Nhật Bản là đất nước mang trong mình một lịch sử bi thương và đầy mâu thuẫn: Vừa là quốc gia gây chiến với một số nước láng giềng, một số nước trong khu vực lại cũng vừa là nạn nhân của hai vụ ném bom nguyên tử khủng khiếp của Hoa Kỳ tại Hirosima và Nagasaki.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản bị tàn phá nặng nề và quân đội Nhật đã đầu hàng vô điều kiện. Chủ nghĩa quân phiệt bị xóa bỏ, chế độ quân chủ lập hiến kết hợp với dân chủ đại nghị và dân chủ trực tiếp được hình thành. Nhật Bản cam kết từ bỏ quyền tuyên chiến. Theo điều 9 Hiến pháp năm 1947, Nhật Bản cam kết vĩnh viễn không phát động chiến tranh và không được phép duy trì quân đội.
Tuy nhiên, cho dù làn sóng căm ghét chiến tranh cũng như chủ nghĩa quân phiệt là trào lưu chủ yếu nhưng đại đa số người Nhật, như một lẽ đương nhiên, ủng hộ việc đất nước họ phải có và phải duy trì lực lượng phòng vệ. Hiện Nhật Bản vẫn duy trì lực lượng phòng vệ, được xếp hạng vào một trong những đội quân mạnh nhất thế giới!
Hơn 70 năm qua, về quân sự, Nhật Bản chủ yếu dựa vào chiếc ô của Mỹ. Nhật Bản đã cho phép Mỹ sử dụng đảo Okinawa làm căn cứ quân sự từ thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ 2. Okinawa là một phần của hành lang quân sự bảo vệ phòng tuyến bờ Tây Thái Bình Dương và cũng là bờ Tây của Mỹ. Khu vực này cũng được coi là tuyến phòng thủ hạt nhân của Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương. Tại đây quân đội Mỹ được hưởng những quy chế ưu đãi rất đặc biệt.
Nhờ sự bảo vệ và giúp đỡ của Mỹ, trong suốt thời gian dài Nhật có điều kiện tập trung nguồn lực phát triển kinh tế. Chỉ trong thời gian ngắn Nhật Bản đã có mức tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc. Trong những năm 70 Nhật Bản đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng chính là cánh tay nối dài, quan trọng, giúp Mỹ phát huy, tạo dựng ảnh hưởng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Mối quan hệ song phương càng trở nên quan trọng vì về địa lý, Nhật Bản nằm ngay cạnh Trung Quốc, đối thủ chiến lược của nước Mỹ trong nhiều giai đoạn.
Song cho dù là một đất nước được coi là cường quốc về kinh tế và khoa học kỹ thuật, Nhật Bản hầu như chưa có vị thế và vai trò trên trường quốc tế. Họ chỉ đơn giản là một quốc gia chủ yếu thực hiện các cam kết với Hoa Kỳ trong chiến lược xoay trục của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương. Trong quan hệ với Hoa Kỳ, Nhật luôn ở vào vị trí khá “khiêm tốn”. Trên thực tế, Hoa Kỳ vẫn kiềm chế Nhật và quốc gia này vẫn không phát triển như kỳ vọng.
Chính sách “Ngoại giao tầm nhìn toàn cầu”
Nước Nhật có sự thay đổi đáng kể khi Thủ tướng Shinzo Abe trở lại nắm quyền vào năm 2012. Nhật Bản bắt đầu điều chỉnh mạnh mẽ hai trụ cột chính trong chính sách là đối ngoại và an ninh. Nhật bắt đầu phô diễn sức mạnh quân sự với mục tiêu đảm bảo an ninh quốc gia cũng như đảm bảo an ninh, hòa bình và thịnh vượng của khu vực và toàn cầu.
Khái niệm “Ngoại giao tầm nhìn toàn cầu” hướng đến duy trì các giá trị toàn cầu, như tự do, dân chủ, tôn trọng nhân quyền và luật pháp được cố Thủ tướng S. Abe nêu lên, về cơ bản vẫn được các chính quyền kế nhiệm của Thủ tướng Suga và Thủ tướng đương nhiệm Kishida Fumio tiếp nối cho đến ngày hôm nay. “Ngoại giao tầm nhìn toàn cầu” của Nhật Bản được đánh giá là một biện pháp mới, đa dạng và sáng tạo giúp cho Nhật nâng cao năng lực quốc phòng.
Nhật Bản muốn chứng tỏ cho thế giới thấy rằng Nhật Bản không chỉ là một cường quốc kinh tế, mà cao hơn nữa, Nhật Bản cần có vị trí và vai trò xứng đáng trong việc tham gia giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu. Trong hơn một thập kỷ qua nước Nhật đã có mặt tại khắp các lục địa chủ chốt trên thế giới.
Một trong những điểm nổi bật trong triển khai chính sách của Nhật Bản trong thời gian qua là đặc biệt chú trọng đến khía cạnh an ninh. Các dự án hoạt động kinh tế, hợp tác chính trị đều lồng ghép với các nội dung về an ninh, quốc phòng. Ví dụ các chương trình về tài trợ xây dựng kết cấu hạ tầng thường đi kèm với chương trình đào tạo lực lượng bảo vệ bờ biển, tăng cường khả năng hàng hải, chuyển giao tàu tuần tra trên biển…
Chính sách tăng cường sức mạnh quân sự càng ngày càng được thể hiện rõ ràng. Tuy điều này vượt quá quy định của luật, nhưng Mỹ hoàn toàn ủng hộ và thế giới không phản đối mạnh.
Tại châu Á, Nhật Bản chủ trương tăng cường quan hệ cả song phương và đa phương với các nước ASEAN. Họ tranh thủ sự ủng hộ của ASEAN để làm cơ sở thúc đẩy vai trò của Nhật tại Châu Á – Thái Bình Dương. Nhật Bản chủ động tham gia vào nhiều cơ chế hợp tác của khu vực, tài trợ tích cực cho Ủy ban sông Mê Kong, ký kết nhiều hiệp định hợp tác kinh tế, thương mại, trở thành một trong những nhà cung cấp viện trợ hợp tác phát triển lớn nhất cho các quốc gia trong khu vực.
Với Châu Âu, Nhật Bản giữ vai trò là một đối tác quan trọng trong việc hỗ trợ hệ thống đa phương và thúc đẩy việc áp dụng các tiêu chí tự do trong bối cảnh cạnh tranh Trung Quốc – Mỹ ngày càng cao. Hiệp định Đối tác kinh tế EU – Nhật Bản (EPA) chính thức có hiệu lực từ ngày 01/2/2019 là thỏa thuận thương mại song phương lớn nhất từng được EU thực hiện về quy mô thị trường, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu.
Bên cạnh đó Nhật Bản cũng không ngừng tăng cường quan hệ an ninh quân sự với các nước thành viên Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Năm 2018, Nhật Bản thành lập văn phòng đại diện tại trụ sở của NATO và bắt đầu tham gia các cuộc diễn tập an ninh mạng quy mô lớn do NATO tổ chức.
Đối với khu vực châu Phi, Nhật Bản tập trung vào viện trợ phát triển. ODA được coi như “quyền lực mềm” để Nhật tăng cường ảnh hưởng ngoại giao và chính trị. Nhật Bản chủ trương có cách tiếp cận tập trung vào việc đào tạo, tăng cường năng lực, tạo ra sự khác biệt so với phương thức “ngoại giao tiền tệ”, với khối tín dụng khổng lồ (bẫy nợ) mà Trung Quốc thường sử dụng để gia tăng ảnh hưởng tại đây.
Với các nước Trung Đông, Nhật Bản thực thi chính sách “ngoại giao tài nguyên” với mục đích nhằm bảo đảm nguồn cung về dầu mỏ vì Nhật phụ thuộc năng lượng của Trung Đông. Bên cạnh mục tiêu thúc đẩy ngoại giao để giảm bớt căng thẳng khu vực, Nhật Bản cũng tranh thủ sự ủng hộ của các nước Trung Đông đối với “sứ mệnh” hàng hải mới mà Nhật Bản triển khai trong khu vực.
Những yếu tố thúc đẩy việc thay đổi chính sách
Có hai yếu tố, một là yếu tố xuất phát từ nội thân nước Nhật và yếu tố thứ hai đến từ các tác động bên ngoài.
Yếu tố nội thân: Trong hơn một thập kỷ qua Nhật Bản đã thực sự lớn mạnh và xứng đáng có vai trò quan trọng hơn trên thế giới. Nhật Bản trở thành nền kinh tế đứng thứ ba trên thế giới theo GDP danh nghĩa và lớn thứ tư theo PPP. Nhật Bản được xếp vào danh sách các cường quốc, tham gia vào nhóm các nước lớn giữ vai trò chi phối đời sống quốc tế như G20 và G7, OECD.
Đây không chỉ là ý chí của các nhà lãnh đạo Nhật Bản mà còn là tâm nguyện của nhân dân đất nước mặt trời mọc, ủng hộ việc Nhật Bản có vai trò hùng mạnh hơn cả về an ninh quốc phòng. Theo hiến pháp thời hậu chiến của Nhật Bản, quân đội Nhật Bản không được chính thức công nhận, và chi tiêu quốc phòng trên danh nghĩa chỉ được dùng cho việc phòng thủ. Tuy nhiên, những căng thẳng địa chính trị gần đây đã làm thay đổi dư luận tại Nhật, ngày càng có thêm nhiều tiếng nói yêu cầu chính phủ xem xét lại chính sách quốc phòng, an ninh.
Với các yếu tố đến từ bên ngoài cho thấy Nhật Bản đang phải đối mặt với môi trường an ninh phức tạp nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II. Chưa khi nào môi trường an ninh xung quanh nước Nhật lại ở mức đáng báo động đến như vậy. Nhật Bản đang phải đối đầu với cả ba quốc gia là Trung Quốc, Triều Tiên và Nga cộng với nguy cơ những mâu thuẫn và căng thẳng vốn có trong lịch sử bùng phát trở lại.
Với Trung Quốc, Nhật Bản ý thức sâu sắc về những mối đe dọa ngày càng lớn do các hoạt đông phô trương sức mạnh quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Việc quân đội Trung Quốc liên tục tăng cường hoạt động tại các vùng xám ở các vùng biển giáp Nhật Bản, đưa ra các tuyên bố đòi chủ quyền đối với quần đảo tranh chấp Sensuka/Điếu Ngư, đe dọa dùng vũ lực thay đổi hiện trạng về vấn đề Đài Loan đã dấy lên nỗi lo sợ thường trực tại Nhật Bản về khả năng Trung Quốc sẽ tấn công Đài Loan bằng quân sự. Trong khi đó Nhật tự nhận có trách nhiệm bảo vệ Đài Loan trong trường hợp bị tấn công.
Quan hệ Nhật – Nga đang ở mức thấp nhất kể từ khi Nga tiến hành cuộc chiến tại Ukraine. Vượt qua các thông lệ, Nhật Bản đã nhanh chóng đưa ra những biện pháp trừng phạt mạnh, riêng rẽ đối với Nga. Dư luận Nhật đặc biệt lo sợ “một tiền lệ Ukraine” sẽ xảy ra tại vùng quần đảo đang tranh chấp, được gọi là Phương Bắc (theo cách gọi của Nhật) hay quần đảo Kurin theo cách gọi của Nga.
Tình hình leo thang căng thẳng chưa từng có trên bán đảo Triều Tiên cùng với việc Triều Tiên công khai khẳng định quyết tâm sở hữu lực lượng hạt nhân mạnh nhất thế giới đã đe dọa trực tiếp Nhật Bản. Là nước láng giềng của Triều Tiên, Nhật Bản dễ dàng trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trong bối cảnh Triều Tiên liên tục thử nghiệm hàng loạt vũ khí mới, tăng tần suất các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo (bay qua lãnh thổ Nhật Bản) và bắn đạn pháo với vũ khí ngày càng hiện đại hơn.
Cần phải nói thêm rằng một trong những yếu tố đến từ bên ngoài rất quan trọng thúc đẩy Nhật xoay trục chính sách chính là sự ủng hộ và khuyến khích của Mỹ vì điều này cũng nằm trong chính sách xoay trục của Mỹ. Nhật là thành viên tích cực của liên minh Tứ giác Kim cương do Mỹ đứng đầu và rất quan tâm đến AUKUS.
Nội hàm xoay trục chính sách
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã từng nhấn mạnh rằng việc tăng cường sức mạnh quốc phòng là cần thiết để gia tăng sức mạnh ngoại giao nhằm nâng cao sức mạnh toàn diện quốc gia (ngoại giao, quân sự, kinh tế, công nghệ, tình báo).
Với cách tiếp cận trên sức mạnh và tiềm lực quân sự, quốc phòng được đánh giá là công cụ quyết định nhất, quan trọng nhất đảm bảo an ninh quốc gia.
Tầm nhìn mới về quốc phòng của Nhật được thể hiện qua ba tài liệu đó là Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS), Chiến lược phòng thủ quốc gia, Chương trình tăng cường quốc phòng hay còn được gọi là Chương trình an ninh trung hạn. Cả ba văn kiện chiến lược đều nêu rõ mục tiêu là tăng cường đáng kể sức mạnh và tiềm lực quân sự và quốc phòng của Nhật Bản.
Bản chất của toàn bộ Tầm nhìn mới về quốc phòng chính là ở chỗ Nhật sẽ chuyển từ trạng thái phòng vệ sang nâng cao năng lực phản công. Đây là chiến lược mang tính răn đe toàn diện và tấn công đánh phủ đầu trong trường hợp cần thiết để đối phó với những mối đe dọa đến từ bên ngoài. Biện pháp thực hiện sẽ dựa vào việc tăng cường lực lượng quân sự, hiện đại hóa, phát triển vũ khí, đặc biệt tên lửa tầm xa.
Nét đáng chú ý của những văn kiện này là:
– Đây là lần đầu tiên Nhật Bản đề cập đến việc xây dựng và tăng cường tiềm lực quân sự để tiến hành phản công. Điều này được hiểu rằng quân đội Nhật không chỉ tiến hành phòng thủ mà trên thực tế có thể được phép sử dụng các biện pháp quân sự tấn công các mục tiêu bên ngoài lãnh thổ của Nhật Bản nếu đây chính là địa điểm xuất phát của các cuộc tấn công vào nước Nhật.
Hiến pháp hiện hành không cho phép Nhật có các hành động quân sự phản công, do đó Nhật Bản sẽ phải tính toán việc sửa đổi hiến pháp. Chiến lược an ninh quốc gia mới đặt áp lực cho chính phủ của Thủ tướng Kishida trong việc thúc đẩy sửa đổi hiến pháp theo hướng gỡ bỏ những hạn chế và kiềm chế hoạt động quân sự trong trường hợp cần thiết.
– Lần đầu tiên từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Chính phủ Nhật có sự điều chỉnh ngân sách quốc phòng lớn nhất. Trong 5 năm tới Nhật sẽ tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng hằng năm, từ mức độ 1% GDP hiện tại lên mức độ 2% GDP, tương đương với mức cam kết của các nước thành viên NATO. Như vậy, Nhật Bản sẽ trở thành nước có ngân sách quốc phòng lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc.
Nhật Bản dự kiến sẽ dành 320 tỷ đô la để hiện đại hóa vũ khí, tăng cường lực lựơng quân sự và tái cấu trúc quân đội, tăng cường khả năng phòng thủ không gian và phòng thủ mạng, chuẩn bị cho trường hợp xung đột kéo dài.
– Để nâng cấp, hiện đại hóa quân đội, giảm bớt khoảng cách chênh lệch quá lớn về mức độ hiện đại của vũ khí Nhật so với các nước láng giềng, Nhật đang có kế hoạch nâng cấp các tên lửa địa đối hạm hiện có để mở rộng tầm bắn từ 100 km lên thành khoảng 1.000 km, đủ sức vươn tới các khu vực ven biển Trung Quốc, cũng như Bắc Triều Tiên. Bên cạnh đó Nhật chủ trương nghiên cứu chế tạo tên lửa nội địa và sẽ mua tên lửa Tomahawk của Mỹ để phản công lại và tấn công các mục tiêu quân sự sâu bên trong lục địa châu Á trong trường hợp bị tấn công.
Nhật Bản sẽ bổ sung thêm các lực lượng quân đội chủ yếu cho phía Nam đảo Okinawa và triển khai các tên lửa đời mới ở bên trong và xung quanh vùng Kyushu ở miền Tây Nam Nhật Bản và trên các hòn đảo nhỏ nằm rải rác trong vùng biển của Nhật Bản gần Đài Loan. Ngoài phương tiện chiến đấu, Nhật Bản sẽ đầu tư cải thiện năng lực hậu cần, kinh nghiệm bài học rút ra từ chiến tranh Ukraine và tập trung nâng cao khả năng chiến tranh mạng và chiến tranh không gian vốn bị đánh giá là chưa tương xứng.
Một biện pháp quan trọng nữa đó là “Tái cấu trúc” lực lương phòng vệ dân sự để nâng cao năng lực phản ứng chung trong trường hợp khẩn cấp. Lực lượng bảo vệ mặt đất, trên biển, trên không đều thu về một mối, đặt dưới sự chỉ huy của một Bộ Tư lệnh chung.
– Lần đầu tiên, trong một văn kiện chính thức, Nhật Bản đã xác định và công khai nêu lên rất cụ thể những thách thức và đe dọa đối với Nhật Bản hiện tại cũng như trong tương lai. Văn kiện nêu rõ “Trung Quốc là một thách thức chiến lược chưa từng có đối với hòa bình và ổn định của Nhật Bản”. Triều Tiên được coi là “ mối đe dọa nghiêm trọng và có nhiều nguy cơ xảy ra cho Nhật” khi Triều Tiên công khai chính sách hạt nhân, tiến hành liên tục các vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa, vượt qua cả lãnh thổ Nhật Bản. Nước Nga được coi là “nguy cơ tiềm ẩn” với việc Nga tiến hành cuộc tấn công quân sự tại Ukraine, Nga đang trở thành thách thức và đe dọa an ninh lớn của Nhật.
– Ngoài ra Nhật Bản cũng thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác quốc phòng với các nước phương Tây đặc biệt là Hoa Kỳ, NATO, Anh. Hoa Kỳ và Nhật vừa qua đã nhất trí tuyên bố “Tầm nhìn về một liên minh sẵn sàng chiếm ưu thế trong kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược mới”. Hai Bộ Quốc phòng Nhật – Mỹ cũng xem xét việc thảo luận khả năng kích hoạt Điều 5 của Hiệp ước An ninh Nhật – Mỹ, điều khoản phòng thủ chung của Hiệp ước trong trường hợp các cuộc tấn công tới, từ hoặc trong không gian.
Chiến lược an ninh quốc gia mới của Nhật Bản xác định “Trung Quốc là một thách thức chiến lược chưa từng có đối với hòa bình và ổn định của Nhật Bản”. Ảnh minh họa
Đột phá trong chính sách
Nhật Bản đang hướng tới việc định hình một vai trò mới, mạnh mẽ hơn về chính trị, an ninh và kinh tế, gia tăng ảnh hưởng, nâng cao vị thế không chỉ ở khu vực mà trên toàn cầu. Chiến lược an ninh quốc gia mới (NSS) được công bố lần thứ hai sau 10 năm so với Chiến lược cũ, cho thấy rõ tính đột phá.
– Đó là một chiến lược an ninh mang tính răn đe toàn diện, giúp Nhật đủ sức đương đầu với những thách thức mới. Đây được coi là “một phiên bản hoàn thiện và chính thức của cả một quá trình thay đổi lâu dài của nước Nhật” để chứng minh cho thế giới thấy họ có một chiến lược rõ ràng, cụ thể về vai trò của Nhật như một quốc gia có vị trí và năng lực đảm bảo an ninh ở khu vực.
– Đây chính là bước tăng cường quân sự lớn nhất của Nhật Bản từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Những điều chỉnh chiến lược mới về quốc phòng chính là bước mở đầu cho việc xây dựng những chính sách mới ứng phó, đáp ứng với thách thức mới. Thông qua NSS, Nhật có cơ sở pháp lý và điều kiện tăng cường mạnh mẽ quan hệ với Mỹ, với các đồng minh và đối tác mới, gia tăng ảnh hưởng và vai trò tại Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương.
– Nhật Bản đang cho thế giới thấy quyết tâm tạo sự cân bằng sức mạnh mới tại khu vực, thúc đẩy sự ổn định khu vực nhờ thế đối trọng lẫn nhau giữa các bên với mục tiêu kiềm chế Trung Quốc, ngăn cản những bước phiêu lưu quân sự của Triều Tiên. Bên cạnh việc tăng cường sức mạnh quân sự, Nhật Bản thực thi chính sách ngoại giao chủ động, rộng mở, kết hợp hài hòa với chính sách hợp tác kinh tế, viện trợ ODA, tham gia mạnh mẽ vào các hoạt động toàn cầu.
– Hơn nữa chiến lược mới cho thấy thái độ mạnh mẽ cũng như cam kết của Nhật Bản trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Cùng với Mỹ và các đồng minh NATO, Nhật Bản muốn chuyển đi một thông điệp rằng họ sẽ không chấp nhận “những nỗ lực thay đổi hiện trạng bằng vũ lực trên biển Đông và biển Hoa Đông”, khẳng định lại sẽ bảo vệ Đài Loan để duy trì hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan.
– Khi điều chỉnh chiến lược an ninh quốc phòng, Nhật muốn chứng tỏ sẽ độc lập hơn với Mỹ. Có những ý kiến cho rằng Nhật Bản muốn tách hoàn toàn khỏi Mỹ, tuy nhiên mối quan hệ Nhật – Mỹ là mối quan hệ đồng minh lâu đời, gắn kết lợi ích địa chiến lược. Việc tăng ngân sách quốc phòng giúp Nhật tự cường hơn, nhưng không có nghĩa họ sẽ rời xa Mỹ như một số đồn đoán.
Nhật sẽ vẫn giữ vai trò là một đồng minh tích cực, bảo đảm các cam kết với Mỹ bởi Mỹ chính là chỗ dựa duy nhất của Nhật không chỉ về an ninh mà còn về nhiều phương diện khác trong bối cảnh nước Nhật cần tập trung nguồn lực phát triển kinh tế, thương mại.
Sự điều chỉnh chính sách quốc phòng của Nhật về cơ bản rất có lợi cho Mỹ vì một nước Nhật có tiềm lực quân sự mạnh, ở sát đối thủ cạnh tranh của Mỹ là Trung Quốc nằm trong lợi ích của Mỹ. Okinawa là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương, điều này giúp Mỹ dễ dàng hơn trong việc triển khai các hoạt động quân sự, gây ảnh hưởng, hạn chế mối đe dọa của Trung Quốc và sự trỗi dậy của Nga tại châu Á – Thái Bình Dương.
– Sự điều chỉnh chiến lược này cũng là cơ hội giúp Nhật tăng cường hơn nữa quan hệ quân sự, hợp tác với các đồng minh, đối tác khác như Liên Minh Châu Âu, Ấn Độ, cộng đồng ASEAN, Australia, Hàn Quốc.
Nhật có cơ hội mở rộng thêm các đồng minh chiến lược mới đặc biệt các nước Tây Âu có cùng địa bàn chiến lược như Pháp trên Thái Bình Dương ở quanh đảo New Caledonia (Tân Đảo). Pháp đã gợi ý mời Nhật mở cơ quan lãnh sự trên tại Noumea, Tân Đảo như một bước đối phó với sự mở rộng hoạt động của Trung Quốc tại đây. Nhật Bản và Anh đang trao đổi việc ký kết Thỏa thuận tiếp cận đối ứng, một thỏa thuận quốc phòng lịch sử, cho phép hai bên triển khai lực lượng quân sự tại các quốc gia của nhau.
Triển vọng của việc triển khai NSS
Thuận lợi cho Nhật khi triển khai chính sách này trước hết đó là sự đồng thuận chung hiếm có của chính giới và dư luận Nhật. Thứ hai đó là sự ủng hộ của Mỹ và các đồng minh Tây Âu, NATO. Trong khi đó Ấn Độ và nhiều nước châu Á không lên tiếng ủng hộ song không phản đối.
Khó khăn lớn nhất đối với Nhật Bản chính là sự phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc và Triều Tiên. Tại hai quốc gia trên đang nổi lên làn sóng bài Nhật. Hơn nữa đối với các nước trong khu vực, Nhật Bản cũng phải đối diện với “những ký ức lịch sử tàn bạo của quân đội Nhật trong Chiến tranh thế giới thứ hai” khi Nhật Bản quyết định có kho vũ khí vượt quá quy định phòng thủ của Hiến pháp.
Về đối ngoại, nếu Nhật tăng ngân sách quốc phòng và giảm ODA tại nhiều quốc gia nhận viện trợ thì điều này cũng làm suy giảm ảnh hưởng và vai trò của Nhật trên thế giới, đặc biệt tại các nước đang phát triển.
Về đối nội, để tăng chi tiêu cho quân sự, kể từ năm 2024 chính phủ Nhật sẽ phải tính toán tăng các loại thuế và điều chỉnh ngân sách cho các vùng bị ảnh hưởng của sóng thần năm 2021. Đây cũng là một thách thức trong bối cảnh hai năm 2019 và 2020 kinh tế Nhật tăng trưởng âm, chỉ mới hồi phục nhẹ trong hai năm 2021 và 2022 và chưa bền vững.
– Có những bình luận lo ngại về nguy cơ chủ nghĩa phát xít trỗi dậy khi Nhật Bản thực thi chính sách quốc phòng mới, nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều phân tích theo góc độ khác. Đó là, trước hết, nước Nhật là đất nước đã từng nếm trải những bài học cay đắng trong Thế chiến thứ hai, nội bộ Nhật sẽ nghiêm khắc, không để cho các nhà lãnh đạo Nhật đi quá xa, kéo cả nước Nhật vào nguy cơ chiến tranh. Nhật Bản chỉ có thể tiến hành sửa đổi hiến pháp nếu được công chúng thông qua và chấp nhận.
Theo các văn bản thì Nhật Bản tự áp đặt các giới hạn đối với Lực lượng phòng vệ nghiêm khắc hơn rất nhiều so với các lực lượng quân sự khác tại một số quốc gia trong khu vực. Chiến lược an ninh quốc phòng mới đã khẳng định rõ Nhật Bản sẽ không tiến hành các hành động quân sự tấn công ở bất cứ đâu dọc biên giới của Nhật. NSS cũng có những quy định chặt chẽ về việc sử dụng vũ khí tầm xa. Những vũ khí này sẽ không phải là vũ khí tấn công trước mà sẽ chỉ được sử dụng khi quốc gia bị kẻ thù tấn công. Nhật Bản vẫn khẳng định ưu tiên giải quyết các bất đồng thông qua ngoại giao và đối thoại, ngay cả đối với những tranh chấp về lãnh thổ, chủ quyền với các nước khác.
Theo phân tích của nhiều nhà nghiên cứu và quan sát, thì sự xoay trục trong chiến lược quốc phòng của Nhật Bản là điều dễ hiểu và hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Có một thực tế hiển nhiên, đó là Nhật Bản đang phải đối diện với những thách thức an ninh nghiêm trọng, toàn bộ đường biên giới của Nhật bị đe dọa bởi cả ba quốc gia hạt nhân Trung Quốc, Triều Tiên, Nga. Tăng cường lực lượng quốc phòng an ninh được coi là cứu cánh cuối cùng của Nhật.
Từ một góc độ khác, chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng, chính sách xoay trục và những bước đi trong tương lai có khả năng mang đến nhiều thách thức đối với an ninh khu vực. Đó là làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng, chạy đua vũ trang tại khu vực Đông Bắc Á, tạo áp lực cho các nước trong khu vực.
Việt Nam có quan hệ đối tác tốt đẹp với tất cả các bên: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên. Sự đan xen lợi ích của các bên đang đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam trong quan hệ với các nước đối tác chiến lược, các nước láng giềng và bạn bè truyền thống.
Điều quan trọng nhất đối với Việt Nam là cần tiếp tục duy trì chính sách đối ngoại đa dạng, đa phương hóa, cân bằng, tự chủ, thực thi chính sách quốc phòng bốn không để giữ vững độc lập và bảo vệ lợi ích quốc gia, đóng góp vào việc giữ vững hòa bình, ổn định tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, việc nâng cao tiềm lực kinh tế, quân sự sẽ giúp Việt Nam mạnh hơn, độc lập hơn, không bị phụ thuộc vào bất cứ nước nào.■