Con đường "Hồ Chí Minh"

Luật sư Trịnh Đình Thảo (1901-1986) sang Pháp du học từ trẻ nhưng chính trong thời gian ở Pháp, ông đã sớm đến với phong trào yêu nước sau khi được tiếp xúc với các tác phẩm của Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc… Với tấm bằng Tiến sĩ Luật, Trịnh Đình Thảo trở về nước với “những tư tưởng dân tộc mà ông đã lĩnh hội được qua những bài báo của Bác”. Ông từ chối hợp tác với các chính quyền bù nhìn ở Sài Gòn, từng 5 lần bị chúng bắt giam, và đặc biệt, ông đã dám công khai thách thức chính quyền Mỹ – Ngụy khi đặt tên cho con đường đi qua trại xoài của mình là “đường Hồ Chí Minh”… Tạp chí Phương Đông xin giới thiệu bài viết đăng trên báo “Cứu Quốc” số 3642, ngày 18/5/1973, trong đó luật sư Trịnh Đình Thảo kể lại những kỉ niệm xúc động của ông với Bác Hồ, từ những ngày chàng sinh viên trẻ được đến với “Con đường Hồ Chí Minh” – con đường giải phóng dân tộc – những năm 1926 1927 khi đang học ở Pháp, cho tới cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ giữa vợ chồng ông với Bác vào năm 1969, khi ông Thảo đang là Chủ tịch Liên minh các Lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam.

Lúc còn trẻ, khi đang học tiến sĩ ở Pháp – những năm 1926 – 1927, trong lúc đang vô cùng tủi nhục vì phải sống số phận của người dân mất nước thì những bài báo của Bác ký tên Nguyễn Ái Quốc trên báo Le Paris và cuốn sách rất giá trị của Bác với nhan đề “Bản án chủ nghĩa thực dân” đã như một luồng gió thổi bùng lên trong những sinh viên chúng tôi lòng yêu nước và máu căm hờn bọn thực dân. Giữa năm 1927, cùng với một nhóm sinh viên ở Aix-en Provence, chúng tôi tổ chức một “Đại hội sinh viên gốc An Nam” đang sống ở Pháp. Tham dự đại hội có gần 400 sinh viên ở Paris và các tỉnh khác về họp. Một số quan khách người Pháp có tên tuổi như ông Chưởng lý Tòa thượng thẩm, ông Thị trưởng thành phố Aix, ông thủ lĩnh luật sư đoàn… cũng đến dự.

Chân dung luật sư Trịnh Đình Thảo. Ảnh: TTXVN

Trong suốt ba ngày họp, chúng tôi luôn lấy nội dung trong một số bài báo của Bác để phân tích thảo luận. Tôi và nhiều anh em khác đều nhận thức rõ ràng: Tổ quốc Việt Nam đang bị mất quyền độc lập, dân Việt Nam đang sống cuộc đời nô lệ. Chúng tôi nhất trí với nhau rằng: Tổ quốc phải được độc lập tự do, nước Việt Nam phải là của người Việt Nam, chúng tôi căm hờn bọn đế quốc xâm lăng bao nhiêu thì càng căm ghét bọn buôn dân bán nước bấy nhiêu. Kết thúc đại hội, chúng tôi đã đưa ra một kiến nghị làm xôn xao dư luận cả nước Pháp và bán đảo Đông Dương. Kiến nghị ấy, không hơn không kém: Đòi Chính phủ và Quốc hội Pháp phải lập tức trả độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam. Các báo chí toàn nước Pháp lưu ý nhiều đến kiến nghị của Đại hội.

Báo phe tả thì đồng thanh ca ngợi lòng yêu nước của sinh viên. Báo phe hữu thì nguyền rủa chúng tôi. Có báo đã nói rõ ra rằng: “Những sinh viên An Nam này đã bị ảnh hưởng tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc”. Đúng như vậy, những ngày còn non trẻ về nhận thức chính trị này, sự xa hoa của xã hội, tư tưởng chuộng danh vọng, địa vị rất dễ đẩy chúng tôi vào con đường đen tối sa đọa và thậm tệ hơn là phản bội dân tộc. May mắn thay cho đời tôi, những ngày tuổi trẻ này tôi đã gặp những bài báo của Bác. Lời kêu gọi của Bác trong “Tuyên ngôn Hội liên hiệp thuộc địa” và 8 yêu sách gửi đến Nghị viện Pháp mà Bác đã giải thích trong bài “Cuộc kháng Pháp” là những dòng máu dân tộc truyền sang tim máu của tôi. Chính Bác, trong những tháng năm này, bằng những bài báo ấy đã vạch cho tôi con đường: Con đường giải phóng dân tộc. Con đường đó, Bác đã vạch ra không phải chỉ là con đường sau này dành riêng cho những đảng viên cộng sản. Nó là con đường chung cho tất cả mọi người dân Việt Nam, ở mọi giáo phái, tầng lớp, cho những ai có lòng yêu nước, biết tự tôn dân tộc và muốn sống độc lập tự do.

Tôi về nước năm 1929, ngoài những học vị giành được sau những năm học hành ở Pháp, tôi còn mang về Sài Gòn những tư tưởng dân tộc mà tôi đã lĩnh hội được qua những bài báo của Bác. Suốt những năm này tôi cự tuyệt mọi sự cộng tác với chính quyền bù nhìn. Trong cương vị một luật sư, tôi ra sức bênh vực và bảo vệ những anh chị em hoạt động chính trị bị bọn chúng bắt tù đày; và hoạt động trong các phong trào đòi quyền dân chủ, quyền tự quyết cho dân tộc ta.

Sống giữa Sài Gòn, mỗi bước đường tôi đi, mỗi khi qua cầu Khánh Hội hoặc ra bến tàu, tôi không thể không hình dung, dù là rất khái quát, về ngày Bác rời Sài Gòn ra đi. Âu rằng, đó cũng là niềm tự hào của người dân Sài Gòn yêu nước. Sài Gòn là mảnh đất Việt Nam đã tiễn Bác đi tìm chân lý. Ngày ấy, Bác với tên là Văn Ba đã làm phụ bếp trên chiếc tàu Latouche Tréville của Pháp. Bằng con đường đó Bác đã đến Paris, sống trong ngõ hẻm Conpoint và làm nghề thợ ảnh. Chính từ những ngõ hẻm ấy, từ những ngày lao khổ đó, Bác đã tìm ra cho Tổ quốc con đường giải phóng dân tộc. Còn chúng tôi, chúng tôi rời Sài Gòn đi Marseille bằng tàu Paul Le Cat, sống đầy đủ và ăn học đường hoàng. Chúng tôi có đủ thời gian và điều kiện để nghe tiếng gọi của dân tộc, để nhận thức những vấn đề cấp thiết của xã hội. Vậy lẽ nào chúng tôi không góp được gì cho Tổ quốc? Lẽ nào chúng tôi không làm được gì để hưởng ứng lời kêu gọi thống thiết của nhà cách mạng vĩ đại Nguyễn Ái Quốc? (lúc này chúng tôi vẫn gọi Bác như thế).

Cho đến năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, Bảo Đại đánh điện mời tôi ra giữ chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp, tôi nảy ra một ý nghĩ: Có thể với chức vị này tôi sẽ góp phần được với đất nước chăng?

Tôi nhớ một trong những số báo Le Paris mà tôi đã đọc được ở Paris có đăng một bài phát biểu của Bác tại một hội nghị quốc tế. Trong đó đại ý Người nói: Nhân dân Đông Dương đang sống cuộc đời nô lệ, đã đến lúc họ không chịu được nữa. Họ sẵn sàng đứng lên nhưng họ đang gặp khó khăn là thiếu người lãnh đạo… Nhận định này từ năm 1926, vậy mà cho đến lúc này tôi vẫn thấy đúng. Hàng trăm nhà cách mạng, hàng ngàn người yêu nước đã bị bắt và giam cầm trong các nhà tù đế quốc. Phải giải phóng họ! Nhận chức Bộ trưởng Tư pháp tức là nắm pháp luật và nhà tù trong tay mình, đó là một thời cơ… Với ý nghĩ đó, tôi chấp nhận yêu cầu của Bảo Đại và lên đường ra cố đô Huế chính thức nhận chức. Trên đường đi, tôi ghé thăm các nhà giam ở Phan Thiết, Nha Trang. Tại những nơi này tôi đã thả ngay những người “tù chính trị” và những “thường phạm”, số những người này lên đến hàng nghìn.

Khi tôi ghé thăm Quy Nhơn thì ngoài số tù nhân bị giam ở đây từ trước còn có 48 tù nhân mà bọn Nhật gọi là “cộng sản chính cống” chúng vừa giải từ Đắc Tô về và nhốt riêng một chỗ, canh gác cẩn thận. Tôi ra lệnh thả ngay số anh em này và giúp cho anh em các điều kiện để về xứ. Sau này, ra Hà Nội năm 1969, anh Tôn Quang Phiệt mới cho tôi hay rằng trong số các anh được thả hôm ấy có nhiều anh hiện đang giữ cương vị cao trong Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Việc làm ấy, giờ đây ngồi nghĩ lại tôi thấy rõ rằng mình làm hoàn toàn theo ý thức được thức tỉnh bằng con đường giải phóng dân tộc mà Bác đã vạch cho. Một lần nữa, tôi vô cùng biết ơn Bác Hồ đã đến với tôi và chỉ cho tôi một việc làm có nghĩa với nước… Sau khi Chính phủ Trần Trọng Kim từ chức, giao quyền lại cho chính quyền nhân dân, tôi trở về Sài Gòn với lòng vui tràn ngập là từ nay đất nước được giải phóng và niềm vui to lớn hơn nữa – Chủ tịch của nước Việt Nam là Bác Hồ, là Nguyễn Ái Quốc, con người mà tôi đã hết lòng ngưỡng mộ, con người mà 20 năm về trước đã tiêm vào tôi dòng máu dân tộc, dòng máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Nhưng chỉ mấy tháng sau, đế quốc Pháp lại xâm lăng nước ta. Nam bộ bằng súng hơi và gậy tầm vông vạt nhọn đã đứng lên chống Pháp theo lời kêu gọi của Bác: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Tôi hưởng ứng lời kêu gọi này bằng cách kiên quyết không mặc áo trạng sư và đóng cửa văn phòng suốt trong thời gian Sài Gòn trong tay thực dân Pháp, vì rằng: nếu mặc áo trạng sư ngồi trong tòa án của chúng là công nhận sự xâm lăng của chúng. Và cũng từ đó cho đến năm 1968, khi tôi ra vùng giải phóng tham gia thành lập Liên minh các Lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam, tôi đã 5 lần bị bọn bán nước và bọn CIA Mỹ bắt giam và bỏ tù. Đó là chưa tính những lần chúng hạch sách hoạnh họe tôi về việc tôi không ra cộng tác với chính phủ của chúng. Những lần ngồi tù của tôi không phải là những trận thi gan với đòn roi tra tấn, mà là những trận đấu trí tay đôi giữa chân lý và phi chân lý, giữa kẻ xâm lược và những người bị xâm lược. Những lần tù đày đó, hình ảnh Hồ Chủ tịch ở trong tù với tập thơ “Nhật ký trong tù” đã tiếp sức cho tôi. Tôi nhỡ mãi hai câu “Thân thể ở trong ngục, tinh thần ở ngoài lao” của Bác, và những lần đấu trí với kẻ thù này, Bác lại đến với chúng tôi, tinh thần dân tộc, ý thức độc lập của Bác đã giúp tôi vững vàng khi đối đáp với bọn đế quốc và bè lũ tay sai. Tôi nhớ có lần bọn sếp CIA hỏi tôi: “Ở tận Washington mà chúng tôi còn đem trí thức sang xây dựng cho nền văn minh Việt Nam, thế sao ông là người Việt Nam lại không chịu cộng tác với chúng tôi để giúp dân tộc của ông?”. Thật là mỉa mai cho bọn xâm lược. Tôi đã cười gằn và đáp rằng:

– Các ông lầm rồi. Dân tộc Việt Nam chúng tôi có một lịch sử 4.000 năm, có một nền văn hóa phong phú, một nền văn minh lâu đời dựa vào đạo đức chứ đâu như cái văn minh của các ông chỉ dựa vào bạo lực và hung tàn. Sự “văn minh” ấy của các ông, dân tộc tôi đâu cần…

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ – Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam (trái) và luật sư Trịnh Đình Thảo tại căn cứ Tây Ninh. Ảnh tư liệu

Sống giữa Sài Gòn nhan nhản lính Mỹ với lối “văn minh” rất trụy lạc, với cuộc sống rất giả tạo và đồi bại, những người trí thức chúng tôi biết thương nước, thương nòi vô cùng thấm thía trước cái nhục mất nước. Chính lời kêu gọi vang dậy núi sông của Bác: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” đã thấm sâu trong lòng chúng tôi và thôi thúc chúng tôi phải làm gì để góp phần giành độc lập cho dân tộc. Trước đây sống ở Paris, tôi đã vô cùng ngưỡng mộ nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc thì giờ đây, những ngày sống ở Sài Gòn nghẹt thở này, lòng kính yêu và tin tưởng ở Bác Hồ đối với chúng tôi có thể nói là vô tận. Lúc này nhà tôi ở Thông Hạnh Tây có một vườn xoài rộng. Từ xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa vào nhà có một con đường lớn rất đẹp chạy xuyên qua trại xoài. Tôi đặt tên cho con đường đó là “đường Hồ Chí Minh” để phần nào biểu lộ lòng kính yêu và biết ơn của tôi đối với Bác. Tôi cho kẻ biển và treo trên con đường này. Chỉ sau ít lâu, việc làm này lan truyền trong giới trí thức và bà con ở Sài Gòn. Bọn CIA Mỹ phái bọn cảnh sát Sài Gòn đến gây sự với tôi. Chúng bắt tôi tháo biển xuống. Thực tình mà nói khi đọc tấm biển ghi “đường Hồ Chí Minh” thì bọn chúng cũng trở nên e dè và có phần kính nể. Chúng chỉ dám bảo tôi:

– Có lệnh của trên yêu cầu ông hủy bỏ những tấm biển này.

– Vì sao? Giữa Sài Gòn có đại lộ Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi thì tôi đặt đường Hồ Chí Minh cũng được chứ sao?

– Ông Hồ là cộng sản, với lại đây là lệnh cấp trên, chúng tôi chỉ biết thi hành.

– Ừ, thì gỡ!

Tôi trả lời nhát gừng và cho người gỡ những tấm biển “đường Hồ Chí Minh” xuống, nhưng lòng nghĩ rằng: Chúng làm sao tháo được lòng kính yêu của mỗi người dân Sài Gòn đối với Bác. Chúng làm sao gỡ được con đường Hồ Chí Minh đã ở trong tim và óc của tôi. Đêm đó, tôi thao thức. Bỗng dưng tôi ước mơ một ngày kia, khi Sài Gòn giải phóng, Bác sẽ vô thăm. Lúc đó tôi sẽ thưa lại với Bác tất cả, kể từ bài báo đầu tiên của Bác mà tôi được đọc cho đến việc đặt tên con đường này và tôi thầm nghĩ rằng: chắc việc làm nhỏ mọn này sẽ làm Bác vui. Nghĩ vậy tôi thấy lòng hả hê vui sướng…

Nào ngờ, niềm vinh hạnh đó lại đến với tôi quá sớm. Tháng 8 năm 1969, tôi dẫn đầu một đoàn đại biểu Liên minh các Lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam ra thăm miền Bắc. Khi vừa ở chiến khu ra, tôi nghĩ ngay rằng trong chương trình của chúng tôi, một trong những việc phải làm trước tiên là đến thăm Hồ Chủ tịch, thăm Bác vô vàn kính yêu mà tôi đã mấy chục năm trời đêm thương ngày nhớ. Ra đến Hà Nội, chúng tôi còn nghỉ để lấy lại sức khỏe, thì ngay ngày thứ hai có tin sẽ có Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm. Tôi hy vọng rằng, qua Thủ tướng, chúng tôi sẽ gởi gắm một số tâm tư của mình đến Bác. Chiều hôm đó, chiếc xe Volga chở Thủ tướng đến thăm chúng tôi tại nhà nghỉ riêng. Vợ chồng tôi xuống đón Thủ tướng ở sân thì thình lình, xe xịch đỗ – từ trong xe bước ra với Thủ tướng là Bác Hồ. Tôi xúc động, bàng hoàng, niềm vui to lớn đến với tôi bất ngờ quá. Tôi sửng sốt và bối rối vì một sự bất nhã của mình. Tại sao tôi không chủ động đến thăm Bác ngay từ hôm qua? Tôi tự trách mình chậm quá… Thực tình, khi rời chiến khu tôi đã nghĩ như vậy, thế nhưng khi đến Hà Nội tôi lại nghĩ rằng: Bác bận trăm công nghìn việc, Bác chăm lo cả miền Nam, ta không nên làm phiền Bác nhiều. Tôi nhớ, trong dịp xuân Kỷ Dậu, tôi có thay mặt Liên minh Trung ương gửi điện ra chúc thọ Bác. Tôi nhận được điện Bác trả lời tôi. Đây cũng là bức điện đầu tiên của Bác gửi đích danh tên tôi. Trong đó có đoạn Bác nói: “Sự ra đời và những hoạt động tích cực của Liên minh các Lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam do Chủ tịch lãnh đạo là một thắng lợi rực rỡ của lòng yêu nước và sức mạnh toàn dân đoàn kết chống Mỹ, cứu nước”. Hôm ấy, giữa khu giải phóng, bức điện đã đem đến tôi một sức mạnh diệu kỳ và niềm vui bất tận. Khi ra miền Bắc, tôi định khi gặp Bác sẽ thưa rằng: đó là việc làm theo tiếng gọi của Bác. Giờ đây, trước mặt tôi là Bác, tôi bàng hoàng… Lúc sau tôi mới tĩnh tâm thưa được với Bác:

– Chúng cháu mới ra, chưa kịp đến thăm Bác… Bác thứ lỗi cho…

– Ồ! Bác khẽ khoát tay và nói vui vẻ, vui vẻ thân mật mà dứt khoát: “Ông bà đi xa hàng ngàn cây số ra đây, tôi đến thăm trước là lẽ thường tình”.

Luật sư Trịnh Đình Thảo, Chủ tịch Liên minh đọc diễn văn khai mạc tại Hội nghị đại biểu Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam. Nguồn ảnh: TTXVN

Trong phòng khách của nhà nghỉ, Bác và Thủ tướng Phạm Văn Đồng vui vẻ thân mật trò chuyện với vợ chồng tôi. Bác hỏi thăm sức khỏe của chúng tôi, của từng anh chị em trong Liên minh. Bác hỏi thăm sức khỏe anh Nguyễn Hữu Thọ… Bác hỏi cặn kẽ về những người Bác biết và Bác đã có dịp gặp. Bác hỏi thăm tình hình miền Nam, tình hình Sài Gòn và đặc biệt Bác hỏi về những hoạt động của Liên minh các Lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam của chúng tôi. Tôi đang dự kiến sẽ báo cáo với Bác về tuyên ngôn và chương trình chính trị của Liên minh thì Bác đã nói:

– Ba điểm chính: Cứu quốc, kiến quốc và thống nhất đất nước nêu trong tuyên ngôn cứu nước của Liên minh là một đóng góp rất thiết thực với sự nghiệp giải phóng đất nước hiện nay…

Thì ra mọi việc làm của chúng tôi Bác đều biết và Bác biết rất cụ thể. Một điều cụ thể cực kỳ tinh tế của Bác, Bác biết đến việc tôi đặt tên con đường rất đẹp trong trại xoài của chúng tôi là “đường Hồ Chí Minh”. Bác quay người sát sang phía tôi và ghé vào tai tôi hỏi nhỏ:

– Con đường Hồ Chí Minh trong trại của luật sư còn không?

Tôi sửng sốt, vợ tôi càng sửng sốt hơn. Tôi rung động đến tận từng chân tơ kẽ tóc. Tôi phải lấy bình tĩnh mới không để nước mắt trào ra. Tôi đưa bàn tay để vào ngực trái mình và thưa với Bác trong niềm xúc động mãnh liệt:

– Thưa Bác, còn luôn luôn…

Bác và Thủ tướng cười cởi mở. Vợ chồng tôi tràn ngập niềm vui. Đúng như vậy, con đường mà Bác đã vạch cho tôi từ năm 1926 – 1927: Con đường giải phóng dân tộc, con đường đó tôi đã kiên trì theo đuổi trên bốn chục năm ròng, con đường đó không bao giờ mất được.

Đó là lần đầu tôi gặp Bác và cũng là lần cuối cùng. Theo chương trình của ngày ra mắt với đồng bào miền Bắc của phái đoàn chúng tôi, tối hôm đó chúng tôi sẽ được đến thăm Bác, nhưng chương trình không thực hiện được vì Bác mệt…

Sau lễ tang Bác ít lâu, tôi có dịp đến thăm chỗ ở và nơi làm việc cuối cùng của Bác. Tôi đã đứng lặng đi, những đợt sóng xúc động đang dồn dập trào dâng trong con tim khối óc của tôi. Trên bàn làm việc của Bác, gần bên hình ảnh Lenin và chiếc cốc pha lê mà Bác vẫn ngày ngày đơm những đóa hoa hồng, hoa huệ ngát hương… có một số báo “Nhân dân”, số báo ra ngày 17/8/1969, trên đó, ở trang nhất có đưa rất trang trọng tin và hình ảnh về những ngày ra thăm miền Bắc của đoàn đại biểu Liên minh của chúng tôi. Đó cũng là số báo và những tin tức cuối cùng Bác đã đọc trước khi ra đi.

Xúc động và vinh dự biết bao… Trong hành lý mang theo của Bác có hình ảnh của Liên minh chúng tôi. Những tình cảm to lớn Bác đã dành cho chúng tôi sẽ mãi mãi còn đọng lại ở gian phòng lịch sử này. Những tình cảm thiêng liêng đó, những phần vinh dự đặc biệt đó có đủ sức mạnh nhắc nhở chúng tôi luôn luôn đi tới làm trọn lời dạy bảo và di huấn của  Người.■

Luật sư Trịnh Đình Thảo kể, Hồng Thanh ghi

Ghi tháng 10/1969 – Viết tháng 5/1972

(Theo Tạp chí Phương Đông)

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN