Nước Nga trong thế giới đa cực
TS. Nguyễn Văn Hưởng

Nước Nga trong thế giới đa cực

Thư viện Nguyễn Văn Hưởng và Nhà xuất bản Thông tin &Truyền thông vừa phối hợp xuất bản cuốn sách Nước Nga trong thế giới đa cực của Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưởng. Có thể coi như phần tiếp theo của cuốn sách Thế giới đang thay đổi – Trật tự đa cực xuất hiện xuất bản tháng 5/2024, đây là cuốn sách tập hợp những tài liệu nghiên cứu và thông tin quan trọng về tình hình nước Nga trong suốt những năm gần đây, đặc biệt tập trung vào giai đoạn diễn ra chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, bắt đầu từ ngày 24/2/2022. Các tài liệu và thông tin này đã được chắt lọc, hệ thống hóa và phân tích, lí giải, nhằm đem đến cho bạn đọc cái nhìn chân thực, khách quan và toàn diện nhất về cách mà nước Nga, đại diện là Tổng thống Vladimir Putin, xoay đổi cục diện chính trị thế giới, khống chế những ảnh hưởng đơn cực của Mỹ và phương Tây, xây dựng một thế giới đa cực, đa dạng, bình đẳng và tiến bộ hơn cho toàn thể nhân loại.

LỜI TÁC GIẢ

Liên Xô từng là một cường quốc với lãnh thổ rộng lớn, cạnh tranh đối đầu với Mỹ trong Chiến tranh Lạnh (1945-1991). Tuy nhiên, do những sai lầm trong chính sách kinh tế, quản trị của chính quyền Xô Viết Trung ương, mà các nước Cộng hoà thuộc Liên bang Xô Viết đã dần dần tách khỏi Nhà nước Liên Xô để tuyên bố độc lập và lập ra nhà nước riêng. Nhân cơ hội Liên Xô suy yếu, nội bộ rối ren, Mỹ và phương Tây đã can thiệp vào các cuộc bầu cử ở những nước Cộng hoà này, tạo ra các cuộc biểu tình, bạo động quy mô lớn, để hình thành nên những nhà nước theo mô hình chính trị kiểu Mỹ, do các chính quyền thân Mỹ đứng đầu. Không những thế, các nước này cũng liên tục gia nhập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tạo thành một gọng kìm bao vây, cô lập Nga.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, nước Nga mới ra đời dựa trên phần lãnh thổ rộng lớn nhất của Liên Xô cũ, và chính quyền Xô Viết Trung ương cũng được thay thế bằng chính quyền của một nước Cộng hoà Liên bang do Boris Yeltsin làm Tổng thống đầu tiên. Dưới thời Yeltsin (1991-2000), Nga trở thành một nước dân chủ theo mô hình phương Tây, với một chính quyền lệ thuộc vào Mỹ và cầu mong sự giúp đỡ từ Mỹ. Tuy nhiên, do quan niệm sai lầm, ảo tưởng sẽ được Mỹ giúp đỡ, cùng với chính sách quản lý yếu kém của Nhà nước, nên nền kinh tế Nga đã rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Các tài phiệt Nga thân Mỹ tha hồ vơ vét tài nguyên, khoáng sản của đất nước để làm giàu cho bản thân.

Trước tình hình đó, Vladimir Putin – một chính khách xuất thân từ cơ quan Tình báo Nga – KGB, đã được bầu làm Tổng thống thứ 2 của Nga vào năm 2000. Sự xuất hiện của Putin đã thổi một làn gió mới vào chính trường nước Nga, khiến kinh tế, văn hoá, xã hội Nga có những thay đổi tích cực và khởi sắc rõ rệt. Tổng thống Vladimir Putin ban đầu cũng tìm cách đối thoại với Mỹ và phương Tây, song nhận thấy phương Tây không những không có thiện chí giúp đỡ Nga, mà chỉ coi thường và tìm cách kiềm chế sự phát triển của Nga, nên đã thay đổi chính sách, quyết định xây dựng một nước Nga tự lực, tự cường và sẵn sàng lên án, chống lại sự thống trị một cực của Mỹ vốn đã phủ bóng đen lên khắp toàn cầu từ sau khi Liên Xô tan rã.

Nhận thấy một nước Nga đang từng bước trỗi dậy dưới sự quản lý, điều hành tài tình của ông Putin, các đời Tổng thống Mỹ và đồng minh của Mỹ ở châu Âu đã tìm mọi cách để chia rẽ, phá hoại nước Nga, ngăn Nga khôi phục thời kì hoàng kim của Liên Xô trước đây – vốn là một mối đe doạ lớn đối với chính trị, an ninh nước Mỹ và châu Âu. Do đó, Mỹ đã tìm cách lôi kéo rất nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước Đông Âu từng thuộc Liên Xô cũ gia nhập khối NATO, với âm mưu mở rộng NATO đến sát lãnh thổ Nga để đe doạ an ninh, lãnh thổ Nga.

Trong số các nước này, Ukraine – một nước giáp với phía đông nước Nga – được Mỹ xem là một trong những “chiêu bài” đắc lực nhất. Tại đây, Mỹ và phương Tây đã tạo ra cuộc Cách mạng Cam (2004) và Cách mạng Maidan (2014) để dựng lên chính phủ thân Mỹ, kích động chủ nghĩa bài Nga cực đoan và hậu thuẫn cho lực lượng quân sự phát xít tiến hành các cuộc tàn phá di sản Liên Xô và giết hại người Nga ở biên giới Nga – Ukraine. Khi căng thẳng nổ ra ở biên giới Nga, các nước EU đã lừa Nga tham gia một thoả thuận tại Minsk, Belarus vào năm 2015, hòng tạo ra một khoảng thời gian hoà hoãn, để Mỹ và phương Tây có thể chuẩn bị tiềm lực quân sự cho Ukraine, tiến tới kích động một cuộc chiến tranh quy mô lớn.

Nhận ra âm mưu của Mỹ và châu Âu, nước Nga dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin, đã quyết định mở một chiến dịch quân sự đặc biệt tấn công vào Ukraine (2022) nhằm tiêu diệt chủ nghĩa phát xít ở nước này, đồng thời bảo vệ người Nga ở vùng biên giới phía đông Ukraine đang bị chính quyền và quân đội Ukraine tàn sát. Mỹ và phương Tây coi đây là một cuộc chiến tranh xâm lược, kêu gọi các nước khác lên án Nga, đồng thời đưa ra hàng chục nghìn lệnh trừng phạt nhắm vào Nga.

Trước những mũi tấn công từ Mỹ, châu Âu và NATO, Nga không những không gục ngã mà còn mạnh mẽ vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để giữ vững tăng trưởng kinh tế, tăng cường tiềm lực quốc phòng nhằm phục vụ cho cuộc chiến ở Ukraine. Trong khi đó, châu Âu và Mỹ vấp phải nhiều sự chỉ trích từ người dân trong nước khi liên tục viện trợ cho Ukraine. Đồng thời, châu Âu cũng gặp phải những khó khăn về nguồn năng lượng, dầu khí do những lệnh cấm vận đối với Nga. Ngược lại, tinh thần đoàn kết ở nước Nga ngày càng dâng cao, toàn thể nhân dân Nga phấn đấu sản xuất, và hết lòng ủng hộ giới lãnh đạo của mình, đặc biệt là Tổng thống Vladimir Putin. Trong cuộc bầu cử tháng 3/2024, ông Putin đã đạt tỉ lệ phiếu bầu lên tới 87% – con số cao nhất trong lịch sử nước Nga hiện đại. Đây chính là biểu hiện của tinh thần đoàn kết, thống nhất trong xã hội Nga, và cũng là nguyên nhân sâu xa khiến nước Nga có thể đứng vững, bất chấp sự cô lập, trừng phạt từ phương Tây, và luôn giành được thế chủ động trên chiến trường.

Từ cuộc chiến ở Ukraine, thế giới nhận ra một nước Nga hùng mạnh đang trỗi dậy. Và bản thân nước Nga cũng ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên trường quốc tế, khi liên tục hỗ trợ, hợp tác với các quốc gia trong và ngoài khu vực để xây dựng những liên minh mới về kinh tế, chính trị, quân sự, điển hình là khối BRICS. Chính các liên minh này đã chứng tỏ quyết tâm của Nga trong việc thiết lập một trật tự đa cực, nơi tất cả các quốc gia đều bình đẳng và có tiếng nói như nhau trong tất cả các vấn đề quốc tế, thay thế cho trật tự đơn cực mà Mỹ và phương Tây đã thống trị bấy lâu. Có thể nói, mối quan hệ khăng khít, gắn bó giữa Nga với châu Phi, các nước Trung Đông như Iran, Ả Rập Xê Út, Ấn Độ, Trung Quốc, Triều Tiên, ASEAN… chính là minh chứng rõ nhất cho thấy Nga đã và đang làm hết mình để đẩy lùi âm mưu, tính toán của Mỹ trong việc áp đặt chủ nghĩa toàn cầu phi lý, củng cố và bảo vệ những giá trị của sự đa dạng đang bị Mỹ và phương Tây làm sụp đổ.

Phá bỏ trật tự đơn cực để thiết lập một trật tự đa cực bình đẳng, văn minh, nơi không nước nào trở thành bá chủ, không truyền thống văn hoá nào được đề cao hơn truyền thống văn hoá khác – đó chính là những tuyên bố và cam kết của Tổng thống Vladimir Putin, và cũng là lí tưởng mà ông theo đuổi suốt hơn hai thập kỉ lãnh đạo nước Nga và lãnh đạo cộng đồng các quốc gia văn minh, tiến bộ trên thế giới. Tinh thần đó, cộng với sự hồi sinh, khôi phục địa vị cường quốc của Nga từ thời Liên Xô, chắc chắn một trật tự thế giới mới sẽ được thiết lập. Trong đó, vai trò lãnh đạo tiên phong của Nga luôn luôn được củng cố, và là một mô hình kiểu mẫu về sự đoàn kết, quyết tâm nuôi dưỡng, phát triển những giá trị dân tộc mà các nước trên thế giới có thể học hỏi và noi theo. Không những thế, sự hùng mạnh của Nga cũng có ý nghĩa quan trọng đối với việc tạo ra một điểm tựa tinh thần và sự ủng hộ vật chất to lớn cho các nước yếu thế, vốn đang bị Mỹ và phương Tây chèn ép, coi là “sân sau” để họ thực hiện các mưu đồ thống trị thế giới.

Một chiến thắng của Nga ở Ukraine đang đến rất gần sau ba năm ròng rã, hi sinh và mất mát. Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng sau khi cuộc chiến kết thúc, vị thế của Nga sẽ bước lên một tầm cao mới. Một nước Nga hùng cường sẽ lãnh đạo, dẫn dắt thế giới đến một trật tự đa cực bình đẳng, tiến bộ cho toàn thể nhân loại.■

Cuốn sách “Nước Nga trong thế giới đa cực” do Thư viện Nguyễn Văn Hưởng và NXB Thông tin & Truyền thông liên kết xuất bản tháng 9/2024, bìa cứng, khổ 16 x 24 cm, dày 275 trang. Giá bìa: 350.000đ.

Để đặt mua sách, bạn đọc vui lòng liên hệ với Thư viện Nguyễn Văn Hưởng theo số điện thoại: 024 365 73155.

 

BÌNH LUẬN

CÙNG THỜI KỲ