Chính quyền Trump 2.0 và dự báo

Ngày 20 tháng 1 ông Donald Trump đã chính thức tuyên thệ là Tổng thống thứ 47 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Đây là một trong những sự kiện lớn nhất của năm 2025. Cả thế giới đang dành sự quan tâm đặc biệt đến nội các mới cũng như những chính sách lớn của chính quyền Trump 2.0 trong đó có chính sách đối ngoại.

Một nội các được hình thành nhanh chóng

Trên thực tế thì chỉ gần một tháng sau khi chiến thắng, ông Trump đã  hình thành xong bộ máy chính quyền mới. Nhiều phân tích cho rằng việc ông Trump có thể tuyên bố bổ nhiệm các vị trí chủ chốt nhanh như vậy chính là vì ông đã có sự chuẩn bị nhân sự từ sớm, sẵn sàng cho nhiệm kỳ 2, ngay khi tham gia chiến dịch tranh cử.

Nội các mới bao gồm 15 Bộ trưởng của các Bộ như: Ngoại giao (Marco Rubio), Tài chính (Scott Bessent), Quốc phòng (Pete Hegseth), Tư pháp (Pam Bondi),  Nội vụ, Nông nghiệp, Thương mại (Howard Lutnick), Lao động, Y tế, Nhà ở và Phát triển đô thị, Giao thông, Bộ Năng lượng (Chris Wright); Giáo dục, Cựu chiến binh, An ninh nội địa và 15 thành viên quan trọng khác của chính quyền, như Chánh văn phòng Nhà Trắng (Susie Wiles), Giám đốc FBI (Kash Patel), Giám đốc CIA (John Ratcliffe), Giám đốc tình báo quốc gia (Tulsi Gabbard). Bộ phận Hiệu quả Chính phủ (Elon Musk và Vivek Ramaswamy), Cố vấn an ninh quốc gia (Michael Waltz), Đại sứ Liên hợp quốc (Elise Stefanik).

Có rất nhiều bình luận khác nhau, đôi khi là hoàn toàn trái ngược liên quan đến thành phần chính phủ mới của ông Trump. Hình minh họa

Tất cả đều được đề cử và bổ nhiệm với tốc độ nhanh chưa từng có. Chánh văn phòng Nhà Trắng bà Susie Wiles được bổ nhiệm chỉ một ngày sau khi ông Trump thắng cử. Một số vị trí khác như Cố vấn an ninh quốc gia hay Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng An ninh Nội địa, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh và một vài Bộ trưởng khác cũng đều được ông Trump đề cử sớm hơn, từ một cho đến ba tuần so với nhiệm kỳ 1.

Trẻ, Trung thành, Giàu có…  

Theo nhận xét của CNN thì “Phần lớn các Tổng thống Mỹ trong lịch sử lựa chọn nội các gồm các chính trị gia dày dặn kinh nghiệm. Nhưng ông Trump sẵn sàng chọn những gương mặt trẻ trung và tiềm năng hơn, thậm chí không có nhiều kinh nghiệm trên chính trường”.

Tuổi trung bình của thành viên chính quyền Trump là 50,8 thấp hơn nhiều so với chính quyền của ông Biden 61,7. Phó Tổng thống J.D Vance chỉ mới 40 tuổi, trẻ nhất trong lịch sử Mỹ. Karoline Leavitt, người phát ngôn của Nhà Trắng  27 tuổi!

Tại nhiệm kỳ đầu, ông Trump chưa có được nhiều kinh nghiệm chính trường cũng như chưa gây dựng được một đội ngũ đồng minh đông đảo và có năng lực như hiện nay, nên ông chủ yếu lựa chọn nhân sự nội các theo gợi ý từ những đảng viên Cộng hòa được cho là có năng lực và uy tín. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc ông đã bị một số người thân cận bỏ rơi hoặc quay ngược lại tố cáo trong một số vụ việc, bởi họ đã “ưu tiên lời tuyên thệ với Hiến pháp hơn lòng trung thành với ông Trump”.

Như một lời cảnh tỉnh, tại nhiệm kỳ Trump 2.0, ông đã đặt yếu tố trung thành tuyệt đối (đã qua thử thách) với Tổng thống là tiêu chí hàng đầu khi lựa chọn thành viên nội các. Những ứng viên trên đều là những người ủng hộ hoàn toàn quan điểm “Nước Mỹ trên hết” cũng như những chính sách lớn của ông về đối ngoại, thương mại, năng lượng, nhập cư và phương thức điều hành chính phủ.

Thành phần trong đội ngũ của ông Trump 2.0 chủ yếu là nam giới da trắng, ít ứng cử viên thuộc nhóm da màu và phụ nữ, trong khi đó có nhiều tỉ phú, triệu phú. Ông Elon Musk, người sẽ giữ vai trò đồng lãnh đạo “Bộ Hiệu quả Chính phủ” đang là người giàu nhất thế giới, với ước tính giá trị tài sản ròng hơn 346 tỉ đô la Mỹ, ông Vivek Ramaswamy có khối tài sản trị giá 1,1 tỉ đô la. Bộ trưởng Giáo dục, bà Linda McMahon sở hữu khối tài sản ròng trị giá 3 tỉ đô la, Bộ trưởng Thương mại có tài sản trị giá ít nhất 2,2 tỉ đô la.

Phá cách và tranh cãi

Có rất nhiều ý kiến nhận xét và bình luận khác nhau, đôi khi là hoàn toàn trái ngược liên quan đến thành phần chính phủ mới của ông Trump, nhưng đa số là bất ngờ và có phần lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới và nước Mỹ đang trải qua quá nhiều bất ổn và biến động:

Trước hết, với một đội ngũ nhân sự trẻ hơn, cùng với sự tham gia của rất nhiều tỷ phú, doanh nhân giàu có, nhiều kinh nghiệm và nhiều ảnh hưởng sẽ đem đến một luồng gió mới, làm chính phủ trở nên năng động và hiệu quả hơn.

Karoline Leavitt, 28 tuổi, Thư ký báo chí Nhà Trắng trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ảnh: AP

Tuy nhiên, không ít ý kiến lo ngại rằng việc các tỉ phú và triệu phú đang và sẽ tham gia mạnh mẽ và sâu rộng vào quá trình xây dựng chính sách dễ  dẫn đến sự xung đột về lợi ích trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt về thương mại, thuế quan, trí tuệ nhân tạo, ví dụ như trường hợp của ông Musk là doanh nhân và liên quan đến nhiều hợp đồng lớn.

Chủ tịch nhóm Giám sát Công dân vì trách nhiệm và đạo đức tại Washington, ông Noah Bookbinder đã nhận xét “Thật khó để một nội các chủ yếu bao gồm những người Mỹ rất giàu có thể hiểu được nhu cầu của người Mỹ bình thường là như thế nào”.

Việc bổ nhiệm một số nhân vật được cho là thiếu hoặc rất ít kinh nghiệm vào các vị trí quan trọng trong chính quyền, như Bộ Hiệu quả chính phủ, Bộ Trưởng quốc phòng, Giám đốc Tình báo Quốc gia, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc và Đại sứ Mỹ tại NATO, đang gây ra bất ngờ và lo lắng sâu sắc.

Theo nhiều nhà quan sát, mục tiêu của Tổng thống Trump là muốn tái cấu trúc bộ máy công quyền, tạo ra một bộ máy hoàn toàn mới, bao gồm những cá nhân đã được thử thách, cọ sát qua công việc và đặc biệt đã thể hiện lòng trung thành. Những lựa chọn trên chính là một phần trong chiến lược củng cố quyền lực, tăng cường ảnh hưởng, thể hiện quyết tâm phá bỏ hệ thống hành chính cũ, không chỉ dừng lại ở việc thay đổi nhân sự mà còn thay đổi phương thức hoạt động của chính phủ.

Việc lựa chọn nhân sự cho chính quyền mới của Tổng thống Trump được nhận xét là mang tính “phá cách” so với truyền thống, được thể hiện từ cách bổ nhiệm đến nhân thân, năng lực và uy tín xã hội của các ứng viên. Bỏ qua các tiêu chí vốn có khi lựa chọn nhân sự, ông Trump muốn đem đến hình ảnh của một chính quyền mới, năng động, trẻ trung với một ê kíp sẵn sàng bắt tay và phối hợp trong công việc một cách nhanh nhất và nhịp nhàng nhất.

Các nhà quan sát và bình luận quốc tế đều gặp nhau ở một điểm, đó là với cách tiếp cận phá cách như của ông Trump trong việc lựa chọn nhân sự cấp cao thiếu kinh nghiệm, sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nước Mỹ và cho chính những cá nhân đó. Rủi ro sẽ càng lớn hơn khi họ phải đối mặt với những vấn đề liên quan đến an ninh, quốc phòng, đối ngoại khi nước Mỹ đang phải đối diện với nhiều thách thức đến từ bên ngoài.

Mọi chính sách đều xoay quanh  trục “Nước Mỹ trên hết”

Cho đến hôm nay, ông Trump hầu như chưa có những phát biểu chính thức về chính sách đối ngoại của Mỹ cũng như những kế hoạch cụ thể. (thông thường, khoảng một tháng sau khi nhậm chức các Tổng thống sẽ có bài phát biểu chính thức về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ). Việc dự đoán chính sách đối ngoại của Mỹ trong thời gian tới không dễ dàng đôi khi còn là cả một thách thức vì ông Trump nổi tiếng là người có những quyết định bất ngờ, vượt ngoài khuôn khổ bình thường. Tuy nhiên sơ bộ có thể thấy:

Điều chắc chắn là chính quyền của Ông Trump sẽ không để bất cứ quốc gia nào lấn lướt và vượt Mỹ. Đây là chính sách nguyên thủy của Mỹ, ông Trump sẽ không làm khác được mà chỉ có thể thúc đẩy mạnh hơn nữa mà thôi. Theo đó, chính sách đối ngoại dưới thời ông Trump sẽ được xây dựng và triển khai để phục vụ khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”, ở đó lợi ích của Mỹ sẽ được đặt lên cao nhất, vì chính lợi ích của Mỹ để “Làm cho nước Mỹ vĩ đại quay trở lại”.

Cho đến nay, hầu hết các thành viên nội các đều nổi tiếng với quan điểm cứng rắn, bảo thủ và chính quyền của ông Trump 2.0 được đánh giá là thiên hữu nhất trong lịch sử chính trị hiện đại của Mỹ. Điều này sẽ có tác động không nhỏ đến việc hình thành chính sách trong bốn năm tới.

Theo nhiều nhà quan sát, những cá nhân có vai trò quan trọng trong việc định hình chính sách đối ngoại của Mỹ như Ngoại trưởng Rubio, Cố vấn An ninh quốc gia Waltz hoặc Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Elise Stefanik đều là những nhân vật được đánh giá là có quan điểm cứng rắn đặc biệt với Trung Quốc và Nga, có người còn bị Trung Quốc đưa vào danh sách trừng phạt.

Chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời ông Trump trong thời gian tới sẽ là sự kết hợp giữa chủ nghĩa biệt lập, bảo thủ truyền thống với chính sách bảo hộ thương mại mang tính dân túy để bảo vệ kinh tế trong nước, giảm sự phụ thuộc vào các khuôn khổ đa phương, đồng thời gia tăng mạnh mẽ cạnh tranh với một số đối thủ truyền thống, đặc biệt là Trung Quốc.

Mỹ sẽ hạn chế can thiệp quân sự ở bên ngoài, nhưng sẽ tiếp tục sử dụng biện pháp răn đe quân sự. Không loại trừ Mỹ sẽ rút ra khỏi một số tổ chức quốc tế cũng như một số thỏa thuận thương mại đa phương nếu thấy không có lợi. Mặt khác sẽ không tập trung quá nhiều vào các vấn đề toàn cầu như khí hậu, đói nghèo, phát triển bền vững và sẽ giảm bớt vai trò “bảo hộ quốc tế”.

Trong quan hệ với các cường quốc khác hoặc với đối tác lớn, cho dù là đồng minh hay đối thủ, chính quyền của ông Trump sẽ tập trung nhiều vào việc cạnh tranh kinh tế, thương mại trên nguyên tắc sòng phẳng, công bằng, có đi có lại và chắc chắn không để Mỹ bị thiệt hại về lợi ích. Mỹ sẽ tiếp tục chính sách cạnh tranh với Trung Quốc và Nga và sẽ không để cho hai cường quốc này vượt mặt Mỹ.

Với châu Âu và NATO, quan điểm của chính quyền Trump sẽ vẫn như nhiệm kỳ 1, có nghĩa là yêu cầu các nước thành viên phải tăng ngân sách quốc phòng để chia sẻ gánh nặng với Mỹ nếu muốn tiếp tục nhận sự hỗ trợ của Mỹ. Với Liên minh châu Âu, Mỹ sẽ tập trung nhiều vào quan hệ song phương hơn quan hệ đa phương và giảm dần sự trợ giúp và bao bọc của Mỹ đối với khu vực này.

Trong quan hệ với các cường quốc khác hoặc với đối tác lớn, cho dù là đồng minh hay đối thủ, chính quyền của ông Trump sẽ tập trung nhiều vào việc cạnh tranh kinh tế, thương mại trên nguyên tắc sòng phẳng, công bằng, có đi có lại. Hình minh họa

Về vấn đề Ukraine, hiện vẫn còn nhiều dấu hỏi xung quanh một giải pháp có thể chấp nhận được, tuy nhiên, quan điểm của ông Trump là không ủng hộ một cuộc xung đột kéo dài, hao người tốn của, do đó chắc chắn sẽ không tiếp tục ủng hộ việc tài trợ quân sự cho Ukraine. Không loại trừ việc Mỹ sẽ chuyển hết gánh nặng về viện trợ cả quân sự và tái thiết Ukraine cho châu Âu nếu phía Ukraine không chấp nhận những đề nghị của chính quyền Trump liên quan đến một giải pháp ngừng bắn. Ông Rubio Bộ trưởng Ngoại giao và Cố vấn An ninh quốc gia Waltz đã hơn một lần tuyên bố ủng hộ quan điểm của ông Trump cần phải chấm dứt chiến tranh ở Ukraine và châu Âu phải tiếp tục tăng cường hỗ trợ cho Ukraine hơn nữa để Mỹ giải quyết các vấn đề khác.

Liên quan đến Trung Đông, do mối quan hệ lịch sử, các chính quyền ở Mỹ đều ủng hộ đồng minh Israel. Nhưng cá nhân ông Trump sẽ yêu cầu Israel giảm bớt các cuộc tấn công quân sự tại Gaza. Là tác giả của Hiệp định Abraham (điều chỉnh căng thẳng và thúc đẩy quan hệ giữa Israel và các nước Ả Rập), có thể ông Trump sẽ dựa vào Hiệp định khung này để giảm bớt sự can thiệp của Mỹ trong khu vực.

Điểm cuối cùng là khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đây sẽ vẫn là trọng điểm trong chính sách đối ngoại của Mỹ, do đó chính quyền Trump sẽ tiếp tục triển khai chính sách tại khu vực này nhằm hạn chế sự bành trướng của Trung Quốc, tăng cường hoạt động tuần tra hàng hải, hợp tác quân sự với các đối tác lâu năm là Nhật Bản và Hàn Quốc. Khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục nằm trong ưu tiên của chính quyền Trump 2.0.

Với những chỉ dấu trong thời gian qua, dự đoán, chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời ông Trump sẽ trở nên cứng rắn hơn và mang tính thực dụng hơn. Tổng thống Trump đã từng tuyên bố rằng, lợi nhuận sẽ trở thành vấn đề cốt lõi trong nhiệm kỳ của ông.

Theo đó, cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc cả về vị thế địa chính trị lẫn kinh tế sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn, bởi hai bên đều coi nhau là đối thủ tiềm tàng. Quan hệ với Trung Quốc sẽ là trục chi phối chính nhiệm kỳ thứ hai của chính quyền Trump. Cả hai quốc gia sẽ đầu tư mạnh hơn vào quân sự, và nguy cơ căng thẳng tại khu vực này có thể tăng cao. Mối quan hệ căng thẳng này sẽ đem đến nhiều hệ lụy cho khu vực và toàn cầu. Quan hệ giữa Mỹ với Nga sẽ phụ thuộc vào việc giải quyết cuộc xung đột Ukraine, tuy nhiên chính sách của tất cả các đời tổng thống Mỹ sẽ là làm Nga suy yếu và kiệt quệ để Mỹ có thể giữ vai trò độc tôn.

Việc chính quyền mới của Mỹ sẽ thực hiện và tiến hành chính sách đối ngoại của mình như thế nào còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chủ quan và khách quan bởi thế giới ngày ngày đã khác xa 10 năm trước và nước Mỹ cũng đã khác xa mười năm trước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới biến động khó lường, các mối quan hệ quốc tế đan xen và phụ thuộc lẫn nhau, sự cạnh tranh giữa các cường quốc cũng như sự chuyển hướng chiến lược của các cường quốc đều tác động đến từng quốc gia. Việt Nam sẽ không tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi những điều chỉnh và các mối quan hệ căng thẳng này. Việt Nam đã ký thỏa thuận Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ. Cả Mỹ và Việt Nam đều coi trọng thúc đẩy nâng tầm quan hệ hai nước toàn diện về chính trị, kinh tế và an ninh. Việt Nam có vị trí chiến lược ở khu vực Mỹ rất quan tâm, thậm chí Mỹ khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam sớm trở nên hùng mạnh.

Nhưng chính sách đối ngoại của Mỹ tác động mạnh tới các đối tác của Việt Nam trong khu vực, nên mở rộng quan hệ với Mỹ là vấn đề rất nhạy cảm, sao cho cân bằng được các quan hệ. Mặt khác, tiềm lực giữa Mỹ và Việt Nam về kinh tế, quân sự có sự chênh lệch lớn, nhưng Việt Nam lại là quốc gia quan hệ thương mại rất lớn với Mỹ, gần như đứng đầu châu Á, xuất siêu sang Mỹ mỗi năm mỗi tăng. Dưới thời ông Trump rất có thể vấn đề này sẽ được phía Mỹ đặt ra. Đến nay khi chưa nhậm chức, ông Trump đã tuyên bố đánh thuế cao đối với nhiều nước như Trung Quốc, Mexico, Canada và nhiều nước là đồng minh của Mỹ. Việt Nam là nước xuất siêu sang Mỹ nhưng ông Trump chưa nhắc tới Việt Nam. Song Việt Nam cần chủ động có bước đi khôn khéo, chủ động giải quyết mất cân bằng về thương mại, mở rộng đầu tư của Mỹ vào thị trường Việt Nam, giữ cân bằng quan hệ để hai nước cùng phát triển, tránh được những tiêu cực đến từ chính sách đối ngoại của Mỹ trong những năm tới.■

Nguyên Mi

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN