Hồ Chí Minh – Một con người kiên định

Tháng 3/1968, khi chiến sự tại Việt Nam vẫn đang diễn ra ác liệt, Tạp chí LIFE, số ra ngày 22/3/1968, đã đăng ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh lên trang bìa và đăng nhiều ảnh khác trong bài viết mà họ gọi là “một khảo cứu để tìm hiểu đối thủ”. Nhân dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890), Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu với bạn đọc bản dịch nguyên văn bài báo này (không rõ tác giả).

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên bìa Tạp chí LIFE số ra ngày 22 tháng 3 năm 1968

Ngay cả tên thật của đối thủ kiên định của Hoa Kì là gì, ta cũng không thể chắc chắn. Có lẽ ông được đặt tên Nguyễn Tất Thành (“Nguyễn, người chắc chắn sẽ thành công”) khi sinh ra vào ngày 19/5/1890. Ông từng làm phụ bếp trên một chiếc tàu thuỷ của Pháp, làm đầu bếp bánh ngọt cho Escoffier[1] ở Luân Đôn, tự học nói trôi chảy nửa tá ngôn ngữ, biết đến Lênin và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Tiểu sử cuộc đời ông có những khoảng trống lớn; vào năm 1962 ông từng đề nghị kí giả danh tiếng Bernard Fall cho phép một người già như ông “được ra vẻ bí ẩn về bản thân mình một chút”.

Hồ Chí Minh – cái tên này là một bí danh ông sử dụng từ những năm 1940 – thực sự là một con người bí ẩn. Nhưng người Mĩ cần biết mọi điều về người đàn ông này và những trải nghiệm đã hình thành con người ông. Trong những năm 1920 ông Hồ có mặt ở Moskva, nơi ông viết các bài công kích kịch liệt chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Hoa Kì. Những năm 1930 ông bị bắt ở Hồng Kông vì làm đặc vụ cho Quốc tế Cộng sản rồi được thả. Đầu những năm 1940 ông bị Quốc dân Đảng Trung Quốc bắt giữ rồi lại được thả. Vào những năm cuối của Đệ nhị Thế chiến, khi ông cộng tác với Cơ quan Tình báo Chiến lược Hoa Kì (OSS – US Office of Strategic Services), có tin đồn rằng ông Hồ là “người của Mỹ”.

Các nhân viên OSS nhớ về ông Hồ như “một anh chàng ngọt ngào dễ sợ”, người háo hức muốn có được một bản sao Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kì; đoạn “Mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng” trong bản tuyên ngôn 1945 của ông Hồ được trích nguyên văn từ tuyên ngôn của Jefferson. Khi ấy, cũng như sau này, Hồ Chí Minh gợi lên hình ảnh một ông già Noel gầy gò với cử chỉ của Gandhi và tinh thần thép. Paul Mus, một học giả nghiên cứu đông phương người Pháp, người từng phụ trách một số đàm phán tế nhị với ông Hồ trong giai đoạn 1945 – 1947, vẫn cho rằng ông “trên cả thiên tài… là con người vĩ đại nhất tôi từng gặp”.

Hồ Chí Minh không phải, và chưa từng là một nhà cách mạng phù hợp với các công thức rập khuôn phương Tây. Ông chớp lấy học thuyết của Lênin như một phương tiện thiết thực để chống lại chủ nghĩa thực dân, nhưng “chủ nghĩa quốc tế cộng sản” của ông luôn được tiết chế bằng chủ nghĩa dân tộc kiểu Việt Nam. Ông không bao giờ gửi gắm 100% vào Moskva hay Bắc Kinh; Averell Harriman có lần đã nhận xét rằng các lãnh đạo Hà Nội để “trái tim ở Moskva nhưng dạ dày thì ở Bắc Kinh”. Một người Mĩ từng quen biết ông Hồ từ những năm 1940 nói thêm rằng: “Ông ta hoàn toàn cứng đầu. Tôi ngờ rằng chẳng bao giờ có cách nào đối phó với ông Hồ. Ông chỉ có một ước mơ duy nhất, đó là tự do cho Việt Nam”.

Trong hơn 30 năm lưu vong, Hồ Chí Minh đã du hành qua nhiều nơi trên thế giới, trong đó có cả Hoa Kì. Trong ảnh trên, khi còn là một đại biểu trẻ tham dự Đại hội Đảng Xã hội Pháp năm 1920, ông Hồ buộc tội nước Pháp “bóc lột và đày đọa một cách trơ tráo” quê hương ông. Khi các đảng viên Đảng Xã hội chia rẽ vì bất đồng về chính sách thuộc địa, Hồ Chí Minh đã góp phần thành lập Đảng Cộng sản Pháp, và vào năm 1922, ông tham dự một Đại hội Cộng sản ở Moskva cùng với các đại biểu châu Á khác. Gần như không hề mềm dịu đi vì tuổi tác, nhà cách mạng già hút một điếu thuốc lá trong một buổi phỏng vấn diễn ra năm 1964 tại Hà Nội (ảnh dưới).

Những hình ảnh thoáng qua trong thời chiến về Hồ Chí Minh mà người Mĩ từng quen biết và giúp đỡ

Đó là thời điểm những năm 1944 – 1945 khi ông Hồ đang cộng tác với người Mĩ để đuổi người Nhật ra khỏi Đông Dương – và hi vọng rằng Hoa Kì sẽ không để người Pháp quay lại – đây chính là lần duy nhất người Mĩ được nhìn rõ người đàn ông này. Cơ quan Tình báo Chiến lược cung cấp vũ khí và đạn dược cho ông Hồ (cho đến nay vẫn chưa rõ số lượng cụ thể), và một vài nhóm đặc vụ OSS đã nhảy dù vào nơi ông ẩn náu để phối hợp hoạt động chống Nhật. Người của ông Hồ cũng giúp vài phi công của phe Đồng minh đào thoát. Mặc dù ông rất thẳng thắn thừa nhận mình là người cộng sản, thái độ của Hoa Kì đối với ông đa phần vẫn thân thiện vào thời điểm mà Frank White, khi đó là thiếu tá thuộc OSS và sau này là thông tín viên cao cấp mảng nước ngoài của TIME-LIFE, đặt chân đến Hà Nội vào tháng 12/1945. White chứng kiến lính Pháp tái chiếm thành phố, lính Trung Quốc cướp phá và một chiếc tuần dương hạm Pháp thi thoảng rót đạn súng cối vào cảng Hải Phòng. Gần như ngay lập tức, Hồ Chí Minh mời White đến gặp ông tại Phủ Toàn quyền Đông Dương cũ.

“Trong hai giờ liền chúng tôi không bị ai làm phiền”, White nhớ lại. “Cuộc trò chuyện bắt đầu bằng tiếng Pháp, nhưng ông xin tôi thứ lỗi rồi nói rằng ông muốn dùng tiếng Anh, mà tiếng Anh của ông thì tốt hơn tiếng Pháp của tôi. Ông băn khoăn liệu người Mĩ có hiểu khao khát giành độc lập của người Việt mạnh mẽ đến mức nào không. Ông nhắc về những cuộc xâm lược của Trung Hoa thời trước, rồi cuộc đô hộ của Pháp và cuối cùng là năm năm gần đây nhất dưới ách quân Nhật. Nhưng ông Hồ thực sự muốn nói về tương lai, và ông nhắc đến việc họ cần sự giúp đỡ từ Pháp, Liên Xô và Hoa Kì, theo thứ tự như trên”.

“Ông không thể biết chắc liệu những dàn xếp mà ông đạt được với các đại diện của Pháp tại Hà Nội có được tuân thủ tại Sài Gòn hay Paris không. Hơn nữa, ông không tin rằng Liên Xô có khả năng hay sẵn lòng đóng góp thực sự vào việc xây dựng một nước Việt Nam mới. Hoa Kì có lẽ là quốc gia phù hợp nhất cho việc đó, nhưng Hồ Chí Minh ngờ rằng không thể trông cậy vào Hoa Kì”.

Vào tháng 6/1945 một nhóm đặc vụ OSS (hàng trước trong ảnh) đã nhảy dù vào Việt Nam để giúp đội quân du kích bé nhỏ của ông Hồ tấn công quân Nhật.

“Tôi được mời trở lại Phủ Toàn quyền dự một buổi tiệc chiêu đãi vào lúc 7 giờ tối. Có ba người Việt Nam đi cùng ông Hồ. Hai trong số họ đã già, mặc triều phục; người thứ ba, trẻ hơn nhiều, được giới thiệu là bộ trưởng quốc phòng lâm thời. Người ấy là Võ Nguyên Giáp; lúc bấy giờ cái tên ấy chưa có ý nghĩa gì”.

“Đột ngột, hai cánh cửa lớn bật mở và toàn bộ nhóm cầm đầu quân đội Pháp tiến vào: các tướng Leclerc, Valluy và Salan. Tôi biết họ rất rõ và họ cũng biết tôi; người Pháp chẳng bao giờ buồn che giấu việc họ không ưa gì OSS. Nhưng ngay cả những người Pháp cũng phải giật mình trước những vị khách tiếp theo: tư lệnh chiến trường quân đội Trung Quốc của Lư Hán và viên tham mưu trưởng của ông ta, sau đó một chút là vị giám đốc người Anh của MI-5 tại Hà Nội”.

“Khi người ta tuyên bố bắt đầu bữa tối, tôi không biết phải làm gì. Nếu không còn ghế trống, tôi đã sửa soạn lỉnh ra ngoài. Nhưng có một chiếc ghế trống – ngay bên cạnh ông Hồ. Tôi ngồi xuống. Bữa tối thật kinh dị. Những người Pháp hầu như không nói chuyện với người Trung Hoa, còn đám Trung Hoa thì say xỉn. Được một lúc, tôi bảo ông Hồ: ‘Tôi cho rằng, thưa ngài Chủ tịch, mọi người có chút trách móc về sự sắp xếp chỗ ngồi’. Tất nhiên ý tôi đang nói đến chỗ ngồi của tôi bên cạnh ông. ‘Đúng thế’, ông trả lời. ‘Tôi nhận thấy điều đó. Nhưng còn ai khác tôi có thể nói chuyện được đây?”.

Rõ ràng Hồ Chí Minh đã sớm xác quyết rằng ông không thể trông cậy vào người Mĩ, vì ông lại quay sang phía người Pháp một lần nữa. Vào tháng Hai 1946 ông tiếp kí giả Pháp Jean Lacouture, tác giả cuốn sách Hồ Chí Minh, sắp được Random House xuất bản tại Mĩ vào tháng Bảy này, trong sách có một đoạn khắc hoạ sinh động dáng vẻ của vị lãnh tụ:

“Tôi không thấy ông bước vào”, Lacouture viết. “Tôi thậm chí còn chẳng nghe tiếng ông. Đôi xăng đan của ông, giống như dép của một nhà sư đi khất thực, dường như đang lướt trên mặt sàn bóng loáng. Giọng ông mỏng, hơi ngọng một chút. Điều đầu tiên thu hút sự chú ý của tôi là đôi mắt sáng lạ thường dưới cặp chân mày rậm, vầng trán và chòm tóc vĩ đại; tóc ông dựng đứng đến nỗi trông ông hẳn sẽ giống một người tấu hài trong rạp xiếc nếu không nhờ có vẻ nghiêm trang trên nét mặt và trong phong thái. Tôi nhận thấy một thoáng vụng về phảng phất trong vẻ lịch duyệt và ân cần của ông. Ngồi nghiêng nghiêng trên một chiếc trường kỉ rộng, ông nói bằng chất giọng hư ảo:

“‘Một dân tộc như dân tộc của ông, đã cống hiến cho thế giới những trước tác phong phú về tự do, sẽ luôn tìm thấy tình bạn ở chúng tôi. Giá như ông biết được, thưa ông, tôi say mê thế nào mỗi lần quay về với Victor Hugo và Michelet suốt năm này qua năm khác!… Ôi, thưa ông, chủ nghĩa thực dân ắt phải thật xấu xa nếu như nó có sức mạnh chuyển hoá người ta tới mức ấy!” Một nụ cười kì dị bỗng hiện ra trên gương mặt ông làm cho đôi gò má cao nhô lên gần hơn với đôi mắt lấp lánh. Nụ cười nhếch lên để lộ hàm răng trông tiều tuỵ khiến tôi nhận thấy rằng sức quyến rũ của ông cũng có giới hạn. Khi tôi tìm cách khai thác thông tin từ ông về những phiên đàm phán đang diễn ra lúc bấy giờ với đặc phái viên của Pháp, Jean Sainteny, ông lảng tránh bằng cách buông một câu khen ngợi dành cho tướng De Gaulle, hồi tưởng về Paris những năm đầu thập niên 1920, nói bóng gió về André Malraux. “Có khả năng chúng tôi có thể đạt được một thỏa thuận”, ông nói với một nụ cười. “Ông Sainteny quả thật là người dễ mến…”.

Đàm phán ở Paris và sự phản bội đầu tiên

Với Hồ Chí Minh, 1946 là năm bắt đầu với nốt thăng hi vọng bay bổng và kết thúc trong tiếng súng. Ngày 6 tháng Ba ông kí một thỏa ước với người Pháp cho phép lính Pháp ở lại Việt Nam trong năm năm, và trong thời gian đó đào tạo quân Việt Minh thay thế họ. Pháp thừa nhận Việt Nam – toàn bộ Việt Nam – là một quốc gia độc lập trong Khối Liên hiệp Pháp. Sau đó, ngày 30 tháng Năm, ngay khi ông Hồ chuẩn bị rời khỏi Pháp, Cao ủy Pháp, Đô đốc Thierry d’Argenlieu, kí sắc lệnh thành lập nước Cộng hòa Nam Kỳ, đồng nghĩa với việc tước miền Nam khỏi tay người Việt. Dù vậy Hồ Chí Minh vẫn sang Pháp; trong thời buổi vừa chấm dứt chiến tranh khi ấy, Pháp còn là một đất nước không hiến pháp và gần như chẳng có chính phủ. Ông ở Biarritz, rồi bay đi Paris với anh bạn Jean Sainteny. Khi họ hạ cánh ở Paris, ông Hồ bảo Sainteny với vẻ bứt rứt, “Dù ông làm gì cũng đừng rời bỏ tôi”.

Hồ Chí Minh được cánh phóng viên sùng bái, họ không cưỡng lại được sự hóm hỉnh của ông và còn bị tính cách giản dị của ông hấp dẫn (đi cắm trại hay đi nghe opera, ông đều mặc cùng một bộ áo đại cán bằng vải thô). Nhưng những linh tính của ông Hồ về đàm phán đều có lí. Chắc hẳn ông đã đánh giá quá cao những điều tốt đẹp mà các đồng chí Cộng sản Pháp có thể làm cho ông. Dù sao những thoả ước tháng Ba cũng chẳng được các công bộc Bộ Thuộc địa ghi lòng tạc dạ chút nào. Tấm thảm đỏ trong khách sạn nhỏ bé ở Paris của ông Hồ bị cắt xén từ lề đường vào đến tiền sảnh, rồi đến cầu thang, và cuối cùng tới tận cửa phòng ông. Trở về nơi bây giờ là Nam Việt, Đô đốc d’Argenlieu tập hợp một “hội nghị liên bang” mà không mời đại diện Việt Minh. Các thành phần cứng rắn trong Việt Minh bấy giờ thường xuyên thanh trừng và ám sát. Khi Hồ Chí Minh kí vào một bản tạm ước vô nghĩa hôm 14 tháng Chín, người ta nghe thấy ông thì thầm, “Tôi đang kí vào bản án tử hình của chính tôi”. Ông nói với một người quen rằng, “Chẳng còn gì nữa ngoài chiến đấu”. Ông trở lại Việt Nam, và vào ngày 23 tháng Mười Một, chiến sự bùng nổ ở Hải Phòng. Từ ngoài khơi, chiếc tuần dương hạm Suffren của Pháp nổ súng; 6.000 người Việt Nam bị giết hại. Paul Mus, bây giờ là giáo sư ở Đại học Yale, khăng khăng rằng ông Hồ đã bị phản bội – “Tôi dùng từ phản bội với đầy đủ kiến thức về ý nghĩa của nó”. Chắc chắn Hồ Chí Minh không bao giờ còn cảm thấy như cũ về các phiên “đàm phán” nữa.

Sau khi bay sang Paris để cố gắng giành được một hiệp ước cuối cùng, Hồ Chí Minh được Tổng thống Georges Bidault tiếp đón nồng hậu (giữa hình trên) và dành toàn bộ mùa hè năm 1946 cho việc đàm phán. Nhưng phe thực dân Pháp đã thắng thế và ông Hồ chán nản trở về nước mà không có hiệp ước trong tay.

Chiến thắng quân Pháp – rồi lại một niềm cay đắng nữa

Một nỗ lực cuối cùng được thực hiện để tránh chiến tranh vào tháng 4/1947 khi Hồ Chí Minh và bạn ông là Paul Mus gặp nhau tại một làng nhỏ nơi ông ẩn náu. Nhưng Paris đã giới hạn quyền đàm phán của Mus đến mức cái mà ông buộc phải trình ra cho Hồ Chí Minh cơ bản là một tối hậu thư yêu cầu đầu hàng. Ông Hồ trả lời, “Trong khối Liên hiệp Pháp không có chỗ cho những kẻ hèn nhát”.

Tiếp đó là bảy năm chiến tranh, và 938.000 binh sĩ và thường dân đã thiệt mạng. Vào tháng Mười một 1953, quân Pháp thả ba tiểu đoàn lính dù xuống một thung lũng hình lòng chảo xa xôi trên miền Tây bắc, gần biên giới Trung Quốc. Vào mùa xuân năm 1954, Việt Minh chiếm được Điện Biên Phủ sau một trận chiến kéo dài 56 ngày đêm. Vì trận chiến này kết thúc chỉ một ngày trước khi đàm phán ngừng bắn bắt đầu ở Geneva, vị thế thương lượng của Pháp đã bị giáng một đòn chí tử. Vào ngày 21/7/1954, Hiệp định Geneva được bảy quốc gia kí kết – nhưng trong số đó không có Hoa Kì hay Việt Nam Cộng hoà.

Hiệp định đưa ra thỏa thuận ngừng bắn và tạm thời chia đôi Việt Nam theo vĩ tuyến 17. Việc thống nhất đất nước và chính quyền trong tương lai sẽ được quyết định bằng một cuộc tổng tuyển cử trong vòng hai năm, và ông Hồ có cơ sở để tin tưởng rằng ông sẽ thắng cử. Nhưng chế độ của Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam, được Mĩ chống lưng, từ chối thực hiện tổng tuyển cử. Hồ Chí Minh, thất bại trong việc thống nhất đất nước bằng các biện pháp hoà bình và cay đắng vì một lần nữa lại bị lừa dối trên bàn đàm phán, đã chuẩn bị cho cuộc chiến tranh mà giờ đây, sau mười hai năm, vẫn còn đang diễn ra.

Một lần nữa trở thành du kích, cuối năm 1946 ông Hồ trở lại lập căn cứ trong rừng – lần này để chiến đấu với quân Pháp.
Dưới sự lãnh đạo của tướng Giáp (đang hội ý với Hồ Chí Minh bên trái, hình trên), Việt Minh cuối cùng đã đánh bại quân Pháp ở Điện Biên Phủ vào ngày 7/5/1954, và tụ tập hò reo trên xác một chiếc máy bay Pháp (hình dưới).

Công du các nước và kiên định ở quê nhà

Được Hiệp định Geneva 1954 chính thức xác định là người nắm quyền ở Bắc Việt, Hồ Chí Minh một lần nữa lại đóng vai trò một du khách chính trị, đến thăm thủ đô các nước cộng sản và trung lập để kêu gọi sự ủng hộ cho thể chế của ông. Năm 1957 ông dự một bữa tối theo phong cách nguyên thủ trên thuyền buồm trong chuyến thăm Ba Lan (ảnh trên) và năm sau đó khởi đầu chuyến thăm Ấn Độ bằng cái ôm thắm thiết với Thủ tướng Nehru (ảnh dưới).

 

Thăm Bắc Kinh năm 1959 nhân dịp kỉ niệm 10 năm Đảng Cộng sản lên nắm quyền ở Trung Quốc, Hồ Chí Minh đứng chen vai thích cánh với Mao Trạch Đông và trưởng đoàn đại biểu Liên Xô Mikhail Suslov. Dù sau đó Nga và Trung Quốc sớm chia rẽ, ông Hồ đã tìm được cách gìn giữ quan hệ bang giao với cả hai đồng minh quyền lực của mình, nhận vũ khí và viện trợ từ cả hai bên mà không bị bên nào thống trị. Tuy nhiên, khả năng Trung Quốc hoặc Nga can thiệp trực tiếp vào chiến tranh Việt Nam cũng là một mối đe dọa đối với ông Hồ như đối với Hoa Kì; bất kì sự can thiệp nào như thế sẽ đồng nghĩa với việc đặt dấu chấm hết cho nền độc lập của Bắc Việt – và Hồ Chí Minh biết rõ điều đó.
Tại Hà Nội, Hồ Chí Minh dạo bước trong sân Phủ Chủ tịch, nơi máy bay Mĩ chưa bao giờ ném bom. Ông sử dụng dinh thự này cho các công việc chính thức, và sống trong một căn nhà nhỏ gần đó. Nay đã gần bước sang tuổi 78, với niềm tin sắt đá hơn bao giờ hết, ông cay đắng quyết tâm đạt được mục tiêu của mình – một nước Việt Nam thống nhất dưới chế độ cộng sản do Hà Nội nắm quyền.

Phan Xích Linh dịch

(Theo Tạp chí Phương Đông)

[1] Georges Auguste Escoffier (1846 – 1935) là bếp trưởng, chủ nhà hàng và cây bút ẩm thực người Pháp, người đã cập nhật và phổ biến cách nấu ăn truyền thống của Pháp ra thế giới. Ông được báo chí Pháp tôn vinh là “vua của các đầu bếp và đầu bếp của các nhà vua”, và rất có tiếng tăm ở Luân Đôn và Paris từ thập niên 1890 cho đến những năm đầu thế kỉ 20. Hồ Chí Minh (khi ấy lấy tên là Văn Ba) từng là phụ bếp cho Escoffier khi ông làm bếp trưởng tại khách sạn Carlton ở Luân Đôn vào năm 1913.

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN