Nhận diện “Trung Quốc thời đại mới”

Trung Quốc chính thức tuyên bố đi vào “thời đại mới” từ Đại hội XIX (2017) nhưng giới truyền thông Trung Quốc phổ biến coi Đại hội XVIII (2012), nghĩa là từ khi ông Tập Cận Bình bắt đầu cầm quyền, là thời điểm khởi đầu cho “Thời đại mới” Trung Quốc. Trong 10 năm, qua hai kỳ Đại hội, Đại hội XVIII và XIX (từ 2012 – 2022), Trung Quốc đã hình thành, hoàn chỉnh lý luận về Chủ nghĩa Xã hội (CNXH) đặc sắc Trung Quốc thời đại mới. Từ Đại hội XX (10/2022), Trung Quốc tập trung thể hiện các nội hàm chủ yếu của “thời đại mới” này. Các cơ quan truyền thông chính thống của Trung Quốc cho rằng, nhận định “Trung Quốc đã đi vào thời đại mới” là một phán đoán chính trị quan trọng của Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc, đánh dấu sự phát triển của Trung Quốc đang đứng trên một khởi điểm lịch sử mới. Đây chính là định vị mới, tư thế mới của Trung Quốc; Trung Quốc đặt mình ở vị thế cao hơn và từ đó nhìn thế giới với sự tự tin pha trộn sự cao ngạo chưa từng có.

1. “Thời đại mới”, khởi điểm lịch sử mới

Theo quan niệm của Trung Quốc, “Thời đại mới” này  có 5 nội hàm chủ yếu:

– Là thời đại CNXH đặc sắc Trung Quốc càng giành được nhiều thắng lợi vĩ đại hơn trong điều kiện  lịch sử mới;

– Là thời đại xây dựng cường quốc Xã hội Chủ nghĩa (XHCN) hiện đại trên cơ sở đã xây  dựng thành công xã hội tiểu khang XHCN;

– Là thời đại không ngừng sáng tạo cuộc sống tốt đẹp, từng bước thực hiên “toàn dân cùng giàu lên”,  phát triển càng cân bằng đầy đủ hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về cuộc sống tốt đẹp của người dân

– Là thời đại thực hiện thắng lợi giấc mộng “phục hưng dân tộc Trung Hoa”.

– Là thời đại Trung Quốc ngày càng cống hiến lớn hơn cho nhân loại, đồng nghĩa vơi   vai trò quốc tế của Trung Quốc ngày càng được đề cao

Trung Quốc khẳng định, “CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới” thể hiện ĐCS Trung Quốc đã nắm chắc phương hướng lịch sử mới của quá trình phát triển của Trung Quốc; là kết quả của sự tổng hợp phân tích của Đảng về điều kiện lịch sử, mâu thuẫn xã hội, tiến trình thực tiễn, hình thái ý thức mới; thể hiện quan điểm lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Mác, từ tự phát đến tự giác rồi đến chủ động hành vi. Vì vậy cũng có thể nói, “thời đại mới” của Trung Quốc là kết quả của cả quá trình “đứng lên, giàu lên và mạnh lên” của Trung Quốc, là một khởi điểm mới để Trung Quốc bước ra thế giới với tư thế một cường quốc thế giới thực thụ.

Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức tuyên bố đi vào “thời đại mới”. Toàn cảnh Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ảnh THX

   Vậy “thời đại mới” Trung Quốc có gì mới, hoặc nói cách khác Trung Quốc dựa vào đâu để đi vào “thời đại mới”? 

Các văn bản chính thống và giới học giả Trung Quốc cắt nghĩa “Thời đại mới” với rất nhiều nét “mới”:

– “Mới” ở chỗ mâu thuẫn xã hội chủ yếu đã thay đổi, từ mâu thuẫn giữa “nhu cầu vật chất, văn hóa của nhân dân ngày càng tăng với sản xuất xã hội lạc hậu” sang mâu thuẫn giữa “nhu cầu về một đời sống tốt đẹp ngày càng cao của nhân dân với phát triển không cân bằng, không đầy đủ”. Từ “nhu cầu vật chất, văn hóa” trong điều kiện “nền sản xuất xã hội lạc hậu” đến “nhu cầu về một cuộc sống tốt đẹp” trong điều kiện ”phát triển không cân bằng, không đầy đủ” cho thấy sự nâng cấp của nhu cầu của nhân dân và sự tiến triển của thực trạng phát triển của xã hội Trung Quốc. Sự thay đổi mâu thuẫn chủ yêu của xã hội này  liên quan đến toàn bộ sự thay đổi mang tính lịch sử của toàn  cục xã hội Trung Quốc

– “Mới” ở chỗ hệ thống lý luận của Trung Quốc đã có bước nhảy vọt, nhất là từ sau Đại hội XVII. Trung Quốc đã trả lời một cách hệ thống, đã đưa ra các đáp án tương đối phù hợp cho những vấn đề trọng đại mang tính toàn cầu với tư cách là một cường quốc: Trung Quốc phải giương cao ngọn cờ nào, đi con đường nào?  Đáp án của Trung Quốc là giương cao ngọn cờ Xã hội chủ nghĩa và đi con đường CNXH đặc sắc Trung Quốc; Trung Quốc phải hoàn thành nhiệm vụ lịch sử gì, phải bố trí chiến lược như thế nào? Đáp án của Trung Quốc là xây dựng cường quốc XHCN hiện đại với “bố trí chiến lược hai bước mới (2035 cơ bản hiện đại hóa và 2050 thành cường quốc XHCN hiện đại); Trung Quốc phải kiên trì tư tưởng phát triển nào? và phải đạt đến mục tiêu phát triển nào? Đáp án của Trung Quốc là phải kiên trì tư tưởng “phát triển vì dân” với mục tiêu làm cho toàn dân “cùng giàu lên”; Trung Quốc phải dựa vào trạng thái tinh thần nào? Đáp án của Trung Quốc là tập trung sức mạnh tinh thần vào “thực hiện cuộc phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”; Địa vị quốc tế của Trung Quốc đến đâu và Trung Quốc phải cống hiến thế nào cho nhân loại? Đáp án là Trung Quốc đã đi gần đến trung tâm quyền lực quốc tế  hơn bao giờ hết và cống hiến của Trung Quốc cho nhân loại cũng nhiều hơn bao giờ hết.

Trong quá trình tìm tòi những đáp án đó, Trung Quốc đã sáng tạo ra “Tư tưởng CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới Tập Cận Bình”. Trung Quốc coi đây là cội nguồn của các thành tựu mà Trung Quốc đã đạt được trong 10 năm qua và cũng là nhân tố quyết định cho những thành công trong tương lai; Không chỉ với phạm vi các vấn đề của bản thân Trung Quốc mà còn với cả các vấn đề toàn cầu.

– “Mới” ở chỗ đã xác lập các mục tiêu mới làm cho việc thực hiện” giấc mộng phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa” trở thành một tiến trình “không thể đảo ngược”: Đại hội XVIII đưa ra mục tiêu “hai 100 năm”; Đại hội XIX đưa ra xây dưng toàn diện xã hội tiểu khang, thực hiện mục tiêu 100 năm lần thứ nhất; bố trí hai giai đoạn cho thực hiện mục tiêu 100 năm lần thứ hai:, nhằm tới xây dưng Trung Quốc thành cường quốc XHCN hiện đại giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, tươi đẹp. Con đường và lộ trình đi lên đã được chỉ ra rõ ràng.

– “Mới” ở chỗ, định vị mới của Trung Quốc trong thế giới đã ở tầng nấc mới . Trung Quốc khẳng định họ ngày càng đi gần tới trung tâm quyền lực quốc tế; Trung Quốc không còn là bên bị động tuân thủ trật tự thế giới vốn có mà đã là bên tham gia tích cực, mang tính xây dựng và tính dẫn dắt trật tự đó; Trung Quốc đã từ “đuổi theo thời đại” đi đến “dẫn dắt thời đại”, từ một “nước lớn”, trở thành một “cường quốc.

– “Mới” còn được thể hiện ở sự tăng cường toàn diện trính độ lãnh đạo và năng lực chấp chính của ĐCS Trung Quốc, chính đảng lớn nhất toàn cầu, với lịch sử trên 100 năm và có trên 96 triệu Đảng viên, trên 4,9 triệu tổ chức cơ sở Đảng. Đảng đã tự giác “tự cách mạng mình” trong quá trình “Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác”. Nói cách khác ĐCS Trung Quốc đã biết tự nâng cao mình cho phù hợp với những điều kiện mới, sứ mệnh mới; làm cho ưu thế của chế độ, của “CNXH đặc sắc Trung Quốc” càng được thể hiện. Trong hành trang của mình để đi ra thế giới, Trung Quốc luôn coi đây là một “bảo bối”, một ưu thế mà không nơi nào có thể có được.

Đại hội XX ĐCS Trung Quốc (tháng 10/2022) cho rằng, 10 năm qua, ĐCS Trung Quốc đã “thi hành một loạt các biện pháp chiến lược, thúc đẩy một loạt thực tiễn mang tính cách mạng, thực hiện một loạt các tiến triển mang tính đột phá, đạt được một loạt các thành quả mang tính cột mốc; đã vượt qua các phong ba thách thức trên các mặt chính trị, kinh tế, hình thái ý thức và từ môi trường tự nhiên, đã giành được những thành tựu mang tính lịch sử và tạo ra các thay đổi lịch sử.

Có thể gói gọn năng lực chấp chính của ĐCS Trung Quốc thời đại mới trong “10 kiên trì” và “10 minh xác” mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XIX, tháng 11/2021) đã tổng kết. “10 kiên trì” được Trung Quốc coi là các nhu cầu bao quát để “tống kết lịch sử, nắm chắc quy luật, kiên định lòng tin, đi đến tương lại”, đại thể gồm: Kiên trì sự lãnh đạo của ĐCS Trung Quốc, kiên trì “nhân dân là tối thượng”, kiên trì sáng tạo lý luận, kiên trì độc lập tự chủ, kiên trì “con đương Trung Quốc”, kiên trì “quan tâm thiên hạ”, kiên trì mở đường đổi mới, kiên trì “dám đấu tranh”, kiên trì “mặt trận thống nhất”, kiên trì”tự cách mạng mình”. “Mười minh xác” (xác định rõ ràng), ngoài khẳng định lại sự lãnh đạo của Đảng, chế độ XHCN, “nghiêm khắc quản trị Đảng”, sự thay đổi của mâu thuẫn xã hội chủ yếu của Trung Quốc, còn xác định xác định rõ ràng “bố trí tổng thể 5 trong một (xây dựng 5 lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, văn minh sinh thái trong một thể thống nhất) và “sắp xếp chiến lược 4 toàn diện” (toàn diện xây dựng quốc gia XHCN hiện đại hóa, toàn diện đi sâu cải cách, toàn diện “dĩ pháp trị quốc”, toàn diện nghiêm khắc quản trị Đảng); xác định rõ ràng việc xây dựng hệ thống pháp trị, nhà nước pháp trị XHCN; Xác định “phát triển chất lượng cao, đồng bộ và an toàn”; xác định nhiệm vụ xây dựng quân đôi Trung Quốc trở thành “đội quân loại 1 thế giới”; xác định thúc đẩy Ngoại giao nước lớn phục vụ phục hưng dân tộc , tiến bộ nhân loại, xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới, kiến tạo Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại…

– Cái mới rõ ràng nhất là Trung Quốc đã có được một cơ sở vật chất đồ sộ, toàn diện, vững chắc và ngày càng tiếp cận với trình độ tiên tiến của thế giới. Mười năm qua,  thực lực kinh tế Trung Quốc có bước phát triển mang tính lịch sử: Tổng lượng kinh tế Trung Quốc đã từ 54.000 tỉ NDT năm 2012 (tương đương 7.990 tỉ usd) lên 114.000 tỉ NDT năm 2021 (tương đương 17.000 tỉ usd), tăng 1,8 lần; Trong 10 năm đầu của thế kỷ XXI, tổng lượng kinh tế của Trung Quốc lần lượt vượt qua Ý (2001), Pháp (2005), Anh (2006), Đức (2007) và Nhật (2010), trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Tỉ trọng kinh tế Trung Quốc/thế giới từ 13,5% năm 2012 lên 18% năm. Trong 12 năm từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 đến 2020, GDP Trung Quốc tăng 10.140 tỉ usd, Mỹ tăng 6.230 tỉ usd, trên 200 quốc gia còn lại chỉ tăng 4.630 tỉ usd, không bằng ½ mức tăng của Trung Quốc. Trong tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, đổi mới sáng tạo đã trở thành động lực thúc đẩy số một. Mười năm qua, chi phí cho nghiên cứu phát triển của Trung Quốc đã tăng từ 1.000 tỉ NDT lên 2.800 tỉ NDT, đứng thứ hai thế giới; tỉ lệ cống hiến của tiến bộ khoa học kỹ thuật cho tăng trưởng kinh tế  tăng từ 52,2% lên 60%;  thu nhập của các doanh nghiệp kỹ thuật cao tăng từ 9,95 ngàn tỉ NDT năm 2012 lên 19,91 ngàn tỉ NDT năm 2021. Chỉ số sáng tạo toàn cầu của Trung Quốc từ thứ 34 lên thứ 11; số lượng bản quyền đăng ký 3 năm liền đứng đầu thế giới; Từ năm 2011 dến tháng 9/2021, số luận văn của Trung Quốc được quốc tế đăng tải lên đên 4, 29 vạn bản,  chiếm tới 24,8% toàn cầu… Theo Báo cáo của WB ngày 28/11/2022, “Tỉ lệ cống hiến của Trung Quốc cho tăng trưởng kinh tế thế giới từ 2013 – 2021 cao hơn tổng cống hiến của các nước G7 (Trung Quốc 38,6%, các nước G7 25,7%, trong đó Mỹ chiếm 18,6%.). Tốc độ tăng trưởng trung bình của kinh tế Trung Quốc giai đoạn 2013 – 2021 đạt 6,6%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng bình quân 2,6% của kinh tế toàn cầu và cũng cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân  3,7% của các nước đang phát triển trong cùng thời kỳ… Trung Quốc cũng đã cung cấp nhiều sản phẩm cao cấp cho chuỗi giá trị toàn cầu: tàu thăm dò sao hỏa “Thiên vấn số 1”, tàu “Thường Nga số 4” lần đầu tiên thăm dò mặt trăng, hệ thống giao thông từ tính tốc độ 600km/h ra đời, máy bay chở khách siêu lớn C 919…

– Phát triển của Trung Quốc đồng bộ hơn, cân bằng hơn, kết cấu kinh tế và phương thức phát triển đi dần vào hiện đại hóa: Chỉ số Gini (chỉ số công bằng trong phân phối) được cải thiện, chênh lệch thu nhập thành thi/nông thôn được rút ngắn. Phát triển xanh của Trung Quốc cũng đạt những thay đổi mang tính bước ngoặt, bảo vệ môi trường được đặt làm yếu tố hàng đầu trong ý thức và thực tiễn phát triển. Mười năm qua, tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP đã giảm 26,4%; tỉ trọng của than trong năng lượng sử dụng gỉam 12,5%; công suất phát điện bằng năng lượng tái sinh đã tăng gần 3 lần so với 10 năm trước, chiếm trên 30% tổng công suất năng lượng tái sinh toàn cầu; đã đào thải và xử lý 300 triệu tấn thép, 400 triệu tấn xi măng, 150 triệu thùng kính tấm, tạo sơ sở cho giảm tiêu hao năng lượng và khí thải, bảo vệ môi trường…

– Mở cửa đối ngoại phát triển ở trình độ cao. Từ 2019 – 2021, tốc độ tăng trưởng sử dụng trên thực tế vốn đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc đạt 10,8%/năm, cao hơn mức bình quân 9,1% của thế giới; Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc tăng từ  24,4 nghìn tỉ NDT năm 2012 (khoảng 3600 tỉ usd) lên 39,1 nghìn tỉ NDT năm 2021 (khoảng 5700 tỉ usd), 5 năm liền đứng đầu thế giới, chiếm tỉ trọng trong thị trường quốc tế tăng từ 10,4% năm 2012 lên 13,5% năm 2021, địa vị nước lớn nhất về mậu dịch hàng hóa toàn cầu càng được củng cố.

Trung Quốc đã có được một cơ sở vật chất đồ sộ, toàn diện, vững chắc và ngày càng tiếp cận với trình độ tiên tiến của thế giới. Hình ảnh thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX

– Trung Quốc cũng đang hướng tới mục tiêu “toàn dân cùng giàu lên”, đã thực hiện cuộc giảm nghèo quy mô lớn nhất thế giới, giải quyết triệt để vấn đề “nghèo tuyệt đối” vào năm 2020, thực hiện vượt mức mục tiêu giảm nghèo 2030 của Liên hợp quốc; hình thành quần thể tầng lớp trung lưu quy mô lớn nhất thế giới gồm 400 triệu người; hệ thống giáo dục, hệ thống bảo hiểm xã hội, hệ thống vệ sinh y tế quy mô lớn nhất thế giới… Chỉ số phát triển con người tăng cao rõ rệt, năm 1990 Trung Quốc dược xếp trong số 47 quốc gia kém phát triển, đến nay Trung Quốc là nước duy nhất trong số 47 quốc gia đó được xếp vào loại có chỉ số phát triển con người cao toàn cầu….

Tất cả những nét mới đó đã tạo nên một “Trung Quốc thời đại mới” đầy tự tin, rất quyết đoán và luôn tự chủ chiến lược; tạo nên phong thái mới, tư thế mới và phương thức hành xử mới của Trung Quốc khiến cho thế giới vừa vị nể, vừa e ngại, vừa cảnh giác đề phòng.

2. Sự điều chỉnh cách nhìn nhận thế giới và phong cách hành vi của Trung Quốc sau khi đi vào “thời kỳ mới”.

a. Trung Quốc nhìn nhận thế giới bằng con mắt của “kẻ mạnh” và định vị Trung Quốc là người dẫn dắt của một thế giới đang trong đại biến động 100 năm chưa từng có:

– Trung Quốc cho rằng, thế giới đang trong thời kỳ động loan, đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có nhưng “thế giới đa cực hóa, kinh tế toàn cầu hóa, quan hệ quốc tế dân chủ hóa” vẫn không thay đổi; hòa bình và phát triển vẫn là chủ đề chính của thời đại mặc dù vẫn còn các thế lực tìm cách cản trở tiến trình này. Trung Quốc thường phân định mặt chính nghĩa và phi nghĩa trong trật tự thế giới và khẳng định họ luôn đứng về phía chính nghĩa, không những thế, là chỗ dựa, là thành trì, là người dẫn dắt của thế giới đang phát triển. Trung Quốc cũng luôn khẳng định họ là “người kiến tạo hòa bình, người thúc đẩy phát triển và là người bảo đảm an ninh” cho toàn cầu.

– Trung Quốc cũng cho rằng, so sánh lực lượng trong thế giới đa cực đang phát triển theo hướng cân bằng hơn, trong đó các lực lượng mới trỗi dây và đang phát triển đang đại diện cho xu thế đi lên, Mỹ và phương Tây đang ở xu thế đi xuống; thế và lực của Mỹ đang suy giảm, vai trò lãnh đạo của Mỹ đang bị thách thức ngaỳ càng nghiêm trọng; trật tự thế giới do Mỹ và phương Tây chủ đạo ngày càng tỏ ra không phù hợp với thực tiễn thế giới mới, cần thay đổi và Trung Quốc sẽ đóng vai trò chủ đạo trong tiến trình thay đổi đó. Tuy nhiên cuộc cạnh tranh, đối đầu giữa hai xu hướng vẫn tiếp tục, thậm chí là ngày càng quyết liệt; thế giới vẫn chưa bình yên…Quan điểm của Trung Quốc về thế giới đương đại đang được điều chỉnh theo hướng hài hòa hơn, khách quan hơn nhưng với con mắt của “kẻ mạnh” và điều này đang chi phối tư thái và chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

b. Quan hệ giữa Trung Quốc với thế giới

– Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ rõ “Trung Quốc ngày nay là một Trung Quốc liên hệ mật thiết với thế giới. Phát triển của Trung Quốc không thể tách rời thế giới, sự phồn vinh của thế giới cũng cần đến Trung Quốc. Trước sau Trung Quốc vẫn đặt mình trong trào lưu phát triển lớn của nhân loại, trong đại cục phát triển của thế giới, tác động lẫn nhau, cùng phát triển” (Tập Cận BÌnh, “Thư chúc mừng năm mới” 2023)… Trung Quốc cũng cho rằng, toàn cục chiến lược phục hưng dân tộc Trung Hoa hiện nay đan xen mang tính lịch sử với cục diện đại biến đổi 100 năm chưa từng có của thế giới; quan hệ giữa Trung Quốc với thế giới đang thay đổi sâu sắc. Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với thế giới chưa bao giờ toàn diện, sâu sắc, lâu dài như ngày nay; sự quan tâm của thế giới với Trung Quốc cũng chưa bao giờ rộng lớn, sâu đậm và tập trung như ngày nay (“Trung Quốc ngày nay là một Trung Quốc liên hệ mật thiết với thế giới” – “Nhân dân nhật báo” 24/2/2023). Cách lập luận của Trung Quốc nhằm phản bác quan điểm của một số thế lực phương Tây với ý đồ cô lập Trung Quốc, thực hiện quá trình “thoát Trung”, ngăn chặn sự kết nối giữa Trung Quốc với thế giới, qua đó để giảm ảnh hưởng đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc trên trường quốc tế.

c. Thực tiễn hành vi luôn mang tính chủ động chiến lược

– Các ý tưởng và đề xướng của Trung Quốc đều nhằm tìm kiếm vai trò dẫn dắt quá trình quản trị toàn cầu: BRI (2013), AIIB (2015), BRI được đưa vào Nghị quyết của Liên hợp quốc (2018, sau 5 năm đề xướng, đã có hơn 140 quốc gia và 32 tổ chức quốc tế tham gia)… Nhiều ý tưởng của Trung Quốc được quốc tế thừa nhận, một số “phương án Trung Quốc” trở thành hành động quốc tế, “trí tuệ Trung Quốc”, “thương hiệu Trung Quốc” ngày càng đi vào các ngõ ngách của thế giới, góp phần tạo ấn tượng về một “Trung Quốc thời đại mới”.

– Trung Quốc luôn tìm cách thể hiện mình trước thế giới: Năm 2010, Trung Quốc tổ chức Hội chợ triển lãm quốc tế Thượng Hải, trên 70 triệu lượt người tham dự; năm 2019, Hội chợ triển lãm nhập khẩu quốc tế Thượng Hải đã thu hút trên 3000 xí nghiệp từ 150 quốc gia/khu vực tham dự, thị trường Trung Quốc càng mở rộng. Năm 2012, Đại hội XVIII ĐCS Trung Quốc bắt đầu khởi điểm lịch sử mới của Trung Quốc, tập trung sự chú ý của quốc tế; năm 2013, Hội nghị Trung ương 3 – Khóa XVIII ĐCS Trung Quốc (09-12/11/2013) ra Nghị quyết về “Đi sâu toàn diện cáỉ cách mở cửa” trên 5 lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, văn minh sinh thái, tạo ra nhiều cơ hội mới cho thế giới; năm 2017, Đại hội XIX ĐCS Trung Quốc xác lập địa vị lịch sử của “Tư tưởng CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới Tập Cận Bình”, Trung Quốc đi vào “Thời đại mới”; “thúc đẩy kiến tạo quan hệ quốc tế kiểu mới”, “thúc đẩy xây dựng cộng đồng chung vận mệnh nhân loại” đã trở thành mục tiêu tổng thể của “Ngoại giao nước nước lớn đặc sắc Trung Quốc thời đại mới”, coi đây là “phương án Trung Quốc” cho việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Trung Quốc tăng cường quan hệ đối ngoại để tạo nên cục diện mới. Hình ảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng phu nhân tiếp đón vợ chồng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, Florida hôm 6/4/2017. Ảnh: Reuters

– Trung Quốc đã thực hiện một quá trình công phu để tạo nên cục diện mới: Năm 2011, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào thăm Mỹ, hai bên quyết định thành lập “Quan hệ đối tác hợp tác Trung – Mỹ” với nội hàm “tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi, cùng thắng”; năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Nga, Mỹ, Đông Nam Á, đưa ra đại dự án “Vành đai Con đường” (BRI); năm 2015, ông Tập Cận Bình đã 8 lần đi thăm nước ngoài, gồm 14 nước tại 4 châu lục. Năm 2017, cuộc gặp Tập – Trump tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, và Tổng thống Trump thăm Trung Quốc, tạo ra hi vọng cho thế giới về triển vọng cải thiện của quan hệ Trung – Mỹ, nhưng hi vọng đó đã tiêu tan với sự bùng phát của cuộc đối đầu mới Trung – Mỹ sau chiến lược An ninh quốc gia của Tổng thống Trump tháng 12/2017.

Có thể nói, từ 2010 đến 2019, trong bối cảnh bất định của thế giới, tiêu biểu là sự gia tăng đối đầu Trung – Mỹ và sự tàn phá chưa từng có của  đại dịch Covid-19, Trung Quốc đã luôn đứng ở hàng đầu trong cục diện quốc tế.

– Khi xảy ra chiến tranh Nga – Ukraine, Trung Quốc càng thể hiện bản lĩnh và tính chủ động chiến lược của mình. Mỹ và phương Tây không chỉ thông qua chiến tranh Nga – Ukraine để đánh gục Nga mà còn để phá “liên minh trên thực tế Trung – Nga”, hạ ảnh hưởng của Trung Quốc, không ngừng gây sức ép, đe dọa trừng phạt Trung Quốc nếu “đứng hẳn về phía Nga”. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc công khai tuyên bố sẽ “căn cứ vào đúng sai, phải trái của sự việc để phán đoán, đưa ra chính sách của mình, không ngừng nhấn mạnh quốc tế phải quan tâm đến các “lo ngại an ninh chính đáng của các quốc gia” (chính là lo ngại của Nga về tiến trình “Đông tiến” của NATO, thực chất là sự ủng hộ đối với Nga). Mặc cho những răn đe của Mỹ và phương Tây, Trung Quốc vẫn hành động theo những mục tiêu và kế hoạch định sẵn của mình: 20 ngày trước cuộc chiến bùng nổ, Trung Quốc đã mời Tổng thống Nga V. Putin đến Bắc Kinh (4/2/2022), vào dịp cuộc chiến diễn ra 1 năm, lần lượt có các đoàn: nhà ngoại giao kỳ cựu Vương Nghị (tháng 2/2023), Chủ tịch Tập Cận Bình (tháng 3/2003), Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc (đầu tháng 4/2023) thăm Nga với mục đích là củng cố và tăng cường “quan hệ đối tác chiến lược Trung – Nga thời đại mới”; hai bên đã đưa ra nhiều tuyên bố chung mang tính chất “hợp đồng chiến lược”, khẳng đinh mục tiêu và phương hướng mới của quan hệ Trung – Nga là “bảo vệ lẫn nhau, kết nối chiều sâu, đổi mới sáng tạo, cùng hưởng cùng thắng”. Trung Quốc còn đưa ra phương án 12 điểm giải quyết chính trị vấn đề Ukraine, đang được thê giới quan tâm và Trung Quốc đang cho thấy họ sẽ nỗ lực đóng vai trò dẫn dắt quá trình này. Trong khi đó, Trung Quốc ra sức mở rộng không gian chiến lược, tạo ra những “chiến trường Ngoại giao mới” trong triển khai ngoại giao nước lớn toàn phương vị của mình: Đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược với khu vực Trung Đông, đặc biệt là với Arab Saudi, đang hình thành tam giác chiến lược Trung Quốc – Nga – Iran tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi (qua chuyến đi Trung Đông của Chủ tịch Tập Cận Bình tháng 12/2022 và qua vai trò trung gian hòa giải của Trung Quốc để Iran và Saudi Arabi tái lập quan hệ ngoại giao…); củng cố và tăng cường vai trò của BRICS, SCO, thúc đẩy quan hệ với Trung Á (Chủ tịch Tập Cận Bình dự Thượng đỉnh SCO và thăm Trung Á tháng 9/2022); Trung Quốc cũng củng cố quan hệ với các nước Châu Phi, Mỹ Latinh… triển khai cuộc tập hợp lực lượng mới trên phạm vi toàn cầu. Thực tế đang chứng tỏ Trung Quốc đã không còn coi trọng các tác động của bên ngoài, nhất là các sức ép từ Mỹ và phương Tây đến việc hoạch định và thực thi chiến lược và chính sách của Trung Quốc như trước nữa, nhân tố Mỹ không còn vai trò chi phối việc triển khai ngoại giao tổng thể của Trung Quốc như trước nữa. Đây có lẽ là sự thay đổi lớn nhất trong tư duy đối ngoại và thực tiễn ngoại giao Trung Quốc thời gian gần đây.

Thay cho kết luận: 

– Với những gì đã có và đang được củng cố, Trung Quốc sẽ bước vững chắc từ “nước lớn kinh tế” lên “cường quốc kinh tế”, tạo cơ sở để xây dựng cường quốc hiện đại hóa XHCN vào giữa thế kỷ. Sau Covid-19, Trung Quốc có điều kiện và năng lực để đóng vai trò động lực phát triển của kinh tế toàn cầu. Vai trò của Trung Quốc trong các tổ chức quốc tế và hệ thống quản trị toàn cầu càng nổi bật, ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc càng lên cao. Đó có thể là sự đánh giá tổng quát về Trung Quốc trong 10 năm tới.

– Phát triển của Trung Quốc sẽ giúp thúc đẩy cục diện  đa cực hóa , dân chủ hóa quan hệ quốc tế; củng cố và tăng cường xu thế toàn cầu hóa kinh tế; Trung Quốc sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong thúc đẩy hòa bình và phát triển toàn cầu. Tuy nhiên cạnh tranh nước lớn do sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng sẽ gay gắt quyết liệt hơn, đặc biệt là tại khu vức châu Á – Thái Bình Dương. Mặt khác, địa vị nước lớn của Trung Quốc ngày càng được thể hiện trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị và quản trị toàn cầu; Trung Quốc ngày càng có thế và lực để đảm bảo các lợi ích của mình và răn đe các đối thủ. Trung Quốc “mạnh lên”, cái gọi là “sắc thái”, “khí phách”, “sự ưu việt” của “kẻ mạnh” sẽ được Trung Quốc thể hiện nhiều hơn, thường xuyên hơn và trên nhiều lĩnh vực hơn. Nhân tố bên ngoài ngày càng trở nên thứ yếu trong hoạch định chính sách của Trung Quốc; đây là nhân tố mà các quốc gia phải chú ý khi hoạch định chính sách của mình, nhất là chính sách đối với Trung Quốc.

– Đối với ASEAN, Trung Quốc ngày càng có vai trò trong hợp tác phát triển khu vực Đông Nam Á và Tiểu vùng Mekong, Trung Quốc đã đứng chân sâu hơn vào Đông Nam Á;  đồng thời cạnh tranh Trung – Mỹ tại khu vực cũng quyết liệt hơn; tạo ra cục diện “kinh tế mậu dịch dựa vào Trung Quốc”, “Chính trị – an ninh dựa vào Mỹ” rất phức tạp ở khu vực; nhiều nước trong khu vực đang tính đến khả năng “chọn bên”, càng làm cho ASEAN chia rẽ hơn, không có tiếng nói chung. Quan hệ ASEAN – Trung Quốc vẫn bị cản trở chủ yếu bởi vấn đề Biẻn Đông và đây vẫn là vấn đề lâu dài, dù các bên có thể sẽ đạt được COC trong thời gian tới.

– Đối với Việt Nam, sự trỗi dậy của Trung Quốc vừa tạo nhiều cơ hội vừa gây ra những thách thức. Cơ hội chủ yếu được tạo ra trên lĩnh vực hợp tác phát triển kinh tế thương mại và sự phối hợp trên các diễn đàn quốc tế về các vấn đề hai bên có lợi ích tương đồng. Các thách thức chủ yếu xuất phát từ sự bất đối xứng giữa hai nền kinh tế và tham vọng của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Mặc dù cơ hội có nhiều nhưng các thách thức cũng rất lâu dài và rất khó vượt qua; cơ hội và thách thức vẫn cùng tồn tại lâu dài trong quan hệ Việt – Trung.

Trung Quốc đang ở vị thế mới, đi ra thế giới với tư thế mới, đó là đặc trưng mới của Trung Quốc trong thế giới đương đại. Trong điều kiện đó, thái độ “kẻ mạnh”, “sĩ diện nước lớn” của Trung Quốc càng được thể hiện thường xuyên, trở thành thứ “bất khả xâm phạm” của Trung Quốc trong quan hệ quốc tế của Trung Quốc; đó là điểm nhấn mới trong Ngoại giao Trung Quốc, với Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Lộ trình đầy tham vọng, Trung Quốc đầy tự tin, đầy quyết tâm để đi đến mục tiêu. Thế giới còn lắm nghi ngờ, nhiều băn khoăn và lo ngại. Con đường phía trước của Trung Quốc sẽ không bằng phẳng, các lực cản có thể dự báo và chưa thể dự báo chắc chắn còn rất nhiều. Liệu Trung Quốc có đi đến mục tiêu của họ một cách bình an vô sự với tư thế hãnh tiến vốn có của người Trung Quốc hay không? Đó là câu hỏi chưa có câu trả lời trọn vẹn, còn phải tiếp tục quan sát, đánh giá.■

Tùng Lâm

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN