1. Có ba giai đoạn chính trong cuộc đời mỗi con người: Giai đoạn vị thành niên, giai đoạn trưởng thành và tuổi già. Giai đoạn đầu tiên là thời kì tiếp nhận các kiến thức, kĩ năng thông qua hoạt động giáo dục, nhằm hình thành tính cách, năng lực làm việc… của mỗi người. Tiếp đó, trưởng thành là giai đoạn mỗi cá nhân tham gia lao động, sử dụng trí tuệ, năng lực của mình để tạo ra của cải, vật chất; đồng thời định vị bản thân, khẳng định vai trò, vị thế của mình trong xã hội. Đây được xem là giai đoạn quan trọng và kéo dài nhất trong cuộc đời mỗi người, tới hơn 4 thập kỷ. Giai đoạn này chứa đựng gần như toàn bộ kinh nghiệm sống, cảm xúc, thăng trầm, thành bại của một đời người. Song nếu như hai giai đoạn đầu của mỗi người đều đa dạng, phong phú, không ai giống ai, thì giai đoạn thứ ba – giai đoạn tuổi già lại là giai đoạn chào đón tất cả mọi người về cùng một điểm cuối kết của hành trình sống. Ở giai đoạn này, chúng tôi muốn đề cập tới nhóm người nghỉ hưu – những người từng công tác trong các cơ quan Nhà nước, các văn phòng, công sở, tổ chức chính trị hay tập đoàn kinh tế… Khi hết tuổi lao động, họ được gọi chung là thành phần hưu trí. Vào giai đoạn thứ hai của cuộc đời, những người này có thể thuộc cấp quản lý và đã đạt đến đỉnh cao của lĩnh vực công tác, thậm chí từng giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước; song cũng có người chỉ dừng lại ở cấp nhân viên, hay là một người lao động đơn thuần. Tuy nhiên, dẫu dừng lại ở vị trí nào, thì họ đều có cùng một đích đến là quãng thời gian nghỉ hưu sau khi kết thúc chặng đường dài lao động, cống hiến cho xã hội.
2. Có thể nói, nghỉ hưu là một quy luật khách quan, bởi theo năm tháng, tuổi tác, sức khoẻ của con người không cho phép họ tiếp tục tham gia vào guồng máy lao động. Bên cạnh đó, luật pháp, văn hoá của các quốc gia cũng quy định rõ về việc nghỉ hưu, cho thấy tính tất yếu của nó đối với mỗi con người, mỗi xã hội. Nói cách khác, đến một thời điểm nhất định, mọi sự cống hiến cho tập thể hay tiến thân của mỗi cá nhân đều phải dừng lại để chuyển giao cho thế hệ tiếp theo. Bởi vậy, khi đã leo đến đỉnh dốc của cuộc đời, điều mỗi người phải làm dĩ nhiên là tiếp tục cuộc hành trình “hạ sơn” (xuống núi).
Trên thực tế, tuỳ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh, môi trường, mà người nghỉ hưu sẽ đối mặt với quãng đời hưu trí theo những cách thức khác nhau. Mỗi người một tâm tư, tình cảm, một tình trạng sức khoẻ, một hoàn cảnh sống, một câu chuyện riêng, không ai giống ai hoàn toàn. Tuy nhiên, như đã chỉ ra, khác với hai giai đoạn đầu đầy biến động, giai đoạn hưu lão của đời người thường phẳng lặng hơn và mang chứa những đặc điểm tương đối giống nhau, dẫu biểu hiện ở mỗi người có ít nhiều đổi khác. Vậy các điểm chung đó bao gồm những gì và người nghỉ hưu cần chuẩn bị tâm thế để bước vào giai đoạn này ra sao? Nếu xét độ tuổi hưu trung bình của thế giới là khoảng 60 tuổi và tuổi thọ trung bình vào khoảng trên 70 tuổi thì giai đoạn này sẽ kéo dài từ 10 – 20 năm, thậm chí là 30 năm, khi tuổi thọ của con người ngày càng tăng. Do đó, đây sẽ là khoảng thời gian tương đối dài mà người nghỉ hưu sẽ phải đối mặt với các thách thức không nhỏ về an sinh, môi trường, chất lượng sống, về sức khoẻ thể chất, tinh thần và các mối quan hệ gia đình – xã hội…
Cụ thể, về mặt vật chất, lương hưu nhìn chung sẽ có sự sụt giảm so với mức lương khi còn tham gia lao động. Đó là chưa kể các khoản thu nhập phụ, tiền thưởng… hàng năm cũng sẽ mất đi. Do đó, rất ít người nghỉ hưu còn đảm bảo được nguồn thu nhập như lúc làm việc. Số người nghỉ hưu thật sự khá giả, đạt đến tự do tài chính, tiết kiệm được một khoản tiền lớn đủ để an hưởng tuổi già, thậm chí chu cấp được cho con cháu, quả thực không nhiều. Đa số người nghỉ hưu nếu không muốn bằng lòng với khoản tiền lương ít ỏi, thì vẫn phải tìm cách tham gia lao động, chuyển sang trạng thái “lao động hưu trí” để trang trải cho cuộc sống gia đình và tiếp tục hỗ trợ được cho thế hệ sau. Đây chính là thực trạng chung của nhiều người nghỉ hưu, đặc biệt là tại các đô thị lớn ở nước ta, khi vật giá leo thang và các nhu cầu sinh hoạt, học tập… ngày càng đắt đỏ, bắt buộc những người hưu trí – những người lẽ ra cần được nghỉ ngơi – phải tiếp tục mưu sinh để trang trải cho cuộc sống gia đình.
Về sức khoẻ, ở độ tuổi này, đa phần sức khoẻ của người nghỉ hưu có sư giảm sút rõ rệt so với các giai đoạn trước. Sau một khoảng thời gian dài lao động và cống hiến không ngừng nghỉ, cơ thể con người bắt đầu bước vào quá trình lão hoá nhanh chóng, mà sự lão hoá diễn ra trước hết trên phương diện thể chất. Người nghỉ hưu phải đối mặt với vô số nguy cơ liên quan đến suy giảm sức khoẻ, trong đó có rất nhiều bệnh lý mãn tính và hiểm nghèo. Sự suy giảm thể chất này, kết hợp với gánh nặng kinh tế nói trên, khiến cho sức khoẻ của người về hưu càng bị đặt vào tình thế bấp bênh, không được đảm bảo. Với mức bảo hiểm xã hội khiêm tốn như hiện nay, rất nhiều người nghỉ hưu thậm chí không thể chi trả được toàn bộ chi phí y tế cho chính mình khi họ mắc phải các bệnh lý nghiêm trọng.
Về tinh thần, đây được xem là yếu tố đa dạng, phức tạp nhất, song vẫn chưa nhận được sự quan tâm thích đáng từ gia đình, xã hội cũng như chính bản thân người nghỉ hưu. Trước hết, khi biết mình sắp tới tuổi nghỉ hưu, tâm trạng chung của mỗi người đều có phần trầm lắng, hiếm khi vui vẻ mà thường thiên về hụt hẫng, lo lắng. Tâm trạng này đã manh nha ngay từ khi họ bắt đầu chạm tới mốc nghỉ hưu, thậm chí từ khoảng 1 – 2 năm trước khi giai đoạn này diễn ra. Dẫu không nói thành lời song mỗi người đều tự tâm niệm rằng bản thân đã đi đến tận cùng của sự phát triển trong công việc và giờ là thời điểm chạm đến cột mốc cuối cùng của hành trình cống hiến. Biểu hiện thường thấy sẽ là cảm giác hụt hẫng, tiếc nuối, đi kèm với sự lo lắng, bất an, không rõ chặng đường sắp tới sẽ ra sao. Phần lớn người nghỉ hưu đều cảm thấy vai trò xã hội của mình bị hạn chế khi không được tham gia vào guồng máy lao động chung, đồng thời đột ngột bị tách khỏi môi trường công sở, với bạn bè, đồng nghiệp bên cạnh. Cảm giác tiếc nuối vì bản thân vẫn còn sức khoẻ, có trình độ nhưng lại không được tiếp tục cống hiến, hay giữ vững vị thế, tiếng nói trong ngành nghề, lĩnh vực của mình, sẽ là cảm giác chung ít nhiều xuất hiện ở người nghỉ hưu, đặc biệt là những người từng giữ cương vị, chức vụ cao trong các cơ quan công sở. Có thể nhiều người đã chuẩn bị sẵn tâm thế cho tình trạng này, song dẫu có làm “công tác tinh thần” tốt đến đâu thì đa số mọi người cũng đều không khỏi ngỡ ngàng khi thích nghi với cuộc sống hưu trí ở giai đoạn đầu.
Hơn thế nữa, việc nghỉ hưu về lý thuyết sẽ giúp cho những người hưu trí dành nhiều thời gian ở bên gia đình hơn, song trên thực tế, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, con cái, cháu chắt của họ thường bận rộn đi học, đi làm cả tuần, đồng thời tập trung kết nối với mạng Internet và các thiết bị điện tử hơn; nên người nghỉ hưu rất dễ bị “bỏ rơi” về mặt cảm xúc, tinh thần. Họ dễ có cảm giác cô đơn, lạc lõng ngay trong chính gia đình mình khi thiếu đi sự tiếp xúc, tương tác thường xuyên với các thành viên khác. Bên cạnh đó, sự thay đổi nếp sinh hoạt và “va chạm” về quan niệm, lối sống… giữa nhiều thế hệ khiến cho cuộc sống gia đình của người nghỉ hưu dễ phát sinh mâu thuẫn. Xã hội hiện tại cũng đầy rẫy những biến động với rất nhiều tin giả, tin độc hại chưa được kiểm soát. Những người nghỉ hưu đã rời khỏi môi trường tập thể, không được thảo luận và cập nhật chính xác tình hình, khi tiếp xúc với các thông tin này họ sẽ dễ hình thành nhận thức sai lệch, gia tăng tâm trạng bất an, lo lắng, trách móc, thậm chí có những phát ngôn hoặc hành động thái quá.
Tóm lại, thực tế cho thấy, người nghỉ hưu sẽ gặp phải ít nhất một trong các vấn đề nói trên, chưa kể hàng loạt những hệ luỵ kèm theo. Đây không phải là vấn đề chỉ tồn tại ở một cá nhân đơn lẻ mà cả là tình trạng chung của cả một lớp người, chiếm khoảng 30 – 40% dân số.
3. Hiện nay, để cải thiện đời sống tinh thần của người nghỉ hưu, nhiều tổ chức chính trị – xã hội như Hội người cao tuổi, câu lạc bộ hưu trí, nhà dưỡng lão… đã được thành lập để tập hợp, quy tụ những người nghỉ hưu về sinh hoạt trong cùng một cộng đồng. Các hội nhóm này là nơi gặp gỡ, chia sẻ, giao lưu, giãi bày tâm tư, tình cảm.. của những người đã về hưu, tạo ra một môi trường gắn kết, giúp họ phần nào giải toả được những bức xúc, căng thẳng trong tinh thần.
Tuy nhiên, những hội nhóm hỗ trợ hay các hoạt động văn hoá, văn nghệ nói trên chỉ là những tác động bên ngoài. Động lực thiết yếu nhất để người nghỉ hưu có thể giải quyết được các vấn đề của mình phải nằm ở chính bản thân họ. Nói cách khác, giải pháp cho những khó khăn, thách thức trong cuộc sống của người nghỉ hưu đến từ nỗ lực tự thân của mỗi người. Giải pháp này bao gồm những khía cạnh sau:
Thứ nhất, người nghỉ hưu phải tự chăm lo được cho bản thân và tự lựa chọn cho mình một cách sống đúng đắn. Cụ thể, họ cần đảm bảo duy trì được một sức khoẻ, tinh thần vững vàng và chủ động được tình trạng tài chính, sao cho đến cuối đời vẫn có thể sống an nhàn, không phải dựa dẫm hoàn toàn vào bất cứ ai. Để đạt được điều đó, người nghỉ hưu phải xây dựng lối suy nghĩ hướng về bản thân trước tiên, phải tự định hình được lối sống đạm bạc, điều chỉnh quan hệ, hoạt động cho đồng thuận với nơi mình sống. Đây chính là phương châm hàng đầu giúp người nghỉ hưu xây dựng được tâm thế vững vàng để vượt qua những biến cố có thể xảy đến trong giai đoạn này.
Sống chan hoà và nhờ cậy được con cái không hẳn là tiêu cực, song cũng không nên xem con cái như là chỗ dựa duy nhất khi về già, hay toàn tâm toàn ý dành hết thời gian, tâm sức chỉ để chăm lo cuộc sống của con cháu mình. Người nghỉ hưu có thể giúp đỡ, hỗ trợ con cái trong khả năng cho phép, đồng thời đón nhận sự hỗ trợ từ con cái khi cần thiết, làm sao để bản thân vẫn giữ được sự độc lập tương đối trong mối quan hệ gia đình. Bởi lẽ, trên thực tế, có rất nhiều trường hợp gia đình xích mích, mâu thuẫn, thậm chí tan vỡ bởi ông bà – cha mẹ khi về hưu không xác định được đúng mục đích, cương vị, trách nhiệm của mình. Có những người phó mặc tất cả, trở thành gánh nặng cho con cái, cũng có người lại giao hết tài sản cho thế hệ sau, còn bản thân người nghỉ hưu lại bị bạc đãi. Do đó, việc giữ được tâm thế quân bình, tinh thần chủ động vẫn là yếu tố căn cốt để người nghỉ hưu làm chủ cuộc sống của mình ở giai đoạn này.
Ngoài ra, trong mối quan hệ gia đình, những người bạn đời nghỉ hưu cũng cần hỗ trợ lẫn nhau. Trẻ là vợ chồng, già là bạn hữu, hai người cùng nắm tay nhau đi đến hết cuộc đời vẫn là điều quan trọng nhất. Mối quan hệ gắn bó này không ai có thể thay thế được, kể cả con cháu trong gia đình. Do đó, nếu ai may mắn còn có người bạn đời đồng hành tới lúc nghỉ hưu, xin hãy trân trọng lẫn nhau, thấu hiểu, san sẻ cùng nhau. Ở giai đoạn này của đời người, ta mới thấm thía rằng bên cạnh có người bạn già biết nóng, biết lạnh, chia sẻ ngọt bùi, cay đắng mới là hạnh phúc lớn nhất. Chỉ những người bạn đời mới có thể “cùng chung vui vẻ, chia điều âu lo”, chăm sóc lẫn nhau khi đau yếu. Đừng đánh mất những con người quan trọng ấy, bởi họ chính là những người ở bên ta lâu nhất, và sẽ nắm tay ta đi hết đoạn đường còn lại.
Thứ hai, người nghỉ hưu cần xác định và xây dựng một tâm thế sống thanh thản, không suy nghĩ, dằn vặt bản thân, không nuối tiếc những hào quang dĩ vãng hay tham quyền cố vị. Để an nhiên vui hưởng tuổi già, người nghỉ hưu cần gạt tiền tài, địa vị, danh vọng… sang một bên và tận hưởng cuộc sống ung dung, thư thái ở hiện tại. Như câu thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm: “nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”, người nghỉ hưu nên buông bỏ mọi sân si, đố kỵ, tranh giành, để lòng được nhẹ nhõm, vợi bớt những căng thẳng, lo âu.
Trên thực tế, nhiều người trước khi nghỉ hưu đã có tâm thế “hạ cánh an toàn”, những mong hưởng thụ cuộc sống bình an sau khi về hưu. Tuy nhiên, cũng có những người cố gắng tìm cách kéo dài tuổi làm việc, tận dụng cơ hội nhằm níu giữ danh tiếng, củng cố sức ảnh hưởng trong lĩnh vực của mình. Có người lại chạnh lòng vì trước đây từng được nhiều bạn bè, đồng nghiệp hay cấp dưới đến thăm hỏi, tặng quà vào các dịp lễ, Tết… nhưng sau khi nghỉ hưu thì các mối quan hệ này không còn thân thiết như trước nữa. Số người qua lại ít dần, thậm chí có những người từng gắn bó với mình cũng xa dần.
Do đó, người nghỉ hưu trước hết cần xác định hiểu thấu đáo chữ thịnh suy, đánh giá lại chính bản thân mình lúc còn làm việc ở công sở để ứng xử với việc mất đi những quyền lợi từng có trước đây sẽ là điều tất yếu, là quy luật của cuộc sống không nên lấy làm buồn phiền hay tức giận, bớt bỏ những thứ không phải là của mình là điều tốt cho tâm trạng được nhẹ lòng. Những người từng có một quá khứ có địa vị, quyền lực, có danh tiếng… cũng cần học cách buông bỏ dần, rũ nhẹ những gì đã qua, xem như “áng phù vân” để thân tâm được an nhàn, thảnh thơi. Bên cạnh đó, cũng cần có thái độ tích cực ủng hộ những người kế nhiệm, hỗ trợ họ khi cần thiết để họ tiếp tục cống hiến, tạo ra những thành quả to lớn hơn. Người nghỉ hưu cần cẩn trọng, cân nhắc từ những lời nói, nhận xét để tránh dẫn tới sự hiểu lầm, bất hoà với những người đương chức, đương quyền và với đồng đội trước đây, kẻo dễ bị liệt vào sự so sánh, đố kỵ. Cần giữ cho bản thân một lối sống bao dung, hỷ xả, biết tha thứ, rũ bỏ mọi ân oán, phiền muộn; sao cho khi nghỉ hưu vẫn được đồng nghiệp nể trọng, bạn bè yêu mến.
Chúng ta phấn đấu, nỗ lực, thậm chí tranh đua nhau cả đời nhưng chúng ta không thể mang cho mình bất cứ thứ gì sang thế giới bên kia. Rồi mai đây thôi, tất cả chúng ta sẽ trở thành hư vô. Vì vậy, khi chúng ta còn sống, đồng chí, bạn học, bạn hữu… đừng bỏ lỡ khi còn có thể bên nhau. Hãy yêu thương bằng cả trái tim, hãy ôm hôn thật chặt khi còn có thể, đừng buông tay để không còn cơ hội, hối tiếc, để rồi “ngày mai ta bỏ đi, thời gian xin trả lại”.
Thứ ba, người nghỉ hưu cần tạo cho mình thói quen luyện tập để vừa nâng cao sức khoẻ thể lực, vừa gìn giữ một trí tuệ sáng suốt, minh mẫn. Về bản chất, người nghỉ hưu phải đối mặt với nhiều trở ngại trong cuộc sống, ảnh hưởng đến tâm lý nên họ dễ bị mặc cảm, tự ti khi cư xử thất thường với những người xung quanh, nhất là gia đình, làng xóm, khu phố… Để khắc phục tình trạng này, người nghỉ hưu cần duy trì một thói quen sinh hoạt điều độ, không để sức khoẻ và tinh thần bị suy giảm nhanh. Người nghỉ hưu cũng cần dành nhiều thời gian hơn để kết nối với xã hội, sống hoà đồng, giữ tinh thần lạc quan, suy nghĩ tích cực; không nên có thái độ yếm thế, tự cô lập bản thân với xã hội xung quanh. Người nghỉ hưu có thể chủ động tham gia các công tác xã hội, từ thiện, làm các công việc phù hợp với sức khoẻ bản thân, tiếp tục cống hiến cho cộng đồng trong khả năng cho phép. Họ có thể làm vườn, dạy học hay sinh hoạt tại các câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ địa phương để đời sống tinh thần thêm phong phú, dồi dào. Tóm lại, người nghỉ hưu nên sống ung dung, tự tại, thoải mái, giữ cho tâm trí thanh thản, nhẹ nhõm, thân tâm an lạc, vui tươi. Có thể ví “như con chim bay lượn, muốn bay đâu thì bay, muốn làm gì thì làm”, miễn là có lợi cho bản thân và cho cộng đồng.
Cuối cùng, xã hội cần thấu hiểu cho tâm trạng của những người nghỉ hưu để có cách cư xử đúng mực với họ. Suy cho cùng, người nghỉ hưu không mong gì hơn ngoài sự cảm thông và quan tâm từ những người xung quanh và đồng đội. Một câu chào, một lời hỏi thăm từ con cháu trong gia đình hay hàng xóm, láng giềng cũng đủ để thể hiện sự yêu quý, kính trọng đối với người nghỉ hưu; chứ chưa cần tới những thứ cao xa hơn. Giữa những người nghỉ hưu với nhau cũng nên duy trì kết nối thường xuyên; cần coi nhau như bạn bè, bằng hữu, không nên có sự phân biệt về chức tước, giàu nghèo, không mang giữ những xích mích cũ, xoá bỏ khoảng cách để gần với nhau. Sợi dây tình cảm cần phải được nối chặt, mỗi người sẽ trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc cho bạn bè, đồng nghiệp; sống giản dị, chan hoà trong tình yêu thương, sự thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau. Đó chính là bí quyết sống vui – sống khoẻ mà mỗi người cần trang bị cho mình khi bước vào giai đoạn cuộc đời của người nghỉ hưu, sao cho giai đoạn này trở về đúng nghĩa là một giai đoạn an nhàn, vui hưởng tuổi già đích thực. Nguyên Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ khi ông nghỉ hưu đã viết: “Sống một ngày lãi một ngày, vui một ngày, sức khoẻ là của mình”. ■
Xuân Sơn