Nỗi sợ hòa bình ở một Sài Gòn bị chia rẽ

Tiếp theo bài “Những cuộc thăm dò hòa bình: Vũ điệu mong manh dưới bảy lớp màn che”, kể về cuộc đấu tranh ngoại giao cam go của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam từ năm 1963 cho đến thời điểm trước khi Hội nghị Paris bắt đầu vào tháng 5/1968, ORDI trân trọng giới thiệu bản dịch bài viết “Nỗi sợ hòa bình ở một Sài Gòn bị chia rẽ” (tựa gốc: In a divided Saigon, a fear of peace) đăng trên Tạp chí LIFE số ra ngày 3/5/1968. Qua bài viết này, phóng viên chiến trường William A. McWhirter sẽ đưa độc giả đến với bối cảnh phức tạp của Sài Gòn vào tháng 3/1968, khi các bên đang hồi hộp trông chờ một hội nghị hòa bình.

Trong một căn nhà nhỏ ở Sài Gòn, ánh nắng rọi lướt trên gương mặt phẳng lặng của một phụ nữ ở độ tuổi ngoài 50. Tường nhà không treo gì ngoài một tờ lịch của Pháp. Hàng rào dây thép bao quanh hiên trước, khiến nó trông như một cái chuồng gà. Nhưng người phụ nữ chỉ kể về ngày xưa khi chồng bà còn là một luật sư sáng giá, khi bà sống cùng đại gia đình Công giáo của mình trong một ngôi biệt thự khang trang đầy nắng ở Sài Gòn, nơi những em bé nằm ngủ thảnh thơi dưới quạt trần, còn lũ trẻ lớn chơi bài ở trong vườn.

“Tôi dạy tụi nhỏ phải kính trọng cha mẹ, đi học đúng giờ, làm bài tập đầy đủ, và chăm đi thăm họ hàng”, bà Dương Thị Chung[1] kể. Nhưng bây giờ ở nhà chỉ còn hai cô con gái. Hai cô còn lại nay là thành viên của một nhóm nữ thanh niên ở miền Bắc Việt Nam. “Đời tôi được cái là tất cả đàn ông con trai trong gia đình đều đối xử tốt với tôi”, bà Dương Thị Chung nói. Nhưng trong suốt 9 năm qua, bà chưa hề được gặp chồng và ba con trai của mình.

Dương Thị Chung không chỉ là người mẹ trong một gia đình bị chia cắt bởi chiến tranh. Bà là vợ của Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, nhà lãnh đạo cấp cao nhất của lực lượng cộng sản ở miền Nam. Bà rất dễ cười, thỉnh thoảng lại thu mình trong hai vạt áo để yên tâm hơn, và rõ ràng chỉ tập trung vào quá khứ. “Tương lai ư, tôi chỉ mong cả gia đình được bình an”, bà nói.

Bà Dương Thị Chung. Ảnh: William A. McWhirter

Ở Sài Gòn trong những tuần qua, hòa bình không phải là hiện thực mà chỉ là ảo vọng. Trong khi việc tìm kiếm giải pháp cho chiến tranh Việt Nam đã xâm chiếm tâm trí của hầu như tất cả các quốc gia trên thế giới, khi nước Mỹ xáo động với những kế hoạch đàm phán danh dự, chính phủ liên minh, duy trì đình chiến, cùng các cuộc rút quân từ từ và cẩn trọng, khi vị Tổng thống Mỹ sắp hết nhiệm kỳ tuyên bố rằng hòa bình là sứ mệnh chính yếu của ông, Sài Gòn lạ thay lại trở nên u buồn, bực bội và khép mình. Dường như Mỹ có thể thoải mái thảo luận về việc chấm dứt cuộc chiến này với hầu như tất cả các quốc gia trên thế giới – bao gồm cả Bắc Việt – hơn là với chính đồng minh của mình. Vẫn luôn như vậy, chính phủ duy nhất không tin tưởng và không tìm kiếm hòa bình – bây giờ hoặc trong tương lai gần – chính là Nam Việt Nam.

7 giờ tối thứ Bảy, ngày 30 tháng 3, ở Sài Gòn, Đại sứ Hoa Kỳ Ellsworth Bunker trao cho Tổng thống Nam Việt Nam Nguyễn Văn Thiệu văn bản của bài diễn văn toàn quốc mà Tổng thống Johnson sẽ đọc sau 39 tiếng nữa để tuyên bố một cuộc ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam. Trong cuộc gặp này, Bunker cũng thông báo với Thiệu rằng Tổng thống Johnson đang cân nhắc thêm vào một điểm mà ông ấy thậm chí còn chưa tiết lộ với hầu hết các thành viên Nội các hay với Phó Tổng thống. Bunker nhấn mạnh rằng “rất có thể” Johnson sẽ tuyên bố rằng ông ấy rút khỏi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng cho nhiệm kỳ tới.

Tổng thống Johnson phát biểu trên truyền hình ngày 31/3/1968, tuyên bố một cuộc ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam. Ảnh: Bettmann/Bettmann Archive

Tối hôm sau, Thiệu đã có bài diễn thuyết sôi nổi trước 10.000 sinh viên sắp tốt nghiệp khóa đào tạo quân sự trừ bị tại Đại học Sài Gòn. Ông không nhắc gì đến bài diễn văn mà Tổng thống Johnson còn chưa đọc, nhưng đã gửi tới Washington một lời cảnh báo rõ ràng. “Tôi muốn các em và toàn thể nhân dân biết rằng với tư cách là một người lính đã chiến đấu với Cộng sản trong 20 năm qua, tôi sẽ không khuất phục trước bất cứ sức ép nào yêu cầu chúng ta liên minh với Cộng sản”.

Kể từ đó, phong trào phản đối hòa đàm đã nổi lên thành từng đợt như những hồi trống trong một dàn nhạc đám ma. Bản dịch tiếng Việt bài diễn văn của Johnson, do phái đoàn Hoa Kỳ chuẩn bị, dẫn lời Tổng thống Johnson: “Và có thể sẽ đến lúc miền Bắc và miền Nam Việt Nam – ở cả hai phía – có thể tìm ra một phương thức để giải quyết sự khác biệt của họ thông qua việc tự do đưa ra lựa chọn chính trị thay vì bằng chiến tranh”. Nhưng thực ra câu nói của Tổng thống Johnson là sẽ có một ngày “người Nam Việt Nam – ở cả hai phía – có thể… để giải quyết sự khác biệt của họ”. Với các thành viên chính phủ của Thiệu, những người đã nhận được bản gốc tiếng Anh của bài diễn văn, lời tuyên bố này ngầm ý rằng Johnson đang đề nghị công nhận – và chấp nhận – Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Họ cho rằng lỗi sai trong bản dịch thể hiện sự hai mặt của Mỹ. Kể từ đó, một cách chính thức và cẩn trọng, Chính phủ Nam Việt Nam chỉ gọi các cuộc đàm phán là “các cuộc thảo luận sơ bộ”. Mỗi ngày nó đều lặp đi lặp lại điệp khúc về những điều mà chính phủ Nam Việt Nam không thể chấp nhận:

– Bất kỳ thỏa thuận nào trong các cuộc thảo luận sơ bộ mà không có sự tham vấn đầy đủ và phê chuẩn của chính quyền Sài Gòn là không chấp nhận được.

– Nếu hòa đàm tiếp nối các cuộc thảo luận sơ bộ, bất cứ vai trò nào dành cho Việt Nam Cộng hòa mà không phải là vai trò chính yếu thì không thể chấp nhận được.

– Bất cứ vai trò nào dành cho MTDTGPMNVN gần với vai trò của một bên tham gia toàn diện trong đàm phán là không thể chấp nhận được.

– Việc tổ chức các cuộc bầu cử mới ở Nam Việt Nam là không chấp nhận được.

– Việc phân chia khu vực ảnh hưởng giữa MTDTGPMNVN và VNCH là không chấp nhận được.

– Việc MTDTGPMNVN đóng vai trò như một đảng chính trị ở miền Nam Việt Nam trong tương lai – dù có giải giáp – là không chấp nhận được.

– Bất cứ hình thức chính phủ liên minh nào là không chấp nhận được.

Thế thì sao?

“Chúng tôi có thể cho những người Cộng sản ở miền Nam hai điều”, Bộ trưởng Ngoại giao VNCH Trần Văn Đỗ nói: “Ân xá như là những cá nhân, nếu họ muốn sang phía chúng tôi – với đầy đủ quyền công dân, bao gồm quyền bầu cử”.

Gì nữa?

“Được ra Bắc an toàn”.

Hạ viện VNCH vừa thông qua một nghị quyết tuyên bố rằng: “Toàn thể nhân dân Việt Nam quyết tâm đoàn kết đương đầu với tất cả những thủ đoạn của Cộng sản, cũng như âm mưu của những kẻ đầu cơ chính trị quốc tế”. Một tổ chức mang tên “Sinh viên chống Bunker” đã được thành lập. Hạ viện và Thượng viện VNCH sẽ cử các phái đoàn 6 đại biểu tới Hoa Kỳ trong tuần này để lập luận chống lại một “giải pháp chính trị” cho cuộc chiến. Nhưng hầu hết các chính khách của miền Nam Việt Nam lại muốn tin rằng cuộc ngừng ném bom chỉ là một mánh khóe để làm dịu phong trào phản chiến của người dân Mỹ. Nếu nói chuyện với hầu như bất cứ chính khách Nam Việt nào về một giải pháp chính trị cho cuộc chiến, họ sẽ trả lời bằng cách đưa ra tất cả những lý do tại sao Mỹ không thể rút quân: Mỹ là cường quốc lãnh đạo thế giới, có các căn cứ quân sự ở Việt Nam, và Mỹ sẽ bị lên án nếu Thái Lan, Lào, Campuchia lần lượt rơi vào tay Cộng sản. Nếu nói với họ rằng tất cả những lập luận này dường như không còn tính thuyết phục đối với nhiều người Mỹ nữa, họ sẽ ngẩn người vì không thể tin được, và rồi lập tức chuyển sang chủ đề khác.

Đã nhiều tháng qua, khả năng Mỹ sẽ thực hiện các động thái tiến tới hòa bình đã trở thành nỗi sợ ngấm ngầm của chính quyền Sài Gòn. Mùa thu năm ngoái, một tờ báo đưa ra đề nghị thỏa hiệp chính trị đã bị đóng cửa. Trong hai tháng qua, hơn 30 chính khách, hầu hết là những người ủng hộ đàm phán với Cộng sản, đã bị bỏ tù mà không qua xét xử, không có tội danh hay bản án cụ thể nào. Sự căng thẳng và nghi ngờ trong lòng Sài Gòn đã nhức nhối đến nỗi, trước khi có bài diễn văn của Johnson, ngay cả các cấp chính quyền cao nhất cũng tuyệt nhiên không có cuộc thảo luận nào về kế hoạch hòa bình; kể từ đó, việc thảo luận cũng chỉ mang tính chất hạn chế và chính thống.

Trước cuộc bầu cử Tổng thống VNCH hồi tháng 9 năm ngoái, Thiệu tiết lộ với Đại sứ Bunker rằng ông ta muốn tìm cách khởi động đối thoại với Cộng sản một cách cẩn trọng và kín đáo nhất. Bunker nhiệt tình động viên Thiệu. Nhưng đến tháng 11, ngay sau khi đắc cử Tổng thống, Thiệu bỗng quay ngoắt, giải thích rằng ông ta hiện đang ở trong tình thế hết sức nhạy cảm. Đằng sau quyết định này là một nỗi sợ âm thầm nhưng lại lộ rõ: Thiệu không dám mở ra những cuộc đối thoại như vậy mà không báo trước cho Chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia, đồng minh thân cận nhất của Phó Tổng thống Kỳ. Thiệu sợ rằng Loan và Kỳ ban đầu có thể chấp nhận động thái đó, để rồi về sau sẽ phơi bày các cuộc thảo luận của Thiệu với kẻ địch. Họ sẽ bêu riếu Thiệu bằng nhiều tên gọi như kẻ hai mặt, kẻ dao động, kẻ cơ hội, kẻ thỏa thiệp, kẻ bôi nhọ danh dự của người Việt.

Giờ đây khi Mỹ đã ngả sang hướng đàm phán, chính quyền Sài Gòn lại án binh bất động, tâm trạng của nó phần nào gợi nhớ về những ngày cuối cùng bị cô lập của chế độ Diệm. Hàng ngày nó đều nói về việc tự thanh lọc, chống tham nhũng, và sắp xếp lại trật tự, nhưng không bao giờ nhắc đến khả năng thỏa hiệp với kẻ thù. Chính quyền Sài Gòn đã chuẩn bị một kế hoạch dự phòng duy nhất trong trường hợp không chiến thắng hoàn toàn, đó là sắp xếp để những chiếc Boeing 727 mới của nó bay về từ các cảng ở Hong Kong và Bangkok. Nó đã chọn sẵn những hành khách sẽ được sơ tán.

Lúc này, số ít những người miền Nam Việt Nam có thể nói thoải mái về hòa bình dường như chỉ là là những người thừa đứng ở bên rìa đám đông, là hiệp hội những người điên, người ngốc, người lú lẫn, và những nghi phạm chính trị. Ví dụ, có một tu sỹ vóc người mảnh khảnh, cả gương mặt và tấm áo đều mang một màu nâu rám nhăn nhúm. Bốn năm trước, tu sỹ Ly Van Thanh đã điều hành hàng đoàn xe tải chạy dọc các thành phố ven biển miền Nam Việt Nam, nắm giữ hợp đồng xây dựng ở hầu hết các thành phố lớn, và sở hữu bất động sản trên khắp đất nước. Nhưng rồi, ông kể rằng, ông đã thấy một viễn tượng rất thuyết phục rằng Thế chiến III sẽ nổ ra ở miền Trung Việt Nam, nơi quân đội của 18 nước sẽ tràn vào, trong khi phần còn lại của thế giới chìm vào các cuộc nội chiến, khiến 70% dân số thế giới bị diệt chủng. Ông đã bán các công ty của mình lấy hơn 100 triệu piastre (850.000 đô-la), rời bỏ gia đình để thành lập “Giáo hội Thống nhất” của những tôn giáo mà ông coi là chính yếu trên thế giới: Phật giáo, Thiên chúa giáo, Khổng giáo, và hai giáo phái của người Việt – Hòa Hảo và Cao Đài, đều ra đời vào thế kỷ 20.

Ly Van Thanh nay tự gọi mình đơn giản là “Tu sỹ Thiện nguyện”. Trong ngôi đền của riêng mình với những cột xoáy, màu sắc lộng lẫy, những bức phù điêu hình con rắn biển treo trên trần nhà, và các cổng chính dành cho mỗi tôn giáo, ông tha thiết thuyết giảng để đảo ngược lời tiên tri của mình. Ông kêu gọi tất cả những người lính hãy buông súng và ra khỏi quân đội, khuyên các gia đình hãy gọi con mình về. Nhưng ông cũng thừa nhận rằng ông chưa thuyết phục được ai đi theo. Các con trai của ông vẫn ở trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Vợ ông thì không còn nói chuyện với ông nữa. “Mọi người nghĩ tôi là thằng khùng”, Tu sỹ Thiện nguyện nói. Không có một đàn con chiên, nhưng vị tu sỹ này lại chăm sóc, nuôi ăn và cung cấp chỗ ở cho khoảng 6000 người tị nạn.

Tu sỹ Ly Van Thanh thiền định và thuyết giảng kêu gọi hòa bình trong ngôi đền của riêng ông. Ảnh: William A. McWhirter

Nhưng ít ra với tín ngưỡng của mình, Ly Van Thanh vẫn được yên thân. Những người khác vận động cho hòa bình ở miền Nam Việt Nam ngày nay không may mắn như vậy. Một năm trước, Phan Khắc Sửu, chủ tịch Quốc hội Lập hiến, đã làm được việc không ai ngờ tới: khai sinh ra bản hiến pháp dân chủ đầu tiên cho miền Nam Việt Nam kể từ thời Diệm. Tháng 1 vừa qua, ông Sửu đã trở thành người vận động hàng đầu cho một kế hoạch toàn diện về đàm phán hòa bình và ba tuần sau đó, ông bị bắt giữ và bị giam dưới “chế độ bảo vệ”. Chính quyền nói rằng ông Sửu bị giam vì chính ông ta muốn thế. Ông Sửu nói: “Tôi không đòi đi tù. Tôi chỉ đòi ra tù”.

Một người khác bị bắt giữ cùng với Sửu là Trương Đình Dzu, người đã tranh cử vào tháng 9 năm ngoái với tư cách “ứng viên hòa bình” và đã gây bất ngờ khi về vị trí thứ hai. Ông dường như cũng bị giam dưới “chế độ bảo vệ”, mà theo lời giải thích của chính quyền, là để ngăn không cho Việt Cộng sử dụng ông ta cho mục đích của họ. Đằng sau, chính quyền xác nhận rằng vụ bắt giữ được thực hiện nhằm loại bỏ một mối đe dọa chính trị. “Ông thấy đấy”, một thành viên nội các nói, “đây là một biện pháp phòng ngừa. Chúng tôi bắt giam và làm mất uy tín của ông ta, để lần sau nếu ông ta có lên tiếng, ông ta đã sẵn bị dán mác là kẻ thù của chính phủ”.

Luật sư Trương Đình Dzu trong cuộc bầu cử Tổng thống VNCH tháng 9/1967. Ảnh: Co Rentmeester/ Flickr manhhai

Ngoài ra còn có 65 giảng viên của Đại học Sài Gòn, vào giữa tháng 11, đã ký vào bản thỉnh nguyện 4 đoạn kêu gọi “thảo luận thẳng thắn giữa các bên đối địch”. Bộ trưởng Giáo dục đã được lệnh yêu cầu những người này ký văn bản bác bỏ lời thỉnh nguyện. Họ đã ký, nhưng chỉ sau khi một người trong số họ viết thêm vào một câu tái bút tinh quái: “Chúng tôi, ký tên dưới đây, đã được triệu tập đến Bộ, nhất trí với văn bản này trước sự có mặt của Bộ trưởng”. Tuyên bố của họ bị hủy bỏ, và 20 người trong số họ – hầu hết vẫn thuộc độ tuổi quân dịch – lại bị triệu tập một lần nữa. “Tôi, ký tên dưới đây, đã ký một bản kiến nghị chống Chính phủ”, từng người trong số họ viết, “vì tôi không hiểu những nguy cơ đi kèm với nó, và tôi cảm thấy mình cần phải nói rằng tôi là người chống Cộng”.

Tại sao chính quyền Sài Gòn lại sợ hòa bình đến vậy? Những manh mối giải đáp, như bao manh mối giải đáp khác về cuộc chiến này, dường như đã bị phân tán khắp nơi. Qua những kinh nghiệm về chính phủ liên minh được hình thành với những người Cộng sản vào năm 1945 và sau Hiệp định Geneva năm 1954, các chính khách miền Nam Việt Nam lo sợ những cuộc thanh trừng của Cộng sản. Và cũng bởi lịch sử đặc biệt của miền Nam Việt Nam, nơi luôn ở trong tình trạng rối loạn giữa các cuộc chuyển giao quyền lực thời thuộc địa, các chính khách miền Nam Việt Nam còn sợ rằng họ sẽ không thể đạt được một nền dân chủ vững chãi. Bị chia rẽ về chính trị và đe dọa bởi hàng loạt vấn đề bên trong Đệ nhị Cộng hòa, người miền Nam Việt Nam sợ và ghen tị với cách tổ chức của những người cộng sản. Đệ nhị Cộng hòa, nay mới được 6 tháng tuổi, đầy xung đột nội bộ, bị chia rẽ đến nỗi không ai có thể xác định được chính xác những mối hiềm khích, phân hóa, phe cánh và những liên minh chồng chéo.

Trong một đất nước bị chia cắt, ngay cả dinh Tổng thống cũng bị chia. Tổng thống Thiệu và Phó Tổng thống Kỳ mỗi người trị vì một nửa. Ảnh: William A. McWhirter

Nam Việt Nam đang bị ăn mòn bởi một kiểu chính trị cá nhân tai hại. Nó bắt đầu ở ngay cấp cao nhất trong một dinh thự được chia đôi giữa Thiệu và Kỳ, hai người lẽ ra phải kề vai sát cánh. Giờ đây mỗi người điều hành một phần trong Chính phủ. Mỗi người tùy ý tới nơi nào họ muốn và hiếm khi tham khảo ý kiến người kia; từ trước đến nay, họ chưa bao giờ lên một tàu sân bay Mỹ trong cùng một ngày, họ đeo những huân chương giống nhau, nhưng với cách sắp xếp này, điều đó không phải là bất khả. Thiệu tới Dinh và làm việc một mình. Kỳ bước vào phòng làm việc ở vị trí đối diện với phòng Tổng thống, với một bầu đoàn phụ tá, sĩ quan thông tin và vệ sĩ. Trong khi Thiệu hầu như không có vây cánh ở Hạ viện và chỉ có vài người bạn già ở Thượng viện, Kỳ lại cầm đầu một nhóm 25 nghị sĩ, chăm nom, chiều chuộng họ như một người đàn anh hào sảng. Như lời các đệ tử của Kỳ truyền tai nhau, ông ta luôn sẵn sàng chi tiền, cho họ đặc quyền, hàng hóa với giá ưu đãi, cùng nhiều ưu tiên khác nữa. Kỳ đúng là một thủ lĩnh thiên bẩm.

Ngoài cửa văn phòng bên trong Dinh, Thiệu và và Kỳ có số mét thảm đỏ và số chậu cây bằng nhau. Nhưng theo một người thiết kế mặt bằng, người đã cân đo từng phần diện tích được phân bổ, quân của Kỳ chiếm tới 2/3 không gian làm việc nơi đây. Một người thợ được gọi đến Dinh để sửa điều hòa đã bị hỏi ở ngay cổng rằng anh tới khu Tổng thống hay Phó Tổng thống. “Tôi chỉ có thể giúp anh nếu anh đến làm cho Phó Tổng thống”, người cảnh vệ giải thích. Khi một quan chức cấp cao của Mỹ tới Dinh để gặp Thiệu, ông ta quan sát thấy quân của Kỳ đang chăm chú dõi theo qua vách ngăn kính khi ông đi sang khu vực của Tổng thống. Khi ông ra về, họ vẫn quan sát. Ông dừng lại bên một trong những phụ tá của Kỳ và hỏi: “Anh có bao giờ đi sang đằng kia không?” “Ồ không!”, người phụ tá trả lời.

Một chính khách miền Nam Việt Nam kể rằng, ngay trước Tết, Thiệu nói với ông ta rằng: “Tôi ngạc nhiên khi Kỳ vẫn chưa cho người giết tôi”. Cũng theo lời kể của ông này, để tránh dính bẫy, Thiệu đã thông báo với nhân viên rằng ông sẽ nghỉ Tết ở Đà Lạt, nhưng thực ra, Thiệu đã cùng vợ lái xe Mercedes đến Mỹ Tho, và chỉ có một xe jeep đi theo hộ tống.

Các chính khách Sài Gòn chủ yếu là những gã lờ đờ thích tán gẫu, đội mũ phớt, mặc sơ mi trắng mỏng, và dây lưng thì thắt đến lỗ cuối cùng, hay là các tổng thư ký của những tổ chức vô danh nào đó, không có gì ngoài những tờ giấy viết thư được thiết kế. Ta có thể dễ dàng nhận ra họ ở bất cứ quán cà phê văn phòng nào. Họ lơ đãng, tán gẫu, uống tùm tũm những hớp trà nhạt đựng trong cốc nứt và đọc chừng 28 tờ nhật báo của Sài Gòn. Họ ra hiệu và thỏa thuận với nhau. Những chiếc đồng hồ vàng quá khổ lủng lẳng trên cổ tay gầy guộc của họ. Nhiều người trong số họ từng là quân nổi dậy hay chiến binh trẻ tuổi, nhưng những đôi tay đã cầm những món vũ khí đầu tiên của cuộc chiến này 30 năm trước giờ đây đã quắt lại, da hằn những mạch máu và phủ đầy đốm đồi mồi. Họ đã ra vào biết bao nhiêu chính phủ, trải qua biết bao nhiêu vinh nhục nên giờ đây, khi ngồi bên nhau để so sánh những quãng thời gian công tác rồi lưu vong, những trận chiến và những lần ngồi tù, họ trông như những người lính già đang ngồi ôn lại chuyện xưa.

Đấy là những người đã xé chính trị miền Nam Việt Nam thành nhiều mảnh nhỏ: 3 nhánh của đảng Đại Việt, 5 nhóm Quốc dân đảng, 12 nhánh Cao Đài, 2 nhánh xã hội chủ nghĩa, 144 công đoàn, và vô số các liên đoàn, mặt trận, khối, lực lượng, nhóm, hiệp hội, phong trào, và liên minh theo tư tưởng cách mạng, dân tộc chủ nghĩa, dân chủ, thống nhất, Á châu, chống Cộng. Không nơi nào bị chia rẽ nhiều hơn và yếu kém hơn Quốc hội mới. Nó vẫn chưa thiết lập được một tòa án tối cao hay một cơ quan thanh tra có đủ quyền hạn để điều tra độc lập các vụ tham nhũng bên trong chính phủ, như đã nêu trong hiến pháp. “Chúng ta đã nói quá nhiều mà chẳng quyết định được gì cả”, Bác sĩ Hồ Văn Minh, Phó Chủ tịch đầu tiên của Hạ viện nói.

Cảnh sát VNCH bắt giữ sinh viên biểu tình, Sài Gòn năm 1967. Ảnh: LIFE/ Flickr manhhai

“Quốc hội sẽ ổn”, Thiệu nói, “nếu họ ghi nhớ vị trí của họ là gì”. Vị trí ấy có lẽ là khuất khỏi tầm mắt. Sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân, khi Thiệu tái áp dụng chế độ kiểm duyệt, thực hiện các vụ giam giữ “nhằm mục đích bảo vệ”, ban bố một lệnh giới nghiêm và quyết định tổng động viên, ông ta đã hoàn toàn qua mặt Quốc hội, viện dẫn một sắc lệnh năm 1965 về thiết quân luật vốn đã mất hiệu lực từ khi có hiến pháp mới. Phạm Duy Tuệ, vị chủ tịch 27 tuổi của Ủy ban Lập pháp Hạ viện, đã liên hệ với Văn phòng Tổng thống Thiệu để yêu cầu một văn bản của lệnh giới nghiêm, nhưng được cho hay rằng lệnh này chỉ có một bản duy nhất và hiện đã lưu trong hồ sơ. Sau đó Tuệ gọi cho Văn phòng Thủ tướng để đòi văn bản chỉ thị về kiểm duyệt, và được cho biết rằng chỉ thị này chưa được viết thành văn. Khi một nhà báo Mỹ tỏ ra bức xúc trước các vụ việc này, một thượng nghị sĩ miền Nam Việt Nam tưng tửng nói: “Thôi đi! Ông tưởng ông đang ở đâu vậy? Đây là Việt Nam mà”.

Mỹ đã cam kết tập trung nguồn lực để tạo ra một ranh giới quân sự, nơi đằng sau đó, người miền Nam Việt Nam có thể thiết lập trật tự và củng cố sự tự tin. Nhưng Mỹ càng giúp nhiều cho Nam Việt Nam, đất nước này lại càng không chịu tiến bộ về mặt chính trị. Liên minh này là một mối quan hệ kiểu Frankenstein[2] giữa cường quốc thế kỷ XX và huyền thoại phong kiến. Các chính khách Nam Việt Nam không tin rằng mục tiêu của Mỹ là giải phóng họ; họ chưa bao giờ được khuyên can rằng quyền lực có thể vận hành dưới bất kỳ hình thức nào ngoại trừ việc bó buộc và kìm giữ. Mỹ đã được chấp nhận một cách lịch sự và thản nhiên như thể đó là ý trời. Mỹ giờ đây đang sở hữu thiên mệnh và mặc dù người miền Nam Việt Nam luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ được giao phó – gan lì, kiêu hãnh, xông lên chiến đấu – họ vẫn muốn chấm dứt màn kịch và chỉ đơn giản vinh danh vị Hoàng đế Hoa Kỳ bằng những lời tung hô sáo rỗng. Hàng tuần đều có một thượng nghị sĩ miền Nam Việt Nam xuất hiện trước cửa nhà của một quan chức Mỹ và trịnh trọng hỏi: “Ngài có chỉ thị gì cho tôi?”

(Từ trái qua phải) Phó tổng thống VNCH Nguyễn Cao Kỳ, Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson (quay lưng) và Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu họp ở Hawaii, ngày 7/2/1966. Ảnh: Yoichi Okamoto/ Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ

Nguyễn Xuân Oánh, Chủ tịch Viện Phát triển Kinh tế, so sánh thái độ mất tự tin này với “tư tưởng nhà nước phúc lợi”. Ông nói: “Cảm giác giờ đây chúng tôi đang phải bước đi rón rén, và hết sức cẩn thận để không làm mếch lòng gã khổng lồ thân thiện đó”.

Nhưng sự phụ thuộc này kéo theo nhiều hiểm họa. Nhiều người miền Nam Việt Nam cảm thấy rằng mối đoàn kết chính trị nhỏ bé mà họ có là do ảnh hưởng của Mỹ. Nhìn lại mình, họ sợ rằng những mối thù hận sục sôi hay lòng trung thành của họ có thể dễ dàng bùng lên thành một chuỗi báo thù liên miên – mà chỉ một trong số đó sẽ là trận chiến giữa Cộng sản và những người quốc gia phi-Cộng sản. Viễn cảnh u ám này trùm lên hình dung chính trị của tất cả những người miền Nam Việt Nam. Nếu có một ngày “gã khổng lồ thân thiện” của họ thức dậy và bỏ đi, Giáo sư Phạm Văn Rao cảnh báo, “những người Việt mà nay đang là bạn hữu của người Mỹ có thể sẽ trở thành Việt Cộng trong tương lai, còn Việt Cộng có thể lại trở thành những người bạn mới của Mỹ”.

Một số chiến lược gia Nam Việt Nam lập luận rằng, bất kỳ kế hoạch hòa bình nào cũng phải để Mỹ rút đi dần dần, để Nam Việt Nam có đủ thời gian xây dựng sự tự tin và thực hiện được những động thái giống như nỗ lực tổng động viên mới đây. Họ đều nhất trí rằng nếu nỗ lực của Mỹ duy trì ở mức độ hiện tại, miền Nam Việt Nam sẽ ngày càng phụ thuộc và trở thành một thuộc địa kiểu Okinawa. Thuộc địa này sẽ chết về mặt chính trị, ngoại trừ sự bất mãn của giới trẻ. Nhưng ngược lại, một cuộc rút quân ồ ạt và chóng vánh của Mỹ sẽ khiến Nam Việt Nam sụp đổ thành một mớ hỗn loạn kiểu phong kiến. Trên một số khía cạnh, nền hòa bình sẽ phải tôn trọng lực lượng và sức ảnh hưởng của Cộng sản mà không đặt điểm yếu của Sài Gòn (sự rối loạn chính trị) vào thế đối đầu với điểm mạnh của kẻ địch (cách thức tổ chức chặt chẽ của Cộng sản).

Từ nay cho tới lúc đó, Mỹ phải chuẩn bị tinh thần cho những liệu pháp sốc như bài diễn thuyết mới đây của một sinh viên ở Sài Gòn. Cáo buộc Mỹ đã biến “một cuộc nội chiến thành một cuộc chiến quốc tế trên quê hương chúng tôi”, anh nói: “Chúng tôi căm ghét các vị, chúng tôi hận rằng các vị có thể rút khỏi đây bất cứ khi nào các vị muốn”. Rồi anh nhẹ nhàng nói thêm: “Nhưng các vị cũng phải hiểu rằng bây giờ tôi chẳng có gì để chống lại các vị. Các vị chỉ cần hiểu các vị là thế nào đối với chúng tôi”.■

William A. McWhirter

Thanh Trà dịch

[1] Bài báo gốc viết nhầm tên bà Dương Thị Chung thành Do Thi Thong.

[2] Frankenstein là tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Anh Mary Shelley xuất bản năm 1818, kể câu chuyện giả tưởng về nhà khoa học Victor Frankenstein, người đã tạo ra một sinh vật từ những bộ phận của xác người chết, và rồi bị chính sinh vật đó làm hại.

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN