Bắc Giang trong dòng chảy Phật giáo dân tộc

Hội thảo khoa học quốc gia “Không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang (Tây Yên Tử)” được tổ chức cuối tháng 10/2023 đã đưa ra những nhận thức, đánh giá hệ thống và toàn diện, bao gồm cả những phát hiện khoa học mới về dấu ấn của Bắc Giang trong dòng chảy hình thành Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Từ trước tới nay, nhắc tới thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, người dân thường chỉ nghĩ tới non thiêng Yên Tử thuộc tỉnh Quảng Ninh. Trên thực tế, núi Yên Tử nằm trên cánh cung Đông Triều ôm gọn vùng Đông Bắc Việt Nam, sườn Đông chủ yếu thuộc tỉnh Quảng Ninh, sườn Tây thuộc tỉnh Bắc Giang.

Nếu Yên Tử là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành, nơi lưu giữ xá lị của Ngài, thì Tây Yên Tử là con đường hoằng dương Phật pháp của Ngài. Con đường trước đây nhà Vua đến với đỉnh Yên Tử chính là từ phía tây sang phía đông.

Toàn cảnh Hội thảo khoa học quốc gia “Không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang (Tây Yên Tử)”, tháng 10/2023. Ảnh: Cổng TTĐT Bắc Giang

Từ thế kỷ XI cho đến thế kỷ XIII, nhiều nhà sư chọn con đường lên Yên Tử từ vùng đất thiêng phía tây để tu hành, dựng chùa, xây tháp, phát đạo. Vì vậy, phía tây Yên Tử thuộc địa bàn Bắc Giang có hàng loạt công trình di tích lịch sử liên quan chặt chẽ đến quá trình hình thành và hưng thịnh của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử như chùa Vĩnh Nghiêm, Am Vãi, Hồ Bấc, Bình Long, Suối Mỡ, khu sinh thái Đồng Thông…

“Đã đến lúc phải nhận thức Phật giáo từ góc độ khoa học, đó là Phật học, nên không chỉ Bắc Giang, cần nhiều Hội thảo Khoa học để nâng cao nhận thức, hiểu sâu hơn về Phật giáo trong tiến trình lịch sử dân tộc. Đây là yêu cầu cấp bách,” Ông Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết.

Hội thảo thống kê trên địa bàn Bắc Giang có khoảng 940 ngôi chùa, tự viện Phật giáo phân bố ở hầu khắp 10 huyện, thành phố từ miền đồng bằng, từ đô thị đến các làng xã, vùng sâu hay núi cao của tỉnh. Các cơ sở tự viện Phật giáo Bắc Giang chủ yếu thuộc hai dòng Phật giáo tiêu biểu là Phật giáo Lâm Tế và Phật giáo Trúc Lâm. Trong đó nhiều ngôi chùa là di sản hay mang trong mình những di sản quốc gia và thế giới như chùa Bổ Đà (chốn tổ của Phật giáo Lâm Tế ở xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên), chùa Vĩnh Nghiêm (chốn tổ Phật giáo Trúc Lâm ở xã Trí Yên, huyện Yên Dũng)…

Nổi bật là chùa Vĩnh Nghiêm, trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, đây là một trung tâm, là chốn tổ, có hệ thống tượng phật phong phú, đặc biệt là kho mộc bản kinh Phật giá trị nổi bật.

Chùa Vĩnh Nghiêm xây trên vùng đất cao hội đủ tứ linh. Vào thời Trần, khi đó vùng Yên Dũng, Bắc Giang còn là vùng rừng núi rậm rạp, Vua Trần Nhân Tông cùng đoàn tùy tùng đi du ngoạn, cũng là để xem xét các địa thế hiểm yếu nơi cửa ngõ vùng phía Bắc kinh thành Thăng Long. Khi Ngài đến đất này, đã cho sửa sang chùa thật khang trang rộng rãi, lại đặt tên là Vĩnh Nghiêm tự (chùa Vĩnh Nghiêm).

Người có vai trò lớn trong việc mở rộng chùa Vĩnh Nghiêm là Tổ Pháp Loa – vị Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm. Tháng 9 năm Quý Sửu (1313), nhị tổ Pháp Loa phụng chiếu đến cư trú tại chùa Vĩnh Nghiêm. Tại đây, Tổ Pháp Loa đã huy động cả giới quý tộc nhà Trần vào việc kiến thiết chùa, đặt văn phòng Trung ương Giáo hội tại đó, quy định mọi chức vụ tăng sĩ trong Giáo hội, kiểm tra tự viện và làm sổ Tăng Tịch.

Chùa Vĩnh Nghiêm ở huyện Yên Dũng (Bắc Giang) là nơi lưu giữ kho mộc bản kinh Phật quý giá do các vị sư Thiền phái Trúc Lâm để lại. Ảnh: Báo Lâm Đồng

Chùa Vĩnh Nghiêm thật sư trở thành trung tâm hoằng pháp, cơ sở đào tạo Tăng tài, nơi hội tụ quần chúng tu học giáo lý Phật đà thuộc hệ thống Trúc Lâm Yên Tử thời Trần.

Chùa Vĩnh Nghiêm đã được các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa xem như một bảo tàng văn hóa Phật giáo Đại thừa khá tiêu biểu ở miền Bắc Việt Nam. Ngoài công trình kiến trúc, một trong những di sản văn hóa đặc biệt quý giá ở chùa Vĩnh Nghiêm là kho mộc bản kinh Phật do các vị sư Thiền phái Trúc Lâm để lại.

Kho mộc bản lưu trữ tại chùa Vĩnh Nghiêm có 3050 mộc bản, với 9 đầu sách lớn. Toàn bộ những mộc bản này đều do Thiền sư Thiền phái Trúc Lâm tổ chức san khắc ở nhiều giai đoạn khác nhau. Các mộc bản được khắc trên vật liệu là gỗ thị, khai thác chủ yếu trong vườn chùa.

Việc truyền bá tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm thông qua hệ thống tài liệu, giáo trình, sách vở, bài giảng của các thiền sư có uy tín trong và ngoài nước. Tất cả những tư tưởng ấy đều được biên soạn thành sách và được biên dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về đạo Phật của mọi người. Nội dung những cuốn sách này đều dựa trên nền tảng cốt yếu đã có trong kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm.

Có thể nói, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là cổ vật, bảo vật của Nhà nước Việt Nam, là di sản văn hóa quý báu của nhân loại. Đây là hệ thống cổ vật quý lại mang tính độc bản, tính nguyên gốc cho nên có giá trị rất lớn cả về phương diện văn hóa cũng như tôn giáo. Những mộc bản này cùng với các phát hiện khoa học khác trong Hội nghị khẳng định một lần nữa Bắc Giang – Tây Yên Tử chính là một trong những vùng đất ghi dấu ấn sự phát triển và hưng thịnh của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, là chặng đường quan trọng trên con đường hoằng dương Phật pháp của vị Sơ tổ của Phật giáo Trúc Lâm – Phật hoàng Trần Nhân Tông.

“Trúc Lâm thiền phái có đóng góp cực kỳ lớn đối với lịch sử tư tưởng Việt Nam và Phật giáo Việt Nam. Chúng ta cần có nền tảng hay một bệ đỡ tư tưởng để ở đó cố kết nhân tâm, có chính trị nhân hoà phù hợp với hệ thống chính trị Việt Nam, và cả một triết lý nhân sinh gắn bó mật thiết với văn hoá Việt Nam. Phật giáo Trúc Lâm có cội nguồn nằm ở hai bên bờ sông Lục Nam là một không gian văn hoá Phật giáo có vai trò văn hoá cực lớn.” ông Vũ Minh Giang kết luận.■

Bình Minh

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN