Dịch vụ thư tín của người An Nam xưa

Phỏng theo nghiên cứu của Tiên Đàm

Ngày nay, nhờ sự phát triển của hệ thống bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin, chúng ta có nhiều phương tiện hiện đại và thuận tiện để liên lạc với nhau như điện thoại, thư, thư điện tử… Nhưng ông cha ta thuở xưa, bằng những phương tiện thô sơ, đã truyền tin như thế nào? Tạp chí Phương Đông giới thiệu với độc giả một bài viết trên Tuần san Indochine, số 71 xuất bản ngày 8/01/1942 về vấn đề này.

Thương anh em cũng muốn vô

Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”.

Câu ca dao này nói về những chuyến đi đáng sợ đối với người An Nam xưa. Nó đã trở thành một lối diễn đạt đầy chất thơ mà người phụ nữ An Nam hay dùng để kết thúc một bức thư gửi cho chồng hoặc hôn phu đang ở nơi xa.

Thời đó để đi từ Bắc Kỳ vào Nam Kỳ không phải chỉ mất một ngày hay vài ngày mà mất hàng tháng trời, với rất nhiều nguy hiểm rình rập trong suốt chuyến đi: thảo khấu, cướp biển và vô vàn những chuyến đò bất trắc. Những chuyến đò như thế luôn chất đầy thư từ bởi tại thời điểm đó, ở Việt Nam vẫn chưa có dịch vụ giao thư tín cho người dân và “dịch trạm” (trạm) chỉ hoạt động để phục vụ nhu cầu của chính quyền.

Dịch trạm chính thức xuất hiện lần đầu tiên ở An Nam vào thời Vua Lý Thái Tông (1028 – 1054). Vị vua này đã chia các tuyến đường từ kinh đô đến địa phương thành các cung. Mỗi cung đều chịu quản lý của một cung dịch. Ngoài nhiệm vụ giao nhận thư tín, dịch trạm còn có vai trò như một trạm nghỉ chân cho các quan lại trên đường đi làm nhiệm vụ. Hệ thống này dần được hoàn thiện và mở rộng trong các triều đại về sau.

Nhà Nguyễn cũng có hệ thống tương tự để giao thư tín hay công văn từ kinh đô Huế tới Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Các trạm dưới thời nhà Nguyễn là những ngôi nhà tranh nằm dọc theo Con đường Cái Quan. Mỗi trạm do một “Dịch thừa” quản lý và dưới ông ấy có ba hoặc bốn phu trạm. Những người này đã tạo nên một hệ thống luôn luôn sẵn sàng giao thư từ hoặc công văn kể cả trong trường hợp khẩn cấp.

Trạm Hòa Sơn ở chân đèo phía bắc Đèo Cả, năm 1898. Ảnh: André Salles

Những người làm trong dịch trạm đều do Binh bộ quản lý. Tại mỗi tỉnh, họ chịu sự quản lý của Án sát sứ. Họ nhận một khoản lương tương đương với mức lương của lính cơ và được miễn sưu dịch.

Các công văn thường được đựng trong các ống tre lớn, gọi là ống công văn, và được bịt kín ở hai đầu bằng một loại keo nhựa.

Ngoài nhiệm vụ chính, các phu trạm còn phải làm thêm những công việc khác như vận chuyển hành lý, khiêng kiệu cho các quan trong triều đình. Thêm vào đó, hàng năm họ đều phải vận chuyển các cống phẩm như gạo Bắc Ninh, chuối Nam Định, cam Vinh, mía đường Thanh Hóa, thậm chí cả chim sâm cầm ở Hồ Tây Hà Nội… đến kinh đô Huế để tiến Vua.

Trang phục của phu trạm cũng giống với trang phục của người bình thường. Đơn giản là họ chỉ đeo thêm một chiếc lục lạc lớn hoặc một vài lục lạc nhỏ hơn ở trên vai, những vật dụng ấy có tác dụng giúp họ thông báo cho mọi người rằng họ đang đi giao công văn. Mọi người dân đều phải nhường đường cho phu trạm ở mọi lúc, mọi nơi, nhất là trên các chuyến đò thì các phu trạm luôn được ưu tiên trước.

Hình ảnh người phu trạm trên một tấm bưu thiếp thời Pháp thuộc

Các phu trạm phải đi bộ, họ chỉ sử dụng ngựa trong trường hợp phải giao các công văn khẩn. Trong những dịp như thế, phu trạm sẽ mang theo một thứ đặc biệt – có thể là một nhúm lông gà hoặc một thanh củi đang cháy. (Người Việt có câu “Hòn than lông gà” để nói về các phu trạm trong thời điểm đó. Hai chữ “hỏa tốc” ghi trên những công văn khẩn, có nghĩa là “lửa” và “tốc độ”, có lẽ cũng xuất xứ từ đây).

Phu trạm được thủ lĩnh quân đội cử đi báo tin thắng trận cho nhà vua sẽ vẫy một lá cờ đỏ.

Hạn giao nhận công văn do Ty Bưu chính quy định: 6 ngày đối với công văn từ Huế ra Hà Nội, 3 ngày đối với công văn hỏa tốc (trong trường hợp này, các phu trạm sẽ phải di chuyển cả ngày lẫn đêm) và 12 ngày đối với các các công văn “ít khẩn cấp”.

Các trường hợp giao trễ công văn sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc theo luật nhà Nguyễn: “Mọi trường hợp giao trễ công văn sẽ bị phạt đánh từ 20 đến 50 roi”.

“Nếu một góc bất kì của phong bì bị rách nhưng văn kiện bên trong còn nguyên thì người phu trạm sẽ bị phạt 20 roi. Nếu ba góc còn lại của phong bì bị hỏng, hình phạt sẽ được nâng lên mấy bậc, tối đa là 60 trượng (nặng hơn so với phạt roi)”.

“Nếu phu trạm giấu hoặc làm hư hỏng bất phần nào của công văn thì sẽ bị phạt đánh từ 60 đến 100 trượng; nếu đó là công văn của Binh bộ thì hình phạt sẽ tăng lên” (Điều 211 Binh luật thời Nguyễn).

“Nếu phu trạm giao công văn chậm trễ khiến quân đội bại trận thì phu trạm đó sẽ bị xử trảm” (Điều 216 Binh luật thời Nguyễn).

Xét mức độ nghiêm khắc của những hình phạt này, cao nhất là xử trảm, người ta dễ có xu hướng kết luận rằng Ty Bưu chính đã hoạt động rất trơn tru. Tuy nhiên, luật là luật còn con người vẫn là con người…

Chúng tôi đã tham khảo một số bằng chứng được lưu truyền từ ngày xưa. Những bằng chứng ấy cho thấy nhiều phu trạm là những kẻ lười biếng, ngông cuồng hoặc thiếu trung thực. Họ đã gây rối ở nhà trọ hay ở các ngôi làng mà họ đi qua, trêu ghẹo các cô gái ở trên đò… Nhìn chung, hoạt động của dịch trạm còn rất nhiều khiếm khuyết.

Nhân dịp tham quan gian hàng Bộ Bưu chính, Điện báo và Điện thoại (P.T.T) tại Hội chợ triển lãm Hà Nội, chúng tôi thấy chuyến đi ngắn ngược về quá khứ này thật thú vị. Từ đó, chúng tôi nhận thấy chính quyền ngày nay đã rất nỗ lực và đạt được nhiều tiến bộ về dịch vụ thư tín, với hàng nghìn đường dây liên lạc được tạo ra, đóng góp to lớn vào công cuộc củng cố khối chính trị, kinh tế và đạo đức của Liên bang Đông Dương.■

Hiếu Minh dịch

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN