Ngoại giao triều Nguyễn trước khi Pháp xâm lược Việt Nam (Kỳ 3)

Kỳ 3: Triều Thiệu Trị và Tự Đức

1. Ngoại giao bằng súng: triều Thiệu Trị (1841 – 1847)

Giao thiệp với Pháp

Sứ bộ về chưa đến, trên ngai vàng đã có vua khác lên ngôi. Ngày 21 tháng Giêng năm Tân Sửu (12/2/1841), Hoàng trưởng tử Mân Tông[1] làm lễ thay tên[2], mở bản sách vàng, lấy chữ “Triền” làm hoàng danh, lựa hai chữ Thiệu Trị làm hoàng hiệu.

Cũng năm ấy, có thuyền Pháp đến vịnh Trà Sơn, hỏi dò lối chính trị của tân quân, rồi nhổ neo đi; vì chẳng thấy hành động theo lối nhà binh, nên không có ai để ý.

Vua Thiệu Trị đã nghe dư luận ở Pháp, ngày Sứ bộ đi về; thế mà trong các nhà tù vẫn còn đầy người Thiên Chúa giáo.

Tháng 2 năm Quý Mão (1843), một chiếc thuyền Pháp lại đến Đà Nẵng, chủ thuyền là Favia Lêvique biết rõ trong nhà lao ở Huế hiện giam 5 giáo đồ người Pháp, gửi thư xin Chính phủ tha ra. Theo lá thư này, Lêvique muốn mở lối ngoại giao, để điều đình với nhà chức trách.

Thấy có hiệu quả, hai năm sau, Cécille, thiếu tướng hải quân, coi đạo binh tại Thái Bình Dương, cho một chiếc chiến thuyền đến Trà Sơn xin tha cho Giám mục Lefèbvre, vị này bị án tử hình và đã bị giam hơn 11 tháng.

Kỳ này cũng như kỳ trước, lời thỉnh cầu vẫn được Vua Thiệu Trị chuẩn y; vì có ý sợ cường quyền, nên Vua vui lòng nhượng bộ.

Tiếng súng đầu tiên

Năm Đinh Vị (1847), Lapierre cùng Thủy quân thiếu tướng sang thế Cécille: Giáo hội gửi đơn kêu, vì một phần đông còn bị giam trong ngục. Lapierre không tôn trọng đến quyền nội trị, cũng không theo lối ngoại giao, bèn phái một chiếc thuyền đến cửa Hàn, đưa 6 giáo sĩ lên bờ, và một phong thư, tỏ mặt nhà binh, muốn dùng võ lực.

Thấy cách cử chỉ của mấy người khách lạ, quan tỉnh Quảng Nam phát mã thượng ra tâu. Vua sai Lý Văn Phúc (Tham tri bộ Lễ) lập tức vào Hàn, hội đồng với Nguyễn Đình Tân (Thủ hiến) và Nguyễn Đức Chung (Lãnh binh), mời bạn ấy đến điều đình, yếu cho ổn thỏa.

Tàu Gloire của thuyền trưởng Augustin de Lapierre – con tàu Pháp đã bắn những phát súng đầu tiên vào Đà Nẵng vào tháng 4/1847 (Tranh vẽ của họa sĩ Horace Vernet năm 1841).

Theo ngày giờ của Hội đồng đã định, Trưởng phái đoàn đi với 4 thủy binh đến tại công đường, trao phong thư đã dịch sẵn ra tiếng Việt Nam cho thông ngôn đọc. Câu đầu là bắt triều đình cho tự do truyền giáo, câu sau là viện theo lệ bên Tàu, Vua Đạo Quang đã hạ chiếu cho dân gian được lập nhà thờ và được rước giáo đồ sang giảng Thiên Chúa giáo.

Nghe những lời quá xẵng, trái với thể lệ hiện hành, các quan Hội đồng không dám nhận thư, cũng không biết đáp lại thế nào, chỉ lắc đầu và lấy tay khoát. Trưởng phái đoàn tỏ ý giận, nói lớn tiếng, múa cả hai tay. Thông ngôn chưa kịp dịch hết lời thì khách đã ra đi, không chào địa chủ.

Lý Văn Phúc nói: “Trên Vua muốn chúng ta điều đình cho ổn thỏa theo lối ngoại giao; mà chúng ta đã chẳng biết điều đình lại đem về một bức thư này thì nhuốc mạng lệnh nhà Vua[3], tránh thế nào cũng không khỏi tội. Song thà chịu tội, chẳng thà gian dối với Vua”. Cả Hội đồng mới dịch ra chữ nho, đem thư về phục mạng.

Quả đúng như lời Lý Văn Phúc, sau khi ngự lãm, Vua nổi trận lôi đình, giao cho đình thần nghị tội. Muốn giải quyết vấn đề tôn giáo, Vua hỏi ý các quan; song có ai dám tâu cho truyền đạo Gia-tô, đều nhìn nhau rồi lựa lời thù phụng: “Hoàng đế đã thi ân nhượng bộ, mà người Pháp thị cường. Chúng thần nghĩ nên phòng bị cửa Hàn và kiềm chế giáo đồ, để cho dân an nước trị”.

Thuyền Pháp đậu chờ hơn nửa tháng chẳng thấy trả lời; lại thấy ngoài vịnh Trà Sơn có 5 chiếc tàu đồng đương dàn trận. Theo lời thám báo, Vua đã hạ chiếu bắt hết giáo sĩ người Tây, là đạo quân tiền phong, để thi hành theo chính sách của Tiên đế.

Lapierre cho người nói với quan tỉnh: “Nội 24 giờ, phải rút 5 chiếc thuyền vào; bằng để quá thời kỳ, thì thủy quân sẽ bắn!”

Chưa được lệnh ở Huế, các quan không dám tự tiện rút thuyền vào; huống trên mặt biển vẫn phải cầm phòng; song không thương thuyết cho rõ ràng, Thiếu tướng không hiểu lý do, ngờ là triều đình khiêu chiến, bèn ra lệnh bắn, thì thấy các đồn lũy đều bắn trả lời.

Sáng ngày hôm sau, là ngày 15/4/1847, Thiếu tướng cho nhổ neo ra đi, như có mật lệnh của nước Pháp, không cho quân thủy lên bờ. Còn quân ta người bị chết, người bị thương, các đồn lũy đều bị tan vỡ ra tro, nhưng may chưa đến nỗi phải mất nước.

Tuy thuyền Pháp đã đi xa hải cảng, mà Vua Thiệu Trị vẫn lo, chưa biết họ sẽ trở lại lúc nào, vì thế cho nên mắc bệnh. Ngày 27 tháng 9 năm Đinh Vị (4/11/1847), Vua Thiệu Trị thăng hà.

2. Đông Tây quan niệm khác nhau và Việt – Pháp chiến tranh: triều Tự Đức (1848 – 1883)

Giao thiệp với Trung Quốc

Hồng Nhậm (song danh), Hoàng nhị tử triều Thiệu Trị, tuân theo di chiếu đăng quang. Trước ngày tấn tôn, đã mở bản sách vàng, lấy chữ thứ hai là chữ “Thì” làm tên, và lựa hai chữ “Tự Đức” làm hiệu.

Tuy mới 19 tuổi mà nho học đã trứ danh; nói cho đúng hơn, thì chỉ là nhà giàu văn liệu của Tàu, hay là giàu cổ điển. Vua Tự Đức tưởng chỉ dùng cổ điển, đủ phát triển tinh thần của quốc gia, đủ trấn át hạng thượng lưu; văn hay thơ, đủ làm cho nhà Thanh phải kính nhường, đủ làm cho thần dân tôn trọng nữa.

Quả như vậy, vua đã sùng thượng văn chương, thì sĩ phu đều xu hướng theo văn chương; còn về chính trị, ngoại giao cũng như nhà Thanh, chẳng có ai để ý.

Vua Tự Đức và các quần thần. Tranh vẽ của họa sĩ Emile Therond trong tạp chí “Le Tour du Monde” xuất bản tại Paris năm 1860

Năm thứ hai (1849), Vua Đạo Quang đặt Lao Sùng Quang, Án sát tỉnh Quảng Tây, làm sứ thần, mang thể sách sang Phú Xuân kinh phong cho Vua Tự Đức làm Việt Nam Quốc vương, để vãng lai triều cống. Sứ thần ngoại quốc đến Huế, kỳ ấy là đầu.

Vừa sứ thần, vừa thi sĩ, Lao Sùng Quang trực tiếp [gặp] với các nhà thơ, nhất là Tùng Thiện Vương[4], Tuy Lý Vương[5], là hai vị Hoàng thân (chú Vua), và là hai nhà thơ bên Tàu vẫn đã nghe tiếng. Ngày trở về nước, Lao Sùng Quang tự công bố với các bạn ở Quảng Tây rằng: “Thi đáo Tùng Tuy thất Thạnh Đường; thơ của hai nhà này nổi lên thì thơ của đời Thạnh Đường mất tiếng”.

Vua Tự Đức càng tự tín, văn thơ đủ đối phó với các nước ngoài. Nguyễn Trường Tộ[6] đã tâu đến cơ khí của Mỹ của Âu, mà Vua không màng để ý.

Giao thiệp với Tây Âu

Năm Canh Tuất (1850), thuyền Hoa Kỳ đến Đà Nẵng; năm Ất Mão (1855), thuyền Anh Cát Lợi cũng đến, đều xin giao hảo thông thương[7]; song vua không cho, vì bất đồng văn hóa.

Năm sau (1856), nước Pháp ủy Leheur Bille sur Are đem quốc thư sang, chẳng những xin khai thương, lại xin giảng đạo Gia-tô nữa.

Vì bên năm 1751 – 1752 đã chém 3 cố đạo người Tây (Bonnard, Charbonier, Matheron), và một Giám mục người I-pha-nho[8] (Diaz), lại vì đã giáng Dụ nghiêm cấm truyền đạo Gia-tô, nên Vua Tự Đức không biết đáp thế nào vấn đề ngoại giao với người Tây, không thể đem văn chương Tàu ra mà giải quyết. Chưa giải quyết được, thì phải chịu làm thinh.

Cách hơn một tháng chẳng thấy trả lời, Leheur mới cho người đến nói với các quan rằng: “Người Pháp đến với quốc thư mà triều đình Việt Nam không giao thiệp, không đàm phán, có ngày sẽ phải giao thiệp bằng súng, thì khỏi phải giao thiệp bằng thư”.

Tuy tuyên ngôn như vậy, nhưng nước Pháp còn cố gắng theo phương pháp ngoại giao để tránh cho khỏi chiến tranh. Ba tháng sau mới cho Montigny, sứ thần của Pháp ở Xiêm La, đem quốc thư sang, yêu cầu ba khoản: một là được tự do truyền giáo, hai là được giao thông thương mại, ba là được đặt lãnh sự tại Phú Xuân kinh.

Thư này càng khó trả lời; chỉ có làm thinh là giải pháp hay hơn hết. Song tự nhận thấy có nguy cơ ẩn phục, Vua Tự Đức mới cho Đào Trì (Chưởng vệ đạo binh Võ lâm) làm Khâm sai, vào giữ Hải Vân quan; Trần Hoàng (Chưởng vệ đạo binh Long võ) làm Thống lãnh cả các đồn, để lâm thời đối phó.

Theo giải pháp của Vua Tự Đức, Montigny vẫn đã dự trù, và đã đoán rằng: không lẽ đối phương chịu đầu hàng trước khi giao chiến. Đứng trước giải pháp “làm thinh” của Vua Tự Đức, nước cờ của người Pháp lại cao hơn, xuất quỷ nhập thần, đi những nước không ai ngờ đến.

Đầu năm sau (1857), Trần Hoàng gửi sớ tâu rằng: “Có một chiếc thuyền Pháp vừa đến Trà Sơn, cho người lên nói với chúng thần: triều đình không trả lời, tức là thừa nhận bức quốc thư của Pháp. Nay Napoleon đệ tam cho sang một vị quan nhất phẩm, toan về Huế để ký một bản hiệp ước theo 3 khoản nước Pháp đã xin. Chúng thần chưa biết đáp thế nào, còn chờ huấn lệnh”.

Bị nước cờ bí, vua phải trách cứ vào quan, mới phê vào lá sớ của Trần Hoàng: “Đã có Đào Trì làm Khâm sai ở Đà Nẵng, sao không tự thương thuyết cho êm, mà lại bắt triều đình phải trực tiếp [trao đổi với] người Tây, hay là các quan đều muốn thừa nhận 3 khoản ấy?”

Cách 2 ngày Đào Trì tâu lại: “Chúng thần chưa hành động thì thuyền Pháp đã chạy khỏi Trà Sơn”. Vua Tự Đức mừng, cho giải pháp “làm thinh” là đắc sách.

Tiếng súng thứ hai

Sở dĩ thuyền Pháp chạy là vì được lệnh phải sang hội chiến với Anh tại Quảng Đông; đến ngày ký hòa ước tại Thiên Tân thì Pháp hoàng cho hải quân Trung tướng Rigault de Genouilly đem 13 chiếc thuyền và 3.000 quân hiệp đồng với chiến thuyền của Tây Ban Nha, đầu tháng 7 năm 1858, vào cửa Hàn không theo lối ngoại giao, bắn phá cả các đồn, sau mấy giờ giao thiệp bằng súng.

Liên quân Pháp – Tây Ban Nha tại Đà Nẵng năm 1858. Ảnh: Được cho là của Paul-Emile Berragner/Bảo tàng Quốc gia Australia

Được tin ấy, Vua Tự Đức liền cho Lê Đình Lý (Hữu quân Đô thống phủ) vào làm đại tướng, đem thêm 2 ngàn quân nữa để giữ Hải Vân quan. Tại làng Cẩm Lệ, giao chiến quyết liệt hơn nửa ngày thì Lê Đình Lý bị trọng thương. Vua cho Nguyễn Tri Phương (Thượng thư bộ Binh) vào thế.

Rigault định lấy Đà Nẵng trước, rồi ra lấy Phú Xuân, song gặp nhiều trở lực không ngờ, mới định đem quân vào nam lấy Sài Gòn trước. Nguyễn Tri Phương lập lại các đồn lũy, kiên cố nhất là đồn Liên Trì, song chưa dám tấn công, chỉ lo phòng thủ. Lại vừa lúc Rigault tự đình chiến, thành thử, Nguyễn Tri Phương chưa xuất trận mà đã có chiến công.

Người chịu chết đầu tiên theo đất nước

Tháng Giêng năm 1859, Trung tướng Rigault ủy cho Đại tá Toyon ở lại cửa Hàn, còn tự mình đem binh thuyền vào cửa Cần Thơ, bắn phá các pháo đài hai bên bờ sông Đồng Nai, rồi giao chiến 4 ngày luôn[9], cả đường bộ lẫn đường thủy.

Tuy đã phòng bị nhưng đến ngày thứ 5, Võ Duy Ninh, Tổng đốc Gia Định, đã phải gửi thư cầu viện với các tỉnh lân bang. Trương Văn Uyển, Tổng đốc Vĩnh Long và Định Tường, đem viện binh đi được nửa đường thì nghe Võ Duy Ninh đã tự sát tại đồn Tây Tân sau khi thành Gia Định bị hãm.

Tượng Tổng đốc Võ Duy Ninh tại nhà thờ ở tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I

Rigault thừa thắng trở ra lấy Hải Vân quan, để cho đứt lối giao thông theo bản dự trù ngày trước. Đến Đà Nẵng khai chiến thì Đại tướng Nguyễn Tri Phương phải chạy về Liên Trì để viện thêm binh vì nhận thấy thua đối phương cả các phương diện.

Trong lúc ấy, Pháp, Anh đương khai chiến với Trung Quốc, mà tại Thiên Tân có nhiều lợi quyền hơn. Rigault không muốn kéo dài cuộc chiến tranh trên dải đất Việt Nam, mới đưa thư về Huế để điều đình, nếu Vua Tự Đức chịu cho khai thương và cho truyền giáo.

Các quan ở Huế, cũng như Nguyễn Tri Phương ở Quảng Nam, ai cũng muốn hòa, mà đối với vua, đối với dân đều sợ phần trách nhiệm, mới tâu xin trưng cầu dân ý để cho cả Nam cả Bắc có thể gửi sớ điều trần. Những bản sớ[10] dưới này đều của các nhà mưu quốc:

“Nước Pháp sở dĩ muốn lấy Sài Gòn và Đà Nẵng là vì muốn chiếm thị trường: nếu Hoàng đế chịu cho khai thương thì ngày sau tranh đấu về kinh tế, không tranh đấu bằng khí giới nữa. Nước nhà như một người bị bệnh, đã đến lúc lâm nguy, thuốc đầu độc cũng phải dùng, trong khi cấp cứu” (Trần Văn Trung và 6 người đồng ký).

“Nếu cho khai thương và truyền giáo, mà Pháp chịu rút binh về, thì nên dùng nhà ngoại giao để giảng hòa, cốt giữ cho toàn thổ vũ” (Tô Linh và 5 người ký chung một giấy).

“Theo binh thư, thì có chắc hơn mới đánh; nay quân ta giao chiến mà chỉ có phần thua, thì nghị hòa là chước cuối cùng; huống lại tự nhà thắng trận xin hòa, thì bên ta, dầu bại trận, mà vẫn còn sự thể” (Lê Chỉ Tín, Đoàn Thọ đồng ký).

“Lòng lo cho nước thường phải xoay theo thế theo thời; Khổng giáo “tùy thời” là chính nghĩa. Hễ trong mình đã không có đủ sinh lực thì phải nhờ sinh lực ở ngoài; nay sức nước Nam thua cả các nước Âu Tây, chúng thần tưởng nên tùy thời thân thiện với người Tây, để lợi dụng sức của người làm sức của mình, mới mong có ngày tự cường tự chủ” (Nguyễn Trường Tộ).

Quân Pháp chiếm thành Gia Định

“Ngữ bất đầu cơ bán cú đa”. Nửa câu đã quá nhiều, khi nói không đúng dịp. Những nhà ái quốc, mưu quốc, gửi dân mấy lá sớ đều bị gác bỏ ra ngoài. Vua Tự Đức truyền cho Nguyễn Tri Phương rằng: “không nên dung giặc, để đến nỗi vua lo”. Rồi gửi ban cho Nguyễn Tri Phương một cái áo thêu hình rồng và một bài thơ, có câu: “Giải cầu nhẫn dĩ công trĩ tích”: Sao nỡ thấy chậm thành công mà tiếc ái áo ta đương mặc hay sao?” Trong thời kỳ Rigault đình chiến để chờ cuộc nghị hòa, vừa thấy kém sức khỏe trong mình phải xin về Pháp nghỉ.

Chính phủ Cộng hòa cử Thiếu tướng Page sang thế, tháng 10 năm ấy (1859) đến cửa Hàn, cũng đồng ý với Rigault, cho người đem thư ra kinh nhắc lại mấy điều đã yêu cầu trong thư trước.

Song nhẫn nại của nhà binh có giới hạn, Page lại phải tấn công. Nguyễn Tri Phương chạy sớ về tâu: “Quân chỉ còn 3 ngàn, Hải Vân quan sợ không giữ nổi”.

Trong khi đương thắng lợi thì Page được lệnh ở Pháp, bắt phải đem binh thuyền sang Thái Bình Dương để hội chiến với Charner; vì Pháp, Anh đương khai chiến tại Thiên Tân nên Thiếu tướng bỏ cửa Hàn sau khi đã đốt hết các đồn lũy.

Đầu năm Canh Thân (1860), thấy thuyền Pháp đã chạy xa hải cảng, Vua giáng dụ cho Nguyễn Tri Phương vào làm Đại sứ Nam kỳ, cho cả Phạm Thế Hiển đi theo, để khôi phục Sài Gòn, thừa cơ hội Pháp chưa có thì giờ trở lại.

Chẳng ngờ sau ngày Vua Hàm Phong[11] ký hòa ước thì Trung tướng Charner trở lại Đông Dương, đạn rưới như mưa, Nguyễn Tri Phương bị trọng thương, em là Nguyễn Duy tử trận, Phạm Thế Hiển cũng bỏ mạng trên chiến địa. Quốc dân đã phải để tang cho thành Gia Định, tuy tướng sĩ chưa chịu đầu hàng.

Bản hòa ước đầu tiên

Trong thời kỳ băng bó, Nguyễn Tri Phương nằm tại Biên Hòa, thì Trung tướng Bourdair đi đường sông, Thiếu tướng Page đi đường núi, hai đạo binh đánh hai mặt, Mỹ Tho và Tây Ninh; lại còn đưa thư đến Cao Mên, điều đình với vua rằng: “Sở dĩ quân Pháp đánh lấy Gia Định và Định Tường là có ý muốn mở đường để cùng nhau thân thiện. Từ ngày nay Đại Pháp là nước bạn, sẽ bảo đảm hoàn toàn quyền lợi cho nước Cao Mên…”.

Chỉ một lá thư không tốn một viên đạn đủ làm cho vua Cao Mên khuất phục nhờ toàn phương pháp ngoại giao.

Cuối năm Tân Dậu (1861), Trung tướng Charner xin về nghỉ, Chính phủ Pháp cho Hải quân Thiếu tướng Bonnard sang thay; thừa thắng, đánh lấy luôn tỉnh Biên Hòa và tỉnh Vĩnh Long, làm cho cả triều đình khiếp sợ.

Vua Tự Đức nhận thấy Nguyễn Bá Nghi[12] làm Khâm sai Đại thần điều đình không nổi, mới cho Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp vào nghị hòa với Pháp để chấm dứt chiến tranh.

Khi bệ từ[13], Vua Tự Đức ban một chén ngự tửu để tiễn hành và dặn mấy lời tâm huyết: “Nước đương lâm vào hồi nguy cấp, phải nhờ những nhà lão luyện, đem hết tài năng giữ cho được biên cương, công ấy cao hơn Lãng Tương Như đã đem ngọc Biên Hòa về cho nước Triệu[14]!”

Thuyền Forbin vừa cập Bến Nghé, hai vị lão thần nhận thấy Đông tam tỉnh như vật đã ở tay người; nếu mình chẳng xin đình chiến ngay bây giờ thì chỉ làm cho nhân dân lưu huyết[15] nữa, bèn cùng nhau lau nước mắt, áp ký vào bản hòa ước. Thiếu tướng Bonnard đã dự thảo sẵn sàng; sau khi đã hết sức điều đình, mới còn lại 12 khoản [Hòa ước Nhâm Tuất 1862].■ (Hết)

Các sứ giả Đại Nam đến gian đình Hòa bình [trong Trường thi Gia Định] ở Sài Gòn, để ký bản Hòa ước Nhâm Tuất 1862. (Ký họa của ông Lugeol, đăng trên “Le Monde illustré”, số ra ngày 9/8/1862, tr.85)

Bản hòa ước năm Nhâm Tuất (1862)

 1.                   Hoàng đế nước Pháp, Hoàng đế nước I-pha-nho, Hoàng đế nước Đại Nam, đính ước cùng nhau, từ nay vĩnh viễn hòa bình; nhân dân cả 3 nước, bất cứ ở đâu, cũng giữ tấm tình thân thiện.

2.                   Dân nước Pháp, nước I-pha-nho có quyền giảng đạo Thiên Chúa trên đất nước Đại Nam; tín ngưỡng tự do, không ai được cấm ngăn, cũng không ai được cưỡng bức.

3.                   Cả ba tỉnh: Biên Hòa, Gia Định (Sài Gòn) và Định Tường (Mỹ Tho), cả đảo Côn Lôn (Poulo Condore), vua nước Đại Nam nhường chủ quyền cho vua nước Pháp.

4.                   Lúc hòa bình, nếu có nước nào, hoặc bằng cách khiêu chiến, hoặc bằng cách điều đình bắt nước Đại Nam phải nhường đất một nơi nào, Hoàng đế phải cho người thân hành, tin cho vua nước Pháp; dầu có lập với nước nào một bản Hiệp ước cũng phải có vua nước Pháp thừa nhận mới được chính thức thi hành.

5.                   Dân nước Pháp, dân nước I-pha-nho đều được buôn bán trên các hải cảng: Đà Nẵng, Ba Lát, Quảng An; dân nước Đại Nam cũng được tự do buôn bán trên các cửa biển của Pháp, của I-pha-nho; song ai ở nước nào phải tuân theo luật lệ nước ấy.

6.                   Nếu nước nào có điều gì lợi hại tương quan, thì vua nước ấy phải cho người đại diện đến tại một kinh đô, điều đình cùng nhau, cho được đều thỏa thuận. Nếu không có điều gì phải thương lượng, chỉ muốn tặng hảo hay là chúc mừng theo lối bang giao, thì thường năm, các vua sẽ cho sứ thần lai vãng.

7.                   Nay đã hòa bình, tất cả các mối hiềm thù đều bỏ: vua nước Pháp sẽ ân xá cho những người bị bắt trong lúc chiến tranh; vua nước Đại Nam cũng sẽ ân xá cho các gia đình ngày trước đã phục tùng người Pháp.

8.                   Vua nước Đại Nam phải bồi thường binh phí 4 triệu phật lăng (franc), trả trong hạn 10 năm, mỗi năm trả một phần mười số ấy. Nước Đại Nam chỉ có bạc lượng, thì chỉ giá mỗi phật lăng là 72 phần trăm trong một lượng.

9.                   Nếu có người phiến loạn trên lãnh thổ Pháp, sau khi người Pháp kê tên, nhà chức trách của Nam Triều phải bắt cho được tội nhân, nộp cho người Pháp; cũng như những người phiến loạn trong nước trốn sang lãnh thổ Pháp, nhà cầm quyền Pháp phải làm hết bổn phận như trên.

10.               Dân ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên đều được bán buôn trong 3 tỉnh thuộc địa Pháp; chỉ trừ những đoàn lính chở khí giới, vua nước Pháp chỉ cho phép đi trên đất Cao Mên.

11.               Quân đội Pháp giữ thành Vĩnh Long cho đến ngày có lệnh mới. Ngày nào vua nước Đại Nam trừ khử những bọn phản động trong thuộc địa Pháp, thì nước Pháp sẽ giao trả tỉnh Vĩnh Long.

12.               Bản Hòa ước này kết giữa ba nước, có những vị ủy viên Thượng thư đại thần có đủ quyền và có đủ ấn kiểm để đại diện nhà vua; trong kỳ hạn một năm, lễ hộ giao bản Hòa ước này sẽ cử hành tại Huế.

Napoleon đệ tam, Hoàng đế nước Pháp; Isabelle đệ nhị, Nữ hoàng nước I-pha-nho; Tự Đức, vua nước Đại Nam, đã ủy quyền cho các sứ thần nghị hòa.

Sau khi nhìn nhận nguyên tắc và thỏa thuận cùng nhau, lập bản Hòa ước, và ký dưới này:

Louis Adolphe Bonnard, Hải quân thiếu tướng

Don Carlos Palanca Guttierrez, Đại tá Tổng chỉ huy quân đội của I-pha-nho

Phan Thanh Giản, Bộ trưởng Bộ Lễ nghi, Khâm sai Đại thần

Lâm Duy Hiệp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Khâm sai Đại thần

Theo “Việt Nam ngoại giao sử cận đại”, Ưng Trình, 1970.

 

Chú thích: 

[1] Năm 1823 sau khi đúc cái bửu vàng (Hoàng đế chi bửu) để truyền kế, Vua Minh Mạng bày phép đặt tên, chạm vào một bản sách bằng vàng 20 chữ: Mân, Hồng, Ưng, Bửu, Vĩnh – Bảo, Quí, Định, Long, Trường – Hiền, Năng, Kham, Kế, Thuật – Thế, Thoại, Quốc, Gia, Xương. Từ ngày ấy, nhà vua mới có tên hai chữ. Chữ đầu là chữ sẵn trong bản Kim sách, tức là tên chung; chữ sau là chữ của gia đình đặt cho, tức là tên riêng. Như Mân Tông: chữ Mân là tên chung, chữ Tông là tên riêng. Theo thứ tự 20 chữ trên này thì từ đời con đời cháu trở về sau, cho đến đời thứ 20, mỗi đời mỗi chữ (theo “Minh Mạng Chính yếu”).

[2] Cũng năm thứ tư triều Minh Mạng, nhà nước chạm trong một bản sách bằng vàng 20 chữ là: Triền, Thì, Thăng, Hạo, Minh, Biện, Chiêu, Hoảng, Tuấn, Điển, Trí, Tuyên, Giản, Huyên, Lịch, Chất, Tích, Yến, Hy, Duyên. Trước bản sách vàng, Vua Minh Mạng chạm một bài tựa để giải ý nghĩa của nhà nước: “20 chữ trong bản sách này, toàn về bộ Nhật (mặt trời), là tên 20 vị vua kể từ con ta trở xuống. Trước khi lên kế vị, phải làm lễ thay tên; bỏ tên cũ, là tên hiện có trong gia đình, lấy một chữ theo thứ tự trong bản sách này làm tên, tức là tên một vị vua, tên theo bộ Nhật. Mang tên mới, lên chiếc ngai vàng, chịu nhận sứ mạng của Trời, làm con Trời, không phải là người trong gia đình như ngày trước nữa; dầu bác, dầu chú đều phải trở lại làm tôi, cũng như dân trong nước vậy. Đối với dân, đối với nước, vua phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, nghĩa là phải chịu hy sinh trước chiếc ngai vàng, hễ không chết tại ngai vàng thì nhà nước không thờ vào Thế Miếu”.

[3] Sách Luận ngữ có câu: “Sứ ư tứ phương, bất nhục quân mạng”, nghĩa là Sứ thần đến đâu, đừng để cho nhuốc mạng lệnh nhà vua

[4] Tùng Thiện Vương (1819-1870): Hoàng thập tử triều Minh Mạng; trước tác cả văn cả thơ có 18 pho.

[5] Tuy Lý Vương: Hoàng thập thất tử triều Minh Mạng.

[6] Nguyễn Trường Tộ: Thế kỷ XIX, người Việt Nam có tư tưởng duy tân, chỉ Nguyễn Trường Tộ là một người Thiên Chúa giáo, năm 1860 theo Đức cha Gauthier sang Pháp, có đến La Mã bái yết Đức Giáo hoàng. Nhờ có thiên tư đặc biệt nên giỏi cả Pháp văn, cả La tinh, cả Hán văn. Ngày trở về, điều trần những kế hoạch: Cứu tế xã hội, cải lương phong tục, chỉnh đốn binh bị, nghiên cứu ngoại giao. Song Vua Tự Đức chẳng tin dùng, bị thổ huyết đến mất.

[7] Theo bản sử lược của Trần Trọng Kim

[8] I-pha-nho: Tây Ban Nha

[9] Theo bản sử của B. Maybon thì giao chiến chỉ 2 ngày. Theo bản dã sử chữ nho, Lê Thanh Cảnh đã dịch ra chữ Pháp và đã đăng trong báo Đô thành Hiếu cổ năm 1937 thì biên rõ 4 ngày.

[10] Tâu lên vua có 2 thể: về hành chính gọi là “phiến”, về nghị luận gọi là “sớ”. Trong dã sử có hơn trăm bản sớ, đây chỉ lược biên mấy bản, theo báo Đô thành Hiếu cổ đã đăng năm 1937.

[11] Theo bản “Trung Quốc ngoại giao thất bại sử”, năm 1860, sứ thần nước Anh xin triều yết Vua Hàm Phong và xin miễn lệ bái quỳ, sứ thần được phục sức võ trang đeo gươm, đội mão. Tăng Cách Lâm Tâm làm Thủ tướng, cho người Anh có ý khinh vua, đem hạ ngục sứ thần, không cho yết triều. Anh, Pháp lợi dụng cơ hội ấy đem chiến thuyền 200 chiếc và 2 vạn quân kéo vào Bạch Hà, hãm thành Đại Cô, rồi tiến đánh Thiên Tân. Vua Hàm Phong phải đến Nhiệt Hà tị nạn.

[12] Nguyễn Bá Nghi: người huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, đậu Phó bảng. Năm 1861, Pháp hãm thành Gia Định, Nguyễn Tri Phương bị trọng thương, Vua Tự Đức cho Nguyễn Bá Nghi làm Khâm sai Đại thần, vào Nam kỳ điều khiển quân thứ. Sau khi nhận thấy không chiến nổi, Nguyễn Bá Nghi gửi sớ tâu rằng: “Bằng không nghị hòa ngay lúc bây giờ, chúng thần xin chịu tội. Tại Nam kỳ, người Pháp mới lấy một tỉnh, nếu nghị hòa thì 5 tỉnh kia còn là đất nước Nam; bằng cứ tấn công, thì chỉ đem dân nạp vào miệng súng. Vì cớ ấy, nên chúng thần xin Hoàng đế nghị hòa, hay là cho người đi đến một nước nào, hoặc cầu điều đình, hoặc cầu viện trợ”. Vua Tự Đức phê vào sớ: “Có gặp gió manh mới thấy cây cỏ cứng thế nào; thầy nên cố gắng với nước nhà, để thâu hồi cho hoàn toàn lãnh thổ” (Theo “Chính biên Liệt truyện”).

[13] Từ biệt trước khi bệ vua, để đi làm theo sứ mạng

[14] Biên Hòa là tên người tìm được hòn ngọc báu. Năm 238 TCN, nhà Tần oai hiếp, muốn lấy hòn ngọc báu ấy của nước Triệu, đổi cho đất 5 thành. Vua nước Triệu sai Lãng Tương Như đem hòn ngọc sang nước Tần, nếu không được đất 5 thành thì phải đem về, cho hoàn toàn hòn ngọc báu. Lãng Tương Như làm theo nhiệm vụ, nhờ khéo ngoại giao.

[15] Lưu huyết: đổ máu

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN