Văn hoá Việt Nam là một nền văn hoá gắn liền với sự đề cao lối sống tiết kiệm. Tiết kiệm trở thành bốn đức tính hàng đầu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu cao: cần – kiệm – liêm – chính. Lịch sử chiến tranh và một quá khứ gian khổ đã khiến nhiều thế hệ người Việt Nam phải thắt lưng buộc bụng, thậm chí tằn tiện để trải qua những ngày tháng khó khăn, thiếu thốn. Từ xa xưa, cuộc sống của đại bộ phận người dân Việt Nam đã gắn liền với sự chắt chiu, dè xẻn trong chi tiêu sinh hoạt, nhiều gia đình ăn bữa nay đã phải lo bữa mai. Thành ngữ, tục ngữ Việt Nam cũng có rất nhiều khuyên về tiết kiệm như: “nên ăn có chừng, nên dùng có mực”, “ít chắt chiu hơn nhiều ăn phí”… Tất cả đã vẽ ra một bối cảnh tâm lý xã hội, văn hoá của người Việt Nam với đặc tính tiết kiệm từ lâu đời. Thấm thía được điều kiện khó khăn, vất vả mà cả dân tộc phải trải qua dưới ách đô hộ của thực dân, phong kiến, nên khi mới giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho lập ra một hũ gạo tiết kiệm, hũ gạo cứu đói để trợ giúp đồng bào ta. Có thể nói, tính chịu thương chịu khó đi liền với thói quen tiết kiệm đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hoá của người Việt Nam. Lối sống giản dị, thanh bạch chính là giá trị bản sắc của người Việt bao đời, dẫu phát triển qua các thời kì khác nhau với những thăng trầm lịch sử riêng, song bản chất tốt đẹp ấy vẫn không khi nào thay đổi. Nhờ quốc sách tiết kiệm mà đất nước ta mới dồn sức, dồn lực cho mọi cuộc chiến, tiết kiệm cả về nhân lực lẫn vật lực, chắt chiu và dành hết tất cả cho tiền tuyến để có được chiến thắng sau cùng. Do đó, tiết kiệm đã trở thành một đặc tính không thể phủ nhận ở dân tộc ta, một điểm chung giữa gia đình và toàn thể toàn xã hội, hiện hữu và đồng hành trong cuộc sống của mỗi con người Việt Nam.
Trên phương diện quốc gia, tiết kiệm cũng là một trong những hoạt động quan trọng để giữ vững, xây dựng và tăng cường tiềm lực đất nước. Về mặt đạo đức, tiết kiệm đã trở thành một trong những đức tính không thể thiếu đối với người Việt Nam, không chỉ nhân dân mà cán bộ các cấp cũng phải luôn giữ vững lối sống cần kiệm, vừa lao động cần mẫn, vừa phải biết tiết kiệm. Bởi lẽ, lối sống tiết kiệm phản ánh cả giá trị sống của dân tộc ta. Mỗi người Việt Nam hàng ngàn đời này đều tâm niệm phải sống sao cho cần – kiệm – liêm – chính, nên mỗi người dân cần phải tiếp tục nêu cao và thực hành lối sống này. Ở cấp độ Nhà nước, tiết kiệm có ý nghĩa rất lớn đối với công tác quản trị. Trong tất cả các văn kiện của Đảng và Nhà nước từ trước đến nay đều xuất hiện chủ trương tiết kiệm. Nhiệm vụ của Nhà nước là phải tính toán, dự toán, lên kế hoạch cho các dự án sao cho hiệu quả nhất với chi phí thấp nhất. Có thể nói, không chỉ riêng Việt Nam mà bất cứ Nhà nước nào trên thế giới cũng phải tính đến bài toán tiết kiệm và kiểm soát được vấn đề này. Điều đó cho thấy, tác phong tiết kiệm cần phải được phủ khắp đời sống xã hội và cả hoạt động quản lý của Nhà nước, hiện hữu trên mọi phương diện, lĩnh vực của quốc gia. Mỗi người Việt chúng ta luôn phải nêu cao khẩu hiệu “tiết kiệm là quốc sách”.
Như vậy, tiết kiệm đã trở thành vấn đề được đặt ra từ rất lâu trong đời sống xã hội và quản trị Nhà nước ở Việt Nam. Đây không những là một nếp sống, thói quen sinh hoạt mà còn là một đức tính quan trọng, một truyền thống văn hoá của ông cha mà thế hệ con cháu cần noi theo và học tập, gìn giữ.
Tuy nhiên, ở một mức độ nào đó, việc thực hành tiết kiệm hiện nay lại đạt hiệu quả rất thấp. Sự lãng phí, thất thoát tài sản, ngân sách Nhà nước đã và đang diễn ra trên phạm vi rộng. Đối với đời sống nhân dân, việc lãng phí, không thực hành tiết kiệm khiến xã hội Việt Nam ngày càng phát triển theo xu hướng tiêu cực, không những gây tốn kém, thiệt hại về mặt vật chất mà còn làm đảo lộn các giá trị đạo đức, tinh thần. Tình trạng này tồn tại trên tất cả các lĩnh vực và đang bị đẩy đến mức báo động nghiêm trọng. Thậm chí, đầu tháng 11 vừa qua, Quốc hội còn dành một phiên họp, một chủ đề riêng để bàn về tiết kiệm, chống lãng phí. Điều này cho thấy tiết kiệm vẫn luôn là quốc sách của đất nước ta. Tại kì họp này, Quốc hội đã chỉ ra rõ tình trạng lãng phí đang trở nên ngày càng phổ biến ở nước ta, theo cấp độ từ Nhà nước cho tới toàn dân.
Song rất có thể những nhận thức được quán triệt đối với các đại biểu Quốc hội rất vẫn chỉ đang dừng lại ở việc ghi nhớ bằng các Nghị quyết mang tính chất thông báo, chứ chưa có những giải pháp cụ thể, thiết thực, mạnh mẽ để tạo ra những chuyển biến rõ ràng trong việc giải quyết vấn đề này. Trên thực tế, nếu không xem xét một cách nghiêm túc các giải pháp nhằm xử lý hiệu quả tình trạng lãng phí thì tất cả sẽ lại quay về xuất phát điểm ban đầu như trước đây. Chúng ta đã chỉ ra nhiều hành vi tiêu cực, tìm ra cốt lõi vấn đề song lại rất lúng túng, khó khăn trong khâu giải quyết. Do đó, cần phải đề ra các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để khắc phục tình trạng nói trên.
Bài viết này sẽ nêu ra một số giải pháp góp phần giải quyết vấn đề này. Tuy không thể đưa ra hết tất cả giải pháp hiện có, song đây là những giải pháp then chốt cần được phân tích và làm sáng tỏ:
Thứ nhất, khi đã đặt tiết kiệm, chống lãng phí là quốc sách thì toàn bộ đời sống xã hội, văn hoá, kinh tế, chính trị… đều phải xoay quanh quốc sách này. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải huy động tổng lực, từ người dân cho đến toàn thể các cấp chính quyền, tất cả đều phải có được một nhận thức chung về tiết kiệm. Bởi lẽ, sự lãng phí này không chỉ tồn tại ở các cơ quan Nhà nước mà ngay trong hoạt động xã hội của người dân cũng rất phổ biến. Không thể phủ nhận rằng, trong thời gian qua, nền kinh tế nước ta đã có sự tăng trưởng đáng kể, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Đặc biệt, các tầng lớp trung lưu đã bắt đầu phát triển, đi kèm với đó là quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh chóng. Thời kì hội nhập quốc tế đã đem đến sự giao lưu văn hoá sâu rộng, nếp sống của các nước tiên tiến có ảnh hưởng mạnh tới đời sống của giới trung lưu và thượng lưu ở Việt Nam. Hai tầng lớp này có thể tạo ra một lượng của cải lớn nên họ cũng bắt đầu có nhu cầu tiêu dùng mạnh hơn. Thêm vào đó là tâm lý cho rằng trước đây đã chịu cảnh chi tiêu tằn tiện, giật gấu vá vai, giờ làm ra tiền thì phải hưởng thụ. Điều này khiến cho xu hướng mua hàng ngoại, hàng xa xỉ đã và đang tác động rất mạnh vào đời sống của dân chúng thuộc tầng lớp này. Đặc biệt, những người thuộc giới thượng lưu không ngần ngại “vung tiền” để mua sắm các món đồ xa hoa, sẵn sàng chi hàng chục tỉ đồng để mua một chiếc xe hơi hay thậm chí triệu đô để mua một món hàng hiệu đắt đỏ. Tiền của đổ vào hàng xa xỉ phẩm với tâm lý sính ngoại là rất lớn, hoặc quà tặng biếu là những món đồ hàng trăm, hàng tỷ đồng. Đó là chưa kể đến việc tổ chức hàng loạt các cuộc hội hè tốn kém cùng rất nhiều cách thức tiêu dùng xa hoa khác.
Trên thực tế, với số tiền phung phí chi tiêu cho các mặt hàng nhập khẩu xa xỉ, chúng ta có thể hoàn thiện hàng trăm ki lô mét đường, hỗ trợ cho hàng ngàn người dân trong các đợt thiên tai, bão lụt, xây dựng rất nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng của đất nước với những lễ hội cũng đã gây lãng phí…Theo thống kê của Bộ Văn hoá, hàng năm, người dân Việt Nam đã chi hàng trăm triệu đô la cho việc đốt hàng mã. Với số tiền này chúng ta có thể xây hàng trăm cơ sở giáo dục, y tế và cải thiện đời sống của những người nghèo…
Bởi vậy, chúng ta phải làm cho mỗi người dân nhận thức được sự lãng phí, khoa trương không cần thiết này, từ đó hình thành được ý thức tiết kiệm. Người dân phải thấy được nước ta còn rất nghèo, các món đồ đắt tiền phần lớn đều phải nhập khẩu từ nước ngoài nên ta càng tiết kiệm chi tiêu, mua sắm bao nhiêu thì càng đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước nhanh chóng bấy nhiêu. Nói cách khác, chỉ có ý thức về tiết kiệm mới giúp chúng ta tích luỹ được của cải, dự trữ tài chính thì tiềm lực đất nước mới lớn mạnh được.
Để xã hội nhận thức được điều này, hệ thống chính trị quốc gia phải phổ biến và hướng người dân trở về những giá trị văn hoá truyền thống, khôi phục lại nếp sống cha ông, trong đó có đức tính tiết kiệm của dân tộc Việt Nam; phải làm sao cho thói quen tiết kiệm được hình thành trong đời sống của mỗi người dân, đi vào sinh hoạt hàng ngày của họ. Muốn làm được điều đó, ta phải đặc biệt chú trọng đến công tác giáo dục, hướng dẫn thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở từng gia đình và trong cộng đồng.
Cụ thể, cần tập trung cải thiện công tác tuyên truyền, làm chuyển biến nhận thức từ trong nhà trường, trong mọi tổ chức chính trị xã hội gắn liền với cuộc sống hàng ngày. Đây là yếu tố then chốt, mang tính chất quyết định, bởi nếu không sớm nhận thức được giá trị to lớn của việc tiết kiệm thì toàn xã hội rất dễ sa đà vào cổ xuý lối sống xa hoa, lãng phí. Ngay từ bây giờ, chúng ta cần phải tác động làm thay đổi nhận thức, thói quen của nhân dân thông qua tuyên truyền, giáo dục, làm cho họ thấu hiểu được văn hoá truyền thống, lịch sử và điều kiện, hoàn cảnh hiện tại của đất nước, từ đó thấu hiểu được ý nghĩa của việc thực hành tiết kiệm.
Tất nhiên, tiết kiệm không có nghĩa là phải tằn tiện quá mức song con số tiêu dùng xa xỉ ngày càng tăng đã dấy lên một tình trạng báo động trên diện rộng mà nhất định phải có một quyết sách được quán triệt trong toàn dân. Muốn làm được điều này, chúng ta phải đề ra các cơ sở tiếp thị, các hội, các đoàn thể cần có chương trình, hình thức hướng dẫn cụ thể để người dân biết kiểm soát việc mua sắm, tiêu dùng của bản thân, tránh xảy ra tình trạng lãng phí không đáng có. Mọi chi tiêu trong đời sống phải phù hợp với nhu cầu, không để thừa thãi không dùng đến; phải điều chỉnh thói quen sử dụng đồ ngoại hoá trong khi các sản phẩm nội hoá ngày nay đã rất chất lượng, phù hợp với thị hiếu của người Việt. Các cơ quan của Đảng, Chính phủ, Quốc hội cần thực hiện gương mẫu vấn đề này.
Thứ hai, các cán bộ, công viên chức thuộc các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ phải có sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về trách nhiệm của mình đối với việc thực hành tiết kiệm. Đây là những vấn đề đã được nêu ra từ nhiều thập kỷ nay nhưng vẫn ở tình trạng phát mà không động. Nguyên nhân là chưa tháo được nút nghẽn mang tính hệ thống nên mọi chủ trương chỉ dừng lại ở sự ghi nhận của các Hội nghị lớn. Nếu thực sự chống lãng phí, thực hành tiết kiệm, cần phải có một cuộc cách mạng về quản lý và quản trị trong hệ thống điều hành của Nhà nước. Điều đó phải thể hiện trên những yếu tố: tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực.
Về tổ chức bộ máy hành chính, đây không phải là một vấn đề mới mà đã được đề cập trong nhiều Đại hội của Chính phủ. Các phiên họp của Quốc hội cũng đã nêu rất rõ và đi đến một nhận xét rằng bộ máy hành chính nước ta gặp phải một vấn đề lớn là sự cồng kềnh quá mức so với nhiệm vụ chính trị thực tế, đi liền với lượng biên chế quá lớn song hoạt động không hiệu quả. Nói cách khác, đó là vấn đề tổ chức thiếu tinh gọn và nhân lực còn yếu kém, dẫn đến lãng phí ngân sách và nguồn lực của Nhà nước. Do đó, tập trung tinh gọn bộ máy gắn liền với tinh giảm biên chế là nhiệm vụ hàng đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở các cơ quan công quyền. Cụ thể, mọi tổ chức, hội nhóm, đoàn thể đều phải được lập ra dựa trên những cơ sở xác đáng, căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ thực tế. Giảm nhẹ và tinh gọn bộ máy phải đi đôi với việc hoạch định rõ các mục tiêu, công việc cần làm của từng tổ chức, từ đó xem xét số lượng nhân lực phù hợp với từng yêu cầu đề ra. Mỗi bộ phận phải lên kế hoạch và quy định rõ số lượng nhân sự, cân nhắc kĩ mức độ cần thiết của việc bổ sung nhân lực, tránh tình trạng thừa, thiếu không đáng có. Các cơ quan, đoàn thể cần thực hiện tinh giảm theo nguyên tắc không chồng chéo, đảm bảo một người có thể đảm đương, thực hiện tốt được nhiều nhiệm vụ, từ đó sử dụng nguồn nhân lực một cách hiệu quả, tránh lãng phí. Bên cạnh đó, cũng cần căn cứ vào nhiệm vụ cụ thể để rà soát, tính toán đến việc sát nhập các bộ phận, các cơ quan để tinh giảm bộ máy hành chính. Đây chính là tiền đề căn bản của vấn đề biên chế. Xét trong bộ máy hành chính các ban, ngành, các cấp, cho tới các địa phương, bộ phận nào có chức năng, nhiệm vụ tương ứng có thể sát nhập được thì nên thực hiện sát nhập. Có vậy mới giải quyết được tình trạng cồng kềnh, lãng phí nguồn lực Nhà nước như hiện nay. Bởi lẽ, giảm được một số lượng lớn nhân lực không cần thiết thì lương bổng và các chi phí hành chính khác cũng giảm theo giảm… từ đó tiết kiệm được tối đa nguồn ngân sách của cả hệ thống.
Ngoài ra, để bộ máy hành chính vận hành một cách tối ưu, cần phải làm minh bạch, cụ thể hoá những vấn đề về cơ chế tổ chức, thể chế luật pháp, các quy định mới về cơ cấu, cách thức tổ chức, hoạt động của các cơ quan hành chính các cấp. Những tình trạng nhập nhằng trong tự chủ đại học hay mua bán các thiết bị, vật tư y tế, thuốc men… tại các bệnh viện hiện nay là những minh chứng cho thấy chúng ta phải nhanh chóng xem xét và thiết lập lại các tiêu chí, chuẩn mực rõ ràng trong việc chuyển đổi cơ chế và tái cấu trúc bộ máy hành chính ở các cơ quan công quyền, tránh dẫn đến các sai phạm không đáng có cũng như gây lãng phí tài sản, ngân sách của Nhà nước và gây phiền hà, bức xúc cho nhân dân.
Sau khi xác định được vấn đề tinh gọn biên chế, chỉnh đốn bộ máy hành chính thì cấp thiết và quan trọng hơn cả là vấn đề nhân lực, làm sao tuyển chọn được một đội ngũ có đầy đủ cả kiến thức, kĩ năng lẫn thái độ đúng đắn để làm việc đạt hiệu quả cao nhất ở mỗi lĩnh vực tương ứng. Hiện nay, công tác tuyển dụng của cơ quan Nhà nước chủ yếu chỉ xem xét đến yếu tố trình độ của ứng viên, xét tuyển dựa trên các tiêu chí về kiến thức. Tuy nhiên, thực tế luôn đòi hỏi đội ngũ cán bộ công quyền làm việc tại các cơ quan nhà nước và Đảng phải có cả các kĩ năng quản lý, thực thực thi nhiệm vụ bên cạnh kiến thức chuyên môn. Bởi lẽ, chính việc thiếu kĩ năng quản lý đã dẫn đến những hiện tượng sai phạm, làm thất thoát ngân sách, tài sản của Nhà nước. Hàng trăm ngàn hecta đất bị bỏ không, các dự án thua lỗ đến hàng nghìn tỉ đồng… chính là những bài học đắt giá cho việc đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực thiếu kinh nghiệm thực tế. Do đó, việc tập trung đào tạo, phát triển nhân lực theo hướng chú trọng vào kĩ năng quản trị dự án, quản lý hành chính là vô cùng cấp thiết đối với mục tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của nước ta.
Bên cạnh việc rèn luyện kĩ năng thực tế thì xây dựng một thái độ đúng đắn đối với công việc cũng hết sức quan trọng. Mỗi cán bộ, nhân viên công quyền cần phải có sự say mê, nhiệt huyết và trách nhiệm trong mỗi công việc, mỗi nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, họ cũng cần phải có văn hoá chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử và đặc biệt là có ý thức chủ động trong việc tiết kiệm. Sự thờ ơ, tắc trách, không tuân thủ các quy định về công việc cũng như thái độ sống phung phí… sẽ châm ngòi cho những tiêu cực, thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước và nhân dân. Do đó, khi làm việc trong các cơ quan công quyền, mỗi người cần phải ý thức được vị trí, vai trò và sứ mệnh của mình để không ngừng rèn luyện đạo đức, trau dồi những phẩm chất đáng quý của một người cán bộ gương mẫu, trong đó có lối sống thanh bạch, liêm khiết và có trách nhiệm trong công việc.
Như vậy, cả ba yếu tố kiến thức – kĩ năng – thái độ cần phải được đảm bảo được thì các cán bộ, nhân viên công tác trong bộ máy hành chính mới hiểu và thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, mới kiểm tra, điều hành, quản các dự án một cách tối ưu, đạt hiệu quả cao với một tinh thần quyết tâm và cầu thị. Chỉ khi nguồn nhân lực đảm bảo được ba tiêu chí này thì công cuộc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Đảng và Nhà nước mới có những bước tiến đáng kể. Đây cũng chính là vấn đề then chốt trong việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực quốc gia nói chung.
Thứ ba, các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo chặt chẽ hơn nữa các định mức, chi phí trong lĩnh vực quản lý, nhất là những lĩnh vực khó kiểm soát nhất, chi phí lớn nhất như các lễ hội của quốc gia, các đề tài khoa học, đoàn ra đoàn vào, các cuộc hội nghị của các ngành. Tất cả những vấn đề này cần phải có định mức, định chế rõ ràng, cụ thể, sát hợp với thực tế cho từng hạng mục, từng lĩnh vực, phê duyệt và kiểm soát một cách chặt chẽ. Đây là vấn đề rất cơ bản trong công tác quản lý, quản trị Nhà nước, từ đó tránh được sự gian lận, chi tiêu thiếu khoa học, tiết kiệm được tối ưu những phát sinh không đáng có trong quá trình thực hiện dự án.
Thứ tư, tiết kiệm phải đi liền với chống tiêu cực, tham nhũng. Có thể nói, tiết kiệm là vấn đề cơ bản và là điều kiện tiên quyết trong công cuộc ngăn chặn tham nhũng ở nước ta. Ngược lại, đẩy mạnh chống tham nhũng cũng chính là một biện pháp hữu hiệu để tích cực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bởi lẽ, một con người biết tiết kiệm, sống một đời sống chính trực, liêm khiết sẽ luôn tìm cách để bảo vệ và phát triển nguồn ngân sách quốc gia thay vì xâm phạm, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước và nhân dân. Do đó, hai hoạt động này phải đi liền với nhau trong mọi hoạt động, mọi lĩnh vực và không thể tách rời. Hoàn thiện thể chế, tuyên truyền, giáo dục về thực hành tiết kiệm luôn phải song hành với chống tiêu cực, tham nhũng nhằm xây dựng một bộ máy hành chính trong sạch, vững mạnh, cần – kiệm – liêm – chính.
Dĩ nhiên, cá nhân nào cũng có quyền hưởng thụ thành quả lao động của mình, đặc biệt là những người hoạt động trong bộ máy Nhà nước. Họ cần được hưởng những chế độ đãi ngộ tương xứng với sự cống hiến của bản thân. Song hãy nhớ rằng, nước ta đã từng trải qua những thời điểm hết sức khó khăn, mỗi người dân đều thắt lưng buộc bụng, nhịn ăn, nhịn mặc, hi sinh mọi quyền lợi vật chất và tinh thần của mình để dồn sức cho tiền tuyến, nhờ đó mà dân tộc ta mới tập trung được tiềm lực để giải phóng đất nước, xây dựng một Việt Nam như ngày hôm nay. Do đó, bất luận với lý do gì, ở thời đại nào, chúng ta cũng cần hiểu được trách nhiệm, vai trò của người cán bộ đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Trước đây, dù phải chịu đựng đói rét, khó khăn, đất nước ta vẫn kiên cường vượt qua để đi đến ngày toàn thắng. Vậy thì ngày nay, khi điều kiện đã đầy đủ hơn, ta càng phải nỗ lực, cố gắng để những đồng tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân được sử dụng sao cho hợp lý, thích đáng nhằm hoàn thành mục tiêu phát triển đất nước lâu dài.
Nhà ngoại giao, chính trị gia lỗi lạc người Ý Niccolò Machiavelli (1469 – 1527) đã phân tích tầm quan trọng của tính tiết kiệm đối với những người lãnh đạo đất nước trong tác phẩm chính luận trứ danh mang tên Quân vương như sau: “Chúng ta chưa thấy chuyện lớn lao nào trong thời đại này mà lại không được thực hiện bởi những người được xem là hà tiện; tất cả những kẻ còn lại đều thất bại. Giáo hoàng Julius II được ủng hộ để lên ngôi nhờ tiếng là hào phóng, nhưng sau đấy ngài đã không cố giữ điều đó, khi ngài gây chiến với Vua nước Pháp, và ngài đã tiến hành nhiều cuộc chiến tranh mà không phải đặt thêm thuế khoá lên thần dân của mình, bởi vì ngài chi trả chiến phí phát sinh bằng những gì ngài tiết kiệm bấy lâu. Vị vua hiện tại của Tây Ban Nha đã không thể đánh chiếm và cai trị nhiều nơi nếu ngài nổi tiếng nhờ hào phóng. Vì vậy, để không phải cướp bóc của dân chúng, để có thể bảo vệ được bản thân, để không trở nên nghèo khó và khốn khổ, để không bị buộc phải tham tàn, thì bậc quân vương nên giữ lại ít nhiều tính hà tiện, bởi vì nó là một trong những tính xấu sẽ giúp ngài cầm quyền” (Vũ Thái Hà dịch, NXB Thế giới, 2017). “Hà tiện” hay tiết kiệm, là một thói quen không thể thiếu đối với mọi nhà cầm quyền ở mọi điều kiện, hoàn cảnh, bất kể thời đại, quốc gia, dân tộc.
Tóm lại, nguyên nhân chính dẫn đến sự nghèo nàn, lạc hậu của một đất nước chính là do sự lãng phí, xa hoa, không biết tiết kiệm. Việt Nam không thể mãi là một nước nghèo, liên tục xin viện trợ nước ngoài; người Việt Nam phải thoát được cảnh nghèo đói, phải trở thành một quốc gia tiên tiến, phát triển. Do đó, chúng ta phải phát huy và xây dựng nội lực của mình, phải thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội bằng cách bước vào một cuộc đấu tranh chống lãng phí, thực hành tiết kiệm ngay từ bây giờ. Có vậy, tiềm lực quốc gia mới trở nên vững vàng, lòng dân mới được củng cố, mọi nguồn lực mới được tập trung toàn diện vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, Việt Nam mới trở thành một quốc gia phồn thịnh và hùng cường.■
Đinh Thảo
(Theo Tạp chí Phương Đông)