Miền đất vàng Đông Dương: Tập sách tranh khắc gỗ của họa sĩ Emmanuel Defert
Emmanuel Defert

Miền đất vàng Đông Dương: Tập sách tranh khắc gỗ của họa sĩ Emmanuel Defert

Chersonèse d’Or Indochine (Miền đất vàng Đông Dương) là ấn phẩm tranh khắc gỗ của nghệ sĩ Pháp Emmanuel Defert (1878 – 1972), xuất bản lần đầu năm 1925 tại Hà Nội, ghi lại chặng đường rong ruổi suốt 20 năm của Defert tại Đông Dương. Ấn phẩm đặc biệt này vừa được Thư viện Nguyễn Văn Hưởng tổ chức khảo cứu, dịch sang tiếng Việt và phát hành đầu năm 2022.

Emmanuel Defert sinh tại tỉnh Nièvre thuộc miền Trung nước Pháp. Ông cùng lúc vừa học luật vừa học mỹ thuật tại Paris. Thường xuyên lui tới xưởng của các thợ tranh khắc gỗ và khắc axit bậc thầy, ông bắt đầu học nghệ thuật khắc gỗ.

Năm 1905, ông sang Đông Dương thuộc Pháp để làm viên chức. Đầu tiên, ông ở Lào, ghé qua Xiêm La và Miến Điện, lưu trú dài ngày ở cả ba miền trên khắp đất nước Việt Nam, rồi định cư ở Hà Nội từ năm 1921. Ông cộng tác thường xuyên với tờ tạp chí phê bình văn học và nghệ thuật Les pages Indochinoises (Trang Đông Dương) và minh họa cho tờ này bằng các tranh khắc gỗ của mình.

Bộ sách – tranh Miền đất vàng Đông Dương do Thư viện Nguyễn Văn Hưởng phát hành năm 2022

Tập tranh Chersonèse d’Or Indochine của Emmanuel Defert mang vẻ đẹp tinh tế, từ nội dung (bao gồm các bức tranh khắc gỗ sống động, được điểm thêm những đoạn trích của các tác giả lớn như Rudyard Kipling hay văn chương, thần thoại bản xứ), hình thức (in hạng sang, khổ lớn) cho đến chất liệu giấy (làm từ bột thuần tre được sản xuất tại nhà máy giấy Đáp Cầu – Bắc Ninh). Những khung cảnh đặc sắc (rừng rậm, làng quê, phố cổ, đền đài, di tích, mồ mả, chùa chiền), cảnh sinh hoạt (chăn trâu, chèo thuyền, đánh cá, gồng gánh, mua bán, làm cầu), phong tục tập quán (con trai nối dõi, thờ cúng tổ tiên, vàng mã, lễ hội), văn hóa nghệ thuật (múa apsara, múa nghi lễ, mặt nạ tuồng, thổi khèn), văn học (truyền thuyết, thơ ca) cùng các hình ảnh, họa tiết đặc trưng về mặt tôn giáo (đạo Phật, đạo Hindu) đều được chọn lọc và thể hiện một cách sống động.

Sự hòa quyện các yếu tố từ màu sắc, phông chữ đến nội dung cuốn sách giống như một bản nhạc nhịp nhàng, tạo nên một tác phẩm mang lại nhiều mỹ cảm cho người thưởng thức. Đây là cuộc gặp gỡ giữa cổ kính với hiện đại, sự giao hòa giữa tranh và chữ, nét giao thoa giữa Đông với Tây, là thành tựu của sự hợp tác giữa những rung động nghệ thuật của người nghệ sĩ Pháp, với đôi bàn tay khéo léo của người thợ thủ công Việt Nam, tạo tác trong xưởng in của người Việt (nhà in Lê Văn Phúc).

Ngay khi mới xuất bản, cuốn sách Miền đất vàng Đông Dương đã nhận được nhiều lời ngợi khen trong giới nghệ thuật và báo chí Pháp:

“Ông Bộ trưởng Thuộc địa, Léon Perrier khi thăm thú cuộc triển lãm thuộc địa đã dừng chân rất lâu trước tủ kính để mở xem tác phẩm có tầm vóc mà Emmanuel Defert giới thiệu. Cuốn Miền đất vàng Đông Dương là một ấn phẩm của các thợ khắc gỗ An Nam ở Hà Nội. Được in trên giấy bằng bột tre, những bức tranh khắc gỗ này thể hiện sự khéo léo hiếm có và tài nghệ tột đỉnh trong nghệ thuật khắc gỗ”.

Les Annales Coloniales, 21/5/1926

“Một ấn phẩm sang trọng của ông Emmanuel Defert, thành viên Hội Nghệ sĩ Pháp, được in ấn để vinh danh xứ Đông Dương. Nhân đây, chúng tôi xin nói thêm rằng việc in chữ và tranh minh họa lên giấy tre rất hoàn hảo. Nó mang lại vinh dự cho nhà máy in của Pháp cũng như các nghệ sĩ Đông Dương”.

L’Oeuvre, 04/04/1926

Bên cạnh việc phục dựng các tờ tranh gốc và biên dịch các đoạn thơ văn đi kèm, dịch giả Nguyễn Bình Phương cùng ban biên tập còn chú giải kỹ lưỡng về nghệ sĩ Emmanuel Defert, ông Lê Văn Phúc, và các văn sĩ – tác giả của những đoạn trích trong tập tranh.

Ấn bản tiếng Việt năm 2022 được in với số lượng 600 bộ. Mỗi bộ bao gồm 48 tờ tranh phục dựng bản gốc tiếng Pháp (được in rời trên giấy mỹ thuật để độc giả có thể đóng khung trang trí cho không gian sống của mình), kèm bìa cứng bồi thủ công; và 1 quyển phụ chú gồm các phần dịch nghĩa, khảo cứu về tác giả, tác phẩm.

Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc!

 

Một số bức tranh trong sách Miền đất vàng Đông Dương:

 

BÌNH LUẬN

CÙNG THỜI KỲ