Hơn 30.000 lượt khách tham quan Bảo tàng Thế giới Cà phê trong dịp Tết Quý Mão

Trong 5 ngày nghỉ Tết Quý Mão, Bảo tàng Thế giới Cà phê đã đón hơn 30.000 lượt khách tham quan, trải nghiệm với nhiều hoạt động văn hoá đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam cũng như tinh hoa văn hoá thế giới, góp phần thúc đẩy doanh thu ngành du lịch Đắk Lắk tăng  51,4 % so với cùng kỳ.

Nơi hội tinh hoa văn hoá Việt Nam và thế giới

Nhằm mang lại du khách có những trải nghiệm du lịch văn hoá khác biệt, mới mẻ, Bảo tàng Thế giới Cà phê đã chuẩn bị từ nhiều tháng trước Tết Quý Mão với nhiều hoạt động trải nghiệm văn hoá độc đáo như: Hành trình trải nghiệm và khám phá Thành phố Cà phê với điểm nhấn là “Phiên chợ xưa” tái hiện khung cảnh chợ Tết của người Việt đầu thế kỷ XX của các miền quê ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam; trải nghiệm tinh hoa văn hoá của quốc gia trên thế giới trong các dịp đặc biệt dựa trên 3 văn minh cà phê Thiền – Roman – Ottoman như: phiên chợ Istanbul Bazar (Thổ Nhĩ Kỳ), chợ Giáng sinh thời Trung cổ ở Châu Âu, chợ Tết Sài Gòn,… Không chỉ vậy, trong Hành trình trải nghiệm và khám phá Thành phố Cà phê với tâm điểm là Bảo tàng Thế giới Cà phê, du khách được trải nghiệm nhiều hoạt động văn hoá cộng đồng của các dân tộc như: nghi thức Pác Ngan Krông Giang (nghi thức Vỗ tay mời Giàng), nghi thức mời rượu thác đổ, Lễ cầu thần lửa và tạ ơn thần lửa… của người Ê-đê cùng hàng chục chương trình hướng dẫn pha chế cà phê tại không gian Thế giới Cà phê Trung Nguyên Legend và trải nghiệm văn hóa ẩm thực tại Trung tâm văn hoá ẩm thực 3 miền như: gói bánh chưng, bánh dày, làm mứt Tết, các món ăn của người bản địa…

Chị Phạm Thu Trang, du khách đến từ Tiền Giang cho biết: “lần đầu tiên gia đình chúng tôi tới Tây Nguyên và thấy vô cùng choáng ngợp trước cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ cũng như văn hoá, con người của vùng đất Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Khi tới thăm Bảo tàng Thế giới Cà phê, ngay từ cổng vào chúng tôi đã được tham gia nghi thức “Lễ cầu thần lửa và tạ ơn thần lửa” của người Ê-đê, đến Trung tâm văn hoá ẩm thực 3 miền lại được trải nghiệm làm món lá mì xào đặc trưng của người bản địa Tây Nguyên…, và đặc biệt là “Phiên chợ xưa” giữa cánh đồng hoa tam giác mạch, nơi mà ai cũng nghĩ tới tận Hà Giang mới được thấy”. Trong khi đó, bạn Nguyễn Đình Chiến đến từ từ Kon Tum chia sẻ: “Các hoạt động trải nghiệm văn hoá tại Bảo tàng Thế giới Cà phê khiến tôi có nhiều suy nghĩ và những người trẻ như chúng tôi phải học hỏi nếu muốn phát triển du lịch văn hoá của địa phương. Trong cùng vùng Tây Nguyên có nhiều điểm tương đồng về cảnh sắc thiên nhiên, văn hoá nhưng các điểm đến du lịch tại Kon Tum chưa thu hút và giúp du khách có nhiều trải nghiệm thú vị như ở Buôn Ma Thuột.”

Các hoạt động tái hiện văn hoá bản địa tại Bảo tàng Thế giới Cà phê giúp du khách có nhiều trải nghiệm khác biệt khi tới thăm Buôn Ma Thuột

Với mong muốn kiến tạo Thành phố Cà phê, Bảo tàng Thế giới Cà phê trở thành trung tâm sáng tạo nghệ thuật, nơi hội tụ tinh hoa văn hoá bản địa của Việt Nam và thế giới, chỉ riêng năm 2022, Trung Nguyên Legend với nhiều nghệ sĩ danh tiếng như: Nhạc sĩ Đức Trí, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, nhạc sĩ Dương Thụ, đạo diễn Cao Trung Hiếu… phối hợp sản xuất nhiều chương trình nghệ thuật như: Vở vũ kịch Chuyện kể 3 văn minh cà phê – một sản phẩm du lịch đặc biệt – khác biệt – duy nhất trên thế giới; đêm nhạc “Tri ân những tri âm”; ra mắt đĩa than ‘Thanh âm tỉnh thức”.

Cũng nằm trong chuỗi hoạt động mừng xuân Quý Mão 2023 và nhằm tri ân, cảm ơn cộng đồng du khách, Thành phố Cà phê, Bảo tàng Thế giới Cà phê phối hợp với nhiều nghệ sĩ danh tiếng như: nghệ sĩ saxophone Quyền Thiện Đắc, nghệ sĩ piano Phó An My và nhà soạn nhạc Đặng Tuệ Nguyên tổ chức chương trình hòa nhạc cổ điển “Cảm hứng Chiềng Đi”; nhà thiết kế La Phạm thực hiện bộ sưu tập thời trang đương đại “Xuân trên bản thượng” được lấy từ cảm hứng thổ cẩm nhằm tôn vinh tinh hoa văn hoá của các dân tộc ít người tại Việt Nam, giúp đóng góp làm phong phú, đa dạng nền văn hoá bản địa trong cộng đồng hơn 49 dân tộc tại Đắk Lắk. Đặc biệt, chiều ngày 30/01/2023, chương trình hoà nhạc cổ điển đặc biệt “Cảm hứng Chiềng đi” sẽ được tổ chức trong khuôn viên ngoài trời của Bảo tàng Thế giới Cà phê dành cho tất cả cộng đồng địa phương và du khách.

Điểm đến không thể bỏ qua tại thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột

Chính thức đưa vào hoạt động từ tháng 11/2018, Bảo tàng Thế giới Cà phê đã làm thay đổi cách nhìn nhận của giới trẻ cũng như cộng đồng du khách về bảo tàng tại Việt Nam. Ngay khi khai trương, hãng thông tấn AP (Hoa Kỳ) đã nhận định là: “Bảo tàng sống lớn nhất, sống động và độc đáo nhất!” và trở thành 6/17 điểm đến tốt nhất khi đến Việt Nam theo thông tin của tạp chí du lịch hàng đầu Anh Quốc, Wanderlust.

Vở vũ kịch Chuyện kể 3 văn minh cà phê của Bảo tàng Thế giới Cà phê trở thành một sản phẩm du lịch đặc biệt – duy nhất chỉ có tại thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột

Ngoài bộ sưu tập hàng chục nghìn hiện vật giá trị giúp du khách có thể tìm hiểu được lịch sử hơn 12 thế kỷ của cà phê, Bảo tàng thế giới Cà phê luôn tổ chức định kỳ các triển lãm chuyên đề về cà phê được giới chuyên môn đánh giá cao như: “Lịch sử Cà phê thế giới”; “Cà phê: thần dược cho não – thần dược cho sáng tạo”; “Cà phê – Năng lượng của nền kinh tế tri thức”; “Cà phê – năng lượng của tinh thần chiến binh”; “Cà phê – Hành trình khám phá những giá trị nhân văn”; “Cà phê – năng lượng sáng tạo của nghệ thuật”, “Vẻ đẹp làng nghề Việt”; “Cà phê ở những vùng đất thiêng phương Đông”, “Tìm về lối sống tỉnh thức – Kể chuyện mặc tỉnh thức”… Vào đầu năm 2022, tạp chí hàng đầu thế giới National Geographic ca ngợi Bảo tàng Thế giới Cà phê trên chuyên trang du lịch tiếng Tây Ban Nha với thông điệp “nơi du khách có thể đắm chìm hoàn toàn trong văn hóa cà phê”.

Nhưng không chỉ đơn thuần là trung tâm giới thiệu tri thức cà phê của toàn cầu, nơi hội tụ 3 văn minh cà phê: Ottoman – Roman và Thiền, Bảo tàng Thế giới Cà phê đang ngày càng trở thành điểm đến văn hóa của cộng đồng sáng tạo, mến chuộng nghệ thuật của Việt Nam và thế giới với sự ủng hộ của cộng đồng địa phương cũng như hàng triệu du khách trong và ngoài nước.

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN