
Trong nhiều năm, Frank Snepp thường xuyên gặp ác mộng về những giọng nói người Việt vang lên qua radio của CIA, khẩn thiết cầu xin được di tản khỏi Sài Gòn trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến. “Tôi là Hân, người phiên dịch. Tôi là Lộc, lính Nùng. Tôi là Trần, tài xế. Đừng bỏ quên tôi!”.
Frank Snepp đến Việt Nam năm 1969, làm việc cho CIA với vai trò vừa là nhà phân tích tình báo, vừa là nhân viên đặc vụ chịu trách nhiệm thẩm vấn và tổng hợp thông tin từ điệp viên. Tháng 4 năm 1975, khi lực lượng Cộng sản áp sát Sài Gòn, ông đã thúc giục giới chức Hoa Kỳ bắt đầu di tản những người Việt từng làm việc cho Hoa Kỳ.
Sau khi Sài Gòn thất thủ, khi CIA từ chối tiến hành một cuộc tổng kết đánh giá nội bộ về chiến dịch di tản, ông đã từ chức và viết cuốn “Decent Interval” (đã được dịch ra tiếng Việt với tựa đề “Cuộc tháo chạy tán loạn”) – một cuốn sách bán chạy, chỉ trích các hành động của Hoa Kỳ trong những tháng cuối cùng của cuộc chiến. Đáp lại, CIA đã tiến hành một chiến dịch pháp lý để tịch thu tiền bản quyền của ông và yêu cầu tất cả các bài viết của ông trong tương lai phải được cơ quan này kiểm duyệt – một ràng buộc mà đến nay ông vẫn phải tuân theo. Tuy nhiên, những bài phát biểu của ông không bị kiểm soát, và ký ức của ông về những ngày cuối cùng của chiến tranh cứ thế tuôn trào, gần như không ngừng nghỉ.
Tạp chí Phương Đông giới thiệu với bạn đọc lời kể của Frank Snepp in trong cuốn “Patriots: The Vietnam War Remembered From All Sides”, xuất bản năm 2003 tại Hoa Kỳ, trang 496-504.
Tình báo của chúng tôi xuất sắc đáng kinh ngạc. Vì chúng tôi có một điệp viên bên trong bộ chỉ huy Cộng sản nên chúng tôi có thể nắm bắt gần như tức thời những thay đổi trong kế hoạch của Cộng sản. Khi vụ Watergate buộc Richard Nixon phải từ chức vào tháng 8 năm 1974, chúng tôi bắt đầu nhận được các báo cáo tình báo rằng Hà Nội đang bắt đầu thảo luận về khả năng chiến thắng quân sự đang đến gần. Họ nghĩ Nixon là người điên rồ nhất và có thể đưa Mỹ trở lại cuộc chiến bất cứ lúc nào. Nhưng khi ông ấy ra đi, họ bắt đầu nghĩ rằng con đường đến Sài Gòn có thể rộng mở.
Đại sứ Graham Martin và Trưởng trạm CIA Thomas Polgar đã tự thuyết phục mình rằng quân đội Nam Việt Nam đang trong tình trạng khá tốt và có thể giữ vững phòng tuyến. Một số người trong chúng tôi tại tòa đại sứ nghĩ rằng Quân lực Việt Nam Cộng hòa (QLVNCH) đang gặp rắc rối nghiêm trọng. Tinh thần chiến đấu rất tệ, tham nhũng tràn lan trong chế độ và trong quân đội. Martin và Polgar nghĩ rằng những cảnh báo này đã thổi phồng quá mức và nếu Quốc hội bỏ phiếu thông qua thêm một lượng nhỏ viện trợ nữa thì ít nhất là sẽ giải quyết được vấn đề trong ngắn hạn. Tôi tin rằng Nam Việt Nam có nhiều trang bị quân sự trên thực địa để giữ vững phòng tuyến nhưng các chỉ huy lại cất giấu chúng ở phía sau để bán kiếm lời.
Trong suốt mùa thu năm 1974, Bắc Việt đã cố gắng tìm điểm yếu trong các phòng tuyến của Nam Việt Nam, liên tục gây áp lực, nhằm xác định xem liệu Nam Việt Nam đã đến lúc có thể bị đánh bại hay chưa. Họ muốn xem liệu sau khi Nixon từ chức, Hoa Kỳ có đưa không quân tới để đáp trả hành động khiêu khích hay không. Vào đầu năm 1975, họ đã chiếm được tỉnh lỵ Phước Long, không xa Sài Gòn. Hoa Kỳ đã không đáp trả bằng B-52 – và điều đó đã gây ấn tượng sâu sắc cho Bộ Chính trị.
Chúng tôi sớm bắt đầu nhận được tin tình báo rằng họ đang chuẩn bị tiến hành một cuộc tổng tiến công nhằm đạt được những thắng lợi quan trọng – dù chưa phải là chiếm Sài Gòn. Vào tháng 3, họ đã tấn công dữ dội vào vùng cao nguyên Ban Mê Thuột và Quân khu 1 [năm tỉnh cực bắc của Nam Việt Nam]. Đó là lúc Thiệu thực sự bắt đầu thu gọn tuyến phòng thủ của mình, điều mà ông đáng lẽ phải làm sớm hơn nhiều nhưng Đại sứ Martin đã khiến ông tin rằng Hoa Kỳ có thể can thiệp trong trường hợp xảy ra khủng hoảng, bất chấp Đạo luật Quyền hạn Chiến tranh[1] và sự phản đối của Quốc hội. Chiến lược của Thiệu được gọi là “đầu bé, đít to”, nói cách khác, là giảm nhẹ phòng thủ ở các tỉnh phía Bắc và tăng cường phòng thủ quanh Sài Gòn. Nhưng ông không báo với Tòa đại sứ Hoa Kỳ về việc ông đang làm vì ông đã mất lòng tin vào người Mỹ. Ông cũng rất lo ngại về nguy cơ đảo chính. Vì vậy, thay vì đưa ra quyết định hợp lý về việc nên để lực lượng nào ở tuyến đầu, ông quyết định bố trí các đơn vị tốt nhất quanh Sài Gòn như một dạng vệ sĩ riêng. Ông đã rút lực lượng nhảy dù ra khỏi phía Bắc [của Nam Việt Nam] ngay khi Cộng sản tấn công phía bắc Huế.
Ngoài ra, để duy trì nhuệ khí của các lực lượng tiền tuyến, Thiệu cho phép họ giữ gia đình ở rất gần nơi giao tranh. Vì vậy, khi Cộng sản tấn công và QLVNCH bắt đầu rút lui, họ gặp chính người thân của mình trên đường tháo chạy và ta có thể tưởng tượng điều đó nghĩa là gì. Những người lính dành nhiều thời gian để đưa gia đình ra khỏi vùng nguy hiểm hơn là cố gắng thiết lập các tuyến phòng thủ dự phòng. Chỉ trong vòng hai tuần, một nửa quân đội Nam Việt Nam đã sụp đổ mà không có bất kỳ sự kháng cự đáng kể nào.
Tôi đã bay qua Quân khu 1 vào những ngày cuối tháng 3 và thấy quân đội của Tướng Trưởng thực sự đang đua nhau chạy ra biển Đà Nẵng. Họ vứt bỏ vũ khí và bơi để được an toàn. Đó là tình cảnh hoảng loạn tuyệt đối. Tôi chưa bao giờ thấy điều gì giống như vậy. Hàng ngàn binh lính vùng vẫy trên sóng nước. Họ đang tháo chạy trước cuộc tấn công dữ dội của Bắc Việt. Ở Cao nguyên, quân Cộng sản bắt đầu tiến rất nhanh từ Ban Mê Thuột ra hướng biển trong khi quân đội Nam Việt Nam rút lui. Chỉ trong vòng ba đến bốn ngày, quân Bắc Việt đã có thể chia cắt miền Nam Việt Nam ngay phía bắc Nha Trang.
Vào thời điểm đó, Đại sứ Martin đã về Hoa Kỳ để chữa răng và cố gắng thuyết phục Quốc hội rằng một khoản viện trợ bổ sung sẽ cứu được chế độ Sài Gòn. Ông trở lại Sài Gòn vào cuối tháng 3 ngay khi điều tồi tệ nhất sắp lên đến đỉnh điểm. Là người phụ trách báo cáo quân sự chính cho ông, tôi đã bước vào văn phòng của ông và nói: “Thưa ngài Đại sứ, tôi vừa trở về sau chuyến bay qua Quân khu 1 và tôi đã thấy quân đội Nam Việt Nam đang rút chạy ra biển”. Ông nói: “Tôi không tin anh. Tình báo của anh hẳn đã nhầm lẫn”.
Chúng ta hãy dừng lại một chút để nói về Đại sứ. Martin đã được cử đến Việt Nam vì nhiều nhà phê bình và người hâm mộ ông nghĩ rằng sau B-52 thì ông là người tốt nhất. Ông cứng đầu và hoàn toàn không thể lay chuyển. Ở Washington, người ta nghĩ rằng Martin chính là nhân tố cần thiết để giữ vững chiến tuyến. Ông ở đó để thể hiện sự kiên định và cam kết của Hoa Kỳ. Ông cũng mất đứa con nuôi của mình ở Việt Nam, một người lính chiến đã tử trận do hỏa lực của đối phương. Vì tất cả những lý do này, Martin là người cuối cùng sẽ chấp nhận để đất nước đó rơi vào tay cộng sản. Để bạn biết quan điểm của ông kỳ lạ như thế nào, sau khi một nửa Nam Việt Nam đã bị đánh bại mà hầu như không có sự kháng cự nào, Martin đã gửi điện cho Washington để đề xuất một kế hoạch kinh tế 5 năm cho Nam Việt Nam. Ông đã trôi vào một thế giới mơ mộng hoàn toàn.
Lúc này chúng ta đang ở tuần đầu tháng 4 và Bắc Việt đã giành được một chiến thắng đáng kinh ngạc đến mức chính họ cũng bất ngờ. Bộ Chính trị họp và quyết định rằng họ sẽ đạt được thắng lợi hoàn toàn vào tháng 5, đúng dịp sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh. Polgar tin rằng tình hình vô cùng tuyệt vọng nhưng ông đã có một số cuộc thăm dò bí mật với các nhà ngoại giao Ba Lan và Hungary, họ thuyết phục ông rằng vẫn còn cơ hội cho một thỏa thuận đàm phán. Cùng lúc đó, Đại sứ Pháp cũng bắt đầu truyền đạt thông điệp tương tự đến Đại sứ Martin. Vậy là ngay khi tất cả thông tin tình báo đều khẳng định rằng không còn cơ hội nào cho một giải pháp chính trị, rằng phe Cộng sản quyết tâm giành chiến thắng hoàn toàn bằng quân sự, và đúng vào thời điểm lẽ ra chúng tôi phải lên kế hoạch di tản, thì Polgar và Martin vẫn mải mê theo đuổi ảo vọng về một thỏa thuận đàm phán.
Polgar có yêu cầu tôi ước tính số lượng người Việt mà chúng tôi cần đưa đi trong trường hợp phải di tản. Tôi nghĩ rằng ít nhất chúng tôi sẽ phải gánh trách nhiệm di tản một triệu người Việt đã làm việc cho CIA, Tòa đại sứ và quân đội Hoa Kỳ. Nhưng Polgar để kế hoạch di tản của chúng tôi đình trệ, còn Martin cố gắng hết sức để đảm bảo không ai chuẩn bị cho việc di tản.
Cuộc di tản duy nhất mà Martin chấp thuận trước những ngày cuối tháng 4 là Chiến dịch Baby-lift. Ý tưởng này đến với ông nhờ vào nỗ lực của Ed Daly, chủ hãng hàng không World Airways. Daly đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc di tản khỏi Đà Nẵng và đang cố gắng tổ chức một đợt không vận đưa trẻ mồ côi Việt Nam sang Hoa Kỳ. Martin biết về kế hoạch này và thúc giục Nhà Trắng tổ chức một đợt không vận tương tự. Ông hy vọng rằng cảnh tượng hàng trăm em bé Việt Nam được đưa đi dưới sự bảo trợ của người Mỹ sẽ tạo ra sự đồng cảm với chính nghĩa của Nam Việt Nam và có thể thuyết phục Quốc hội viện trợ khẩn cấp vào phút chót. Ngoài ra, có thể ông cũng đã nghĩ rằng điều này sẽ giúp xoa dịu những người đang thúc giục di tản ngay lập tức.
Trên nhiều khía cạnh, Chiến dịch Baby-lift là một trò lừa. Rất ít trẻ em thực sự là người tị nạn chiến tranh. Nhiều em đã sống trong các trại trẻ mồ côi ở Sài Gòn hàng tháng hoặc hàng năm trời và không gặp nguy hiểm trực tiếp nào từ cuộc tấn công của Cộng sản. Nhưng vào thời điểm đó, tôi đã hoan nghênh dự án này như một bước đi đầu tiên đúng hướng. Sáng ngày 4 tháng 4, một chiếc máy bay vận tải C-5A Galaxy của không quân hạ cánh, chở theo một lượng lớn vũ khí và trang bị mới cho quân đội Nam Việt Nam. Đây là chiếc máy bay vận tải lớn nhất thế giới lúc bấy giờ. Ngay sau khi dỡ hàng, họ chất lên đó 243 trẻ mồ côi. Khi rời Sài Gòn được 30 phút, máy bay gặp sự cố kỹ thuật. Nó quay đầu trở lại nhưng đã rơi khi tiếp cận đường băng. Thật đau lòng – hơn 200 đứa trẻ đã thiệt mạng.
Hàng trăm trẻ mồ côi cuối cùng đã được di tản nhưng Đại sứ vẫn tiếp tục phản đối bất kỳ nỗ lực nào khác nhằm giúp người Việt rời đi. Bất chấp mệnh lệnh, các viên chức trẻ tuổi ở Tòa đại sứ bắt đầu lén đưa ngày càng nhiều người Việt lên máy bay. Và tại Washington, các viên chức trẻ ở Bộ Ngoại giao bắt đầu thúc giục Kissinger yêu cầu Martin tập trung vào kế hoạch di tản. Nhưng tất cả những điều này diễn ra mà không có công thức hay sự phối hợp nào. Và không ai gây áp lực lên Sở Di trú và Nhập tịch để nâng hạn mức cho phép nhiều người Việt di cư hơn và đẩy nhanh quy trình xét duyệt. Martin về sau sẽ lấy điều này làm cái cớ để biện minh cho việc không di tản số lượng lớn người Việt trước khi mọi chuyện kết thúc.
Đến giữa tháng Tư, tôi lo ngại đến mức quyết định triệu hồi điệp viên giỏi nhất của chúng tôi từ hiện trường để kiểm tra lại báo cáo trước đó của anh ta. Anh ta đến trong bộ dạng cải trang, và tôi gặp anh ta ở Sài Gòn. Tôi luôn đưa cho anh ta một lon Budweiser và thuốc lá Salem – đó là thứ Hồ Chí Minh ưa thích nên anh ta cũng thích chúng. Anh ta xác nhận rằng phe Cộng sản đang dốc toàn lực. Tôi vội vã quay lại Tòa đại sứ và kinh hoàng khi Polgar không cho phép tôi gửi báo cáo đó qua kênh ưu tiên hàng đầu.
Martin vẫn hy vọng có thể ổn định tuyến phòng thủ phía Bắc Sài Gòn tại Xuân Lộc và tìm kiếm một giải pháp chính trị. Ông muốn có ai đó nắm quyền mà ông tin rằng có thể đàm phán với Hà Nội, nên đến ngày 23 tháng 4, ông xác định đã đến lúc loại bỏ Nguyễn Văn Thiệu. Martin thuyết phục Thiệu từ chức, và để đảm bảo Thiệu không có hành động bất ngờ nào, ông quyết định đưa Thiệu ra khỏi Việt Nam. Tôi sẽ không bao giờ quên cuộc gọi từ Polgar: “Tôi có một nhiệm vụ đặc biệt dành cho anh – anh sẽ đưa Thiệu ra sân bay tối nay”. Tôi được giao lái chiếc limousine chở Thiệu trong điều kiện hoàn toàn bí mật, đèn xe tắt hết, đến một điểm hẹn tại căn cứ không quân Tân Sơn Nhất, nơi cũng chìm trong bóng tối, để lên một chuyến bay bí mật của CIA rời khỏi Việt Nam. Khi tôi đến nơi, Thiệu bước ra cùng Tướng Charles Timmes, một đặc vụ CIA. Khi họ lên xe, một vài phụ tá của Thiệu ném những chiếc vali vào cốp. Chúng phát ra tiếng leng keng như kim loại. Thiệu đã chuyển phần lớn số vàng của mình ra nước ngoài từ trước, nên tôi nghĩ đây chỉ là số tài sản còn lại của ông ta. Thành phố lúc đó rơi vào hỗn loạn. 140.000 quân Bắc Việt chỉ còn cách trung tâm Sài Gòn khoảng một giờ. Tuyến phòng thủ tại Xuân Lộc đang sụp đổ. Không khí vô cùng căng thẳng. Có mối lo ngại lớn rằng Tướng Không quân Nguyễn Cao Kỳ sẽ ra tay sát hại Thiệu để giành quyền kiểm soát, nên chúng tôi được trang bị vũ khí đầy đủ. Thiệu đã khóc suốt đường ra sân bay. Có lúc ông nói về những bức tranh quý mà ông đã kịp chuyển đến Đài Bắc và Hồng Kông. Khi chúng tôi đi ngang qua tấm biển tưởng niệm binh sĩ Mỹ bên ngoài Tân Sơn Nhất với dòng chữ đại ý: “Sự hy sinh cao cả của đồng minh sẽ không bao giờ bị lãng quên”, Thiệu khẽ rên rỉ.
Chiếc máy bay của CIA đang chờ trong bóng tối đen kịt. Khi tôi lướt qua đường băng về phía mà tôi hy vọng là máy bay, tôi suýt đâm phải Polgar. Chúng tôi dừng lại bên chiếc máy bay đang chờ sẵn, động cơ đã nổ. Cảnh tượng chẳng khác gì trong phim Casablanca, chỉ khác là không có Bogart và Bergman. Đại sứ đang ở đó. Thiệu ra khỏi xe, cúi người nắm lấy tay tôi và nói bằng tiếng Anh giọng Pháp: “Cảm ơn, cảm ơn vì tất cả”. Tôi chợt nghĩ, cảm ơn vì điều gì? Ý tôi là, nước Mỹ đã mất 58.000 chàng trai ở đây, đó có phải là điều ông ta biết ơn không? Hay chỉ đơn giản là biết ơn vì đã giúp ông ta trốn thoát?
Thiệu chạy về phía máy bay và Martin đưa tay đỡ ông ta lên cầu thang. Rồi Martin nhảy xuống và bắt đầu kéo cầu thang ra xa như thể ông đang cố gắng cắt đứt dây rốn nối Hoa Kỳ với Việt Nam. Tôi chạy đến chỗ ông và nói: “Ngài Đại sứ, tôi có thể giúp gì, tôi có thể giúp gì cho ông?” Ông chỉ đứng đó trong hoảng loạn và nói: “Không, không, xong rồi, xong rồi”.
Việc Thiệu ra đi không giải quyết được vấn đề gì. Martin vẫn tin rằng sẽ có một giải pháp đàm phán nào đó và từ chối lập kế hoạch cho một cuộc rút lui cuối cùng. Chúng tôi thậm chí còn chưa bắt đầu tiêu hủy tất cả các hồ sơ mật. Vì vậy, trong suốt những ngày và đêm cuối cùng đó, Tòa đại sứ rung lên không ngớt khi chúng tôi ra sức vận hành các lò đốt trên mái, gần bãi đáp trực thăng, để tiêu hủy tài liệu. Có lần, Martin bước ra bãi đỗ xe và thấy bụi tro từ lò đốt phủ đầy chiếc limousine của ông. Ông vội vàng lau sạch nó và nói: “Chúng ta không thể để thế này được. Đây là dấu hiệu ý chí của người Mỹ đang suy yếu”. Ông ngày càng trở nên mất kiểm soát. Cũng vào khoảng thời gian đó, chúng tôi đề nghị chặt bỏ cây me lớn đang che phủ bãi đỗ xe để có thêm không gian hạ cánh trực thăng nếu cần di tản. Martin từ chối. Ông nói: “Không, không được chặt cây đó. Nó là biểu tượng cho quyết tâm của Hoa Kỳ. Việc chặt cây sẽ gửi đi một thông điệp sai”.
Tòa đại sứ thậm chí không có danh sách chính thức nào về những người Việt mà chúng ta nên quan tâm nhất. Không có nỗ lực nào để ưu tiên những người cần được ra đi. Những người ra đi đầu tiên thường là những quan chức cấp cao nhất và tham nhũng nhất của chế độ Thiệu trước đây. Vài ngày trước khi kết thúc, tất cả đều vui vẻ vẫy tay chào tạm biệt và nhảy lên trực thăng trong trang phục thường dân. Thân ai nấy lo. Nhiều người Mỹ đã nhét những người bạn Việt Nam lên máy bay. Họ là người yêu, người giúp việc và bạn bè, chứ không hẳn là những người gặp nguy hiểm nhất. Các nhân viên tình báo người Việt không hề được ưu tiên. Nhiều người trong số họ vẫn còn ở những vùng hẻo lánh, vận hành thiết bị vô tuyến hoặc dịch tài liệu.
Sáng ngày 29, Cộng sản bắt đầu pháo kích vào ngoại ô Sài Gòn, đúng như tình báo của chúng tôi đã dự đoán. Một cuộc pháo kích dữ dội. Nó làm tôi bật khỏi giường. Tôi đã gần như không ngủ trong 14 ngày và vừa mới ngủ được một chút. Tôi loạng choạng, chen lấn xô đẩy qua hàng ngàn, hàng vạn người Việt Nam đang tụ tập bên ngoài bức tường của Tòa đại sứ.
Chúng tôi nhận được tin rằng cuộc tiến công vào Sài Gòn đã bắt đầu, và quân Cộng sản sẽ không chỉ pháo kích vào căn cứ không quân mà còn sẽ bắt đầu nã pháo vào trung tâm Sài Gòn, Tòa đại sứ và Dinh Tổng thống Nam Việt Nam lúc 6 giờ sáng ngày 29. Chúng tôi không có một cuộc không vận có trật tự. Hạm đội di tản đã có mặt ngoài khơi, nhưng do một sai sót trong khâu lập kế hoạch, họ đã nhầm lẫn giữa giờ Sài Gòn và giờ Greenwich. Đáng lẽ những chiếc trực thăng vận tải lớn CH-47 với biệt danh Jolly Green Giants phải có mặt ở Sài Gòn từ sáng sớm, nhưng mãi đến đầu giờ chiều chúng tôi mới thấy bóng dáng của chúng.
Trong khi đó, Đại sứ vẫn tin rằng còn cơ hội thực hiện một cuộc không vận bằng máy bay thông thường. Ông kiên quyết lái xe băng qua sự hỗn loạn trong thành phố để tới Tân Sơn Nhất kiểm tra đường băng. Khi ông đến đó, đúng như tùy viên quốc phòng đã nói, đường băng không thể lưu thông. Vì vậy, ông quay về Tòa đại sứ và nói: “Được rồi, đã đến lúc triển khai giai đoạn bốn của Frequent Wind (Gió Lốc)”. Đó là mật danh của cuộc không vận bằng trực thăng. Người Mỹ và thân nhân người Việt ở Sài Gòn đã được dặn dò lắng nghe Đài Phát thanh Hoa Kỳ để nhận thông báo về việc bắt đầu cuộc di tản. Tín hiệu là bài hát “White Christmas”, sau đó là thông báo: “Nhiệt độ ở Sài Gòn là 105 độ và đang tăng”.
Tôi đang ở trong phòng tác chiến của CIA. Chúng tôi nghe thấy những lời kêu cứu từ các nhân viên tình báo Việt Nam bị bỏ lại, họ gào thét và van xin: “Làm ơn đến cứu chúng tôi, chúng tôi sẽ chết mất, chúng tôi sẽ chết mất”. Vì vậy, tôi bắt đầu hỗ trợ các phi công hợp đồng của Air America di chuyển quanh thành phố bằng những chiếc trực thăng nhỏ để đón người Việt và người Mỹ tại các bãi đáp tạm thời trên mái nhà. Không ai bảo tôi phải làm gì. Có lúc một nhân viên CIA lao vào và nói rằng tất cả các phiên dịch viên của chúng tôi vẫn còn ở ngoài đó. Chúng tôi có khoảng 70 người phiên dịch, và đến cuối ngày, tôi phát hiện ra rằng nhân viên CIA chịu trách nhiệm di tản những phiên dịch viên đó đã trốn thoát một mình và bỏ mặc tất cả bọn họ ở lại khách sạn của CIA.
Cuối cùng, vào khoảng 2 giờ chiều, những chiếc trực thăng cỡ lớn bắt đầu hạ cánh, đưa người ra khỏi đường băng tan nát ở Tân Sơn Nhất, mái nhà và bãi đậu xe của Tòa đại sứ Mỹ. Các lò đốt tài liệu trên mái vẫn hoạt động hết công suất nhưng không thể xử lý kịp toàn bộ tài liệu. Tro bụi bay đầy cây cối, và có lúc chúng tôi mang những túi tài liệu xé dở xuống sân Tòa đại sứ. Khi trực thăng hạ cánh, gió từ cánh quạt thổi tung những túi này, khiến các mảnh tài liệu mật bay tán loạn, vương đầy trên cây như xác pháo.
Chúng tôi bắt đầu đưa người Việt vào bên trong Tòa đại sứ để chuẩn bị di tản từ mái nhà. Hành lang chật kín người, có cả gia súc, trẻ con khóc lóc, và gần như không có nước. Hệ thống điều hòa và thang máy bị hỏng, khung cảnh trở nên hỗn loạn như trong Địa ngục Dante[2]. Ai cũng lo sợ người Việt sẽ nổi loạn nếu họ tin rằng mình sắp bị bỏ lại. Đủ loại vũ khí do người Mỹ vứt lại trước khi rời đi rải rác khắp nơi trong Tòa đại sứ.
Có lúc tôi xuống văn phòng của Đại sứ. Ông đang quỳ gối, tự tay xé vụn những tài liệu tối mật của mình. Khoảng 6 giờ tối, chúng tôi nhận được tin rằng Cộng sản đã ngừng pháo kích vì họ tin rằng người Mỹ đang rời đi. Đến 9 giờ rưỡi, chỉ còn lại 17 nhân viên CIA trong Tòa đại sứ. Polgar bảo tôi rằng ông muốn tôi đi. Ông ở lại để cùng Đại sứ ra ngoài sau. Tôi bước ra hành lang chật kín người, và các lính thủy quân lục chiến bắt đầu đánh dẹp những người Việt ra để 17 người chúng tôi có thể lên mái của Tòa đại sứ. Tôi không dám nhìn vào mắt họ khi len qua đám đông. Khi lên đến nơi, tôi có thể thấy ánh đèn pha của quân đội Bắc Việt ở rìa thành phố – những chuỗi ánh sáng lấp lánh khi toàn bộ 140.000 quân đã áp sát Sài Gòn. Họ chỉ còn cách trung tâm thành phố chưa đầy 30 phút. Họ táo bạo đến mức thậm chí không thèm tắt đèn. Những vệt đạn lửa vẽ lên bầu trời, các kho đạn ở căn cứ không quân Biên Hòa phát nổ dữ dội. Xa xa, thỉnh thoảng có vài chiếc tiêm kích Mỹ xuất hiện, bắn yểm trợ. Điều này không được nhiều người biết đến, vì theo kế hoạch, người Mỹ lẽ ra đã rút hết khỏi Việt Nam, nhưng họ được điều trở lại vì tình hình đã trở nên vô cùng tuyệt vọng. Nhìn qua rìa bãi đáp trực thăng, tôi thấy hàng nghìn người Việt trên đường phố. Họ tuyệt vọng nhưng không la hét. Một sự im lặng kỳ lạ bao trùm. Tất cả đều hướng mắt về phía Tòa đại sứ, hy vọng vào một cuộc giải cứu sẽ không bao giờ đến. Nhưng họ cũng sợ rằng nếu gây ra hỗn loạn, cơ hội di tản của họ sẽ hoàn toàn tan biến. Khi trực thăng bay ra hướng biển, chúng tôi bắt đầu hứng chịu hỏa lực dữ dội từ mặt đất. Chiếc máy bay nâng độ cao và thoát được, nhưng tôi cứ nghĩ miên man rằng sẽ thật trớ trêu nếu bị bắn hạ trên đường đào thoát.
Về nhiều mặt, chiến tranh kết thúc giống hệt như cách người Mỹ đã tiến hành nó – với sự thờ ơ gần như hoàn toàn đối với những mạng sống bị đe dọa. Và điều này cũng mang một khía cạnh cá nhân. Khoảng 48 giờ trước khi mọi chuyện kết thúc, tôi nhận được cuộc gọi từ một phụ nữ Việt Nam mà tôi từng qua lại kể từ năm đầu tiên tôi ở Việt Nam. Cô ấy biến mất khỏi Sài Gòn vào năm 1973. Đến cuối năm 1974, cô ấy bất ngờ xuất hiện trước cửa nhà tôi với một bé trai mới một tuổi. Tôi tin rằng đó là con của mình. Ngay trước khi Sài Gòn thất thủ, cô ấy gọi cho tôi và nói: “Anh phải đưa em đi ngay, nếu không Cộng sản sẽ giết em vì đã qua lại với người Mỹ và có con lai”. Lúc đó tôi đang soạn một báo cáo cho Đại sứ nên chỉ đáp: “Mai Ly, gọi lại cho anh trong một giờ nữa. Anh sẽ cố gắng hết sức để đưa em ra khỏi Việt Nam”. Cô ấy đáp: “Anh phải làm đấy, nếu không em sẽ tự sát cùng đứa bé”. Cô ấy gọi lại sau khoảng một giờ, nhưng tôi đang họp với Đại sứ nên để lỡ cuộc gọi. Đến ngày cuối cùng, tôi gặp một viên cảnh sát quen biết cô ấy và nhờ anh ta đi tìm xem cô ấy thế nào. Sau đó anh ta báo lại rằng cô ấy đã tự sát cùng đứa bé. Tôi chưa bao giờ có thể xác minh thông tin đó, nhưng khi rời khỏi nóc Tòa đại sứ, tôi bị nhấn chìm trong cảm giác tê liệt bởi tội lỗi. Tôi đã dồn hết tâm trí để thuyết phục một vị Đại sứ ngoan cố chấm dứt cam kết của Mỹ, và rồi tôi cũng quên mất rằng mạng sống của con người đang bị đe dọa. Lẽ ra tôi phải đi tìm cách cứu mẹ con cô ấy. Nhưng rốt cuộc, tôi đã hành xử giống như rất nhiều người Mỹ ở Việt Nam – tất cả đều chỉ lo làm tròn nhiệm vụ mà bỏ quên sinh mạng con người.■
Frank Snepp
Thanh Trà dịch
Chú thích:
[1] Đạo luật này (War Powers Act) được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua vào năm 1973, nhằm hạn chế quyền của Tổng thống trong việc triển khai quân đội mà không có sự phê chuẩn của Quốc hội. (ND)
[2] Dante’s Inferno (Địa ngục Dante) là phần đầu tiên trong The Divine Comedy (Thần khúc), tác phẩm nổi tiếng của Dante Alighieri, mô tả hành trình qua chín tầng địa ngục với cảnh tượng đau khổ, hỗn loạn và tuyệt vọng. (ND)