Thế giới đã đi qua Chiến tranh Lạnh hơn 30 năm. Trong 30 năm qua, toàn cầu hóa đã mang lại cho thế giới những bước phát triển mới, nhưng nhìn chung, bức tranh thế giới vẫn đang ở trong tình trạng bất ổn về nhiều mặt.
Thứ nhất, kinh tế thế giới tiếp tục khủng hoảng kéo dài, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Châu Âu và Hoa kỳ vẫn phải gánh chịu những cuộc suy thoái sâu sắc và kéo dài. Suy thoái kinh tế đã đẩy nước Mỹ trở thành con nợ lớn nhất của Trung Quốc. Châu Âu cũng sa lầy trong cuộc khủng hoảng nợ công với những khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ. Khủng hoảng bắt đầu từ Hy Lạp, sau đó lan ra toàn khu vực đồng euro. Nhiều quốc gia như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ireland và Síp đã phải xin cứu trợ quốc tế để tránh phá sản hoàn toàn.
Thứ hai, Mỹ nổi lên như một siêu cường duy nhất sau Chiến tranh lạnh, đã tìm cách áp đặt một trật tự thế giới mới, lấy xuất khẩu dân chủ, nhân quyền làm nền tảng. Chính sách này đã thất bại khi mà việc thúc đẩy các cuộc cách mạng dân chủ ở những quốc gia xa lạ với khái niệm này chỉ dẫn tới mất ổn định. Việc Mỹ sẵn sàng áp đặt, can dự quân sự đơn phương để lật đổ những chế độ mà Mỹ cho là độc tài ở Trung Đông, Bắc Phi đã dẫn tới những cuộc chiến tranh sắc tộc, tôn giáo, đòi ly khai, tự trị kéo dài liên miên. Sự can dự của Mỹ vào châu Âu cũng đẩy EU và Nga vào thế đối đầu, dẫn tới việc Nga phải sử dụng sức mạnh quân sự ở Grudia và Ukraine. Mâu thuẫn không chỉ giữa EU và Nga mà còn nảy sinh trong nội bộ EU. Những bất đồng trong các nước EU có thể đẩy Liên minh Châu Âu tới bờ vực của sự tan vỡ.
Thứ ba, châu Á – Thái Bình Dương là khu vực phát triển nhanh và mạnh nhất sau Chiến tranh lạnh nhưng trong gần một thập kỷ qua đã xuất hiện mầm mống của sự bất ổn định nghiêm trọng, do sự kình địch giữa các nước lớn. Trước sự trỗi dậy và chính sách xét lại của Trung Quốc, Mỹ thực hiện chính sách xoay trục về châu Á – Thái Bình Dương với chiến lược triển khai quân sự và thiết kế thương mại, nỗ lực liên kết nhiều quốc gia nhằm tái cân bằng quyền lực với Trung Quốc trong khu vực. Chính sách xoay trục của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương đang khiến Triều Tiên gia cường tiềm lực quân sự đặc biệt là hạt nhân của họ, và Nhật Bản gấp rút sửa Hiến pháp để tái vũ trang. Hoa Kỳ và Hàn Quốc triển khai vũ khí hạt nhân để đối phó với Bình Nhưỡng. Nhiều quốc gia châu Á khác thực hiện chính sách “nước đôi”, đi trên dây trong quan hệ với các nước lớn, đồng thời chuẩn bị lực lượng đề phòng tình huống xấu nhất. Tình hình khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng đang tiềm ẩn khả năng rơi vào bất ổn nghiêm trọng, đặc biệt là khả năng xung đột vũ trang trên Biển Đông và Hoa Đông, bán đảo Triều Tiên, Đài Loan. Trung Quốc khư khư tuyên bố một khu vực rộng lớn ở Biển Đông là của mình bất chấp phản đối và phán quyết của tòa án quốc tế.
Thứ tư, thế giới đang phải đối mặt nhiều vấn đề toàn cầu và vấn đề an ninh phi truyền thống không dễ giải quyết. Vấn đề khủng bố, di dân, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh lan truyền, an ninh mạng, đang trở thành những đe dọa nghiêm trọng chưa từng thấy và không dễ kiểm soát được. Cuộc sống của nhân dân hầu hết các quốc gia, khu vực trên thế giới đều bị ảnh hưởng bởi những vấn đề toàn cầu này. Cho tới hiện nay, không một quốc gia, tổ chức quốc tế nào đưa ra được giải pháp hữu hiệu để giải nổi những bài toán an ninh phi truyền thống kể trên do bất đồng nhau về quyền lợi.
Với bốn vấn đề trọng điểm đã nêu, các chính trị gia, học giả và người dân nhiều quốc gia, đặc biệt ở phương Tây đã thức tỉnh, và đặt vấn đề phải nhận thức lại toàn bộ trật tự thế giới và vai trò của Mỹ và phương Tây trong suốt 30 năm qua. Họ nhận thức rằng, mô hình phương Tây khi vận hành đã bộc lộ những giới hạn không dễ khắc phục.
Thứ nhất, về chính trị quốc tế, họ đặt câu hỏi tại sao Mỹ phải tiếp tục sử dụng rất nhiều nguồn lực để tìm cách xuất khẩu giá trị, hậu thuẫn cho các cuộc cách mạng lật đổ ở nhiều nước, kết quả chỉ là bất ổn triền miên, biến nước Mỹ trở thành kẻ thù của nhiều nước và các nhóm khủng bố Hồi giáo như IS và Al-Qaeda. Hậu quả đã dội ngược lại thế giới phương Tây với những vụ tấn công khủng bố cũng như làn sóng di dân không thể kiểm soát nổi. Chưa bao giờ người dân Mỹ, châu Âu lại cảm thấy bất an bởi khủng bố và di dân như trong vài ba năm trở lại đây. Họ ngày càng nhận thức rõ ràng nguyên nhân chính là chính sách áp đặt và can dự thô bạo của Mỹ, như học giả Mỹ Jeffrey D. Sachs đã tổng kết: “Ý tưởng cho rằng nước Mỹ có thể chọn ai là người lãnh đạo nước khác đã là một thất bại hoàn toàn”. Họ tiếp tục đặt câu hỏi Mỹ phải giương ô bảo vệ hệ thống liên minh quân sự trên thế giới làm gì nếu các thiết chế an ninh tập thể đó không ngăn nổi chủ nghĩa khủng bố, không ngăn được làn sóng di dân, không chặn được tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên, Iran? Họ đặt câu hỏi tại sao Mỹ phải tốn tiền bảo vệ nước này, lật đổ nước kia, trong khi chính người dân nước mình lại đang sống trong điều kiện kém cỏi. Trump đã nhận thức được như vậy ngay khi tranh cử, và trong bài phát biểu nhậm chức ông Trump khẳng định từ nay Mỹ không áp đặt lối nghĩ lên các quốc gia khác nữa, bởi điều đó chẳng mang lại lợi lộc gì: “Chúng ta đã chi hàng nghìn và hàng nghìn tỷ USD ở nước ngoài, trong khi cơ sở hạ tầng của nước Mỹ đang rơi vào tình trạng xuống cấp và hư hỏng. Chúng ta làm giàu cho các nước khác, trong khi sự thịnh vượng, sức mạnh, sự tự tin của đất nước đã tản mát ngoài đường chân trời.”
Thứ hai, về kinh tế, họ đặt câu hỏi tại sao phải thúc đẩy hội nhập kinh tế đa phương trên nhiều lĩnh vực, trong khi điều này chỉ khiến các nhà máy, xí nghiệp trước đây ở Mỹ, EU nay chuyển sang các khu vực có nhân công giá rẻ ở châu Á. Họ khẳng định những cam kết thương mại của WTO và những hiệp định kiểu CPTPP và RCEP khiến các nước phương Tây thua thiệt và là lý do khiến người lao động ở Mỹ và phương Tây lâm vào thất nghiệp ngày càng tăng. Thất nghiệp đi đôi với nghèo khổ khiến người lao động cảm thấy chính quyền đang bỏ rơi họ. Donald Trump đã nói đúng tâm lý này của dân chúng; “Các nhà máy lần lượt đóng cửa và rời khỏi đất nước mà (chính quyền) không mảy may nghĩ đến hàng triệu công nhân Mỹ bị bỏ lại phía sau”.
Với tình trạng đó, họ tiếp tục đặt câu hỏi tại sao phải hội nhập kinh tế khi các nước đang phát triển mới là đối tượng được hưởng lợi chứ không phải họ. Họ nhận ra rằng giới chính trị và các ông chủ mới là đối tượng hưởng lợi chứ không phải người dân. Chính cựu Tổng thống Mỹ Obama đã tổng kết điều này trong bài phát biểu chia tay: “Trong khi nhóm 1% tích lũy được lượng của cải và thu nhập lớn thì rất nhiều gia đình, các khu vực nghèo khó, cộng đồng thiểu số và vùng nông thôn bị bỏ lại phía sau.” Điều này đã khiến người lao động ở Mỹ và các nước phương Tây quay lưng với các chính trị gia truyền thống, ủng hộ chủ nghĩa dân túy.
Thứ ba, về chính trị nội bộ, người dân phương Tây nhận thức rõ nền chính trị dân chủ ở những quốc gia vẫn tự nhận là dân chủ nhất là giả hiệu. Họ đặt câu hỏi tại sao những giá trị dân chủ được giao giảng cao đẹp như vậy mà trên thực tế, hệ thống chính trị đầy chia rẽ, liên tục bị công kích thóa mạ lẫn nhau thay vì lo cho quyền lợi của người dân. Hệ thống chính trị tuy có nhiều đảng phái được coi là dân chủ những đều phụ thuộc vào tiền của các nhóm tài phiệt, và phục vụ cho lợi ích của các nhóm này thay vì phục vụ nhân dân. Chính cựu Tổng thống Mỹ Obama từng viết trong một cuốn sách của ông: “Hầu hết cử tri đều kết luận rằng những người ở Washington đều “chỉ là những con buôn chính trị”, nghĩa là việc bầu cử hay địa vị có được đều trái với lương tâm, rằng họ hành động vì tiền đóng góp cho chiến dịch tranh cử, để mua điểm trong các cuộc thăm dò dư luận, hay vì lòng trung thành với đảng phái hơn là cố gắng hành động đúng.
Họ đặt câu hỏi nếu hệ thống chính trị chỉ duy trì để phục vụ cho lợi ích đảng phái trong khi không giải quyết được những vấn đề thực tế của người dân, thì duy trì hệ thống như vậy làm gì? Donald Trump đã tận dụng tốt sự chán nản tột cùng của người dân đối với thể chế chính trị truyền thống này để lên nắm quyền. Điều này tiếp tục được bộc lộ trong các cuộc tranh cử đã và sắp diễn ra ở nhiều nước châu Âu, nơi các ứng cử viên dân túy chỉ trích hệ thống chính trị truyền thống đang được ủng hộ mạnh, và nhiều khả năng thắng cử.
Thứ tư, về môi trường, đến nay các quốc gia đều nhận thức được, sự biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, là do phát triển kinh tế nóng của các nước như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga… Vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu đang là mối đe dọa trực tiếp sự sống và môi trường phát triển, là vấn đề toàn cầu. Trách nhiệm này thuộc về các nước nói trên, nhưng họ lại từ chối trách nhiệm đóng góp dẫn đến tan vỡ cam kết ở hầu hết các hội nghị chống biến đổi khí hậu diễn ra hàng chục năm qua.
Trong khi Mỹ và châu Âu đang chìm trong những mâu thuẫn và vấn đề không thể giải quyết của mình, nhiều quốc gia ở châu Á đã tranh thủ xu hướng hội nhập kinh tế này, tận dụng dòng vốn đầu tư và thị trường xuất khẩu của những nền kinh tế phát triển, để nhanh chóng trở thành những thế lực mới trong khu vực và trên thế giới. Trung Quốc đã âm thầm khai thác lợi thế của toàn cầu hóa, tận dụng tiềm lực của Mỹ và phương Tây, để phát triển sức mạnh của mình. Sau 30 năm cải cách, Trung Quốc đã trở thành một cường quốc, có sức mạnh kinh tế, quân sự cạnh tranh với Mỹ, chuyển từ chiến lược “ẩn mình chờ thời sang chiến lược “trỗi dậy” với mục tiêu chi phối chính trị, an ninh quốc tế, và thâu tóm nguồn tài nguyên lớn toàn cầu.
Trong bối cảnh Mỹ, Anh và một số nước phương Tây đang rục rịch đi theo xu hướng dân tộc biệt lập như hiện nay, nhiều quốc gia lớn khác cũng đã tự đi theo cách của họ, đặc biệt là Trung Quốc và Nga. Chính sách của Trung Quốc và Nga đang thách thức nghiêm trọng trật tự thế giới và thách thức sự thống nhất của châu Âu và phương Tây cũng như các thể chế của nó. Trung Quốc ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quan hệ chính trị, kinh tế, an ninh quốc tế. Nhiều nước coi Trung Quốc là cái phao kinh tế, nhưng cũng có nhiều nước coi Trung Quốc là mối đe dọa tiềm tàng.
Các quốc gia nhỏ trước sự khủng hoảng quốc tế đang lựa chọn con đường riêng cho mình. Là thành viên trong các khối liên kết bên cạnh các nước lớn, các quốc gia nhỏ không tự quyết được nhiều vấn đề quốc gia, phụ thuộc vào nước lớn. Nửa cuối thập niên 2010 đã chứng kiến nhiều đồng minh trước đây của Mỹ ở châu Á ngả theo những hướng khác nhau, chủ động chọn những con đường biệt lập hơn, thoát khỏi thế liên minh dưới ô che của nước lớn. Các báo cáo của giới nghiên cứu Mỹ đã nhận định về hiện tượng “đồng minh nước đôi” đã xảy ra ở một số nước châu Á, những nước này dễ dàng ngả theo các chủ nghĩa khác nhau miễn là có lợi. Chính sách tái cân bằng sang châu Á của Mỹ đang có nguy cơ bị phá sản không chỉ bởi chủ trương thiên về vũ trang của các đời tổng thống Mỹ mà còn bởi sự ly khai và nước đôi của các quốc gia khác ở châu Á.
Sau 30 năm Chiến tranh lạnh kết thúc, thế giới đã hoàn toàn thay đổi, trật tự thế giới đã và đang bị phá vỡ, và đang chuyển động, phân hóa với nhiều cực khác nhau, đi theo xu hướng coi trọng lợi ích quốc gia biệt lập. Thậm chí, giới nghiên cứu chính trị thế giới còn nhận định có thể sẽ không còn khái niệm địa chính trị cố kết gọi là phương Tây nữa. Nhiều tổ chức liên kết khu vực, quốc tế có thể sẽ không tồn tại do sự rút chạy các các nước thành viên.
Chưa bao giờ, thế giới lại chứng kiến những thức tỉnh chính trị mới như bây giờ. Tưởng như quan niệm dân chủ phương Tây và xu thế hội nhập đã thắng thế hoàn toàn như sau Chiến tranh lạnh, nhưng thực tế không như vậy. Thế giới chẳng khác gì một công trường của các chủ nghĩa và ý tưởng mới sẽ được đưa ra thí nghiệm. Giờ đây, nhận thức về chính trị không còn như trước nữa với sự xuất hiện của nhiều chủ nghĩa mới hoặc chủ nghĩa cũ dưới hình thức mới: chủ nghĩa dân tộc biệt lập muốn ly khai khỏi các liên minh liên kết, chủ nghĩa “xét lại” muốn quay trở về những hình thái vương quyền, bá quyền trong quá khứ, chủ nghĩa dân túy theo đó các chính trị gia chiều theo ý kiến dân chúng để được bầu…
Một thế giới không có trật tự với nhiều dạng thức chủ nghĩa như vậy rất dễ dẫn tới những xung đột, kể cả xảy ra cuộc chiến tranh nóng, ở quy mô cục bộ khu vực, thậm chí toàn cầu. Nguy cơ chạy đua vũ trang sẽ tăng cao trong một thế giới bất ổn và thiếu niềm tin như vậy. Nếu các giải pháp quân sự được sử dụng, thế giới sẽ chỉ bất ổn thêm, thậm chí rơi vào trạng thái đổ vỡ hoàn toàn. Chính trị thế giới có thể rơi vào những kịch bản không dễ hình dung, mà các hiện tượng như Trump và Brexit ở phương Tây chỉ là bước khởi đầu, đang vấp phải sự phản ứng quyết liệt của các quan điểm và chính sách đối lập với họ.
Thế giới đang để lộ những khoảng trống quyền lực mới và sân chơi mới, nhưng có thể khẳng định sẽ không có sân chơi một mình, và khoảng trống sẽ là của nhiều người. Các quốc gia dù mâu thuẫn quyền lợi tới cấp nào nhưng đều chắc chắn không đưa nhau đến chỗ chết, họ sẽ phải bừng tỉnh. Thế giới là sự liên kết ràng buộc lẫn nhau. Không thể áp đặt giá trị và quyền lợi của quốc gia này lên quốc gia khác. Do vậy, tuy tình hình quốc tế đầy biến động căng thẳng, nhưng rồi các nước lớn sẽ phải tìm đến nhau để mặc cả, thương lượng, liên kết để chi phối thế giới. Nhưng có khác là các nước lớn phải đạt được sự cân bằng lợi ích với nhau, không có bá chủ thế giới. Trật tự thế giới phải được kiểm soát bằng luật pháp quốc tế. Hòa bình thế giới phải được đảm bảo từ các thiết chế ràng buộc giữa các nước, nhất là giữa các cường quốc hạt nhân.
Các nước nhỏ trong bối cảnh biến động như hiện nay, cần phải tỉnh táo xét đoán thời cuộc để chọn cho mình hướng đi thích hợp, trong đó cần tận dụng mọi thời cơ và tránh mọi nguy cơ có thể. Từ chuyển động của lịch sử và những gì đang diễn ra, đang giúp nước nhỏ thức tỉnh để rút ra bài học cho mình. Trong lúc này, các nước nhỏ càng phải kiên trì chính sách đối ngoại độc lập hơn, nhưng tuyệt đối không biệt lập. Trong khi cân bằng quan hệ với các nước lớn, các nước nhỏ không thể trông chờ vào cái ô che chở của cường quốc, ngả hẳn về một bên nào đó đều phải trả giá đắt. Việc hợp tác chặt chẽ với các nước nhỏ trong khu vực và quốc tế là con đường đúng đắn nhất, kiên trì thực hiện đường lối hòa bình, xử lý xung đột thông qua đối thoại, tôn trọng tự quyết của các nước nhỏ khác. Nước nhỏ đứng vững trên đôi chân của mình để bảo vệ quyền lợi chính đáng của đất nước, tránh được vòng xoáy chiến lược và mặc cả của các nước lớn như lịch sử đã từng diễn ra.■