Tết cổ điển

   Bài hồi ký “Tết cổ điển” của nhà văn Ngô Tất Tố đưa độc giả quay trở về với bầu không khí Tết truyền thống xa xưa, nơi ngập tràn tình yêu thương và cả sự háo hức qua con mắt trẻ thơ. Bài viết được đăng trong tập văn thơ “Vườn xuân” dịp Tết Ất Dậu 1945. 

Bấy giờ tuy tôi còn nhỏ, nhưng cũng đã đủ trí khôn để nhớ những công việc hàng ngày nghe thấy trông thấy.

Tôi nhớ hồi ấy các vật giá cái gì cũng rẻ lắm. Một súc sợi có hơn một đồng, một thúng gạo có hai hào chỉ. Cho đến tơ lụa muối mắm cái gì cũng rẻ như thế cả. Thuế má cũng rất nhẹ, vả lại những món cần dùng hàng ngày đều do của mình làm ra không phải chịu thuế nhập cảng, thuế thân chỉ có mấy hào một suất, thuế ruộng chỉ có mấy xu một sào, như thế lẽ nào những thứ kia không rẻ. Vậy mà lắm người còn thở than là khó làm ăn.

Tuy rằng đã là khó làm ăn nhưng mà khi ấy những người nghèo khó cũng không đến nỗi cùng cực. Làng tôi là một làng nghèo, cả làng chỉ chuyên mỗi một nghề làm ruộng, ruộng của làng tôi phần nhiều là đồng trũng bị úng thủy luôn, lụt lội luôn, thế mà trong làng không thấy ai đói rách.

Bởi vậy bất kỳ giàu nghèo cứ đến cuối tháng 11 người ta đã tấp nập lo về chuyện Tết. Những sự tấp nập ấy hàng ngày đưa đến tai tôi khiến tôi chỉ mong cho chóng đến rằm tháng Chạp.

Là vì năm ấy tôi đã học vỡ lòng. Sự học đối với tôi thuở ấy là một hình phạt rất nặng. Không phải khổ vì bài học tôi chỉ khổ về nỗi chậm ăn cơm.

Năm ấy ông tôi dạy học ở nhà, vì sắp đến khoa thi nên học trò các nơi đến trọ khá đông, ngoài 15 đứa trẻ nhỏ trong làng lại có đến năm sáu chục người lớn. Mỗi ngày buổi học của người lớn tan thì ít ra cũng đến gần trưa. Bấy giờ thầy tôi đi dạy học xa chỉ có những kỳ bình văn mới về nên tôi vẫn học ông tôi. Hôm nào cũng vậy phải chờ tan lớp học người lớn thì tôi mới được kể nghĩa. Nhưng như thế đủ khó chịu rồi. Hơn nữa tôi phải đợi ông tôi mới được ăn bữa cơm sáng, cái đó mới cực cho cái dạ dày háu đói của tôi. Những lúc như thế tôi rất ác cảm với hai ông chú họ của tôi, vì các ông ấy đọc sách vào lượt cuối cùng, mỗi người đọc đến mấy chục tờ giấy. Không biết ông tôi giải nghĩa có mệt hay không, chứ tôi thì tôi đã chờ đợi mỏi con mắt mà họ vẫn còn lải nhải đọc mãi.

Bởi thế nên khi bước sang tháng 11 tôi đã chăm chỉ đếm nhẩm từng ngày muốn cho mau mau hết cái tháng ấy và nửa tháng sau, ông tôi sẽ cho tôi nghỉ học, tôi sẽ không phải đợi bữa ăn sáng và lại còn được đi chợ sắm Tết là khác.

Vùng tôi có hai cái chợ gần với làng tôi, là chợ Xa họp vào ngày Một ngày Sáu và chợ Lời họp vào ngày Bốn ngày Chín. Mọi năm đến 29 tháng Chạp tôi mới được đi chợ Lời, để mua một chiếc hoa nêu và vài chiếc tranh gà, lợn. Năm nay tôi đã lớn cho nên bà tôi hứa cho tôi đi chợ Xa. Lại sợ chợ ấy là ngôi chợ lớn, những phiên giáp Tết bao giờ cũng đông, sức tôi không thể chen được nên bà tôi mới định cái ngày chơi chợ của tôi vào phiên 16 tháng Chạp.

Cả đêm hôm rằm tôi sì sục mãi không ngủ được. Sớm hôm sau ngoài sân còn mờ mờ tôi đã trở dậy. Tuy trời rét như cắt tôi vẫn vui vẻ ra bể múc nước rửa mặt và đôi mắt cho sạch rử. Lâu ngày không mưa cái bể cạn gần đến đáy, tôi phải đánh đu lên thành bể để bỏ cái gáo xuống nước làm cho mẹ tôi hốt hoảng vì sợ tôi nhào xuống bể.

Bữa cơm ấy tôi chỉ ăn bằng nửa mọi bữa, ruột gan tôi cứ nóng hôi hổi, không thể nào nuốt đi được, dù cả nhà khuyên dỗ và dọa là nếu không ăn thì sẽ không cho đi chợ.

Sau khi sắp sửa xong quần áo mới tôi và chị tôi đều được bà tôi dắt đi.

Lần ấy tôi được bước vào con đường chợ Xa là lần thứ nhất. Lúc thấy ruộng trầu không của làng Cổ Loa tôi không hiểu nó là cái quái gì. Cái gì mà chung quanh có phên che kín, phía trên có rạ lợp kín giống như tòa nhà tranh không có nóc vậy. Thấy bà tôi bảo đó là những giàn trầu không tôi càng ngạc nhiên bởi vì hồi ấy mắt tôi mới thấy giàn bầu giàn mướp của người trong xóm, những cái giàn ấy không giống cái giàn này chút nào.

Vào đến chợ người chật như nêm cối, bà tôi luôn luôn nắm tay chị tôi và tôi tìm lối thưa người mà đi.

Và đầu tiên, chúng tôi đến hàng tranh. Ôi chao! Tôi trông đẹp làm sao. Đẹp nhất là những tờ tranh khổ rộng vẽ bằng giấy đỏ giấy vàng phất phới trên mặt chiếu.

Cửa hàng tranh Tết tại Hà Nội năm 1929. Nguồn: Flickr manhhai

Anh hàng tranh cầm roi mây chỉ vào các tranh của hắn và cắt nghĩa: “Đây là Phàn Khoái múa gươm, đây là Chu Du phóng hỏa. Đây là người vắt cổ chầy ra nước, đây là người khóc cho trúc mọc măng”. Nghe lời hắn tôi thích quá cố đòi mua cho kỳ được. Thấy tôi thích quá bà tôi bèn mua cho tôi bốn tờ lớn: một tờ Tam Quốc, một tờ Tiền Hán, một tờ Phương ngôn, một tờ Nhị thập tứ hiếu, và mấy tờ tranh con như tranh Tiến tài Tiến lộc chẳng hạn, tất cả chỉ có năm xu rưỡi.

Rồi đó bà tôi lại đưa chúng tôi đi đến dãy hàng bên mua pháo. Nhà hàng giở ra bốn bánh pháo rất đẹp có bánh dài hơn hơn hai gang tay, tôi thích quá và đòi mua bánh lớn nhất nhưng bà tôi bảo những bánh pháo ấy không kêu, có nhiều pháo giả. Rồi cụ bỏ ra hai hào để mua hai bánh bàn đào, hai bánh từ quy giao cho tôi cầm. Nhìn những tờ giấy nhãn hiệu in mầu xanh đỏ vẽ hình con gái và hình ông già tôi thấy sướng quá, sướng như khi được tấm áo mới vậy.

Đồ tết đủ rồi, tôi đã mãn nguyện chỉ muốn về ngay. Nhưng bà tôi lại dắt hai chị em tôi đến dãy hàng quà, ban cho mỗi đứa hai chiếc bánh tẻ. Bởi vì theo ý bà tôi thì trẻ con chỉ nên ăn những thứ bánh ấy là lành không sợ sinh cam sinh sài.

Về tới nhà sau khi cất pháo và tranh lên bàn thờ, công việc đầu tiên của tôi là đi khoe với trẻ con hàng xóm: Tao có những bốn bánh pháo và tám tờ tranh, bốn tờ nhỏ và bốn tờ lớn, muốn xem chốc nữa sang tao cho xem.

Thế là từ đó tôi lại canh cánh mong cho chóng đến Tết, để được đốt pháo và dán tranh. Mỗi ngày không biết mấy lần tôi giở những thứ ấy ra xem. Một bánh pháo đã bị tôi bóc giấy gói. Những lúc ông tôi đi vắng tôi lại lấy vài cái đưa cho thằng nhỏ đốt hộ. Khi thấy ngòi pháo phun lửa sì sì thì tôi bưng tai chạy ra xa để ngó những mảnh pháo tung lên trời.

Dần dần đến ngày 30.

Hôm ấy nhà tôi thật là rộn rịp. Gà gáy một tiếng, những người hàng đã bắt lợn khiêng vào bờ ao, tiếng lợn kêu làm tôi thức giấc. Trời hãy còn tối mù mù và giá ngăn ngắt, nhưng tôi cũng cố trở dậy chạy ra xem chọc tiết lợn và xin cái bong bóng.

Lợn đã làm xong, chia ra làm bốn phần, hàng xóm bưng phần thịt của họ về rồi. Tôi bắt thằng ở lấy nước sôi nhúng cái bong bóng và thổi cho nó lớn ra. Nhìn chiếc bong bóng phình phình trên bát nước nóng, tôi không thể kìm được nụ cười sung sướng. Vì nay mai sẽ có một đồ chơi để đá và để tung với trẻ con hàng xóm. Anh Tương – một người đầy tớ tin cậy của ông tôi – thái xong thịt giò bỏ vào cối giã, gọi thằng ở đến cùng giã.

Mẹ tôi khi gói bánh chưng đã gói cho tôi một đôi bánh con rất đẹp, nó nhỏ như cái ống thuốc và vuông vắn như hòn gạch lá nem trông rất thích mắt, tôi chắc cả xóm tôi không đứa nào có đôi bánh ấy.

Đêm nay tôi lại lủng củng thức cả đêm để xem luộc bánh. Công việc đun một thạp bánh tuy không lấy gì làm lạ nhưng cũng đủ khiến tôi say mê quên cả buồn ngủ.

*

   Sáng ra bừng mắt dậy trong nhà đã thấy mùi hương ngào ngạt, đèn nến sáng trưng, ánh lửa chiếu vào các mảnh gương con trong đống vàng hoa trông chẳng khác gì những ngôi sao lấp lánh.

Thì ra ông tôi đương cúng Tết, cả nhà dậy rồi. Mẹ tôi rửa mặt cho tôi xong rồi thầy tôi lấy một tràng pháo đưa tôi rải ra mép thềm và bảo tôi đốt. Cầm nén hương trong tay, tôi run lẩy bẩy, trống ngực tôi đánh liên hồi, nhưng trong bụng tôi tự thấy vui sướng cố dí “nụ lửa” đầu hương vào cái ngòi pháo rồi tôi chạy ra đầu thềm.

Tràng phào đì đạch nổ một hồi dài nghe mới vui tai làm sao! Lúc pháo im tiếng, tôi và chị tôi tranh nhau bới đống xác pháo để tìm những chiếc pháo tịt ngòi rồi bẻ làm đôi đốt cho thuốc sùy ra.

Trời sáng rõ. Mẹ tôi ra bảo chúng tôi vào mừng tuổi ông bà. Bấy giờ tôi mới có một em trai hai tuổi, mẹ tôi dắt chị tôi và ẵm nó còn tôi thì theo thầy tôi.

Ông bà tôi cùng ngồi trên một tấm ghế ngựa quang dầu, trước mặt là cái án thư có bày một bộ bàn chè và một bao chè Sinh Mậu. Chúng tôi đứng ở phía trước án thư. Theo lời mẹ tôi, chị tôi và tôi cùng nói một câu: Năm mới chúng cháu xin chúc mừng ông bà ạ!

Ông tôi đương bưng chén nước chè tầu liền đặt xuống và tươi cười mở tráp lấy cho chúng tôi mỗi đứa một hào, giữa khi ấy bà tôi cũng cởi dải yếm lấy cho chúng tôi mỗi đứa năm xu. Chị tôi đón lấy chỗ hào và xu, chọn cho tôi những đồng mới nhất vì rằng mọi khi chị tôi vốn biết tôi thích xu mới hào mới.

Trẻ em đến chúc Tết ông bà ở làng quê, Hà Đông, khoảng năm 1920 – 1929. Nguồn: Flickr manhhai

Ông tôi vui vẻ nhìn tôi mà hỏi:

– Cháu định để tiền làm gì?

Bà tôi nói tiếp:

– Hẳn nó lại để dành tiền để ăn khao chứ gì?

Nghe xong câu nói tự nhiên tôi thấy xấu hổ đỏ bừng hai má. Bởi vì năm ngoái khi bác tôi về làng khao cử nhân cũng cho tôi hai xu và hỏi: cháu để làm gì? Lúc ấy sự linh đình của cuộc yến ẩm làm óc tôi sôi nổi khiến tôi buột miệng thưa rằng:

– Cháu cũng để khao!

Câu nói ngớ ngẩn khiến cả nhà cười ồ, rồi thì ai cũng dùng câu đó để chế tôi.

Nhờ vậy tôi đã biết câu đó là câu dơ dáng cho nên bây giờ nghe thấy bà tôi nhắc lại thì lại thấy xấu hổ như kẻ ăn vụng bị bắt quả tang. Ông tôi biết ý liền cho tôi ra sân chơi.

Xong bữa cơm sáng tôi phải theo ông tôi để bưng tráp cau đi lễ mấy nhà thờ trong họ.

Đến đâu người ta cũng cho tôi tiền, chỗ thì ba đồng, chỗ thì sáu đồng. Lúc về túi tôi đầy tiền kẽm.

Hết ba ngày Tết khi đã đem vàng ra đốt tự nhiên tôi thấy buồn bã như vừa bị mất cái gì.■

 

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN