Việt Nam trên báo Mỹ: Những cú đấm bão táp hướng về cuộc đàm phán hòa bình

Tạp chí Phương Đông giới thiệu với bạn đọc phóng sự ảnh của Co Rentmeester, Larry Burrows và Tim Page về tình hình chiến sự ác liệt ở miền Nam Việt Nam đăng trên Tạp chí LIFE số ra ngày 17/5/1968, trong bối cảnh Hội nghị Paris chuẩn bị khai mạc. Khi chuyển ngữ, chúng tôi giữ nguyên lối hành văn của các tác giả để đảm bảo tính khách quan.

Cuộc đụng độ bất ngờ trong một nghĩa trang cũ của người Pháp

Trong khi tìm kiếm quân Việt Cộng tấn công Sài Gòn, binh lính Việt Nam Cộng hòa tiến quân xuyên một nghĩa trang, ngang qua những ngôi mộ của lính Pháp bị cộng sản tiêu diệt 15 năm trước.
Dán mình xuống đất trong một nghĩa trang Pháp gần căn cứ không quân Tân Sơn Nhứt, một người lính Nam Việt chỉ tay về phía các tòa nhà nơi Việt Cộng đang ẩn náu với súng trường và súng cối.
Phóng viên ảnh Co Rentmeester của LIFE, cùng với Don Moser, đang chờ cứu thương đến sau khi bị một viên đạn của Việt Cộng xuyên thủng bàn tay trái

Tại Paris đàm phán hòa bình được nhóm họp…

Ta ta, t’an t’an. Chỉ có giai điệu tiếng Trung giật cục của câu cách ngôn Mao Trạch Đông cũ kĩ này mới có thể giải thích cho chiến lược của Bắc Việt. Đánh đánh, đàm đàm.

Tại Sài Gòn, quân cộng sản gieo rắc kinh hoàng trên đường phố trong cuộc tổng tiến công dữ dội nhất kể từ Tết. Tại Paris, Xuân Thủy, một nhà cách mạng trọn đời trong bộ com lê trang trọng, ngồi xuống bàn đàm phán kết thúc chiến tranh.

Ông Xuân Thủy, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Việt, xuất hiện sau khi đã nghỉ hưu để dẫn đầu phái đoàn cộng sản tại hòa đàm Paris. Đồng hành cùng ông là Đại tá Hà Văn Lâu, một nhà ngoại giao – quân nhân.
Đại tá Hà Văn Lâu
Ông Mai Văn Bộ, Tổng Đại diện của Bắc Việt tại Paris, không tham gia phái đoàn. Nhưng là nhà ngoại giao cao cấp nhất của Hà Nội ở Tây Âu, ông sẽ đóng một vai trò lớn trong quá trình thương lượng.

Câu khẩu lệnh của Mao từng có hiệu quả khi đối chọi với Hoa Kỳ ở Triều Tiên và thậm chí còn có sức tàn phá khi đấu với quân Pháp ở Đông Dương – Điện Biên Phủ rơi vào tay những người cộng sản chỉ một ngày trước khi hội nghị Geneva bắt đầu. Người đứng đầu nhóm đàm phán của Hoa Kì tại Paris, Averell Harriman, đã trải nghiệm trực tiếp chiến thuật đánh-và-đàm; ông từng ngồi đối diện với Xuân Thủy phía bên kia bàn đàm phán trong khi những nỗ lực dàn xếp cuộc chiến ở Lào kéo dài tới 15 tháng.

Hai chuyên gia hòa giải kì cựu đại diện cho Hoa Kỳ tại đàm phán Paris: Averell Harriman, vị đại sứ lưu động trẻ mãi không già, và Cyrus Vance, người đã đàm phán thành công hòa bình cho đảo Síp (Cyprus).

Lúc này, hai ngày sau khi đồng ý bắt đầu đàm phán tại Paris, Bắc Việt đột ngột leo thang hoạt động chiến sự. Sau khi nã pháo cối vào các thành phố, thị trấn và căn cứ từ Đông Hà vào Nam đến tận đồng bằng sông Mekong, các đoàn quân cộng sản cũng tấn công hàng tá công trình. Tại Sài Gòn mục tiêu quan trọng nhất là Chợ Lớn, khu người Hoa, và căn cứ không quân Hoa Kỳ tại Tân Sơn Nhứt, nơi quân Việt Cộng và quân chính quy Bắc Việt – với nhóm thứ hai, đây là lần đầu tiên họ tham chiến toàn lực ở Sài Gòn – thọc sâu xung quanh hai nghĩa trang. Lính Việt Nam Cộng hòa phản công bằng xe tăng, và với sự hỗ trợ của bộ binh và trực thăng chiến đấu của Hoa Kỳ, đẩy quân địch đang cố thủ ra khỏi từng ngôi nhà.

Các tài liệu thu giữ được từ Việt Cộng cho thấy những vụ tấn công này được thực hiện như một nhiệm vụ tâm lí ngắn hạn “để gây áp lực trên bàn đàm phán tại Paris”. Tuy nhiên tình báo Hoa Kỳ dự đoán rằng Bắc Việt đang xây dựng lực lượng cho một cuộc tổng tiến công kéo dài ở miền Nam. Từ khi cuộc mặc cả về địa điểm tổ chức đàm phán khởi sự hồi đầu tháng Tư, Hà Nội đã đổ hàng đoàn xe tải khổng lồ chở khoảng 35.000 tân binh vào miền Nam và đã tận dụng giai đoạn kiềm chế ném bom của Hoa Kỳ để nạo vét các khu cảng bị tắc nghẽn, nơi vũ khí được dỡ xuống từ các tàu vận tải. Trong khi các nhà ngoại giao của họ đàm phán, những chiến binh cộng sản rõ ràng sẵn sàng chấp nhận mức độ thương vong nặng nề của kiểu chiến tranh tâm lí đẫm máu ấy.

Nét mặt nhiều khả năng sẽ chỉ thay đổi chút ít. Đôi mắt sáng sẽ chằm chằm nhìn thẳng sang phía bên kia bàn đàm phán. Mái tóc đen bóng mượt, bộ com lê nhẹ và chiếc cà vạt lụa sẽ gọn gàng và đúng mực. Lời nói của Xuân Thủy sẽ là những bài diễn thuyết lê thê của một cán bộ tuyên giáo và nhà đàm phán cộng sản chuyên nghiệp, làm tê liệt trí óc và xói mòn sự kiên nhẫn. Ông chính là hiện thân của cỗ máy tuyên truyền cổ động kiểu cộng sản đặc trưng, với sự kết hợp tổng hòa các kĩ năng của một nhà hùng biện, cán bộ khu vực, phóng viên, nhà tâm lí học xã hội, nhà ngoại giao, người truyền bá chủ nghĩa Mác – và thường là với tất cả những khiếm khuyết của các nghề nghiệp trên. Một đại biểu phương Tây từng tham dự hội đàm về Lào, nơi Xuân Thủy đảm nhận vai trò phó chủ tịch đoàn đàm phán Bắc Việt, nhớ lại cách cư xử của ông ở đó: “Có những kẻ cứng rắn, những người ở giữa và những kẻ mềm mỏng. Phía Trung Quốc toàn người cứng rắn và Xuân Thủy sát cánh với họ từ đầu đến cuối. Ông ta không nói quá nhiều, nhưng mỗi khi ông ta mở miệng thì chẳng có lợi gì cho chúng ta”.

Dù không có nhiều thông tin được biết đến về đời sống riêng của ông Xuân Thủy – ông đã có gia đình, có con và làm thơ – cuộc đời ông trong vai trò nhà cách mạng thì được ghi lại đầy đủ và xuyên suốt. Ông sinh năm 1912 và tham gia vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ở tuổi 14 để chiến đấu chống lại sự cai trị của Pháp ở Đông Dương. Ông từng bị Pháp bắt hai lần trong những năm 1920, và sau đó lại bị họ bỏ tù vào thời điểm nổ ra Đệ nhị Thế chiến. Được thả vào năm 1945, Xuân Thủy trở thành Tổng Biên tập tờ báo chính thức của Việt Minh. Năm 1950 ông bắt đầu thực hiện các chuyến công du khắp thế giới, giúp ông trở thành một trong những nhà ngoại giao Việt Nam giàu kinh nghiệm ở nước ngoài nhất. Mười ba năm sau, sau khi đảm nhận vai trò trong phái đoàn hội nghị Geneva về Lào, ông trở thành Bộ trưởng Ngoại giao, rồi năm 1965 thì bị cho thôi chức và nghỉ hưu với lí do bề ngoài là sức khỏe yếu. Một nhà ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng ông được đưa trở lại chính trường lần này để dẫn đầu phái đoàn đến Paris bởi vì ông làm tốt chuyện này, lại không thuộc phe nhóm nào trong đảng, và từng có kinh nghiệm thương thuyết với Averell Harriman.

Người số hai sau ông Xuân Thủy ở Paris là Đại tá Hà Văn Lâu, một quân nhân đã tham gia chiến tranh du kích chống Pháp ở Đông Dương, sau đó góp phần đàm phán hòa bình với Pháp năm 1954. Ông cũng từng là thành viên phái đoàn Bắc Việt ở hội nghị về Lào. Cao ráo và rắn rỏi, ông nói tiếng Pháp trôi chảy, có tác phong thu hút và đầu óc cứng rắn.

Không ai kì vọng ông Thủy và ông Lâu hành động nhanh chóng trong phiên đàm phán. Một nhà ngoại giao Pháp có kinh nghiệm nhiều năm thương thảo với Bắc Việt dự báo: “Trước tiên Xuân Thủy sẽ một mực đòi kết thúc gây hấn. Sau đó ông ta sẽ đưa ra định nghĩa của mình về gây hấn. Chuyện này sẽ tốn nhiều thời gian. Thời gian chẳng có ý nghĩa gì với người Việt cả – họ sẽ đánh và đàm. Họ đã làm điều đó với chúng tôi. Họ sẽ tiếp tục làm thế với các ông”.

Tại Sài Gòn, đối phương gây sức ép mạnh mẽ

Bắn xối xả vào các tòa nhà đang bốc cháy nơi quân Việt Cộng đang cố thủ, lính Việt Nam Cộng hòa tại Sài Gòn giữ vững cây cầu trên xa lộ dẫn đến căn cứ Hoa Kỳ tại Biên Hòa.
Một nhà sư với gói đồ dùng cá nhân trên tay, bình thản bước qua cầu.
Một người lính VNCH đeo mặt nạ phòng độc và nón bảo hiểm đang bịt mắt một chiến sĩ Việt Cộng bị bắt trong cuộc khám xét từng nhà.

Co Rentmeester, Larry BurrowsTim Page

Phan Xích Linh dịch

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN