
Ngày 20/1/2025, ông Donald Trump chính thức tuyên thệ là Tổng thống thứ 47 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, đánh dấu lần thứ hai trở thành Tổng thống nước này, sau nhiệm kỳ đầu tiên kéo dài từ năm 2017 đến năm 2021. Sau khi ông Trump tái nhậm chức, các hãng thông tin quốc tế đã đưa ra nhiều bình luận, đánh giá, nhận xét về các chính sách của nước Mỹ trong thời kì Trump 2.0, đồng thời dự báo về những biến động của tình hình thế giới trước những thay đổi do chính quyền Trump 2.0 mang lại. Có thể nói, lần trở lại Nhà Trắng này của ông Donald Trump đã làm rung chuyển thế giới. Các nhà bình luận đều cho rằng, Trump 2.0 sở hữu quyền lực mạnh hơn nhiều so với thời kì trước. Ông Trump không những có nhiều kinh nghiệm mà còn sở hữu một đội ngũ nhân sự hùng hậu để thúc đẩy chương trình nghị sự mà mình từng theo đuổi trong nhiệm kỳ đầu tiên. Nói cách khác, sự thay đổi chính sách ở nước Mỹ dưới thời Trump 2.0 không chỉ khiến nước Mỹ thay đổi mà còn tạo ra những ảnh hưởng lớn đến tình hình thế giới.
1. Tình hình nước Mỹ và thế giới trong 8 năm trước khi ông Donald Trump tái nhậm chức
Trước khi Donald Trump 2.0 trở lại Nhà Trắng thì nước Mỹ đã trải qua 8 năm dưới sự cầm quyền của Tổng thống Donald Trump 1.0 và Tổng thống Joe Biden. Sau 4 năm Donald Trump, đại diện của Đảng Cộng hoà cầm quyền, thế giới và nước Mỹ đã trải qua rất nhiều biến động, thay đổi. Từ những khó khăn lớn về kinh tế – xã hội sau đại dịch Covid-19, nước Mỹ nay đã trở về trạng thái bình ổn, tăng trưởng kinh tế đã gần trở về mức trước đại dịch, nhưng tất cả những thành quả đó chưa thật vững chắc. Trong 4 năm Tổng thống Joe Biden – đại diện của Đảng Dân Chủ – lên nắm quyền (2021 – 2024), ông đã áp dụng rất nhiều chính sách mới, có sự khác biệt đáng kể so với thời Donald Trump 1.0, thậm chí có nhiều chính sách đi ngược lại những gì ông Trump từng gây dựng.
Trong đó, sự khác biệt lớn nhất giữa hai vị Tổng thống chính là: Donald Trump thi hành các chính sách hướng nội, tập trung vào các vấn đề của nước Mỹ, đặt nước Mỹ lên trên hết với khẩu hiệu “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”; còn Tổng thống Joe Biden lại thi hành các chính sách hướng ngoại theo chủ nghĩa toàn cầu, đưa nước Mỹ hướng ra ngoài để tìm kiếm đồng minh, khôi phục các mối quan hệ đa phương, chứng tỏ tầm ảnh hưởng đối với các vấn đề chính trị ở nước ngoài. Chính sách “hướng ngoại” của Tổng thống Joe Biden đã trực tiếp tạo ra cuộc xung đột vũ trang ở nhiều khu vực, từ Trung Đông đến khắp châu Âu, điển hình là cuộc chiến tranh Nga – Ukraine kéo dài đã hơn ba năm chưa có hồi kết.
Như vậy, trong suốt 8 năm, trải qua hai đời Tổng thống – hai đại diện của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà, có thể thấy rõ những mâu thuẫn lớn trong lòng nước Mỹ. Sự đối lập trong hai hệ thống quan điểm với các mục tiêu ưu tiên, đã tạo ra những biến động lớn về chính trị, xã hội, khiến nội bộ nước Mỹ ngày càng phân hoá sâu sắc.
Đối với thế giới, trong 8 năm qua, do tác động từ các chính sách thay đổi liên tục ở Hoa Kỳ dưới hai đời Tổng thống, mà các cuộc cạnh tranh, đối đầu giữa các nước lớn đã nảy sinh và diễn biến ngày càng phức tạp. Dưới tác động của các chính sách thời Trump 1.0, cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung trở thành tâm điểm của thế giới, sau đó tiếp tục trở nên sâu sắc hơn dưới thời Joe Biden.
Ông Trump trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh thế giới đang diễn ra những cuộc đối đầu căng thẳng giữa các cường quốc, chủ yếu do ảnh hưởng từ các chính sách “hướng ngoại” của người tiền nhiệm Joe Biden. Sự tập họp, xích lại và xây dựng một liên minh ngày càng mạnh mẽ giữa Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil trong khối BRICS đã tạo ra thế đối đầu với G7 và NATO. Thế giới ngày càng phân mảnh, phân cực, hình thành trật tự đa cực, thể hiện rõ trong mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế cho đến thương mại, công nghệ… Thêm vào đó là các cuộc chiến thảm khốc ở châu Âu và Trung Đông. Tất cả đã tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn trong quan hệ quốc tế, đẩy thế giới vào một trạng thái hỗn loạn, phức tạp chưa từng có tiền lệ.
Một vấn đề lớn khác nổi lên trong 8 năm qua còn là cuộc cách mạng 4.0 đánh dấu những tiến bộ vượt trội của trí tuệ nhân tạo, công nghệ chất bán dẫn… Những tác động của nó, bao gồm cả những thành tựu ứng dụng và hệ luỵ khôn lường đối với nhân loại, đã đưa các nước lớn vào một cuộc chạy đua chưa từng có về khoa học – công nghệ.
Nhậm chức trong bối cảnh phức tạp đó, chính quyền Trump 2.0 sẽ phải đối mặt với các thách thức trên. Tuy nhiên, từ 8 năm trước, ông Trump vẫn chủ trương “nước Mỹ trên hết, làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Trong 4 năm cầm quyền và 4 năm mất quyền khi Biden nắm Nhà Trắng, Trump vẫn có đủ thời gian để ấp ủ các dự định mới, đồng thời rút ra được nhiều bài học từ nhiệm kỳ đầu tiên. Điều này giúp ông tự tin, quyết thắng, dám làm hơn, đồng thời tin chắc rằng với cách làm của mình và điều kiện mới của nước Mỹ hiện tại, ông Trump sẽ có động thái rất khác với thời kì 1.0.
2. Những chính sách ban đầu của chính quyền Donald Trump 2.0
Trong bối cảnh này, ta đã thấy ngay từ khi chưa nhậm chức, ông Trump đã đưa ra những tuyên bố, những chính sách sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, theo đúng cam kết ban đầu của ông.
Ngay khi vừa trúng cử Tổng thống, Trump tuyên bố đưa Canada trở thành một bang của nước Mỹ mà không có lời giải thích về tuyên bố này. Ông cũng đặt vấn đề mua đảo của Đan Mạch, cho biết lí do là để đối phó với hoạt động của Trung Quốc và Nga. Ông cũng tuyên bố sẽ lấy lại vị trí kênh đào Panama, gây áp lực với nước sở tại, và thông báo rằng tàu công vụ Hoa Kỳ sẽ được di chuyển miễn phí qua kênh đào Panama. Đặc biệt, về xung đột ở Dải Gaza, Tổng thống Donald Trump đã đề xuất nên đưa người Palestine ở dải đất tới Ai Cập và Jordan tái định cư để thiết lập hòa bình Trung Đông, đồng thời tuyên bố Mỹ sẽ tiếp quản khu vực này. Các phát biểu của ông Trump đã vấp phải sự phản đối từ nhiều quốc gia và tổ chức ở Trung Đông. Nhìn chung, những tuyên bố này khiến thế giới rất chú ý, và dư luận cho rằng ông Trump đang đưa Hoa Kỳ quay về chủ nghĩa đế quốc.
Sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump bắt đầu kí một loạt sắc lệnh mới về kinh tế, năng lượng, an ninh biên giới, và bãi bỏ những dự luật trước đó của Tổng thống Joe Biden. Như vậy, hàng loạt các mục tiêu đối nội, đối ngoại đã được Trump cam kết và sẽ thực hiện trong các năm tới, cùng rất nhiều mục tiêu đảo ngược với chính quyền tiền nhiệm Joe Biden. Vấn đề nhập cư trái phép cũng được Trump ban bố thành sắc lệnh, xếp vào tình trạng khẩn cấp quốc gia ở biên giới phía Nam. Theo đó, ông ra lệnh huy động quân đội và các lực lượng sức mạnh của Mỹ truy lùng tất cả những người di cư bất hợp pháp, bắt họ phải trở về địa phương, trong đó “mạnh tay” nhất với nhóm người đến từ Colombia, Mexico, nếu các nước này không tự quản lý được người di cư bất hợp pháp đến Mỹ, thì sẽ phải chịu sự trừng phạt, cấm vận kinh tế, trong đó có chính sách thuế.
Về kinh tế, ông lập ngay cơ quan thuế quan, đánh thuế cao đối với các mặt hàng nhập khẩu. Với tầm nhìn mục tiêu là nước Mỹ trước tiên, chính quyền Trump công bố sẽ ngay lập tức áp thuế 25% với hàng hoá nhập khẩu từ Canada và Mexico, vì giảm thuế quốc gia này mà nước Mỹ thua thiệt về lợi ích kinh tế. Bên cạnh đó, chính sách của ông Trump cũng bao gồm việc đánh thuế 10% với hàng hoá từ Trung Quốc, và chuẩn bị có các biện pháp kinh tế khác đối với EU. Ngoài ra, chính quyền Trump cũng công bố sẽ tăng cường điều tra thương mại nhắm vào các hành vi thao túng tiền tệ, phi đô la hoá, đồng thời ban hành các lệnh khẩn cấp quốc gia về năng lượng, nhằm thúc đẩy sản xuất nhiên liệu hoá thạch, hỗ trợ ngành công nghiệp và dầu khí trong nước.
Về công nghệ, ông Trump cũng tuyên bố đẩy mạnh phát triển đầu tư vào trí tuệ nhân tạo. Ngày 21/1/2025, Tổng thống Donlad Trump cùng CEO OpenAI Sam Altman, CEO SoftBank Masayoshi Son, nhà sáng lập Oracle Larry Ellison đã tham gia buổi lễ công bố dự án Stargate. Đây là dự án đầu tư ít nhất 500 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ. “Dự án lớn lao này là tuyên bố vang dội về niềm tin vào tiềm năng của nước Mỹ dưới thời tổng thống mới”, ông Trump cho biết trong bài phát biểu tại Nhà Trắng hôm 21/1. Các CEO tham dự buổi lễ cho rằng, Stargate có thể mang tính cách mạng, giúp cải thiện cuộc sống con người và giải quyết nhiều vấn đề với sức mạnh AI.
Về hành chính, ông Trump cũng cho đóng cửa, sáp nhập và cải tổ một số cơ quan như USAID, CIA, FBI… Ngày 4/2, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra lệnh đóng cửa toàn bộ phái bộ ở nước ngoài của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), và tiến hành triệu hồi hàng ngàn nhân viên trên toàn cầu, xem xét sáp nhập cơ quan này vào Bộ Ngoại giao. Cùng ngày, Tổng thống Donald Trump đã có những biện pháp can thiệp với tác động đáng kể đến nội bộ Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Cụ thể, Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) đã đề nghị gói nghỉ hưu sớm cho toàn bộ nhân viên với lý do định hình cơ quan phù hợp với các ưu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump theo hai nguồn tin nắm được với vấn đề này. Bên cạnh đó, Tổng thống Donald Trump cũng đã tạo ra một phản ứng mạnh mẽ ở FBI khi yêu cầu hàng ngàn nhân viên FBI điền vào một bảng câu hỏi về sự tham gia của họ vào việc điều tra vụ bạo loạn tại Điện Capitol ngày 6/1/2021 – vụ bạo loạn của những người ủng hộ Trump. Đây được xem là cuộc điều tra lớn nhất trong lịch sử FBI.
Về đối ngoại, ngay khi nhậm chức, ông đã quyết định rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vì ông cho rằng việc gia nhập tổ chức này là không công bằng đối với nước Mỹ, khi hàng năm nước này đóng góp cho tổ chức này gần 1 tỷ đô la mỗi năm. Trong giai đoạn 2024 – 2025, Hoa Kỳ là nhà tài trợ lớn nhất của WHO, với số tiền ước tính là 988 triệu USD, chiếm khoảng 14% trong tổng ngân sách 6,9 tỷ USD của WHO. Theo đó, ông Trump cũng rút Hoa Kỳ khỏi Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu, cho rằng thoả thuận này không phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của Mỹ. Quan điểm này vốn đã được đề xuất từ thời Trump 1.0, chính quyền Biden tiếp tục thúc đẩy và đến nay đã chính thức chấm dứt. Tổng thống Donald Trump cho biết: “Tôi ngay lập tức rút khỏi thỏa thuận bất công, thiên vị này. Mỹ sẽ không phá hoại các ngành công nghiệp của mình trong khi Trung Quốc gây ô nhiễm mà không bị trừng phạt”.
Tuy nhiên, dễ nhận thấy, vai trò của Mỹ trong các tổ chức đa phương không thay đổi. Các chính sách mới của Tổng thống Donald Trump cho thấy, Mỹ chỉ đặt ra những ưu tiên rõ ràng trong việc định hình lợi ích quốc gia. Song điều đó không đồng nghĩa với việc bỏ đa phương mà chỉ tham gia cái nào có lợi cho nước Mỹ.
Một vấn đề rất quan trọng mà từ trước khi tranh cử đến khi trúng cử, Tổng thống Donald Trump vẫn nói rằng ông sẽ tìm cách để chấm dứt cuộc xung đột Nga – Ukraine, trong khoảng thời gian rất ngắn, từ 24 giờ đến 6 tháng. Trong quan hệ với Nga, khi Trump lên nắm quyền lần nữa, ông vẫn tiếp tục muốn điện đàm với Putin mà không gặp mặt trực tiếp, cho thấy đây là một động thái gây áp lực, Mỹ sẽ chấp nhận thoả hiệp với điều kiện Nga phải chấm dứt chiến tranh. Tuy nhiên, đây mới là những dự định ban đầu, chưa được thi hành trên thực tế. Trump áp dụng chiến thuật “mềm nắn, rắn buông” với ông Putin. Trong quan hệ Mỹ – Triều Tiên, ông Trump khẳng định vẫn giữ gìn mối quan hệ tốt với Kim Jong Un, đồng thời khẳng định vẫn duy trì quan điểm cứng rắn trong vấn đề Iran.
Xem xét mối quan hệ giữa Mỹ và các nước đồng minh phương Tây, Trump vẫn xác định đây là quan hệ đối tác chiến lược. Tuy nhiên, ông vẫn khẳng định lợi ích nước Mỹ phải được đặt lên hàng đầu. Do đó, ông cho rằng, nước Mỹ đang chịu sự bất bình đẳng về thương mại với EU, và điều này phải được điều chỉnh trong tương lai. Đối với NATO, ông Trump vẫn xác định, trụ cột an ninh của nước Mỹ vẫn nằm ở châu Âu. Song ông cũng thể hiện rõ thái độ là các thành viên NATO phải có trách nhiệm nhiều hơn, khi đưa ra yêu cầu rằng các nước thành viên khác sẽ phải nâng mức chi tiêu quốc phòng từ 2% lên 5% GDP. Nếu đạt được con số này thì nước Mỹ mới có trách nhiệm với NATO. Điều này có nghĩa là Mỹ vẫn coi NATO là đối tác chiến lược, nhưng phải chia sẻ trách nhiệm nhiều hơn. Có thể thấy, những quan điểm, chính sách của Trump cho thấy ông đang muốn nước Mỹ đóng vai trò là sứ giả hoà bình thay vì gây hấn, làm leo thang xung đột.
Ngoài ra, trong tất cả các tuyên bố của Tổng thống Donald Trump, có một vấn đề vẫn còn đang bỏ ngỏ, đó là cách ông diễn giải việc sử dụng sức mạnh quân sự của Mỹ.
3. Phản ứng từ dư luận Mỹ và các nước khác
Trước những tuyên bố và chính sách của Tổng thống Donald Trump, nội bộ nước Mỹ cũng có nhiều bất ổn. Các chính sách này vấp phải sự phản đối của nhiều người dân Mỹ. Ngày 5/2, hàng nghìn người đã tập trung biểu tình trước tòa nhà nghị viện ở nhiều bang trên khắp nước Mỹ, nhằm phản đối những chính sách quyết liệt đang được Tổng thống Donald Trump áp dụng để định hình lại chính phủ và xã hội. Người biểu tình còn phản đối Elon Musk, đồng minh thân cận của ông Trump và lãnh đạo Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE), cáo buộc những đề xuất của tỷ phú này đã tác động tiêu cực tới cuộc sống của nhiều người dân. Các cuộc biểu tình còn liên quan đến việc kêu gọi chấm dứt các chiến dịch truy quét người nhập cư bất hợp pháp do Cơ quan thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) tiến hành, sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ thực hiện “chiến dịch trục xuất lớn nhất trong lịch sử Mỹ”, ảnh hưởng tới khoảng 11 triệu người nhập cư không giấy tờ ở nước này. Bên cạnh đó, các tuyên bố liên quan đến Dải Gaza hay sắc lệnh chỉ công nhận hai giới tính nam và nữ do Tổng thống Trump ban hành cũng là nguyên nhân dẫn đến các cuộc biểu tình tại Mỹ.
Phản ứng của các nước khác, đặc biệt là những nước chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách thuế của ông Trump, cũng rất gay gắt. Tờ The Hill dẫn lời phát ngôn viên EU nói rằng, khối này không rõ liệu ông Trump sẽ áp mức thuế bổ sung nào lên các sản phẩm của EU, nhưng việc áp thuế quan “sẽ gây tổn hại cho tất cả các bên”. “Chúng tôi (EU) sẽ kiên quyết đáp trả bất kỳ đối tác thương mại nào áp những mức thuế bất công hoặc tùy tiện nhằm vào hàng hóa của khối. Có nhiều hàng hóa đang bị đe dọa… Mối quan hệ thương mại và đầu tư của chúng tôi với Mỹ là lớn nhất trên thế giới”, vị quan chức EU cho biết.
Chỉ vài giờ sau khi sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump được công bố, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum tuyên bố Mexico sẽ áp dụng thuế quan trả đũa tương ứng đối với hàng hóa Mỹ. Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng cho hay, nước này sẽ áp thuế 25% đối với 155 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, áp dụng từ ngày 3/2 với 30 tỷ USD hàng hóa ban đầu và 125 tỷ USD hàng hóa sau 21 ngày, để các doanh nghiệp Canada có đủ thời gian tìm kiếm nguồn nhập khẩu thay thế. Đợt áp thuế trả đũa thứ hai có thể được công bố trong những tuần tới, khi tổng giá trị sản phẩm bị nhắm tới sẽ tăng lên tới 105 tỷ USD. Thủ tướng Canada cũng gửi cảnh báo tới người dân Mỹ, rằng mức thuế cao mà chính quyền Tổng thống Donald Trump vừa áp đặt có thể khiến chính người Mỹ phải gánh chịu chi phí tiêu dùng cũng như chi phí nhiên liệu cao hơn; đồng thời kêu gọi công dân Canada hủy bỏ các tour du lịch tới Mỹ, tẩy chay các sản phẩm do Mỹ sản xuất.
Ngày 4/2, Trung Quốc cũng tuyên bố áp thuế đối với một số hàng nhập khẩu từ Mỹ nhằm đáp trả mức thuế mới mà Washington áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc, qua đó khơi mào cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cụ thể, theo hãng tin Reuters, chỉ vài phút sau khi mức thuế bổ sung lên đến 10% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ chính thức có hiệu lực từ 0h01 phút sáng ngày 4/2, Bộ Tài chính Trung Quốc cũng thông báo sẽ áp thuế 15% đối với than đá và khí hóa lỏng (LNG) của Mỹ cùng với mức thuế 10% đối với dầu thô, thiết bị nông nghiệp và một số loại ô tô nhập khẩu vào Trung Quốc. Ngoài ra, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ nộp đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm phản đối sắc lệnh thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
4. Một số nhận xét về những chính sách mới của chính quyền Trump 2.0
Nếu chúng ta nhìn vào cách triển khai chính sách của Tổng thống Donald Trump trước đây và trong nhiệm kì này, có thể rút ra ba yếu tố về đặc trưng chính sách của chính quyền Trump như sau:
Một là, chính quyền Trump sẽ sử dụng công cụ kinh tế phi quân sự nhiều hơn trong quan hệ với các nước. Hai là, Tổng thống Donald Trump tập trung củng cố tiềm lực kinh tế, công nghệ và quốc phòng của nước Mỹ, tạo ra một sức mạnh răn đe nhưng không cần sử dụng can thiệp quân sự. Ba là, Tổng thống Donald Trump sử dụng công cụ thuế quan như một đòn bẩy, áp lực, đặt ra sự nhân nhượng của đối tác có lợi cho nước Mỹ.
Nhìn lại nhiệm kì trước, Trump được coi là ẩn số với thế giới, vì lúc đó không ai biết chắc rằng một nhà kinh doanh, không có kinh nghiệm chính trị, lại có thể lãnh đạo siêu cường lớn nhất thế giới. Nhưng lần này, qua thời kì đầu nhậm chức, ta thấy một sự khác biệt hoàn toàn. Quan điểm chính sách của Trump và cách ông xây dựng nội các với sự tính toán chặt chẽ, quy củ – tất cả đều nằm ngoài dự đoán của thế giới. Những lời tuyên bố nhậm chức của ông cho thấy, ở nhiệm kì 2 này, chính quyền Trump không còn là một ẩn số, mà sẽ tiến hành thực thi, triển khai nhiều chính sách quan trọng, đem lại một biến số mới trong cuộc chơi của các nước lớn và những điểm nóng xung đột toàn cầu.
Qua các tuyên bố của Tổng thống Donald Trump, có thể thấy, chính sách cơ bản để đưa nước Mỹ “vĩ đại trở lại” tập trung chủ yếu ở thuế quan. Đây là vấn đề bao trùm, được lồng ghép vào các chính sách khác của Mỹ để gây áp lực với các nước. Chính quyền Trump đặt ưu tiên hàng đầu ở lợi ích thương mại. Việc giải quyết triệt để vấn đề nhập cư, xung đột, cũng đều đi kèm với một chính sách áp thuế liên quan. Điều này cho thấy, Trump đang sử dụng thuế quan để khuấy lên hi vọng có thể dành được sự nhượng bộ từ các nước khác trong đàm phán. Nói cách khác, tiền bạc đã trở thành kim chỉ nam hành động cho chính quyền Trump. Và dễ nhận thấy, nếu chính quyền Biden xác định Mỹ có trách nhiệm tái thiết toàn cầu thông qua cung cấp an ninh cho các khu vực khác trên thế giới, thì chính quyền Trump kiên quyết chỉ tập trung vào lợi ích của nước Mỹ.
Trong quan hệ với các nước lớn như Trung Quốc, dòng chảy chính vẫn là cạnh tranh chiến lược, sẽ tăng lên rất nhiều. Chính quyền Trump vẫn giữ trạng thái cạnh tranh như hiện nay, nhưng riêng các lĩnh vực về công nghệ thì ngày càng đẩy lên căng thẳng hơn. Bởi lẽ, trong cuộc đua này, nước Mỹ cần có lợi thế về công nghệ để tranh giành ngôi vị nhất nhì đối với Trung Quốc. Thuế quan với Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại sẽ được đẩy lên cao hơn, song hai bên cũng có thể đặt ra một số thoả thuận nhất định.
Tuy nhiên, sử dụng các công cụ về kinh tế không có nghĩa là Trump sẽ từ bỏ những lợi ích chiến lược ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Cuộc cạnh tranh này sẽ ngày càng phức tạp, nhất là khi Trung Quốc đã “tuyên chiến” một cách gay gắt với Mỹ mà không hề do dự. Điều đó cho thấy, Trung Quốc cũng sẵn sàng bảo vệ các lợi ích của mình ở khu vực trước các động thái cạnh tranh của Mỹ.
Ở khu vực khác, đáng chú ý nhất là động thái gần đây của Trump đối với Ukraine. Đối với ông Zelensky, ông Trump đưa ra lời mặc cả, Mỹ tiếp tục viện trợ cho Ukraine, đổi lại Ukraine phải cho Mỹ khai thác tài nguyên, trong đó có đất hiếm của Ukraine. Một mặt, ông Trump cho rằng cần phải sớm chấm dứt cuộc chiến, thiết lập lại hoà bình. Song mặt khác, Tổng thống Donald Trump vẫn muốn có cuộc trò chuyện qua điện đàm với Nga để tìm một giải pháp nào đó. Ông Trump cũng gây áp lực với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đe doạ rằng nếu ông Putin không chấp nhận đàm phán thì phía Mỹ sẵn sàng gia tăng các biện pháp cấm vận, kể cả thương mại, đối với Nga.
Nhìn chung, chính quyền Trump đã đưa ra những lựa chọn hoàn toàn khác hẳn với chính quyền tiền nhiệm. Đội ngũ của Trump đều là những nhà kinh doanh, những nhà tỉ phú, do đó các chính sách của Mỹ vẫn luôn gắn chặt với quyền lợi của các nhà tài phiệt. Lợi ích của nước Mỹ, “giấc mơ Mỹ” vẫn dựa trên sự xoay vần của lợi nhuận tư bản, mà Tổng thống Trump chỉ là đại diện cho ý chí của lực lượng tài phiệt đứng sau thao túng chính trị Mỹ. Mục tiêu chính của họ vẫn là làm gia tăng lợi ích của Mỹ dựa trên các biện pháp kinh tế, song cũng không làm giảm những lợi ích chiến lược khác của nước này. Khác biệt hoàn toàn với chính quyền tiền nhiệm Joe Biden, chính quyền Trump dùng sức mạnh đe doạ và đã gây ra những ảnh hưởng nhất định.
Tuy nhiên, trên đây mới chỉ là những tín hiệu ban đầu về cách triển khai của Tổng thống Trump thời kì đầu nhậm chức. Trước phản ứng gay gắt từ dư luận quốc tế và trong nước, ông Trump đã có những động thái “làm dịu” tình hình căng thẳng, điển hình là vào ngày 3/2/2025, Mỹ đã hoãn áp thuế nhập khẩu với Mexico và Canada, sau khi đạt thỏa thuận siết chặt hoạt động buôn lậu và nhập cư với hai nước này. Bởi vậy, chúng ta cần phải tiếp tục theo dõi, cập nhật thêm trong thời gian tới, để đưa ra những nhận định mới nhất về tình hình, từ đó nhận định lại về bản chất của chính quyền Trump cũng như ảnh hưởng, tác động của các chính sách từ chính quyền này đối với nước Mỹ và thế giới.
Theo sát diễn biến và nghiên cứu chính sách của ông Trump thời 2.0 để đưa ra các giải pháp trong chính sách đối ngoại và kinh tế của Việt Nam trong kỷ nguyên này là một nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan chức năng của Nhà nước, góp phần tham mưu cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước để không bị động với các bước chuyển biến của thời cuộc.■
Xuân Sơn