Bước vào kỷ nguyên công nghệ 4.0, nhân loại đã và đang sống trong một thời đại tiện nghi chưa từng có. Các kỹ thuật phục vụ cho quá trình sản xuất tư bản đều đạt tới trình độ tân tiến, hiện đại. Thông qua ngôn ngữ lập trình máy tính, mạng Internet cùng các ứng dụng điện tử – viễn thông đã giúp con người nối liền mọi khoảng cách, tối ưu hoá các nhu cầu của đời sống, lao động và học tập. Đặc biệt, sự ra đời và phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) từ những năm 60 của thế kỷ XX đã tạo ra một bước ngoặt lớn trong cuộc cách mạng công nghệ hiện nay, giúp con người giải quyết được hầu hết các vấn đề thuộc mọi lĩnh vực, ngành nghề. Tuy nhiên, điều này cũng đang làm dấy lên những lo ngại về các nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy đến cho tương lai của nhân loại, khi trí thông minh nhân tạo đang ngày càng trở nên tối ưu và vượt trội hơn so với con người. Trong bối cảnh đó, việc đề xuất một hệ thống quy định, pháp luật chung về kiểm soát hoạt động nghiên cứu, ứng dụng AI ở mọi quốc gia, châu lục, trong từng ngành nghề, lĩnh vực – vẫn luôn là điều cần thiết để đảm bảo duy trì trật tự, an ninh thế giới.

Trước hết, chúng ta cần hiểu rõ về lịch sử và cơ chế hoạt động của AI, nhận thức đúng những lợi ích và rủi ro mà nó mang tới cho con người. Cụm từ trí tuệ nhân tạo lần đầu tiên được nhắc đến trong “Dự án nghiên cứu mùa hè về trí tuệ nhân tạo” năm 1956 tại Mỹ, với sự dẫn dắt của nhà khoa học máy tính John McCarthy. Hội nghị này đã chính thức xác định phạm vi và mục tiêu của AI, được xem như cột mốc chính thức cho sự ra đời của trí tuệ nhân tạo ngày nay. Có thể nói, trí tuệ nhân tạo hay AI (tiếng Anh: artificial intelligence) hay trí thông minh nhân tạo, là một nhánh nghiên cứu của ngành khoa học máy tính. Thuật ngữ này được dùng để chỉ các máy chủ có cấu tạo tương tự hệ thần kinh trung ương và cách thức hoạt động giống như não người. Cụ thể, chúng có khả năng bắt chước não bộ thực hiện các hành vi tư duy bao gồm học tập, giao tiếp, giải quyết vấn đề, sáng tạo nghệ thuật… Quá trình xây dựng và phát triển bộ não của máy cũng tương tự như cách chúng ta đào tạo một một đứa trẻ, nghĩa là dựa trên cơ chế nạp thông tin, dữ liệu và huấn luyện cho bộ não đó nhận thức, vận dụng được các kiến thức vừa thu nạp. Sản phẩm của quá trình này chính là một trí tuệ nhân tạo tồn tại dưới ba dạng thức chính: ngôn ngữ tự nhiên (natural language processing), hình ảnh (computer vision) và âm thanh – giọng nói (audio signal processing). Đây cũng chính là kết quả đầu ra của tư duy con người.

Nhà khoa học máy tính John McCarthy – người dẫn dắt “Dự án nghiên cứu mùa hè về trí tuệ nhân tạo” năm 1956 tại Mỹ, nơi cụm từ “trí tuệ nhân tạo” lần đầu tiên được đề xuất, ảnh chụp năm 1967. Ảnh: Đại học Stanford

1. Đóng góp của trí tuệ nhân tạo

Những nghiên cứu khai thác các ứng dụng của AI sớm nhất vào thập niên 60 ở Mỹ đã khám phá ra khả năng đa nhiệm của công nghệ này ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Năm 1960, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ bắt đầu đào tạo máy tính thực hiện các chức năng tư duy cơ bản của con người. Nhờ đó, Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) đã hoàn thành được các dự án lập bản đồ đường phố vào những năm 1970. Năm 2003, DARPA tiếp tục giới thiệu một trong những mô hình trợ lý cá nhân thông minh sớm nhất trên thế giới. Tính đến thời điểm hiện tại, khi các thuật toán về trí tuệ nhân tạo ngày càng được tối ưu hoá, các công ty nghệ lớn như Google, Facebook, Tesla, Amazon… đều sử dụng chúng vào việc nâng cao các tính năng mới cho sản phẩm của mình. Đầu năm nay, công ty khởi nghiệp OpenAI “trình làng” ChatGPT – một Chatbot thông minh có thể giao tiếp và giải đáp thắc mắc của tất cả mọi người. Elon Musk – CEO của tập đoàn công nghệ hàng đầu nước Mỹ SpaceX cho biết, ông cũng đang làm việc với TruthGPT – một AI được kỳ vọng sẽ trở thành giải pháp thay thế cho ChatGPT khi cố gắng tìm kiếm sự thật tối đa cho toàn bộ tồn tại của nhân loại và thế giới. Google hiện cũng đã ra mắt công cụ Google DeepMind – một trí tuệ nhân tạo kết hợp giữa DeepMind và GoogleBrain. Có thể nói, AI đã tạo ra một “cơn sốt” và trở thành thứ chìa khoá vạn năng mà tất cả các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghệ đều dốc sức theo đuổi. Chính cuộc đua về phát triển trí tuệ nhân tạo ở quy mô toàn cầu này đã cho thấy tính ứng dụng siêu việt của AI trong đời sống hiện nay.

Cụ thể, năng lực vượt trội nhất mà AI sở hữu chính là phân tích và ghi nhớ dữ liệu, tính toán và giải quyết các vấn đề logic. Do đó, nó thường được sử dụng trong các lĩnh vực thương mại, kế toán, tài chính – ngân hàng. Chỉ số áp dụng AI toàn cầu của IBM năm 2022 cho biết, 35% công ty báo cáo sử dụng AI trong hoạt động kinh doanh và 42% đang khám phá và xúc tiến ứng dụng AI trong thời gian sắp tới. Cũng trong năm ngoái, quy mô thị trường AI toàn cầu đã tăng lên 136,6 tỷ USD từ 96 tỷ vào năm 2021. Bên cạnh đó, AI cũng gây ấn tượng mạnh trong việc thực thi các nhiệm vụ liên quan tới hình ảnh, thị giác máy tính và ngôn ngữ tự nhiên. Trí tuệ nhân tạo hiện nay có thể giúp sàng lọc và xử lý hình ảnh trên không gian mạng theo yêu cầu người dùng, phân tích từ khoá để đề xuất thông tin quảng cáo – marketing, nhận diện hình ảnh trong camera an ninh, công nghệ vân tay, mã quét QR…; đồng thời đem lại hiệu quả cao cho các thiết bị chẩn đoán y sinh và nhiều ứng dụng thiết thực khác trong các lĩnh vực khoa học – kỹ thuật, văn hoá – giáo dục… Các thuật toán học máy (machine learning) và học sâu (deep learning) ngày nay có thể dạy cho AI cách vẽ tranh, sáng tác thơ, viết văn, tóm tắt các văn bản hay chơi nhạc cụ, ca hát, trò chuyện, tương tác như một con người thật. Hơn thế nữa, AI không chỉ kiểm soát được từng dạng dữ liệu cụ thể nói trên, mà còn tỏ ra nhuần nhuyễn, linh hoạt trong việc chuyển đổi, xử lý dữ liệu tổng hợp, bất kể chúng tồn tại ở dạng số, chữ viết, hình ảnh hay giọng nói.

Tính ưu việt của trí tuệ nhân tạo nằm ở chỗ, nó có khả năng thực hiện các thao tác dữ liệu nhanh hơn con người gấp nhiều lần và cho kết quả với độ chính xác ngày càng cao. Tháng 6 vừa qua, Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc vừa công bố rằng máy tính lượng tử Jiuzhang do họ phát triển chỉ mất chưa đầy một giây để thực hiện nhiệm vụ mà siêu máy tính mạnh nhất thế giới hiện nay cần tới gần 5 năm, nghĩa là nhanh hơn gấp 180 triệu lần. Chính ưu thế về tốc độ này đã góp phần giảm tải thời gian, gia tăng hiệu suất công việc, đồng thời tiết kiệm chi phí sản xuất cho rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp.

Với những tính năng này, AI không chỉ trở thành công cụ đắc lực hỗ trợ con người trong lao động, mà còn kích thích tư duy, thúc đẩy mỗi cá nhân không ngừng nỗ lực tìm tòi, học hỏi, sáng tạo ra cái mới để không bị thụt lùi và đào thải giữa guồng quay sôi động của phát triển kinh tế, khoa học – kỹ thuật hiện nay.

2. Các nguy cơ từ trí tuệ nhân tạo

Dẫu những đóng góp của trí tuệ nhân tạo đối với nhân loại là không thể phủ nhận, song các nguy cơ từ việc phát triển tràn lan các công cụ AI đã và đang làm gia tăng những lo ngại về cuộc khủng hoảng dư thừa nhân công trên toàn thế giới. Chính những tính năng ưu việt và tốc độ hoàn thiện ngày càng cao của AI đã khiến cho nhiều công việc có nguy cơ bị xoá sổ trong tương lai. Cảnh báo về việc máy móc thay thế con người là hoàn toàn có cơ sở, khi bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào cũng có thể ứng dụng công nghệ này trong các hoạt động của mình, từ cấp độ cơ bản tới chuyên sâu. Trong bối cảnh tình trạng thất nghiệp do dịch bệnh Covid-19 chưa được khắc phục, con người, đặc biệt là những người đang trong độ tuổi lao động, lại phải đối mặt với một cuộc cạnh tranh việc làm khốc liệt với cả “người máy”. Không những thế, việc ỷ lại, lạm dụng công cụ AI cũng sẽ đẩy con người đến nguy cơ sa sút trí tuệ và suy giảm khả năng sáng tạo, chưa kể các yếu tố về đạo đức, thói quen, lối sống….

Mặt trái tiếp theo của việc sử dụng AI một cách thiếu kiểm soát chính là sự gia tăng các hình thức tội phạm công nghệ cao. Hiện nay, AI hoàn toàn có thể được sử dụng cho những mục đích phạm tội như xâm nhập và thu thập dữ liệu bất hợp pháp, với hiệu quả cao hơn gấp nhiều lần so với cách thức truyền thống. Tốc độ phát triển của AI hiện tại sẽ làm gia tăng lượng dữ liệu bị đánh cắp lên tới quy mô quốc gia, châu lục, khiến cho công tác bảo mật hệ thống thông tin trên mạng Internet ngày càng trở nên khó khăn và phức tạp hơn. Đặc biệt, một trong những hình thức lừa đảo mới nhất sử dụng công nghệ AI mang tên Deepfake đã và đang trở thành mối lo ngại toàn cầu, khi tin tặc tạo ra các video với hình ảnh, giọng nói giống hệt một người có thật để khống chế các nạn nhân. Có thể nói, kể từ khi trí tuệ nhân tạo “làm mưa làm gió” trên khắp thế giới, chưa bao giờ môi trường mạng lại trở nên bất an và khó kiểm soát như hiện nay.

Robot Sophia – robot hình người đầu tiên được cấp quyền công dân, và CEO David Hanson của Hanson Robotics – nơi sở hữu Sophia, tại sự kiện “AI for Good Global Summit” do Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) của Liên hợp quốc tổ chức ngày 6 – 7/7/2023 tại Geneva, Thụy Sĩ. Tại đây, Sophia đã phát biểu rằng AI có thể lãnh đạo thế giới tốt hơn con người. Ảnh: AFP

Trong lĩnh vực quân sự – quốc phòng, AI được nhiều nhà quan sát, chính trị gia và giới nghiên cứu công nghệ – kỹ thuật cảnh báo về sức công phá và mức độ nguy hiểm lớn hơn cả bom nguyên tử. Các cường quốc như Nga, Mỹ, Trung Quốc… hiện đang tham gia vào một cuộc đua ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phát triển các cỗ máy chiến tranh không người lái. Những robot này được lập trình bằng các thuật toán xác định mục tiêu có độ chính xác và sức sát thương cao gấp nhiều lần so với người điều khiển thông thường. Thời gian đào tạo một phi công hay một chiến sĩ lái tăng chuyên nghiệp có thể mất đến nhiều năm mà không đảm bảo được xác suất nhắm trúng mục tiêu như kỳ vọng; trong khi đó, một robot vốn không bị chi phối bởi tình trạng sức khoẻ thể chất, tinh thần, chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả cao hơn. Bên cạnh khả năng tự động xâm nhập hệ thống và thu thập dữ liệu kể trên, các công cụ AI còn có thể gây ra những cuộc khủng hoảng lớn về truyền thông khi góp phần lan toả các thông tin sai lệch ở phạm vi rộng, bằng cách thức tinh vi và khó phát hiện hơn so với con người; từ đó đe doạ nghiêm trọng tới tình hình an ninh – chính trị trên toàn thế giới.

AI đã và đang đặt ra nhiều thách thức đối với các vấn đề đạo đức, văn hoá của xã hội hiện đại. Những robot thông minh có khả năng chia sẻ, trò chuyện như người thật, một mặt giúp con người giải quyết được các vấn đề về tâm sinh lý, song mặt khác, nó cũng chính là nguyên nhân khiến con người ngày càng xa cách nhau và xa rời các giá trị truyền thống của dân tộc mình. Nhiều người trẻ hiện nay chọn tâm sự với các chatbot thông minh thay vì nói chuyện với nhau và giao tiếp với các thế hệ lớn tuổi. Hiện tượng kết hôn với robot không chỉ tồn tại trên phim ảnh nữa mà đã trở thành sự thật, thậm chí có xu hướng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại một số nước Á Đông vốn coi trọng đời sống hôn nhân, gia đình như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, nó đã trở thành một dịch vụ thu được lợi nhuận cao trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo cũng gây ra những tranh cãi về mặt bản quyền, vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong một số lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật như văn học, hội hoạ, âm nhạc…

Khác với con người, trí tuệ nhân tạo không gắn với một cơ thể sống có khả năng tổn thương vật lý, lão hoá và tử vong, nên chúng không thể mai một đi mà ngày càng sắc bén thêm theo thời gian đào tạo. Một số AI thậm chí đã sở hữu siêu trí tuệ, có thể tự giao tiếp bằng một ngôn ngữ riêng, đến mức những người sáng tạo chúng cũng không thể hiểu, dự đoán và kiểm soát được. Khi kết hợp với các công nghệ y học hiện đại, trí tuệ nhân tạo hoàn toàn có khả năng sao chép dữ liệu và cách thức hoạt động của não bộ, từ đó đọc được cả suy nghĩ của con người… Tất cả những dự báo này sắp tới sẽ không còn là điều viển vông chỉ tồn tại trong các bộ phim khoa học viễn tưởng, mà là một thực tế đe doạ đến sự tồn vong của nhân loại.

3. Giải pháp kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Tháng 3 năm nay, một số tên tuổi lớn trong giới công nghệ bao gồm Elon Musk và Steve Wozniak, người đồng sáng lập Apple đã ký một bức thư ngỏ kêu gọi ngừng phát triển AI vì một rủi ro sâu sắc đối với nhân loại. Bức thư kêu gọi tạm dừng ngay lập tức sáu tháng đào tạo các hệ thống AI tiên tiến hơn hệ thống GPT4 hiện tại. Điều này cho thấy tính cấp bách của việc xây dựng một hệ thống pháp lý chung nhằm kiểm soát các hoạt động liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Nói cách khác, đã đến lúc con người cần nhìn nhận nghiêm túc về việc xây dựng, huấn luyện và sử dụng AI sao cho hiệu quả, hợp lý, tránh vượt quá những nguyên tắc chung về sự tiến bộ của loài người.

Thứ nhất, các tổ chức quốc tế và các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những cường quốc hàng đầu về trí tuệ nhân tạo cần chung tay thiết lập các quy tắc và tiêu chuẩn đạo đức rõ ràng cho việc phát triển và ứng dụng AI. Đây sẽ là một bộ quy tắc chung với những quy định và điều khoản cụ thể mà các nhà nghiên cứu và nhà phát triển AI phải cam kết tuân thủ trong suốt quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống trí tuệ nhân tạo của mình. Những quy tắc này bao gồm tính minh bạch về mục đích thiết kế, công cụ lập trình, đầu ra sản phẩm; đồng thời đảm bảo trách nhiệm đối với sự an toàn của con người, vì mục tiêu tiến bộ của văn minh nhân loại. Mọi hệ thống AI cần phải do con người kiểm soát và không được phép lập trình để tự động nâng cấp hay đi quá giới hạn hiểu biết của con người. Ở cấp độ vĩ mô, một sự hợp tác quốc tế chặt chẽ, toàn diện giữa các quốc gia, tổ chức, cộng đồng nghiên cứu để xây dựng một khung quy định và nguyên tắc chung về AI là điều vô cùng cấp thiết, có tính sống còn nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững và an toàn của công nghệ này đối với nhân loại.

Thứ hai, cần thiết lập các chính sách nhằm bảo vệ quyền riêng tư và an ninh dữ liệu cho tất cả các hệ thống trí tuệ nhân tạo. Toàn bộ các khâu của quá trình thiết kế, huấn luyện AI đều được tiến hành dựa trên một khối lượng dữ liệu, thông tin khổng lồ; do đó các quốc gia cần xây dựng một hệ thống giám sát nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, minh bạch trong việc thu thập, lưu trữ và sử dụng dữ liệu cá nhân của công nghệ AI. Bên cạnh đó, một hàng rào bảo mật cũng cần được chuẩn hoá với các quy định nghiêm ngặt nhằm tránh việc lạm dụng và xâm phạm quyền riêng tư của các bên cung cấp dữ liệu.

Thứ ba, cần đề xuất một giới hạn nhất định cho việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong từng lĩnh vực, từ đó làm giảm tác động tiêu cực của AI đối với tình trạng khan hiếm việc làm hiện nay. AI sẽ chỉ được phép sử dụng trong một số hoạt động cụ thể của đời sống và sản xuất, còn những tác vụ khác vẫn phải do con người đảm nhiệm. Mỗi quốc gia cũng cần đào tạo và chuẩn bị cho lực lượng lao động những kĩ năng, năng lực mới để thực hiện các công việc phát sinh từ sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, đồng thời khuyến khích khởi nghiệp để hình thành các công việc mới xoay quanh công nghệ này. Ở một số ngành nghề đặc thù có liên quan đến sáng tạo nghệ thuật như hội hoạ, âm nhạc, văn học, điện ảnh… cần xây dựng một hệ thống quy định bổ sung về bản quyền và sở hữu trí tuệ nhằm tránh tình trạng gian lận, sao chép tác phẩm bằng AI.

Cuối cùng, mỗi người cần tự ý thức được trách nhiệm của mình đối với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo sao cho hiệu quả, hợp lý; biến AI thành một công cụ hỗ trợ đắc lực cho mình thay vì ỷ lại, dựa dẫm, lạm dụng AI hay “thần thánh hoá” và coi nó như một tồn tại có thể hoàn toàn thay thế con người. Các quốc gia, đặc biệt là những cường quốc lớn trên thế giới, cũng nên nhận thức rõ ràng về những nhiểm hoạ mà AI có thể mang tới cho nhân loại, từ đó giới hạn lại mức độ ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong thiết kế, chế tạo vũ khí, thiết bị quân sự; giống như các cam kết về hạn chế vũ khí hạt nhân. Có thể nói, khi nhu cầu sử dụng AI của mỗi người nằm trong một chừng mực nhất định thì việc xây dựng, đào tạo các hệ thống AI cũng sẽ chỉ thu hẹp ở một phạm vi vừa phải, không gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với con người.

Ngày nay, trí tuệ nhân tạo đã và đang đóng góp rất nhiều cho nhân loại trên mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế, khoa học – kĩ thuật, văn hoá – xã hội… Tuy nhiên, việc phát triển AI quá mức chắc chắn sẽ mang đến những rủi ro tiềm tàng, đe doạ tương lai của nhân loại. Do đó, các tổ chức quốc tế, các quốc gia và vùng lãnh thổ cần cần thiết lập hệ thống nguyên tắc, quy định chung về kiểm soát hoạt động xây dựng, huấn luyện và ứng dụng AI. Mỗi người cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo song song với gìn giữ và phát huy các giá trị đạo đức, nhân văn của xã hội loài người. Chỉ thông qua các biện pháp đó, chúng ta mới có thể đảm bảo rằng trí tuệ nhân tạo sẽ tiếp tục phục vụ con người và đóng góp tích cực cho tiến trình phát triển chung của cả nhân loại.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC