Từ cuối thế kỷ XVI, người phương Tây đã sang Việt Nam và có nhiều ghi chép về xã hội ta, từ các nghi lễ trong triều đình tới các phong tục trong đời sống của dân ta thuở xưa, như các thói quen ăn mặc, thi cử hay các ngày lễ tết. Qua những mô tả của linh mục người Ý sang truyền giáo tại Việt Nam vào giữa thế kỷ XVII Giovanni Filippo de Marini (1608–1682) về ngày Tết Nguyên đán của người dân Bắc kỳ vào thời kỳ này, chúng ta có thể thấy nhiều tục lệ ngày Tết từ cách đây hàng trăm năm vẫn được duy trì cho tới tận ngày nay. Tạp chí Phương Đông xin giới thiệu tới độc giả bản dịch của Nguyễn Trọng Phấn, đã được đăng trên báo Thanh Nghị số 29-31, tháng 2/1943.
Lệ đi lễ và cách đem biếu quà cáp của người dưới đối với người trên hôm đầu năm có từ ngày xưa thì bây giờ bắt buộc và có một đạo luật rất nghiêm khắc chế định nên không ai có thể bỏ đi được. Các quan tùy theo phẩm trật của mình (có nhiều người lại tùy theo phẩm trật mình muốn đạt) mỗi năm gửi phẩm vật quý giá về dâng Vua… Hạ quan gửi tặng vật về biếu thượng quan; học trò tết thầy, con cháu biếu gia trưởng, và như thế người dưới biếu người mà mình nhận là người đứng ngay hàng trên mình. Vì lễ vật nhận được rất nhiều và đủ các thứ, nên các quan có tục vào những ngày tất niên đem thết bà con và thân hữu một phần to: còn lại thì cho lính tráng, đầy tớ để cho ai cũng có cảm tưởng là được dự vào Tết và mọi người được vui mừng sung sướng. Trong tuần chợ 15 ngày này không ai kiện cáo nhau và các pháp viện[1] đều đóng cửa, nếu có xảy ra việc gì khẩn yếu và có ai gây ra tội đại ác thì các quan thẩm phán xét đoán qua loa kết tội rất nặng rồi “đuổi” nguyên bị đi để cố cho sang năm mới không còn việc gì phải xem xét giải quyết nữa. Bọn thường phạm mắc tội nhẹ không quan trọng có thể tự do ra khỏi ngục mà không bị truy cứu nữa. Những bọn phạm nhân bị hành hình trước ngày Tết, các việc hộ không bàn cãi đến nữa, để lùi lại và thôi luôn thể.
Chiều hôm ba mươi Tết, mọi người đều trồng trước nhà một cây khô, hoặc một cái sào trên ngọn buộc một cái giỏ bé (không phải một lá cờ nhỏ) chung quanh có viền giấy mã, lóng lánh như kim tuyến, cái giỏ và giấy trang kim này buộc ở trên ngọn sào có ý nghĩa là tiêu trừ tà ma ra xa chỗ nhà ở, cũng như cắm bồ nhìn trên ruộng gai hay những đất mới vãi hột để đuổi chim chóc. Nếu không có cái vật đáng sợ này trấn áp ở trước cửa thì thế nào ma quỷ cũng xông vào nhà để gieo tai vạ suốt năm, thảng hoặc có ai quên không trồng nêu thì mọi người sẽ chỉ trỏ người ấy và sẽ bàn tán ầm ĩ lên rằng nhà người ấy có ma.
Cũng để trừ tà ma, họ đem vôi tôi rồi quét trắng lên trên ngạch và đầu cột cửa, vẽ chi chít lên chung quanh đấy nhiều hình con mèo (?) họ gọi là ấn tín của trời và hình ảnh Thích ca (Xaca)… Họ tin rằng những hình ấy có thể ngăn cản tà ma không vào được nhà, còn muốn khu trục những tà ma đã nhập vào nhà rồi thì trên các cột nhà họ dán những hình thù ghê gớm dưới có biên chữ rất lạ rất khó hiểu để nguyền rủa và dọa nạt và để thư phù[2] những nhà nào bị ma quỷ ám. Các ông già bà cả ma làm thì bỏ nhà lên núi hoặc đến trú ẩn tại các đền chùa để trốn tránh “Thương” quỷ là kẻ thù của các cụ già và chỉ tìm các cụ này đe vật chết.
Bọn trai trẻ thì suốt đêm đi chơi, nhảy hát chẳng sợ hãi gì cả, vào mọi nhà chúc mừng năm mới để lấy thưởng. Được tiền thì họ giữ lấy để tiêu dùng suốt trong dịp Tết.
Trong dịp này ai đi bè đi sông cũng đặt bàn thờ tiên sư ở đàng lái thuyền khấn nguyện ngài che chở cho và dâng cúng nến hương và nhiều lễ vật khác nữa.
Sau lúc giao thừa là lúc năm mới bắt đầu thì không ai được phép đóng cửa, ngõ vì ông bà ông vải hôm ấy về: họ phải sắp sẵn giường chiếu, họ cho rằng các cụ đi đường mệt lắm và cẩn phải nghỉ ngơi chút ít. Họ rất chăm nom đến các cụ, sợ rằng các cụ không thích nằm lại muốn ngồi, họ trải lên sàn nhà lau chùi rất sạch sẽ một chiếc chiếu đẹp; họ lại sắp sẵn một đôi guốc hoặc một đôi dép đế to bên cạnh một be nước để gần cửa vào để các cụ rửa chân (người Bắc kỳ thường đi đất, không có ao để rửa chân, thì ở bậc cửa có be nước họ dùng rửa chân, giũ chân sạch sẽ và trơn tru mãi đến lúc lên giường, guốc hay dép không có hai quai, đa phần có dây buộc luôn chung quanh ngón chân, người nào cũng dùng đi trong nhà sau khi đã rửa chân, hoặc khi đau yếu để đi lại trong phòng). Họ còn thêm vào hai cây mía để ông bà ông vải có thiếu sức thì dùng để chống mà đi… Cúng ông bà ông vải xong thì trong ba hôm Tết họ không quét nhà, dù nhà bẩn thỉu và đầy rác rưởi…
Nhưng muốn xem một quang cảnh tò mò và đẹp đẽ nhất thì phải vào Hoàng thành. Sáng sớm mồng một, khắp bốn góc thành phố và các vùng lân cận, ta nghe thấy ba cỗ thần công bắn báo hiệu. Đức vua, thấy hiệu súng cởi bỏ y phục ngài bận năm trước và ngày hôm qua tắm nước lạnh, tắm xong bận Hoàng bào mới và rực rỡ ra thiết triều tại đại điện, các đại thần đã túc trực sẵn, các hoàng tử vào tung hô mạng trước; tiếp đến các văn quan rồi mới đến các võ thần, các đình thần triều bái xong đức Vua lui vào cung để nhận lễ của Hoàng hậu, các bà phi, các cung tần và các thị nữ. Hoàng hậu quỳ lễ trước rồi mới đến các người kia theo thứ bậc của mình, lễ cử hành từ lúc chưa rạng đông. Chúa Trịnh cũng cử một viên quan sang triều bái và chúc tụng Vua.
Trong lúc ấy thì quân hầu sửa soạn cuộc du xuân của Vua. Lúc rạng đông, Vua ngự ra khỏi cung, bận bộ hoàng bào rất lộng lẫy, ngồi trên kiệu có năm mươi người khiêng, mọi người đều chú ý đến Ngài lúc bấy giờ là hình thể và tiêu biểu của sự cao cả (grandeur). Số người đi tùy giá đông vô kể; quanh năm các chế phục không bao giờ đẹp hơn lúc này; các quan có ông vận phẩm phục rực rỡ ngồi voi đóng bành rất đẹp, có ông mặc quần áo lộng lẫy cưỡi ngựa. Vệ binh đội nào có cờ ấy, cờ bằng lụa mỏng hay bằng nhung, cầm binh khí nạm vàng hoặc bịt bạc sáng nhoáng bóng trơn làm cho đám này được đẹp đẽ hơn lên và đức Vua ở trong đoàn bộ binh này tựa như mặt trời chói lọi và tỏa ánh sáng ra chung quanh. Ngài ngồi vừa khiêm tốn vừa nghiêm trang, đầu không cử động, mắt không liếc ngang lúc nào cũng như chăm chú đến một vật đặc biệt. Ngài ngồi uy nghi trang trọng như thế cũng phải vì đã có các quan tùy giá dò xét xem trong lúc vi hành ngài có sơ suất điều gì chăng thì khi trở về triều họ họp bàn với các quan khác rất khắc nghiệt về chuyện thanh giá của đấng quân vương và sự tôn trọng luật nước rồi đức vua sẽ phải phạt tiền; nếu lỗi nhẹ không có ảnh hưởng gì, các quan muốn giấu đi thì ngài chỉ bị tiến gián qua loa thôi.
Trong lúc Vua xuất hành thì Chúa đi tế trời với bộ hạ thân tín, các quân hộ vệ và các phu thần ở giữa một cánh đồng rộng. Trong khi hành lễ thì Chúa tay dâng một chén rượu rất kính cẩn và cúi mình vái dài; xong rồi ngài uống chén rượu đó… Các quan đọc sớ xin trời lúc hạn thì cho mưa và khắp trong bốn mùa lúc nào họ cũng được gió hòa mưa thuận. Chúa cũng khấn và khấn xong cũng vái một vái dài.
Tế trời xong, muốn khỏi thất lễ với đất, chúa cầm một cái cày rất đẹp, mạ vàng, cày mấy luống và cầu xin đất ban ơn cho mọi người làm cho mùa màng được tốt đẹp. Điện thờ lúc bấy giờ sáng trưng đèn, nến đặt thành hàng đối nhau bốn phía chung quanh và sực nức mùi hương, vàng xong rồi họ dâng nước cho chúa rửa tay và lắp đạn vào ba khẩu thần công bắn. Thế rồi Chúa ngự về phủ; các người tùy tùng thì ai về nhà nấy cúng lễ gia tiên.
Nếu hôm ấy mưa, họ cho là điềm tốt, không kêu rên rằng bị ướt, trái lại họ vui mừng và người nào được đẫm mưa nhiều nhất tin rằng đó là tin báo trước cho họ biết năm ấy ruộng, vườn được mùa và thâu nhiều hoa lợi; nếu lúc vua xuất hành mà mưa thì toàn thể dân chúng vui mừng và hoan hô đấng quân thượng. Đức vua có bị mưa ướt cũng vui mừng vì cho đấy là điềm tốt bảo ngài còn được ở ngôi cửu ngũ (dài lâu).
… Còn một tục làm cho khắp nước và các gia đình được yên ổn và thuận hòa. Họ có lệ khi năm hết Tết đến, là dàn xếp cho xong những chuyện xích mích của người nọ đối với người kia và đến giảng hòa với kẻ thù địch trước ngày Nguyên đán, hứa với nhau sẽ thành đôi bạn chân thật. Trong ba hôm Tết, không ai nổi giận, nói nặng lời hay làm phiền lòng ai vì sợ rằng chính mình sẽ bị giông và đầu năm đã bắt đầu làm điều không tốt thì suốt năm sẽ gặp sự không hay. Ai cũng làm điều lành, ai cũng lên lễ chùa.
Dân bên lương còn có lệ, sau ba ngày tết, vào đám suốt tháng Giêng, mỗi một làng cử ra tám người trông nom việc đình đám để không có điều gì thiếu sót và mọi việc được chu tất, không hỗn độn. Công việc của những người có chức vụ ấy là đem bổ các gia trưởng trong làng phần họ phải đóng góp hoặc bằng đồ vật, hoặc bằng bạc tiền. Mọi người đều vui lòng đóng góp, kẻ cúng con bò, kẻ nộp con trâu, có người con dê hoặc gà qué gia súc họ đã nuôi béo để cúng thần. Lễ cử ở đình đúng ngày đúng giờ đã ấn định, mọi người đều đến họp đông đủ và trước ban thờ thành hoàng, tám ông tế đám phải quỳ lễ trước tiên.
Những cuộc giải trí của dân chúng lúc đầu năm
Có nhiều cuộc thi tài khéo, khó đến nỗi mắt tinh cũng bị nhầm. Có kẻ thử sức khỏe đánh vật; có kẻ thách đi mau chạy nhanh.
Nhưng đàn bà cũng có một cuộc thi riêng thích hợp với phận sự và công việc của họ hơn là thi vo gạo, nấu cơm khéo và nhanh; củi phải đi kiếm tại một chỗ cách nơi ấy một phần tư dặm, nước cũng phải đến gánh tại một cái giếng (nhất định) rồi quẩy củi, nước về, nhóm bếp, đặt nồi, tra gạo; cơm chín, dỡ vào một cái đĩa đặt lên bàn để ban giám khảo đi nếm xem cơm bàn nào nấu vừa và chín khéo có giải thưởng, nhưng giải thưởng không được quý trọng bằng vinh dự đã thắng kẻ cùng dự thí.
Cũng có kẻ đấu thương, bắn súng, nạp thuốc không, có kẻ múa gươm, tre mộc. Nhưng còn một trò chơi rất vui thích vừa cần sức khỏe, vừa cần tài hay; ai thắng tất cả địch thủ được thưởng một tấm lụa; ấy là trò đánh đu…
Hôm mồng ba Tết, các nhà sư cũng có dự vào đám rước riêng, rất rực rỡ và long trọng. Vị sư trưởng mặc áo riêng màu đen bóng nhoáng; đầu đội mũ, ngồi trên một cái kiệu có phu mặc quần áo kiểu nhà chùa khiêng. Các sư đi theo liền sau ngài, bận áo cà sa tốt và đẹp; cổ đeo tràng hạt bằng thủy tinh nhiều màu lóng lánh. Trước hôm ấy, có một đạo binh rất nhiều quân lính đến đóng giữa một cánh đồng rộng, đóng đấy cho đến khi lễ xong. Khắp mọi phía có thiết lập nhiều hương án thờ các tướng sĩ đã vì nước bỏ mình và đã đem lại sự tự do cho xứ sở; để thờ cả hình ảnh những tướng giặc có tiếng tăm ngày xưa đã hùng cứ và thống trị các vùng trong xứ. Sáng ba mươi tết người ta dẫn ra đấy những súc vật đã nuôi béo và sẽ mổ để tế thần. Vị sư trưởng đi kiệu ra đấy; các sư đi hàng đôi theo sau; rồi mới đến các quan cưỡi ngựa hoặc ngồi voi, bận triều phục rực rỡ. Quân lính kéo đến rất có thứ tự. Khi mọi người đã đến đông đủ, thì có tin về báo đức vua. Loan giá liền rời khỏi điện, có tất cả đình thần đi theo. Đạo ngự ra đến nơi thì dân chúng hoan hô vang trời; các pháp sư và các quan liền bắt đầu khấn khứa ngay, vua lễ bốn lễ cúng vong linh các tướng quân và các tướng giặc anh dũng. Ngài cầm một cái cung và năm mũi tên bắn các nghịch vương nhà Mạc; xong rồi, họ đốt hương, trầm và dâng lễ cúng; khấn các bậc anh hùng đã quá cố che chở cho nhà nước được bình yên và làm cho tên nào có lòng bội phản, còn sống hoặc đã chết rồi, tiệt đi và không có cách bén mảng đến gần biên thùy nữa. Lễ xong thì bắn súng thần công và ba loạt súng trường. Xong rồi thì quân lính tản mát ra khắp cánh đồng ngồi ăn uống tự nhiên không suy nghĩ xem thịt các vật tế thần có ngon, có chín và có đặm không. Họ ăn uống rất ngon lành, xong rồi ai về nhà nấy, nghỉ ngơi chờ cho rã rượu hoặc đánh bạc vui chơi hết cả buổi chiều. Thế là hết Tết và ngày hôm sau các nha, ty lại mở cửa làm việc. Cuối năm trước, ấn tín các sở đã đem khóa cất một nơi; muốn các nha, ty lại mở cửa thì ấn tín phải giao trả viên quan coi giữ.■
Giovanni Filippo de Marini
Nguyễn Trọng Phấn dịch
Chú thích:
[1] Pháp viện: tòa án
[2] Thư phù: thầy phù thủy dùng hương đốt mà vẽ lên trên không để làm phép, theo mê tín