Lòng tin là điểm tựa tinh thần cho đời sống tâm lý, tình cảm của con người, giúp con người điều chỉnh mọi hành vi, suy nghĩ, thói quen và duy trì cuộc sống theo một chuẩn mực nhất định. Thiếu lòng tin, hay có niềm tin lệch lạc, mù quáng, con người dễ rơi vào trạng thái hoang mang, mất phương hướng, dẫn đến những hành động gây hại cho bản thân và xã hội. Trong thời kì biến động với nhiều hiện tượng phức tạp, nhiều luồng tư tưởng đan xen như hiện nay, làm sao để định hình và nuôi dưỡng được một lòng tin xác đáng, một lẽ sống đúng đắn cho mỗi con người?
Những yếu tố tác động đến niềm tin của con người
1. Những yếu tố có tính toàn cầu
Suốt gần ba năm hoành hành trên khắp thế giới, đại dịch Covid-19 không chỉ tác động đến thể chất mà còn gây ra sự khủng hoảng chưa từng có về tinh thần của con người. Những cơn sang chấn tâm lý kéo dài ngay cả khi chúng ta đã tạm thời khống chế được dịch bệnh. Ở nhiều quốc gia, tình trạng người dân mất niềm tin vào các biện pháp chống dịch chậm trễ, thiếu hiệu quả của chính phủ đã dẫn đến các cuộc biểu tình, bạo động quy mô lớn.
Cùng với dịch bệnh, những cuộc xung đột kéo dài giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ đã tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế, chính trị, an ninh của nhiều nước và làm thay đổi cuộc sống của người dân. Chiến tranh Nga – Ukraine đã làm đảo lộn trật tự thế giới, đe doạ an ninh toàn cầu. Tranh chấp lãnh thổ nổ ra khắp nơi, các cường quốc luôn sẵn sàng trừng phạt những nước nhỏ hơn để giành ảnh hưởng về địa chính trị. Việc định hình, xây dựng quan hệ ngoại giao giữa các nước trở nên khó khăn, phức tạp hơn bao giờ hết. Điều này đã tạo ra một cuộc khủng hoảng lòng tin sâu sắc, khi vai trò điều phối của Liên hợp quốc cũng trở nên mờ nhạt.
Tự do, dân chủ vốn được xem là các giá trị lí tưởng cho một thế giới văn minh. Tuy nhiên, ở các quốc gia phương tây vốn theo đuổi hình mẫu này vẫn tồn tại nhiều vấn đề trầm trọng như phân biệt chủng tộc, phân hoá giàu nghèo, khủng hoảng kinh tế, ô nhiễm môi trường… Tâm trạng của nhiều người dân tại Mỹ, châu Âu… chất chứa những bất an, lo lắng. Nỗi sợ trở thành người vô gia cư, nạn nhân của các vụ đột nhập, khủng bố, xả súng nơi công cộng… đã làm dấy lên sự hoài nghi, mất niềm tin trong họ.
2. Những yếu tố trong nước
Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi Mới toàn diện, không những về kinh tế mà y tế, giáo dục, khoa học – công nghệ… nước ta cũng có những bước tiến quan trọng. Từ một nước nghèo, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, gia tăng vị thế trên trường quốc tế. Lòng tin của nhân dân đối với chế độ, với sự đi lên của đất nước và dân tộc cũng ngày càng được củng cố. Tuy nhiên, giữa bối cảnh đầy biến động như hiện nay, đất nước cũng chứng kiến nhiều biến đổi chưa từng có tiền lệ. Trong xã hội đã và đang tồn tại nhiều vấn đề tác động mạnh mẽ đến niềm tin của con người Việt Nam.
Ở thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, chúng ta phải chịu áp lực từ các luồng tin đa dạng trên mạng xã hội. Bên cạnh thông tin chính thống của các cơ quan truyền thông quốc gia, vẫn còn nhiều nguồn thông tin không xác thực, chứa nội dung độc hại, xuyên tạc, khiến nhiều người hình thành nhận thức lệch lạc, đặc biệt là giới trẻ. Mặc dù không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của tin tức chính thống, song phải thừa nhận một thực tế rằng những thông tin này thường không kịp thời và không đầy đủ. Do đó, trước khi tiếp nhận nguồn tin chính xác, người đọc đã vô thức “ngấm” vào mình những tin chưa kiểm chứng, sai lệch, dẫn đến tâm lý hoang mang, dao động. Đây chính là một trong những căn nguyên dẫn đến sự khủng hoảng lòng tin trong một bộ phận người dân.
Sau đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, phá sản, công nhân viên thất nghiệp, đời sống điêu đứng, khó khăn. Sinh viên mới ra trường phải đối mặt với cạnh tranh việc làm gay gắt, thu nhập bấp bênh. Các vấn đề về an sinh xã hội, giao thông đô thị, trật tự trị an vẫn còn nhiều tồn tại, gây tâm lý bức xúc cho người dân. Hàng trăm cán bộ, trong đó có những cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước bị kỉ luật do sai phạm, tham nhũng trong công tác quản lý, điều hành đất nước – đây là điều chưa từng có tiền lệ ở nước ta tính đến thời điểm hiện tại. Tất cả những hiện tượng này đã ít nhiều tạo ra sự bất an và giảm sút niềm tin trong xã hội.
Giữa tình hình đó, nhiều người đã tìm đến những “lối thoát” khác nhau, đặc biệt là hiện tượng mê tín, dị đoan đã và đang xuất hiện ở mọi tầng lớp nhân dân. Thay vì tin tưởng vào các giá trị cội nguồn, người dân lại gửi gắm vận mệnh của mình vào những thế lực siêu nhiên, tâm linh. Hàng nghìn lễ hội đầu năm với hàng chục ngàn người chen chúc đi xin ấn tín, xin tài lộc ở các đền, chùa đã không còn là một hiện tượng mới trong năm 2023 này. Một bộ phận khác lại tìm đường ra nước ngoài tha phương cầu thực, hoặc bất chấp luật pháp và các quy tắc đạo đức để thực hiện những hành vi tội phạm nhằm trục lợi cá nhân.
Có thể nói, đây chính là những hệ quả khôn lường của việc mất niềm tin trong xã hội Việt Nam hiện nay. Thiết nghĩ, chúng ta cần đề những giải pháp tối ưu để củng cố lại lòng tin ấy.
Giải pháp củng cố niềm tin
Trước hết, mỗi người không tự đánh mất niềm tin của mình vào đất nước, chế độ mình đang sống. Chế độ mình đang sống đã trải qua biết bao thế hệ phải đổ xương máu mới có được như ngày nay. Chỉ những người đã từng chiến đấu, xây dựng nên chế độ này và con cái của họ mới thấu hiểu giá trị của nó – những thành quả xây dựng đất nước ta đạt được trong những thập kỷ qua vô cùng to lớn, chưa từng có ở nước ta. Dẫu kinh tế đất nước ta chưa bằng nhiều nước phát triển, nhưng các giá trị văn hoá, đạo đức và an toàn xã hội, an toàn con người là điểm sáng trên thế giới. Phần lớn những người Việt Nam đã đến các nước được gọi là văn minh và tự do đều nói một cách chân thật rằng sống ở Việt Nam vẫn tốt hơn, dễ làm ăn hơn, an toàn hơn. Người nước ngoài thì khen rằng Việt Nam là điểm đến, là quốc gia đáng sống. Tuy nhiên, cũng có người với nhiều lý do khác nhau đi tìm cuộc sống bên ngoài nhưng thử thống kê xem có bao nhiêu người thành đạt, cuộc sống của họ sẽ chịu áp lực như thế nào, người bản xứ nhìn họ với con mắt phân biệt chủng tộc ra sao?
Là người Việt Nam, ta phải giữ cho mình dòng máu dân tộc Việt Nam, tin yêu cuộc sống của mình, dẫu rằng cuộc sống mỗi người đều có khó khăn riêng, song ta phải nhận thức được để vượt qua. Suy rộng ra, Nhà nước cũng vậy. Đất nước ta cũng có nhiều phen sóng gió do những quyết định sai lầm của hệ thống chính trị gây ra, tổn thương tới đời sống con người và xã hội. Song ngay những lúc đó, không ai phản bội đất nước, chấp nhận cùng với Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh sửa sai lầm để phát triển, để tiến lên. Lịch sử Việt Nam đã chứng minh điều đó.
Thứ hai, người dân Việt Nam đang sống trong thời đại toàn cầu hoá, công nghệ thông tin giúp những người sử dụng Internet kết nối với những nơi họ muốn và xem những tin tức họ quan tâm. Thực tế, công nghệ thông tin đã giúp người dân tiếp xúc với đủ loại thông tin, trong đó có tới ¾ tin không chính thống, xuất phát từ nhiều nguồn trong và ngoài nước khác nhau. Với liều lượng và cường độ tiếp xúc thông tin đủ loại như vậy, để không bị cuốn vào dòng xoáy này làm tổn hại nhận thức, thì những người tiếp cận với các trang mạng cần tạo cho mình một “màng lọc” hữu hiệu dựa trên những kiến thức căn bản và vốn sống của mỗi người, với một thái độ bình tĩnh, khách quan để tự mình phân biệt đâu là tin đúng, đâu là tin tạo dựng sai trái. Đặc biệt, người đọc tin từ các trang mạng phải tự mình phân loại được những trang mạng không đáng tin cậy hoặc chính trị phá rối nội bộ. Mặc dù không khuyến khích đọc những trang mạng có nội dung như vậy song đôi lúc cũng cần đọc để biết những luận điệu và mục tiêu của những cá nhân tạo ra những tin đó. Điều này sẽ giúp cho người đọc tin có sự phân tích, phê phán và không bị cuốn hút vào các luận điệu tác động, chuyển hoá tâm trạng, thái độ của người đọc với chế độ.
Thứ ba, để không làm xói mòn lòng tin của nhân dân trước những luồng thông tin qua các trang mạng đang tràn ngập ở nước ta, thì các cơ quan chức năng Nhà nước đóng vai trò vô cùng quan trọng. Các cơ quan truyền thông chính thống phải minh bạch thông tin, chuyển tải kịp thời tới dư luận trước khi trang mạng khác tung tin; đồng thời phải thông báo đầy đủ, chính xác trong hệ thống chính trị. Điều này sẽ có tác dụng vô hiệu hoá những tin bịa đặt, xuyên tạc trên các trang mạng xã hội, nhất là đối với các trang mạng có danh xưng xuất phát từ nước ngoài hoặc trong nước. Nhà nước không nên đặt nặng vấn đề cấm đoán truy cập các trang mạng xã hội, thay vào đó là tăng cường biện pháp giáo dục công dân, trong đó trọng điểm là hệ thống giáo dục phổ thông và đại học. Đây là lớp người dễ bị nhiễm từ tin xấu do sự thiếu hiểu biết và tự phòng vệ chưa tốt. Đây là nỗi lo lắng tiềm tàng của nước ta. Các cơ quan chức năng và các cơ quan truyền thông Nhà nước cần công bố những trang mạng gây nguy hiểm cho xã hội để người đọc đề phòng.
Cũng phải nhắc tới việc các cơ quan quản lý Nhà nước cần đưa ra được những quy định mang tính pháp lý để các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tuân thủ luật pháp Việt Nam và hợp tác với các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này. Mặt khác, cơ quan chức năng cần khởi kiện các trang mạng xã hội đưa tin sai sự thật, gây tổn hại về kinh tế và danh dự cá nhân. Trong báo cáo trước Đại hội đồng Liên hợp quốc về các ưu tiên cho năm 2023, Tổng Thư ký António Guterres đã khẳng định: “Chúng tôi sẽ kêu gọi hành động từ tất cả những người có ảnh hưởng đến việc truyền bá thông tin sai lệch và xuyên tạc trên Internet – Chính phủ, cơ quan quản lý, nhà hoạch định chính sách, công ty công nghệ, phương tiện truyền thông, xã hội dân sự. Ngừng căm ghét. Thiết lập lan can mạnh mẽ. Chịu trách nhiệm về ngôn ngữ gây hại”. Như vậy, đây không chỉ là vấn đề quốc gia mà là vấn đề có tính toàn cầu.
Cuối cùng, Đảng Cộng sản Việt Nam với vai trò lãnh đạo cần củng cố bộ máy chính trị, chỉnh đốn và hoàn thiện hơn nữa công tác quản trị, điều hành đất nước, lắng nghe và đáp ứng những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Trên thực tế, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế cũng như những người lao động gặp thiệt hại do đại dịch vừa qua rất mong muốn, tin tưởng Đảng và Nhà nước sẽ có những biện pháp thiết thực để cải thiện tình hình, hỗ trợ cho công việc của họ, giúp họ tiếp tục được cống hiến cho nền kinh tế quốc gia. Tầng lớp trí thức trẻ có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm cao và nhận thức sâu sắc về tình hình trong nước và thế giới, luôn muốn được Đảng, Nhà nước lắng nghe ý kiến của mình và mong muốn được Nhà nước trọng dụng, tạo cơ hội cho họ tham gia công tác quản lý đất nước. Đây chính là thế hệ người ưu tú sẽ đưa ra được những đóng góp, sáng kiến có giá trị trong việc điều hành đất nước giữa bối cảnh biến động hiện nay.
Tóm lại, chúng ta cần xây dựng một xã hội Việt Nam ổn định và có niềm tin về tương lai của dân tộc mình. Một Nhà nước được dân tin, dân ủng hộ – Nhà nước đó sẽ có sức mạnh không thế lực nào cản được. Lịch sử Việt Nam đã chứng minh điều này.■
Trùng Kiệt