Kiều hối không phải là một câu chuyện mới đối với nước ta. Lượng kiều hối gửi về Việt Nam trong những năm gần đây tăng lên đáng kể, từ sau khi kết thúc chiến tranh, nhất là khi lượng người Việt Nam ra nước ngoài định cư ngày càng nhiều. Tính đến nay đã có khoảng sáu triệu người Việt Nam sống ở hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, hầu hết là ở những nước phát triển, tập trung chủ yếu ở Mỹ và châu Âu. Hầu hết những người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài đều có những người thân thiết trong nước. Do đó, mỗi năm, họ đều gửi tiền về cho thân nhân, dẫn đến sự phát sinh của nguồn tiền từ nước ngoài gửi về nước, gọi là kiều hối.
Lượng kiều hối lớn và sự hứa hẹn về phát triển kinh tế đất nước
Kể từ những năm 2000, sau khi đất nước bước vào thời kì hội nhập mở cửa và phát triển mạnh mẽ, nguồn nhân lực dồi dào đã tạo ra một lực lượng lao động xuất khẩu ở nước ngoài. Bên cạnh những người Việt Nam lao động tại các nước Đông Âu từ những thập niên trước, số người Việt lao động tại các nước có nền công nghiệp hiện đại như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia… cũng tăng lên đáng kể. Cùng với đó là nguồn tiền mà họ gửi về nước cũng ngày càng lớn. Ngoài ra, cũng cần kể đến những nhà đầu tư người Việt Nam ở nước ngoài, những người đi du học sau đó định cư, làm việc tại các nước khác… cũng đóng góp một phần không nhỏ vào nguồn kiều hối gửi về trong nước.
Trong 30 năm từ năm 1993 đến năm 2022, lượng kiều hối người Việt Nam ở nước ngoài gửi về nước đạt khoảng 206 tỷ đô la, không kém gì lượng vốn FDI thực sự được giải ngân. Theo thống kê trong vài năm trở lại đây, mỗi năm lượng kiều hối gửi về đạt khoảng 11 tỉ đô la. Con số này qua các năm lại tăng dần lên, có năm lên tới 16 tỉ đô la. Đặc biệt, kiều hối chuyển về Việt Nam đã chứng kiến mức tăng đáng kể trong năm 2023, cao hơn khoảng 32% so với năm 2022, trong khi tỉ lệ tăng trung bình trước đó chỉ đạt khoảng 7%. Chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, lượng kiều hối ngày càng tăng mạnh ở các thành phố lớn. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước TP HCM, kiều hối chảy về thành phố cả năm 2023 đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 9,46 tỷ USD, tăng 43% so với năm 2022.
Đây là nguồn tiền rất lớn so với các nguồn tiền vãng lai ở một quốc gia như Việt Nam, chỉ đứng sau Trung Quốc (80 tỉ đô la trong năm 2023), Ấn Độ (125 tỉ đô la), Philippines (40 tỉ đô la)… Nó tương đương với số vốn FDI thực tế được giải ngân, và thậm chí còn lớn hơn mức FDI mỗi năm (chỉ đạt khoảng 1,2 – 1,3 tỉ). Khác với vốn FDI từ nước ngoài, đây là lượng tiền có thật chuyển về nước mà không đi kèm bất kì điều kiện nào về chính trị, được chuyển thẳng tới các ngân hàng và lưu hành trong nước, tạo ra một nguồn tiền bổ sung rất lớn cho Việt Nam. Rõ ràng, nếu nguồn kiều hối được sử dụng tốt thì nó chắc chắn sẽ hỗ trợ rất nhiều cho sự phát triển về tài chính – kinh tế của đất nước.
Tất nhiên số tiền này trang trải cuộc sống của những người trong nước, chỉ chiếm khoảng 5-10%. Còn lại được đẩy vào các hoạt động như dịch vụ, hỗ trợ những người trong nước đầu tư vào dịch vụ, lập các cửa hàng, công ty, sản xuất… cũng có người sử dụng tiền để buôn bán, thương mại, họ mở các cửa hàng ở châu Âu, Mỹ, trên cơ sở sử dụng tiền để cung ứng hàng hoá, nhờ đó mà kinh tế được cải thiện đáng kể.
Lí do dẫn đến sự tăng trưởng lượng kiều hối trong những năm gần đây
Cần nhận thấy rằng, lượng kiều hối trong những năm gần đây đã tăng lên cùng với làn sóng người Việt ở nước ngoài về nước trong đại dịch Covid-19 (2020 – 2021). Sự kiện này phần nào đã làm thay đổi cách nhìn và lối sống của nhiều người, khiến họ an tâm với những chính sách chống dịch sáng suốt của Nhà nước Việt Nam, và đã trở về để gắn kết với gia đình, quê hương nhiều hơn. Bên cạnh những người trở về nước để nhận được sự quan tâm, chăm sóc tốt nhất về y tế trong đại dịch, cũng có những người đã lựa chọn chuyển hẳn về Việt Nam học tập, sinh sống, phát triển nghề nghiệp. Họ mang theo toàn bộ nguồn thu nhập đã dành dụm được sau một khoảng thời gian ở nước ngoài. Đây chính là nguyên nhân lớn khiến cho lượng kiều hối trong nước tăng trưởng mạnh kể từ sau đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, tình hình bất ổn ngày càng dâng cao ở châu Âu do ảnh hưởng từ chiến tranh Nga – Ukraine cũng là một nguyên nhân lớn khiến người Việt từ châu Âu có xu hướng chuyển về Việt Nam đầu tư, phát triển sự nghiệp. Các doanh nhân người Việt ở nước ngoài lo ngại rằng, cuộc chiến tranh ở Đông Âu dự kiến sẽ còn kéo dài, lan rộng ra khắp châu Âu. Trước tin tức rằng Nga sẽ mở một cuộc tấn công lớn vào các nước Đông Âu hỗ trợ cho Ukraine, họ cho rằng công việc kinh doanh của mình chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, và không thể tiếp tục làm ăn một các ổn định, lâu dài tại đây.
Trên thực tế, chính các doanh nhân người Việt cũng chịu nhiều thiệt hại do ảnh hưởng từ cuộc chiến. Nhiều ngành nghề như làm đẹp, nhà hàng… không thể phát triển được và rơi vào tình trạng khủng hoảng chung trong cuộc suy thoái kinh tế lớn ở châu Âu.
Hơn thế nữa, những người Việt trẻ tuổi còn có nguy cơ bị huy động làm lính quân dịch trong khối NATO, cho nên rất nhiều người đã tìm cách về Việt Nam, mang theo tiền để đi “lánh nạn”, mong muốn được xây dựng và ổn định cuộc sống mới tại Việt Nam.
Do đó, nhiều thương nhân người Việt ở các nước như Séc, Đức, Ba Lan, Hungary, Slovakia… đã lựa chọn trở về nước để bắt đầu hoạt động kinh doanh mới của mình tại quê hương. Trong số người này, có những doanh nhân đã định cư lâu năm và đạt được những thành tựu kinh doanh nhất định ở châu Âu, thậm chí có những gia đình đã trở thành triệu phú, tỉ phú. Những người doanh nhân bậc cao, có nguồn vốn lớn muốn xây dựng Việt Nam thành thị trường thứ 2, nên đã chuyển dịch dần nguồn vốn đầu tư của mình từ châu Âu về Việt Nam, nhằm phát triển Việt Nam thành thị trường trường thứ 2 của mình. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp vốn nhỏ thì gần như đã chuyển hết vốn đầu tư về phát triển ở Việt Nam.
Đặc biệt, qua trao đổi thông tin, những doanh nhân nói trên cũng đã khảo sát thị trường ở nhiều quốc gia, và họ nhận thấy chính sách của Chính phủ Việt Nam rất cởi mở, thông thoáng. Việt Nam lại đang là dư địa thu hút đầu tư của nhiều doanh nghiệp lớn tại nước ngoài, trở thành một thị trường đầy hứa hẹn và giàu tiềm năng phát triển cho bất cứ nhà đầu tư nào, trên bất kì lĩnh vực nào. Hơn thế nữa, chính sách về mua bán tài sản, đất đai của Việt Nam hiện cũng đang tạo nhiều điều kiện cho người Việt định cư nước ngoài được quyền mua nhà, đất để sinh sống hoặc kinh doanh, mở cửa hàng… Đây là một điều kiện thuận lợi mà ít quốc gia có được. Điều đó khiến đồng bào Việt Nam ở nước ngoài rất phấn khởi, tạo động lực cho cho họ trở về nước phát triển công việc kinh doanh của mình. Đây cũng chính là một lí do dẫn đến sự tăng trưởng của lượng kiều hối đổ về nước trong những năm gần đây.
Tất nhiên chúng ta cần phải phân tích thêm những thông tin này một cách đầy đủ hơn để chắc chắn về xu hướng đầu tư, kinh doanh của người Việt ở nước ngoài, song có một thực tế không thể phủ nhận được là lượng kiều hối vẫn đã và đang lên tăng nhanh chóng qua các năm, nhất là ở những thành phố lớn, những trung tâm công nghiệp phát triển như Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh…
Hiện nay, hoạt động bất động sản ở nước ta cũng đang có dấu hiệu nhích lên, và cả giá vàng cũng có sự tăng nhẹ. Điều này không loại trừ việc nguyên nhân đến từ do lượng kiều hối đã được đổ vào thị trường vàng và bất động sản. Bên cạnh đó, lượng tiền tiết kiệm nhất định cũng đã được gửi vào các ngân hàng để lấy lãi.
Tất cả đều cho thấy những tín hiệu tích cực đối với tăng trưởng kinh tế của nước ta trong thời gian sắp tới.
Những định hướng nhằm phát huy hiệu quả nguồn kiều hối hiện nay
Rõ ràng, những diễn biến này vừa chứng tỏ tiềm năng của kiều hối, vừa cho thấy Nhà nước cũng đã có các chính sách tiền tệ thông thoáng, các ngân hàng cũng đã mở cửa, giảm bớt các thủ tục rườm rà để hoạt động gửi tiền về nước được diễn ra thuận lợi. Bên cạnh đó, các chính sách phát triển kinh tế thị trường như tự do kinh doanh, tự do trao đổi, mua bán tài sản… cũng đã góp phần thúc đẩy lượng kiều hối gửi về nước ngày càng nhiều. Nhà nước đã và đang thực hiện tốt vai trò trong việc tạo điều kiện cho những người Việt ở nước ngoài trở về nước sinh sống, đầu tư, kinh doanh. Và ngược lại, những người Việt cũng đã và đang coi Việt Nam như một thị trường đáng tin cậy để gửi gắm nguồn tiền của mình.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là trước lượng kiều hối đổ về nước ngày càng lớn so với trước đây, việc định hướng lượng kiều hối này sử dụng ra sao cũng chưa thực sự minh bạch, rõ ràng. Điều này trên thực tế có thể gây ra những hậu quả khôn lường, như hiện tượng sử dụng đồng tiền một cách tự do quá mức, gây ra những bất ổn nhất định cho thị trường, nhất là vàng và bất động sản. Nhà nước hiện cũng chưa có một cơ chế, chính sách cụ thể để ổn định và kiểm soát được lượng kiều hối cũng như các hoạt động mua bán, trao đổi, kinh doanh… có liên quan đến nguồn tiền này.
Do đó, trong thời gian tới, Nhà nước một mặt đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho những người gửi kiều hối về Việt Nam được tự do sử dụng đồng tiền của mình, song mặt khác cũng cần ban hành những cơ chế, chính sách hợp lý, cụ thể, nhằm đảm bảo người gửi kiều hối và sử dụng nguồn kiều hối tuân thủ chặt chẽ các quy định về ổn định thị trường, sao cho cả hai phía đều đạt được những lợi ích chung.
Chính sách kiều hối hiện đã cởi mở, thông thoáng, nhưng để những đồng tiền từ nước ngoài này có thể đầu tư được ở Việt Nam thì Nhà nước phải coi đây là một trong những nguồn vốn đầu tư chính đối với sản xuất kinh tế ở nước ta hiện nay. Bên cạnh việc bổ sung quy chế, quy định về Luật Đầu tư và những Bộ luật liên quan, Nhà nước cần hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp và những người từ nước ngoài về có thể có cơ hội tham gia tích cực, tiếp cận trực tiếp các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ trong nước một cách thuận lợi nhất.
Về phía những người sử dụng kiều hối, cần có một suy nghĩ rằng làm thế nào để sử dụng đồng tiền này một cách hiệu quả nhất, giúp đồng tiền có thể sinh lãi nhiều nhất, vừa giúp ích cho mình, vừa đem lại lợi ích cho quốc gia. Nếu chỉ dừng lại ở việc tiết kiệm, mua vàng… thì đồng tiền không thể tăng lên nhanh chóng, mà sẽ bị đóng băng, ứ đọng ở các ngân hàng. Do đó, cần tính toán việc đầu tư vào những lĩnh vực mà đồng tiền kiều hối có thể sinh lời, nhằm đảm bảo đạt được những lợi ích tối đa cho cả người đầu tư lẫn Nhà nước và nhân dân trong nước. Những người sử dụng kiều hối hoàn toàn có thể dùng tiền để thành lập các công ty, doanh nghiệp, nhà máy sản xuất, phát triển kinh doanh trên một lĩnh vực nào đó mà có lợi nhất cho chính họ và cho đất nước.
Mỗi người đều cần hiểu rằng, đất nước chúng ta đang cần đến những nguồn vốn lớn để phát triển kinh tế. Do đó, những người nhận và sở hữu kiều hối cần có ý thức đầu tư, phát triển nguồn tiền này, để làm giàu cho mình và cho đất nước. Thay vì Nhà nước mỗi năm đều đi kêu gọi nguồn vốn FDI từ nước ngoài, thì nguồn tiền kiều hối sẽ là một động lực rất tốt nếu người dân nhận thức được việc sử dụng chúng để đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước. Người định cư lâu năm ở nước ngoài không những có vốn lớn mà còn có cả kĩ năng kinh doanh, thậm chí nắm được những công nghệ tiên tiến. Với nhiều yếu tố thuận lợi hội tụ như vậy, chỉ cần họ biết nắm bắt thời cơ để đầu tư kịp thời, thì không những đất nước phát triển hơn mà bản thân họ cũng sẽ gặt hái được những thành quả xứng đáng trên chính mảnh đất quê hương mình.
Hiện nay, Việt Nam đang sở hữu những điều kiện và cơ hội thuận lợi để tận dụng nguồn kiều hối từ chính người Việt Nam ở nước ngoài. Nguồn tiền này thậm chí tương đương với số vốn FDI mà chúng ta phải liên tục kêu gọi từ nước ngoài trong suốt những năm vừa qua. Do vậy, thay vì phải kêu gọi, chịu các điều khoản ràng buộc, tạo nhiều ưu đãi để người nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, thì Nhà nước cần nhìn ra được cơ hội từ kiều hối để tận dụng chúng một cách hợp lý, đúng đắn nhất cho công cuộc phát triển kinh tế. Một phần nào đó, điều này cũng thể hiện chính sách giúp đỡ của chúng ta đối với Việt kiều, là một phần của chính sách công nhận và thúc đẩy hoà hợp dân tộc của Đảng ta. Đây sẽ là động lực lớn cho kiều bào Việt Nam nhận thức rõ hơn về những cơ hội mình ngay trên đất nước Việt Nam, giúp họ nhanh chóng đầu tư, xây dựng đất nước ngày một giàu đẹp hơn cho chính mình và những người thân yêu của mình.
Tóm lại, trước tình hình khó khăn do đại dịch Covid-19 vừa qua và chiến tranh ở châu Âu hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã dang tay giúp đỡ, hỗ trợ người Việt được trở về quê hương, đem nguồn kiều hối đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế, xã hội… Thiết nghĩ, đây là nguồn tiền có thật mà không kèm theo bất cứ điều kiện nào về mặt chính trị, cũng không phải là một khoản vay với các điều kiện ràng buộc từ nước ngoài, nên rất đáng quý đối với nước ta. Bởi vậy, Nhà nước cần tạo ra những cơ chế, chính sách hiệu quả hơn nữa để nguồn kiều hối có thể phát huy đúng giá trị và ý nghĩa của nó, giúp những người dân Việt Nam ở xa Tổ quốc có cơ hội được làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương và góp sức, chung tay vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.■