Nội hóa là hàng hóa sản xuất ở trong nước. Làm thế nào để phát triển sản xuất trong nước là vấn đề được đặt ra từ rất sớm và càng ngày càng trở nên cấp bách. Vào đầu thế kỷ XX, Việt Nam vẫn được coi là một nước thuần nông. Những ý tưởng phát triển kỹ nghệ, mở rộng quy mô sản xuất mỹ nghệ được nhen nhóm và hậu thuẫn bởi các chính sách của nước Pháp bảo hộ. Ngành tơ tằm được chú ý đặc biệt bởi đó là một nghề có truyền thống, thiết yếu với đời sống người dân. Một đạo luật ra đời vào năm 1934 để:
Cấm những thứ hàng làm không toàn bằng thứ tơ tằm, không được lạm dụng cái tên ‘hàng tơ lụa’ mà đem nhập cảng, hoặc mua trữ để bán, hoặc đem bán.
Hội chợ tơ lụa Hà Đông được tổ chức vào đầu thế kỷ 20 là một trong các động thái của chính phủ nhằm khuyến khích người dân dùng hàng nội địa.
Tuy nhiên ở vào giai đoạn tiên phong ấy đã có biết bao khó khăn.Trong nước thì thiếu thốn trăm bề, hàng hóa ngoại quốc lại mang tính cạnh tranh cao bởi mẫu mã đa dạng và màu sắc phong phú, giá cả phải chăng.Những khó khăn cũng như trở ngại ấy đã biến thành động lực để vươn lên bởi ý chí của những nhà canh tân. Đất nước Việt Nam dưới thời Pháp thuộc do đó đã có những chuyển biến không hề nhỏ để bắt kịp với thời cuộc thế giới. Những chuyển biến của xã hội được thúc đẩy bởi các nhà cải cách và một phần nào đó qua sự hô hào của các nhà văn hóa. Chúng tôi sao lục được một bài viết như vậy của nhà nho Nguyễn Hữu Tiến (1875-1941) đăng trên tờ báo danh tiếng Nam Phong. Ông có hiệu là Đông Châu, nhà nghiên cứu cộng tác đắc lực với tạp chí trong nhiều năm trời. Đây là một nhà khảo cứu và dịch thuật nổi tiếng về thơ văn cổ Việt Nam nói riêng và văn học Việt Nam nói chung, thơ văn Trung Quốc, nho học,.. Địa hạt chính của ông là văn hóa, lịch sử, triết lý, thơ văn nhưng thật bất ngờ là ông còn có các bài viết sâu sắc trên lĩnh vực kinh tế. Con người tưởng như chỉ biết đàm luận về triết lý văn chương lại có thể đưa ra những luận thuyết kinh tế vừa đúng về lý vừa hay về tình:
“Vậy muốn sống về nghề, muốn cho nghề mình sống, ta quyết phải cải cách để tiến bộ hơn lên thì mới cạnh tranh lại được chút lợi.”
Việc “nội hóa” làm sao cho khỏi quê đã được ông chỉ ra một cách chính xác. Đúng là “Ở đời phải biết chiều đời” như ông đã nói. Nhà sản xuất phải chú trọng để chiều theo thị hiếu của khách hàng. Hàng hóa nội địa mà kém chất lượng, giá cả lại cao thì làm sao mà hô hào người dân dùng hàng trong nước cho nổi. Ngày nay trong xu hướng toàn cầu hóa, sự cạnh tranh càng trở nên khốc liệt. Việc canh tân công nghệ, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, làm ra các sản phẩm xanh với giá cả phải chăng là con đường bắt buộc. Việc giữ các nghề thủ công như tơ tằm ngoài việc bảo tồn 1 nghề truyền thống còn giúp cho cuộc sống của phụ nữ thôn quê bớt nhọc nhằn. Ông đã “trung thành với cái áo the cái khăn lượt” là vì thương những người phụ nữ chân yếu tay mềm thích hợp với việc trồng dâu nuôi tầm. Họ không thể đi làm phu mỏ hay các công việc nặng nhọc khác như cánh đàn ông sức dài vai rộng.
Bài viết từ năm 1934 nhưng không hề mất đi tính thời sự. Tác giả cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin về tình trạng làng nghề thủ công, về đời sống xã hội lúc đương thời. Nhưng trên hết, lời kêu gọi cải cách đầy tâm huyết cùng những trăn trở về đời sống phụ nữ thôn quê xứng đáng được gửi đến các nhà kỹ nghệ, các doanh nghiệp và chính khách thời nay. Chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc nguyên văn bài viết. Cách viết có gạch nối được bỏ đi, vài lỗi chính tả được sửa cho hợp thời. Những từ mà ngày nay ít dùng được chúng tôi thêm chú thích cho dễ hiểu.
MỘT ĐẠO LUẬT BẢO HỘ TẰM TƠ
Nguyễn Hữu Tiến
(Nam phong số 200, ngày 16 tháng 7 năm 1934)
Gần đây thứ tơ lụa nhân tạo chế hóa ngày càng tinh vi, máy dệt ngày càng khéo léo, những hàng mặc bằng thứ tơ giả ấy nhập cảng vào nước ta ngày càng thịnh vượng. Hàng đẹp giá hạ, mập mờ đánh lận con đen. Người ta phi là nhà nghề, mấy ai đã có con mắt phân biệt cho biết vàng thau ngọc đá. Lại gặp lúc nhân tình sốt sắng cầu tân, chẳng mới được phần trí thức âu hẵng mới về phần dáng dấp. Những hàng giả dối ấy đầu cơ lại càng được dịp. Bởi vậy mà ngươi ta xô nhau chuốc lấy những hàng mặc màu mè mới lạ, mà kỳ thực nó là những thứ giả dối mà không biết. Còn những thứ chân thật bằng những thứ tơ tằm dai bền, nhưng vì hình thức chất phác thì người ta khinh bỏ không thèm dùng tới. Khăn lượt, áo the, quần lĩnh ấy là những hạng trai gái tiêu biểu cho phái thủ cựu[1]. Áo sa tanh, bông bay, quần cẩm châu ấy là những hạng trai gái tiêu biểu cho phái duy tân.
Chẳng cần thật hay giả, bền dai hay chóng hỏng, chẳng cần cảm tình, miễn vừa nhẹ đồng tiền mà khoác vào người lại ra vẻ một nhân vật tân thời, trong cuộc xã giao ai trông cũng phải nể nang. Như thế thì người ta xô nhau đua nhau cũng là lẽ thường, không lấy gì làm lạ. Bởi vậy mà nay phái phụ nữ thôn quê bấy nay ở trong cái nghề hái dâu chăm tằm, ươm tơ dệt lụa là cái nghề thủ công, cái nghề gia đình kỹ nghệ còn sống sót trước khi xã hội ta chưa thịnh hành máy móc, cũng chung số phận thất nghiệp đáng thương. Mới đây có bài phong dao tả một người thiếu phụ Kẻ La, nơi chuyên nghề dệt the lụa đi bán hàng tơ ở thành phố Hà Nội, đi suốt ngày hàng ế, tối về con đói. Thực đúng cái tình cảnh khốn quẫn của con nhà nghề tơ lụa xứ ta hồi này.
Ý hẳn những nhà dân biểu bên Thái Tây[2] đã thấu đáo cái tình cảnh chung của nhà nghề tơ tằm ở các nơi trên thế giới, đã đều bị cái nạn sinh nhai khốn quẫn ấy. Bị cái nghề tơ giả nó đánh đổ nghề tơ thật, không những nó làm tai nạn cho kẻ nhà nghề chế hàng tơ thật, mà nó làm thiệt hại cho cả những người không tinh mà dùng nó.
Bởi vậy mà ngày 24 tháng 5 vừa rồi, tại Hạ nghị viện bên Thượng quốc[3], đa số nghị viên đã đầu phiếu ưng chuẩn bản dự án một đạo luật mới để bảo hộ cho nghề tằm tơ, đại khái như sau này:
“Cấm những thứ hàng làm không toàn bằng thứ tơ tằm, không được lạm dụng cái tên ‘hàng tơ lụa’ mà đem nhập cảng, hoặc mua trữ để bán, hoặc đem bán. Những hàng có ít ra là nửa phần tơ thì sẽ gọi tên là thứ hàng có ‘tơ trộn’ (soie mélangée). Các hàng có dưới nửa phần tơ và ngoại một phần tơ trọng lượng bằng tơ lụa thì lấy tên chất chính mà gọi tiếp theo tên ‘có trộn tơ lụa’. Còn những hàng khổ ngang hay chiều dài bằng toàn tơ thì đặt tên thứ hàng có ‘khổ ngang hay khổ dài’ bằng tơ.
Khoản thứ hai nói rằng người nào gian trá đánh lừa khách mua hàng sẽ phải chiểu theo đạo luật ngày 1 tháng 8 năm 1905 và khoản 13 đạo luật ấy mà phạt.” (Theo bản dịch của Phụ nữ Thời đàm số 25).
Đạo luật này sẽ đem thi hành cả nước nơi thuộc địa, thuộc quốc của nước Pháp. Thực là một điều có ảnh hưởng lớn về sự chấn hưng cho công nghệ tằm tơ trong nước ta hiện nay. Bởi vì cứ như trong lời luật trên ấy đã nói rõ thì những thứ hàng bằng tơ giả đã không được nhập cảng, mà nhà hàng trong xứ cũng không được trữ và bán. Lại những thứ có chộn tơ hoặc pha làm khổ ngang, khổ dài, đều phải khai minh, không được lừa khách mua mà nói là thuần tơ cả như ngày trước. Như thế thì những hàng thuần tơ tằm có giữ được giá trị thì nghề nuôi tằm, ươm tơ, dệt the lụa của bản quốc mới mong còn vớt vát lại được chút công ăn việc làm.
Tơ nhân tạo giá đã hạ, nhưng hàng mặc bằng thứ tơ ấy lại chế tạo bằng máy móc vừa khéo vừa bóng, nên bán rẻ được mà người mua dễ mắc lừa. Thế mà tơ tằm thì lại tốn nhiều công phu, hàng ta lại chế tạo bằng thủ công vừa chậm vừa không được tinh xảo cho lắm, giá cả lại phải bán cao, thì hàng tơ tằm quyết không thể nào cạnh tranh với hàng tơ giả được. Tất phải tới khi thứ hàng ấy bị cấm hoặc hạn chế bớt đi, thì bấy giờ nghề tơ lụa của ta mới có thể lại khởi sắc lên được. Vì rằng hàng ngoài tuy nhờ máy móc nhanh chóng, nhưng cái vốn tơ tằm đã cao thì cũng không có thể bán hạ giá như thứ tơ giả được. Còn hàng ta thì tuy phải làm bằng chân tay chậm chạp, nhưng nhân công của ta hạ, ta có thể so với cái giá của hàng ngoài, lấy công làm lãi mà kiếm được bát cơm. Xem đạo luật trên đó chúng tôi thực lấy làm mừng cho các bạn phụ nữ thôn quê, con nhà lấy nghề hái dâu chăn tằm, ươm tơ để nuôi sinh mệnh bấy nay.
Chúng tôi biết cái nghề tằm tơ, ươm dệt ở nước ta, cũng không lấy gì làm lợi lộc cho lắm. Nghề này đã làm bằng tay lại tản mạn ra nhiều các gia đình, lặt vặt tiểu kỷ, còn lấy đâu ra mà phát đạt được. Nhưng trước khi kỹ nghệ của xã hội mình chưa phát đạt, số nhiều bọn phụ nữ thôn quê cũng may nhờ nó mà có nghề nghiệp thường. Một cái nghề khéo léo mà thanh nhàn, vừa nuôi được con vừa giữ được nhà. Chớ bây giờ kinh tế toàn thế giới còn đang khốn quẫn, xã hội ta lại còn ngặt nghèo hơn, nếu mà họ phải bỏ nghề đó thì họ còn đi làm nghề gì.
Đi buôn bán chăng? Nhưng không có vốn và biết buôn bán gì bây giờ?
Đi cấy, làm cỏ, cắt rạ chăng? Nhưng mỗi năm chỉ có mấy ngày mà việc đó cũng đã thừa người rồi.
Đi làm phu hồ cả chăng? Nhưng việc đã ít mà xem cũng nhễ nhại cho cái thân yểu điệu lắm.
Đi làm phu mỏ cả chăng? Việc ít mà xem cũng quá lầm than cho cái phận liễu bồ[4].
Thế nên mỗi khi chúng tôi đội khăn mặc áo, cũng biết cái áo the, cái khăn lượt nó không có vẻ mỹ quan ở cái đời hoạt động này, nhưng nghĩ đến phái phụ nữ tầm tang[5] phường chức vụng về khốn đốn ở chốn thôn quê, thì chúng tôi lại phải trung thành với cái áo the cái khăn lượt này là vì họ. Thực thế.
Tuy vậy, nhưng không có thể nói cảm tình mãi ở đời trí xảo và công lợi này được. Vậy muốn sống về nghề, muốn cho nghề mình sống, ta quyết phải cải cách để tiến bộ hơn lên thì mới cạnh tranh lại được chút lợi.
Thừa dịp này, nghề dệt, nghề nhuộm đều phải hết sức chấn hưng, mà hai nghề này phải cùng nhau hợp tác để cùng mưu lo cho cùng phát đạt.
Về nghề dệt, những lối dệt hàng cũ như lương, lĩnh, the, lượt phải làm cho tinh khéo hơn. Lại tìm cách dệt đủ những thứ mới thanh nhã để cung cấp cho các kiểu nữ trang tân thời. Lại dệt lấy nhiều những hàng để may quần áo tây cùng các thời trang của đàn ông.
Về nghề nhuộm, đem các hàng tơ tằm của ta nhuộm đủ các mầu-mè thanh nhã để cung cho các “mốt” tân trang.
Tham thanh chuộng lạ, là thói thường người ta, ở đời phải biết chiều đời, vậy hàng trong cũng phải theo đuổi cho được ít nhiều cái lối lăng mầu mè mà người đời ưa muốn. Thì bấy giờ mới có thể lấy danh nghĩa “nội hóa” mà mời chào nài ép khách mua được chứ. Không biết nghĩ tới chỗ đó mà cứ lấy “cảm tình” làm bùa hộ mệnh thì là quê. Xin các nhà thực nghiệp, các nhà kỹ xảo trong nước lưu ý.
Bình Phương sưu tầm và giới thiệu
Chú thích:
[1] Thủ cựu: giữ lấy cái cũ, chỉ người cổ hủ đối lập với người tân tiến
[2] Thái-Tây: chỉ nước Pháp
[3] Thượng quốc: chỉ nước Pháp bảo hộ
[4] Liễu-bồ: chỉ người con gái yếu đuối như cành liễu, như cỏ bồ.
[5] Tầm-tang: tầm (còn gọi là tằm) chỉ con tằm, tang là cây dâu. Tầm-tang chỉ nghề trồng dâu nuôi tằm.