Canada trước thềm thay đổi: Cơ hội và thách thức trong tương lai

Ngày 6/1/2025 đánh dấu một bước ngoặt lớn trong chính trường Canada khi Thủ tướng Justin Trudeau chính thức tuyên bố ý định từ chức sau gần một thập kỷ lãnh đạo đất nước. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh uy tín chính trị của ông suy giảm nghiêm trọng, với tỷ lệ ủng hộ chạm mức thấp nhất trong nhiều năm. Áp lực ngày càng gia tăng từ nội bộ Đảng Tự do, đặc biệt sau sự từ chức bất ngờ của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Chrystia Freeland vào ngày 16/12/2024, càng làm sâu sắc thêm khủng hoảng chính trị. Bà Freeland, từng được coi là cánh tay phải đắc lực của ông Trudeau, đã công khai chỉ trích chính sách kinh tế của chính phủ, cho rằng Thủ tướng đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc định hướng tương lai tốt đẹp hơn cho người dân Canada.

Dự kiến, ông Trudeau sẽ tiếp tục giữ chức vụ Thủ tướng cho đến khi Đảng Tự do bầu chọn được lãnh đạo mới. Với việc Quốc hội Canada dự kiến hoạt động trở lại vào ngày 24/3/2025, quá trình chuyển giao quyền lực được kỳ vọng sẽ diễn ra trong thời gian tới. Theo quy định, cuộc tổng tuyển cử tiếp theo phải diễn ra trước ngày 20/10/2025, nhưng trước bối cảnh bất ổn hiện tại, khả năng bầu cử sớm hoàn toàn có thể xảy ra.

Sự ra đi của ông Trudeau không chỉ mở ra một giai đoạn đầy thử thách cho Đảng Tự do trong việc tìm kiếm người kế nhiệm xứng đáng mà còn đặt Canada trước những lựa chọn chiến lược quan trọng để định hình lại tương lai chính trị và kinh tế của đất nước.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau thông báo từ chức tại Ottawa ngày 6/1/2025. Nguồn: Adrian Wyld | The Canadian Press

Hãy cùng nhìn lại những nguyên nhân đã đưa Canada đến thực trạng hiện tại.

Về chính sách đối nội, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Justin Trudeau, nền kinh tế và xã hội Canada đã đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, khiến đất nước này rơi vào tình trạng bất ổn kéo dài. Từ một nền kinh tế ổn định, Canada dần trở thành quốc gia đối mặt với hàng loạt khủng hoảng về tài chính, thị trường lao động và an sinh xã hội. Chính phủ Trudeau đã thực hiện chính sách chi tiêu công quy mô lớn nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc phân bổ ngân sách thiếu kiểm soát đã khiến thâm hụt ngân sách gia tăng đáng kể, đẩy nợ công Canada lên mức 1.140 tỷ CAD vào cuối năm 2024. Thay vì tạo ra động lực tăng trưởng bền vững, các khoản chi tiêu này lại làm gia tăng gánh nặng tài chính lên nền kinh tế. Nguồn thu thuế không theo kịp tốc độ chi tiêu, buộc chính phủ phải vay nợ nhiều hơn, khiến chi phí trả nợ trở thành gánh nặng lớn cho ngân sách quốc gia.

Lạm phát là một trong những vấn đề kinh tế nghiêm trọng nhất. Từ năm 2021, Canada đã đối mặt với mức lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ, đỉnh điểm lên tới 8,1% vào năm 2022. Dù đã có dấu hiệu hạ nhiệt, lạm phát vẫn duy trì ở mức cao kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sinh hoạt và khả năng chi tiêu của người dân. Giá năng lượng, thực phẩm và nhà ở tăng vọt, khiến các hộ gia đình, đặc biệt là tầng lớp trung lưu và lao động, gặp khó khăn trong việc cân đối thu nhập và chi tiêu. Tiền lương không theo kịp đà tăng của giá cả, làm xói mòn sức mua và đẩy nhiều người vào tình trạng khó khăn kinh tế.

Chính sách nhập cư ồ ạt, với gần 500.000 người mỗi năm, được chính phủ Trudeau thúc đẩy để giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động. Tuy nhiên, sự gia tăng dân số quá nhanh đã đặt áp lực khổng lồ lên thị trường nhà ở, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ xã hội. Giá bất động sản tại các thành phố lớn như Toronto và Vancouver đã tăng vọt, trở thành rào cản lớn đối với những người dân có thu nhập trung bình và thấp. Những khu vực từng nổi tiếng với môi trường sống dễ chịu giờ đây trở thành những nơi mà giá nhà đất chạm ngưỡng không thể tiếp cận. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng mua nhà của người dân mà còn làm trầm trọng thêm tình trạng vô gia cư.

Chỉ số bong bóng bất động sản toàn cầu của UBS tháng 9/2024. Toronto có mức rủi ro khá cao. Vancouver ở mức cân bằng hơn những vẫn nằm trong vùng có giá nhà cao so với giá trị thực tế. Nguồn: UBS

Tỷ lệ thất nghiệp của Canada đã tăng lên 6,6% vào năm 2024, mức cao nhất trong nhiều năm. Nhiều ngành công nghiệp truyền thống, đặc biệt là năng lượng và sản xuất, bị ảnh hưởng bởi các chính sách khắt khe về biến đổi khí hậu và thuế carbon, dẫn đến mất việc làm hàng loạt. Trong khi đó, các ngành công nghệ mới và năng lượng tái tạo không đủ khả năng bù đắp số việc làm bị mất, khiến thị trường lao động mất cân đối nghiêm trọng. Điều này đã tạo ra một khoảng cách lớn giữa lực lượng lao động và nhu cầu việc làm, đặc biệt đối với những người lao động có tay nghề thấp.

Dịch vụ công vốn là niềm tự hào của Canada, từ y tế, giáo dục đến phúc lợi xã hội, đã bị cắt giảm đáng kể do áp lực tài chính. Hệ thống y tế trở nên quá tải, chất lượng dịch vụ suy giảm, đặc biệt là trong các bệnh viện công. Giáo dục công lập cũng chịu ảnh hưởng nặng nề khi thiếu hụt nguồn lực, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và cơ hội học tập của học sinh. Tình trạng này dẫn đến sự bất mãn sâu sắc trong xã hội. Tỷ lệ tội phạm, vô gia cư, và nghiện ma túy gia tăng, gây ra những bất ổn xã hội ngày càng nghiêm trọng. Những bất cập này đã làm lung lay niềm tin của người dân vào khả năng điều hành và quản lý đất nước của chính phủ Trudeau.

Dù đã thực hiện nhiều chính sách kích cầu, nền kinh tế Canada vẫn không đạt được mức tăng trưởng ổn định. Nguy cơ suy thoái kinh tế trở nên rõ rệt hơn khi các chỉ số kinh tế không có dấu hiệu cải thiện. Nguồn thu từ các ngành công nghiệp chủ chốt như dầu khí và khai thác tài nguyên bị ảnh hưởng nặng nề bởi các chính sách khí hậu khắt khe, khiến nền kinh tế không thể duy trì tốc độ phát triển bền vững.

Hơn nữa chính sách đối nội của Canada dưới thời Thủ tướng Justin Trudeau mang đậm dấu ấn thúc đẩy các giá trị tiến bộ toàn cầu, bảo vệ quyền con người và cổ vũ sự đa dạng văn hóa. Chính phủ đã tự định vị Canada như một quốc gia mở cửa, sẵn sàng đón nhận sự đa dạng, thông qua việc tăng hạn mức nhập cư lên gần 500.000 người mỗi năm và triển khai các chương trình tái định cư dành cho người tị nạn, đặc biệt là từ các vùng chiến tranh như Syria. Bên cạnh đó, Canada còn đóng vai trò tích cực trong các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, nhằm thúc đẩy các giá trị về nhân quyền, bảo vệ môi trường và hòa bình.

Chính phủ Trudeau cũng tập trung vào việc cổ vũ lối sống đa dạng, với nhiều chính sách cụ thể bảo vệ quyền lợi của cộng đồng LGBTQ+. Các đạo luật cấm phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới đã được ban hành, trong khi các dịch vụ y tế miễn phí hoặc trợ cấp cho người chuyển giới đã được triển khai rộng rãi. Các chương trình giáo dục về sự đa dạng giới tính cũng được đưa vào trường học dưới hình thức thuyết trình và tổ chức các sự kiện liên quan, dù vấp phải phản ứng từ một số phụ huynh và cộng đồng. Ngoài ra, Canada còn hỗ trợ quyền cá nhân, khuyến khích sự tự do trong lựa chọn sống độc thân, không kết hôn hoặc không có con.

Một điểm nhấn khác trong chính sách đối nội là việc thúc đẩy sự thay đổi xã hội, không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu những giá trị này ra toàn cầu. Canada trở thành quốc gia đi đầu trong các vấn đề nhân quyền và bình đẳng giới trên các diễn đàn quốc tế. Hợp pháp hóa cần sa để sử dụng cho mục đích giải trí vào năm 2018 là một bước tiến táo bạo được cho là nhằm mang lại lợi ích kinh tế. Đồng thời, chính phủ Trudeau đã đầu tư mạnh mẽ vào các dự án nghiên cứu liên quan đến biến đổi khí hậu, cải thiện bình đẳng giới và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, những chính sách này cũng đối mặt với nhiều chỉ trích, đặc biệt từ các nhóm bảo thủ. Một số ý kiến cho rằng sự tập trung vào các giá trị toàn cầu và cổ vũ lối sống đa dạng đã khiến các giá trị truyền thống bị lu mờ, dẫn đến xung đột văn hóa và xã hội. Hơn nữa, việc ưu tiên các chương trình xã hội tiến bộ đã bị chỉ trích là thiếu tập trung vào các vấn đề kinh tế cốt lõi như kiểm soát lạm phát, giải quyết khủng hoảng nhà ở và hỗ trợ tầng lớp trung lưu. Những bất cập này đặt ra câu hỏi về sự cân bằng giữa việc thúc đẩy các giá trị tiến bộ và giải quyết những thách thức nội tại của đất nước.

Về mặt đối ngoại, chính sách của Canada đã gây ra nhiều tranh cãi, đặc biệt khi quốc gia này tiếp tục duy trì mối quan hệ chặt chẽ với NATO và các đồng minh phương Tây trong đó có Hoa Kỳ. Sự hỗ trợ vô điều kiện mà Canada dành cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga không chỉ thể hiện qua các khoản viện trợ khổng lồ, mà còn làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều cả trong và ngoài nước. Canada đã viện trợ hơn 3,3 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm các loại vũ khí hạng nặng, phương tiện bọc thép và hàng nghìn tên lửa. Ngoài ra, Thủ tướng Justin Trudeau tháng 2/2024 cũng cam kết thêm 2,2 tỷ USD viện trợ quân sự và tài chính trong năm. Canada cũng bày tỏ ủng hội Ukraine trong việc sử dụng vũ khí tầm xa để đối phó Nga, một tuyên bố gây nhiều phản ứng mạnh mẽ trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, Canada đã tích cực phối hợp với NATO, Liên minh châu Âu và nhóm G7 nhằm tăng cường trừng phạt Nga. Trong các cuộc họp quốc tế, Canada liên tục khẳng định lập trường rằng Nga phải “trả giá” cho các hành động quân sự của mình.

Tuy nhiên, các khoản viện trợ đã vấp phải sự chỉ trích nặng nề từ dư luận Canada, đặc biệt khi nền kinh tế trong nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Lạm phát cao, giá năng lượng tăng vọt và khủng hoảng nhà ở đã khiến mức sống của người dân giảm sút. Nhiều người cho rằng chính phủ đã đặt lợi ích quốc tế lên trên các nhu cầu cấp bách trong nước. Việc phân bổ hàng tỷ USD cho Ukraine trong khi nợ công quốc gia đã chạm mức 1.140 tỷ CAD càng khiến các chỉ trích trở nên gay gắt.

Canada cũng phải chịu áp lực từ NATO khi chưa đáp ứng được mục tiêu chi tiêu quốc phòng 2% GDP, chỉ đạt khoảng 1,33%. Điều này làm gia tăng căng thẳng với các đồng minh, đặc biệt là Hoa Kỳ, đồng thời đẩy ngân sách quốc gia vào tình trạng khó cân đối giữa các nghĩa vụ quốc tế và nhu cầu nội địa.

Canada ngày càng bị cho là phụ thuộc vào chiến lược của Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây thay vì xây dựng một chính sách đối ngoại độc lập. Trong bối cảnh thế giới đang chuyển dịch sang một trật tự đa cực với sự trỗi dậy của Nga, Trung Quốc và khối BRICS, Canada dường như bị cuốn vào các xung đột và liên minh không mang lại lợi ích rõ rệt cho quốc gia.

Vấn đề càng trở nên phức tạp hơn khi Quốc hội Canada vào tháng 9/2023 đã xảy ra sự cố nghiêm trọng. Trong chuyến thăm của Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, ông Yaroslav Hunka, một cựu binh 98 tuổi gốc Ukraine, được Chủ tịch Hạ viện Anthony Rota tôn vinh là “anh hùng Ukraine và anh hùng Canada”. Tuy nhiên, các tổ chức nhân quyền phát hiện rằng ông Hunka từng phục vụ trong Sư đoàn Waffen-SS, một đơn vị thuộc Đức Quốc xã.

Sự việc này gây làn sóng phản đối mạnh mẽ từ Nga, Ba Lan và các tổ chức Do Thái, dẫn đến việc ông Anthony Rota phải từ chức. Thủ tướng Justin Trudeau cũng phải công khai xin lỗi trước cộng đồng quốc tế và thừa nhận sự cố này là “một sai lầm nghiêm trọng”.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau và các nhà lãnh đạo của các quốc gia NATO khác đã đến Kiev vào 24/02/2024, ngày đánh dấu hai năm cuộc xung đột Ukraine-Nga xảy ra. Ảnh AP/Efrem Lukatsky

Như vậy, chính sách đối ngoại của Canada với sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho Ukraine và lập trường chống Nga, đang đặt quốc gia này vào thế khó khăn. Áp lực từ NATO, sự phụ thuộc vào Hoa Kỳ và sự cố Hunka đã làm tổn hại uy tín quốc tế Canada, đồng thời khiến nội bộ chính trị và lòng dân ngày càng chia rẽ. Trong bối cảnh kinh tế trong nước đang khủng hoảng, sự ưu tiên lợi ích quốc tế hơn các vấn đề quốc nội đã trở thành nguyên nhân buộc Thủ tướng Trudeau phải từ chức.

Những bất cập trong chính sách đối ngoại đã thổi bùng làn sóng chủ nghĩa dân túy và tư tưởng độc lập chủ quyền tại Canada. Ngày càng nhiều tiếng nói kêu gọi chính phủ tập trung vào lợi ích quốc gia, tái định hình các cam kết quốc tế và giảm sự phụ thuộc vào NATO và phương Tây. Việc phát triển mối quan hệ cân bằng hơn với các nền kinh tế đang nổi có thể trở thành chiến lược cần thiết để Canada duy trì vị thế trong trật tự thế giới mới.

Sự bất mãn ngày càng tăng từ phía người dân chính là dấu hiệu cảnh báo rõ ràng nhất: Canada cần một chiến lược đối ngoại mang tính thực tế hơn, lấy lợi ích quốc gia làm trọng tâm để đảm bảo sự phát triển bền vững cả trong nước và quốc tế.

Như vậy có thể thấy chính sách đối nội và đối ngoại của Canada dưới thời Thủ tướng Justin Trudeau đã thể hiện rõ tham vọng đưa quốc gia này trở thành hình mẫu tiến bộ toàn cầu, với các cam kết về đa dạng văn hóa, bình đẳng giới và hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, những chính sách này cũng đối mặt với không ít chỉ trích, đặc biệt là sự phụ thuộc quá mức vào các liên minh phương Tây, như NATO và Mỹ, khiến Canada đôi khi bị xem là thiếu chiến lược độc lập. Trong bối cảnh đó, phát biểu gây tranh cãi của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc Canada nên trở thành bang thứ 51 của Mỹ không chỉ đơn thuần là lời nói đùa, mà còn phản ánh phần nào mối quan hệ mất cân bằng giữa hai nước. Mặc dù kịch bản Canada mất chủ quyền là khó xảy ra, nhưng những phát ngôn này cho thấy xu hướng can thiệp sâu hơn của Mỹ vào các quốc gia láng giềng. Điều này là một lời cảnh tỉnh đối với Canada về sự cần thiết phải xây dựng các chính sách đối ngoại độc lập hơn và không để bị cuốn vào các chiến lược địa chính trị của các cường quốc.

Sự ra đi của ông Trudeau và những biến động chính trị hiện tại là cơ hội để Canada tái định hình chiến lược đối ngoại, ưu tiên lợi ích quốc gia thay vì tiếp tục chạy theo các mục tiêu toàn cầu hóa xa rời thực tế. Nếu chính phủ mới biết tận dụng cơ hội này, Canada có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào NATO và Washington, xây dựng chính sách đối ngoại tự chủ hơn; cân bằng quan hệ quốc tế, mở rộng hợp tác với các quốc gia trong khối BRICS và các nền kinh tế đang phát triển; tái cơ cấu nền kinh tế bằng cách tập trung vào các ngành công nghiệp chủ lực và giảm bớt các cam kết tài chính không cần thiết ở nước ngoài. Ngược lại, nếu tiếp tục duy trì chính sách hiện tại, Canada sẽ khó tránh khỏi việc trở thành một mắt xích phụ thuộc trong trật tự toàn cầu do các cường quốc phương Tây chi phối.

Sự từ chức của Justin Trudeau có thể là cơ hội để Canada đánh giá lại vai trò của mình trên trường quốc tế. Quốc gia này liệu sẽ lựa chọn tiếp tục gắn bó với phương Tây hay chuyển hướng sang chính sách độc lập hơn, tập trung vào giải quyết các vấn đề trong nước. Tuy nhiên, con đường nào được chọn cũng sẽ không dễ dàng và đòi hỏi sự lãnh đạo mạnh mẽ, quyết đoán để đưa Canada vượt qua những thách thức hiện tại.■

Hạ Vân

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN