Sài Gòn ngày Giải phóng qua con mắt phóng viên Tây Đức

Ngày 30/4/1975, nhiều phóng viên phương Tây ở lại Sài Gòn đã ghi chép lại các sự kiện đặc biệt trong ngày trọng đại này của dân tộc Việt Nam. Tiziano Terzani, phóng viên báo Tấm gương (Tây Đức) là một trong số đó. Bài viết của ông được giới thiệu trên báo Hà Nội Mới, số 2249, ngày 6/5/1975 đã cung cấp thêm một góc nhìn khách quan, chân thực về không khí náo nức, tâm trạng phấn khởi của người dân Việt Nam vào ngày đất nước hoàn toàn thống nhất sau ba mươi năm chia cắt. Tạp chí Phương Đông xin trích đăng lại bài viết để bạn đọc có dịp tiếp cận thêm một tư liệu lịch sử quý về ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sài Gòn được đặt tên lại là thành phố Hồ Chí Minh, nhưng không những là cái tên, mà mẫu cờ ở trên mỗi ngôi nhà, mỗi cửa, mỗi xe, không những quân phục của lính mà các áp phích, các khẩu hiệu chăng qua các phố và những bài hát trên đài đều thay đổi. Vẻ mặt của thành phố, nét mặt và nhân dân đều mới. Ngày 2/5, ở trước Dinh Tổng thống cũ, tôi đã nghe một nhà kinh doanh trạc tuổi trung niên nói với một Thiếu tá lực lượng giải phóng: “Tôi, tất cả chúng tôi trước đây đều sợ các anh, vì đó là điều mà người Mỹ đã dạy cho chúng tôi. Bây giờ tôi nhận thấy rằng chúng ta là cùng một nhà, chúng ta cùng một tổ tiên, chúng ta chỉ bị tạm ngăn cách trong một thời gian thôi”.

Lúc 6 giờ cùng ngày, Minh “lớn” – Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa, Vũ Văn Mẫu – Thủ tướng và tất cả các thành viên khác của nội các được các lực lượng giải phóng cho tự do. Một cựu Đại tá quân đội Sài Gòn bình luận với tôi: “Trước đây tôi không hề tin rằng họ có thể rộng lượng đối với chúng tôi như vậy. Sau hai ngày trốn với bạn bè, anh ta ra phố với các binh lính giải phóng. Họ đều rất trẻ. Tất cả đều đi dép Hồ Chí Minh. Không có phù hiệu hoặc quân hàm để phân biệt sĩ quan với lính.

Xe tăng phủ bụi đất đỏ, xe cam nhông và các khẩu cao xạ pháo ngụy trang bằng cành lá xanh tập trung trong đám cây ở vườn hoa trước nhà thờ Thiên Chúa giáo. Ngày 1/5, không có cuộc diễu hành chính thức nào, nhưng một cuộc biểu tình bột phát của nhân dân đã diễn ra, vui vẻ, nhẹ nhõm. Toàn bộ nhân dân thành phố xuống đường. Sài Gòn không bị chinh phục mà là được giải phóng. Sau những cái hôn và ôm choàng lấy nhau trong những giờ phút đầu tiên, bây giờ dân chúng xúm quanh các chiến sĩ Giải phóng, hỏi han và tươi cười. Hầu hết các chiến sĩ đều trẻ, rất trẻ, các đơn vị Giải phóng tiến vào trung tâm thành phố.

Nhân dân Sài Gòn ra đường chào đón quân Giải phóng tiến vào thành phố ngày 30/4/1975. Ảnh: Tư liệu

Không hề có tin, thậm chi tin đồn về những vụ hành quyết. Chỉ có vài ổ đề kháng. Tại Tân Sơn Nhất có một trận đánh nhau ngắn ngủi. Quân lính Sài Gòn đã nộp súng tại những trung tâm đặc biệt do các Ủy ban Cách mạng của sinh viên mới xuất hiện. Tại trường Đại học Vạn Hạnh, tôi thấy hai nhà một tầng đầy súng đạn. Sinh viên trao quần áo thường phục và giấy chứng chỉ cho quân lính Sài Gòn. Những người nước ngoài được tự do đi lại trên các đường phố. Ngày 2/5, các hiệu buôn lại mở cửa. Có bán bánh mì. Nhiều người Nam Việt Nam hãy còn ở trong bệnh viện Grall vì sợ bị báo thù. Bây giờ một số đã rời khỏi bệnh viện này. Người ta dự kiến Chính phủ Cách mạng lâm thời sẽ sớm về đây. Sở dĩ có sự chậm trễ là vì cuộc đầu hàng quá nhanh.

Cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời xuất hiện khắp thành phố, trên xe ô tô, xe đạp và xe ba bánh. Sinh viên cầm súng, đeo băng tay đỏ, cùng với quân Giải phóng giữ trật tự. Trước trụ sở Quốc hội, tôi thấy Tuyết Anh – một gái nhảy mà lính Mỹ gọi là Linda, đang nói chuyện với một nữ du kích. Trước đây một tuần, cô ta sợ hãi và muốn rời khỏi Việt Nam. Bây giờ cô ta cùng ở với em gái 3 tuổi, đang tươi cười. Cô ta nói to với tôi: “Các anh ấy bảo tôi có thể trở về làng tôi”. Cô ta đã thay đổi cách ăn mặc, lại có vẻ như một cô gái quê.

Như một lâu đài bằng cát bị triều dâng quét sạch, chế độ cũ đã bị cuốn đi bởi cái biển du kích: Cán bộ chính trị, quân đội chính quy của các lực lượng Giải phóng, những người bình thường tràn vào thành phố. Sài Gòn đã được giải phóng, chứ không bị chinh phục hay bị chiếm đóng.

Các đường phố nhan nhản những tàn tích của quá khứ vừa qua: quân phục, mũ sắt, ảnh, tài liệu, vũ khí và giày cao cổ, đâu đâu cũng thấy giày lính. Nghe theo lệnh đầu hàng, quân lính Quân đội Việt Nam Cộng hòa đã tự cởi trang phục bất cứ chỗ nào họ đang đứng. Nhiều tốp, năm sáu người ở trần, đi chân không, chỉ mặc độc cái quần đùi, vẫy chào những chiếc xe tăng đầu tiên của quân Cách mạng đang chạy trên đường Tự do trong ngày giải phóng. Giống như một con rối không ai giật dây nữa, toàn bộ bộ máy Sài Gòn sụp đổ trong vòng mấy giờ. Ít có những giờ phút chống cự.

Các chiến sỹ Giải phóng trò chuyện với nhân dân Sài Gòn trong ngày 30/4/1975. Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN

Lúc 2 giờ 45 phút ngày 30/4, tôi đang chạy theo sau một chiếc xe chở đầy lính Chính phủ cách mạng lâm thời tới tòa thị sảnh, chúng tôi bị một loạt đạn súng máy bắn ra từ sân sau. Súng nổ trong mấy phút. Quân du kích bắn mở đường vào. Tôi thấy một lính Quân đội Việt nam Cộng hòa đứng quay lưng vào tường, vứt súng và xin tha chết trước một du kích trẻ. Nó đã được tha chết, cũng như mọi nơi khác trong thành phố, không có đổ màu. Nhưng một vài tên chống cự đều bị bắt. Tại Bộ Quốc phòng ở phố Gia Long, một Đại tá Quân đội Cộng hòa đứng cạnh cột cờ, tay phải cầm súng ngắn khi một khẩu trọng liên đặt trên một xe cam nhông dừng lại ở trước cổng. Anh ta định tự sát nhưng du kích đã kịp thời ngăn lại. Tôi thấy khẩu súng ngắn của anh ta tung lên không, cánh tay anh ta bị lính giải phóng giữ lại, trong khi lá cờ của chế độ Thiệu bị kéo xuống.

Một cảnh sát tự sát trong phút hỗn loạn trước khi quân lính của Mặt trận Dân tộc Giải phóng vào trung tâm thành phố. Một tàn binh của Quân đội Cộng hòa liền nhặt lấy khẩu súng ngắn của hắn, một tên khác lột chiếc đồng hồ tay của hắn. Mười phút sau, những chiếc xe jeep với một lá cờ lớn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng từ phía Nhà thờ Lớn chạy tới phố Tự Do. Hai giờ sau, các bà già và sinh viên cảm động, tò mò và khâm phục ôm hôn những người du kích trẻ mặc quần áo dã chiến màu xanh. Những người du kích này hầu như nghẹt thở vì đám đông những người hân hoan, trong đó chắc chắn có một số cảnh sát đã thay đổi quần áo và thấy có cơ tiếp tục cuộc sống của mình.

Trong những khu vực đông dân cư nhất của Sài Gòn, khi các lực lượng Giải phóng tới, thật là xúc động. Ở phố Lê Văn Duyệt, trên đường đi khám Chí Hòa, một đám đông sung sướng hầu như phát điên đang xé cờ của chế độ cũ, nhảy lên các xe tăng và chạy theo bên cạnh các xe cam nhông chở đầy những chàng lính trẻ. Tôi thấy một bà già đội một chiếc nón lá đang ôm chặt một anh du kích. Bà ta vừa khóc vừa gào: “Hòa bình rồi! Hòa bình rồi!” Sau xe tăng là những xe cam nhông chở đầy lính bộ binh. Những xe khác chở đồ tiếp tế. Tôi trông thấy nhiều xe chở đầy gà còn sống. Khám Chí Hòa mở khoảng giữa trưa. Một chiếc xe tăng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng dừng trước cổng mà tù nhân đã ra đứng chật. Một sĩ quan nói vắn tắt: “Nhân dân xin cảm ơn tất cả những người đã hy sinh và đã chịu đựng đau khổ”. Tất cả các tù nhân, hơn 7000 người, đã được giải phóng. Trong ngày hôm đó, tất cả các nhà tù khác ở vùng quanh Sài Gòn đều được giải tỏa.

Đoàn Kim Xuyến, 24 tuổi, một sinh viên Thiên Chúa giáo, tù chính trị, bị giam đã ba năm, rời khỏi nhà tù Gò Công ở phía nam Sài Gòn chiều 30/4. Hai ngày sau, anh ta nói với tôi: “Có hai điều kỳ lạ. Chúng tôi thấy bọn gác nhà lao gói ghém đồ đạc. Tất cả bọn chúng thay quần áo rồi trốn mất. Chúng tôi phá cửa nhà tù để ra”. Những nhóm nhỏ tù chính trị vừa mới được thả còn mặc quần áo bà ba đen của nhà tù, ngày 2/5 tới xem dinh Tổng thống.  Đào Xuân Diêu, 44 tuổi, quê ở Tuy Hòa, đã ngồi tù 12 năm, trong đó có 5 năm ở chuồng cọp Côn Sơn. Tôi gặp ông ta trước Dinh Độc Lập trong khi ông đang kể cho những người xúm quanh nghe chuyện của ông. Ông nói với tôi: “Tôi bị bắt tội làm việc cho cách mạng. Suốt trong thời gian qua tôi không biết tin tức gì của gia đình cả. Bây giờ tôi sẽ về quê để tìm gia đình, tôi sung sướng, tôi không ngờ kết thúc sớm như thế này. Sau 12 năm!

Sau khi quân giải phóng đánh chiếm đài phát thanh Sài Gòn, nhân viên, cán bộ kỹ thuật của đài đã trở lại làm việc bình thường, thông báo tin chiến thắng và tin tức hoạt động của thành phố (30/4/1975). Ảnh: Vũ Tạo/TTXVN

Ở Gia Định, từ những nhà mà trên cửa vẫn còn khẩu hiệu viết bằng chữ sơn do Chính phủ cũ bắt buộc viết lên: “Gia đình này sẽ không bao giờ sống dưới chế độ cộng sản”, nhân dân đã chạy ra đường phố hát bài ca cách mạng “Sài Gòn vùng dậy” mà họ chỉ có thể học được qua đài Hà Nội và đài Giải phóng trong những năm nghe trộm các đài này. Những đơn vị quân cộng sản đầu tiên đã vào Sài Gòn không đầy mấy giờ sau khi chiếc máy bay lên thẳng cuối cùng của Mỹ cất cánh khỏi nhà Sứ quán Mỹ với chuyến lính thủy đánh bộ canh gác sứ quán cuối cùng. Chiếc máy bay lên thẳng đã bị chặn lại trên mái bằng bởi hỏa lực của một đám tàn binh đã lên tầng gác hai của ngôi nhà Sứ quán lấy đi bất cứ cái gì có thể lấy được.

Chiếc máy bay lên thẳng đã cất cánh lúc 7 giờ 45 sáng trong đám hơi màu đỏ và trắng làm chảy nước mắt, do những lính thủy đánh bộ Mỹ cuối cùng bắn ra để làm cho đám người đó phải bó tay. Đại lộ chạy qua trước sứ quán – mà những chiếc cổng sắt đã bị sức mạnh của hàng nghìn người phá tan – đầy rẫy những sách báo, những tủ ngăn bị phá vỡ và những cái màn bị giật xuống vứt bừa bãi. Khi đó sứ quán đã bị đốt cháy từng phần. Vụ đập phá sứ quán Mỹ đã bắt đầu sớm hơn một ngày (29/4) khi lệnh mật về việc di tản người Mỹ được công bố. Đài Mỹ ở Sài Gòn nhắc lại nhiều lần tin “mẹ muốn các con về nhà, mẹ muốn các con về nhà” và đoàn người Mỹ trông bi đát, bối rối, với những cái xắc nhỏ trên lưng, kéo đến những địa điểm tập trung hẹn trước, đã bắt đầu xuất hiện trên những đường phố vắng tanh của Sài Gòn (lệnh giới nghiêm lúc bấy giờ là 24/24 giờ).

Phóng viên CBS Peter Collins đã có thì giờ để xem màn cuối cùng trước khách sạn Continential. Anh ta viết: “Với việc những người Mỹ cuối cùng ra đi, chiến tranh Việt Nam đã kết thúc”. Song chiến tranh chưa kết thúc, sân bay Tân Sơn Nhất đã bị tiến công lúc rạng đông và những trận đánh lớn vẫn diễn ra ở ngoại ô thành phố. Từ trên sân thượng của khách sạn Caravelle, chúng tôi có thể thấy một vòng khói lớn bao lấy tất cả xung quanh Sài Gòn và những ánh lửa đỏ loé lên của những đạn nổ phía sau hai tháp chuông của Nhà thờ Lớn về phía sân bay. Trên trời, chúng tôi có thể thấy những đường đạn súng phòng không bắn vào những máy bay lên xuống. Ba chiếc đã bị bắn rơi.

Trong khi các nhà báo, các nhà kinh doanh, nhà thầu khoán Mỹ rời khỏi những khách sạn lớn ở vùng trung tâm thành phố, một số người trong bọn họ đã bị thủ quỹ gọi trở lại bởi vì trong khi hốt hoảng, họ quên cả việc thanh toán tiền ăn ở khách sạn. Những nhà riêng, những cơ quan của người Mỹ và những cửa hàng đặc biệt “chỉ dành riêng cho người Mỹ” đã bị những người Việt Nam giành lấy. Những nhóm sinh viên vai mang súng có mặt ở khắp nơi cùng với các chiến sĩ Giải phóng. Mặc dù xăng khan hiếm, những xe hon đa, xe ca, xe buýt cùng với xe tăng, xe tải và xe jeep đông nghịt trong các đường phố. Sân bay đã trở thành nơi yên tĩnh nhất thành phố.

Gallasser và tôi đã đi thăm sân bay sáng 2/5. Đài chỉ huy không việc gì, đường băng rải rác những mảnh bom và hàng trăm vết đạn rốc két. Ít nhất là hàng trăm máy bay thường và máy bay lên thẳng đã bị phá hủy trước cửa Bộ chỉ huy quân sự Mỹ cũ. 12 giờ 50 phút, chúng tôi nghe tiếng của một chiếc máy bay đang bay đến. Hàng trăm lính và cả chúng tôi nữa đã chạy lên đường băng để xem một chiếc máy bay lên thẳng khổng lồ sơn màu xanh với ngôi sao đỏ ở giữa, hạ cánh gần cuối đường băng. Đây là chuyến bay đầu tiên của quân đội cách mạng. Thật là một sự xúc động lớn. Một nhóm khoảng 40 người, gồm nhân viên phi hành, các nhà báo, cán bộ chính trị đã được những người lính đóng ở sân bay Tân Sơn Nhất đón tiếp bằng những tiếng hoan hô và những cái ôm hôn. Gallaser và tôi đã được thấy nhiều người khóc vì vui sướng. Một trong những hành khách nói với chúng tôi. “Khi tôi rời Sài còn cách đây 30 năm, tôi đã biết là một ngày kia tôi sẽ trở lại đây”.■

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN