Từ sau khi Liên Xô tan rã, Chiến tranh lạnh kết thúc, quan hệ Trung – Nga liên tục phát triển: Năm 1992 hai nước coi nhau là “quốc gia hữu nghị”; năm 1994 là “quan hệ đối tác mang tính xây dựng”; năm 1996 là “Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược bình đẳng tin cậy, hướng tới thế kỷ XXI”. Bước vào thế kỷ XXI, hai nước ký kết “Điều ước hợp tác láng giềng hữu nghị” vào 2001; năm 2004 hoàn thành việc hoạch định phân định biên giới hai nước; năm 2011 quan hệ hai nước phát triển thành “Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, bình đẳng tin cậy, giúp đỡ lẫn nhau, cùng phồn vinh, đời đời hữu nghị”; năm 2014, khi Nga sát nhập Crimea, quan hệ hai nước tái khẳng định “Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”. Tháng 6/2019, Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Nga, cùng Tổng thống Putin ra Tuyên bố chung về “Phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung – Nga Thời đại mới”. Tuyên bố chung nhấn mạnh đến tính “thời đại mới” của quan hệ Trung – Nga. Đáng chú ý là trong quan hệ đối ngoại song phương của Trung Quốc, thuật ngữ “Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Thời đại mới” lần đầu tiên được sử dụng là với quan hệ Trung – Nga.
Ngày 24/2/2022 Nga phát động “hành động quân sự đặc biệt” đưa quân vào Ukraine. Cuộc chiến Nga – Ukraine tuy có làm cho Trung Quốc khó xử nhưng quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện Trung – Nga Thời đại mới” vẫn được thúc đẩy, hai nước càng xích lại gần nhau hơn. Trung – Nga dường như đã thông tin cho nhau về cuộc chiến này. Ngày 4/2/2022, trước khi cuộc chiến bùng phát 20 ngày, Tổng thống Nga Putin thăm Trung Quốc, dự Olympic Mùa đông Bắc Kinh, hai bên ra “Tuyên bố chung về quan hệ quốc tế thời đại mới và phát triển bền vững toàn cầu”, càng nhấn mạnh hơn về vị trí vai trò của Trung – Nga trong trật tự toàn cầu “thời đại mới”. Sau khi chiến tranh Nga – Ukraine bùng nổ, nhiều người cho rằng, “Tuyên bố chung” Trung – Nga 4/2/2022 giống như một “hợp đồng chiến lược” để ứng phó với cục diện mới: đối kháng trận tuyến giữa một bên là Mỹ/đồng minh và bên kia là Trung/Nga.
Có thể nói Tuyên bố chung tháng 6/2019 và Tuyên bố chung tháng 2/2022 giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống V. Putin là hai văn bản trụ cột của quan hệ Trung – Nga thời đại mới. Trong đó, Tuyên bố chung Trung – Nga về “Phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Thời đại mới” có thể được coi là “cương lĩnh” của quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” Trung – Nga thời kỳ mới. Tuyên bố chung này được nguyên thủ hai nước ký trong chuyến thăm Nga từ 5 – 7/6/2019 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chuyến thăm này diễn ra vào dịp kỉ niệm 70 năm kiến giao hai nước và sau khi ông Donald Trump lên cầm quyền, trong “Chiến lược An ninh quốc gia” đầu tiên của Tổng thống D. Trump (12/2017), Mỹ xác định Trung Quốc và Nga là hai đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ, trong đó Trung Quốc được coi là đối thủ số 1 đối với lợi ích, an ninh và sự phồn vinh của Mỹ. Từ đó, nhu cầu phối hợp chiến lược vốn có của Trung – Nga càng trở nên bức bách. Trong chuyến đi này hai bên còn ký “Tuyên bố chung Trung – Nga về tăng cường ổn định chiến lược toàn cầu hiện nay”, nêu bật vai trò của Trung – Nga trong mục tiêu ổn định chiến lược toàn cầu; hai bên còn ký kết 15 văn bản hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Nhiều chuyên gia, học giả, các cơ quan truyền thông Nga và Trung Quốc đã đánh giá cao Tuyên bố chung “Phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung – Nga thời đại mới”, cho rằng đây là sự nâng cấp về chất quan hệ hai nước, cùng nhau bắt đầu một thời đại mới, một định vị mới, một nội hàm mới của quan hệ Trung – Nga cao hơn, phát triển hơn; cho rằng Tuyên bố chung đã truyền đi một tín hiệu rõ ràng với toàn thế giới rằng Trung – Nga đang quyết tâm giữ vững và nâng cao vị thế của mình trong một thế giới đầy biến động. Nhiều học giả cho rằng, Trung – Nga đã viết nên trang mới của lịch sử quan hệ hai nước, cũng sẽ trở thành trang mới của lịch sử quan hệ quốc tế.
“Tuyên bố chung” này chỉ rõ mục tiêu và phương hướng mới của quan hệ “Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Thời đại mới”, đó là “bảo vệ lẫn nhau, kết nối chiều sâu, đổi mới sáng tạo, cùng hưởng cùng thắng” (守望相助、深度融通、开拓创新、普惠共赢). “Tuyên bố chung” cũng đã chỉ ra nội hàm mới trong hợp tác chiến lược toàn diện Trung – Nga thời đại mới, bao gồm: Hai bên ủng hộ lẫn nhau đối với các đề xướng của nhau, “Vành đai Con đường (BRI, Trung Quốc đưa ra 2013) và “Quan hệ đối tác đại Âu Á” (Nga chủ trì và được ký kết vào tháng 5/2018, có hiệu lực vào 2019). “Tuyên bố chung” đặc biệt nhấn mạnh đến hợp tác trên lĩnh vực chính trị: Tăng cường kết nối và hợp tác chiến lược, đẩy mạnh hỗ trợ lẫn nhau trên những vấn đề thuộc về lợi ích cốt lõi của nhau; tạo thêm nhiều những “phương án Trung – Nga” để cống hiến cho xã hội quốc tế; Trung – Nga kiên định bảo vệ hệ thống quốc tế lấy Liên hợp quốc làm hạt nhân, lấy luật pháp quốc tế làm cơ sở; Nga – Trung cần tiếp tục tăng cường phối hợp hợp tác trên những vấn đề trọng đại của quốc tế và khu vực, cùng ứng phó với những thách thức của chủ nghĩa đơn biên, chủ nghĩa bảo hộ, bảo vệ hòa bình và ổn định của thế giới.
Theo diễn giải của các nhà phân tích, quan hệ Trung – Nga “mới” ở chỗ, đó là quan hệ ở tầm cao mới, cơ hội mới và gánh vác trách nhiệm mới trong một thế giới biến động chưa từng có. Cả hai bên đều coi quan hệ Trung – Nga là điển hình cho quan hệ quốc tế kiểu mới “tôn trọng lẫn nhau, công bằng chính nghĩa, hợp tác cùng thắng”.
Quan hệ này cũng đứng trước nhiều cơ hội mới: Bước vào thời đại mới, cơ hội càng nhiều cho hai bên như phát triển khu vực Viễn Đông Nga, khai thác phát triển Bắc cực, từ “con đường tơ lụa trên băng” đến “con đường tơ lụa số”, sẽ càng có nhiều không gian hợp tác mới, tiềm lực phát triển mới, đem lại càng nhiều phúc lợi cho nhân dân hai nước. Hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, an ninh, giao lưu nhân văn (62% người Nga cho rằng, trong các mối quan hệ song phương của Nga với nước ngoài, quan hệ Nga – Trung là hữu hảo nhất), hợp tác quốc tế, đặc biệt là hợp tác cụ thể thiết thực trên thực tế, nhất là trên các hạng mục lớn mới, mang tính chiến lược sẽ là những lĩnh vực trọng điểm, trong đó, lĩnh vực năng lượng, quân sự, khoa học kỹ thuật, thương mại điện tử, nông nghiệp, du lịch, phát triển Bắc cực sẽ trở thành những “điểm nóng” trong hợp tác, tạo nên vô số những cơ hội mới cho cả hai bên.
Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung – Nga còn cho thấy vai trò và trách nhiệm mới của hai nước lớn Trung – Nga trong việc ứng phó với các thách thức quốc tế và các vấn đề toàn cầu. Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh trong cuộc gặp Tổng thống V. Putin (5/6/2019): Trung Quốc nguyện cùng với Nga, nỗ lực không ngừng nâng cao hiệu ứng tích cực của hai nước trong quan hệ chính trị trình độ cao, làm cho nhân dân hai nước càng cảm nhận được “cảm giác được” trong hợp tác giữa hai nước; trong các sự vụ quốc tế, cống hiến càng nhiều các “phương án Trung – Nga” cho trật tự quốc tế và phát triển toàn cầu. Hợp tác quốc tế Trung – Nga được thể hiện rõ trên các lĩnh vực chính trị thế giới, an ninh quốc tế, trên các vấn đề toàn cầu, các tổ chức quốc tế, hợp tác khu vực và giải quyết các điểm nóng. Trung – Nga tăng cường hợp tác không những làm cho thế giới ổn định hơn mà còn thể hiện trách nhiệm gánh vác của hai nước lớn, hai thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc” (THX ngày 6/6/2019).
Tuyên bố chung Trung – Nga về “Quan hệ quốc tế và phát triển bền vững toàn cầu thời đại mới” được ký kết ngày 4/2/2022 một lần nữa nhấn mạnh các trọng điểm trong lập trường của Trung – Nga đối với trật tự thế giới đương đại:
– Hai bên phản đối NATO bành trướng, kêu gọi NATO từ bỏ tư duy Chiến tranh lạnh; tôn trọng chủ quyền, an ninh, lợi ích của các quốc gia và tính đa dạng của các nền văn minh, tính đa dạng của lịch sử văn hóa, nhìn nhận một cách khách quan, công bằng chính trực sự phát triển hòa bình của các quốc gia khác.
– Bày tỏ mối lo ngại nghiêm trọng về sự hình thành AUKUS, cho rằng hành động này đi ngược với mục tiêu đảm bảo an ninh và phát triển bền vững của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, gia tăng nguy cơ chạy đua vũ trang khu vực, cấu thành nguy cơ nghiêm trọng phổ biến vũ khí hạt nhân.
– Hai bên phản đối tạo thành hệ thống đồng minh khép kín tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tạo thành sự đối kháng trận tuyến, cảnh giác cao độ với những ảnh hưởng tiêu cực đối với hòa bình ổn định khu vực do Mỹ thúc đẩy “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” gây ra.
– Tỏ sự lo ngại nghiêm trọng sự cố hạt nhân Fukujima Nhật Bản sẽ đưa nước ô nhiễm phóng xạ ra biển và những ảnh hưởng tiềm tàng đối với môi trường.
– Hai bên cho rằng, Mỹ tăng cường nghiên cứu phát triển tên lửa tầm trung và tầm ngắn, tìm kiếm các căn cứ bố trí tại châu Á – Thái Bình Dương và châu Âu, cung cấp cho các đồng minh, làm gia tăng căng thẳng và sự mất tín nhiệm lẫn nhau, gia tăng nguy cơ an ninh quốc tế và khu vực.
– Hai bên cho rằng, tất cả các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nên từ bỏ tư duy Chiến tranh lạnh và cạnh tranh “tôi được anh mất”, rút các vũ khí hạt nhân bố trí ở nước ngoài, không cho phép phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu một cách không giới hạn.
– Nga tái xác nhận tôn trọng nguyên tắc “một Trung Quốc”, thừa nhận Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể chia cắt của Trung Quốc, phản đối “Đài độc” dưới bất cứ hình thức nào.
– Trung – Nga phản đối các thế lực bên ngoài phá hoại an ninh và ổn định khu vực xung quanh chung của hai nước, phản đối các thế lực bên ngoài can thiệp vào chủ quyền và nội trị quốc gia dưới bất cứ lý do gì, phản đối “cách mạng màu”.
Rõ ràng Trung – Nga muốn tái khẳng định lập trường của hai bên trên những vấn đề trọng đại của tình hình quốc tế, đặc biệt là trên lĩnh vực an ninh quốc tế, trong đó, tiêu điểm chỉ trích luôn chĩa vào Mỹ; các nội dung này được công bố ngay trước khi cuộc chiến Nga – Ukraine bùng phát càng có ý nghĩa tượng trưng sâu xa.
Phát biểu tại lễ ký Tuyên bố chung trên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, “Hai nước kiên định ủng hộ lợi ích cốt lõi của nhau, tin cậy chính trị và chiến lược lẫn nhau ngày càng được củng cố, kim ngạch mậu dịch đạt mức kỉ lục. Hai bên tích cực tham gia cải cách và xây dựng hệ thống quản trị toàn cầu, phát huy vai trò trụ cột trong sự nghiệp duy trì công bằng chính nghĩa quốc tế”. Ông Tập Cận Bình cho biết, ông “nguyện cùng Tổng thống Putin quy hoạch tiền đồ, định hướng dẫn dắt quan hệ Trung – Nga trong điều kiện lịch sử mới, thúc đẩy sự tin cậy cao Trung – Nga không ngừng trở thành thành quả hợp tác trên các lĩnh vực, thiết thực tạo phúc lợi cho nhân dân hai nước” (THX 4/2/2022). Nguyên thủ hai nước còn bày tỏ hai nước sẽ kề vai sát cánh bên nhau bảo vệ công bằng chính nghĩa quốc tế, coi đó là sự lựa chọn chiến lược có ảnh hưởng sâu sắc đối với hai nước Trung – Nga và với toàn thế giới; trong quá khứ, hiện tại và trong tương lai đều không dao động thay đổi. Tổng thống Putin cho rằng “quan hệ Nga – Trung là điển hình của quan hệ quốc tế thế kỷ XXI… Trung – Nga đi sâu phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện có lợi cho phát triển của mỗi nước, có lợi cho bảo vệ lợi ích chung của hai nước, cũng có ý nghĩa to lớn đối với việc bảo vệ ổn định an ninh chiến lược toàn cầu”. Ông Putin cho rằng “Tuyên bố chung” này đã “phản ánh lập trường chung của hai bên Trung – Nga về quan điểm dân chủ, quan điểm phát triển, quan điểm an ninh và quan điểm về trật tự thế giới” (nguồn trên).
Nhìn tổng quát, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung – Nga được củng cố và phát triển, chủ yếu nhờ tác động của các nhân tố sau:
(1) Hai bên cùng có nhu cầu cấp thiết ứng phó với sức ép của Mỹ. Mỹ và NATO càng gây sức ép, càng đối đầu, hai nước Trung – Nga càng xích lại gần nhau, dựa vào nhau để đối phó.
(2) Nguyên thủ hai nước có mối quan hệ cá nhân tốt đẹp, có quan điểm tương đồng trên hầu hết các vấn đề quốc tế lớn, cùng quyết tâm đưa quan hệ hai nước lên tầm cao chiến lược mới, có thể đóng vai trò quan trọng trong trật tự thế giới và hệ thống quan hệ quốc tế hiện đại. Đây có thể coi là nhân tố chủ yếu trong thiết kế, định hướng và dẫn dắt quan hệ Trung – Nga (Từ khi ông Tập Cận Bình cầm quyền 2013 đến 2019, Tập và Putin đã gặp nhau 31 lần, Tập đã thăm Nga 8 lần, một tần suất ít thấy trong lịch sử quan hệ quốc tế hiện đại; Tập Cận Bình coi Putin là “đồng sự nước ngoài thân thiết nhất”. Putin trong nhiều trường hợp gọi Tập Cận Bình là “đối tác vô cùng đáng tin cậy”. THX 7/6/2019).
(3) Vị thế nước lớn, đặc biệt cùng là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, hợp tác hai bên có thể tăng cường sức mạnh và nâng cao vị thế của mỗi bên trên trường quốc tế, liên kết hai nước lớn có thể trở thành một trong những lực lượng chi phối quan trọng nhất của cục diện quốc tế, phù hợp với lợi ích nước lớn của hai nước.
(4) Nền kinh tế lớn thứ hai và thứ 10 của thế giới có tính bổ sung cho nhau, tăng cường hợp tác thúc đẩy kinh tế thương mại hai bên có thể hỗ trợ cho nhau vượt qua khó khăn, cùng phát triển trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của địa chính trị và đang có xu hướng suy thoái.
(5) Trải qua những ân oán trong lịch sử, đứng trước những biến đổi chưa từng có của thế giới đương đại, xã hội Trung – Nga vẫn tồn tại những nét đẹp của truyền thống quan hệ hai nước; Sự o ép và “đối địch trận tuyến” của Mỹ và phương Tây càng tạo điều kiện cho những nét đẹp này phát triển trở lại, tạo cơ sở xã hội cho thúc đẩy quan hệ hai nước.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều nhân tố hạn chế sự phát triển của mối quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” Trung – Nga. Có thể nêu một số nhân tố chủ yếu dưới đây:
(1) Quan hệ Trung – Nga phụ thuộc nhiều vào nhân tố Mỹ. Nhu cầu hợp tác ứng phó với Mỹ đã trở thành chất kết dính trực tiếp, quan trọng của quan hệ Trung – Nga. Một khi Mỹ thay đổi lập trường và cách hành xử với một trong hai bên Trung – Nga, tất yếu sẽ tác động đến quan hệ Trung – Nga. Bởi vậy, đứng về một khía cạnh nào đó mà nói, quan hệ Trung – Nga vẫn bị chi phối bởi nhân tố Mỹ trong những điều kiện đặc định. Trước mắt chưa thấy những dấu hiệu rõ ràng về sự thay đổi thái độ của Mỹ đối với Trung Quốc hoặc Nga nhưng không ai có thể quả quyết rằng điều đó sẽ tuyệt đối không thể xảy ra trong tương lai. Có thể coi đây là yếu tố bất xác định lớn nhất đối với quan hệ Trung – Nga.
(2) Ảnh hưởng của cuộc chiến Nga – Ukraine: Thái độ của Trung Quốc đối với cuộc chiến này đến nay cơ bản là có lợi cho Nga nhưng cuộc chiến này vẫn là một thách thức, một thử nghiệm đối với quan hệ Trung – Nga. Một khi lợi ích của Trung Quốc bị động chạm do cuộc chiến này, Trung Quốc có thể thay đổi thái độ của họ, dè dặt hơn trong việc công khai ủng hộ Nga. Trung Quốc luôn dành dư địa cho quan hệ với Mỹ và phương Tây, nhất là với châu Âu, nơi đang trở thành bãi chiến trường của cuộc chiến nhưng vốn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Xét cho cùng, lợi ích lớn nhất của Trung Quốc vẫn là phát triển kinh tế, mà muốn phát triển thì không thể không có thị trường Âu Mỹ. Điều này có thể sẽ làm loãng dần chất kết dính Trung – Nga (Dư luận đã phản ánh xu hướng này: “Putin thừa nhận Trung Quốc có “hoài nghi và lo ngại” về hành động quân sự của Nga tại Ukraine (DW 16/9/2022); New York ngày 16/9: “Tập Cận Bình lo ngại về chiến tranh Ukraine cho thấy tính hạn chế trong quan hệ Trung – Nga”, điều này chứng tỏ “Nga thiếu sự ủng hộ toàn lực của một đối tác lớn nhất, có ảnh hưởng nhất trên vũ đài thế giới”; phân tích của mạng chính trị Politico cho rằng, “Tập Cận Bình tuy nhìn thấy giá trị của Nga khi đối kháng với Mỹ và NATO nhưng ông cũng không muốn xa lánh Washington và EU. Nhiều nước phương Tây tỏ thái độ tiêu cực đối với “Kế hoạch 12 điểm giải quyết chính trị nguy cơ Ukraine” của Trung Quốc (24/2/2023), cho rằng Trung Quốc đứng hẳn về phía Nga, không có tư cách trung lập để đóng vai trò trung gian hòa giải vấn đề Ukraine…).
(3) Quan hệ Trung – Nga vẫn ở tình trạng bất đối xứng, Nga dễ trở thành “đối tác nhỏ” của Trung Quốc, dễ dẫn đến bất bình đẳng trong quan hệ (Tính đến năm 2021, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga 15 năm liền; GDP của Trung Quốc năm 2021 gấp gần 10 lần GDP của Nga: 17.700 tỉ USD/1775,9 tỉ USD.)Điều này rất dễ kích hoạt chủ nghĩa “Đại Nga”, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ hai nước.
(4) Ảnh hưởng địa chính trị tại khu vực Trung Á: Các nước Trung Á thực hiện chính sách cân bằng Trung – Nga; nhưng sự cân bằng Trung – Nga ở đây có thể bị thay đổi, thậm chí có thể bị phá vỡ do Trung Quốc ngày càng có lợi thế tại Trung Á. Trung Á là khu vực giàu tài nguyên, lợi thế trên của Trung Quốc sẽ thúc đẩy nước này tăng cường khai thác tài nguyên tại đây. Điều này sẽ làm cho Nga khó chịu, vì đây vốn là khu vực ảnh hưởng truyền thống của Nga và hiện vẫn là khu vực ảnh hưởng hậu Xô Viết của Nga. Mặt khác, đa phần các nước Trung Á không phải toàn tâm ủng hộ “hành động quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine, sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Trung Á sẽ làm cho Nga càng thêm lo ngại về khả năng “ly tâm” của Trung Á. Tất cả sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Nga – Trung Á và cuối cùng sẽ tác động tiêu cực đến quan hệ Nga – Trung.
(5) Tác động của các vấn đề do lịch sử để lại và những vấn đề mới phát sinh trong quan hệ Trung – Nga: vấn đề các hiệp định bất bình đẳng giữa Sa hoàng với nhà Thanh; vấn đề lãnh thổ… mâu thuẫn trong vấn đề khai phát Bắc Cực, phát triển khu vực Viễn Đông của Nga…
Về triển vọng của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung – Nga thời đại mới, cần chú ý xem xét các nhân tố thuận và không thuận đã nêu trên đồng thời cũng cần phân tích, nắm bắt một số thực tế trong quan hệ hai nước hiện nay, bao gồm: (1) Quan hệ này nằm trong hướng ưu tiên trong một thời gian tương đối dài của chính sách ngoại giao hai nước, tập trung vào ba nội dung chủ yếu: lấy tin cậy lẫn nhau về chính trị làm cơ sở, kiên trì phương châm láng giềng hữu nghị hợp tác chiến lược và ủng hộ các lợi ích cốt lõi của nhau (2) Hai nước sẽ phát triển quan hệ ở trình độ càng cao hơn, càng toàn diện hơn theo hướng bảo vệ độc lập, phi ý thức hệ; không kết đồng minh, không đối kháng, không nhằm vào bên thứ ba; hợp tác cùng có lợi, cân bằng lợi ích (3) Quan hệ Trung – Nga đã có cơ sở chính trị, vật chất, cơ sở xã hội vững chắc (4) Mỹ càng đẩy mạnh gây sức ép với Trung Quốc, tăng cường trừng phạt Nga cả về chính trị chiến lược và kinh tế, càng thúc đẩy hai nước xích lại gần nhau.
Cuối tháng 2/2023, vào dịp kết thúc một năm cuộc chiến Nga – Ukraine, người đứng đầu ngành Ngoại giao Trung Quốc, ủy viện Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc, Chủ nhiệm Văn phòng Công tác Đối ngoại Trung ương Trung Quốc Vương Nghị đã có chuyến thăm Nga, hội kiến với Tổng thống Putin, hội đàm với Ngoại trưởng Sergey Lavrov, gặp Thư ký Hội đồng An ninh Quốc Gia Nga Nikolai Patrushev. Sau chuyến đi Vương Nghị cho rằng, “tình hình quốc tế trước mắt phức tạp nghiêm trọng nhưng quan hệ Trung – Nga đã trải qua thử thách của phong ba bão táp quốc tế, trở nên thành thục và kiên cường, vững như bàn thạch” (nguồn: Vương Văn Bân, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tại cuộc họp báo ngày 23/2/2023). Các nguồn tin hiện cũng nói nhiều đến khả năng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sắp có chuyến thăm Nga và hội đàm với Tổng thống Putin. Nhận xét của Vương Nghị và chuyến đi của Tập Cận Bình, nếu có, phải chăng sẽ là những chỉ dẫn mới về sự lạc quan đối với quan hệ Trung – Nga!
Cặp quan hệ Trung – Nga có vai trò rất quan trọng trong hệ thống quan hệ quốc tế đương đại, có thể làm nghiêng ngửa cán cân so sánh lực lượng toàn cầu, đóng vai trò hết sức quan trọng trong thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế và đa cực hóa cục diện thế giới, có tác động to lớn đối với hòa bình, ổn định và phát triển của toàn cầu. Cục diện “đối kháng trận tuyến” có thể không xảy ra nhưng nếu nó xảy ra thì chắc chắn Trung – Nga sẽ là một bên của trận tuyến và bên kia là Mỹ/phương Tây; khi đó Trung – Nga sẽ là một nửa của thế giới. Bởi vậy quan hệ Trung – Nga không chỉ có ý nghĩa với hai nước mà còn có ý nghĩa đối với cả thế giới. Chính sách của Mỹ và NATO hiện nay là tìm mọi cách để đánh gục Nga và chia rẽ Trung – Nga, ngăn chặn Trung – Nga trở thành đồng minh (theo suy nghĩ của Mỹ và phương Tây, thực tế sẽ không có đồng minh này). Chính sách này làm cho cuộc chiến Ukraine càng leo thang và kéo dài, khả năng đối thoại giải quyết chính trị nguy cơ Ukraine càng xa vời, an ninh và ổn định toàn cầu bị đe dọa nghiêm trọng.
Với những dữ liệu đã có, có thể thấy, quan hệ “Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” Trung – Nga sẽ vẫn được duy trì và phát triển trong một thời gian tương đối dài. Song nhiều vấn đề của tự thân Trung – Nga và sự biến đổi khó lường của môi trường quốc tế, quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” Trung – Nga vẫn ẩn chứa những nhân tố bất xác định. Dù sao, điều có thể khẳng định là, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cặp quan hệ Trung – Nga luôn có vai trò đặc biệt quan trọng trên bàn cờ quốc tế.■
Tùng Lâm