hành các cuộc tấn công quân sự và sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công Hàn Quốc hay không? Sự can thiệp của Mỹ và kể cả của Nga vào khu vực sẽ như thế nào trong tình hình này. Trung Quốc sẽ lôi kéo Nga ra sao nếu có xung đột vũ trang tại đây. Đây là những câu hỏi mà ở thời điểm hiện tại khó có lời giải đáp bởi sự phức tạp và khó lường của tình hình thế giới và tại Đông Bắc Á.
Tuy nhiên tại một khía cạnh khác, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc đẩy căng thẳng tại khu vực lên đến mức xung đột vũ trang chưa chắc đã nằm trong lợi ích của chính Mỹ và Trung Quốc cũng như các đồng minh khu vực.
Liên quan đến Đài Loan, cả Mỹ và Trung Quốc đều đổ lỗi cho nhau, kích động gây căng thẳng, đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ, tuy nhiên nhiều nhà quan sát cho rằng tại thời điểm trước mắt khó có thể có xung đột vũ trang bùng nổ tại khu vực bởi những lý do sau:
Trước hết, Trung Quốc đang bị tác động nặng nề bởi chiến tranh Ukraine, do những tác động phụ về kinh tế đối với nền kinh tế thế giới, năng lượng, thực phẩm cũng như chính sách zero Covid.Tính chất quan hệ liên minh nửa vời của Trung Quốc với Nga đã và đang hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới và họ đang có nhu cầu khôi phục lại.
Về mặt quân sự, Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách với Mỹ và có đủ tiềm lực để tấn công Đài Loan, tuy nhiên cho đến nay, Trung Quốc mới chỉ dừng ở mức tiến hành các hoạt động quân sự đe dọa và nắn gân ở mức độ cảnh cáo Đài Loan và Mỹ. Bản thân Trung Quốc cũng ý thức rằng không một quốc gia nào ở châu Á ủng hộ một giải pháp quân sự đối với Đài Loan, đặc biệt trong bối cảnh cuộc chiến tại Ukraine.
Cho dù đưa ra những tuyên bố hết sức quyết liệt, Trung Quốc đang ở thế tiến thoái lương nan trong việc cân bằng giữa việc tranh thủ sự ủng hộ và tập hợp các nước châu Á láng giềng với việc tiếp tục gây căng thẳng với Đài Loan. Chính vì thế trước mắt họ sẽ dừng đúng thời điểm, chưa vội vã tiến hành các hoạt động quân sự để không bị tổn hại nhiều cả về kinh tế và chính trị. Trung Quốc đang cần thời gian và công sức để khôi phục kinh tế sau thời kỳ dài bế quan tỏa cảng.
Với Mỹ, trên thực tế, chính quyền Biden đang Mỹ đang điều chỉnh chiến lược, tiến hành một cuộc dịch chuyển địa chính trị, tập trung các nguồn lực ngoại giao và quân sự sang châu Á, trong đó có Đông Bắc Á để cân bằng quyền lực, ổn định và kiềm chế Trung Quốc.
Có thể thấy rõ Mỹ đang sắp xếp thứ tự đồng minh ưu tiên. Trước hết là các đồng minh chiến lược và đối tác tiềm năng để triển khai chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương. Họ đã thành công trong việc huy động và tập hợp sức mạnh của hai đồng minh rất quan trọng là Nhật Bản, Hàn Quốc để chống lại Trung Quốc. Hiện tại là thời điểm để Mỹ củng cố tam giác chiến lược Mỹ Nhật Hàn, kết nối chặt chẽ, bổ sung cho những cấu trúc liên minh như Bộ Tứ hoặc AUKUS, tạo ra các vòng cương tỏa ngăn chặn và cản bước những hoạt dộng bành trướng của Trung Quốc.
Cho dù Mỹ luôn sử dụng Đài Loan như một công cụ để chống Trung Quốc thì chính quyền của ông Biden ý thức rất rõ rằng quân đội Trung Quốc đã lớn mạnh hơn 10 năm trước rất nhiều và Trung Quốc cũng dễ dàng gây ra những thiệt hại đáng kể cho Mỹ và các đồng minh khu vực nếu Mỹ tiếp tục kích động Đài Loan.
An ninh và ổn định của Đài Loan cũng chính là lợi ích cốt lõi cơ bản của Mỹ. Mỹ cần một Đài Loan như một “đồng minh” mạnh về kinh tế và giữ vững dân chủ theo yêu cầu của Mỹ chứ không phải một Đài Loan bất ổn và tan nát. 70 năm qua, tình hình Đài Loan vẫn nguyên trạng bởi Mỹ đã cố gắng “ khéo léo” tránh đẩy căng thẳng đi quá xa, tạo không gian cho Bắc Kinh và Đài Bắc trì hoãn xung đột vô thời hạn, hoặc đạt được một giải pháp chính trị nào đó.Hiện tại không phải là một ngoại lệ.
Cách tiếp cận của Mỹ hiện nay là Áp dụng chiến lược phòng thủ tập thể, một tính toán chiến lược dài hơi với những mục đích và ý đồ sâu xa, bao gồm cả việc ngăn cản Trung Quốc thực hiện việc tấn công Đài Loan bằng quân sự.
Chính vì thế lợi ích trước mắt của Mỹ là giữ cho khu vực Đông Bắc Á ổn định.Tuy nhiên nhiều nhận xét cho rằng Mỹ cần có một chiến lược răn đe toàn diện hơn để đối phó với các chiến thuật vùng xám của Trung Quốc chứ không chỉ tập trung giúp Đài Loan vào lĩnh vực quân sự, vì như vậy những rủi ro đối với lợi ích của chính Mỹ, cũng như lợi ích của các đồng minh và chính Đài Loan sẽ càng lớn. Mỹ cần phải tính đến những trợ giúp làm tăng sự thịnh vượng, bền vững và chống trả lâu dài của Đài Loan.
Riêng đối với tình hình trên bán đảo Triều Tiên, đây thực sự sẽ là một điểm nóng căng thẳng và có nguy cơ gây ra bất ổn lớn tại khu vực nếu như các bên Mỹ Hàn Quốc và Triều Tiên không điều chỉnh chính sách và chiến lược. Có thể khẳng định rằng chính sách của Mỹ cô lập và buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình bỏ chương trình vũ khí hạt nhân cũng như chương trình tên lửa đạn đạo mà Mỹ Áp dụng đã không hiệu quả. Cục diện quan hệ Mỹ Triều Hàn đã thay đổi hoàn toàn khi Triều Tiên đang sở hữu các vũ khí hạt nhân mới nhất như các tên lửa đạn đạo mạnh nhất ICBM Hwasong-17. Triều Tiên đang nhanh chóng trở thành một quốc gia có năng lực vũ khí hạt nhân đầy đủ với một hệ thống tên lửa phóng có năng lực và kho hạt nhân của nước này ngày càng mở rộng và chưa có điểm dừng. Khu vực bán đảo Triều Tiên đang đứng trước nguy cơ bất ổn thật sự nếu trong tình huống nổ ra xung đột mất kiểm soát của các bên, đặc biệt khi Triều Tiên phóng tên lửa hạt nhân lên lãnh thổ Mỹ.
Chính điều này đang đặt Mỹ và Hàn Quốc cùng các nước đồng minh và cả khu vực vào thế bị động, đứng trước nguy cơ một cuộc chiến tranh hạt nhân khó lường trước được.
Tình hình Bắc Á cũng tác động đến mạnh tới Đông Bắc Á do Nga đang tăng cường triển khai quân sự ở vùng này để bảo vệ đường vận chuyển từ biển Bắc sang Đông Bắc Á và Đông Nam Á và đặc biệt là nguy cơ xung đột trực tiếp giữa Mỹ và Nga ở Ukraine. Các nhà quan sát cho rằng rất có thể cuộc xung đôt Nga Mỹ sẽ mở rộng ra phía Tây nước Mỹ, nơi đây Nga vẫn coi là vùng đất của mình. Nhiều hạm tàu của Nga đã xuất hiện ở vùng biển Bắc, hướng vào nước Mỹ.
Thế giới lại chứng kiến một mặt trận mới đang được hình thành- cuộc cạnh tranh địa chính trị của các cường quốc đang chia cắt vùng Đông Bắc Á và Đông Nam Á ra nhiều mảnh và chia rẽ khu vực này. Nguy cơ chiến tranh đang cận kề. Hòa bình chỉ còn giữ được khi các cường quốc hành động có trách nhiệm, kiềm chế vì lợi ích chung của nhân loại và các quốc gia.■