Những hoàng đế bị lưu đày: Thực dân Pháp và tình cảnh lưu vong của các vị Vua nước Việt (Kỳ 2)

Bài viết này tìm hiểu việc lưu đày ba vị Hoàng đế Việt Nam từ năm 1885 đến năm 1916, đặc biệt tập trung vào Vua Duy Tân – người sau nhiều thập kỷ sống lưu vong trên đảo Réunion đã dự định trở về quê hương và giành lại ngai vàng. Bài viết lập luận rằng việc phế truất và lưu đày quốc vương bản xứ là một vũ khí lợi hại trong binh xưởng của thực dân, đặc biệt là ở những xứ bảo hộ mà kẻ chiếm đóng muốn loại bỏ các vị Vua phiền toái, đồng thời tổ chức lại vị thế và cấu trúc của các triều đại truyền thống để đạt được mục đích của mình.

Ý định đưa cựu Hoàng trở lại ngai vàng

Trong khi đó, Vua Duy Tân sống ở Réunion, được phép sử dụng tên khai sinh và tước hiệu Hoàng tử Vĩnh San. Sau khi vợ ông phải trở về Việt Nam vì sức khỏe yếu, ông có quan hệ tình ái với một vài phụ nữ địa phương và sinh được mười người con. Ông viết một số bài tiểu luận và thơ ca được đánh giá cao trên một tạp chí văn học địa phương. Ông tập bắn cung, quần vợt và những môn thể thao khác, thỉnh thoảng đua ngựa để kiếm thêm tiền tiêu vặt. Ông chơi vĩ cầm và tham gia vào Hội Tam Điểm. Ông đam mê vô tuyến điện và quản lý một cửa hàng sửa chữa radio. Ông có vẻ ít liên hệ với những người Việt khác.

Vua Duy Tân cùng những người bạn mê vô tuyến điện trên đảo Réunion. Ảnh: vinhsan.free.fr

Vị cựu Hoàng không thường xuyên tham gia vào đời sống chính trị dù ông ủng hộ Mặt trận Bình dân Pháp trong những năm 1930. Có một bức ảnh chụp ông đứng phát biểu dưới cờ búa liềm, mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy ông là đảng viên Đảng Cộng sản. Trong một lá thư gửi cho tờ báo Cộng sản L’Humanité năm 1936 chưa từng được công bố, ông viết: “An Nam có quyền trở thành một quốc gia độc lập và trung lập giống như một quốc gia châu Âu”[1]. Khi một người Nam Phi đến thăm Duy Tân hỏi ông rằng liệu ông có muốn hồi hương hay không, ông cầm cây vĩ cầm của mình lên và chơi bản “J’ai deux amours” – ca khúc nổi tiếng của ca sĩ Josephine Baker hát về hai tình yêu của cô là “mon pays et Paris” (Tổ quốc tôi và Paris), sau đó nghẹn ngào hỏi: “Tại sao tôi lại không thể trở về An Nam?… Chắc chắn tôi chẳng thể tiếp tục thối rữa trên hòn đảo nhỏ này, nơi chẳng có quan hệ gì với tôi cả… Tại sao họ không thể cho tôi về nhà?”[2]. Năm 1922, ông xin nhập quốc tịch Pháp nhưng bị từ chối. Ông cũng vài lần xin đến sống ở Pháp, nhưng các yêu cầu của ông đều bị từ chối hoặc không được trả lời. Điều này cho thấy nhà chức trách Pháp lo ngại rằng sự hiện diện của ông ở “mẫu quốc” có thể gây khó xử, nhất là khi tinh thần chống thực dân của người Việt và những người ủng hộ họ đang ngày càng dâng cao.

Tình hình chính trị châu Á thay đổi đáng kể trong những năm 1930, đặc biệt là khi Nhật Bản xâm lược Mãn Châu năm 1931. Năm sau đó, Nhật Bản thành lập Chính phủ Mãn Châu Quốc và đặt Phổ Nghi, Hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc (bị phế truất năm 1912), làm Quốc trưởng. Động thái này đã khích lệ Hoàng thân Cường Để ở Tokyo, với hy vọng rằng nhà bảo trợ Nhật có thể bổ nhiệm ông làm Quốc trưởng Việt Nam nếu họ tiến vào Đông Nam Á. Chiến tranh nổ ra ở châu Âu vào cuối thập kỷ làm dấy lên những vấn đề về Đông Dương nhanh hơn là cuộc chiến ở châu Á. Sau chiến thắng của Đức trước Pháp, chính quyền thực dân ở Hà Nội cam kết trung thành với Thống chế Pétain và cuối cùng cũng đồng ý hợp tác với Tokyo, tuân theo những yêu cầu khắt khe hơn của Nhật Bản về việc đóng quân ở Đông Dương và khai thác các nguyên liệu thô của xứ này. Nhật dễ dàng làm việc với Đô đốc Decoux – Toàn quyền của Chính phủ Vichy, còn Bảo Đại thì dần rơi vào quên lãng[3]. Thật đáng thất vọng cho vị Hoàng thân lưu vong mà đáng lẽ ra sẽ trở thành Hoàng đế Cường Để, Tokyo không có nhu cầu thay thế nhà Vua đang tại vị.

Trên đảo Réunion, với thất bại của Pháp năm 1940, Duy Tân đứng về phía lực lượng Pháp quốc Tự do. Cửa hàng radio của ông là nơi hội họp những người tìm kiếm thông tin về chiến tranh, mặc dù việc nghe các chương trình phát sóng nước ngoài trên hòn đảo do chính quyền Vichy kiểm soát là bất hợp pháp, và ông đã bị bắt giữ một thời gian ngắn vào đầu năm 1942. Khi phe de Gaulle chiếm Réunion vào cuối năm 1942, Duy Tân xin gia nhập lực lượng Pháp quốc Tự do ở London, nhưng yêu cầu này bị từ chối. Theo Brocheux, đó là vì các cơ quan an ninh xem ông là một người theo chủ nghĩa cộng sản hoặc chủ nghĩa xã hội cứng rắn. Duy Tân được phép nhập ngũ vào hải quân Pháp nhưng chỉ phục vụ được một thời gian ngắn vì ông bị say sóng. Một sĩ quan cấp cao, Tướng Boissieu, đã báo cáo một cách tích cực với de Gaulle về thái độ phục vụ tốt của Vua Duy Tân, và ông được phép chuyển sang quân đội. Nhà chức trách sau đó cử ông đến Madagascar với hy vọng rằng ông sẽ dập tắt được sự bất bình đang gia tăng giữa những binh lính người Việt vì họ mãi vẫn chưa thể hồi hương về Đông Dương do các tuyến tàu liên kết Madagascar và Việt Nam bị đình trệ sau khi Pháp bại trận. Duy Tân hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Năm 1945, de Gaulle gọi ông đến Pháp, và ông đến đây sau khi Đức đầu hàng. Ông gia nhập lực lượng Pháp chiếm đóng ở Đức trong một khoảng thời gian ngắn. Với hy vọng tiểu đoàn của ông sẽ được điều đến Việt Nam, vị cựu Hoàng đã có một vài buổi nói chuyện với lính Pháp về Đông Dương. Tuy nhiên, cuối cùng tiểu đoàn không được điều chuyển, và cấp trên sớm triệu hồi Duy Tân về Paris. Tại đây, ông đã liên hệ với những người Việt Nam khác, nhưng theo Brocheux, Duy Tân không thu hút được sự quan tâm của những người đồng hương ở hải ngoại[4].

Vua Duy Tân tham gia một cuộc họp của Mặt trận Bình dân Pháp trên đảo Réunion năm 1936. Ảnh: vinhsan.free.fr

Việt Nam lúc này đang trong tình trạng hỗn loạn[5]. Quân Nhật đã chiếm đóng đất nước vào tháng 3 năm 1945 và thiết lập toàn quyền kiểm soát đối với nước Việt Nam độc lập trên danh nghĩa dưới triều Vua Bảo Đại. Quân Nhật đầu hàng ngày 15 tháng 8 và đến ngày 2 tháng 9, lãnh tụ Cộng sản Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bảo Đại thoái vị, trao ấn kiếm cho Hồ Chí Minh, từ đó trở thành một công dân bình thường và là Cố vấn tối cao cho Chính phủ mới. Hồ Chí Minh cử ông đi làm nhiệm vụ ở Hồng Kông. Trong khi đó, quân Trung Quốc đã tiến vào miền Bắc Việt Nam, quân Mỹ tiến vào miền Nam; còn Pháp thì nhăm nhe thiết lập lại quyền lực và lý tưởng nhất là giữ nguyên hiện trạng thuộc địa, mặc dù còn đang do dự giữa việc công nhận hay chống lại Chính phủ Hồ Chí Minh. Làm thế nào Pháp có thể khôi phục quyền lực của mình và đảm bảo quyền kiểm soát thuộc địa? De Gaulle có một kế hoạch. Ông ta viết trong hồi ký của mình như sau:

“Tôi đã lập một kế hoạch bí mật. Đó là trao cho cựu Hoàng Duy Tân phương tiện để ông ta tái xuất, nếu người kế vị và người thân của ông ta là Bảo Đại tỏ ra hoàn toàn bất lực trước thời thế. Dù Duy Tân bị chính quyền Pháp phế truất năm 1916, phải trở lại làm Hoàng tử Vĩnh San và chuyển đến Réunion, nhưng trong suốt cuộc chiến này, ông đã quyết tâm phục vụ trong quân đội của chúng ta. Ông giữ cấp bậc chỉ huy. Hơn 30 năm lưu đày không hề xóa đi ký ức về vị vua này trong tâm hồn người dân An Nam. Ngày 14/12/1945, tôi đã đón tiếp ông ấy để nói chuyện thẳng thắn xem chúng tôi có thể cùng nhau làm những gì”[6].

Duy Tân – người chưa chính thức thoái vị khi bị lưu đày năm 1916 – có thể được khôi phục ngôi vị. Chắc hẳn De Gaulle tự tin rằng mình sẽ có một chư hầu dễ bảo và, như David Marr đã nhận xét, “de Gaulle hẳn đã coi việc vị Hoàng tử hoàn toàn không biết gì về các sự kiện diễn ra ở quê hương mình là một lợi thế”[7]. De Gaulle sẽ cùng Duy Tân sang Việt Nam vào đầu năm 1946 và Duy Tân sẽ thay thế Bảo Đại ngồi trên ngai vàng. Đó là kế hoạch của De Gaulle khi Duy Tân khởi hành từ Paris về thăm gia đình ở Réunion vào cuối tháng 12. Trên đường, máy bay của ông rơi ở Trung Phi, tất cả hành khách đều thiệt mạng. De Gaulle nhận xét rằng Pháp rõ ràng đã không gặp may.

Trên thực tế, không phải ai cũng ủng hộ sáng kiến ​​của De Gaulle. Cao ủy Pháp tại Đông Dương, Đô đốc Thierry d’Argenlieu, có cùng cảm nhận tích cực với tướng De Gaulle về Duy Tân và về việc khôi phục ngai vàng, nhưng các quan chức tại Bộ Thuộc địa lại tỏ ra nghi ngờ về cả năng lực cá nhân của Duy Tân trong việc đáp ứng kỳ vọng của De Gaulle, lẫn khả năng một vị vua có thể về nước tập hợp nhân dân Việt Nam quanh lá cờ Pháp. Một số người bày tỏ quan ngại về yêu cầu thống nhất ba kỳ của Duy Tân (điều mà Paris đã luôn cương quyết phản đối) và những kỳ vọng mà ông có thể có về một nền độc lập hoàn toàn và thực sự cho Việt Nam[8].

Nếu Duy Tân còn sống, liệu ông có giành lại được ngai vàng hay không, liệu người Việt (đặc biệt là những người cộng sản) có đón nhận ông hay không và liệu triều đại của ông có thể đem đến một kết quả khác với cuộc chiến tranh đã sớm bắt đầu ở Việt Nam hay không là những câu hỏi mà ta chỉ có thể đoán câu trả lời. Duy Tân chưa chắc đã đủ khả năng làm như vậy, nhưng điều thú vị là người Pháp, hoặc ít nhất là De Gaulle và các cộng sự của ông ta, đã coi trọng chế độ quân chủ đủ nhiều và đánh giá phần tử chống đối trước đây đủ cao để sẵn sàng chơi quân bài đó.

Mộ Vua Duy Tân ở Trung Phi. Ảnh: vinhsan.free.fr

De Gaulle từ chức vào đầu năm 1946, để lại vấn đề Đông Dương cho những người khác giải quyết. Cuối năm đó, xung đột vũ trang nổ ra giữa Pháp và những người theo chủ nghĩa dân tộc do cộng sản lãnh đạo. Trong khi đó, Pháp đã thông qua hiến pháp mới cho Đệ tứ Cộng hòa, quyết tâm tái lập và duy trì quyền lực đế quốc, và thành lập Liên hiệp Pháp (Union Française) – một liên hiệp các lãnh thổ hải ngoại và quốc gia hội viên (états associés), mặc dù trên danh nghĩa là tự trị nhưng vẫn hoàn toàn nằm dưới quyền kiểm soát của Pháp. Năm 1949, Pháp đưa Bảo Đại trở lại với tư cách là Quốc trưởng Việt Nam trên danh nghĩa, không có tôn hiệu, chấp nhận thống nhất ba kỳ, và công nhận các quốc gia hội viên là Việt Nam, Campuchia dưới thời Vua Sihanouk và Lào dưới thời Vua Sisavang Vong. Tuy nhiên, quyền thống trị của Pháp ở Đông Dương đã chấm dứt chỉ trong vòng 5 năm kể từ khi Bảo Đại trở lại. Triều Nguyễn lụi tàn.

Hàm Nghi qua đời lặng lẽ năm 1943, Duy Tân chết trong vụ tai nạn máy bay năm 1945, còn Thành Thái thì được phép trở về Việt Nam và bị theo dõi cho đến khi ông qua đời vào năm 1954. Cường Để sống cho đến năm 1951, không bao giờ từ bỏ hy vọng giành được ngai vàng Việt Nam, mặc dù sự lạc quan bùng nổ của ông vào cuối những năm 1930 đã sớm tan thành mây khói. Bảo Đại vẫn là người đứng đầu nước Việt Nam Cộng hòa phi cộng sản cho đến năm 1955, khi ông bị lật đổ trong cuộc đảo chính do Ngô Đình Diệm lãnh đạo. Ông dành phần đời còn lại ở Pháp, nơi ông qua đời vào năm 1997. Một trong các cháu trai của ông, cư trú tại Pháp, hiện đang tự tuyên bố là người kế vị ngai vàng Việt Nam.

Thành Thái được an táng gần tổ phụ ở Huế, còn Hàm Nghi thì an nghỉ tại quê người vợ Pháp của ông ở Dordogne. Mộ của Duy Tân được đặt ở Trung Phi, nơi máy bay rơi. Năm 1987, theo yêu cầu của gia đình, tro cốt của ông đã được cải táng, đưa qua Paris và làm lễ tại một ngôi chùa Phật giáo, rồi được chuyển về Việt Nam và an táng tại Huế dưới sự bảo trợ của chính quyền Việt Nam. Vì chống Pháp nên Hàm Nghi là một vị anh hùng đối với Việt Nam; và vì ủng hộ Pháp quốc Tự do nên ông cũng được người Pháp tôn vinh. Người dân Việt Nam muốn đưa hài cốt của Hàm Nghi hồi hương vì ông được xem như một vị anh hùng, nhưng gia đình ông đã từ chối[9].

Lưu đày và chế độ thực dân

Tiểu sử của Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân (cũng như Hoàng đế Bảo Đại và Hoàng thân Cường Để) là những ví dụ về hành trình cá nhân xuyên quốc gia dưới chế độ thực dân, là bi kịch về quyền lực và mất mát, về kháng chiến và thất bại, về sự lưu đày và niềm hy vọng có thể trở lại. Chúng để lại những hình ảnh cay đắng: một vị hoàng đế lưu vong nghỉ ngơi trong phòng khách ở Algeria, trên người vẫn khoác tấm áo choàng lụa Việt Nam; một vị khác thì loay hoay với chiếc radio giữa những lùm cây um tùm trên một hòn đảo Ấn Độ Dương, gần đó là người cha sống trong thế giới riêng của ông. Chúng cũng cho thấy hình ảnh những người bị lưu đày vì tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp (mặc dù có những yếu tố khác được cân nhắc trong trường hợp của Thành Thái) mà không có thủ tục tố tụng, không xét xử, không có quyền kháng cáo – những nhân vật già nua bị Pháp giam giữ và giám sát, nhưng vẫn chờ đợi một ngày có thể được đảm nhận vai trò mới trong đời sống quốc gia.

Lịch sử chế độ quân chủ Việt Nam vào cuối những năm 1800 – đầu những năm 1900 là lời nhắc nhở về vai trò và số phận chung của quốc vương các nước Đông Á, những người đã nỗ lực chống ngoại xâm với mức độ thành công khác nhau. Một số đóng vai trò là động lực chính cho quá trình hiện đại hóa, như Thiên hoàng Minh Trị của Nhật Bản và các Vua Mongkut và Chualongkorn của Xiêm – mặc dù những vị vua này cũng phải đối mặt với nhiều thay đổi, khi Xiêm bị buộc phải chuyển từ chế độ quân chủ tuyệt đối sang chế độ quân chủ lập hiến vào năm 1932, và Thiên hoàng Hirohito phải từ bỏ địa vị thiêng liêng của mình vào năm 1945. Ở Trung Quốc, nhà Thanh bị cách mạng lật đổ, sau đó được khôi phục tạm thời tại Mãn Châu Quốc. Một số triều đại vẫn tồn tại dưới sự cai trị của thực dân, mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn hơn, như tại các xứ bảo hộ của Pháp, các phiên vương quốc của Ấn Độ, bang Shan của Miến Điện hay các vương quốc Hồi giáo do Sultan đứng đầu ở Mã Lai[10].

Trên các lãnh thổ mới, với sự hậu thuẫn của lực lượng vũ trang, thực dân phải đối mặt với sự lựa chọn giữa việc duy trì triều đại bản địa hay loại bỏ nó và hy vọng tìm được người cộng tác ở chỗ khác. Patrice Morlat giải thích tình thế tiến thoái lưỡng nan này bằng ví dụ về thực dân Pháp: “Tìm kiếm sự hỗ trợ và cộng tác từ triều đình và quan lại, hay gạt họ sang một bên để xây dựng một tầng lớp tinh hoa người bản địa mới được đào tạo trong các trường của Pháp, nói tiếng Pháp, chối bỏ văn hóa Trung Quốc và Nho giáo để đi theo con đường do thực dân Pháp chỉ định? Đó chính là vấn đề!”[11]. Anh đã bãi bỏ chế độ quân chủ ở Miến Điện năm 1885, và Nhật cũng làm điều tương tự ở Hàn Quốc vào năm 1910. Hà Lan dùng chính quyền của mình để cai quản các vương quốc Hồi giáo ở Indonesia, người Anh cũng làm vậy ở Shan và Mã Lai nhưng không bãi bỏ chế độ cai trị cha truyền con nối. Pháp cũng giữ lại triều đình, nhưng ở Việt Nam không phải lúc nào cũng có những kẻ bề tôi trung thành mà Pháp tìm kiếm, dù theo truyền thống hay thuộc tầng lớp tinh hoa mới.

Từ khi bắt đầu đô hộ cho đến khi nhận lấy cái kết cay đắng ở Việt Nam, thực dân Pháp đã cố gắng thao túng và nhào nặn một triều đình phù hợp với mục đích của mình. Chúng đôi khi tìm được một vị quốc vương sẵn sàng hợp tác, nhưng không thành công lâu dài. Đó là minh chứng cho những nghịch lý vốn có khi chính quyền thực dân cố gắng biến một thể chế từng là điểm tựa cho bản sắc dân tộc thành một thể chế có thể vừa nghe lời Pháp, vừa duy trì khả năng thu hút sự ủng hộ và tôn trọng của dân chúng.

Đặc biệt là vào những thời điểm nguy hiểm, Pháp nhận thấy đã đến lúc phải ra tay với một vị quốc vương gây phiền toái. Chúng đã trục xuất Hàm Nghi khi mới bắt đầu đô hộ An Nam và Bắc Kỳ, những năm tháng mà Pháp cũng đang phải đối mặt với cuộc nổi dậy ở Campuchia. Chúng đàn áp cuộc nổi dậy của người Khmer (trong đó có sự tham gia của một số Hoàng thân) và thắt chặt sự thống trị đối với xứ bảo hộ bằng cách khiến quốc vương phải nhượng bộ nhiều hơn. Nếu Vua Norodom không đồng ý nhượng lại cho Pháp nhiều quyền lực hơn theo công ước mới năm 1884, ông ta có thể đã phải chịu chung số phận với Hàm Nghi. Thành Thái bị lưu đày năm 1907, ngay sau sự kiện ngai vàng của Luang Prabang được kế vị trong hòa bình cùng một cuộc tranh giành ngôi vị gay gắt hơn ở Campuchia, cả hai đều diễn ra vào năm 1904 – Thái tử ở Phnom Penh, Hoàng tử Yukanthor, người từng công khai phản đối thực dân, đã không được lên ngôi. Những năm tháng này cũng chứng kiến ​​sự xuất hiện của Việt Nam Quang Phục Hội, phong trào Đông Du và sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam. Dù Thành Thái chưa thách thức người Pháp một cách rõ ràng, nhưng việc một vị Vua lập dị lên ngôi cũng đã đủ để gây lo ngại. Sau đó, Duy Tân bị lưu đày trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, một thời kỳ bạo loạn và nổi dậy diễn ra trên khắp đế quốc Pháp. Pháp không chỉ phải đối mặt với thách thức từ Vua Duy Tân ở Việt Nam và vị Hoàng thân Cường Để đang lưu vong, mà còn từ hai Hoàng thân người Campuchia là Mayura (người bị Pháp đày sang Việt Nam) và Yukanthor (tự đi lưu vong ở Thái Lan) – những người đang thăm dò thái độ của Đức. Lưu đày là một chiến thuật thiết thực cực đoan, được sử dụng chủ yếu để loại bỏ một vị vua hoặc hoàng tử của xứ bảo hộ mà không khiến ông ta trở thành một anh hùng bị cầm tù hay bị hành quyết.

Không chỉ các thành viên Hoàng tộc mới bị lưu đày cưỡng bức hoặc tự nguyện. Hồ Chí Minh cùng nhiều người theo chủ nghĩa dân tộc khác đã phải sống lưu vong nhiều năm, trở thành đối tượng bị Pháp theo dõi và sách nhiễu. Thực dân đã đưa nhiều người Việt Nam bất đồng chính kiến ​​đi đày trong nước, đặc biệt là trên đảo Poulo Condor (Côn Đảo), nơi Pháp lập trại giam ngay sau khi chiếm được Nam Kỳ. Trớ trêu thay, như Peter Zinoman đã chỉ ra, việc giam giữ trên đảo và trong các nhà tù khác đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chính trị hóa tù nhân và thiết lập những mạng lưới cách mạng cùng các chi bộ cộng sản[12]. Các tù nhân, có vẻ bao gồm cả một số tù nhân chính trị, được đưa đến vùng lãnh thổ New Caledonia ở Nam Thái Bình Dương vào cuối những năm 1800.[13] Từ năm 1885 đến năm 1922, Pháp đã đưa gần một nghìn tù nhân người Việt – một vài trong số đó chắc chắn là tù nhân chính trị – đến Guiana (Guyane). Vào năm 1931, Pháp đã chuyển một đoàn gồm 353 quân nổi dậy từ Việt Nam đến Inini, thuộc địa của Pháp ở Nam Mỹ[14].

Tượng tưởng niệm những người Việt đầu tiên định cư ở New Caledonia bắt đầu từ năm 1891 (gọi là người Chân Đăng), Nouméa, New Caledonia. Ảnh: Kenji Atsé

Thực ra Thành Thái và Duy Tân không phải là những tù nhân chính trị Việt Nam đầu tiên bị đưa đến Réunion. Cùng với việc bãi bỏ chế độ nô lệ vào năm 1848, các chủ đồn điền rất cần lao động, đặc biệt là khi người Anh ngăn không cho Pháp tuyển mộ lao động có giao kèo ở Ấn Độ. Đầu những năm 1860, ngay sau khi Nam Kỳ vừa bị Pháp chiếm đóng, một chủ đồn điền người Réunion đã đến đây để tìm kiếm công nhân. Từ năm 1863 đến năm 1868, 1287 tù nhân Việt Nam đã đến Réunion, chấp nhận lao động theo giao kèo 5-6 năm thay vì bị giam giữ. Hai phần ba số lao động Việt là tù nhân chính trị, bị kết án vì phản đối Pháp chiếm Nam Kỳ[15].

Hàm Nghi ở Algeria và Thành Thái cùng Duy Tân ở Réunion (cũng như Cường Để ở Nhật Bản) là những trường hợp lưu vong đặc biệt. Ba nhân vật này là ví dụ tiêu biểu cho việc lưu đày các vị Vua đang trị vì. Trong trường hợp của Duy Tân (và có thể cả Hàm Nghi nữa), đó là một vị vua còn hy vọng sẽ giành lại được ngai vàng; còn Cường Để thì nuôi hy vọng trở thành hoàng đế nhờ sự hậu thuẫn của Pháp hoặc Nhật. Ý tưởng về sự trở lại của hoàng đế không phải là quá viễn vông như khi vừa mới nghe qua: lẽ ra Pháp có thể đã khôi phục ngôi vị cho một vị Vua Hàm Nghi hòa giải với Pháp vào năm 1907 hoặc 1916, Nhật có thể đã biến Cường Để thành một Phổ Nghi của An Nam, Duy Tân rời Paris vào tháng 12 năm 1945 với suy nghĩ rằng ông sẽ thực sự trở lại Huế, và Pháp đã đưa cựu hoàng Bảo Đại trở lại làm Quốc trưởng Việt Nam vào năm 1949. Tuy nhiên, trong trường hợp này, không cựu hoàng nào được quay trở lại ngai vàng. Về lâu dài, số phận của những vị vua lưu vong nhà Nguyễn và triều đại mà họ đại diện hóa ra cũng không tốt đẹp hơn số phận của những thành viên gia tộc Bourbon, Bonaparte hay Orléan.■ (Hết)

Robert Aldrich

Phạm Khánh Linh dịch

Nguồn: Aldrich, Robert. “Imperial Banishment: French Colonizers and the Exile of Vietnamese Emperors.” In French History and Culture: Papers from the George Rudé Seminar, tập 5, các trang 123-33. 2014.

 

Chú thích:

[1] Trích dẫn từ Brocheux, “Duy Tan”.

[2] Julian Mockford, Pursuit of an Island (London, 1950), 52.

[3] Martin Thomas, The French Empire at War, 1940-45 (Manchester, 1998); và Eric Jennings, Vichy in the Tropics (Stanford, 2001).

[4] Brocheux, “Duy Tan”, đã dẫn.

[5] Xem Martin Shipway, The Road to War: France and Vietnam, 1944-1947 (Oxford, 1996); và Stein Tønnessen, Vietnam 1946: How the War Began (Berkeley, 2010).

[6] Charles de Gaulle, Mémoires de guerre, Tập III (Paris, 1959), 230.

[7] David Marr, Vietnam 1945: The Quest for Power (Berkeley, 1995), 547.

[8] Về quan điểm của các tác nhân khác nhau, xem Frédéric Turpin, De Gaulle, les gaullistes et l’Indochine, 1940-1956 (Paris, 2005), 190-194; Pierre Journoud, De Gaulle et le Vietnam (1945-1969) (Paris, 2011), 31; và Le Général de Gaulle et l’Indochine, 1940-1946. Colloque tenu par l’Institut Charles-de-Gaulle, les 20 et 21 février 1981; établis par Gilbert Pilleul (Paris, 1982), đặc biệt là các trang 199-201.

[9] Các nhà sử học Mác-xít truyền thống ở Việt Nam đã vinh danh ba vị hoàng đế bị lưu đày này vì quan điểm chống thực dân của họ. Từ giữa thập niên 80, các sử gia đã có những quan điểm mới về triều Nguyễn mà trước đây từng bị lên án vì chế độ phong kiến, Nho giáo cực đoan và thất bại trong việc xua đuổi thực dân. Xem Bruce Lockhart, “Re-assessing the Nguyen Dynasty,” Crossroads, 15:1 (2001): 9-53.

[10] Xem Roger Kershaw, Monarchy in South-East Asia: The Faces of Tradition in Transition (London, 2001); và Maurizio Peleggi, Lords of Things: The Fashioning of the Siamese Monarchy’s Modern Image (Honolulu, 2002).

[11] Patrice Morlat, Indochine années vingt: Le Rendez-vous manqué (1918-1928) (Paris, 2006), 278.

[12] Peter Zinoman, The Colonial Bastille: A History of Imprisonment in Vietnam, 1862-1940 (Berkeley, 2001).

[13] Christiane Bougerol, “Chronique d’une crise coloniale et son contexte: Les Vietnamiens de Nouvelle-Calédonie (1945-1964),” Journal de la Société des Océanistes 110 (2000-2001): 83-95.

[14]  Danielle Donet-Vincent, “Les Bagnes des Indochinois en Guyane”, Outre-Mers 330-331 (2001): 209-221.

[15] Daniel Varga, “Les Vietnamiens à La Réunion, de la deportation à l’émigration volontaire (1859-1910)”, Outre-Mers 374-375 (2012): 233-274.

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN