Bác Hồ làm báo "Việt Nam Độc Lập"

Nguyễn Xuân Thông

Báo Văn nghệ số 1650, ngày 31/8/1991

Ngày 1 tháng Tám năm nay (năm 1991), chúng ta kỷ niệm tròn nửa thế kỷ ngày ra đời của báo Việt Nam Độc Lập (gọi tắt là Việt Lập) – một tờ báo tiếng Việt do Bác Hồ sáng lập trong buổi đầu Người về nước, cùng Đảng ta lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức của chủ nghĩa thực dân.

Nói về sự ra đời của tờ báo, có lần Bác Hồ kể lại : “Năm 1941 bí mật về nước, theo lời dạy của Lê Nin, tờ báo là công cụ tuyên truyền, cổ động, tổ chức và lãnh đạo cho nên mình cố gắng ra một tờ báo ngay và phải làm rất bí mật vì luôn luôn có mật thám Pháp, Nhật và Bảo Đại rình mò”.

Báo “Việt Nam Độc Lập” ra số đầu tiên đúng vào ngày 01/8/1941. “Nhà in” báo lúc đầu được đặt ở một địa điểm nằm sâu trong rừng thuộc địa phận huyện Hà Quảng (Cao Bằng). Để tránh sự truy lùng của địch, đảm bảo báo ra thường xuyên, địa điểm in báo về sau được bố trí ở hai, ba nơi khác nhau, khi bị địch phát hiện chỗ này, vẫn tiếp tục in được ở chỗ khác.

Ru-lô, mã số và bàn đá in báo ”Việt Nam Độc Lập” (1941).  Ảnh: Tư liệu

Là một tờ báo cách mạng, ra đời trong hoàn cảnh bí mật, lại ở trong rừng sâu nên mọi việc đều gặp khó khăn. Đá dùng để in báo không có, phải nhờ cơ sở quần chúng cách mạng bí mật đi tìm. Sau khi tìm được một tấm bia có từ thời Tự Đức, anh em khiêng về cơ quan báo. Bác Hồ cùng các đồng chí được giao công việc làm báo lại phải tập trung mài hàng tuần lễ, sau đó cử người tập viết chữ trái lên đá.

Giấy in báo lại càng khan hiếm và lại phải dựa vào quần chúng, các cơ sở, trong đó chị em các dân tộc góp phần đáng kể. Mỗi lần đi chợ, mỗi người bí mật mua về mấy tờ và nói là mua cho con em học. Mua nhiều sẽ bị địch theo dõi, nghi ngờ, dễ bị lộ và bị bắt.

Về sau, cơ sở cách mạng được mở rộng, Mặt trận Việt Minh phát triển, việc cung cấp giấy cho nhà in được thường xuyên và thuận lợi hơn, góp phần tạo điều kiện để tờ báo ra được kịp thời, số lượng ngày càng tăng. Bác Hồ có lần kể: “Nếu không có chị em cơ sở cách mạng giúp đỡ, tờ báo không thể có được”.

Phương tiện thiếu, cán bộ làm báo lại ít và chưa quen. Mấy số đầu chỉ có ba, bốn người làm. Bác Hồ là người chịu trách nhiệm chính và cùng các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… trực tiếp làm cả những công việc cụ thể của báo từ khâu viết, duyệt bài, in và phát hành. Tờ báo lúc đầu chỉ có hai trang giấy bản, khổ nhỏ, nhưng nội dung rất cụ thể, sinh động, thiết thực, phù hợp với đối tượng, trình độ người đọc của báo lúc bấy giờ nên đồng bào rất thích và hoan nghênh, chờ đón.

Một trang báo “Việt Nam Độc lập”, số ra đầu tiên (101) vào ngày 1 tháng 8 năm 1941. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Từ ngày 01/8/1941 đến ngày 30/9/1945, báo “Việt Nam Độc Lập” đã ra được 129 số, góp phần xứng đáng vào việc tuyên truyền, tổ chức, vận động quần chúng đứng lên làm cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Tuy số trang ít ỏi, báo vẫn có đủ các chuyên mục như: Xã luận, Tin trong nước, Tin thế giới, Vườn văn, Trả lời bạn đọc… Các mục của báo đề cập những nội dung cụ thể: Vạch trần tội ác dã man của bọn Nhật – Pháp và lũ tay sai, kêu gọi nhân dân đoàn kết đấu tranh, ủng hộ và đi theo Việt Minh làm cách mạng; phân tích kịp thời diễn biến tình hình cách mạng thế giới, ủng hộ sự nghiệp đấu tranh của nhân dân Liên Xô trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại…

Ngày nay, giở lại những trang của báo Việt Lập, chúng ta được đọc nhiều bài xã luận, bài văn, bài thơ, những chỉ thị sáng suốt của Việt Minh, những bức tranh, bài viết ngắn gọn, rõ ràng, thiết thực của Bác Hồ và cả những bài của những người làm báo buổi đầu, cách đây tròn nửa thế kỷ.

Hầu như số báo nào cũng có bài của Bác. Có số có hai, ba bài. Các bài viết của Bác Hồ đã đi vào lòng người một cách tự nhiên và có tác dụng hết sức to lớn. Nói về mục đích của báo Việt Nam Độc Lập, Bác vẽ một bức tranh đơn giản, dễ hiểu với bài thơ gắn gọn, có sức lôi cuốn người đọc như một lời kêu gọi:

Việt Nam Độc Lập thổi kèn loa

Kêu gọi dân ta trẻ đến già

Đoàn kết vững bền như khối thép

Để cùng nhau cứu nước non ta.

Đọc những bài Bác viết tố cáo tội ác dã man của thực dân Pháp, phát xít Nhật trên báo “Việt Lập” làm chúng ta nhớ tới những bài báo đầy tính chiến đấu, có sức tố cáo mạnh mẽ của Người viết trên báo “Le Paria” (Người cùng khổ) và trong tác phẩm nổi tiếng “Bản án chế độ thực dân Pháp” viết cách đây gần 70 năm, khi Người hoạt động ở nước ngoài.

Nói về mối quan hệ giữa cán bộ và các đoàn thể quần chúng, Bác viết cụ thể, đọc lên ai cũng hiểu và thấy rõ trách nhiệm của mình: “Đoàn thể như cái xe, cán bộ như bánh xe, bánh xe tốt thì xe chạy mau”. Đặc biệt, trên báo còn có những bài Bác viết, phân tích một cách nhạy bén, sâu sắc tình hình, nhiệm vụ của cách mạng, nêu lên thời cơ giành chính quyền, đem đến cho nhân dân ta một niềm tin khoa học vào thắng lợi của cách mạng.

Bác còn viết nhiều bài phân tích, so sánh lực lượng cách mạng thế giới, khẳng định sự thất bại của chủ nghĩa phát xít và thắng lợi của Liên Xô cũng như của phong trào cách mạng trên thế giới. Không chỉ viết bài, Bác còn trực tiếp chỉ đạo và hướng dẫn cho các cán bộ làm báo. Có thể nói, Bác Hồ không chỉ là người sáng lập báo “Việt Nam Độc Lập” mà chính là linh hồn của tờ báo. Sự thành công và đóng góp to lớn của tờ báo trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám gắn liền với sự quan tâm và công lao to lớn của Bác Hồ kính yêu.

Họa bản báo Việt Nam Độc Lập, số ra ngày 25/5/1945. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Sau Cách mạng Tháng Tám, báo “Việt Nam Độc Lập” trở thành tiếng nói của tỉnh đảng bộ Việt Minh Cao Bằng, rồi thành tiếng nói của cơ quan Việt Minh Liên Việt Cao – Bắc – Lạng. Đến năm 1956, tờ báo trở thành tiếng nói của Đảng Lao động Việt Nam khu tự trị Việt Bắc. Năm 1956, có ý kiến muốn đổi tên tờ báo. Biết được tin đó, Bác bảo: “Đổi tên mới cũng được, nhưng dùng “Việt Nam Độc Lập” có nghĩa lịch sử thì tốt hơn”.

Làm việc ở Hà Nội, nhưng Bác vẫn dành thời gian quan tâm theo dõi các báo địa phương, trong đó có tờ “Việt Nam Độc Lập”. Thấy báo có đăng tin ma chay, cưới xin của miền núi còn tốn kém, Bác giao nhiệm vụ cho báo phải viết bài hướng dẫn đồng bào tiết kiệm, tránh lãng phí. Bác quan tâm đến những tấm gương về “Người tốt việc tốt” của đồng bào các dân tộc ở căn cứ địa cách mạng được giới thiệu trên báo như bài “Tấm gương của một cô giáo người Mèo” (22/8/1965), “Tuổi già chí khí càng cao, chống Mỹ cứu nước già nào kém ai” (7/10/1965), bài giới thiệu thành tích xã Đông Quang (Thái Nguyên) năm 1966…

Trên báo “Việt Nam Độc Lập” số tháng 7 năm 1969 còn có bút tích của Người quyết định tặng bốn huy hiệu Bác Hồ cho bốn cá nhân có thành tích về sản xuất, chiến đấu và trồng cây được báo nêu lên. Kỷ niệm 50 năm ngày ra đời của báo “Việt Nam Độc Lập”, đọc những bài viết của Người trên báo cũng như nhớ lại sự quan tâm, theo dõi, chỉ đạo của Bác Hồ đối với tờ báo, chúng ta lại càng thấy rõ hơn công lao và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người để cùng nhau ghi nhớ và học tập.■

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN