Đã có những lúc chúng ta sống trong một tâm trạng ức chế và lo âu cho tương lai của bản thân và đất nước, nhất là những năm dịch bệnh Covid-19 hoành hành và sự lùi dần của sự phát triển kinh tế. Xã hội đang chứng kiến những vụ tham nhũng bị phanh phui. Nhiều chủ doanh nghiệp là tội đồ của việc hối lộ cho quan chức cũng đã bị vạch mặt, kéo theo hàng trăm người trong mối quan hệ phi pháp này bị ngồi tù hoặc bị kỷ luật Đảng và xử lý hành chính hoặc buộc phải xin thôi chức vụ, trong đó có không ít cán bộ cấp cao.

Cái hại về chính trị và vật chất là rất to lớn, nhưng hại về tư tưởng, về tâm trạng tiêu cực của số đông người dân mới là đáng nói. Đã có một thời gian dài xã hội sống trong tâm trạng lo âu; lòng tin vào bộ máy công quyền của nước ta bị suy giảm nhiều. Các doanh nghiệp lớn nhỏ bị các cấp chính quyền kiểm tra, thanh tra liên tục và tiêu cực phát sinh từ những hoạt động này. Hệ quả của nó là tâm lý lo lắng, sợ sệt. Nhiều chủ doanh nghiệp ngừng sản xuất chờ kết luận của thanh tra, hàng trăm dự án bị “đắp chiếu”. Đã xuất hiện nhiều chủ doanh nghiệp ra nước ngoài sinh sống, nhập tịch gọi là để “phòng thân”. Các chủ doanh nghiệp gặp nhau với tâm trạng buồn chán và mong cầu có sự cứu tinh nào đó để khôi phục sự thịnh vượng đã có từ các năm trước.

Rất nhiều cửa hàng đã phải đóng cửa, tạm ngừng hoặc chấm dứt kinh doanh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa: VOV

Không chỉ giới doanh nghiệp, các tầng lớp khác cũng đang đầy tâm trạng. Họ đặt ra nhiều câu hỏi: Cái gì đang diễn ra ở đất nước chúng ta! Các nhà tâm linh thì đưa ra những lời sấm truyền đầy dự báo về sự biến động quốc gia sắp xảy ra. Còn những nhà chính trị “cấp tiến” thì đưa ra nhiều quan điểm, kiến nghị về việc cần phải định vị lại con đường phát triển của đất nước, thậm chí đưa ra những đánh giá nặng nề và rất tiêu cực về sự lãnh đạo của Đảng, trong đó có ý kiến gọi là “tâm huyết” kiến nghị với Đảng cần tổ chức một hội nghị kiểu “Diên Hồng” để cứu đất nước…

Giới khoa học, nghệ thuật yên lặng chờ thời, các công trình nghiên cứu bị giảm hẳn. Giới bác sĩ, ngành y, giáo viên đầy tâm trạng lo giữ lấy bản thân. Đây là nơi lan truyền, tác động trực tiếp đến nhân dân do sự thiếu thốn thuốc men ở các bệnh viện và việc chạy chọt cho con cháu vào các trường công lập, lo lắng việc thi cử luôn thay đổi quy chế, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Trong bối cảnh đó, lề trái tấn công chúng ta mạnh mẽ trên internet, mạng xã hội. Họ ca ngợi, cổ vũ việc trấn áp cán bộ tham nhũng, theo đó là sự tấn công sự lãnh đạo yếu kém của Đảng liên tục được gài vào các trang mạng, nhất là hình ảnh của các cán bộ cấp cao với những nhận xét kích động quần chúng hoặc đầy rẫy chê bai.

Việc ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo cho thấy có nhiều vấn đề tiêu cực xã hội đã bộc lộ, nhiều kẻ quảng bá bản thân một cách vô đạo đức hoặc các chiêu trò lừa đảo ngày càng lan rộng trên mạng xã hội. Đáng nói nhất là quảng bá cho cách sống độc thân lập dị, đồng tính, chuyển giới ngày càng dày lên trên các trang mạng xã hội, làm cho các bậc cha mẹ và những người có đạo đức phải lo ngại.

Cho đến mùa thu năm 2024. Đất nước ta ở trạng thái giữa sự bứt phá phát triển đất nước với sự kìm hãm về thể chế. Sự chỉ đạo của Đảng thời kỳ này chưa tháo gỡ được những rào cản về kinh tế – xã hội của đất nước.

Không thể duy trì lối tư duy vận hành theo kiểu 2.0 – 3.0 được nữa. Các hội nghị của Trung ương Đảng, Chính phủ đều đặt ra vấn đề cần chuyển đổi mạnh mẽ sự chỉ đạo và vận hành đất nước, loại bỏ những rào cản để đưa đất nước phát triển.

Tháng 8/2024, vận hội của Đảng, của đất nước đã xuất hiện. Đảng đã cử nhiều vị có năng lực vào vị trí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước thay thế những người giữ các cương vị chủ chốt của Đảng, nhà nước vướng vào tham nhũng đã phải rời khỏi chức vụ.

Ông Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an giữ chức Chủ tịch nước, sau đó giữ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Trần Thanh Mẫn giữ chức Chủ tịch Quốc hội. Tháng 10/2024, ông Lương Cường giữ chức Chủ tịch nước. Theo đó nhiều chức vụ chủ chốt của Đảng và Chính phủ, Quốc hội bổ sung những cán bộ trẻ, có năng lực cũng được kiện toàn một bước.

Các đồng chí lãnh đạo chúc mừng đồng chí Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XIII, tháng 8/2024. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đến nay mới chỉ hơn bốn tháng vận hành đất nước của các vị lãnh đạo mới của Đảng và nhà nước, chúng ta đã thấy được những gì mới? Có thể kết luận chỉ trong một thời gian rất ngắn đã có sự thay đổi rất lớn và căn bản. Có thể nêu gọn ở một số điểm nổi bật:

Một là, ở các vị lãnh đạo chủ chốt mới của Đảng và Nhà nước đều thể hiện tâm huyết phát triển đất nước thịnh vượng theo con đường Chủ nghĩa Xã hội. Các vị lãnh đạo đều có những đánh giá thực trạng tình hình hiện tại của đất nước, đặc biệt là mong ước, khát vọng của người dân muốn có cuộc sống hạnh phúc, tâm trạng lo lắng của các doanh nhân của đất nước và những rào cản từ cơ chế luật pháp đương thời đang kìm giữ sự phát triển đất nước.

Đặc biệt, các nhà lãnh đạo mới đã nhìn rất rõ những cơ hội và thách thức đến từ trong và ngoài nước, và cho thấy họ đều thể hiện cần tăng tốc để tận dụng nó để phát triển đất nước.

Hai là, các vị lãnh đạo chủ chốt mới đã có tư duy mới và tầm nhìn rất chiến lược, thể hiện ở các bài phát biểu tại các hội nghị quan trọng ở trong và ngoài nước.

Riêng đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm là người xác định cho dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới – “Kỷ nguyên vươn mình”. Điều này cho thấy Tổng Bí thư Tô Lâm đã nghiền ngẫm kỹ càng những gì dân tộc ta đã có được và chưa làm được, làm nền tảng cho tư duy chính trị ở tầm cao của Đảng, xác định hướng đi của đất nước cho những năm tới.

Theo đó, Tổng Bí thư Tô Lâm đã định hình lại nhiều vấn đề từ tư duy mới. Cụ thể là trên lĩnh vực đối ngoại, ông xác định đường lối đối ngoại của Đảng và nhà nước ta là độc lập, tự chủ, tự cường, đa phương hóa, đa dạng hóa, làm bạn với các nước. Ông cũng nhận thức lại về những thành quả của đất nước nhiều thế hệ đã tạo nên “đất nước ta đã có cơ đồ như ngày nay”. Ông nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân không thỏa mãn với những thành quả đã có vì đất nước còn nhiều vấn đề yếu kém và thua kém nhiều với các nước.

Ba là, các nhà lãnh đạo chủ chốt mới của Đảng đã nhận thức rõ về những nguyên nhân làm cho đất nước phát triển chậm lại là do thể thế. Luật pháp của nước ta chưa theo kịp với thời đại, nhiều chính sách và hoạt động tư pháp hiện hành đã là rào cản sự phát triển, đặc biệt bó tay các nhà đầu tư, doanh nhân trong nước. Từ đó, chúng ta thấy trong điều hành của các vị lãnh đạo đã có sự chuyển biến thực sự về tầm nhìn, đã hé mở nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn đang diễn ra ở nước ta, đặc biệt là sự quản lý, quản trị của hệ thống chính trị cần phải được vận hành theo sự biến chuyển của thời đại công nghệ số. Vấn đề chống tham nhũng vẫn phải được triển khai mạnh mẽ, song chống tham nhũng phải đảm bảo kinh tế phát triển. Đó là tư duy mới, cởi mở, lấy mục tiêu ổn định chính trị để phát triển là phương châm chống tham nhũng.

Đặc biệt, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt vấn đề chống lãng phí cùng với chống tham nhũng. Ông đã chỉ ra sự tổn thất về vật chất lớn lao của hành vi này để xử lý cho đúng những đơn vị và cá nhân gây ra. Đây là vấn đề không mới, nhưng nó mới ở chỗ người đứng đầu của Đảng đã đặt nó là vấn đề trọng tâm phải xử lý trong kỷ nguyên này, các nhiệm kỳ trước đây ít quan tâm đến nó. Nếu cần một cuộc khảo sát xã hội học thì chủ quan của tôi là 100% người dân ủng hộ Tổng Bí thư về chủ trương này vì nó hợp lòng dân; lãng phí tiền của từ các dự án treo, dự tính sai… đang làm xói mòn nguồn lực của nước ta.

Trong điều hành, chỉ đạo, chúng ta thấy các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Chính phủ, Quốc hội đều rất kiên quyết. Chính phủ yêu cầu rà soát các thủ tục hành chính lỗi thời để bãi bỏ ngay những thủ tục không phù hợp nữa. Chính phủ cùng Quốc hội rà soát các luật đang có để điều chỉnh và soạn các luật mới để mở đường, tháo gỡ những vướng mắc để phát triển đất nước.

Thực tế đã có hàng chục luật liên quan đến kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế được sửa đổi, dư luận nhân dân đồng tình. Tất nhiên, đây là vấn đề rất khó khăn, còn nhiều luật phải tiếp tục xem xét theo chỉ đạo của Chính phủ và Quốc hội.

Đặc biệt, nhân dân cả nước rất phấn khích với quyết định của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ khởi động lại dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam và nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Đó là sự mong mỏi của nhân dân từ nhiều năm nay, thể hiện tầm nhìn và sự quyết đoán của Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Bốn là, các vị lãnh đạo chủ chốt mới của Đảng đã có bước đi ngoại giao chủ động, tự tin và khôn khéo, cởi mở, thể hiện qua chuyến đi thăm các nước, dự Hội nghị Đại hội đồng Liên hợp quốc, các hội nghị quốc tế APEC, G20 và các cuộc đón tiếp nguyên thủ các nước đến thăm Việt Nam gần đây.

Các đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đã tiếp tục nâng tầm quan hệ với các nước, củng cố đối tác chiến lược với các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga và các nước trong khối ASEAN, đặc biệt đã tạo được lòng tin đối với các tập đoàn lớn của nước ngoài. Chúng ta phải nhận thức rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam đã tiếp tục khai thông, mở đường để dân tộc ta hội nhập hợp tác với nước ngoài, tăng cường tiềm lực để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Nếu nhìn rộng ra thì thấy ít có quốc gia nào làm được như kết quả ngoại giao của nước ta, một quốc gia thân thiện với các nước trên thế giới.

Năm là, sự đổi mới tư duy trong tổ chức bộ máy của Đảng, nhà nước và các tổ chức xã hội. Bộ Chính trị đã đưa ra quyết định mạnh mẽ là phải cấu tạo hệ thống tổ chức Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đây là vấn đề đã nêu trong Nghị quyết 18 của Bộ Chính trị từ năm 2017. Nghị quyết này đã nằm yên trong 7 năm, đến nay các nhà lãnh đạo mới khởi động vào cuối tháng 11/2024 vừa qua. Trung ương Đảng đã họp và công bố dự kiến cơ cấu tổ chức mới của các ban Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các tổ chức xã hội. Vấn đề này Trung ương chỉ đạo sẽ phải hoàn thành vào Quý I/2025.

Cán bộ, đảng viên, kể cả nhân dân đều ủng hộ chủ trương này của Đảng, nhưng cũng có nhiều ý kiến phân vân về việc thực hiện quá nhanh. Tuy nhiên, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã nắm bắt được vấn đề này. Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương và các cuộc tiếp xúc cử tri ở Hưng Yên và Hà Nội mới đây đã giải thích rõ vấn đề này. Ông cho rằng tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị của nước ta hiện nay không còn phù hợp với sự phát triển của đất nước vì có nhiều đơn vị chức năng chồng chéo, không hiệu lực, hiệu quả, 70% ngân sách chi tiêu để trả lương cho viên chức, công chức. Việc tinh gọn bộ máy để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả là vấn đề cấp bách, là nhiệm vụ to lớn của toàn Đảng hiện nay. “Tổ chức bộ máy tinh gọn (gọn nhẹ) thì mới cất cánh được”, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã lường trước được những vấn đề phát sinh từ thu gọn bộ máy tổ chức, nhất là vấn đề nhân sự… và tin chắc rằng đã có phương án về vấn đề này. Tuy nhiên, đây là vấn đề phải chuyển biến mạnh mẽ về tư duy mới, phải kiên quyết, kiên trì và thận trọng, có bước đi cụ thể, sáp nhập bộ máy hành chính, giảm biên chế nhưng không làm gián đoạn các hoạt động của bộ máy nhà nước, không ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước.

Nhìn lại lịch sử xây dựng chính quyền ở nước ta trong các kỳ Đại hội Đảng VI, IX, vấn đề tinh gọn tổ chức, bộ máy nhà nước đã tiến hành được một bước, nhưng sau đó lại lập thêm nhiều Ban mới, Bộ mới, Hội mới… Phải đến Đại hội XII, Trung ương Đảng ra Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy, hiệu quả hiệu lực, từ đó đến nay chỉ có Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện, các Bộ, Ban… chuyển biến rất chậm với nhiều nguyên nhân.

Đến nay, với tầm nhìn mới, các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã có quyết sách về vấn đề này, đặc biệt là tầm nhìn của Tổng Bí thư Tô Lâm. Ông là người khởi xướng và đã làm chuyển biến nhận thức và quyết tâm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII nhận rõ tầm quan trọng và sự cấp bách phải củng cố tinh gọn bộ máy của Đảng và Nhà nước để dẫn dắt dân tộc ta đi vào kỷ nguyên vươn mình phát triển, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong thập kỷ sắp tới.

Dự án đường dây 500 kV mạch 3 được thi công thần tốc và đã hoàn thành chỉ trong 6 tháng với nhiều kỷ lục chưa từng có. Ảnh: Thành Vinh

Có thể nhận rõ được rằng các quyết sách của Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo khác của Đảng và Nhà nước đang thay đổi cách vận hành các tổ chức Đảng từ Trung ương đến các tỉnh và thành phố, đặc biệt đang tác động mạnh mẽ, tích cực tới người dân. Những tâm trạng băn khoăn, lo lắng trong xã hội đang dần dần được khai thông, niềm tin vào sự phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đang vượng lại. Dư luận cả nước đều ủng hộ các quyết sách của Tổng Bí thư Tô Lâm và mong ông vượt qua mọi khó khăn trước mắt để cống hiến cho dân tộc, thực hiện mục tiêu của kỷ nguyên vươn mình mà ông đã định hướng cho đất nước.

Nhiều người lạc quan cho rằng thời kỳ Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa đã xuất hiện, các nhà lãnh đạo nước ta đã nắm bắt được nó.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC