Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc từ ngày 18 đến ngày 20/8/2024 theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm ngay sau khi đảm nhiệm cương vị mới.

Tổng Bí thư đã khởi đầu chuyến công du tại Trung Quốc khi tới thăm di tích trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Quảng Châu và dâng hương tưởng niệm liệt sĩ Phạm Hồng Thái, trước khi hội kiến với Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông và gặp nhân sĩ hữu nghị Trung Quốc. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sau đó bay tới Bắc Kinh để hội đàm cấp cao với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hội kiến với Thủ tướng Lý Cường, Ủy viên trưởng Nhân đại Toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế, Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc Vương Hộ Ninh. Những cuộc trao đổi ở cấp chiến lược cao nhất đã một lần nữa khẳng định lại mối quan hệ chiến lược toàn diện giữa hai Đảng, hai nhà nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, tháng 8/2024. Ảnh: TTXVN

Từ chuyến thăm mang tính lịch sử này, có thể rút ra một số nhận định tổng quát.

Thứ nhất, Trung Quốc đã dành cho tân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sự tiếp đón trọng thị ở cấp cao nhất, thể hiện sự coi trọng đặc biệt mối quan hệ láng giềng hữu nghị với Việt Nam. Thảm đỏ và lực lượng tiêu binh danh dự đã được triển khai ngay từ sân bay quốc tế Bạch Vân, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông khi máy bay hạ cánh. Đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân tại sân bay có Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông Vương Vĩ Trung, Thị trưởng thành phố Quảng Châu Tôn Chí Dương, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba. Khi tới Bắc Kinh, đích thân Uỷ viên Bộ Chính trị, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã ra tận sân bay đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân. Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chủ trì lễ đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Bắc Kinh, với 21 phát đại bác chào mừng. Có thể nói, đây là những nghi thức đón tiếp cao nhất mà Trung Quốc dành cho một nguyên thủ quốc gia. Đúng như Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba đã khẳng định, sự tiếp đón và chuyến thăm này “thể hiện hai bên đều coi nhau là phương hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao, làm nổi bật quan hệ hữu nghị đặc biệt của hai Đảng, hai Nhà nước, gửi tín hiệu tích cực quan trọng cho bên ngoài”.

Thứ hai, việc tân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chọn Trung Quốc là cường quốc đầu tiên ông tới cũng thể hiện quan điểm xuyên suốt của Việt Nam là coi trọng quan hệ gắn bó bền vững với các quốc gia láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc. Chuyến thăm là hoạt động đối ngoại đặc biệt quan trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc năm nay, khẳng định xu thế phát triển đi lên của quan hệ hai nước trong thời gian dài tới là không thể đảo ngược. Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam đã khẳng định rõ rằng, chuyến thăm thể hiện sự coi trọng, ưu tiên hàng đầu của cả hai bên trong củng cố và phát triển quan hệ Đối tác hợp tác Chiến lược Toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.

Thứ ba, việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chọn Quảng Châu là điểm đến đầu tiên tại Trung Quốc cũng cho thấy ý nghĩa biểu tượng chính trị rất lớn. Tại đây, ông đã đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm liệt sĩ Phạm Hồng Thái và sau đó đến thăm di tích trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại căn nhà số 13 (nay là 248 – 250) đường Văn Minh, thành phố Quảng Châu. Đây là địa danh gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quảng Châu năm 1924 – 1927. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc đã mở ba lớp huấn luyện chính trị, đào tạo 75 cán bộ cách mạng Việt Nam, mở đường cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc đã được tập hợp lại và xuất bản thành cuốn “Đường Kách mệnh”, cẩm nang hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, một trong những văn kiện lý luận đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Việc tân Tổng Bí thư chọn tới thăm nơi này thể hiện rõ sự trân trọng đối với di sản Cách mạng của thế hệ cha anh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc tiền bối đã xây dựng.

Thứ tư, việc chọn đến Quảng Đông còn mang ý nghĩa kinh tế sâu sắc, thể hiện Việt Nam đặc biệt coi trọng mối quan hệ kinh tế với nước láng giềng. Tỉnh Quảng Đông là địa phương của Trung Quốc có khối lượng trao đổi thương mại lớn nhất với Việt Nam, chiếm 21,1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương. Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Quảng Đông năm 2023 đạt 48,24 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 22,89 tỷ USD. Tỉnh này cũng là điểm đến xúc tiến đầu tư thương mại của nhiều địa phương của Việt Nam. Tại đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã hoan nghênh doanh nghiệp Quảng Đông mở rộng quy mô đầu tư chất lượng cao vào Việt Nam trong các lĩnh vực chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, cơ sở hạ tầng, đề nghị Quảng Đông và các địa phương của Việt Nam thúc đẩy giao lưu, hợp tác thường xuyên, tăng cường hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, nhất là về thương mại, đầu tư và kết nối chiến lược. Ông hoan nghênh các doanh nghiệp Quảng Đông mở rộng quy mô đầu tư chất lượng cao vào Việt Nam.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao đến thăm Di tích trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại căn nhà số 13 (nay là 248 – 250) đường Văn Minh, thành phố Quảng Châu, Trung Quốc. Ảnh: Minh Nhật

Thứ năm, chuyến thăm đã thực chất thúc đẩy quan hệ hai bên lên bước mới. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí thực hiện phương hướng “6 hơn”, bao gồm: tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác quốc phòng – an ninh thực chất hơn, hợp tác thực chất sâu sắc hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn, phối hợp đa phương chặt chẽ hơn, kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng. Qua các tuyên bố và phát biểu chung của hai nhà lãnh đạo Tô Lâm và Tập Cận Bình, có thể thấy ba lĩnh vực đạt được nhất trí cao và sẽ đẩy mạnh:

(1) Cả hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy kết nối chiến lược, kết nối giữa Khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai” với Sáng kiến “Vành đai và Con đường”; đẩy nhanh “kết nối cứng” giữa hai nước về đường sắt, đường bộ cao tốc, kết cấu hạ tầng cửa khẩu cũng như “kết nối mềm” về hải quan thông minh.

(2) Hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy đầu tư lẫn nhau vào công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch, kinh tế số và phát triển xanh.

(3) Việt Nam và Trung Quốc nhất trí tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, cùng duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, kiên trì tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên cùng chấp nhận được phù hợp với “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc”, luật pháp quốc tế, đặc biệt, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp.

Có thể nói, chuyến thăm của tân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là một điểm sáng đối ngoại của Việt Nam trong năm 2024, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 5 của Trung Quốc trên thế giới, sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga. Năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai nước đạt 171,9 tỷ USD. Thương mại 6 tháng đầu năm 2024 tăng 24,1%. Trong 7 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đang đứng đầu về số dự án đầu tư triển khai tại Việt Nam. Lượng khách Trung Quốc sang Việt Nam tới nay là 2,1 triệu lượt, đứng thứ hai và đã vượt tổng số năm 2023. Việt Nam có 23.000 du học sinh đang học tập tại Trung Quốc, gấp đôi so với giai đoạn trước Covid-19.

Đây có thể được coi là những con số biết nói thể hiện hai nước đang hợp tác chặt chẽ với nhau hơn bao giờ hết. Chuyến thăm của tân Tổng bí thư Việt Nam là sự xác quyết một lần nữa chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam, coi Trung Quốc là đối tác chiến lược toàn diện đặc biệt, phát triển mối quan hệ với cường quốc láng giềng có ý nghĩa chiến lược đối với lợi ích của nhân dân hai nước và sự ổn định của khu vực, thế giới. Chuyến thăm này một lần nữa cổ vũ tinh thần hữu nghị và tin tưởng hai nước sẽ còn hợp tác mạnh mẽ hơn nữa trong những năm tiếp theo.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC