Chiến thuật phục kích, tấn công của du kích Nam Bộ qua phân tích của Cố vấn quân sự Mỹ tại Sài Gòn

Tạp chí Phương Đông trích giới thiệu tới bạn đọc tài liệu “Đường lối và chiến thuật chống du kích ở miền Nam Việt Nam” do Lionel C. McGarr, Đại tướng Mỹ, Trưởng phái đoàn Cố vấn Viện trợ Quân sự Mỹ tại Sài Gòn (MAAG) biên soạn tháng 5/1961, phần phân tích về “Một vài hoạt động điển hình của Việt Cộng” (Cách dùng từ trong bản dịch vẫn được giữ nguyên so với bản gốc để bạn đọc tham khảo). Tài liệu này một lần nữa cho thấy bộ đội ta dù ở thế yếu hơn về lực lượng, thô sơ hơn về phương tiện nhưng lại rất dũng cảm và giỏi sáng tạo ra các chiến thuật khiến địch bất ngờ và không khỏi thán phục.

*

Những phần tử du kích và chính quy Việt Cộng còn giữ được những chiến thuật đã được thử thách và thành công trong cuộc chiến tranh Pháp và Việt Minh, lý thuyết chiến thuật căn bản của Việt Cộng đã, đang và sẽ là: “Địch tiến ta lui, địch thủ ta quấy, địch mệt ta đánh, địch chạy ta đuổi”. Đồng thời với lý thuyết ấy, với sự chịu khó thu thập tin tức, sắp đặt kế hoạch cho một trận chiến đấu, Việt Cộng còn đặc biệt chú ý đến các vấn đề an toàn, bất ngờ, nhanh chóng và đánh lừa quân địch. Trong tất cả các chiến thuật, Việt Cộng không bỏ quên chương trình làm tan rã hàng ngũ địch, hạ thấp tinh thần địch và tạo cho họ một đạo quân thứ 5[1], không quên vận động sự ủng hộ của nhân dân để đảm bảo an toàn cho mình, tạo bất ngờ, nhanh chóng, đánh lừa kẻ địch và cũng là mở đầu cho kế hoạch đánh đổ chính quyền hiện tại, chiếm lấy toàn bộ xứ sở. Việc nghiên cứu một số hoạt động điển hình của Việt Cộng cần coi là một sự viện trợ để tìm ra cơ sở cho việc vạch ra những chương trình hoạt động đánh lại Việt Cộng và hủy diệt tiềm lực vũ trang của họ. Khó mà có thể nói hết được, vì những chiến thuật của Việt Cộng không mang một hình thức nào rõ rệt và sử dụng tất cả mọi mưu kế và xảo kế để gây ra những tổn thất, để làm suy yếu tê liệt kẻ thù. Điều nổi bật nhất trong hoạt động Việt Cộng được đem bàn cãi ở đây là những chiến thuật về tấn công, phục kích, quấy rối, phá hoại và chống càn quét.

1. Chiến thuật tấn công

a. Bao vây đồn bốt: Tuy rằng mục tiêu sau cùng của Việt Cộng trong loại hoạt động này là thực hiện việc kiểm soát nhân dân và khu vực trong đó có đồn bốt của quân đội Việt Nam, mục tiêu trước mắt vẫn là chiếm đoạt vũ khí. Hầu hết chiến lược của Việt Cộng là bao vây và cô lập đồn bốt, chôn chân địch trong đồn không cho ra, chặn việc tăng cường, cắt đứt tiếp tế và dùng những hoạt động tuyên truyền quấy rối, sau cùng là tấn công bắt hay giết lực lượng chống cự, chiếm đồn hay phá đồn. Đồng thời với thắng lợi ấy, Việt Cộng kiểm soát hoàn toàn nhân dân và các nguồn lợi cả về quân sự, chính trị và kinh tế. Phương pháp tuyên truyền thông thường trong nhân dân là làm cho nhân dân oán ghét, tẩy chay các đơn vị đóng đồn, đúng như điều Việt Cộng đã làm cho họ thấy rằng đánh đồn không thể thắng lợi nếu không có sự ủng hộ tích cực của nhân dân chung quanh đồn.

Việt Cộng chỉ dùng số quân cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ, tuy nhiên họ cũng cho lực lượng di chuyển xung quanh đồn đều đặn để tránh sử dụng hết. Họ thường tổ chức thành từng tổ 3 người một. Một tổ hay hơn được giao trách nhiệm ngăn chặn mọi hoạt động của lực lượng bị bao vây ra ngoài đồn, diệt những thông tin viên của lực lượng Chính phủ[2] trong vùng. Các tổ khác làm nhiệm vụ quấy rối, lúc đầu cách đồn hơi xa nhưng dần dần họ thắt chặt vòng vây và tăng cường hoạt động khi trường hợp cho phép. Họ tiến thật nhanh để tránh thiệt hại vô ích về người và của của nhân dân ở quanh đồn. Họ bắt đầu bằng cách bắc loa, tuyên truyền, hăm dọa, kêu gọi, đọc thư gia đình của binh lính phòng thủ trong đồn khuyên nhủ họ “từ bỏ con đường xấu” mục đích làm suy yếu kẻ giữ đồn, gây chia rẽ và đào ngũ. Tùy theo kết quả của hoạt động trên, có khi Việt Cộng còn mở cả vòng vây nhử cho binh lính trong đồn chạy ra để rơi vào ổ phục kích của họ. Khi Việt Cộng thấy lực lượng giữ đồn đã suy yếu hoàn toàn, họ mở cuộc xung phong cuối cùng để tiêu diệt hay chiếm đồn.

Cần Thơ năm 1974, các chiến sĩ du kích tấn công căn cứ Thuận Nhơn. Ảnh: Lý Wày (trích từ sách ‘Another Vietnam’ của Tim Page, xuất bản năm 2002)

b. Tấn công bất ngờ: Không có một sự huấn luyện đặc biệt nào cho loại tấn công này. Họ có thể thực hiện với bất cứ điều kiện nào từ một người cho đến cả đại đội. Mục đích chính là để tiêu diệt tương đối gọn những lực lượng nhỏ, kho tàng, đồn bốt, phương tiện và lực lượng chuyển vận. Vũ khí sử dụng trong hoạt động này thay đổi tùy trường hợp và sự tiện lợi. Kế hoạch tấn công được giữ kín ngay cả với nhân dân địa phương, trừ khi sự hợp tác của nhân dân được bảo đảm chắc chắn, thực hiện nhanh chóng và quyết liệt. Nếu thất bại, ngay khi bắt đầu họ rút theo hướng đã định hay giản đơn nhất là bằng cách trà trộn vào dân chúng quanh vùng. Họ thường giả dạng làm người dân thường hay những đơn vị của quân đội chính phủ Việt Nam để ăn chắc trước khi ra tay xung phong. Họ cũng có thể dùng ô tô, xe chở khách vào thẳng nơi họ định tấn công để xung phong. Mục tiêu quan trọng của loại hoạt động này luôn luôn là để chiếm lấy vũ khí, đạn dược của quân lính hoặc đồn bốt và Việt Cộng không vũ trang vẫn có thể mở cuộc xung phong với mục dích duy nhất là để chiếm lấy những thứ ấy.

c. Tấn công thâm nhập[3]: Việt Cộng dùng loại tấn công này để đánh vào những ổ đề kháng và cộng sự của lực lượng chính phủ. Kế hoạch tấn công xây dựng tỉ mỉ, tất cả mọi yếu tố đều được đặt ra, đòi hỏi tin tức đầy đủ, xác thực, được đem diễn tập thử, từng người và tất cả mọi người tham dự đều tập trả lời thành thạo các câu hỏi: cái gì, khi nào, ở đâu và thế nào. Mặt quan trọng khác của loại tấn công này là nhiệm vụ và đội hình các đơn vị tham dự, một hoặc nhiều đơn vị thực hiện những hoạt động khác trong khi lực lượng chủ yếu nhằm vào mục tiêu chính khi có hiệu lệnh. Cuộc tấn công bắt đầu, các đơn vị di chuyển mau lẹ và kín đáo đến những vị trí định trước và hành động đúng theo chương trình đã định. Trong mục tiêu tấn công chính, Việt Cộng đòi hỏi sự hơn hẳn về lực lượng. Nếu thất bại họ rút lui theo một kế hoạch tỉ mỉ định trước để tránh khỏi bị tiêu diệt hoặc bị bao vây.

2. Phục kích

Đây là chiến thuật căn bản của Việt Cộng hiện nay và được ưa dùng nhất trong mỗi giai đoạn hoạt động. Bí mật, bất ngờ, nhanh chóng là những nguyên tắc chính trong việc chuẩn bị và thực hiện loại hoạt động này. Địa hình, sự che chở và lẩn tránh thường được tính đến để sắp đặt đội hình cho những lực lượng có nhiệm vụ bao vây hay chia cắt lực lượng chính của chính phủ Việt Nam và tiêu diệt nhanh chóng bằng hỏa lực tập trung. Phục kích có nhiều hình thức và quân số tham gia cũng không nhất định. Sau đây là một cuộc phục kích điển hình. Thường thường lực lượng phục kích được chia làm 4 toán:

  • Toán chặn phía trước: Với nhiệm vụ ngăn chặn những lực lượng đã đi qua ở phục kích và chặn quân tiếp viện từ phía trước lại.
  • Toán chặn phía sau: Với nhiệm vụ tấn công những tên lính gác phía sau, chặn quân tăng viện từ phía sau đến và giúp đỡ toán giữa tiêu diệt lực lượng bị lọt vào ổ phục kích.
  • Toán giữa: Là lực lượng tấn công chính bằng xung phong, bằng hỏa lực của chính họ và hỏa lực yểm trợ. Nó tấn công vào bộ phận chính của lực lượng bị lọt vào vòng phục kích. Khi điều kiện địa hình cho phép, các hỏa lực yểm trợ đều được tập trung vào quyền chỉ huy thống nhất, nhằm vào các mục tiêu chủ yếu có kế hoạch định trước.
  • Toán quấy rối: Được dùng ở những nơi cần thiết trong cuộc phục kịch để giữ chân lực lượng bị phục kích không cho trốn thoát và để truy kích khi lực lượng này thoát ra khỏi vòng phục kích.

Từ 1/2 đến 3/5 lực lượng dành cho toán giữa. Trong trường hợp cần thiết, các toán khác phải tăng cường thêm cho nó. Vị trí của người chỉ huy đặt gần vị trí phát hỏa của toán chính. Đài quan sát đặt ở nơi tiện quan sát trên trận địa bố trí, quan sát những con đường đi vào trận địa và báo cáo trực tiếp cho người chỉ huy. Sự phối hợp giữa lực lượng xung phong và hỏa lực yểm trợ phải ăn khớp chặt chẽ. Trường hợp thấy bất lợi, họ không ngần ngại ra lệnh rút lui ngay để tránh thiệt hại về người và trang bị. Cuộc rút lui cũng thực hiện theo đúng kế hoạch và được che chở bằng hỏa lực yểm trợ. Những cuộc phục kích ngầm được tổ chức dọc theo đường cái, có khi gặp địa hình không thuận tiện, họ đào những hầm hố ngụy trang để ẩn nấp, đợi hiệu lệnh là nhảy lên tấn công.

2.1.Phục kích xe hơi

Hiện thời Việt Cộng đánh cả 1 hay 2 xe đi lẻ tẻ và đặc biệt là những xe của các nhân viên chính quyền. Thường thuờng đặt một chướng ngại vật trên đường – khúc cây hay tảng đá – buộc xe đi vòng vào chỗ họ đã đặt mìn trước. Mìn nổ làm lật xe và hất người ngồi trên xe xuống phía họ đã phục kích sẵn. Một trường hợp khác, 1 hay 2 xe dồn lại một cái hố, định quay đầu lại thì mìn nổ. Mỗi một lần như vậy, là họ luôn luôn phục kích sẵn gần đấy. Chiến thuật phục kích xe có thể tả lại như sau:

Thường thường Việt Cộng đặt 3 quả mìn, khoảng cách giữa 3 quả mìn tùy theo tốc độ ước lượng của đoàn xe, tùy theo đường và địa hình và còn tùy theo tổ chức cuộc phục kích. Khi cả đoàn xe lọt vào vòng phục kích, họ cho nổ quả mìn phía trước và phía sau, sau đó mới đến quả giữa. Trong lúc đang rối ren và trong khi đoàn xe còn lúng túng chưa biết tiến về phía trước hay phía sau, thì họ xung phong ra với súng tiểu liên và lựu đạn tiêu diệt, bắt hay tịch thu người, xe, đạn dược, vũ khí. Nếu đoàn xe dài quá, họ chọn 1/2 hay 1/3 đoàn xe phía sau. Những lực lượng có nhiệm vụ chặn phía trước hay phía sau cũng thường được họ sử dụng đề ngăn chặn đoạn xe trốn thoát hoặc để chặn quân tiếp viện tới.

2.2. Phục kích xe lửa

Phần nhiều họ dùng những mưu mẹo khác nhau đề làm xe dừng lại, chẳng hạn như lợi dụng dấu hiệu báo động nguy hiểm phía trước của ngành đường sắt bằng cách cho nổ 3 quả pháo hiệu. Họ tập hợp hành khách lại đề tuyên truyền hoặc bắt cóc một, hai người dân. Những kỹ thuật mới được dùng gần đây là mìn loại trên 250 cân Anh (hơn 113kg). Cách đặt mìn như sau:

– Đào lỗ ở giữa hai đường ray, đặt quả mìn bọc nhựa để tránh ẩm, ngụy trang cẩn thận, sau một thời gian chắc chắn là mìn không bị lộ mới buộc dây và lắp hạt nổ vào mìn.

– Đào lỗ ở chính giữa hai đường ray, sau một thời gian chờ đợi, chắc chắn là lỗ không bị khám phá mới đặt mìn hay thuốc nổ xuống. Việc đặt mìn trên những cầu có đường xe lửa cũng tương tự như vậy.

3. Hoạt động quấy rối

a. Ở những nơi đóng quân: Trong chiến thuật này, Việt Cộng thường dùng những bộ phận nhỏ quân du kích hay chính quy (1 người, 1 tổ, 1 bản đội). Thông thường tiến hành vào ban đêm ở các trại vị trí chiếm đóng của lực lượng An ninh Chính phủ (an ninh hay chính quy). Họ bí mật tiến đến gần rồi bắn, ném lựu đạn vào trong vị trí, hoặc đánh trống, đánh chuông và bắc loa kêu gọi. Cứ thế toán này thay toán khác tiếp tục quấy rối lực lượng chính phủ, có khi ngày này qua ngày khác nhằm mục đích phá hoại tinh thần, làm cho đạn dược trở nên vô dụng và hao tổn, đưa đồn bốt vào thế phòng thủ thụ động.

b. Ở những đường giao thông: Việt Cộng thường dùng mìn giả (để đánh lừa và làm trì hoãn), cạm bẫy và những hình thức khác với những toán nhỏ, mục đích để ngăn cản, đánh lạc hướng, sục sạo, cản trở công việc bảo vệ đường sá của lực lượng Chính phủ.

c. Trong những cuộc hành quân càn quét: Việt Cộng thường biết trước những cuộc hành quân càn quét của lực lượng chính phủ do việc tập hợp các đơn vị tham gia hành quân. Mỗi lần như vậy là họ ra tay hoạt động trước nhằm mục đích làm nhụt nhuệ khí của kẻ đi hành quân, hay ít ra cũng làm trì hoãn, làm bối rối sự thi hành và tạo điều kiện cho quân chính quy Việt Cộng tổ chức tấn công. Phương pháp hoạt động là chia rẽ lực lượng chính phủ ngay từ lúc tập hợp, phân công những đơn vị nhỏ. Lúc các đơn vị chính phủ lên đường đi hành quân càn quét, họ không ngừng dùng hỏa lực quấy rối trên đường hành quân, đặt cạm bẫy xung quanh các làng mạc để ngăn cản sự sục sạo của quân đội chính phủ, không ngừng dùng hỏa lực quấy rối các căn cứ hành quân buộc một số lực lượng đáng kể phải ở lại để bảo vệ những căn cứ này.

d. Tấn công chia cắt: Du kích Việt Cộng được tổ chức thành những đội từ 2 đến 5 người, kín đáo phân tán trên đường tiến quân của lực lượng chính phủ đánh vào lực lượng tiến đến gần nhất. Như thế, mỗi lần bị Việt Cộng tấn công, bước tiến của quân chính phủ lại bị dừng lại hoặc chậm đi hay bị thiệt hại. Hơn nữa, nó còn làm cho lực lượng chính phủ có những nhận định sai lầm về quân số, đội hình, về lực lượng chính và phụ, về hướng chính và hướng phụ của Việt Cộng. Thêm vào đó Việt Cộng còn dùng những phương pháp khác như: tin tức, tài liệu, dư luận giả về quân số, phiên hiệu, tổ chức của nó, về sự đầu hàng của lực lượng chính phủ…

e. Những cuộc tấn công khác nhau (nhiều hình thức được đem sử dụng). Lực lượng thực hành chiến thuật này nhiều ít tùy theo lực lượng của chính phủ. Loại tấn công này được dùng để đánh đuổi quân chính phủ ra khỏi những khu vực hay những nơi đóng quân hoặc làm suy yếu lực lượng chính phủ. Nó có mục đích giống như cuộc tấn công chia cắt nhưng mãnh liệt hơn và sử dụng lực lượng lớn hơn.

f. Sử dụng cạm bẫy: Việt Cộng thường sử dụng cạm bẫy dọc theo đường giao thông và đường hành quân của quân chính phủ, ở vùng lân cận những làng mạc do họ kiểm soát, ở những khu vực an toàn của họ để cản bước tiến của quân chính phủ. Có 4 loại cạm bẫy, riêng biệt hay hỗn hợp, thông thường là:

Lựu đạn: Có hiệu lực hơn là chông, gọn, nhẹ. Việt Cộng rất thành thạo trong việc gài lựu đạn. Ví dụ: lựu đạn được đặt trong những bóng cây, bên ngoài được che bằng tờ giấy cáo thị, khi tờ giấy bị lấy đi là lựu đạn nổ. Còn nhiều hình thức khác như đặt trong ngăn kéo, ở cửa ra vào.

Hố chông (còn được coi là cạm rừng): Đó là những miếng cây có cắm đinh nhọn có ngạnh, chôn ở dưới đất, đôi khi được đặt trong những hố trên có ngụy trang cành tre và cỏ, dọc những con đường mà quân chính phủ thường hay đi lại

Hầm chông: Đó là những cái hầm sâu độ 3 thước Anh (gần 1 mét), dài rộng không nhất định, dưới có tấm chông đinh hay chông tre, trên đất ngụy trang kỹ. Đôi khi Việt Cộng còn đặt mìn và gài lựu đạn xen kẽ giữa các hầm chông và hố chông.

Cung và tên gài sẵn. Việt Cộng dùng nhiều ở vùng cao nguyên.

g. Sử dụng mìn: Việt Cộng sử dụng mìn, ở một đôi nơi, trong một số lúc, cùng với những hoạt động khác như quấy rối, phục kích, bảo vệ vị trí đóng quân và khu an toàn, để tăng cường cho những trận tấn công của họ. Việt Cộng thường hay đặt mìn cả trên những con đường lớn hay nhỏ, để làm chậm bước tiến, để quấy rối quân chính phủ. Việt Cộng gọi như thế là “đánh mìn” và không đặt ra những quy định sử dụng nhất định. Thường được dùng để che đậy những chỗ yếu kém của Việt Cộng về nhân lực, nhân số hay khi gặp địa hình bất lợi.

Quân ta đào hố chông để tiêu diệt địch. Ảnh tư liệu (trích sách ‘South Vietnam on the road to victory’, Nhà xuất bản Giải Phóng ấn hành tháng 10/1965)

4. Phá hoại

Hoạt động phá hoại của Việt Cộng nhiều ít không có giới hạn, tùy theo tình hình, nhằm mục đích cản trở hoạt động, cô lập lực lượng đối phương, gây khó khăn về tiếp tế, giao thông, phá hoại ý chí chiến đấu của lực lượng chính phủ. Một vài ví dụ điển hình như:

a. Phá hoại đường dây điện thoại: Dây bị cắt, nhiều đoạn bị lấy đi, thường là ở những nơi có đầu dây gặp nhau. Dây cắt được đem giấu vào những nơi khó tìm, hoặc đem vứt xuống nước. Có khi 2 đầu dây bị cắt được nối lại một cách khéo léo với một vật cách điện ở giữa.

b. Phá hoại cầu cống: Việt Cộng thường dùng dầu xăng, dầu lửa và thuốc nổ để đốt phá những đầu cầu, chân cầu bằng gỗ, đá và xi-măng, dùng chuyên viên để phá những cầu sắt và bê tông lớn. Để lọt được vào những cầu có canh gác cẩn thận, họ thường giả làm hành khách đi trên xe ca, xe buýt, hoặc dùng những đơn vị du kích tấn công thẳng vào cầu trong khi các lực lượng khác phá cầu.

c. Đường xe lửa: Việt Cộng lựa chọn những chỗ khó sửa chữa đề tiến hành công tác phá hoại như ở đường hầm, quãng đường ngoằn nghoèo, chỗ nối… Họ tháo đinh ốc, lấy đi từng quãng đường sắt, đào hầm ngay bên dưới đường sắt, tháo nước vào cho ngập và chôn mìn ở những đầu mối.

Lính Mỹ đang chui xuống một địa đạo của du kích trong Chiến dịch Tìm và Diệt mang tên Oregon, cách Đức Phổ, Quảng Ngãi 3km về phía Tây, ngày 24/4/1967. Ảnh tư liệu số 530613, Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ.

5. Chống hành quân càn quét

Loại hoạt động này của Việt Cộng nhằm đối phó với lực lượng của Chính phủ khi lực lượng này tiến chiếm những khu vực an toàn của họ. Các đơn vị bị bao vây của họ tìm cách lọt ra khỏi vòng vây, sau đó quay lại tấn công vào sườn và phía sau lực lượng Chính phủ trước khi chuyển nhanh sang một khu vực khác. Họ cũng để lại một toán quân nhỏ ở ngay trong vòng vây để làm nhiệm vụ quấy rối và đánh tỉa. Chiến thuật đang được họ áp dụng là: lợi dụng khi quân chính phủ lập trung lực lượng vào cuộc càn quét, họ mở cuộc tấn công vào ngay những căn cứ hành quân của lực lượng chính phủ, đánh vào đoàn xe đi tiếp tế hay tiếp viện, phá đường nhằm cô lập lực lượng càn quét để giành lấy quyền chủ động.

Tóm lại, du kích và quân chính quy Việt Cộng đều chú ý đến các yếu tố hành động chủ yếu như: an toàn, bí mật, bất ngờ, nhanh chóng và mưu mẹo. Họ tập trung nhanh chóng đánh và phân tán khi cần. Họ tập trung vào những chỗ yếu của quân chính phủ, tránh đương đầu với lực lượng mạnh hơn họ và nhiệm vụ đầu tiên của họ là làm sao tạo nên những điều kiện thuận tiện để yểm trợ cho phong trào chính trị, trong khi đó, sự phát triển những đơn vị vũ trang của họ cũng chỉ cần đạt tới mức cần thiết để hoàn thành những mục tiêu chính trị.■

(Theo Tạp chí Phương Đông)

[1] Đạo quân thứ 5: đạo quân phá hoại, nội ứng trong hàng ngũ đối phương.

[2] Các từ “Chính phủ” trong bài này là nói đến chính quyền Việt Nam Cộng hòa, BTV

[3] Tấn công thâm nhập: đánh công kiên.

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN