Mặt trận mới của Mỹ trong cuộc chiến đang leo thang: Đồng bằng Sông Cửu Long

Larry Burrows, tên thật là Henry Frank Leslie Burrows (29/5/1926 – 10/2/1971), là một nhà báo ảnh nổi tiếng người Anh. Ông đã chụp ảnh chiến tranh ở Việt Nam trong suốt 9 năm, từ năm 1962 cho đến khi ông qua đời năm 1971, do chiếc trực thăng chở ông cùng với 3 đồng nghiệp khác bị bắn rơi ở Lào trong khi đang đưa tin về chiến dịch Lam Sơn 719. Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu với bạn đọc một phóng sự ảnh của Larry Burrows đăng trên Tạp chí Life, số ra ngày 13/1/1967. Đoạn ghi chép của ông giúp chúng ta hiểu rõ hơn vì sao Mỹ thất bại ở chiến trường Việt Nam. Khi chuyển ngữ, dịch giả giữ nguyên một số cách dùng từ của báo chí phương Tây thời đó để bạn đọc tham khảo. 

Tuần trước ở miền Nam Việt Nam, Mỹ đã khoanh vùng rà soát một đại đấu trường mới cần thiết để theo đuổi chiến tranh. Đó là Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), một miền đất cực kỳ khắc nghiệt. Phẳng và xanh như một bàn bi-a, vùng đồng bằng này đầy những loài bò sát, đỉa, và Việt Cộng. Nó ẩm ướt đến mức những người lính ở đó đã phải “lội trong cháo yến mạch” suốt 9 tháng.

Mãi đến gần đây, nhiệm vụ chiến đấu với Việt Cộng ở ĐBSCL chỉ dành riêng cho Quân lực VNCH với sự tiếp tay của 5.000 cố vấn Mỹ. Lực lượng này mặc dù tiêu diệt được hơn 1.000 Việt Cộng mỗi tháng, nhưng cũng chỉ kiểm soát được tối đa 57% dân số – và chỉ kiểm soát được vào ban ngày.

Trong 9 tháng qua, Mỹ đã nhúng tay vào sâu hơn. Trực thăng của Quân đội Mỹ tuần tra bầu trời, còn tàu Hải quân tuần tra mạng lưới kênh rạch chằng chịt nơi đây. Tháng 5/1966, trong cuộc xâm nhập độc lập đầu tiên của Quân đội Mỹ, một tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 25 Bộ binh Lục quân Hoa Kỳ đã tiến vào để kiểm tra địa hình. Giờ đây, khi đã nhận thức được đầy đủ rằng ĐBSCL là yếu tố sống còn đối với cuộc chiến, Quân đội Mỹ đã sẵn sàng dồn lực tấn công. Tuần trước, Thủy quân Lục chiến đã đổ bộ vào đó. “Nếu chúng ta không thắng được cuộc chiến ở Châu thổ”, một quan chức Hoa Kỳ ở Sài Gòn tuyên bố, “thì chúng ta cũng không thể thắng được cuộc chiến này”.

Được tô màu xanh lá cây đậm trên bản đồ này, Đồng bằng Sông Cửu Long (người Mỹ gọi tắt là “the Delta” – Châu thổ; người Việt gọi là miền Tây Nam Bộ hoặc miền Tây) là một vùng đất thấp bao gồm phần lớn miền Nam Việt Nam ở phía nam Sài Gòn. Nó nằm trên ba trục huyết mạch: Quốc lộ 4, chạy từ Sài Gòn đến Cà Mau, và các sông lớn Mekong và Ba Thắc, chảy từ Campuchia theo hướng Tây Bắc và đổ ra Biển Đông. Việt Cộng hoạt động rộng khắp nhưng thành trì của họ là ở Rừng U Minh, Ba Núi và Đồng Tháp Mười. Hình thuyền màu đen nghĩa là tàu tuần tra của Hải quân Hoa Kỳ. Hình người lính màu đen đánh dấu các khu vực do ba sư đoàn VNCH nắm giữ. Quân đội Hoa Kỳ đóng quân tại Bến Lức, Mỹ Tho và Vũng Tàu. Sân bay lớn gần nhất là sân bay Sài Gòn, nhưng các căn cứ trực thăng của Hoa Kỳ nằm rải rác khắp vùng Châu thổ.
Một tàu tuần tra của Mỹ đang quây thuyền của người dân lại để kiểm tra giấy tờ và tịch thu hàng cấm. Việc kiểm tra được tiến hành thận trọng ở giữa dòng nước để tránh hỏa lực trên bờ.

ĐBSCL là 9 triệu mẫu đất bùn nóng, bốc mùi nhưng vô cùng màu mỡ. Khu vực này đáp ứng một nửa nhu cầu gạo, cá và các thực phẩm khác của quốc gia. Trong những thôn ấp, đồng lúa và những chiếc thuyền tam bản là 5,5 triệu người, chiếm 1/3 tổng dân số của cả nước.

Cho đến nay, tất cả những yếu tố này đã chống lại ý định xâm nhập ồ ạt của Mỹ vào Châu thổ. Các bãi bồi phù sa không thích hợp để làm chỗ đậu hay chỗ ẩn nấp cho chiến tranh quy mô lớn, mà chiến tranh quy mô lớn ở các khu vực đông dân và màu mỡ luôn là thảm họa trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đối với lính Mỹ, chỉ riêng sự đông đảo của dân số ĐBSCL đã đặt ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Tâm trạng nghi ngờ lan tỏa khắp nơi đây, khi sự lẫn lộn giữa bạn và thù có thể gây hoang mang hơn bất cứ đâu trên đất nước Việt Nam. Giả thiết khả thi duy nhất (đối với lính Mỹ) là tất cả đều là nghi phạm cho đến khi được chứng minh vô tội.

Một khu chợ nhộn nhịp ở Rạch Kiên
Lính VNCH kiểm tra giỏ đi chợ của người dân xem có hàng cấm hoặc thuốc nổ hay không.
Một chú bé ở Cần Đước nhìn lính Mỹ đi tuần qua hàng rào kẽm gai.
Một năm sau khi Việt Cộng đóng quân nơi đây, ngay cả những người dân bình thường nhất ở Rạch Kiên như ông lão này cũng trở thành kẻ bị tình nghi. Theo nhà báo Maynard Parker của Tạp chí LIFE, người dân và lính Mỹ đối xử với nhau bằng thái độ thiếu tôn trọng và không thân thiện.
Người mẹ trẻ này là con của một “cán bộ thuế” của Việt Cộng. Cô thường theo cha đi thu thuế. Cô đã bị quản thúc và bị giữ để thẩm vấn.
Một lính Mỹ đang thả truyền đơn Chiêu hồi với cam kết sẽ ân xá cho các “hồi chánh viên”, tức là những bộ đội, cán bộ đầu hàng hoặc đào ngũ sang phe Việt Nam Cộng hòa.
Một đội tuần tra Hoa Kỳ đang lặn lội qua đầm nước gần Rạch Kiên để lùng tìm “Charlie” – cái tên mà lính Mỹ dùng để gọi Việt Cộng. Trước mặt họ là một ruộng lúa nước, nơi thiết giáp hạng nặng không thể di chuyển, và ngay cả lính bộ binh cũng bị đẩy vào thế yếu. Cuộc chiến ở Châu thổ phần lớn sẽ được triển khai nhờ hàng trăm đơn vị nhỏ như thế này.

Tuần trước, hai nghìn lính thủy đánh bộ đã đổ bộ vào ĐBSCL và bắt đầu nhận ra chiến đấu ở vùng này là như thế nào. Họ lội trong rừng ngập mặn, nước bẩn ngập đến nửa người. Từ quan điểm quân sự hiện đại, những hoàn cảnh chiến đấu mà Châu thổ đặt ra dường như là tác phẩm của một thiên tài hiểm độc.

Trước tiên, vấn đề hóc búa nhất là tìm một chỗ để làm căn cứ. Sự nhớp nháp trên khắp miền Châu thổ, với những bờ ruộng hẹp đan xen cùng kênh rạch ngoằn ngoèo, khiến cho việc kiếm chỗ dựng lều còn khó, huống chi là thiết lập một sở chỉ huy sư đoàn hay một sân bay. Quả thực, Châu thổ hầu như không có chỗ nào phù hợp để làm bãi đáp máy bay phản lực hoặc các phương tiện vận tải hạng nặng.

Địa thế khắc nghiệt ở đây đặt ra câu hỏi về việc lựa chọn trang thiết bị. Máy bay trực thăng đã và đang được sử dụng rộng rãi, bởi nó cực kỳ cơ động, gần như có thể đậu xuống bất cứ đâu. Nhưng xe tăng hoặc thiết giáp hạng nặng vẫn rất khó hoạt động ở vùng này.

Kể cả trong trường hợp sử dụng được phương tiện hạng nặng, thì vẫn sẽ cần một lượng lớn đạn dược, nhiên liệu và phụ tùng, trong khi việc vận chuyển và phân bổ chúng là cực kỳ khó khăn. Các tàu duy nhất của Hoa Kỳ hiện đang hoạt động trên các tuyến đường thủy của Châu thổ là những tàu tuần tra khéo léo nhưng mỏng manh, làm bằng sợi thủy tinh và được trang bị động cơ phản lực nước để giữ mớn nước ở mức tối thiểu. Ngay cả những tàu này cũng chỉ bám lấy các thủy đạo chính. Các con rạch và kênh đào vẫn là tuyến đường dành riêng cho thuyền tam bản của dân bản địa. Để giảm bớt phần nào tình trạng thiếu nền đất khô vững chắc, Mỹ đang xây thêm hai căn cứ mới trên vũng lầy Châu thổ, một ở Mỹ Tho để chứa một lữ đoàn 5.000 quân, căn cứ thứ hai là sở chỉ huy Sư đoàn 9 Bộ binh tại Vũng Tàu.

Còn một hạn chế khác trong việc chiến đấu ở Châu thổ, mà không có giải pháp khắc phục dễ dàng, đó là cộng đồng dân cư nơi đây. “Cuộc chiến này xảy ra ngay giữa hơn năm triệu người”, Chuẩn tướng William R. Desobry, cố vấn cao cấp của Mỹ cho lực lượng VNCH tại vùng Châu thổ, cho biết. “Chúng tôi sẽ phải rất phân biệt đối xử khi sử dụng hỏa lực”. Để đáp ứng các điều kiện khắc nghiệt của Châu thổ, có lẽ người Mỹ sẽ phải học những kỹ năng thô sơ nhưng khôn ngoan của chính người dân Việt Nam. “Chúng tôi đang đối mặt với một cuộc đổi vai”, một sĩ quan Mỹ nói. “Thay vì cố vấn cho người Việt về cách chiến đấu, chúng tôi sẽ cần các cố vấn Việt Nam”.

Phạm Thanh Trà dịch

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN