Đại tướng Chu Huy Mân: Nhà chính trị, quân sự xuất sắc của cách mạng Việt Nam

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Chu Huy Mân (17/3/1913 – 17/3/2023), thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với Chủ đề: “Đại tướng Chu Huy Mân – nhà chính trị, quân sự xuất sắc của cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Nghệ An” sáng 17/3/2023 tại Nghệ An.

Theo Ban Tổ chức Hội thảo, Hội thảo đã nhận được 90 bài tham luận của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Ban, Bộ, Ngành Trung ương, các đồng chí lão thành cách mạng, tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp Bộ Quốc phòng, các Tổng cục, quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, học viện, nhà trường, viện nghiên cứu, cùng nhiều nhà khoa học trong và ngoài quân đội, các đồng chí, đồng đội từng công tác với Đại tướng… Các tham luận gửi đến Hội thảo được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, đảm bảo tính khoa học khẳng định những cống hiến xuất sắc của đồng chí Chu Huy Mân trên nhiều lĩnh vực, vừa thể hiện lòng kính trọng và tri ân sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với đồng chí Chu Huy Mân. Là người trực tiếp tham gia, trình bày tham luận tại Hội thảo này, xin có một số suy ngẫm về Đại tướng Chu Huy Mân.

Chân dung Đại tướng Chu Huy Mân (1913 – 2006)

Đại tướng Chu Huy Mân – Người chiến sĩ cách mạng kiên trung, đạo đức trong sáng; người con ưu tú của quê hương Nghệ An, suốt đời phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng và cách mạng.

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, được soi rọi bởi con đường cứu nước do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lựa chọn, người thanh niên Chu Huy Mân bước vào con đường đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc,17 tuổi đã được đứng trong hàng ngũ của Đảng, tiên phong làm Đội phó đội Tự vệ đỏ trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh với lời thề “nguyện chiến đấu trọn đời cho Đảng, cho cách mạng”.

Được thử thách, rèn luyện trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đồng chí đã sớm bộc lộ những tố chất và bản lĩnh của người lãnh đạo, người tổ chức vận động quần chúng của Đảng. Dù bị thực dân Pháp bắt giam, tra tấn dã man từ nhà lao Vinh đến đày đi ngục Kon Tum rừng thiêng nước độc, dù còn rất trẻ nhưng đồng chí kiên trung, giữ vững khí tiết người cộng sản, đã vận động các bạn tù chính trị biến nhà tù thành trường học cách mạng, dũng cảm, mưu trí vượt ngục trở về tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 ở tỉnh Quảng Nam thắng lợi.

Đại diện gia đình Đại tướng Chu Huy Mân và các đại biểu dự Hội thảo. Ảnh: NHT

Dù bất cứ ở cương vị nào, từ Trung đoàn trưởng, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu, cố vấn cho Bạn đến Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và trong suốt các cuộc chiến tranh giải phóng, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, đồng chí Chu Huy Mân luôn có mặt ở những chiến trường nóng bỏng, những thời điểm đầy cam go, thử thách. Bất kỳ ở đâu, trong hoàn cảnh nào đồng chí vẫn luôn thể hiện là người đảng viên kiên trung, một cán bộ kỷ luật, sáng tạo, một nhà lãnh đạo tài năng, dám chịu trách nhiệm, không chịu lùi bước trước mọi khó khăn, thử thách, chung lưng, đấu cật với đồng chí, đồng đội, bạn bè quốc tế, sâu sát cơ sở, hết lòng phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân.

Đồng chí Chu Huy Mân là một tấm gương “Dĩ công, vi thượng”, là tấm gương sáng về bản lĩnh chính trị, luôn tận tụy, hi sinh sinh, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Được Đảng, Bác Hồ và Quân đội giáo dục, rèn luyện, được quê hương nâng bước, Đại tướng Chu Huy Mân đã hội tụ những cốt cách tốt đẹp nhất của quê hương xứ Nghệ cùng tinh hoa văn hóa của nhiều vùng đất nước nhà và bạn bè quốc tế để làm giàu, nhân lên sức mạnh phụng sự Tổ quốc. Ông nhận về mình, về gia đình mình những khó khăn, vất vả, gian khổ, mất mát để giành cho đồng chí, đồng đội, nhân dân những thuận lợi, nghĩa tình thủy chung, chia sẻ ngọt bùi với tấm lòng nhân văn cao cả. Cuộc đời Ông là một tấm gương về đạo đức cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.

Đại tướng Chu Huy Mân có những đóng góp to lớn với cách mạng Việt Nam; đặc biệt, có những chỉ đạo thực tiễn xuất sắc góp phần lập nên những chiến công vang dội trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và để lại hình ảnh và tình cảm cao đẹp, trong sáng, nghĩa tình trong lòng bè bạn quốc tế.

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Chu Huy Mân sớm tỏ rõ tài năng quân sự của mình, trên cương vị Trung đoàn trưởng, Bí thư Trung đoàn ủy Trung đoàn 72, 74, Chính ủy Trung đoàn 174; Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 316, đã lãnh đạo, chỉ huy đơn vị lập nhiều chiến công trên đường số 4, góp phần biến con đường xương sống trong phòng tuyến biên thùy của địch, trở thành nỗi ám ảnh, là “con đường tử địa” của chúng. Đồng chí đã chỉ huy đơn vị tham gia nhiều chiến dịch lớn, lập nhiều chiến công vẻ vang, góp phần làm nên những chiến thắng Việt Bắc – Thu Đông (1947), Biên Giới (1950), Hòa Bình (1951), Tây Bắc (1952), Điện Biên Phủ (1954)… góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên cương vị Phó Bí thư Khu ủy, rồi Chính ủy, Bí thư Quân khu ủy Quân khu 5, Tư lệnh kiêm Chính ủy – Bí thư Đảng ủy mặt trận Tây Nguyên, Tư lệnh kiêm Phó Chính ủy Quân Khu 5, với tài năng quân sự và nhãn quan chính trị sắc sảo, đồng chí luôn có những dự đoán và phát hiện những vấn đề nảy sinh trên chiến trường, quán triệt tư tưởng tiến công chiến lược, lấy ít địch nhiều, nhờ nhân dân giúp đỡ, phát huy sức mạnh tổng hợp của cuộc chiến tranh nhân dân, tập hợp mọi lực lượng, giành thắng lợi cả về quân sự và chính trị, giữ vững thế chủ động chiến lược. Công hiến của đồng chí Chu Huy Mân đã được lịch sử ghi nhận: Đưa Khu 5 “đi đầu diệt Mỹ”, “bám thắt lưng Mỹ mà đánh” trở thành phương châm tác chiến của quân giải phóng miền Nam trong chống Mỹ cứu nước.

Trong tham luận gửi đến Hội thảo, Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam nhận định: “Những quyết định sáng suốt, quyết đoán của đồng chí Chu Huy Mân cùng tập thể lãnh đạo Khu ủy Khu 5 và Mặt trận Tây Nguyên đã góp phần quan trọng vào việc xác định được cách đánh phù hợp, hiệu quả, xây dựng được lòng tin, quyết tâm “dám đánh, biết đánh và biết thắng” cho quân và dân ta… đưa khu 5 trở thành địa phương đi đầu diệt Mỹ”. Những chiến công vang dội như Núi Thành, Vạn Tường, Plei Me – Ia Đrăng cùng những thắng lợi mang tầm chiến lược như Ba Gia (1965), Sa Thầy (1966), Tết Mậu Thân (1968), Cấm Dơi – Quế Sơn (1972), Nông Sơn – Thượng Đức (1974), Đà Nẵng (1975)… đã ghi dấu ấn của nhà lãnh đạo, chỉ huy tài trí Chu Huy Mân – Anh Hai Mạnh, góp phần cùng quân dân cả nước “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Những hình ảnh, tài liệu và hiện vật về Đại tướng Chu Huy Mân trưng bày tại triển lãm “Đại tướng Chu Huy Mân – Vị tướng “Hai Mạnh” đức độ, đa tài” nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng (17/3/1913 – 17/3/2023).

Đồng chí đã hoàn thành mọi nhiệm vụ quốc tế mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội tin tưởng giao cho: Tham gia chỉ huy chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn, giúp cách mạng Trung Quốc trong những tháng ngày gian khó năm 1949; trên cương vị Trưởng đoàn kiêm Bí thư Đảng ủy Đoàn Cố vấn quân sự giúp cách mạng Lào, trực tiếp là các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quân đội nhân dân Lào, như đồng chí Cayxỏn Phomvihản, Xixávạt Kẹo Bunphăn, Hoàng thân Xuphanuvong; sau đó được giao làm cố vấn Chính phủ Liên hiệp Lào – đồng chí đã góp phần quan trọng  xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng Lào lớn mạnh, xây dựng khối đoàn kết, tin cậy trong Chính phủ Liên hiệp Lào; với tư duy sáng tạo, quyết đoán, kịp thời, đã tham mưu giúp Bạn mở rộng vùng căn cứ, tổ chức nhiều chiến dịch lớn, giải phóng cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng và nhiều vùng đất quan trọng khác, là tiền đề quan trọng để cách mạng Lào phát triển, giành được những thắng lợi to lớn. Công lao đó của đồng chí Chu Huy Mân đã tạo nên những hình ảnh và tình cảm đẹp, góp phần xây dựng mối quan hệ, tinh thần quốc tế trong sáng của của Đảng và Nha nước ta, thực hiện trọng vẹn lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Giúp bạn là giúp mình”.

Đồng chí là nhà chính trị, quân sự xuất sắc của cách mạng Việt Nam, luôn sẵn sàng nhận trọng trách, đem hết sức lực và tài năng cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Là tấm gương mẫu mực của vị tướng thời đại Hồ Chí Minh: “Trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung”.

Trên cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Đại tướng Chu Huy Mân có những chi đạo quan trọng đảm bảo sự lãnh đạo “tuyệt đối, trực tiếp, về mọi mặt” của Đảng đối với lực lượng vũ trang; xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị, tư tưởng; đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ kế cận.

Thượng tướng Chu Huy Mân, nguyên Tư lệnh Quân giải phóng Quân khu 5 và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở Chỉ huy Quân đoàn 1 Ngụy quyền Sài Gòn sau ngày thành phố Đà Nẵng được giải phóng (tháng 3/1975). Ảnh tư liệu

Phát biểu tổng thuật tham luận Hội thảo, Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện lịch sử Quân sự Việt Nam cho rằng: Là vị tướng tài ba, văn võ song toàn, Đại tướng Chu Huy Mân đã có những cống hiến to lớn trên lĩnh vực công tác đảng, công tác chính trị, trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Đặc biệt đồng chí hết sức quan tâm đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội; bảo đảm cho quân đội thực sự là “tổ chức quân sự của Đảng“, có “con đường chính trị đúng đắn”, sẵn sàng hy sinh, chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.

Từ khi đồng chí đảm nhiệm chức vụ Chính trị ủy viên, Bí thư trung đoàn ủy trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp đến các cương vị Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu, Mặt trận và khi giữ trọng trách Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đồng chí đã trực tiếp góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, khẳng định rõ bản chất của một đội quân cách mạng, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; một lực lượng chính trị đặc biệt của Đảng, của Nhân dân. Đại tướng Chu Huy Mân sớm phát hiện những vấn đề nảy sinh trong việc đổi mới cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, kịp thời đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư những bất cập để Bộ Chính trị (khóa V) ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW, khôi phục lại một số vấn đề cơ bản có tính nguyên tắc mà Đảng ta đã dày công xây dựng, bồi đắp và phát triển trong nửa thế kỷ lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện lực lượng vũ trang nhân dân. Tuy nhiên, khi triển khai, Đại tướng Chu Huy Mân vẫn phát hiện còn nhiều điểm chưa hợp lý, chưa phát huy hết vai trò, hiệu lực lãnh đạo của Đảng. Vậy nên, trong những năm tháng cuối cuộc đời, dù tuổi cao, sức đã yếu, đồng chí vẫn giành thời gian, tâm huyết đề xuất giúp Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX), đã ban hành Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 20/7/2005 về “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”, đáp ứng yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, về mọi mặt của Đảng với Quân đội và nhiệm vụ xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị làm tiền đề để quân đội tiến lên chính quy, hiện đại.

Điểm nổi bật ở đồng chí Chu Huy Mân là tư duy chính trị và tư duy quân sự luôn gắn kết nhuần nhuyễn và thống nhất với nhau, được đồng chí, đồng đội và nhân dân biết tới với tên gọi Hai Mạnh (mạnh cả về quân sự và chính trị). Là người coi trọng tổng kết thực tiễn, Đại tướng Chu Huy Mân đã để lại nhiều tác phẩm đúc rút kinh nghiệm chỉ huy chiến đấu, tiến hành công tác đảng, công tác chính trị. Đồng chí nhấn mạnh giá trị hiện thực của những kinh nghiệm ấy là cần biết vận dụng, phát huy nghệ thuật “lấy ít địch nhiều”, “lấy nhỏ thắng lớn”, “lấy chất lượng cao thắng địch quân số đông, trang bị kỹ thuật hiện đại” một cách hết sức linh hoạt. Đúc kết kinh nghiệm xây dựng và chiến đấu của Quân đội, đồng chí đề ra yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang cần phải biết động viên khả năng tiềm tàng của cán bộ và chiến sĩ trong mọi lực lượng, nghiên cứu khoa học và nghệ thuật quân sự, sáng tạo ra những cách đánh hay nhất, có hiệu lực nhất nhằm đánh thắng quân thù. Đó là những kinh nghiệm hết sức có giá trị trong xây dựng quân đội cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại làm nòng cốt để tăng cường sức mạnh thế trận quốc phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Do công lao to lớn với sự nghiệp cách mạng, đồng chí đã được Ðảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Ðảng và nhiều Huân chương cao quý của Nhà nước ta và các nước bạn trao tặng; và cao hơn hết là vị tướng “sống trong lòng nhân dân”.

Hình ảnh về vị tướng trung kiên bất khuất,“Văn võ cơ mưu, Chuyên gia túc trí”, luôn đem hết tài năng, cống hiến không mệt mỏi cho Ðảng, cho nhân dân, cho Tổ quốc, cho nhiệm vụ quốc tế, luôn đặt lợi ích chung của cách mạng lên trên lợi ích cá nhân mãi là tấm gương sáng của Đảng, Quân đội và nhân dân ta.■

Nguyễn Hồng Thái

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN