Đàng Trong cuối thế kỷ XVIII qua tường trình của nhà hải hành Chapman

Phác họa địa lý của Đàng Trong, vài chi tiết về cung cách, phong tục và lịch sử của người bản địa và một số cân nhắc về tầm quan trọng của việc thành lập thuộc địa tại đất nước này là những ghi nhận đầy lý thú về Việt Nam cuối thế kỷ XVIII qua ghi chép của nhà hải hành Chapman trong cuốn sách được Thư viện Nguyễn Văn Hưởng xuất bản mang tên “Con đường Thiên lý: Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh Quốc tới Việt Nam thế kỷ XVII XIX” (tên gốc: The Mandarin Road to Old Hue – Narratives of Anglo-Vietnamese Diplomacy from the 17th Century to the Eve of the French Conquest; tác giả: Alastair Lamb). Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu một trích đoạn trong bản báo cáo của Chapman (viết năm 1778).

Tôi đã vô tình đi sâu vào nhiều chi tiết hơn dự kiến. Mặc dù tôi cũng hài lòng về giá trị một thuộc địa tại Đàng Trong có thể đem lại cho Anh Quốc cũng như cho Công ty, song tôi không thể kết thúc chủ đề này mà không có chút ý kiến về những lợi ích có thể có được từ tình hình và nền sản xuất tại đất nước này.

Đàng Trong, mà dân bản xứ gọi là An Nam, kéo dài từ 20 độ vĩ Bắc tới Côn Đảo ở 8 độ 40 phút. Phía Bắc giáp Vương quốc Đàng Ngoài, chia cắt bởi sông Gianh; phía Tây giáp với Vương quốc Lào và với một dãy núi ngăn cách với Campuchia; và giáp với Biển Đông về phía Nam và Đông.

Vương quốc được chia làm 12 dinh, tất cả đều giáp biển, và nối nhau từ Bắc chí Nam theo thứ tự sau:

Đồng Hới

Quảng Bình

Dinh Cát

Huế, tức Triều đình

Thuộc về người Đàng Ngoài
Quảng Nam

Quảng Ngãi

Qui Nhơn

Thuộc về Nguyễn Nhạc
Phú Yên

Bình Khang ([1])

Nha Trang

Bình Thuận hay Champa

Đồng Nai

Không rõ rằng thuộc về Nguyễn   Nhạc, hay vẫn thuộc về Đức Vua.

Chiều ngang của đất nước này không tương xứng với chiều dài của nó, hầu hết các tỉnh rộng không quá một kinh độ từ Đông sang Tây, một số còn nhỏ hơn 20 dặm. Đồng Nai thì lớn hơn nhiều.

Khắp đất nước này chằng chịt sông ngòi, mặc dù không đủ rộng để tiếp nhận tàu có trọng tải lớn, nhưng cực kỳ thích hợp để thúc đẩy nội thương; các dòng chảy đều hiền hòa và nước rất trong.

Khí hậu ở đây rất hài hòa, cái nóng dữ dội của những tháng hè được làm dịu lại bởi những làn gió đều đặn từ biển thổi vào. Tháng Chín, Mười và Mười Một là mùa mưa, những vùng đồng bằng thấp khi đó thường xuyên bị ngập đột ngột bởi những dòng lũ lớn tuôn từ trên núi xuống. Ngập lụt diễn ra thường xuyên, cứ hai tuần một lần và mỗi lần kéo dài ba, bốn ngày. Vào tháng Mười Hai, tháng Một và tháng Hai còn có mưa thường xuyên do gió lạnh thổi từ phương Bắc, khiến cho mùa đông của đất nước này đặc trưng khác hẳn với mọi nước khác ở phương Đông.

Lụt ở đây cũng có tác động tương tự như các trận lụt theo chu kỳ của sông Nile ở Ai Cập, và biến đất nước này thành một trong những nơi màu mỡ nhất trên thế giới. Ở nhiều khu vực, đất đai có thể mang lại ba vụ ngũ cốc trong một năm. Có thể tìm thấy nơi đây mọi loại hoa quả của Ấn Độ với chất lượng hoàn hảo, cùng nhiều loại của Trung Quốc.

Không đất nước nào ở phương Đông, và có lẽ không nơi nào trên thế giới, sản xuất các mặt hàng sinh lời cho thương mại dồi dào và đa dạng hơn nơi đây, chủ yếu là quế, tiêu, bạch đậu khấu, lụa, vải cotton, đường, trầm hương, cây tô mộc, và ngà.

Vàng được khai thác gần như nguyên chất từ các mỏ, và trước thời kỳ loạn lạc này, các cư dân man di vẫn mang lượng lớn vàng cát xuống núi và đổi lấy gạo, vải, sắt. Cũng họ đem trao đổi Trầm hương và Kỳ nam lấy sáp, mật ong và ngà. Mấy năm qua, liên lạc giữa cư dân vùng núi và vùng đồng bằng đã hoàn toàn bị cắt đứt.

Một buổi biểu diễn ở Đàng Trong (Nguồn: sách “A Voyage to CochinChina in the years 1792 and 1793”, John Barrow)

Động vật tại Đàng Trong bao gồm bò, dê, lợn và trâu, voi, lạc đà và ngựa. Rừng là nơi sinh sống của gấu, hổ, tê giác và rất nhiều hươu. Thịt gia cầm nơi đây vị tuyệt hảo, cá đánh bắt ven bờ thì dồi dào và ngon lành. Thịt voi, thứ tôi chưa từng thấy quốc gia nào khác coi là ăn được, rất được người Đàng Trong ưa chuộng, và khi Đức Vua hoặc Tổng trấn của một dinh ra lệnh giết một con, thì các miếng thịt sẽ được dùng làm món quà quý cho các đại quan. Ở đây người ta không chú ý lắm đến việc chăn nuôi bò, thịt của chúng không phải loại thức ăn được coi trọng và chúng không được dùng cho việc cày ruộng, công việc này đã có trâu đảm nhiệm. Về việc vắt sữa gia súc, họ hoàn toàn không biết về kỹ nghệ này – điều hẳn thật kỳ lạ với chúng ta, bởi chúng ta đã quen với việc thấy rằng những đất nước man rợ nhất chúng ta từng phát hiện đều coi sữa gia súc như một nguồn thực phẩm đáng kể. Tuy nhiên, tôi thiên về hướng cho rằng tại các quốc gia nằm phía Đông của Eo Malacca, sữa là thứ không hề được biết đến: người Malay không dùng sữa, người Trung Quốc dùng rất ít, và ở Trung Quốc có lẽ sữa đã được du nhập cùng người Tartar.

Người bản địa của Đàng Trong được gọi là Mọi ([2]), họ sinh sống trên dãy núi ngăn cách Đàng Trong và Campuchia. Họ đã bị xua đuổi đến nơi này khi những người cai trị hiện tại xâm lược đất nước. Họ từng phải cống nạp hằng năm để được mang xuống miền xuôi sản vật nơi rừng núi và trao đổi lấy những thứ hàng họ cần. Họ là thứ người mọi rợ, da rất đen, và mặt có nhiều nét giống người Phi châu.

Ông Le Gac, một quý ông người Pháp từng ở Đàng Trong hồi năm 1720, đã nhắc đến một tộc người khác biệt với người Đàng Trong, sinh sống ở đất Champa, gọi là người Chàm. Ông cũng nói rằng Mahomedan là một trong những tôn giáo phổ biến của họ. Nhưng sau những điều tra rất chi tiết thì không ai có thể nói rằng họ nhận ra cái tên đó, và tôi cũng không gặp bất kỳ tín đồ nào của đạo này trong nước.

Vào khoảng năm 1280, thủ lĩnh người Tartar đầu tiên đã giành được ngai vàng Trung Hoa. Cuộc cách mạng này đã trao cho các tỉnh phía tây giáp biển một cơ hội để gỡ bỏ thế chư hầu và họ đã hợp lại thành một vương quốc dưới một thủ lĩnh, ngày nay hậu duệ của ông đang cai trị Đàng Ngoài, và được gọi là Quốc vương ([3]). Khoảng đầu thế kỷ XV, một bộ phận lớn dân ở các tỉnh này, vì bất mãn với chính quyền, đã quy tụ dưới trướng một thủ lĩnh có tài và hành quân xuống phía Nam; nhờ hầu như không gặp phải phản kháng nên họ đã sớm trở thành chủ nhân khu vực bờ biển Trung Bộ, đến tận Mũi Avrilla ([4]). Người Mọi, những cư dân bản địa, đã phải rút về vùng núi giáp giới nước này về phía Tây, nơi họ sinh sống đến giờ. Những người di cư, dưới tay chỉ huy của họ, đã thành lập nên Vương quốc Đàng Trong. Những người kế vị ông đã mở rộng lãnh thổ về phía Sông Campuchia và nâng vương quốc lên tầm cao thịnh vượng và uy danh. Những cuộc chiến dai dẳng của họ với phe Đàng Ngoài, vốn coi họ là những kẻ phản loạn, buộc người Đàng Trong phải xây một bức tường ngăn, cách đây 150 năm, tại cực Nam của tỉnh Đồng Hới để ngăn những cuộc tấn công của người Đàng Ngoài ([5]) Mọi liên lạc đường biển đều bị ngăn cấm, với hình phạt rất nặng. Chiến tranh kéo dài và những nghi kỵ giữa hai bên đã biến người Đàng Ngoài và Đàng Trong trở thành kẻ thù không đội trời chung. Vào năm 1764, khi một tàu của Công ty ghé Đàng Trong, đất nước đang trong giai đoạn phồn thịnh và được cai trị bởi một quân vương có tài. Tuy nhiên sau khi con tàu rời đi, chẳng bao lâu con trai Đức Vua, người gặp phải những tai ương như tôi đã có trình bày ngắn gọn, nối ngôi và rồi loạn lạc và tranh chấp nổ ra.

Người Đàng Trong mang những dấu hiệu rõ ràng cho thấy họ có cùng dòng giống với người Trung Quốc. Họ sở hữu những điểm đặc trưng về diện mạo cũng như cung cách và phong tục gần với người Trung Quốc. Tín ngưỡng giống nhau. Ngôn ngữ giao tiếp, mặc dù khác nhau, dường như cũng dựa trên những nguyên tắc giống nhau, và họ sử dụng cùng bộ ký tự cho chữ viết. Họ là tộc người lịch sự, niềm nở và thân thiện, hơi thiên về lười biếng. Phụ nữ ở đây chủ động hơn đàn ông. Họ thường phải gánh vác mọi thứ việc trong khi các đấng phu quân lười nhác chễm chệ ngồi hút thuốc, nhai trầu, hay nhấp trà. Khác với phong tục Trung Quốc, phụ nữ Đàng Trong không phải kiểu cam chịu, và nếu chưa lấy chồng thì quan hệ ngắn hạn với người ngoại quốc tới đây cũng không ảnh hưởng đến thanh danh họ. Các nhà buôn thường thuê họ làm quản lý và môi giới, và người ta nói rằng có thể đặt sự tin tưởng vững chắc nhất vào lòng trung thành của họ.

Trang phục của đàn ông và đàn bà có cùng một kiểu và là loại trang phục giản dị nhất mà tôi biết. Nó gồm áo dài cài khuy, cổ áo nhỏ vòng quanh cổ, vạt áo đắp qua ngực như áo dài Banyan, với tay áo dài rộng phủ cả bàn tay. Những người hàng quý tộc, đặc biệt là phụ nữ, sẽ mặc vài bộ áo này thành lớp, với áo trong cùng dài chấm đất, và những áo ngoài sẽ ngắn dần, sao cho những màu sắc khác nhau tạo ra một vẻ ngoài cầu kỳ khi họ sải bước.

Đó là những chi tiết về người Đàng Trong mà làm tôi thấy tò mò hoặc thú vị. Giờ tôi sẽ chỉ ra mối quan hệ với đất nước này có thể có lợi ra sao cho chúng ta, trước khi tôi xin kết thúc.

Việc những thương điếm tại Ấn Độ của Công ty cạn kiệt tiền đã trở thành một vấn đề rất nghiêm trọng, mà giờ tôi chắc chắn rằng mọi giải pháp cho vấn đề ngày càng trầm trọng này sẽ được coi là đáng để cân nhắc. Tôi lạc quan rằng thương điếm tại Đàng Trong sẽ giúp mang đến kết quả như mong muốn, cũng như rất nhiều lợi ích khác.

Hai tàu nhỏ của chúng ta đã mang về từ Đàng Trong lượng vàng và bạc có giá trị khoảng 60 ngàn rupee. Nếu như chúng ta được thanh toán tất cả số hàng bán được, thì lượng tiền này ắt hẳn đã nhiều hơn nữa. Tàu Rumbold năm ngoái cũng đã mang về lượng vàng bạc đáng kể. Số tiền này là từ khoản thanh toán lượng vải Bengal và Madras, thuốc phiện, sắt, đồng, chì, đồ ngũ kim và đồ thủy tinh; có những người còn hỏi về vải pô-pơ-lin, nhưng không may là chúng tôi không mang chút nào theo. Đây là vấn đề vụn vặt. Tiếp theo đây, tôi hy vọng được tập trung vào những vấn đề quan trọng hơn.

Vị trí của Đàng Trong hoàn toàn phù hợp cho thương mại. Sự gần gũi về địa lý của nó với Trung Quốc, Đàng Ngoài, Nhật Bản, Campuchia, Xiêm, bờ biển Mã Lai, Philippines, đảo Borneo, quần đảo Maluku, vân vân… cho phép buôn bán nhanh chóng và dễ dàng với những nước này. Các cảng lớn ven bờ, đặc biệt là Đà Nẵng, là nơi trú an toàn cho tàu thuộc mọi loại trọng tải trong những mùa khắc nghiệt nhất trong năm.

Các quốc gia châu Âu, khi nhận thấy không thể tìm hàng đủ quý để trao đổi với người Trung Quốc, đã phải bù lại bằng lượng lớn tiền trả cho Trung Quốc, điều này nhiều năm nay đã tiêu tốn lượng lớn tiền từ các quốc gia châu Á và châu Âu. Số lượng thuyền mành hằng năm cập bến Đàng Trong cho thấy rõ rằng người Trung Quốc rất ưa chuộng các mặt hàng nơi đây. Nếu như chúng ta có thương điếm và ảnh hưởng chính trị ở đây, thì sẽ dễ dàng mang những mặt hàng này về cho các thị trường chính, trao đổi với hàng từ Ấn Độ và châu Âu. Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm buôn bán lớn, nơi tàu của chúng ta có thể cập bến và mua hàng trên đường tới Quảng Châu, cách Đà Nẵng năm ngày. Không thể xác định được lượng hàng có thể mua ở đây. Song dù là bao nhiêu chăng nữa, Đàng Trong cũng sẽ giúp chúng ta tiết kiệm được một khoản lớn tiền cho Anh Quốc hay Ấn Độ, tương đương với giá trị hàng mua từ Trung Quốc. Chúng ta có đầy đủ lý do để tin rằng sẽ có được một khoản đầu tư lớn trong một vài năm tới.

Mậu dịch giữa chúng ta và Trung Quốc vốn luôn phải chịu những gánh nặng lớn vì thuế quan và sách nhiễu. Vì nhiều lý do mà hằng năm những khoản chi và các yêu sách cứ tăng dần, và theo thời gian chúng ta sẽ không thể gánh nổi. Quan điểm dần phổ biến gần đây là người Trung Quốc muốn loại trừ hoàn toàn người châu Âu khỏi đất nước họ. Liệu chúng ta có thể mạo muội đoán rằng những phiền toái mà họ bắt người châu Âu phải chịu chính là những bước đầu trong kế hoạch được suy tính từ trước của dân tộc mưu mô này để thực hiện mong muốn? Nếu như việc này diễn ra, thì một thương điếm ở phương Đông sẽ là một nhu cầu bức thiết. Người Trung Quốc muốn tự xuất khẩu hàng của họ, và đảo Java hay quần đảo Philippines, tức những cảng gần nhất, sẽ là thị trường cho họ. Vì hiện tại không có lý do nào để cho rằng mức độ tiêu thụ của những mặt hàng Trung Quốc sẽ giảm khi khả năng nhập hàng trực tiếp của chúng ta giảm, nên chúng ta sẽ buộc phải mua lại hàng hoặc từ người Hà Lan hoặc từ người Tây Ban Nha. Một thương điếm tại Đàng Trong sẽ cho ta một lợi thế vượt trội, nhờ cả vị trí gần gũi của nó với Trung Quốc và cả vì người Trung Quốc đã quen làm ăn ở đó. Dù sao thì cũng có lý do để tin rằng một thương điếm tại Đàng Trong sẽ cho phép chúng ta mua hàng Trung Quốc với mức giá hợp lý hơn so với giá hiện tại đại diện của chúng ta mua được ở Quảng Châu, và chắc chắn sẽ phải chịu những điều kiện ít lăng mạ hơn hiện nay. Những nhóm lớn kiều dân Trung Quốc đôi khi vẫn di cư khỏi bản quán và tới định cư ở nhiều vùng khác nhau của Đàng Trong. Họ có đầu mối liên lạc ở mọi cảng biển của Đế chế. Thông qua họ, trà, đồ gốm sứ và các mặt hàng khác, những món chúng ta muốn thu từ mậu dịch với Trung Quốc, có thể được nhập từ thuyền mành tới các thương điếm của chúng ta, với cùng chất lượng mà lại rẻ hơn, vì người Trung Quốc được miễn những khoản thuế cắt cổ mà người ngoại quốc phải trả. Những nhân công giỏi nhất có thể sẽ muốn chuyển đến Đàng Trong, và dưới sự điều hành của họ, các xưởng có thể sản xuất sản phẩm tuyệt hảo ngang với tại Trung Quốc.

Quan hệ giữa Nhật Bản và Đàng Trong có thể được nối lại, và chúng ta có thể dự phần vào một nền mậu dịch mà lâu nay người Hà Lan vẫn độc quyền.

Chúng ta có thể tiếp tục giao thương thuận lợi với quần đảo Philippines, và mang tới đây hàng hóa từ Madras và Bengal bằng thuyền mành, phục vụ người Tây Ban Nha ở châu Mỹ.

Người Xiêm và người Campuchia sẽ mang sản phẩm từ nước họ tới và trao đổi hoặc bán tại đây để lấy những mặt hàng họ cần từ Đàng Trong; về phần chúng ta thì có thể bán được cho họ vải Bengal.

Những người tầng lớp dưới ở Đàng Trong chủ yếu mặc một loại vải sợi thô từ Trung Quốc, nhưng tôi đã có dịp thấy rằng họ ưa chuộng vải Bengal hơn vì khổ rộng và giá rẻ, và điều đó có thể sẽ sớm thôi thúc họ dùng vải Bengal.

Người dân Đàng Trong chơi đá cầu (Nguồn: sách Con đường thiên lý)

Nhu cầu thuốc phiện, ở một chừng mực nào đó vốn đã trở thành một nhu cầu thiết yếu với người Trung Quốc, sẽ tăng tương ứng khi việc mua bán thuận tiện dễ dàng hơn. Thuốc phiện không còn chỉ được nhập khẩu ở cảng Quảng Châu, mà được các thuyền mành mang tới mọi cảng của đất nước, điều đó sẽ sớm mở rộng nhu cầu của mặt hàng này tới tận những nơi xa xôi nhất của Đế chế.

Nhưng điều mang lại hy vọng lớn nhất cho thương điếm ở nơi này là những mỏ vàng đã nổi danh từ lâu về thứ quặng tinh khiết đến mức chỉ dùng lửa là đủ để tinh luyện. Tôi đã không bỏ lỡ cơ hội nào để điều tra về mặt hàng đáng giá này, và đã được cho biết rằng các mỏ hình thành ở các vùng khác nhau thuộc các tỉnh phía Bắc của Đàng Trong, đặc biệt là Huế, nơi quặng không nằm quá sâu và nó có thể được khai thác mà không tốn nhân công, nếu được chỉ đạo bởi nhà luyện kim có chuyên môn. Hãy tưởng tượng tiềm năng chôn sâu dưới những mỏ này!

Tiềm năng thương mại lớn là vậy, những lợi ích chính trị mà một thương điếm ở Đàng Trong mang lại cũng sẽ không kém. Vịnh Đà Nẵng không chỉ là một nơi trú an toàn cho tàu của Công ty trong trường hợp có sự cố trên đường tới Trung Quốc, mà từ đó chúng ta cũng có thể chặn đứng những đội tàu của bất kỳ kẻ thù nào trên đường tới hoặc về từ Trung Quốc. Chúng ta cũng sẽ trở thành láng giềng đáng gờm với người Hà Lan và người Tây Ban Nha, và trong trường hợp xảy ra chiến tranh với bất kỳ ai trong số họ, thì chúng ta có thể dễ dàng tấn công những thương điếm quan trọng của họ. Nói ngắn ngọn, những lập luận ủng hộ việc mở một thương điếm tại Balambangan nếu được áp dụng vào việc ủng hộ mở một thương điếm tại Đàng Trong thì sẽ thỏa đáng hơn nhiều.

Nếu bất kỳ điểm nào được nêu ở đây đủ vững chắc để thúc đẩy Công ty mở một thương điếm tại Đàng Trong, thì có thể thực hiện điều này dựa trên các nguyên tắc hoàn toàn đúng đắn và với phí tổn nhỏ. Ngoài những viên quan đi cùng chúng tôi từ Bengal, một số người trong vương thất cùng với nhiều tướng sĩ của triều đình cũ đã thúc giục tôi bàn bạc và thuyết phục Chính quyền Bengal hỗ trợ họ, hứa hẹn sẽ làm đồng minh đắc lực trong trường hợp chúng ta thành tâm đứng về phía họ. Đông đảo dân chúng ủng hộ việc khôi phục ngai vàng cho vị quân vương chính danh, điều đó đủ để chúng ta tin tưởng vào sự chân thành trong lời đề nghị của họ. Giải thoát một dân tộc bất hạnh đang rên rỉ dưới ách đàn áp tàn bạo chưa từng thấy sẽ là một hành động xứng danh lòng cao cả của dân tộc Anh. Năm mươi lính bộ binh châu Âu, 25 pháo binh, và 200 sepoy ([6]) là đủ cho mục đích này lẫn mọi mục đích khác; vì dân bản địa của Đàng Trong thua kém vô cùng so với dân Ấn Độ về kiến thức quân sự. Tuy nhiên, tôi chắc chắn rằng một bộ phận trong số họ, nếu được huấn luyện cẩn thận và trả tiền đều đặn, sẽ rất trung thành với chúng ta, và sẽ đóng góp vào sự vững chắc của mọi thuộc địa chúng ta có thể có được ở phương Đông, như những đóng góp của các sepoy cho lãnh thổ của chúng ta ở Ấn Độ. Trong các cuộc viễn chinh, lính Đàng Trong sẽ hơn lính Ấn Độ, vì không bị ràng buộc bởi những định kiến tôn giáo, và không gặp khó khăn gì khi đi biển.

Dù Đàng Trong hiện tại vẫn còn rối loạn, song cơ hội vẫn đang mở ra cho quốc gia châu Âu đầu tiên muốn giành được một chỗ đứng tại đây. Ba năm trước, người Pháp đã gửi một tàu chiến nhỏ tới Vịnh Đà Nẵng. Xét đến những nhọc nhằn họ trải qua để thu thập thông tin về tình hình chính trị và các sản vật trong nước, chúng ta có căn cứ để tin rằng họ cũng đang suy tính hướng đi này. Từ đó đến giờ, vì ông Chevalier hẳn đã nhận được những báo cáo từ Giám mục Loreiro trong lúc họ trú tại Chandernagore, và vì họ giờ không còn kiểm soát những thương điếm tại Ấn Độ, nên chắc chắn họ sẽ quay lại Đàng Trong. Nếu họ không chọn vậy, thì các cường quốc khác chắc chắn sẽ ra lựa chọn này; vậy nên nếu như Công ty muốn thông qua kế hoạch thành lập thương điếm tại Đàng Trong, thì chúng ta không nên lỡ thêm thời gian để biến nó thành hiện thực.■

(Theo Tạp chí Phương Đông)

[1] Nay là tỉnh Khánh Hòa. (BTV)

[2] [Nguyên văn: Moyes] Người Mọi, một từ chung mà người phương Tây từng dùng để gọi người bản địa của bán đảo Đông Dương. (BTV)

[3] Nguyên văn: Kuah-Whang. Ở đây Chapman muốn nói tới họ Lê, tuy nhiên dường như có sự chắp nối nhầm lẫn, bởi khoảng thời gian người Tartar (chỉ chung các tộc người xây dựng nên Đế quốc Mông Cổ) cai trị Trung Hoa thì ở Việt Nam đang là thời nhà Trần. (BTV)

[4] Mũi Varella tức Mũi Đại Lãnh, hay Mũi Điện, thuộc Phú Yên ngày nay, ở vào khoảng 12 o57’ vĩ Bắc. (BTV)

[5] Thành Đồng Hới và Trường Lũy Quảng Ngãi được họ Nguyễn xây vào thế kỷ 17 để phòng vệ trước những cuộc tấn công của họ Trịnh. Chúng được đặt không xa phía Bắc của Huế, và chạy xuyên vùng đồng bằng duyên hải hẹp kẹp giữa núi và biển.

[6] Lính Ấn Độ trong quân đội Anh. (BTV)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN