Cuộc tấn công của Nga vào lãnh thổ Ukraine từ góc nhìn địa chính trị

Xoay quanh sự kiện Nga mở cuộc tấn công lãnh thổ Ukraine vào ngày 24/2/2022 đến nay đã và đang nổ ra nhiều quan điểm với nhiều góc nhìn khác nhau. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp về sự kiện này và khẳng định Nga đã vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc khi tấn công vào một nước có chủ quyền và chỉ sau đó một tháng, vào ngày 24/3/2022, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã thông qua một nghị quyết không ràng buộc do Ukraine và các đồng minh phương Tây soạn thảo, yêu cầu Nga lập tức ngừng hoạt động quân sự ở Ukraine và kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường viện trợ nhân đạo cho Ukraine. Hãng tin AFP cho biết, tại trụ sở chính của LHQ, nghị quyết này nhận được 140 phiếu ủng hộ và 5 phiếu chống của Nga, Syria, Triều Tiên, Eritrea và Belarus và 38 quốc gia bỏ phiếu trắng. Cùng với Ukraine, tất cả các nước phương Tây và Mỹ đều lên án Nga xâm lược Ukraine và hành động này còn lặp lại ở nhiều hội nghị, diễn đàn quốc tế khác. Nhìn chung, trước sự kiện Nga tấn công Ukraine, dư luận quốc tế hiện chia làm ba luồng quan điểm, một bên lên án Nga xâm lược và Nga bị trừng phạt, đứng đầu là Mỹ và các nước phương Tây, một bên là các nước còn lại từ chối ủng hộ Mỹ và phương Tây chống Nga. Nhóm thứ ba là nhóm giữ lập trường trung gian – đây là nhóm chiếm số lượng nhiều nhất trong ba luồng quan điểm.

Việt Nam hiện nay cũng đã và đang tồn tại nhiều quan điểm trái chiều về vấn đề này. Một bộ phận đối chiếu sự kiện trên với lịch sử chính trị ở Việt Nam và cho rằng Nga chỉ đang hành động để bảo vệ chủ quyền trước các thế lực phát xít đang hoành hành ở Ukraine và đây là một điều cần thiết khi an ninh quốc gia bị đe doạ. Ngược lại, một bộ phận khác bày tỏ quan điểm phản đối, coi hành vi của Nga là xâm lược lãnh thổ của một nước có chủ quyền và ủng hộ LHQ trừng phạt Nga. Bên cạnh đó, cũng có nhiều quan điểm trung lập, cho rằng cuộc chiến tranh phải sớm đi đến hồi kết và các bên cần giải quyết ổn thoả mâu thuẫn, đối đầu; đưa ra thông điệp hoà bình bởi cuộc chiến nào cũng gây đổ máu, chết chóc, làm xấu đi tình hình kinh tế – chính trị thế giới nói chung. Đến nay, cuộc chiến tranh Nga – Ukraine đã kéo dài hơn 1 năm. Tất cả những thông tin xoay quanh cuộc chiến tranh đến nay đã trở nên rõ ràng và đầy đủ hơn, giúp ta hiểu được vì sao Nga lại mở cuộc tấn công Ukraine bằng quân sự.

Xây dựng một lịch sử thù hận đối với nước Nga

Phân tích những nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tranh, trước hết ta cần phải xét đến khía cạnh lịch sử của cả hai nước. Thế Chiến II kết thúc (1945), Nhà nước Liên Xô được hình thành, từ đó thế giới bắt đầu bước vào thời kì “Chiến tranh lạnh” giữa hai cực – một bên là chủ nghĩa tư bản phương Tây do các nước Mỹ, Anh… đứng đầu; một bên là xã hội chủ nghĩa – do Nhà nước Xô Viết (Liên Xô) đứng đầu. Chính thể Xô Viết lúc bấy giờ là tập hợp bao gồm nhiều quốc gia nhỏ, trong đó có Ukraine, Belarus, Litva, Gruzia, Mondova, Armenia…. Sau 46 năm tồn tại Nhà nước Liên Xô, phe tư bản do Mỹ đứng đầu, các nước phương Tây đã thắng thế bởi sức mạnh kinh tế và quyền lực truyền thông; khiến cho Liên Xô dần dần suy yếu và sụp đổ. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô lúc bấy giờ là Gorbachyov đã phải đầu hàng Đế quốc, tuyên bố giải thể Nhà nước Xô Viết và Đảng Cộng sản Liên Xô vào năm 1991. Các nước nhỏ thuộc Xô Viết, trong đó có Ukraine, tách ra khỏi chính thể lớn và tuyên bố trở thành một nước cộng hoà độc lập nằm cạnh nước Nga. Như vậy, về lịch sử, Ukraine đã từng thuộc về lãnh thổ của Nga, hợp nhất với Nga làm một Nhà nước chứ không tách riêng như hiện tại. Nói cách khác, toàn bộ lịch sử phát triển và sự gần gũi về chủng tộc cũng như các giá trị văn hoá, tinh thần, tư tưởng của người dân Ukraine đều có sự gắn kết chặt chẽ với Nhà nước Xô Viết, đặc biệt là những di sản thuộc về cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại chống phát xít Đức trong Thế chiến II. Chiến thắng oanh liệt đó là là chiến thắng chung của cả Nga và Ukraine – hai dân tộc vốn gắn bó khăng khít cả về kinh tế lẫn quân sự và văn hoá. Lịch sử của Ukraine là một lịch sử song hành, kết nối với Nga chứ không phải các nước phương Tây, mặc dù đã tách khỏi Liên Xô được hơn 30 năm.

Lễ Ký kết Hiệp định loại bỏ Liên Xô và thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) ngày 8/12/1991 tại Belarus. Trong ảnh: Tổng thống Ukraine Leonid Kravchuk (thứ hai từ trái sang), Chủ tịch Hội đồng tối cao Cộng hòa Belarus Stanislav Shushkevich (thứ ba từ trái sang) và Tổng thống Nga Boris Yeltsin (thứ hai từ phải sang). Ảnh: U. Ivanov

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Yeltsin lên nắm quyền và trở thành Tổng thống đầu tiên của nước Nga. Ông phải tiếp quản một nước Nga mới rệu rã, suy kiệt về kinh tế, nơi tất cả những kẻ đầu cơ tích trữ nổi dậy thâu tóm tài nguyên của Nga và giàu lên nhanh chóng nhờ các cuộc mua bán, đổi chác những tài nguyên đó với phương Tây. Yeltsin đã không thể giải quyết được vấn nạn này, khiến cho tài sản của nước Nga dường như khánh kiệt chỉ trong vòng gần 9 năm sau đó. Về chính trị, vị thế của Nga trên thế giới cũng không còn như trước; người ta chỉ thấy một nước Nga yếu đuối trước sức mạnh phương Tây và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đặc biệt là về quân sự. Mặc dù NATO đã cam kết với Yeltsin rằng sẽ không mở rộng biên giới của mình đến sát nước Nga; song chỉ từ 12 nước thành viên ở buổi đầu thành lập, trải qua 08 lần kết nạp, đến nay, NATO đã nâng tổng số thành viên lên 30 nước, trong đó có rất nhiều nước Đông Âu trước đây thuộc khối Warszawa (do Nga lãnh đạo) như: Ba Lan, Cộng hòa Czech, Hungary (kết nạp năm 1999), Slovakia, Romania, Bulgaria (kết nạp năm 2004), Albania (kết nạp năm 2009)… Việc NATO mở rộng biên giới đến gần Nga hơn đã trực tiếp đe doạ đến tình hình an ninh nước này, đặc biệt là khi Mỹ và phương Tây đã chính thức mở màn cuộc đối đầu với Nga bằng cách lôi kéo nhiều quốc gia, nhất là là các nước Đông Âu, có chung đường biên giới với Nga, tham gia vào công cuộc chống Nga ở châu Âu. Trong đó, hai cái tên nổi bật nhất phải kể đến Ukraine, Ba Lan – hai đất nước coi Nga và Putin như “kẻ thù truyền kiếp”.

Về Ba Lan, mối hận thù của nước này đối với Nga cũng xuất phát từ các vấn đề lịch sử. Năm 1939, khi phát xít Đức chuẩn bị phát động chiến tranh, Liên Xô đã kí Hiệp ước với nhiều nước trong khu vực nhằm ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa phát xít. Ngược lại, phía Đức cũng chủ động tham gia vào các cuộc đàm phán với Liên Xô để giành thêm quyền kiểm soát ở châu Âu. Bấy giờ, Ba Lan là một vị trí nằm ngăn cách giữa Đức và Liên Xô, bởi vậy hai nước này đã kí một Hiệp ước có tên gọi là Ribbentrop-Molotov (Hiệp ước Xô – Đức), tại Moscow hồi tháng 8/1939, theo đó thỏa thuận ở một biên bản mật là sẽ cùng nhau chia đôi Ba Lan. Mục đích của Stalin lúc đó chủ yếu là để Hồng quân đứng chân ở Ba Lan, khiến cho quân Đức không thể chiếm cứ hoàn toàn vùng đất này, bởi đây là một khu đệm trọng yếu để từ đó chiếm được toàn bộ châu Âu. Tuy nhiên, điều đó cũng đã gây ra một hiểu lầm tai hại, khiến Chính phủ Ba Lan bấy giờ coi cả Nga và Đức và kẻ thù xâm lược. Mặc dù Liên Xô vẫn cam kết bảo vệ Ba Lan, nhưng nhân dân và chính quyền nước này chưa bao giờ tin vào điều đó; và mối hận thù với Nga đã kéo dài suốt từ đầu Thế chiến II cho tới giờ. Lợi dụng tình hình đó, Mỹ và phương Tây đã tìm mọi cách để lôi kéo Ba Lan trở thành thành viên của NATO.

Trường hợp của Ukraine chủ yếu xuất phát từ tình trạng kinh tế yếu kém sau khi tách khỏi Liên Xô, muốn tìm chỗ dựa mới ở châu Âu và Mỹ. Thêm vào đó là sự ảnh hưởng từ các thông tin tuyên truyền của phương Tây đã khiến giới chính khách nước này dần hình thành tư tưởng chống Nga cực đoan. Từ vấn đề kinh tế, làn sóng bài Nga đã lan sang cả lĩnh vực văn hoá, tinh thần, trở thành một vấn đề sắc tộc nhức nhối; đồng thời dẫn đến nhiều cuộc biểu tình lớn mà đỉnh cao là Cách mạng cam năm 2004. Chế độ thân Nga chính thức sụp đổ, thay vào đó là một chính quyền thân Mỹ lên lãnh đạo đất nước, thực hiện một chiến dịch bài Nga, phá bỏ các di sản Xô Viết trên mọi “mặt trận”, từ văn hoá, giáo dục đến đàn áp quân sự đối với người Nga, đặc biệt là ở các vùng phía Đông Ukraine giáp với biên giới Nga – nơi có nhiều người Nga sinh sống. Nhìn chung, lịch sử Ukraine là một chuỗi phát triển đi từ thân Nga đến chống Nga và bài Nga cực đoan; mà nguyên nhân sâu xa đều xuất phát từ sự tác động và hỗ trợ của phương Tây. Chính truyền thông phương Tây đã truyền cảm hứng cho giới chính khách Ukraine và cả những các tỷ phú Nga lưu vong ở nước ngoài; biến những người này thành một lực lượng đi đầu trong việc tuyên truyền và hỗ trợ chống Nga trên chính đất Nga và Đông Âu. Nói cách khác, phương Tây đã lợi dụng các nhân vật có quyền lực và tiền bạc tại Nga – Ukraine để họ góp sức, góp lực, làm sâu sắc thêm mâu thuẫn trong nội bộ nước Nga; đồng thời tạo ra cả một lực lượng hùng hậu chống Nga quyết liệt với tính chất ngày càng nguy hiểm, tinh vi.

Biển người biểu tình tham gia Cách mạng Cam trên quảng trường Maidan (Kiev, Ukraine), ngày 23/11/2004. Ảnh tư liệu

Như vậy về mặt lịch sử, Gorbachyov là người tạo dựng, hỗ trợ, đẩy Liên Xô đến bờ vực “sụp đổ” và “dâng” cho phương Tây những quốc gia trước đây vốn thân thiết với Nga, sau đó tới lượt Yeltsin với những chính sách quản trị yếu kém càng “tiếp tay” cho Mỹ và đồng minh lợi dụng cơ hội này lôi kéo thêm nhiều nước Đông Âu quay lưng đối đầu, chống Nga kịch liệt. Ngoài ra, việc Liên Xô sụp đổ cũng góp phần tạo ra một bộ phận người Nga lưu vong, có xu hướng bài xích, phản bội đất nước, sẵn sàng phối hợp với phương Tây tấn công lại Nga. Hai lực lượng này vẫn hoạt động tích cực từ năm 1991 đến nay, bất chấp những chính sách “cứng rắn” của Tổng thống Putin nhằm đương đầu, chống lại sự đe doạ nhiều phía đối với Nga sau khi ông lên nắm quyền.

Thực hiện các chính sách chống Nga toàn diện

Các chính sách đối đầu, chống Nga của phương Tây được tính toán một cách tỉ mỉ và thực hiện một cách tinh vi trên mọi lĩnh vực. Cụ thể, trong giai đoạn trước khi xảy ra chiến tranh giữa Ukraine và Nga, chính quyền Tổng thống Obama đã chi đến 5 tỷ USD để hỗ trợ cho Nhà nước Ukraine bí mật nuôi dưỡng lực lượng chống Nga; kèm theo đó là rất nhiều trang thiết bị, vũ khí. Tại Ukraine, chủ nghĩa dân tuý đã biến nước này thành Nhà nước phát xít, quân đội phát xít với tư tưởng bài Nga cực đoan, đưa Ukraine trở thành “bàn đạp hoàn hảo” cho công cuộc chống Nga của Mỹ và phương Tây. Các chương trình hỗ trợ của những tỷ phú lưu vong như Boris Berezovsky do Mỹ “giật dây” nhằm lật đổ chính phủ Nga hiện vẫn còn hoạt động với hàng trăm triệu đô la, mặc dù ông này đã qua đời vào năm 2013…

Bên cạnh viện trợ kinh tế, quân sự, Mỹ và phương tây còn tạo ra những chiến dịch truyền thông, tư tưởng nhằm kích động, khơi gợi lòng thù địch của các nước như Ba Lan Ukraine và một số nước ở Đông Âu. Có thể nói, bất kể một quốc gia nào ở châu Âu hay một nhân vật Nga lưu vong có tầm ảnh hưởng nào lên tiếng chống Nga thì đều được Mỹ và phương Tây đón nhận một cách tích cực. Mặc dù trong giai đoạn này, Mỹ cũng tiến hành các chiến dịch quân sự ở nhiều nước, từ Kosovo cho đến Iraq và Afganishtan, nhưng không có quốc gia nào lên án mà mọi hoạt động truyền thông do phương Tây thao túng chỉ tập trung vào việc bài xích, lên án Nga xâm lược Ukraine, đến mức xuyên tạc sự thật về nước Nga, cho rằng Liên Xô không phải là nước đánh bại phát xít. Điều đó cho thấy, phương Tây đã lên kế hoạch “gài” Nga vào nhiều cuộc đụng độ với hàng loạt các nước từng thuộc Liên Xô cũ, nhất là các nước ở gần biên giới Nga như Gruzia, Ukraine… từ đó “dồn” Nga đến “bước đường cùng”, khiến Nga không thể không thực hiện cuộc chiến tranh đáp trả lại sức ép từ nhiều phía. Đặc biệt, chính việc đẩy Nga tới quyết định nổ súng tấn công Ukraine cũng nằm trong kế hoạch của phương Tây nhằm chứng minh và buộc tội Nga xâm lược nước láng giềng; từ đó không những khiến dư luận quốc tế có cái nhìn tiêu cực, quay lưng với Nga; mà còn tạo điều kiện để Mỹ và châu Âu “đường đường chính chính” can thiệp vào cuộc chiến ở Ukraine mà không bị dư luận lên án. Có thể nói, Mỹ và phương Tây đã từng bước thực hiện một cuộc chiến tranh phá hoại âm thầm suốt nhiều năm liền dưới mọi hình thức; không những viện trợ quân sự cho Ukraine mà còn kiểm soát, thâu tóm truyền thông, vu khống, xuyên tạc và tung ra những tin tức không chính xác về nước Nga, thậm chí biến Nga thành tội phạm chiến tranh, ra lệnh bắt Putin và kiện Nga ra Toà án Hình sự Quốc tế; đó là chưa kể đến các gói trừng phạt với hàng nghìn điều khoản gây thiệt hại nặng nề cho Nga về kinh tế.

Ngoài ra, cũng cần điểm lại một sự kiện vào năm 2014, khi Nga tấn công chiếm lại bán đảo Krym. Hành động này cũng bị Mỹ và phương Tây lên án, coi là một hành vi xâm lược. Tuy nhiên, trên thực tế, đây là một động thái nhằm đáp trả lại hoạt động chống Nga và tàn sát người Nga tại vùng Donbas phía Đông Ukraine. Điều này dẫn tới việc ký kết các thoả thuận Minsk vào năm 2014 – 2015 nhằm đảm bảo chấm dứt các giao tranh quân sự ở biên giới Nga – Ukraine và bảo toàn lãnh thổ hai nước. Tuy nhiên, mới đây, vào ngày 21/2/2023, hãng thông tấn TASS cho biết cựu thủ tướng Đức A. Merkel đã vô tình “xác nhận” rằng thỏa thuận Minsk chỉ là một sự “tung hoả mù” nhằm đánh lừa ông Putin, tạo ra giai đoạn hoà hoãn tạm thời để phương Tây giúp Ukraine tăng cường sức mạnh chống Nga. Điều này cho thấy rằng tất cả các hoạt động xoay quanh xung đột giữa Nga và Ukraine đều đã có “bàn tay” của phương Tây tính toán, sắp đặt từ trước. Đặc biệt, sau khi Tổng thống Ukraine Zelensky lên nắm quyền vào năm 2019 và mở màn nhiệm kỳ của mình bằng chuyến công du sang Mỹ; thì sự hỗ trợ của phương Tây đối với Ukraine trong việc chống Nga đã trở nên công khai và ngày càng mạnh mẽ. Xuyên suốt thời gian lãnh đạo Ukraine, Zelensky ngày càng bộc lộ bản thân là một Tổng thống hiếu chiến, bài Nga cực đoan, và thậm chí tại Hội nghị An ninh Munich ngày 19/02/2022; ông này còn đe doạ rằng Kiev có thể từ bỏ Bản ghi nhớ Budapest (1994) với cam kết từ bỏ toàn bộ vũ khí nguyên tử trước đó, nghĩa là Ukraine hoàn toàn có thể tái khởi động chương trình hạt nhân nếu Nga tiếp tục đe doạ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản ngày 21/5/2023. Tại đây, ông Biden tuyên bố sẽ cung cấp gói viện trợ quân sự trị giá 375 triệu USD cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Ảnh: AP

Bên cạnh việc đào sâu thêm tinh thần thù ghét Nga trong lòng Ba Lan và Ukraine; tháng 9 vừa qua, Mỹ và EU cũng lợi dụng tình hình căng thẳng ở Armenia và Azerbaijan để khơi mào, kích động, lôi kéo Armenia hợp tác với mình, từ đó mở rộng gọng kìm cô lập, bao vây Nga. Tóm lại, sau 20 năm Tổng thống Vladimir Putin lên nắm quyền, Mỹ và phương Tây đã bước đầu thành công trong việc tạo ra một mặt trận, một phong trào liên kết ở châu Âu với mạng lưới lên tới hơn 30 nước. Tất cả hợp lực thành một khối chống Nga, trong đó hung hăng nhất là Ukraine với người đứng đầu Zelensky – trên thực tế đã chống Nga cả về mặt quân sự.

Đòn đáp trả tất yếu từ Điện Kremlin

Năm 1999, Yeltsin đã bàn giao lại chính quyền cho Vladmir Putin để mở ra một trang sử mới cho nước Nga. Trong cuộc bầu cử vào tháng 3/2000, Putin đứng đầu trong mười ứng cử viên và trở thành Tổng thống thứ hai của Liên bang Nga thời kỳ hậu Xô Viết. Là một chính khách xuất thân từ Uỷ ban An ninh Quốc gia Nga (KGB), Putin đã thấy rõ những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của nước Nga đến từ Mỹ và phương Tây. Do đó,  ngay sau khi nhận về một nước Nga hỗn loạn từ tay Yeltsin, Tổng thống V. Putin đã đề xuất ra một chiến lược khôn ngoan là hoà hoãn, giảm đối đầu căng thẳng với các nước phương Tây để bước đầu ổn định, khôi phục lại nền kinh tế Nga đang kiệt quệ. Thậm chí, Moskva còn từng đề xuất gia nhập Liên minh châu Âu (EU), đặt ra 8 điểm để cùng chung sống với EU và xin gia nhập NATO đến 4 lần, song tất cả đều bị từ chối. Trong khi đó, Mỹ và phương Tây vẫn ngày đêm nung nấu ý định thôn tính nước Nga nhân cơ hội nội bộ Nga đang suy yếu. Phương Tây còn đánh giá sai lầm về Putin, xem ông là con người yếu đuối, và đổ lỗi cho tình trạng suy yếu của nước Nga là do ông Putin lãnh đạo yếu kém. Nhận rõ thái độ này của phương Tây và hiểu rằng không thể tiếp tục nhân nhượng thêm nữa, tại Hội nghị Munich năm 2001, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chính thức lên án, tố cáo Mỹ và châu Âu có những hành vi cô lập Nga và khước từ thiện chí hợp tác từ phía Nga. Điều đó đã dẫn đến tình trạng đối đầu căng thẳng giữa hai bên, kéo dài cho tới tận thời điểm hiện tại.

Như vậy, nếu nhìn vào bức tranh tổng thể của quan hệ giữa các bên Nga – Mỹ, phương Tây và Ukraine, ta có thể thấy rằng, việc Nga tấn công Ukraine là kết quả tất yếu của cả một quá trình tranh chấp, xung đột diễn ra giữa Nga và phương Tây, bắt nguồn từ việc phương Tây liên tục gây hấn, kích động các nước láng giềng hình thành tư tưởng thù địch với Nga, đồng thời không chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán, thoả thuận trong vấn đề phương Tây nói chung và Ukraine nói riêng. Ở thế bị bao vây, cô lập, Nga không còn con đường nào khác mà phải giải quyết vấn đề Ukraine bằng vũ trang để nước này không thể trở thành thành viên tiếp theo của NATO ở sát biên giới Nga, làm “bàn đạp” cho phương Tây tấn công Nga. Khi tất cả các biện pháp ngoại giao, kinh tế, chính trị không đạt được hiệu quả thì nước Nga không còn con đường nào khác ngoài tấn công quân sự. Nga cho rằng, cuộc chiến với Ukraine cũng bắt nguồn từ một động cơ rất chính đáng, đó là bảo vệ người Nga ở vùng biên giới phía đông Ukraine, chứ không phải xâm lược nước láng giềng.

Hơn thế nữa, ngay khi mở cuộc tấn công này, cho đến khi chiến dịch quân sự đã diễn ra được hơn 1 năm nay, Nga vẫn tính đến giải pháp cùng Ukraine chấm dứt chiến tranh, thông qua thoả thuận được đưa ra ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 3/2022 vừa qua. Tuy nhiên, thoả thuận này đã bị Zensinsky khước từ ngay sau khi Thủ tướng Anh Rishi Sunak đến Kiev và tuyên bố không bao giờ đàm phán với Nga, với Putin. Nếu thoả thuận tháng 3/2022 được Zelensky chấp nhận thì đã có hoà bình, Ukraine đã giữ được toàn vẹn lãnh thổ. Điều đó cho thấy một mâu thuẫn rằng Ukraine – mặc dù là nước “bị xâm lược” – song lại không khao khát hoà bình mà ngược lại, còn là phe hiếu chiến hơn trong cuộc chiến tranh này. Bên cạnh đó, các nhà quan sát cũng khẳng định rằng cuộc chiến ở Ukraine thực chất là cuộc chiến giữa phương Tây và Nga. Các nước phương Tây muốn lật đổ Nga và thay thế Putin bằng một nhân vật khác do họ thao túng. Trên thực tế, nhiều nhân vật có xu hướng đối lập với Putin như Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin, phóng viên Navalny… đều là những nhân vật thuộc “tầm ngắm” của Mỹ và phương Tây để lật đổ, thay thế Putin.

Nói cách khác, phía Mỹ đã đạt được thành công rất lớn trong việc chia rẽ châu Âu, thâu tóm châu Âu theo kiểu “chia để trị”. Nhưng từ cuộc chiến ở Ukraine, có thể thấy, dư luận quốc tế đã và đang ngày càng nhận thức rõ hơn về bản chất của Ukraine và những tính toán của phương Tây, cùng với đó là sức mạnh của Nga và Tổng thống Putin trong việc lãnh đạo đất nước. Có thể nói, loài người sẽ bước sang một kỉ nguyên mới nếu cuộc chiến kết thúc và chiến thắng thuộc về người Nga. Những tính toán, tham vọng đầy sai lầm và ảo tưởng của Mỹ và phương Tây sẽ là một bài học lớn cho những kẻ cố tình “đùa giỡn” với một quốc gia hạt nhân, một cường quốc sở hữu sức mạnh quân sự to lớn như Liên bang Nga. Tính đến thời điểm hiện tại, Tổng thống V. Putin cũng đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc chống chọi với sức mạnh của Mỹ và phương Tây ở cuộc chiến Ukraine, đồng thời đập tan ảo vọng của những thành phần phản động lưu vong người Nga ở nước ngoài vốn tiếp tay cho Tây chống lại Tổ quốc. Đó chính là những minh chứng thuyết phục nhất cho thấy nước Nga không phải là “trạm xăng của thế giới” như phương Tây vẫn thường nhìn nhận, mà là một đối thủ đáng gờm mà phương Tây sẽ phải trả một cái giá đắt nếu tiếp tục coi thường và hung hăng đối đầu.

Suy cho cùng, mọi cuộc chiến đều có nguồn gốc và nguyên nhân sâu xa của nó. Cụ thể, chiến tranh Nga – Ukraine không đơn giản chỉ thuộc phạm vi hiến chương của một cuộc chiến mang màu sắc xâm lược; mà đây là một xung đột tất yếu nhằm giải quyết vấn đề mâu thuẫn trong lịch sử giữa hai dân tộc Nga và Ukraine; khi các biện pháp kinh tế, ngoại giao, sắc tộc, văn hoá đã không còn phát huy tác dụng nữa; và đặc biệt là khi dân tộc Nga đang phải đứng trước mối đe doạ từ chủ nghĩa phát xít ở Ukraine cũng như các “gọng kìm” mà Mỹ và phương Tây liên tục chĩa vào Nga suốt hàng thập kỷ nay. Điều đó góp phần lí giải vì sao Tổng thống Putin buộc phải sử dụng sức mạnh quân sự khi các biện pháp ôn hoà không thành công. Đó là điều tất yếu sẽ xảy ra theo quy luật tự nhiên, và cuộc chiến sẽ chỉ chấm dứt khi một bên tham chiến chấp nhận thua cuộc.■

Tuệ Minh

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN