Quan hệ tam giác Mỹ - Trung - Nga trong thế giới đương đại

“Báo cáo chiến lược An ninh quốc gia” đầu tiên của Tổng thống Donald Trump trình Quốc hội Mỹ ngày 18/12/2017, “Thông điệp Liên bang” của D. Trump ngày 13/1/2018, “Báo cáo chiến lược quốc phòng” của Lầu Năm góc ngày 18/1/2018 đều định vị Trung Quốc và Nga là “đối thủ cạnh tranh hàng đầu” của Mỹ. Tổng thống Trump từng nói “Mỹ không chỉ đứng trước thách thức của chủ nghĩa khủng bố mà còn đứng trước những thách thức đến từ Nga và Trung Quốc”. Ngày 2/2/2018, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố “Báo cáo đánh giá tình hình hạt nhân” cho rằng, cạnh tranh nước lớn với Nga và Trung Quốc là “uy hiếp then chốt quan trọng hàng đầu của Mỹ chứ không phải là chủ nghĩa khung bố”… Có thể nói, 4 văn kiện trên là những văn kiện cơ bản nhất làm cơ sở cho hoạch định chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc và Nga, tác động toàn diện, sâu sắc đến xu hướng phát triển của quan hệ tam giác Mỹ – Trung – Nga trong thế giới đương đại.

1. Sơ lược hiện trạng và đặc điểm của ba cặp quan hệ trong tam giác Mỹ – Trung – Nga

a. Quan hệ Mỹ – Trung:

– Mỹ – Trung là hai siêu cường, hai nền kinh tế lớn nhất nhì toàn cầu, đóng vai trò chủ đạo của kinh tế toàn cầu (trong 10 năm từ 2013 – 2021, tỉ lệ cống hiến của kinh tế Trung Quốc cho tăng trưởng toàn cầu đạt 38,6%; của Mỹ đạt 18,6). Trung – Mỹ, trước hết là Mỹ, đang đóng vai trò dẫn dắt sự phát triển của khoa học kỹ thuật toàn cầu, đặc biệt là trên các lĩnh vực công nghệ mới, mang tính chiến lược; Mỹ – Trung cũng đang có vị trí hàng đầu trong hệ thống tài chính quốc tế: đồng USD và đồng NDT chiếm tới 82,8% trong dự trữ ngoại tệ toàn cầu (Mỹ chiếm 62,7%, Trung Quốc chiếm 20,1%); đầu tư ra nước ngoài của Mỹ chiếm 32%, của Trung Quốc chiếm 27% toàn cầu. Hai nước đều có mạng lưới ngoại giao rộng khắp toàn cầu (Mỹ và Trung Quốc lần lượt hiện có quan hệ ngoại giao với 189 và 182 quốc gia trên toàn cầu…).

– Đây là cặp quan hệ nước lớn phức tạp nhất, toàn diện nhất và mang tầm chiến lược nhất trong tam giác Mỹ – Trung – Nga và trên thế giới ngày nay; cũng là quan hệ “cạnh tranh và hợp tác” giữa nước đang phát triển lớn nhất là Trung Quốc và nước phát triển lớn nhất là Mỹ, đã trở thành cột trụ chủ yếu của trật tự khu vực châu Á – Thái Bình Dương và của cả toàn cầu.

Những năm gần đây, quan hệ Trung – Mỹ đã có những điều chỉnh lớn từ cả hai phía, nhất là sau hai cuộc gặp nguyên thủ tại Indonesia (tháng 11/2022) và tại Mỹ (tháng 11/2023). Hình ảnh cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập Cận Bình tại Mỹ năm 2023. Ảnh: AP

– Cùng với sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc, nhất là Trung Quốc đã vượt Nhật, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2010, Mỹ ngày càng cảm thấy Trung Quốc là mối đe dọa, là “đối thủ chiến lược số 1” của Mỹ. Chiến lược “Tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương” của Tổng thống Obama hay “chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của Tổng thống Trump cũng như các văn kiện chủ yếu của Nhà Trắng, của Lầu Năm góc đã nhiều lần xác định điều này. Sau khi xung đột Nga – Ukraine bùng phát, Mỹ cho rằng Trung Quốc trên thực tế là đứng về phía Nga, ủng hộ Nga cả về vật chất và tinh thần, nên “đẩy mạnh phân hóa Trung – Nga” trở thành một mục tiêu mới trong quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc.

– Tuy nhiên do nhu cầu bổ sung lẫn nhau giữa hai nền kinh tế nhất nhì thế giới, quan hệ kinh tế thương mại Trung – Mỹ vẫn không ngừng phát triển, hai bên trở thành đối tác thương mại hàng đầu của nhau; kinh tế thương mại trở thành nhân tố chủ yếu tạo ra sự “ổn định tương đối” của quan hệ Trung – Mỹ (đến tháng 6/2018, Trung Quốc là đối tác mậu dịch lớn thứ hai, là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba và là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Mỹ. Trung Quốc nhập khẩu 26% máy bay Boeing, 56% đậu nành, 16% ô tô, 15% mạng điện xuất khẩu từ Mỹ…).

– Những năm gần đây, quan hệ Trung – Mỹ đã có những điều chỉnh lớn, từ cả hai phía, nhất là sau hai cuộc gặp nguyên thủ Tập Cận Bình – Biden tại Bali, Indonesia (tháng 11/2022) và  tại San Francisco, Mỹ (tháng 11/2023), xu thế “xuống thang” trong quan hệ hai nước đã thể hiện ngày càng rõ, có thể quan hệ Trung – Mỹ đang đứng trên một khởi điểm mới. Dù điều chỉnh thế nào, kết quả điều chỉnh ra sao, cặp quan hệ Trung – Mỹ vẫn có vai trò chi phối lớn nhất, mang tính quyết định nhất chiều hướng phát triển của cục diện thế giới và hệ thống quan hệ quốc tế hiện đại. Mặc dù quan hệ Trung – Mỹ vẫn đang ở tình trạng cạnh tranh cao, toàn diện, kéo dài, nhưng hai bên đã có nhận thức chung về chuyển từ “quản lý bất đồng” sang “quản lý cạnh tranh”, quản lý không chỉ về mặt bất đồng mà còn cả mặt hợp tác, đặc biệt đáng chú ý là quản lý cả về xu hướng phát triển của quan hệ hai nước, làm cho quan hệ hai nước mang tính “có thể dự báo” hơn. Các diễn biến gần đây cho phép người ta có thêm cơ sở để tin rằng quan hệ Trung – Mỹ sẽ đi dần đến ổn định và điều này có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển toàn cầu, cũng làm cho tam giác Mỹ – Trung – Nga phát huy vai trò lớn hơn trong trật tự thế giới.

Nhìn tổng thể, trên cơ sở tiếp tục cạnh tranh toàn diện, quan hệ Mỹ – Trung cũng đang xuất hiện một số đặc điểm mới: Một là, trong bối cảnh “toàn cầu hóa” sâu rộng, đồng thời nguy cơ hạt nhân càng cận kề, trọng điểm cạnh tranh Trung – Mỹ được phản ánh trên các lĩnh vực mang ý nghĩa chính trị thấp hơn trên lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật, xây dựng cơ sở hạ tầng, bởi vậy, khả năng cạnh tranh diễn biến thành xung đột và chiến tranh thấp dần. Hai là, mức độ dựa vào nhau càng sâu làm cho hai bên khi hoạch định mục tiêu chiến lược và lựa chọn chiến lược đều phải xem xét đến phản ứng của đối phương, đi đến tình trạng cùng tồn tại giữa cạnh tranh và hợp tác; thậm chí còn tính đến khả năng “chung sống hòa bình” lâu dài. Ba là, cùng với quyền lực quốc gia ngày càng bị ràng buộc bởi thể chế, quy tắc và chế độ đã đạt “nhận thức chung”, cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng biểu hiện một cách có trật tự theo các quy tắc, chế độ đó; bởi vậy, cạnh tranh Trung – Mỹ không dẫn tới sự tan rã của hệ thống quốc tế hiện có. Bốn là, cạnh tranh Mỹ – Trung là cạnh tranh ở cấp độ chiến lược cao nhất, mang tính chi phối lớn nhất đối với các cặp quan hệ khác, thậm chí là đối với sự lựa chọn chiến lược toàn cầu.

Vận động trong những đặc điểm mới đó, cạnh tranh Mỹ – Trung không chỉ thể hiện mặt tiêu cực mà còn bao hàm cả mặt tích cực trong hệ thống quan hệ quốc tế; cạnh Mỹ – Trung trở thành cạnh chủ đạo trong tam giác Mỹ – Trung – Nga, cả về mặt cạnh tranh và mặt hợp tác.

b. Quan hệ Trung – Nga:

Hai bên Trung – Nga luôn coi cặp quan hệ Trung – Nga là điển hình của quan hệ nước lớn kiểu mới “bình đẳng, tin cậy lẫn nhau, cùng có lợi, cùng thắng”. Hai nước hợp tác mật thiết trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, nhân văn, trên các sự vụ quốc tế, thể hiện một số đặc điểm chủ yếu sau đây:

Nổi bật nhất là, tăng cường sự tin cậy chính trị và phối hợp chiến lược. Chưa đầy 10 năm gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin đã gặp nhau 22 lần; Tập Cận Bình đã tiến hành 6 chuyến thăm “Quốc sự” đến Nga; tần suất tiếp xúc cấp cao nhất hai bên cao chưa từng thấy, thể hiện tính đặc thù trong quan hệ hai nước. Nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược – toàn diện giữa hai nước, trở thành “quan hệ hợp tác không giới hạn”, làm cho hai nước coi nhau là chỗ dựa quan trọng cho phát triển và đảm bảo an ninh quốc gia của mỗi nước. Hầu như Trung – Nga đều có lập trường tương đồng hoặc gần gũi nhau trên mọi vấn đề quốc tế và khu vực quan trọng, ít ra là trên các biểu hiện công khai.

Hai là, đi sâu hợp tác thiết thực trên các lĩnh vực khác, nhất là kinh tế thương mại. Hai bên đã đẩy nhanh kết nối chiến lược phát triển hai nước, nhất là sau Tuyên bố chung về “kết nối xây dựng Vành đai – Con đường với xây dựng Liên minh kinh tế Âu – Á” (tháng 5/2015); Trung Quốc đã liên tục 8 năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Nga (năm 2023 kim ngạch mậu dịch Trung – Nga đã vượt mốc 240 tỉ USD); hợp tác hai bên trên các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp quốc phòng, nông nghiệp, tài chính… không ngừng đi sâu phát triển. Ngày 17/5/2018, Trung Quốc và Liên minh kinh tế Âu – Á đã ký hiệp định hợp tác kinh tế hai bên, đánh dấu quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Nga cùng các thành viên Liên minh kinh tế Âu – Á do Nga chủ đạo đã đi vào một giai đoạn mới…

Ba là, tăng cường phối hợp trên các vấn đề toàn cầu và tại các diễn đàn quốc tế, phối hợp trên lĩnh vực duy trì trật tự thế giới; đẩy mạnh hợp tác Trung – Nga tại Trung Đông, Trung Á và tại các khu vực chiến lược khác trên toàn cầu; hợp tác khai thác khu vực Viễn Đông Nga, hợp tác phát triển logistic và giao thông tại Bắc Cực; tăng cường hợp tác quốc phòng, tập trận chung… hỗ trợ nhau tăng cường vai trò của mỗi nước trên trường quốc tế.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh giao lưu nhân văn, thúc đẩy thực hiện “kế hoạch hành động hợp tác nhân văn Trung – Nga”, không ngừng tăng cường hữu nghị, củng cố cơ sở xã hội và dân ý của quan hệ hai nước (tổ chức các “năm du lịch’, “năm ngôn ngữ”, “năm giao lưu thanh niên”, “năm giao lưu truyền thông”… đẩy mạnh quan hệ du lịch, tiếp nhận lưu học sinh, trao đổi văn hóa lẫn nhau giữa hai nước).

Thương mại của Nga với Trung Quốc ngày càng gia tăng (đơn vị: tỉ USD). Nguồn: Hải quan Trung Quốc, đồ họa: BBC

Nói về sức mạnh tổng hợp, trong tam giác Trung – Mỹ – Nga, cạnh Trung – Nga không bằng cạnh Trung – Mỹ, nhưng không bên nào có thể coi thường ưu thế quốc phòng và an ninh của cạnh này. Vì vậy, nếu gọi đây là một tam giác chiến lược thì cạnh Trung – Nga là không thể thiếu để làm nên tính chiến lược ấy.

Quan hệ Trung – Nga hiện là tốt đẹp nhất trong lịch sử và sẽ còn tiếp tục tốt đẹp chừng nào Trung – Nga còn có nhu cầu hợp tác đối phó với “bá quyền” Mỹ và xem ra, hiện chưa thấy có dấu hiệu nào cho thấy nhu cầu này sẽ thay đổi trong tương lai có thể nhìn thấy.

c. Quan hệ Mỹ – Nga: Đối kháng trở thành “thường thái mới”

Từ sau khi nước Nga tách ra độc lập, quan hệ Mỹ – Nga lên xuống bất định, sau xung đột Nga – Ukraine bùng phát, quan hệ hai nước không ngừng đi vào đối kháng và đối kháng trở thành “thường thái mới” trong quan hệ hai nước. Do áp lực trong nước, Trump không thể thực hiện cam kết cải thiện quan hệ với Nga khi tranh cử; còn tại nước Nga, kỳ vọng hòa hoãn quan hệ với Mỹ trong nội bộ Nga hầu như đã tiêu tan. Trong khi đó, các mâu thuẫn mang tính chiến lược trên các vấn đề Syria, NATO, nguy cơ Ukraine… ngày càng quyết liệt, làm cho quan hệ Mỹ – Nga gia tăng cạnh tranh, càng đi đến đối kháng, ảnh hưởng đến khuôn khổ quan hệ tam giác Mỹ – Trung – Nga và cũng ảnh hưởng sâu sắc đến sự ổn định chiến lược quốc tế.

Hiện trạng quan hệ Mỹ – Nga mang một số đặc điểm chủ yếu: Một là, quan hệ Mỹ – Nga còn mang nặng tư duy Chiến tranh lạnh, nhất là từ phía Mỹ, kể cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ. Sau xung đột Nga – Ukraine bùng phát, tư duy Chiến tranh lạnh càng được thể hiện, quan hệ hai nước càng xấu hơn, càng khó giải quyết. Hai là, quan hệ kinh tế mậu dịch Mỹ – Nga  ngày càng bị nhân tố chính trị can thiệp. Sau sự kiện Nga thu nhập Crimea, trừng phạt của Mỹ càng gay gắt (kim ngạch mậu dịch Mỹ – Nga  năm 2015 giảm 30% so với 2014). Mỹ còn cùng các nước phương Tây tạo ra nhiều khó khăn trong hoạt động xuất khẩu năng lượng, nguồn thu ngoại tệ chủ yếu của Nga. Ba là, cạnh tranh và đối kháng kịch liệt trên lĩnh vực cân bằng chiến lược, đặc biệt là trên lĩnh vực quân sự chiến lược, ảnh hưởng đến ổn định và an ninh toàn cầu. Mặc dù quốc lực tổng hợp hai nước chênh lệch nhau lớn nhưng chỉ có Nga là có thể tạo nên uy hiếp về quân sự đối với Mỹ. Các đời Tổng thống Mỹ từ sau Chiến tranh lạnh đều tập trung cho tăng cường lực lượng quân sự, chủ động thúc đẩy chạy đua vũ trang, kể cả trong không gian vũ trụ để bào mòn sức mạnh quân sự của Nga. Bốn là chiến tranh Nga – Ukraine càng đẩy xa quan hệ hai bên, tính quyết đấu với tư cách là hai trận tuyến Nga – Mỹ/phương Tây càng thể hiện rõ. Sau cuộc chiến Ukraine, Mỹ càng tập trung vào việc phá hoại liên kết Nga – Trung, đánh vào chỗ dựa chủ yếu của Nga trên thực tế.

Cạnh tranh Mỹ – Nga là cạnh tranh bất ổn nhất, có nguy cơ đứt gẫy lớn nhất trong tam giác Mỹ – Trung – Nga. Có thể nói, nguyên nhân chủ yếu là do Mỹ nhất quán thực hiện mục tiêu “hạ gục gấu Bắc cực Nga”, loại bỏ Nga ra khỏi vị trí “cường quốc thế giới” mà nước Nga của Putin phấn đấu giữ vững bằng mọi giá kể từ sau Chiến tranh lạnh. Nói cách khác, mâu thuẫn Mỹ – Nga là mâu thuẫn mang tính kết cấu, thâm căn cố đế rất khó loại bỏ, nếu không nói là không thể loại bỏ trong bối cảnh hiện nay. Nhìn từ một góc độ khác, Nga có những cơ sở chắc chắn để liên kết với Trung Quốc, trong tam giác Mỹ – Trung – Nga, cạnh Trung – Nga luôn có vai trò kiềm chế tính cực đoan của Mỹ trong cạnh Mỹ – Nga.

2. Đặc điểm cơ bản của quan hệ tam giác Trung – Nga – Mỹ:

Trong bối cảnh Trung – Nga không thay đổi chiến lược phục hưng quốc gia của hai nước, chiến lược duy trì và củng cố  địa vị bá chủ toàn cầu, đồng thời ra sức gây sức ép với Trung – Nga của Mỹ cũng sẽ không thay đổi, tam giác Mỹ – Trung – Nga nổi lên một số đặc điểm:

– Sự kết thúc Chiến tranh lạnh bằng phương thức hòa bình chứ không phải bằng chiến tranh đã đem lai những ảnh hưởng rất đặc thù đối với quan hệ tam giác Mỹ – Trung – Nga. Cái lợi của việc kết thúc Chiến tranh lạnh bằng phương thức hòa bình là không phải đánh nhau, nhưng cũng để lại tình trạng phân bố quyền lực không rõ ràng giữa các nước lớn; ba nước lớn Mỹ – Trung – Nga đều hoạt động trong một không gian bất xác định của cục diện “vừa cạnh tranh vừa hợp tác”. Vừa cạnh tranh vừa hợp tác trở thành một thực tế khách quan, tồn tại ở khắp các khu vực và trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, chiến lược, văn hóa…  Mặc dù ba nước có nhiều bất đồng, nhưng ba nước đều bị cuốn vào việc xử lý các vấn đề khu vực và toàn cầu, từ đó có thể gợi ý để tìm ra các con đường, các cơ hội hợp tác, bên cạnh các bất đồng vốn có. Đây có thể là một trong những lợi ích mà kết thúc Chiến tranh lạnh đã đem lại.

– Tam giác Mỹ – Trung – Nga đều đứng trước những áp lực mới: Đòi hỏi của lợi ích chung toàn cầu, của thời đại: nhu cầu hợp tác xử lý các vấn đề toàn cầu mới chưa từng có (biến đối khí hậu, đe dọa an ninh phi truyền thống, dịch bệnh…), từng nước buộc phải tính toán đáp ứng các đòi hỏi hợp lý của thế giới tương xứng với thực lực và tầm ảnh hưởng của mình.

Mặt khác, sự điều chỉnh chiến lược của các bên trong tam giác đều theo hướng tập trung hơn cho phát triển kinh tế, khoa học công nghệ, giành quyền phát ngôn trong quá trình hình thành trật tự thế giới mới và cải cách hệ thống quản trị toàn cầu. Quá trình này đòi hỏi phải có sự hợp tác của các bên trong tam giác và của toàn cầu để thực hiện. Nói cách khác, những đòi hỏi của lợi ích chung toàn cầu là có lợi cho thúc đẩy mặt hợp tác của các cạnh trong tam giác Mỹ – Trung – Nga.

– Đây là quan hệ tam giác “phi đối xứng” nhưng chấp nhận sự tồn tại lâu dài của các quan niệm không tương đồng, của sự chênh lệch về sức mạnh và trình độ phát triển; bất kể những khác biệt, ba bên vẫn có thể bổ sung cho nhau, tiềm năng hợp tác ba bên vẫn rất lớn, đặc biệt là Trung – Nga và Trung – Mỹ… Bất luận trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, hay quân sự chiến lược, Mỹ – Trung – Nga đều có một ảnh hưởng ở quy mô toàn cầu, bóng dáng của ba bên Mỹ – Trung – Nga hầu như xuất hiện ở mọi ngõ ngách của trật tự thế giới đương đại; phải từ góc độ toàn cầu mới có thể thật sự hiểu thực chất mối quan hệ Trung – Mỹ – Nga, bất luận là mặt cạnh tranh hay là mặt hợp tác. Quan hệ ba bên và diễn biến của nó là góc độ quan sát quan trọng khi xem xét vấn đề chính trị quốc tế; khảo sát quan hệ bất cứ hai bên nào trong ba bên đều cảm thấy có sự tồn tại ẩn hình của bên thứ ba, loại bỏ một bên để xem xét hai bên còn lại thướng dẫn đến cách nhìn phiến diện.

– Thực lực của mỗi cạnh trong tam giác Mỹ – Trung – Nga đều phát sinh những thay đổi lớn, nhưng không làm thay đổi căn bản tương quan lực lượng giữa các cạnh của tam giác. Thực lực của Mỹ có sự suy giảm tương đối so với thời Chiến tranh lạnh, nhưng Mỹ vẫn là bên có thực lực mạnh nhất trong tam giác Mỹ – Trung – Nga và cả trên phạm vi toàn cầu; Nga mặc dù kế thừa hầu hết các di sản của Liên Xô, nhưng tổng lượng kinh tế nhỏ đi và rất khó ra khỏi nguy cơ kinh tế mà Nga đã phải đối mặt trong một thời gian dài, GDP của Nga chỉ tương đương với quốc gia trung bình. Nhưng tài nguyên và sức mạnh quân sự của Nga vẫn thuộc loại 1 ,loại 2 thế giới. Trung Quốc không ngừng trỗi dậy, tổng lượng kinh tế đứng thứ hai thế giới, mặc dù lực lượng quân sự không bằng Mỹ, Nga nhưng địa vị Trung Quốc trong cục diện thế giới và trong tam giác Mỹ – Trung – Nga được nâng cao rõ rệt. Tuy nhiên những thay đổi này chưa làm thay đổi tương quan lực lượng cơ bản trong tam giác Mỹ – Trung – Nga.

Ba nước lớn Mỹ – Trung – Nga đều hoạt động trong một không gian bất xác định của cục diện “vừa cạnh tranh vừa hợp tác”. Hình minh họa

– Quá trình phát triển của tam giác Mỹ – Trung – Nga luôn luôn chứng kiến sự gia tăng của cạnh tranh và đối kháng của hai cạnh Mỹ – Trung và Mỹ – Nga, ảnh hưởng đến hướng đi của quan hệ tam giác này. Trong quá trình vận động của quan hệ ba bên, thường xuất hiện tình huống “2 chọi 1” (liên kết Trung – Nga ứng phó với Mỹ), nhưng các bên đều không muốn tình huống này phá vỡ khuôn khổ tam giác Mỹ – Trung – Nga đã tự nhiên hình thành.

– Mối liên hệ giữa trật tự thế giới và quan hệ tam giác Mỹ – Trung – Nga: Sự thay đổi của trật tự quốc tế dẫn dắt sự điều chỉnh và tác động lẫn nhau của tam giác Mỹ – Trung – Nga. Trật tự quốc tế trải qua mấy giai đoạn thay đổi, tam giác Mỹ – Trung – Nga cũng theo đó mà thay đổi lên xuống. Sau khủng hoảng tài chính 2008, trật tự thế giới mất dần, kể cả trật tự kinh tế lẫn trật tự chính trị và an ninh… Nguy cơ Ukraine, nguy cơ Trung Đông, Syria và trạng thái vô trật tự do cạnh tranh địa chính trị gây ra tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương là những biểu hiện chủ yếu của tính trạng mất trật tự của thế giới ngày nay. Học giả phương Tây quy kết sự mất trật tự quốc tế này chủ yếu là do sự thách thức của Trung – Nga nhằm vào địa vị chủ đạo của Mỹ đối với trật tự thế giới. Nhưng thực tế là ngược lại, là do Mỹ cố chấp, sử dụng mọi thủ đoạn, mọi hình thức của chủ nghĩa bá quyền để củng cố địa vị bá chủ thế giới của họ. Tuy là ba nhân tố mang tính chất quyết định việc xác lập trật tự toàn cầu nhưng trên thực tế, Tam giác Mỹ – Trung – Nga đang phải vận hành trong tình trạng “vô trật tự” này.

Triển vọng của tam giác Mỹ – Trung – Nga:

Trong tương lai, quan hệ tam giác Mỹ – Trung – Nga cơ hội và nguy cơ cùng tồn tại:

– Địa vị kinh tế của Tam giác Mỹ – Trung – Nga trong kinh tế toàn cầu vẫn được giữ vững và tăng cường: Theo công bố “Triển vọng kinh tế thế giới” tháng 4/2024: GDP của tam giác Mỹ – Trung – Nga năm 2023 đạt 47016,8 tỉ USD, chiếm 44,86% GDP toàn cầu (47016,8/104791,1 tỉ USD). Dân số của tam giác Mỹ – Trung – Nga là 1892,47 triệu người, chiếm 24,3% dân số toàn cầu (1892,47/7811,00 triệu người). Tam giác Mỹ – Trung – Nga vẫn là trụ cột của kinh tế toàn cầu nhưng tiếp tục bị chi phối ngày càng nghiêm trọng bởi cạnh tranh địa chính trị Mỹ – Trung, Mỹ – Nga.

– Mặc dù thế giới đang hướng tới một cục diện, một trật tư mới công bằng hơn nhưng đó là một quá trình lâu dài. Trong quá trình đó, lực lượng mang tính chủ đạo thế giới vẫn là Mỹ và các cường quốc phương Tây, điều này quyết định cục diện tam giác Trung – Nga Mỹ một cách lâu dài; kiềm chế lẫn nhau vẫn là đặc điểm cơ bản, phạm vi ảnh hưởng của tam giác Trung – Nga Mỹ chủ yếu là khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhất là khu vực xung quanh Trung Quốc và Nga.

– Cục diện tam giác Mỹ – Trung – Nga cơ bản vẫn diễn biến theo hướng: bất cứ một bên nào cũng không thể đơn độc chiến thắng một hoặc hai bên còn lại. Trung – Mỹ – Nga đều là cường quốc thế giới độc lập tự chủ, lại là Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đều có thực lực tổng hợp để triển khai cạnh tranh toàn diện trên các lĩnh vực chiến lược, tác động lớn nhất đến hệ thống quan hệ quốc tế. Giữa Mỹ và Trung – Nga đang tồn tại mâu thuẫn mang tính kết cấu, là mâu thuẫn giữa bá quyền và chống bá quyền, giữa trỗi dậy và chống trỗi dậy, giữa kiềm chế và phản kiềm chế, giữa chủ nghĩa đơn biên và chủ nghĩa đa biên; không gian thỏa hiệp là có hạn. Đây vẫn là đặc trưng cơ bản của quan hệ tam giác Mỹ – Trung – Nga trong một thời gian tương đối dài trong tương lai. Mặt khác, quan hệ của bất cứ một bộ đôi nào trong tam giác cũng ảnh hưởng lớn đến hai bộ đôi còn lại. Quan hệ 3 cặp đều tác động lẫn nhau. Trung – Nga tăng cường quan hệ có tác động và chi phối quan hệ Trung – Mỹ, Nga Mỹ. Trước mắt và một thời gian dài sau này, Trung – Nga đi sâu hợp tác chiến lược với nhau ứng phó với bá quyền Mỹ sẽ là một trong những trục chính của quá trình vận động của tam giác Mỹ – Trung – Nga.

– Tuy nhiên, đã là nước lớn toàn cầu, tất nhiên Mỹ – Trung – Nga phải ý thức được các nhu cầu của thế giới, các đòi hỏi quốc tế có thể tạo nên áp lực lớn đối với các cường quốc trong bối cảnh hợp tác giải quyết các vấn đề toàn cầu ngày càng trở nên bức bách. Mỹ – Trung – Nga dù muốn hay không đều phải tính đến việc thực thi trách nhiệm, nghĩa vụ và giá trị đạo đức của một cường quốc toàn cầu, đóng góp xứng đáng cho hòa bình, ổn định và phồn vinh của thế giới.  Đó có lẽ là hi vọng, là đòi hỏi của thế giới đối với Mỹ – Trung – Nga và qua đó, lợi ích căn bản của Mỹ – Trung – Nga mới thật sự được bảo đảm.

– Cuộc chiến Nga – Ukraine tiếp tục là nhân tố lớn nhất, làm cho quan hệ tam giác Mỹ – Trung – Nga đi theo hướng tiêu cực, phân chia hai trận tuyến (Mỹ – Trung/Nga) ngày càng rõ ràng, làm cho tam giác Mỹ – Trung – Nga luôn ở vào trạng thái “cạnh tranh, đối đầu là thường xuyên”, ảnh hưởng to lớn và toàn diện đến cục diện thế giới và hệ thống quan hệ quốc tế. Ngay cả khi cuộc chiến Ukraine kết thúc, hiệu ứng chính trị-kinh tế do cuộc chiến này tạo ra vẫn còn tiếp tục tồn tại một thời gian trong tam giác Mỹ – Trung – Nga và trong thế giới nói chung.

Trung Quốc, Nga, Mỹ đều đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam (Trung Quốc tháng 5/2008; Nga tháng 7/2012, Mỹ tháng 9/2023). Trên thực tế, đây là ba đối tác có tầm quan trọng bậc nhất đối với lợi ích và an ninh quốc gia Việt Nam. Chính sách của Việt Nam đã đặt ba nước này vào vị trí ưu tiên hàng đầu trong tổng thể chính sách đối ngoại của Việt Nam. Với vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế và trong quan hệ với từng đối tác trong tam giác Mỹ – Trung – Nga, Việt Nam cần tính đến việc phát huy vai trò của mình trong thúc đẩy hợp tác Mỹ – Trung – Nga, vai trò hòa giải hợp lý trong quan hệ Mỹ – Trung, Mỹ – Nga, góp phần đem lại lợi ích hòa bình, hợp tác, phồn vinh của khu vực và của thế giới.■

Tùng Lâm

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN