Xung đột Nga-Ukraine: Bước ngoặt địa chính trị toàn cầu và thách thức đối với Donald Trump

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine kéo dài suốt ba năm không chỉ là cuộc đối đầu quân sự giữa hai quốc gia mà còn trở thành cuộc đối đầu mang tầm chiến lược giữa Nga và các cường quốc phương Tây, đặc biệt là Mỹ và NATO. Trong suốt thời gian qua, Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu đã rót hàng trăm tỷ USD vào hỗ trợ Ukraine, nhằm mục tiêu làm suy yếu Nga. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn xa vời so với kỳ vọng của phương Tây, khi Nga tiếp tục giữ thế chủ động và đạt được nhiều thắng lợi đáng kể. Đặc biệt, Nga đã củng cố sự kiểm soát tại các khu vực Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhia, và Kherson, tiến tới sáp nhập thành công bốn tỉnh này vào Liên bang Nga. Trong bối cảnh phương Tây nỗ lực cô lập Nga trên trường quốc tế và gia tăng áp lực qua các tổ chức như Liên hợp quốc, Moscow vẫn kiên định chiến lược, khiến cuộc xung đột ngày càng thể hiện rõ tính chất một cuộc chiến địa chính trị phức tạp và kéo dài.

Thế nhưng cuộc chiến Nga – Ukraine đang đứng trước một bước ngoặt mới khi chính quyền Tổng thống Joe Biden sắp được thay thế bởi chính quyền của Tổng thống Doanld Trump. Với những tuyên bố nhất quán từ chiến dịch tranh cử đến sau khi đắc cử, ông Trump đã nhấn mạnh mục tiêu hàng đầu là chấm dứt cuộc chiến kéo dài tại Ukraine. Theo thông tin từ nội bộ chính quyền mới, ông Trump dự định đóng vai trò trung gian hòa giải, thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukriane. Trong đó, Ukraine được cho là phải chấp nhận nhượng lại một phần lãnh thổ để đổi lấy hòa bình và sự tái thiết.

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, đã đích thân gặp ông Trump với hy vọng thuyết phục tân lãnh đạo Mỹ tiếp tục viện trợ và hỗ trợ quân sự. Tuy nhiên, lập trường của ông Trump rất rõ ràng: Sẽ không có thêm bất kỳ khoản viện trợ nào dành cho Ukraine. Cùng lúc, các lãnh đạo NATO, trong đó có Tổng thư ký Mark Rutte và Thủ tướng Anh, đã khẩn trương đến Washington để vận động chính quyền mới tiếp tục hỗ trợ Ukraine. Tuy nhiên, họ chỉ nhận được những phản hồi mơ hồ, với thông điệp cốt lõi là ưu tiên hàng đầu của Mỹ là chấm dứt chiến tranh thay vì kéo dài xung đột.

Động thái này của Mỹ đang tạo ra một mối lo ngại lớn cho NATO và Ukraine. Với việc mất đi sự hỗ trợ quan trọng từ Washington, Ukraine sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trên chiến trường. Trong khi đó, NATO, vốn phụ thuộc vào Mỹ như một trụ cột, đang đứng trước nguy cơ suy yếu cả về sức mạnh lẫn sự thống nhất. Cách tiếp cận mới này của Mỹ không chỉ tác động sâu sắc đến cuộc chiến mà còn có thể định hình lại trật tự địa chính trị tại châu Âu và trên toàn cầu.

1. Những quyết định cuối cùng của Tổng thống Joe Biden

Chính quyền Joe Biden và châu Âu đã có những bước leo thang nghiêm trọng nhằm chống Nga, dấy lên một chiến dịch tấn công kể cả về mặt quân sự, kinh tế, chính trị quyết liệt.

Đầu tiên, tình hình quân sự leo thang khi Mỹ xúi giục Zelensky tấn công tỉnh Kursk của Nga vào ngày 6/8/2024 và dỡ bỏ lệnh cấm Ukraine sử dụng vũ khí để tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga ngày 17/11/2024. Mục tiêu của Mỹ khi Ukraine tấn công Kursk là tạo ra mặt trận ngay trong lòng địch nhằm kéo quân đội Nga phải điều phối quân ở mặt trận phía Đông Nam Ukraine để đối phó với mặt trận ở Kursk, ngăn chặn bước tấn công của Nga ở vùng này, đồng thời muốn biến Kursk thành nơi tiêu hao lực lượng quân sự Nga. Với lực lượng khá hùng mạnh và chiếm giữa lâu dài ở Kursk, Mỹ và NATO đã tạo một kịch bản cho Ukraine ở thế có lợi nếu có cuộc đàm phán với Nga. Cuộc tấn công vào tỉnh Kursk còn là đòn tâm lý và kích động phong trào chống đối Putin ngay trong lòng nước Nga. Việc cho phép Kiev sử dụng các tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ cung cấp để nhắm vào các mục tiêu quân sự của Moscow cũng được xem như một tín hiệu rõ ràng về việc phương Tây tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ Ukraine, bất chấp nguy cơ leo thang xung đột trong khu vực.

Hình ảnh tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất. Nguồn: The Guardian

Mặc dù không đạt được mục tiêu như mong muốn, Ukraine chỉ chiếm được khoảng 400 km và bị tiêu hao nhiều lực lượng và khí tài, nhưng ngày 4/1/2025 Ukraine đã mở đợt tấn công đợt hai với 6 lữ đoàn vào Kursk. Điều này nói lên việc Kursk là thể hiện tính toán mang tính chính trị của Zelensky.

Thứ hai, vấn đề kinh tế và căng thẳng nội khối NATO. Tất cả bộ máy tuyên truyền của NATO và Mỹ đều thống nhất mục tiêu không để Nga giành chiến thắng trong cuộc xung đột tại Ukraine. Họ tiếp tục tăng cường viện trợ tài chính và vũ khí cho Ukraine, đồng thời áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh mẽ hơn đối với Nga. Hiện tại, không có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn tiến hành đàm phán, điều này hoàn toàn trái ngược với chiến lược mà Tổng thống Trump đề xuất. Chính quyền Biden dường như kiên định trong việc hỗ trợ Ukraine và NATO bất kể tình huống nào, nhằm tạo ra “sự đã rồi” khiến Donald Trump khi trở lại nắm quyền sẽ khó có thể thay đổi cục diện. Đây được xem như nỗ lực phá vỡ kế hoạch dàn xếp đình chiến ở Ukraine mà Trump theo đuổi trong tương lai.

Tuy nhiên, quan điểm này không hoàn toàn thống nhất trong nội bộ NATO và đã có nhiều ý kiến trái chiều đặc biệt là ở các nước châu Âu. Đã có nhiều nước lên tiếng phản đối mạnh mẽ như Hungary, Slovakia…. Đặc biệt, Slovakia thẳng thừng từ chối đề nghị của Ukraine về việc bồi thường 500 triệu euro để giảm thiệt hại từ việc ngừng trung chuyển khí đốt của Nga qua nước này và từ chối ủng hộ Ukraine gia nhập NATO. Ông Robert Fico ngay sau đó đã công khai lên án hành động này của Ukriane.

Thứ ba, ám sát, tình báo và gây áp lực chính trị. Trong tháng 12/2024, báo chí đã đưa tin về hai vụ ám sát nhằm vào các nhân vật quan trọng của Nga: nhà khoa học quân sự Mikhail Shtaky, người chịu trách nhiệm phát triển tên lửa chiến lược Kh-69, và Trung tướng Igor Kirillov, chỉ huy lực lượng phòng vệ Nga. Hành động này được cho là của Ukraine với sự hậu thuẫn từ các cơ quan tình báo Anh và Mỹ. Điện Kremlin đã nhanh chóng phản ứng, tiến hành bắt giữ và xác định danh tính các nghi phạm. Trong quá trình thẩm vấn, những đối tượng này thừa nhận đã được tình báo Ukraine tuyển mộ và đào tạo, với nhiệm vụ cụ thể là ám sát các nhân vật cấp cao nhằm làm suy yếu hệ thống phòng vệ và năng lực quân sự của Nga. Những sự kiện này không chỉ đặt ra thách thức lớn về an ninh nội địa cho Moscow, mà còn khiến căng thẳng trong cuộc xung đột Nga – Ukraine tiếp tục leo thang, đẩy tình hình vào một vòng xoáy nguy hiểm hơn. Trong khi Nga cáo buộc phương Tây tiếp tay cho các hành động khủng bố, phương Tây vẫn giữ im lặng trước các cáo buộc này.

Hiện trường vụ ám sát Trung tướng Igor Kirillov, Chỉ huy lực lượng phòng vệ Nga, tháng 12/2024. Nguồn: EPA

Các căng thẳng giữa phương Tây và Nga tiếp tục gia tăng khi các quốc gia phương Tây đẩy mạnh các hành động khiêu khích, nhằm gây áp lực lớn hơn lên Moscow trên nhiều mặt trận. Một trong những động thái đáng chú ý nhất là việc Mỹ xem xét áp đặt các lệnh trừng phạt mới lên các tàu chở dầu của Nga, đặc biệt nhắm vào “hạm đội bóng tối” – nhóm tàu thường che giấu thông tin về chủ sở hữu và hành trình để lách các biện pháp trừng phạt hiện hành. Những biện pháp này nhằm cắt đứt nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ, một trong những nguồn tài chính quan trọng của Nga.

Ngoài các biện pháp trừng phạt kinh tế, căng thẳng cũng leo thang trong khu vực biển Baltic. Ngày 29/12/2024, Phần Lan đã bắt giữ một tàu vận tải của Nga với cáo buộc tham gia phá hoại hệ thống cáp viễn thông và đường dây điện ngầm của nước này tại biển Baltic. Sự kiện này không chỉ gây xáo trộn trong quan hệ Nga – Phần Lan mà còn làm gia tăng mối quan ngại về an ninh trong khu vực Bắc Âu, vốn đã căng thẳng sau khi Phần Lan gia nhập NATO.

Mâu thuẫn giữa Nga và Lithuania tiếp tục leo thang liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa qua lãnh thổ Lithuania đến vùng Kaliningrad, một vùng lãnh thổ chiến lược của Nga nằm giữa Ba Lan và Lithuania. Các hạn chế của Lithuania đối với hoạt động vận chuyển đã khiến Nga phản ứng mạnh mẽ, đẩy quan hệ hai nước vào tình trạng đối đầu ngày càng gay gắt.

Đầu năm 2025, xung đột năng lượng cũng nóng lên khi Ukraine quyết định ngừng trung chuyển khí đốt của Nga qua lãnh thổ nước này từ ngày 1/1/2025. Đây là một cú đòn giáng mạnh vào chuỗi cung ứng năng lượng của Nga tới châu Âu, buộc Moscow phải tìm cách điều chỉnh chiến lược xuất khẩu khí đốt của mình. Cũng vào cùng ngày, Nga dừng cung cấp khí đốt cho Moldova, khiến nước này đối mặt với nguy cơ khủng hoảng năng lượng trong mùa đông khắc nghiệt.

Những động thái này cho thấy phương Tây không chỉ tăng cường sức ép kinh tế mà còn mở rộng căng thẳng sang lĩnh vực năng lượng và an ninh khu vực, đẩy Nga vào tình thế ngày càng bị cô lập. Đáp lại, Nga có thể sẽ tăng cường các biện pháp trả đũa, làm cho tình hình quốc tế thêm phần phức tạp và khó đoán định.

Một trong những khó khăn lớn mà Nga đang phải đối mặt là sự cố nghiêm trọng ngày 25/12/2024 đã khiến một máy bay của hãng Azerbaijan Airlines gặp nạn gần Aktau, Kazakhstan, làm 38 người thiệt mạng. Theo nhiều nguồn tin, vụ tai nạn được cho là do máy bay trúng hỏa lực từ Nga, làm dấy lên làn sóng phẫn nộ tại Azerbaijan. Sự kiện này đã nhanh chóng trở thành một vấn đề địa chính trị nghiêm trọng, gây ra căng thẳng lớn giữa Nga và Azerbaijan, hai quốc gia vốn đã có mối quan hệ không hòa thuận.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, Tổng thống Vladimir Putin đã liên hệ với phía Azerbaijan, nhận trách nhiệm và bày tỏ lời xin lỗi. Tuy nhiên, lời xin lỗi của Nga không được chấp nhận. Chính phủ Azerbaijan đã có những phản ứng mạnh mẽ, bao gồm việc cắt toàn bộ các chuyến bay từ Azerbaijan đến Nga và trục xuất tất cả công dân Nga tạm trú khỏi nước này.

Azerbaijan giữ vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ gián tiếp của Nga tới khu vực Trung Đông và châu Phi. Mối quan hệ căng thẳng và khả năng đối đầu trực tiếp với Azerbaijan có thể gây ra những thách thức nghiêm trọng cho Nga, đặc biệt trong bối cảnh nước này đang chịu áp lực lớn từ phương Tây về kinh tế và quân sự.

Thêm vào đó, Azerbaijan có mối quan hệ chặt chẽ với Thổ Nhĩ Kỳ và Israel, những quốc gia có lập trường không thân thiện với Nga. Vụ bắn rơi máy bay sẽ tạo cơ hội cho các quốc gia đối đầu với Moscow đẩy mạnh chỉ trích Nga trên trường quốc tế, đồng thời làm sâu sắc thêm sự cô lập của nước này.

Hậu quả của sự kiện này không chỉ dừng lại ở mối quan hệ Nga – Azerbaijan mà còn có thể tác động sâu rộng đến vị thế địa chính trị của Nga tại khu vực Caucasus và xa hơn nữa. Nếu không có các biện pháp giảm nhiệt căng thẳng hiệu quả, Nga sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất đi một đồng minh tiềm năng, đồng thời mở rộng thêm mặt trận thù địch trong bối cảnh nước này đã bị vây hãm bởi hàng loạt thách thức quốc tế.

2. Sự sụp đổ của chính quyền Syria và chiến lược bao vây Nga của phương Tây

Sự sụp đổ của chính quyền Syria vào tháng 12/2024 đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Nga và phương Tây. Sự kiện này không chỉ làm thay đổi trật tự quyền lực ở Trung Đông mà còn phơi bày chiến lược bao vây toàn diện của Mỹ và các đồng minh nhằm làm suy yếu Nga ở nhiều khu vực khác nhau.

Syria, với vị trí chiến lược đặc biệt và mối quan hệ chặt chẽ với Nga, Iran, và khối BRICS, là một trong những điểm tựa quan trọng của Moscow tại Trung Đông. Việc mất đi đồng minh quan trọng này không chỉ khiến Nga tổn thất về mặt ảnh hưởng khu vực mà còn làm lung lay tuyến hành lang kết nối Nga với Trung Đông và châu Phi. Điều này tạo ra lợi thế lớn cho phương Tây trong việc định hình lại trật tự chính trị tại một khu vực vốn luôn có sự hiện diện mạnh mẽ của Nga và Iran.

Cộng đồng người Syria và những người ủng hộ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan tụ tập ăn mừng sự sụp đổ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại Istanbul vào ngày 8/12/2024. Nguồn: Yasin Akgul, AFP

Sự bất ổn tại Syria đã kéo theo hiệu ứng lan tỏa, đặc biệt ở những quốc gia có mối quan hệ thân cận với Nga. Làn sóng bạo loạn tại Ai Cập, Somalia, và các nước khác được xem là bước đi mang tính chiến lược nhằm tấn công vào khối BRICS và giảm tầm ảnh hưởng của Nga tại các khu vực quan trọng. Những cuộc khủng hoảng này không đơn thuần là sự trỗi dậy tự phát, mà nhiều khả năng là kết quả của sự hỗ trợ và định hướng từ phương Tây.

Ai Cập, một thành viên BRICS và cửa ngõ chiến lược của châu Phi, đang đối mặt với nguy cơ từ một “Mùa xuân Ả Rập” tái hiện. Đây là minh chứng rõ nét cho chiến lược của phương Tây nhằm sử dụng cách mạng màu và các cuộc bạo loạn thay vì đối đầu quân sự trực tiếp để giành lợi thế chính trị. Nếu các chính quyền thân Nga tại đây bị thay thế bằng các chính phủ thân phương Tây, không chỉ Nga mà cả Iran và Trung Quốc đều phải đối mặt với những thách thức lớn về địa chính trị.

Tình hình bất ổn không chỉ giới hạn ở Trung Đông và châu Phi mà còn mở rộng sang Kavkaz và châu Á. Những biến động chính trị tại Gruzia và Armenia phản ánh chiến lược của phương Tây nhằm làm giảm sự hiện diện của Nga trong chính phủ các nước. Việc Armenia rút khỏi Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) và tăng cường quan hệ với Liên minh châu Âu cho thấy xu hướng xa rời Nga của một số quốc gia trong khu vực.

Tại Nam Á, sự bất ổn từng xảy ra ở Sri Lanka năm 2024 cũng là ví dụ điển hình về cách phương Tây sử dụng bất ổn kinh tế và xã hội để gây ảnh hưởng chính trị. Những động thái này không chỉ làm suy yếu các mối quan hệ chiến lược của Nga và Trung Quốc mà còn củng cố vị thế của phương Tây tại khu vực quan trọng này.

Các sự kiện từ Syria đến châu Phi, Kavkaz và Bắc Phi cho thấy phương Tây đang tấn công Nga và khối BRICS toàn diện, kết hợp nhiều công cụ từ kinh tế, quân sự đến chính trị để làm suy yếu đối thủ. Trong bối cảnh Nga vẫn đang sa lầy trong cuộc chiến tại Ukraine, những đòn đánh chiến lược này càng làm gia tăng áp lực và thu hẹp không gian hoạt động của Moscow trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá nhiều vào các cuộc cách mạng màu và sự bất ổn có thể dẫn đến những hậu quả khó lường. Lịch sử đã chứng minh rằng các khu vực rơi vào bất ổn kéo dài không phải lúc nào cũng tạo ra lợi ích lâu dài cho bên kích động. Phương Tây có thể đạt được các lợi ích ngắn hạn, nhưng cũng phải đối mặt với nguy cơ các khu vực này trở thành điểm nóng khó kiểm soát trong tương lai. Tình hình ở Ai Cập, Iraq, Syria là ví dụ.

3. Donald Trump đối mặt thách thức

Các diễn biến trên cho thấy, ngay cả khi nhiệm kỳ sắp kết thúc, chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn duy trì lập trường cứng rắn chống Nga, không chỉ trên chiến trường Ukraine mà còn thông qua hàng loạt các chiến lược nhằm phá hoại mọi nỗ lực đàm phán hòa bình. Đây không đơn thuần là một cuộc đối đầu quân sự, mà còn là cuộc chiến toàn diện về kinh tế, chính trị và địa chính trị, trong đó phương Tây đã thành công ở một mức độ nhất định. Bên cạnh việc gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nga trên chiến trường, chính quyền Biden và các đồng minh đã góp phần châm ngòi cho nhiều cuộc cách mạng màu ngay tại những khu vực mà Nga từng xem là “sân sau” chiến lược.

Đặc biệt, các cuộc nổi dậy và bạo loạn ở Trung Đông, châu Phi, và khu vực Caucasus đã tạo ra những áp lực mới, buộc Nga phải phân tán nguồn lực và sự chú ý trong bối cảnh chiến sự ở Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đây là một bước đi đầy toan tính của phương Tây, nhằm làm suy yếu khả năng duy trì ảnh hưởng của Moscow ở các khu vực trọng yếu. Đồng thời, các cuộc cách mạng màu thành công ở những quốc gia thân Nga cũng có thể dẫn đến sự thiết lập các chính quyền thân phương Tây, từ đó làm giảm sức mạnh liên kết của khối BRICS và cô lập Nga hơn nữa trên trường quốc tế.

Câu hỏi đặt ra là: liệu khi Donald Trump, một người nổi tiếng với chủ trương “Nước Mỹ trên hết,” lên nắm quyền, ông có thể đảo ngược tình thế hay không? Trump đã từng tuyên bố ưu tiên đàm phán hòa bình và giảm can thiệp quân sự, nhưng liệu điều đó có khả thi khi Biden và các đồng minh châu Âu đã tạo ra những “cái bẫy chiến lược” quá sâu rộng? Những chính quyền mới được hình thành sau các cuộc cách mạng màu, sự phân hóa nội bộ NATO, và áp lực kinh tế đối với Nga đang định hình một cục diện mới, nơi Nga phải đối mặt với các thách thức đa diện hơn bao giờ hết.

Khả năng Trump thay đổi được tình hình không chỉ phụ thuộc vào các chính sách mà ông đề xuất, mà còn bị chi phối bởi thực tế địa chính trị đầy phức tạp và áp lực từ cả trong lẫn ngoài nước. Dù Trump có ý định rút Mỹ khỏi các cuộc xung đột kéo dài, thì sự chống đối từ Quốc hội, các đồng minh NATO, và lợi ích sâu xa của Mỹ ở Trung Đông cũng sẽ là những rào cản lớn. Liệu Nga có thể tận dụng những thay đổi này để củng cố vị thế, hay họ sẽ tiếp tục đối mặt với sự leo thang từ phương Tây? Chúng ta sẽ phải tiếp tục theo dõi những diễn biến trong thời gian tới.■

Hạ Vân

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN