Vụ scandal gián điệp làm rung chuyển NATO năm 1968

Sau đây là một báo cáo đặc biệt, tổng hợp một số bài báo viết vào cuối năm 1968 và đầu thập niên 1970 về vụ scandal tình báo làm rung chuyển Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào thời điểm đó, khiến NATO phải tiến hành một đợt thay đổi địa điểm các kho vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường lớn nhất trong lịch sử của tổ chức này.

Sau làn sóng các quan chức quân sự cấp cao tự sát ở Tây Đức hoặc đào tẩu sang Đông Đức, khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương – NATO đã phải thay đổi hầu như tất cả các hệ thống trong quy trình của mình. Các địa điểm tàng trữ vũ khí từ đỉnh phía bắc ở Nauy cho tới bờ biển Italy ở Địa Trung Hải đều đã được chuyển đi, các đường dây thông tin liên lạc được thay đổi, các thiết bị mã hóa và giải mã được điều chỉnh, và việc kiểm tra an ninh được tăng cường.

Cả trụ sở NATO ở Brussels và trụ sở của Bộ Chỉ huy Quân sự Tối cao NATO (SHAPE) ở Casteau, Bỉ, đều phải “bới tung” các tổ chức của mình bằng một chiến dịch thanh lọc quy mô lớn.

Một buổi họp của NATO vào thập niên 1960 tại Porte Dauphine, Pháp. Ảnh: NATO

Đòn chí tử

NATO và SHAPE coi loạt sự cố gián điệp gần đây là đòn mạnh nhất từng giáng vào hệ thống an ninh của họ từ trước tới giờ – thậm chí còn nghiêm trọng hơn vụ nhóm tình báo trường Cambridge: Burgess – Mclean – Philby.

Những người đứng đầu liên minh NATO tin rằng thông qua Đô đốc người Đức Hermann Luedke, cựu Phó phòng logistics tại SHAPE, phe cộng sản đã có được một bức tranh rất rõ ràng về tất cả các kế hoạch và việc điều động quân sự của phương Tây. Và thông qua Nahit Imre, cựu kiểm soát viên tài chính 50 tuổi của NATO hiện đang chờ xét xử ở Ankara, phe cộng sản đã phân tích được toàn diện về cơ cấu dân sự và tổ chức chính trị phía sau liên minh này.

Trên thực tế, một vài động thái chuyển dịch như thay đổi các đường dây liên lạc và kho vũ khí đã được lên kế hoạch từ trước làn sóng gián điệp. SHAPE thường xuyên điều chỉnh hệ thống kho chứa như một biện pháp đảm bảo trước hoạt động gián điệp của phe cộng sản, và những kế hoạch thay đổi này được giữ bí mật tuyệt đối.

Việc thay thế các đường dây liên lạc trên mặt đất bằng vệ tinh cũng đã bắt đầu diễn ra. Nhưng thật trớ trêu là sự thay đổi này không phải bắt nguồn từ nỗi sợ hãi hoạt động tình báo của Liên Xô mà để đối phó với chính sách “bất hợp tác” ngày càng tăng của Pháp. Nhiều đường dây liên lạc quan trọng nhất hiện đang đi qua lãnh thổ nước Pháp.

Những thay đổi khác do lo sợ bị do thám bao gồm các thiết bị mã hóa và giải mã âm thanh sử dụng cho các cuộc đàm thoại tuyệt mật qua điện thoại và máy điện báo.

Quy trình hủy tài liệu mật tại NATO được quy định rất nghiêm ngặt. Hình ảnh 2 sĩ quan an ninh đang thực hiện phiên kiểm tra hàng tối xem còn tài liệu mật nào còn sót lại sau các cuộc họp hay không. Ảnh: NATO

Các cuộc điều tra vẫn tiếp tục

Trong khi đó, các cuộc điều tra ở cấp độ cao nhất đang được tiến hành bởi các nhóm an ninh đến từ Anh và Mỹ nhằm loại trừ bất kỳ mối liên kết gián điệp nào có thể có.

Gần đây nhất, các hoạt động gián điệp trải dài từ Ý tới Tây Đức đã dẫn tới 4 vụ tự sát, 4 vụ bắt giữ và 6 vụ bỏ trốn. Nhưng điều khiến người Mỹ chú ý nhất là việc một quả tên lửa không đối không Sidewinder dài hơn 3 mét bị lấy cắp khỏi một căn cứ của NATO ở Tây Đức bằng xe cút kít, sau đó được vận chuyển bằng đường hàng không sang Moskva. Các quan chức cấp cao tại Lầu Năm Góc lo ngại về những điều người Nga có thể biết được từ những quả tên lửa bị đánh cắp hoặc bị thu giữ. Chẳng hạn, nếu họ phát hiện ra các hệ thống dẫn đường của tên lửa nhạy cảm như thế nào, họ có thể phát triển nhiều biện pháp để đối phó.

Tuy nhiên, vụ việc đình đám này lại không liên quan tới các sự cố rùng rợn hay những vụ tự sát và những cái chết kỳ lạ được báo cáo ở Tây Âu. Cho tới thời điểm này đã có 3 người đàn ông bị bắt giữ, người thứ tư đang bị thẩm vấn; và rất có thể sẽ có thêm những người khác bị bắt.

Những cái chết bí ẩn

Cho dù có liên quan tới nhau hay không, thì câu chuyện phải bắt đầu bằng vụ tự sát của tướng Horst Wendland, vị sĩ quan quân đội chính quy 56 tuổi từng là Phó giám đốc Cơ quan tình báo liên bang (Tây Đức) Gehlen Organization.

Tuyên bố của các cơ quan chức năng Tây Đức về cái chết của ông ta vào ngày 7/10 [năm 1968] có nhiều điểm không khớp nhau. Một số người nói rằng khi chủ trì hội nghị thường lệ vào buổi sáng hôm đó tại tòa trụ sở được canh gác chặt chẽ của cơ quan tình báo, Tướng Wendland vẫn vui vẻ, tình trạng sức khỏe tốt như bình thường và không hề có dấu hiệu lo lắng gì. Rồi ông ta quay về văn phòng của mình và 20 phút sau thì tự sát bằng súng.

Bí mật này được giữ kín trong hai ngày, sau đó người ta tuyên bố rằng ông ta bị một chứng bệnh nan y, rồi sửa thành “một chứng bệnh trầm cảm nan y”. Và rồi thông tin lộ ra cho thấy ông ta đã nghỉ ốm hai lần trong vòng 9 tháng qua và đã bị cách chức. Không có cuộc điều tra công khai nào ở Đức và cuộc điều tra bí mật đã kết thúc ở “hồ sơ mật” như thường lệ.

Vào buổi tối cái chết của Tướng Wendland được công bố, ở Bonn người ta thì thầm rằng thêm một sĩ quan cấp cao khác đã qua đời. Đêm đó, đèn được bật sáng tới rất khuya ở Hardthohe, ngọn đồi nhìn xuống Bonn và là nơi đặt trụ sở của Bộ Quốc phòng Tây Đức. Rồi sau đó các sĩ quan cấp cao túm tụm trong một góc yên tĩnh của một nhà hàng ở Bonn, nhưng họ không có dáng vẻ thư thái sau một ngày làm việc như thường lệ.

Ngày hôm sau, các câu hỏi bị từ chối nửa vời, nhưng do có những người gọi hỏi quá nhiều lần, một tuyên bố ngắn gọn gồm 5 dòng đã được đưa ra, nói rằng Đô đốc Hermann Luedke, cựu Phó phòng logistics của NATO, đã nghỉ hưu, đã vô tình bắn vào chính mình khi đang đi săn trong một khu rừng ở núi Eifel, cách Bonn 40 dặm. Ông qua đời vào ngày 8/10, một ngày sau Tướng Wendland.

Bức tường Berlin chia cắt Đông Đức và Tây Đức bắt đầu được xây dựng vào năm 1961. Hình ảnh một người đàn ông ở Tây Đức đang vẫy chào người thân ở Đông Đức.

Cảnh sát nói với các phóng viên: “Dường như ông ấy đã ném khẩu súng săn vào phía sau xe mà không cài chốt an toàn. Khi ông ấy trèo vào xe, khẩu súng chắc đã bị bóp cò và bắn vào lưng ông ấy”. Nhưng người ta không tin vào giả thuyết này, bởi Đô đốc Luedke là một người rất mê săn bắn, là một tay súng cừ và nổi tiếng vì rất cẩn thận, thậm chí còn bỏ vũ khí ra khi nghỉ ngơi.

Theo hãng thông tấn Mỹ AP, 15 ngày trước đó, Hermann Luedke đã bị xác định là người sở hữu một cuộn microfilm có ảnh chụp các văn kiện mật của NATO. Tờ báo Đức Rheinische Post Dusseldorf thì nói rằng Luedke “có thể đã thông tin cho Liên Xô về việc triển khai vũ khí nguyên tử của Mỹ ở châu Âu”.

Thi thể một quan chức khác – một nhân viên văn phòng 61 tuổi của Bộ Quốc phòng Tây Đức, Gerhard Boehm, bị mất tích 11 ngày trước đó – đã được tìm thấy trên sông Rhine. Ban đầu người ta cho rằng có thể Boehm bỏ trốn sang Đông Đức mặc dù ông ta có để lại một bức thư tuyệt mệnh. Thi thể của ông ta đã được con trai nhận dạng, và người phát ngôn của cảnh sát nói rằng tất cả các dấu hiệu đều cho thấy đây là một vụ tự tử. Họ cũng nói thêm rằng cái chết này không được coi là một trường hợp gián điệp, ông ta chỉ bất mãn vì không được thăng chức. Tuy nhiên, cảnh sát thừa nhận rằng tuần trước đã có hai cuộc gọi nặc danh tới trụ sở cảnh sát nói rằng có thể tìm thấy vali, áo khoác và mũ của Boehm trong một cái chòi ở gần sông Rhine.

Vụ đánh cắp tên lửa khó tin

Chương 2 của câu chuyện bắt đầu bằng tuyên bố đầy bất ngờ của các công tố viên về việc bắt giữ ba người đàn ông vào cuối tháng 10/1968. Đó là thượng sĩ Wolf D. Knoppe, 33 tuổi, phi công tại Căn cứ không quân Zell (Neuburg) ở Tây Đức; Manfred Ramminger – kiến trúc sư, chủ thầu công ty xây dựng Krefeld; và Josef Linkowski, 47 tuổi, sinh tại Ba Lan, cũng làm việc tại công ty Krefeld.

Knoppe, ban đầu chỉ là một lao động chưa qua đào tạo, đã gia nhập Lực lượng Không quân Tây Đức Luftwaffe và trở thành phi công, là một người thích thể hiện. Knoppe mua cho mình những chiếc xe đắt tiền và có kế hoạch mở một trường đua ngựa ở thành phố Ingolstadt, gần trường bay của anh ta.

Ramminger, 40 tuổi, cũng là một người đam mê xe thể thao và đua xe. Thông qua Linowski – người làm việc cho cơ quan tình báo Ba Lan, Ramminger được giao nhiệm vụ đánh cắp các trang thiết bị của NATO cho Liên Xô, và đương nhiên ông ta hướng về các cơ sở của không quân Tây Đức. Tại thành phố Ingolstadt, ông ta gặp Knoppe, biết về đam mê đua ngựa của anh ta và đề nghị cung cấp tiền để anh ta xây dựng trường đua. Kể từ đó, việc cám dỗ viên phi công trẻ càng trở nên dễ dàng hơn, nhất là khi Ramminger chi trả cho cả những thú vui khác của anh ta, phụ nữ và các hộp đêm.

Manfred Ramminger, một người trong bộ ba điệp viên đã lấy cắp tên lửa Sidewinder từ Tây Đức

Bộ ba này bắt đầu hành động từ tháng 4/1967. Họ đã lấy cắp một thiết bị dẫn đường từ căn cứ không quân Zell của NATO ở phía nam nước Đức. Sau đó Ramminger cho vào vali và gửi sang Moskva để đổi lấy tiền. Tuy nhiên, đó chỉ là màn khởi đầu cho vụ trộm lớn hơn.

Quay trở lại căn cứ Zell 6 tháng sau đó, họ tìm cách vượt qua hàng rào thép gai, đột nhập vào nhà kho và kéo ra một quả tên lửa Sidewinder. Đây là loại tên lửa tầm nhiệt không đối không mà máy bay Mỹ sử dụng ở Việt Nam, dài khoảng 3 mét và nặng gần 75kg. Không nản lòng, ba người này kéo quả tên lửa đến ô tô bằng một chiếc xe cút kít, đập vỡ cửa sổ phía sau xe để đưa quả tên lửa vào, quấn một tấm chăn quanh phần nhô ra, và lái xe hơn 100 dặm xuyên Tây Đức đến một thành phố không được tiết lộ.

Từ đó, vấn đề là vận chuyển được quả tên lửa sang Moskva. Trước sự bối rối sâu sắc của chính quyền Tây Đức, đây hóa ra lại là phần đơn giản nhất của toàn bộ tiến trình. Các điệp viên đã tháo quả tên lửa Sidewinder ra thành nhiều mảnh, gói trong các kiện hàng và gửi lên một chuyến máy bay thương mại sang Liên Xô – thông qua vận chuyển hàng không bưu chính thông thường, với chi phí vỏn vẹn 79,25 USD do quá cân. Mặc dù sau đó do sai sót, các kiện hàng đã bị chuyển nhầm về Dusseldorf và Ramminger phải quay lại Đức để nhận lại hàng và đáp chuyến bay tiếp theo sang Liên Xô, nhưng việc vận chuyển cuối cùng cũng trót lọt.

Thêm một điều kỳ quặc là khi tên lửa Sidewinder biến mất, người ta lại thông báo cho Cảnh sát điều tra Liên bang ở Tây Đức, chứ không phải các cơ quan tình báo hay phản gián.

Tên lửa Sidewinder AIM-9 trên tàu sân bay USS Hancock của Mỹ năm 1967. Ảnh: Alamy

Ramminger bị bắt giữ tại nhà riêng hôm 22/10/1968, rồi tới Josef  Linowski, người cũng đóng vai trò tương đương trong vụ trộm. Ba ngày sau đó, Knoppe cũng chính thức bị cấm bay.

Đối với Linowski, động cơ có lẽ là pha trộn giữa sự căm ghét người Đức với nhu cầu tiền mặt cấp bách. Sinh ra tại Ba Lan, Linowski từng bị đưa đến một trại tập trung của Phát xít Đức vào năm 1939, sau đó sống sót và quay trở về Ba Lan. Năm 1963, ông ta kết hôn với một cô gái Ba Lan 26 tuổi. Linowski từng nói với vợ rằng mình “căm ghét tất cả người Đức”. Khi vợ ông ta muốn ly hôn, ông ta nói: “Không bao giờ. Tôi sẽ không bao giờ cho cô cơ hội tái hôn để con trai chúng ta phải gọi một gã người Đức là bố”. Vợ Linowski cho biết thêm: “Anh ta thường xuyên rỗng túi, nhưng rồi bằng cách nào đó lại có rất nhiều tiền. Một lần tôi mở hòm thư của anh ta ra vì tò mò, bởi phần lớn thư từ đều từ nước ngoài gửi đến. Anh ta phát hiện ra và đánh tôi. Anh ta bảo tôi không bao giờ được động đến thư từ của anh ta nữa”.

Tháng 10/1970, bộ ba này bị đưa ra xét xử và chỉ phải nhận những bản án khá nhẹ: Ramminger và Linowski bị kết án 4 năm tù giam, Knoppe 3 năm 3 tháng. Tuy nhiên, Ramminger được thả sớm ngay vào năm 1971, trong một đợt trao đổi với các tù nhân là điệp viên phương Tây.■

Minh Thư dịch

(Nguồn: cia.gov, time.com, ABC Evening news)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN