Chúng ta đã bước sang những tháng đầu của năm dương lịch 2024, nhưng những yếu tố tác động an ninh trật tự thế giới của năm 2023 vẫn tồn tại, bám rễ vào các quốc gia. Đó là sự suy yếu của các nền kinh tế thế giới. Sự rối loạn chính trị ở Mỹ và châu Âu, các cuộc xung đột vũ trang và đe dọa chiến tranh, vấn đề tiêu cực môi trường sống và biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh vẫn bám theo loài người mà chưa tìm ra lối thoát. Có thể nói, năm 2023 đã bàn giao cho năm 2024 một thế giới chia rẽ, bất ổn và đói nghèo… Tất cả những yếu tố nêu trên đã tác động an ninh toàn cầu và biến đổi thế giới. Nay xin hệ thống lại những vấn đề lớn để bạn đọc tham khảo:

Một là cuộc đối đầu Mỹ – Nga, thế giới thay đổi, trật tự đa cực xuất hiện:

Cuộc đối đầu quyết liệt giữa Mỹ và Nga trên toàn bộ các lĩnh vực: quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao và tình báo. Hai bên không chỉ đọ sức trong vấn đề Ukraine mà Ukraine chính là nguyên nhân sâu xa và cơ bản của cuộc cạnh tranh ngày càng leo thang giữa hai bên.

Từ cuộc xung đột này, chúng ta nhận diện và có một góc nhìn rõ hơn về mục tiêu chiến lược, tham vọng chính trị to lớn, cũng như bản chất của cuộc cạnh tranh địa chiến lược Mỹ – Nga trong cuộc chơi toàn cầu.

Đây thực sự là cuộc cạnh tranh có thể gọi là một mất, một còn, khó có thỏa hiệp giữa một siêu cường đang đứng đầu thế giới với một siêu cường đang nổi lên với quyết tâm khẳng định vị thế của mình trong một thế giới đa cực. Cuộc cạnh tranh này đã và đang gây tổn hại cho cả hai cường quốc và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh, ổn định cho tình hình thế giới và đặc biệt các khu vực có liên quan.

Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để chúng ta hiểu và nhận thức rõ hơn về “sự dịch chuyển” vai trò cũng như “sức bền” của cả hai cường quốc này.

Với nước Mỹ, trong năm 2023 điểm sáng nổi bật chính là sự phục hồi của nền kinh tế, duy trì được đà tăng trưởng. Tuy nhiên, chính quyền của ông Biden đang bị mắc kẹt trong hai cuộc chiến không có hồi kết tại Ukraine và dải Gaza và đang làm hao mòn tiềm lực của Mỹ bởi những chi phí khổng lồ viện trợ quân sự. Nội bộ Mỹ càng ngày càng mâu thuẫn, chia rẽ chưa từng có.

Về đối ngoại, Mỹ tiếp tục theo đuổi mục tiêu duy trì trật tự thế giới đơn cực và chính sách đối đầu toàn diện với Nga. Mục tiêu của Mỹ là làm nước Nga tan rã và thất bại về chiến lược. Mỹ tiếp tục chính sách can dự với vai trò lãnh đạo toàn cầu, kiềm chế và làm suy yếu Nga cũng như các đối thủ thân thiết với Nga. Trong khi đó, Mỹ chủ trương kiểm soát bất đồng với Trung Quốc, mục đích hạn chế và không để mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga phát triển trở thành mối quan hệ liên minh thực chất, chống Mỹ một cách toàn diện.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ J. Biden đang mắc kẹt trong hai cuộc chiến không có hồi kết tại Ukraine và dải Gaza, với những chi phí viện trợ quân sự khổng lồ. Hình minh họa

Để có thể củng cố và giữ vị trí số một, quy tụ các đồng minh và đối tác, nước Mỹ phải thật mạnh để đủ sức răn đe và đánh bại các đối thủ. Mỹ cần tạo được lòng tin về “cái ô bảo hộ” toàn cầu về quân sự, an ninh, kinh tế. Nhưng bất lợi cho Mỹ, vị thế của nước này trên thế giới đang có chiều hướng suy yếu. Quan hệ giữa Mỹ và EU ngày càng bất đồng xung quanh lệnh trừng phạt kinh tế Nga và viện trợ cho Ukraine. Mỹ đang bị nhiều nước vốn là sân sau tại Mỹ La tinh, châu Phi, Nam Á dần xa lánh. Nguy cơ lan rộng của hai cuộc xung đột Ukraine và dải Gaza đem lại nhiều rủi ro cho nước Mỹ. Hơn thế nữa, chính sách trừng phạt của Mỹ đã đẩy Nga ngày càng gắn bó với Trung Quốc và đang tạo thành đối trọng mạnh mẽ.

Trong khi đó, đối thủ lớn nhất của Mỹ, là nước Nga vẫn trụ vững và phát triển, không tan rã và sụp đổ mặc dù bị Mỹ và phương Tây áp đặt hơn 14 nghìn gói trừng phạt về kinh tế (Theo công bố của phía Nga).

Chính quyền của Tổng thống Putin đã có sự điều chỉnh tư duy chiến lược và đưa ra nhiều biện pháp kịp thời để thúc đẩy kinh tế và giảm thiểu các tác động tiêu cực từ lệnh trừng phạt. Nga tăng cường chi tiêu quốc phòng và sản xuất vũ khí, tích cực phát triển thị trường nội địa, giữ cho các ngân hàng tương đối bền vững. Tuy vẫn phải đối phó với những khó khăn và thách thức như lạm phát cao, thiếu hụt nguồn nhân lực… nhưng kinh tế Nga có mức tăng trưởng 3,5%, cao hơn nhiều nước Tây Âu và cao hơn trước khi bị Mỹ và phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt.

Trên thực tế, Nga vẫn duy trì quyền kiểm soát xuất khẩu và tăng dần giá dầu. Doanh thu dầu khí Nga đạt 9 nghìn tỷ rúp (57% tổng doanh thu xuất khẩu và 27% GDP), do đã kịp thời chuyển hướng xuất khẩu sang Trung Quốc và Ấn Độ với giá cao hơn mức giá trần do phương Tây áp đặt.

Nga tập trung nâng cấp, sản xuất vũ khí hiện đại nhất và ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Ukraine. Quân đội Nga đã giành được ưu thế, đẩy Ukraine và NATO vào thế bị động, chống đỡ trong tình thế thất bại. Điều này buộc Mỹ và NATO phải thay đổi chiến lược quân sự bởi khó thắng Nga về mặt quân sự.

Về chính sách đối ngoại, Nga khẳng định sẽ đi đầu trong việc xây dựng trật tự thế giới đa cực. Với Học thuyết Chính sách đối ngoại mới, chính quyền của Tổng thống Putin trước hết tập trung hợp tác sâu sắc và toàn diện với các thành viên chủ chốt trong khối BRICS như Trung Quốc và Ấn Độ, và tăng cường quan hệ quân sự với Bắc Triều Tiên để đối trọng với Mỹ ở Thái Bình Dương.

Nga đã gia tăng ảnh hưởng với các thành viên khối OPEC, xác định được vai trò địa chính trị và các lợi ích kinh tế, quân sự, thương mại tại Trung Đông, trong đó có Ả Rập Xê Út, Iran trước đây đã là đồng minh của Mỹ.

Nga cũng mở rộng quan hệ với các nước châu Phi, Mỹ Latinh mà trọng tâm là Brazil, Cuba và Venezuela và đang thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ với nhiều nước trong khu vực.

Tuy nhiên với châu Âu, quan hệ giữa Nga và EU là mối quan hệ đối đầu trực diện. Trạng thái quan hệ này đang đe dọa phá vỡ cấu trúc an ninh vốn tồn tại từ nhiều thập kỷ tại châu Âu, sẽ dẫn đến những thay đổi căn bản cho cục diện chính trị, an ninh thế giới.

Vấn đề thứ hai là quan hệ Nga – Trung là lực cản đối với Mỹ và phương Tây

Quan hệ Nga – Trung được phát triển mạnh mẽ từ khi ông Tập Cận Bình lên lãnh đạo Trung Quốc. Đặc biệt cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine đã thúc đẩy quan hệ Nga –Trung nâng lên một tầm cao mới. Hợp tác toàn diện và không giới hạn đã được nêu trong thông cáo chung của lãnh đạo hai nước. Ngoài việc Trung Quốc đã đóng góp một phần quan trọng là chỗ dựa của Nga để né tránh đòn trừng phạt của Mỹ và EU, thì liên kết chính trị Nga – Trung đã tạo ra lợi thế cho hai cường quốc này. Đây là yếu tố quan trọng loại bỏ và đang làm mất dần vai trò và ảnh hưởng của Mỹ ở các vùng chiến lược trên thế giới.

Thế giới đang hình thành tam giác Mỹ – Trung – Nga với các mối quan hệ chồng chéo mà Trung Quốc đang ở đỉnh của tam giác với tham vọng vươn lên trở thành một cực mới và thiết lập mối quan hệ nước lớn kiểu mới trên thế giới. Mỹ vẫn giữ vị trí là siêu cường số một trên nhiều lĩnh vực. Mỹ và NATO muốn đưa Ukraine vào quỹ đạo kiểm soát của họ và việc “phương Tây hóa Ukraine” sẽ có tác dụng giúp thúc đẩy “cách mạng màu” xảy ra bên trong chính nước Nga, suy giảm sức mạnh tổng hợp của Nga. Trong khi đó, Nga quyết tâm xóa bỏ thế giới một cực, thúc đẩy thế giới đa cực. Nga muốn giành lại vị trí quan trọng trên vũ đài quốc tế, vươn lên tầm cường quốc toàn cầu, khiến thế giới phải thay đổi cách nhìn về vị thế quốc tế mới của Nga sau khi Liên Xô sụp đổ.

Cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung – Nga đang phân hóa và định hình thế giới mới. Cuộc cạnh tranh này không có người thắng, kẻ thua hoàn toàn, nhưng điều có thể khẳng định được là thế giới do Mỹ lãnh đạo sẽ chấm dứt. Thế giới đa cực đang xuất hiện, do Nga và Trung Quốc đang thúc đẩy.

Cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung – Nga đang phân hóa và định hình thế giới mới, trật tự đa cực đang xuất hiện. Hình minh họa

Đây chính là nguyên nhân dẫn đến các cuộc xung đột kéo dài và cũng là yếu tố tác động mạnh mẽ đến việc hình thành tập hợp lực lượng cũng như các khối nước mới.

Mỹ tăng cường mở rộng và tập hợp lực lượng tại khu vực châu Á với Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Philippines.

Ấn Độ đang khẳng định vai trò, vị thế trong G20, với mong muốn trở thành một cực riêng biệt khi ra sức tập hợp sự ủng hộ của các nước đang phát triển, các nước phương Nam tại các tổ chức đa phương.

Trung Quốc và Nga đều ra sức thể hiện vai trò nước lớn, có nhiều tiếng nói quyết định trong các vấn đề toàn cầu. Họ đã thành công với việc mở rộng Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) thành 11 thành viên, chiếm 46,5% dân số thế giới và 30% GDP toàn cầu. BRICS được tạo dựng như một không gian địa chính trị được định hình bởi các ưu tiên của Trung Quốc và Nga. Khối nước này có khả năng sẽ làm thay đổi cán cân lực lượng.

Trung Quốc và Nga đang thúc đẩy ảnh hưởng của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải – SCO (chiếm 40% dân số thế giới và 60% tổng diện tích của châu Á và châu Âu, 20% GDP thế giới) đang dần dần nâng tầm ảnh hưởng từ một tổ chức khu vực thành một trung tâm quyền lực mới có tính toàn cầu.

Những diễn biến trên là những chỉ dấu cho thấy các nước phương Nam đang là nhân tố quan trọng trong việc biến đổi cân bằng địa chính trị thế giới mà Mỹ và phương Tây cũng như Trung Quốc và Nga buộc phải có cách tiếp cận và ứng xử mới. Mặt khác điều này cũng đặt các quốc gia, đặc biệt quốc gia có vị trí địa chiến lược quan trọng đứng trước việc phải lựa chọn các quyết sách chiến lược, địa chiến lược phù hợp để không bị rơi vào thế bị động trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc.

Vấn đề thứ ba là Thế giới phương Tây đang biến động

Theo nhiều nhà nghiên cứu, việc Mỹ thúc đẩy chủ nghĩa toàn cầu đã kéo theo nó sự lên ngôi của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy, để lại những khoảng trống bất ổn sâu sắc tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Trào lưu làn sóng cánh hữu (kết hợp giữa chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc cực đoan) đang thắng thế và trở thành xu hướng chính trị mới tại châu Âu, hướng vào bài ngoại, chống người nhập cư, bài hồi giáo, phản đối viện trợ cho Ukraine, đòi cải thiện quan hệ với Nga…

Trên chính trường, các đảng cánh hữu hiện giữ vai trò ngày càng lớn trong thành phần các chính phủ ở Phần Lan, Hy Lạp, Ý, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Hà Lan, Hungary, Ba Lan, Slovakia và các đảng này có tiếng nói quan trọng đối đầu với các đảng cầm quyền ở Pháp, Đức và Anh…

Theo nhiều nhà nghiên cứu thì châu Âu đang sống trong một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng, kéo theo khủng hoảng kinh tế, tài chính sau đại dịch Covid-19 và cuộc chiến tranh ở Ukraine và dải Gaza. Người dân lo sợ và bi quan về một tương lai bất định trước diễn biến xấu đang diễn ra. Điều này tác động mạnh đến lá phiếu của cử tri các nước trong các cuộc bầu cử trong năm 2024.

Trong những ngày cuối năm 2023, nhiều đảng cánh hữu ở châu Âu đã đứng sau các cuộc biểu tình với quy mô lớn và dài ngày để phản đối chính quyền, đòi ủng hộ nhà nước Palestine và lên án tội ác của Israel. Tại thời điểm này, tình hình chính trị nước Mỹ bất ổn kéo dài do tranh chấp đảng phái trong cuộc tranh cử Tổng thống. Nhiều cuộc biểu tình ủng hộ các đảng phái xảy ra tại nhiều nơi trên đất Mỹ, an ninh, an toàn của nước Mỹ xuống cấp nghiêm trọng.

Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra tại các quốc gia châu Âu trong năm 2023 để phản đối chính quyền, phản đối chiến tranh… Ảnh: Reuters

Xu thế này cũng đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu và Mỹ sắp tới. Nếu các đảng cánh hữu thắng thế, điều này sẽ tác động sâu rộng đến việc hình thành chính sách của Liên minh châu Âu đối với cuộc chạy đua vũ trang, viện trợ cho Ukraine, vấn đề như nhập cư, đoàn kết các thành viên châu Âu và chính sách đối ngoại, an ninh, quốc phòng của Liên minh châu Âu.

Vấn đề thứ tư là kinh tế thế giới năm 2023 rơi vào tình trạng suy thoái

Điều này xuất phát từ các cuộc xung đột địa chính trị toàn cầu và hai cuộc chiến tranh ở châu Âu và Trung Đông, cuộc trừng phạt kinh tế của Mỹ – Liên minh châu Âu đối với Nga và hậu quả của Covid-19. Biểu hiện chung của nền kinh tế thế giới là lạm phát cao, tăng trưởng rất thấp, gia tăng nợ xấu.

Mỹ và nhiều nước châu Âu thắt chặt chính sách tiền tệ khiến đồng đô la mất giá nghiêm trọng, tác động xấu tới đầu tư và thương mại toàn cầu. Những thách thức này đã phân hóa nền kinh tế thế giới. Trong khi nền kinh tế của Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và nhiều nước tăng trưởng tỷ lệ cao thì nền kinh tế của nhiều nước châu Âu tăng trưởng rất thấp hoặc bị âm trong thời gian dài.

Tuy nhiên những điểm sáng đã xuất hiện vào thời gian cuối năm 2023. Kinh tế thế giới đã tránh được một vòng xoáy suy thoái mới do khống chế được lạm phát. Theo IMF, trung bình lạm phát trên thế giới đang từ 8,7% năm 2022 giảm xuống còn 6,9%. GDP toàn cầu giữ được ổn định ở mức trên dưới 3%.

Tuy vậy, các tổ chức kinh tế thế giới cảnh báo cuộc chiến ở dải Gaza và việc lực lượng Houthi tấn công Mỹ và Israel, phong tỏa biển Đỏ, ngăn cản vận tải hàng hóa qua kênh đào Suez đang tác động mạnh đến kinh tế toàn cầu. Nếu tình hình mất an ninh ở biển Đỏ kéo dài thì kinh tế thế giới sẽ đối mặt khó khăn trước sự đứt gãy về thương mại và năng lượng.

Mặt khác, theo Ngân hàng Thế giới ngày14/12/2023 tình hình rất đáng báo động do vay nợ cao có nguy cơ vỡ nợ tại các nước nghèo như Ethiopia, Zambia, Ghana hay Sri Lanka. Năm 2022, khoảng 100 nước nghèo trên thế giới mang nợ tổng cộng 443,5 tỷ đô la. Lãi trong năm 2023 đã tăng thêm 10% và sẽ còn tăng thêm vào năm 2024. Các nhà đầu tư đã mất hết lòng tin. 115 tỷ đô la vốn nước ngoài đã bị rút ra khỏi các nền kinh tế chậm phát triển nhất trên thế giới trong năm 2023. 

Vấn đề thứ năm là xu thế chạy đua vũ trang mạnh mẽ trên toàn cầu

Tình hình địa chính trị bất ổn, nguy cơ mở rộng của các cuộc chiến tranh đi cùng với tham vọng lãnh thổ, tranh chấp quyền lực và đặc biệt là những món lợi nhuận khổng lồ chính là căn nguyên và “tạo cớ” thúc đẩy nhiều quốc gia lao vào các cuộc cạnh tranh chạy đua vũ trang mạnh mẽ chưa từng có. Điều này được thể hiện rõ ở mấy điểm sau đây:

Mỹ là quốc gia đầu tư vào ngành công nghiệp quốc phòng và là quốc gia thu lợi nhuận cao nhất, là nước đi đầu trong việc xuất khẩu vũ khí, sau đó là Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức. Thế giới có tới 100 tập đoàn hàng đầu thế giới thu lợi nhuận hơn 410 tỷ đô la. Trong số đó đã có 45 tập đoàn Mỹ (247 tỷ USD, chiếm 61,5%) và 33 công ty của 9 nước Tây Âu (120 tỷ USD, chiếm 30%). Còn lại là từ các công ty châu Á và Trung Đông. Thị trường vũ khí Trung Đông đem lại lợi nhuận cao nhất cho Mỹ và phương Tây. Mỹ cũng đã ký hợp đồng trị giá hơn 60 tỷ USD cho Ả-rập Xê-út trong thập kỷ tới. Theo ước tính, cả khu vực Trung Đông nhu cầu vũ khí có thể lên tới 123 tỷ đô la.

Ngân sách chi cho quốc phòng Mỹ năm 2023 là 858 tỷ USD, chiếm gần 43% ngân sách quân sự toàn thế giới (nhiều hơn Trung Quốc 633 tỷ). Năm 2024 Mỹ dự kiến chi 886 tỉ USD, tăng thêm 32 tỷ cho quốc phòng. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc là 1.553,7 tỷ nhân dân tệ (gần 225 tỷ USD), tăng 7,2%. Đây là năm thứ ba liên tiếp chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc tăng. Tuy nhiên vẫn còn cách Mỹ khá xa.

Theo Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockhom Thụy Điển (SIPRI) tổng chi cho quốc phòng của Nga trong năm 2023 đạt 9.700 tỉ rúp (hơn 100 tỉ USD) tăng gần gấp đôi dự kiến. Trong năm 2024 Nga có kế hoạch chi 10.800 tỉ rúp (111,15 tỉ USD), tức khoảng 6% GDP với lý do “tiếp tục hoạt động quân sự đặc biệt” (ở Ukraine).

Nhật Bản đã tăng ngân sách quốc phòng trong giai đoạn 2023 – 2027 lên 43.000 tỉ Yên (khoảng 315 tỉ USD), tăng 15.500 tỉ Yên so với giai đoạn 2019 – 2023.

Ấn Độ có ngân sách quốc phòng tăng 13%, lên khoảng 90 tỷ USD. Đây là kế hoạch quốc phòng lớn nhất kể từ chiến tranh thế giới thứ hai. Quốc gia này nhập khẩu gần 80% vũ khí, trang thiết bị từ Nga.

Tổng chi tiêu quốc phòng của các nước Liên minh Châu Âu (EU) tăng 9 năm liên tiếp, đạt 270 tỷ euro (295 tỷ USD). Riêng Thuỵ Điển tăng mạnh nhất (30%). Các nước Nam Mỹ và châu Phi, đặc biệt là các nước Ả-rập và nhóm các nước BRICS đều tăng mạnh chi tiêu quốc phòng.

Tại vùng Đông Bắc Á, nơi hiện tại được xem là thùng thuốc súng, ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc tăng cường sức mạnh quân sự thì Triều Tiên đang chạy đua vũ trang, chuẩn bị chiến tranh với Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở khu vực. Trong suốt năm 2023, Bắc Triều Tiên đã hơn 10 lần thử các loại vũ khí hạt nhân xuyên lục địa; đến nay chưa biết được nước này đã thủ giữ bao nhiêu đầu đạn hạt nhân. Dựa vào những tuyên bố của các nhà lãnh đạo Triều Tiên thì sức mạnh quân sự của họ rất đáng kể.

Tình trạng căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên gia tăng từng ngày kể từ khi Triều Tiên phóng vệ tinh trinh sát quân sự đầu tiên Malligyong-1 (Kính Vạn Lý số 1) cuối tháng 11 để theo dõi các hoạt động quân sự của Mỹ và Hàn Quốc. Hàn Quốc đã đình chỉ một phần thỏa thuận quân sự Liên Triều 2018. Triều Tiên đã tuyên bố sẽ xóa vùng đệm ranh giới quân sự với Hàn Quốc. Các nhà quân sự thế giới cho rằng “xung đột vũ trang trên bán đảo Triều Tiên chỉ là vấn đề thời gian”! Tình hình vô cùng căng thẳng khi Mỹ và các đồng minh tiếp tục gây sức ép lên Triều Tiên. Bán đảo Triều Tiên đang nóng lên từng ngày. Chỉ một tính toán sai lầm của mỗi bên sẽ dẫn đến xung đột vũ trang bùng nổ khi vùng đệm không còn được duy trì.

Ngân sách và chi tiêu quân sự Nga – Mỹ tăng chủ yếu dùng để sản xuất vũ khí phục vụ cuộc chiến Ukraine, đặc biệt những vũ khí cho “tác chiến tương lai” như trí tuệ nhân tạo (AI), điện trường và hạt nhân. Trong khi đó các quốc gia khác như Ấn Độ, các nước Ả-rập, Nam Phi… đầu tư nhiều vào việc nghiên cứu sản xuất vũ khí và ký các hợp đồng mua vũ khí của Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp và một số nước Bắc Âu và Nhật Bản (dự báo có thể lên tới 80 tỷ USD với các hợp đồng mua vũ khí trong năm 2024).

Mỹ đã chuyển giao nhiều kỹ thuật, công nghệ quân sự cho Liên minh châu Âu, Ukraine, Israel, Ai Cập, Úc và Ấn Độ.

Song song với việc gia tăng sản xuất các loại vũ khí truyền thống và vũ khí hạt nhân, các cường quốc chạy đua mạnh mẽ ứng dụng AI vào lĩnh vực quân sự. Quân đội nhiều nước đã và đang tích hợp các loại vũ khí tự vận hành như máy bay, tàu thủy không người lái, vũ khí từ trường… vào các hệ thống quân sự để tăng cường sức mạnh tổng hợp và nâng cao hiệu quả của các hệ thống tác chiến và giảm tổn thất về người và khí tài.

Cuộc chạy đua vũ trang nêu trên cho thấy thế giới ngày càng tiến đến bờ vực của chiến tranh khi NATO đang xây dựng mặt trận quân sự mới với mục tiêu là tấn công nước Nga trong bối cảnh ấy sẽ rất khó kiểm soát cuộc chiến tranh thế giới thứ 3 – và không loại trừ chiến tranh hạt nhân – hậu quả sẽ không lường được.

Vấn đề thứ sáu là biến đổi khí hậu làm thay đổi sâu sắc thế giới

Biến đổi khí hậu gây ra rất nhiều thảm họa về người và vật chất. Một trong các nguyên nhân dẫn đến đói nghèo là do khí thải CO2 ngày một tăng, chiến tranh, bạo loạn, thiên tai và bệnh dịch.

Năm 2023 là năm điển hình của các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu, đặc biệt với sự xuất hiện của El Nino làm nhiệt độ trái đất nóng lên nhất từ trước đến nay, tương ứng với mỗi năm 1°C, nhiều lục địa cường độ mưa trong bão tăng 7% trong khi hạn hán ở Mỹ và châu Âu rất khủng khiếp.

Năm 2023 là năm điển hình của các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu. Hình ảnh đám cháy rừng ở Canada vào tháng 6/2023. Ảnh: AFP

Có khoảng 240 sự kiện (thảm họa nghiêm trọng) do bão, lũ, động đất, cháy rừng, hạn hán trong năm 2023 đã để lại những hậu quả khủng khiếp. Hàng trăm ngàn người đã tử vong, hàng chục ngàn người mất tích do động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Cơn bão Daniel ở Lybie đã làm hơn 11.300 người chết và hơn một chục nghìn người mất tích, gần 40.000 người không có nhà ở. Riêng Việt Nam cũng xảy ra hơn 1.100 vụ thiên tai dưới nhiều hình thức và gây thiệt hại lớn về người và của cải.

Theo Cơ sở dữ liệu thảm họa quốc tế EM-DAT, năm 2022-2023 số người chết vì lở đất tăng lên 60%, vì cháy rừng tăng 278% và do bão đã tăng 340%. Ngay đầu năm 2024, cơn động đất tại Nhật Bản đã gây ra những thiệt hại chưa thể đếm được. Theo thống kê, mỗi năm, gần 9 triệu người chết vì không khí ô nhiễm.

Ngoài những yếu tố không thể kiểm soát nổi thì có thể khẳng định rằng tất cả các quốc gia trên thế giới đều bị liên đới và đều phải chịu trách nhiệm trong một mức độ nào đó về tình trạng thời tiết cực đoan do không thực hiện nghiêm túc mục tiêu tái tạo năng lượng, thiếu sự đoàn kết và chung tay toàn cầu để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Tại Hội nghị COP28 ở Ả Rập Xê út ngày 30/11/2023, các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu đã huy động được hơn 85 tỷ USD và 11 cam kết cũng như tuyên bố hành động vì khí hậu. Trong đó có thỏa thuận tiến tới loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. Hơn 140 quốc gia đã ký tuyên bố “đặt sức khỏe làm trung tâm của các hoạt động vì khí hậu”. Các nhà quan sát cho rằng COP28 là một thắng lợi của chủ nghĩa đa phương và ngoại giao về khí hậu.

Năm 2024 rất khó định đoán đường đi của thế giới, nhưng điều có thể biết được là thế giới vẫn phải đối mặt với những nguy cơ của năm 2023 đã nêu ở phần trên. Ngài Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nói “Nhân loại mạnh mẽ nhất khi chúng ta sát cánh cùng nhau. 2024 phải là năm xây dựng lại niềm tin và khôi phục hy vọng vào tất cả những gì có thể đạt được cùng nhau”.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC