Bí mật về “chuồng cọp” Côn Đảo đã được phát hiện như thế nào?

Tháng 7/1970, Tạp chí Life công bố những hình ảnh đầu tiên về “chuồng cọp” Côn Đảo, gây chấn động dư luận Mỹ. Được vận hành bởi chính quyền Việt Nam Cộng hòa với sự phối hợp chặt chẽ của cố vấn Hoa Kỳ và nguồn tài trợ từ CIA, nhà tù Côn Đảo là nơi giam giữ, tra tấn những người bị cáo buộc là Cộng sản cùng nhiều người yêu hòa bình khác. Tình cảnh bi thương của những người tù Côn Đảo bị giới chức Mỹ và VNCH che giấu và chỉ được phát hiện khi có một phái đoàn nghị sĩ Mỹ tới thăm. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu với bạn đọc bản dịch bài báo gốc trên Tạp chí Life, số ra ngày 17/7/1970, cùng một số trích đoạn báo chí khác xoay quanh sự kiện này.

Thư tòa soạn – Tạp chí Life số ra ngày 17/7/1970

Ralph Graves, Thư ký Tòa soạn

Trong số báo này, chúng tôi công bố loạt ảnh được chụp trong một nhà tù ở Đảo Côn Sơn. Đó là tác phẩm của một phi công kiêm nhiếp ảnh gia nghiệp dư 30 tuổi tên là Tom Harkin, người đã tới Việt Nam đầu tháng này với vai trò trợ lý cho một ủy ban của Quốc hội Hoa Kỳ.

Harkin lần đầu nghe kể về tình trạng của nhà tù này từ Don Luce, một thư ký điều hành của Hội đồng Giáo hội Thế giới, người đã ở Việt Nam được 11 năm. Khi Harkin tới gặp Luce ở Sài Gòn thì Luce đang dịch một báo cáo về tình trạng của nhà tù. “Tôi hỏi liệu chúng ta có thể nói chuyện với người nào đó đã từng bị giam trong nhà tù này hay không”, Harkin nhớ lại. “Vài ngày sau, Luce đưa một cựu tù[1] – một thanh niên trẻ – tới khách sạn. Anh nói anh đã ở Côn Sơn được 13 tháng, phần lớn thời gian là ở trong những ‘chuồng cọp’”. Theo miêu tả của anh ấy thì tình trạng ở đó rất tồi tệ. Anh nói rằng những “chuồng cọp” này được giấu rất kỹ và chúng tôi sẽ không bao giờ có thể tìm thấy chúng nếu không có sự giúp đỡ, nhưng rồi anh vẽ cho chúng tôi một bản đồ”.

Chuyến thăm Côn Sơn đã được bao gồm trong lịch trình của ủy ban Quốc hội, nhưng chỉ có 2 nghị sĩ là William R. Anderson của bang Tennessee và Augustus F. Hawkins của bang California bày tỏ mong muốn tham gia, mặc dù Harkin đã kể với cả nhóm những tin đồn về “chuồng cọp”. Luce, vốn thông thạo tiếng Việt, đã đồng hành cùng 3 người với vai trò phiên dịch viên.

Don Luce, người Mỹ đầu tiên phát hiện và tiết lộ thông tin về “chuồng cọp” Côn Đảo. Ảnh: AP

“Chuyến thăm nhà tù chỉ mang tính chất thủ tục”, Harkin nhớ lại. “Những khu nhà ở đó không hay ho, nhưng cũng chẳng có gì kinh khủng. Luce và tôi liên tục đối chiếu bản đồ, và khi phát hiện thấy mình đang tới gần vị trí “chuồng cọp”, chúng tôi tách khỏi nhóm và tự mình lẳng lặng đi tìm. Ở một vườn rau, tôi thấy một bức tường và một cánh cửa có vẻ chẳng dẫn tới đâu, tôi dám chắc đó chính là nó”.

“Tôi thì thầm với nghị sĩ Hawkins rằng tôi đã tìm thấy một cánh cửa trong một vườn rau. Ngay lập tức, ông cất tiếng hỏi viên quản giáo về rau, và không lâu sau đó, tất cả chúng tôi đã ở trong vườn, rất gần chỗ cánh cửa. Tôi hỏi viên quản giáo, một Đại tá người Việt tên là Vệ, rằng phía sau cánh cửa có gì. Anh ta nói nó dẫn tới một khu khác và rằng chúng tôi không được phép vào đó. Tôi khăng khăng đề nghị anh ta mở cửa, nhưng anh ta nhất quyết không chịu. Nhưng rồi có tiếng lanh canh, và cánh cửa bật mở. Rõ ràng là người lính canh bên trong đã nghe thấy tiếng viên Đại tá và tưởng anh ta muốn vào. Viên Đại tá tỏ ra bối rối. Nhưng trước khi anh ta kịp cất lời, nghị sĩ Hawkins và tôi đã lao thẳng vào, và trong đó, chúng tôi thấy những chuồng cọp.

Các nghị sĩ xem xét chuồng cọp trong hơn nửa giờ đồng hồ. Khi thấy Harkin chụp ảnh, viên Đại tá cáu kỉnh đòi tịch thu phim, nhưng Harkin không chịu. Sau đó, trên đường về Mỹ, một thành viên của phái đoàn nghị sĩ cũng hỏi xin cuộn phim của Harkin. Harkin một lần nữa từ chối. “Tôi có một trách nhiệm lớn hơn”, anh nói với nghị sĩ, “đối với 500 con người đang bị giam cầm trong những cái chuồng đó”.

Các thành viên của một ủy ban Quốc hội tới thăm một hòn đảo ở Nam Việt Nam, nơi giam giữ tù chính trị.

Họ nhìn xuống và thấy cảnh này.

Bên dưới những thanh sắt này, các tù nhân ngồi co cụm. Hơn nửa trong số họ là phụ nữ, và có một cô bé mới chỉ 15 tuổi. Không khí hôi hám, cùng với hơi nóng hầm hập. Những thanh sắt bám đầy vôi. Những người tù kể rằng lính canh đã đổ vôi vào họ để trừng phạt. Vôi làm họ bỏng mắt và ngạt thở. Tất cả các tù nhân đều bị bệnh: lao phổi, đau mắt và suy dinh dưỡng. Luce kể rằng những người ốm nặng nhất nằm trên sàn, trong khi những người khác dùng những miếng giẻ để quạt cho họ. Chẳng mấy ai có thể đứng được, bởi họ thường xuyên bị xích. Một người tù kể rằng họ đã lấy trộm được một ít cỏ để ăn trên đường trở về từ những cuộc đánh đập tra tấn, và “bắt thằn lằn, bọ cùng những loại côn trùng khác, ăn sống và chia nhau”.

“Tôi là một nhà sư và tôi đã lên tiếng vì hòa bình vào năm 1966”, người tù nói vọng lên. “Tôi ở đây chẳng vì lý do gì khác ngoài khát vọng hòa bình. Tôi đã bị đánh đập, xiềng xích. Nhưng tôi vẫn lên tiếng vì hòa bình”.

Những tù nhân trong chuồng cọp đều là “tội phạm cứng đầu”, Đại tá Trưởng Trại tù Côn Sơn Nguyễn Văn Vệ nói. “Những kẻ xấu xa. Chúng không chào cờ, kể cả cờ Mỹ”. Trưởng cố vấn Hoa Kỳ về nhà tù và thi hành pháp luật ở Việt Nam là Frank E. Walton, nguyên là sĩ quan cảnh sát ở Los Angeles, người từng quản lý quận Watts. Ông ta thăm Côn Sơn thường xuyên, và trong một tuyên bố có ký tên được phát cho những khách trên đường tới thăm, ông ta nói nhà tù này “là một cơ sở cải huấn đáng được xếp hạng cao hơn một số nhà tù ở Mỹ”. Về sau ông ta còn nói: “Nơi này giống như trại giải trí cho hướng đạo sinh”. Sau khi các chuồng cọp bị phát hiện, ông ta nói: “Các anh không có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Các anh không được nhúng mũi vào những việc không phải của mình”. 

Chung cp Vit Nam (trích)

Don Luce, bài đăng trên trang historianagainstwar.org

Gương mặt của các tù nhân trong những cái chuồng dưới đó vẫn khắc sâu trong tâm trí tôi: một người đàn ông bị cắt 3 ngón tay; một người tới từ Quảng Trị bị vỡ hộp sọ và không lâu sau đã qua đời; một nhà sư tới từ Huế đã lên tiếng gay gắt về sự đàn áp Phật tử. Tôi nhớ rõ mùi hôi thối kinh khủng do tiêu chảy và những vết thương hở, nơi xiềng xích cắt vào cổ chân những người tù. “Cho tôi xin nước”, họ van vỉ. Họ giục chúng tôi đi tới từng buồng giam để kiểm tra tình trạng của các tù nhân khác và tiếp tục hỏi xin nước.

Những bức ảnh mà Harkin, nay đã trở thành một Thượng nghị sĩ, chụp hôm đó đã được in trên Tạp chí Life số ra ngày 17/7/1970. Phong trào phản đối trên toàn thế giới bùng lên sau đó đã đưa 180 tù nhân nam và 300 tù nhân nữ ra khỏi chuồng cọp. Một số người được chuyển qua nhà tù khác. Một số được gửi vào trại tâm thần.

 

Điều gì xảy ra sau khi “chuồng cọp” Côn Đảo bị phát hiện?

Stuart Schrader, bài đăng trên ucpress.edu[2]

… Báo cáo của phái đoàn về chuyến đi đã che đậy tình trạng ngược đãi ở nhà tù Côn Đảo. Vì vậy, Harkin quyết định tiết lộ các bức ảnh. Tức giận trước hành động “tẩy trắng” đó, ông cảm thấy mình buộc phải làm nhân chứng cho những vi phạm mà ông đã chứng kiến. Những tấm ảnh tai tiếng được đăng trên Tạp chí Life.

Ở thời điểm đó, mặc dù cuộc chiến ở Việt Nam vốn đã không được ưa chuộng, song nhiều cử tri Mỹ vẫn chưa hiểu rằng chiến tranh nghĩa là giam giữ những cô gái tuổi thiếu niên trong các nhà tù chật chội vì nghi ngờ họ là Cộng sản. Sau bài báo trên Life, tâm trạng phẫn nộ ở Mỹ tăng lên nhanh chóng.

Thomas R. Harkin tố cáo ủy ban Quốc hội Hoa Kỳ đã che đậy tình trạng ngược đãi tù nhân Côn Đảo trong một buổi họp báo ngày 7/7/1970 ở Washington D.C. Ảnh: UPI

Người biểu tình bắt đầu dựng những “chuồng cọp” bên ngoài Phái bộ Hoa Kỳ tại Liên hợp quốc ở Manhattan và tại một quảng trường công cộng ở Baltimore. Các nhà hoạt động ở Boston tự nhốt mình trong chuồng cọp giả trong tuần lễ phản kháng. Tại London, các nhà hoạt động đã dựng một chiếc chuồng gỗ bên ngoài văn phòng của một nhà thầu tư nhân được thuê để xây dựng các cơ sở giam giữ mới. Họ mời những người qua đường bước vào trong chuồng để trải nghiệm sự giam cầm. Những hành động phản kháng trên đường phố này đã thúc đẩy các hình thức đoàn kết quốc tế mới.

Các tù nhân ở Hoa Kỳ cũng nhận ra sự tương đồng với trải nghiệm của chính họ, được củng cố bởi nạn phân biệt chủng tộc trên phạm vi toàn cầu. Wendell Wade, một thành viên của đảng Báo Đen bị giam trong nhà tù Tehachapi, đã viết rằng phần lớn tù nhân da đen ở California bị giam giữ trong các trại giống như San Quentin, một nhà tù “rất giống” “chuồng cọp trên đảo Côn Sơn”…

Các nhà hoạt động kêu gọi các nhà lập pháp điều tra hoàn cảnh của các tù nhân chính trị ở Việt Nam, và kết quả điều tra đã khiến các cử tri sửng sốt. Được thúc đẩy bởi phong trào vận động này, Quốc hội Hoa Kỳ khóa 93 (1973–1975), đã sử dụng những phát hiện của chính các thành viên và nhân viên của mình để làm nhiên liệu cho sự thay đổi.

Đến cuối năm 1973, được khích động bởi vụ chuồng cọp Côn Đảo và những sự phẫn nộ khác, Quốc hội Mỹ đã biểu quyết đóng cửa Văn phòng An toàn Công cộng, cơ quan điều hành tất cả các chương trình hỗ trợ của Hoa Kỳ dành cho cảnh sát và nhà tù của các quốc gia khác… Chương trình cố vấn của Mỹ dành cho giới chức phụ trách nhà tù ở miền Nam Việt Nam cũng bị cắt tài trợ.■

Thanh Trà dịch

 

Chú thích: 

[1] Đó là ông Cao Nguyên Lợi, cựu tù chính trị Côn Đảo, nhân chứng lịch sử trong vụ việc phanh phui bí mật “chuồng cọp” Côn Đảo đăng trên Tạp chí Life (BTV)

[2] Tên bài do Tòa soạn đặt. Tựa gốc: “Tiger Cages” in Vietnam: How the call for U.S. Prison Abolition is a Global Issue

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN